Lập trường của Tòa Thánh

nhân dịp Hội Nghị Quốc Tế tại Durban

về "Chủ Nghĩa Chủng Tộc"

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC lên án chủ nghĩa chủng tộc và "coi chủ nghĩa này là một tội trọng  xúc phạm đến Thiên Chúa"  nhân dịp Hội Nghị Quốc tế  tại DURBAN, Cộng Hòa Nam Phi, về "chủ nghĩa chủng tộc và những hình thức mới về kỳ thị".

Năm 1998, theo lời yêu cầu của ÐTC Gioan Phaolô II , Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình  đã soạn thảo và công bố văn kiện "Giáo hội đứng trước chủ nghĩa chủng tộc". Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền tin Trưa Chúa nhật vừa qua tại Castelgandolfo, ÐTC đã nhắc lại văn kiện này, lên án chủ nghĩa chủng tộc và "coi chủ nghĩa này là một tội trọng  xúc phạm đến Thiên Chúa". Trước ngày khai mạc Ðại hội thế giới về "chủ nghĩa chủng tộc" được tổ chức tại Thành phố Durban (Cộng hòa Nam Phi) từ ngày 31 tháng 8/2001 đến 7 tháng 9/2001, Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, do ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận hướng dẫn, lại cho công bố ấn bản mới của Văn Kiện nói trên, với tựa đề như sau: "Giáo hội và chủ nghĩa chủng tộc - để tiến đến một xã hội huynh đệ hơn".

Dù bầu khí trước ngày khai mạc có vẻ căng thẳng do việc tẩy chay của Hoa kỳ và do những chia rẽ sâu xa về "Sionisme", "chủ nghĩa  Do thái" ---- đây là một phong trào chính trị-tôn giáo phát xuất vào đầu thế kỷ 19,  nhằm mục đích tranh đấu tái lập  nước Do thái - và  về  "việc bồi thường" cho các nạn nhân của chính sách nô lệ và thuộc địa, Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự quan trọng của cuộc gặp  gỡ tại Durban, bởi vì cuộc gặp  gỡ này  đối phó với khuynh hướng càng ngày càng mạnh không những về bạo động chủng tộc, nhưng còn về những hình thức mới của kỳ thị chủng tộc và nô lệ.

Trước những tranh luận về việc bồi thường cho các nạn nhân của chế độ nô lệ, Văn kiện mới của Tòa Thánh hướng về việc ủng hộ "một hình thức" đền bù "nào đó". Văn kiện giải thích: "Sự dữ gây nên phải được nhìn nhận, và một cách hết sức có thể, đích đáng và thành thực. Văn kiện viết tiếp: "Ðức công bình đòi  một sự sửa sai". Sự sửa sai này có mục đích loại trừ mọi hậu quả của một hành động bất lương và xếp đặt mọi sự trong trật tự, có thể đã bị thiệt hại, nếu hành động kia đã không xẩy ra. Văn kiện tránh đi sâu vào những vấn đề chuyên môn;  nhưng chắc chắn trong việc giúp đỡ các nước trên đường phát triển từ phía các quốc gia kỹ nghệ, văn kiện chỉ vẽ con đường cụ thể và trực tiếp, không những để tuân theo một nghĩa vụ luân lý, nhưng còn để thực hiện "quyền căn bản của mỗi một con người được phát triển".

Văn kiện giải thích rõ ràng rằng: việc bồi thường (đền bù) đây không có nghĩa là một việc tranh dấu về những thiết hại đã phải chịu (-- "Không thể để mình bị giam hãm trong tù ngục của dĩ vãng" --); mục tiêu đích thực là "việc hòa giải". Vì thế Văn kiện nêu lên cách cư xử và gương sáng của ÐTC trong Năm Toàn xá vừa qua: xin tha thứ về những hình thức gây gương mù và không phù hợp với chứng tá Tin Mừng của những con cái Giáo hội". Ðây là một hình thức của việc thanh luyện hóa, có thể gọi được là một "cuộc thanh tẩy tâm trí".

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Hãng thông tấn Fides, Ðức TGM Darmuid Martin, Quan sát viên thường trực Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, vị cầm đầu phái đoàn Tòa Thánh tham dự Hội nghị thế giới tại Durban, đã tuyên bố như sau: "Nhũng cử chỉ của ÐTC trong Năm Toàn Xá vạch ra một con đường đi đến hòa giải: Ðó là  công nhận những sai lầm của quá khứ, để xây dựng những mối quan hệ mới về bình đẳng và hòa bình".

Một vấn đề tranh luận khác tại Durban là trách nhiệm của chủ nghĩa Sion (chủ nghĩa Do Thái): Văn kiện Tòa Thánh không đi vào chi tiết, cho dù  tố cáo  là: vẫn còn có những thành kiến chống Do thái, căn cớ gây nên vụ sát hại người Do thái trong thế kỷ vừa qua. Ðức Cha Martin tuyên bố: "Ngày nay không còn người nào chấp nhận việc đồng hóa chủ nghĩa Sion với chủ nghĩa chủng tộc (Racisme); nhưng ngài nói thêm ngay rằng: "Nhưng vấn đề phải nêu lên tại Hội nghị Durban là vấn đề đau khổ của dân tộc Palestine".

Văn kiện Tòa Thánh còn nhắc đến những hình thức mới khác của chủ nghĩa chủng tộc; việc kỳ thị đáng lưu ý hơn cả hiện nay là "việc khai thác tàn bạo các trẻ em, nạn mãi dâm và các người di dân, tị nạn bất hợp pháp". Ðây là những hiện tượng cần được thảo luận sâu rộng tại Hội nghị. Dù chính sách nô lệ nay đã được hủy bỏ trên thế giới, Tòa Thánh nhắc lại rằng: chính sách nô lệ vẫn tồn tại nhất là tại Châu phi, nơi các dân tộc thuộc các bộ  lạc khác nhau. Một hình thức mới của chủ nghĩa chủng tộc là "việc can thiệp kỹ thuật và những thí nghiệm trên bào thai, trên các trẻ em chưa sinh ra và những kỹ thuật về sinh sản nhân tạo. Việc phát triển của những kỹ thuật  này có thể đưa đến việc  tạo nên "một loại con người thấp kém", chỉ dùng để phục vụ người khác mà thôi. Văn kiện cũng nói đến "việc thí nghiệm về môn ưu sinh  hiện còn trong bóng tối" (môn ưu sinh nhằm nghiên cứu về những chứng bệnh truyền sinh và truyền nhiễm, để làm cho sự sống được tốt hơn: ưu sinh). Ðức Cha Martin nhấn  mạnh: Môn ưu sinh này có thể tạo nên những hình thức mới về chủ nghĩa chủng tộc, giấu ẩn sau bức màn của những tiến bộ khoa học.

Việc tẩy chay của Hoa kỳ hoặc chỉ gửi một phái đoàn ở cấp thấp, gây phẫn nộ nơi Chính phủ Nam phi. Ðối với LHQ, quyết định của Hoa kỳ làm thất vọng, và cũng gây chỉ trích tại chính Hoa kỳ. Tổng trưởng ngoại giao  Nam phi tuyên bố: Ngoại trưởng Powell không tham dự là một đáng tiếc. Không một nước nào trên thế giới này, kể cả Hoa kỳ, đã thành công trong việc loại trừ tận gốc rễ chủ nghĩa chủng tộc. Vì thế Hoa kỳ cũng cần đến Hội nghị này như tất cả các quốc gia khác. Tổng thư ký LHQ, ông Kofi Annan, từ Salisburgo (Áo quốc) tuyên bố như sau: Ông tin rằng Hoa kỳ sẽ nghĩ lại và tham dự Hội nghị Durban. Việc vắng mặt của ngoại trưởng Powell tại Durban cũng bị chỉ trích tại chính Hoa kỳ. Mục sư Jesse Jackson tuyên bố: "Việc trốn tránh không giải quyết được các vấn đề. Sự hiện diện tại Hội nghị Durban của một vị Bộ trưởng Hoa Kỳ gốc Phi châu, có uy tín,  ông Powell,  là một cơ hội rất tốt để Hoa kỳ tung ra một sứ điệp về những tiến bộ chủng tộc đã đạt được trong nước".

Lý do về việc tẩy chay Hội nghị Durban của Hoa kỳ là "mưu toan biến Hội nghị thành một vụ xử án Israel". Hoa kỳ còn tính đến việc tẩy chay cả Hội nghị thượng đỉnh tới đây tại Trụ sở LHQ về các quyền của trẻ em. Lý do của việc tẩy chay này là  trong văn kiện chuẩn bị không nói đến việc chống phá thai, trái lại có khuynh hướng ủng hôï nạn phá thai. ----Nên nhớ: Chính phủ của Tổng Thống Bush Jr. chống phá thai, khác đường lối của chính phủ Clinton ---). Ðàng khác Văn kiện chuẩn bị quá đề cao việc bênh vực các quyền của trẻ em, ít đếm xỉa đến các quyền và trách nhiệm của cha mẹ và gia đình.


Back to Radio Veritas Asia Home Page