ÐTC Gioan Phaolô II

chủ tế thánh lễ cầu nguyện

cho Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI

nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngài qua đời

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC Gioan Phaolô II chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Phaolô VI.

Sáng thứ hai 6.8.2001, Lễ Chúa Giêsu biến hình và cũng là ngày kỷ niệm Ðức Phaolô VI qua đời cách đây 23 năm, ÐTC  Gioan Phaolô II chủ tế thánh lễ trong nhà nguyện riêng của ngài tại Trại Hè Castelgandolfo, để cầu nguyện cho Vị Tiền nhiệm. Cùng đồng tế thánh lễ với ÐTC có 8 Hồng Y và Giám mục, trong đó có ÐHY Bernardin Gantin, Niên trưởng Hồng Y Ðoàn, và một số anh chị em giáo dân và Nữ tu tham dự.

Mở đầu Thánh lễ, với những lời mạnh mẽ và cảm động, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại lòng yêu mến đặc biệt của Ðức Phaolô VI đối với Giáo hội: "Ðây thực là một sự say mê lớn lao của trọn đời sống của Ðức Phaolô VI! Xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta được noi gương Ngài mà trung thành phục vụ Giáo hội ngày nay, một giáo hội được gọi tiến đến một cuộc rao giảng Tin Mừng mới và can đảm".

Cũng sáng thứ hai 6/08/2001, trong Hầm dưới Ðền thờ Thánh Phêrô, nơi có mộ Ðức Phaolô VI, Ðức Cha Pasquale Macchi, cựu TGM Loreto, - người mà trước đây trong nhiều năm là thư ký riêng của Ðức Montini - chủ tế thánh lễ bên Mộ Vị Ðầy tớ Chúa, với sự hiện diện của nhiều Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân.

Trong thánh lễ, Cha Carlo Cremona đã gợi lại hình ảnh không thể quên được của Ðức Phaolô VI, Vị Giáo Hoàng đã phục vụ Giáo hội từ năm 1963 đến 1978. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Ðức Phaolô VI xin an táng ngài bằng mặt đất và trên mộ chỉ đặt một tấm bia đơn sơ ghi niệm mà thôi.

Cha Cremona nói tiếp như sau: "Những linh hồn, như linh hồn Ðức Phaolô VI, là những linh hồn cần phải được tìm hiểu biết sâu xa, để làm điểm tham khảo chắc chắn. Chính Ðức Phaolô VI luôn luôn suy ngắm tư tưởng này của Thánh Augustino: "Con Người là một vực thẳm mênh mông (Grande profundum est homo"). Cha kết thúc: "Ðức Phaolô VI là con người của Chân lý, của sự Minh bạch, của Nền văn minh Tình yêu".

Sau thánh lễ, tất cả mọi người quỳ cầu nguyện bên Mộ Ðức Phaolô VI, Ðầy tớ Chúa, gương mẫu cho mọi người về lòng yêu mến tha thiết, phục vụ trung thành Giáo hội, và yêu thương, tôn trọng con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa..

Ðức Phaolô VI là Vị Giáo Hoàng mở một giai đoạn mới cho việc rao giảng Tin Mừng, tiếp xúc với thế giới. Chính Ngài đã nói trong bài diễn văn đọc trước LHQ tháng 10 năm 1965 như sau: "Giáo hội, trong ý nghĩa nào đó, đi ra khỏi bản thân mình, để gặp gỡ với con nguời của thời đại ta....", rồi ngài thêm: "Giáo hội của Công Ðồng đi tìm những cuộc gặp gỡ".

Nhân dịp nhớ lại 23 năm Ðức Phaolô VI qua đời, giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio ở Roma, viết trong bài xã thuyết của Nhật báo "Tương Lai" (Avvenire) số phát hành ngày 5.8.2001. với tít đề như sau: "Vatican xem ra quá chật hẹp, Phêrô lại chèo ra khơi". Trong bài bình luận, Giáo sư nói đến các chuyến viếng thăm quốc tế do Ðức Phaolô VI đã thực hiện. Các chuyến ra đi của Ðức Phaolô VI có một tính cách biểu hiệu. Chuyến ra đi đầu tiên là cuộc hành hương Thánh địa vào tháng Giêng năm 1964 (sau ít tháng làm Giáo Hoàng). Chuyến ra đi này gây nên nhiều xúc động. Lần thứ nhất một Vị Giáo Hoàng đặt chân lên Miền Ðất của Chúa Giêsu. Trong dịp này, Ðức Athenagoras đệ nhất, Giáo chủ đại kết, từ Constantinopoli đến Giêrusalem, để gặp Ðức Phaolô VI. Cuộc hành hương này đã đánh dấu một bước quặt lịch sử quan trọng... Tại Giêrusalem mà từ đó phát xuất một tình bạn sâu xa giữa ÐTC và Ðức Giáo chủ chính thống, mở đường cho chuyến viếng thăm sau này của Ðức Phaolô VI tại Istanbul năm 1967.

Giáo sư quả quyết rằng: Tất cả các chuyến ra đi của Ðức Phaolô VI đều có một tính cách đại kết và liên tôn, như chuyến viếng thăm tại Genève năm 1969. Tại đây ngài đã lên tiếng trước Hội đồng thế giới các Giáo hội.

Các chuyến viếng thăm của Ðức Phaolô VI còn mang theo tinh thần cởi mở của Giáo hội đối với thế giới ngày nay. Sau cuộc hành hương tại Thánh địa năm 1964,  và cùng năm này, ÐTC viếng thăm Ấn độ, một quốc gia mênh mông, với nhiều vấn đề phức tạp, nhất là cảnh nghèo khổ của người dân. Tháng 10 năm 1965, trước khi bế mạc Công đồng chung Vatican II, ÐTC viếng thăm và đọc diễn văn tại Trụ sở Liên hiệp quốc, trước phái đoàn các nước thế giới tham dự Khóa họp khoáng đại hằng năm.

Ngày 13 tháng 5 năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ðức Trinh Nữ hiện rra tại Fatima, Ðức Phaolô VI, Vị Giáo Hoàng đầu tiên, đến hành hương tại Ðền Thánh này. Có người chỉ trích, vì lúc đó nhà độc tài Salazar cai trị Bồ đào nha. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng: Giáo hội không làm chính trị. Giáo hội lên án bất cứ chế độ chính trị nào đàn áp con người. Giáo hội sẵn sàng cộng tác với mọi chế độ chính trị, miễn là các chế độ này biết tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá con người.

Ngoài các chuyến viếng thăm trên đây, ba chuyến viếng thăm khác được coi là mục vụ và truyền giáo: (1) chuyến viếng thăm Bogotà, thủ đô Colombia  năm 1968. Tại đây ÐTC nhằm đến việc phát triển các Giáo hội và các dân tộc tại Châu Mỹ Latinh, đa số sống trong cảnh nghèo khổ; (2) chuyến viếng thăm tại Uganda (Châu phi) năm 1969, tại đây ÐTC để lại sứ điệp về tín nhiệm vào Kitô giáo tại Châu phi. Ngài nói: "Người Phi châu phải lãnh nhận trách nhiệm truyền giáo cho người Châu phi". (3) Rồi sang năm 1970, ÐTC viếng thăm Châu Á và Châu Ðại dương. Lần này ÐTC đến trước cửa Trung quốc cộng sản: lãnh thổ Hồng kông (lúc đó còn thuộc quyền Anh quốc), với mục đích tìm thiết lập mối quan hệ với Trung quốc vĩ đại, để làm giảm bớt những căng thẳng giữa hai bên: Bắc kinh và Vatican.

Với chín (09) chuyến viếng thăm tại 20 quốc gia khác nhau thuộc năm Châu, Ðức Phaolô VI mở một con đường mới nhằm tiến đến sự hiệp nhất giữa các Giáo hội, cổ võ  hòa bình, phát triển  và cộng tác giữa các dân tộc, thúc đẩy một đà tiến mới cho sứ vụ truyền giáo theo mệnh lệnh Chúa Giêsu: "Các con hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng...".

Triều Giáo Hoàng của Ðức Phaolô VI  đã cho mọi người thấy rõ - qua các chuyến ra đi quốc tế - ý chí cương quyết của Giáo hội, sau Công đồng Vatican II,  bước ra khỏi những khung cảnh chật hẹp, để gặp gỡ thế giới mới, một thế giới biến đổi rất nhanh chóng trong mọi lãnh vực. Với Công đồng Vatican II, Ðức Phaolô VI mở một con đường mới của Thừa tác Phêrô, Giám mục Roma và ngoài Roma, Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ. Giáo hội ỡ giữa trần thế cần đối thoại với thế giới ngày nay. Tại Nagiaret, tháng Giêng năm 1964, ngài  nói: "Sứ vụ của Giáo hội trong thế giới là sứ vụ về tình bạn hữu giữa nhân loại, sứ vụ của hiểu biết, của khuyến khích,  của thăng tiến, của nâng cao phẩm giá con người  và cũng là sứ vụ của cứu rỗi nữa".

Trong giữa lúc thế giới sống trong chia rẽ, chiến tranh, đói khổ, ÐTC Phaolô VI đề cao "sứ vụ cứu rỗi"cho nhân loại. Năm 1978, lúc ngài qua đời, xem ra chương trình của ngài ít ra một phần gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đúng như Ðức Gioan Phaolô II, Vị kế nghiệp ngài đã nhấn mạnh nhiều lần: "Ðây là một gia tài vĩ đại, sống động mà Ðức Phaolô VI đã để lại cho các thế hệ sau này".


Back to Radio Veritas Asia Home Page