Vài nét về Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI

nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngài qua đời

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Ðức cố giáo hoàng Phaolô VI, nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngài qua đời.

Cách đây 23 năm, vào lúc 6 giờ chiều ngày 6 tháng 8 năm 1978, tại Trại hè Castelgandolfo, Ðức Phaolô VI qua đời, sau hơn 15 năm làm Giáo Hoàng. Triều Giáo Hoàng của Ngài (từ năm 1963 đến năm 1978) là một trong các Triều Giáo Hoàng của những cải cách lớn lao, nhưng cũng là Triều Giáo Hoàng đầy khó khăn và đau khổ trong lịch sử Giáo Hội.

Sau khi Ðức Pio XII (1939-1958) qua đời, dư luận đều nhằm đến ba Vị Giáo sĩ nổi tiếng hơn cả, có thể sẽ được bầu làm Giáo Hoàng: Ðức Hồng Y Giuseppe Siri, TGM Giáo phận Genova, một nhà thần học nổi tiếng, thuộc phe bảo thủ, ÐHY Pietro Gregorio Agagianian, người Armeni, từ nhỏ vẫn sinh sống tại Roma, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo và Ðức  Giovanni Battista Montini, TGM giáo phận Milano, lúc đó chưa lên Hồng Y. Vì không phải là Hồng Y, nên ít hy vọng hơn các vị khác. Nhưng Thiên Chúa đã đảo ngược hẳn tất cả dự tính và chương trình của loài người. Ðức Angelo Giuseppe Roncalli, Hồng Y Giáo chủ Venezia, lúc đó gần 78 tuổi, đã được bầu làm Giáo Hoàng, và nhận tên hiệu là Gioan XXIII.  Chỉ trong 5 năm, Vị Giáo Hoàng tuổi tác này đã gây ngạc nhiên lớn lao trong cả Giáo hội và trên thế giới.

Ngày 25 tháng Giêng năm 1959, sau thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, để cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô, với các Hồng Y có mặt tại Roma, được triệu tập  trong Tu viện Thánh Benedicto, kế bên Ðền thờ Thánh Phaolô, Ðức Gioan XXIII tuyên bố Triệu tập Công đồng chung Vatican II.  Sau ba năm chuẩn bị, ÐTC Gioan 23 chủ tế Thánh lễ khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962, nhằm ngày lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, trong Ðền thờ Thánh Phêrô với sự hiện diện của gần  ba ngàn Hồng Y, Giám mục đến từ khắp thế giới. Một biến cố lịch sử vĩ đại chưa từng có trong Giáo hội, cách riêng về con số Nghị phụ tham dự đông đảo như vậy. Sau Khóa họp khoáng đại đầu tiên, thì ngày 3 tháng 6 năm 1963, Gioan XXIII qua đời, để lại một công việc rất khó khăn. Mọi con mắt lúc đó nhìn vào Ðức TGM Milano, Ðức Giovanni Battista Montini, đã được Ðức Gioan 23 phong làm Hồng Y.

Trưa ngày 21 tháng 6 năm 1963, Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ÐHY Giovanni Battista Monti, được bầu làm Giáo Hoàng, nhận tên hiệu là Phaolô VI. Với tên hiệu này, ngài muốn theo gương Thánh Cả Phaolô, Tông đồ Dân ngoại, mở một giai đoạn mới cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và mở  một con đường mới cho Giáo hội bước vào trần thế, theo tinh thần Công đồng Vatican II.

Có thể nói Ðức Phaolô VI, là vị Giáo Hoàng của thời đại mới - Trước hết, công việc phải lo ngay là tiếp tục Công đồng do Ðức Gioan XXIII đã khởi sự. Ngài đã khôn ngoan hướng dẫn Công đồng trong ba khóa họp khoáng đại, cho đến chỗ hoàn tất. Công đồng bế mạc ngày 8 tháng 12 năm 1965, Lễ Ðức Mẹ vô nhiễm, với bốn Hiến chế: về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium) - về Giáo hội  (Lumen Gentium) - về Mạc Khải (Dei Verbum) - về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes) -  chín Sắc lệnh: về Truyền thông xã hội (Inter Mirifica) - về Các Giáo hội Ðông phương (Orientalium Ecclesiarum) - về Hiệp nhất (Unitatis Redintegratio) - về nhiệm vụ mục vụ của Giám mục (Christus Dominus) -  về Canh tân thích nghi đời sống Dòng tu (Perfectae Caritatis) - về việc đào tạo linh mục (Optatam Totius) - về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem) - về Hoạt động truyền giáo (Ad Gentes) - về Ðời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis), - và ba Tuyên ngôn: về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis) - về những liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate) và về Tự do tôn giáo (Dignitatis Humanae).

Ðức Phaolô VI, cũng là  Vị Giáo Hoàng cải tổ đời sống Giáo hội theo tinh thần khó nghèo, đơn sơ của Công đồng Vatican II.

Trước khi được bổ nhiệm làm TGM Milano, Ðức Montini đã phục vụ trong nhiều năm tại Phủ Quốc Vụ Khanh và là một Vị Giáo sĩ tín nhiệm của Ðức Pio XII. Nhờ những năm phục vụ trong ngành ngoại giao và Phủ Quốc Vụ khanh, Ðức Montini biết rõ hơn ai hết Giáo Triều Roma. Lên làm Giáo Hoàng ngài lo cải tổ ngay chính nội bộ Giáo Triều. Các Vị Hồng Y, khi đầy 80 tuổi, sẽ không còn được giữ chức vụ nào trong Giáo hội nữa, và cũng không được vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. Các Vị Hồng Y và Giám mục, phục vụ tại Giáo Triều hay các Giáo phận trên thế giới, lúc 75 tuổi, phải đệ đơn từ chức lên Tòa Thánh. ÐTC có thể chấp thuận ngay hoặc đình lại một thời gian, tùy quyết định của Ngài. Các Vị giữ chức vụ quan trọng tại Giáo Triều chỉ được bổ nhiệm từng nhiệm kỳ 5 năm. Sau đó, ÐTC giữ lại cho các nhiệm kỳ sau hay không, hoàn toàn tùy thuộc nơi ngài. Ðức Phaolô VI xúc tiến việc Quốc tế hóa Giáo Triều Roma, bằng việc bổ nhiệm các Vị Giáo sĩ không phải người Ý giữ những chức vụ quan trọng tại các Cơ quan trung ương và trong Ngành ngoại giao Tòa Thánh, để nêu cao tính cách hoàn vũ của Giáo hội công giáo, và để các Giáo hội địa phương góp công vào việc quản trị Giáo hội hoàn cầu. Ðây là một cuộc cải tổ táo bạo, gặp nhiều chống đối; nhưng Ðức Phaolô VI cảm thấy cần phải làm và thực hiện tinh thần và giáo huấn Công đồng chung Vatican II.

Một cải tổ khác liên hệ đến đời sống Giáo Triều, theo tinh thần của Công đồng chung Vatican II, là công cuộc cải tổ giáo hội nêu gương Giáo hội của các người nghèo. ÐTC chỉ thị cho các Hồng Y và TGM trong Giáo Triều không được xử dụng xe hơi Mercedes; nếu muốn dùng loại xe này,  phải mang bảng số Ngoại giao đoàn. Thay vì xe Mercedes, ngài mua cho mỗi vị Hồng Y một xe hơi Fiat 125 (lúc đó được coi là loại xe tốt, nhưng không sang, không thuộc hạng xa xỉ phẩm). Các Hồng Y và Giáo sĩ cấp cao không còn những y phục quá rườm rà và tốn phí như ngày xưa (thí dụ: áo đuôi dài tới 5 thước, khi dự các lễ nghi long trọng).

Ngoài việc cải tổ này, ngài còn bãi bõ "đoàn hộ vệ danh dự" tại Vatican; chỉ giữ lại đoàn vệ binh Thụy sĩ mà thôi (gồm hơn 100 người) và một số cảnh sát để giữ an ninh trong Nội Thành Vatican. Ngài bãi bỏ cả Cộng Ðoàn các gia đình quý tộc Roma, vẫn có những đặc ân tại Vatican.

Ðể nêu gương khó nghèo và đơn sơ cho mọi người, trước hết Ðức Phaolô VI cải tổ nơi chính bản thân, bằng việc bãi bỏ "Mũ ba tầng" của Giáo Hoàng (Tiare). Mũ ba tầng này ám chỉ ba quyền thiêng liêng của Vị Giáo Hoàng: Quyền giáo huấn, quyền thánh hóa và quyền quản trị Giáo hội. Mũ ba tầng do Tổng Giáo phận Milano dâng tặng, ngài chỉ dùng tượng trưng trong ngày nhận chức vụ chủ chăn toàn Giáo hội (thường được gọi là lễ Ðăng quang). Từ đó, trong các lễ nghi phụng vụ ngài vẫn dùng Mũ (Mitre) như các Vị Giám mục khác. Còn Mũ ba tầng do Tổng Giáo phận Milano dâng tặng, Ngài đã trao cho Ðức Hồng Y Francis Spellman, TGM New York, bán đấu giá để lấy tiền giúp đỡ các người nghèo khổ. Cả gậy Giám mục, thay vì gậy vàng, ngài đã dùng một gậy thường mạ bạc, trên chóp gậy, có ảnh Chúa Giêsu đóng đanh. Chiếc gậy và Mũ giám mục như vậy, đã được Ðức Gioan Phaolo đệ nhị tiếp tục dùng trong các lễ nghi phụng vụ như chúng ta thấy cho tới nay.

Tất cả các cải tổ này đã gặp nhiều phản ứng tiêu cực và tích cực. Ðức Phaolô VI đã đau khổ nhiều, nhưng ngài rất can đảm và sẵn sàng lãnh nhận mọi thánh giá Chúa gửi cho. Sau Công đồng, xuất hiện cơn khủng hoảng khiếp sợ về ơn kêu gọi linh mục và tu dòng. Một số khá đông ra đi. Trong Giáo hội phe bảo thủ chỉ trích phe cấp tiến, gây nên nhiều chia rẽ. Nhiều người giải thích và áp dụng giáo huấn Công đồng theo sở thích. Người khác lạm dụng, nhất là trong phụng vụ thánh. Những lộn xộn này gây hoang mang trong cộng đồng tín hữu. Vụ li khai của Ðức Cha Marcel Lefèbvre và hậu quả kéo dài cho tới lúc này còn trước mắt chúng ta. Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Ðức Phaolô VI tác giả tập sách có tựa đề "Dialogue avec Paul VI", Ðối thoại với Ðức Phaolô VI, đã viết trong một nhật báo Pháp như sau: "Bên cạnh nhà ở của tôi ở Paris, có hai giáo xứ, nhưng tôi không thấy linh mục nào cử hành thánh lễ giống nhau, mỗi vị mỗi cách". Với lời này, Giáo sư Jean Guitton than phiền về những lạm dụng trong việc cử hành thánh lễ, ai nấy tự do, không theo luật lệ nào của Tòa Thánh.

Nhưng nhờ những cải tổ táo bạo của Ðức Phaolô VỊ, Ðức Gioan Phaolô đệ nhị, không phải người Ý, đã có thể tiếp tục cách dễ dàng hơn công việc canh tân đã được Vị Tiền nhiệm của ngài khởi xướngļ. Nhân dịp kỷ niệm ngày Ðức Phaolô VI qua đời cách đây 23 năm, ÐHY Paul Poupard, người Pháp, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Văn hóa, vị cộng tác của Ðức Montini trong nhiều năm tại Phủ Quốc vụ khanh, tuyên bố như sau: "Sau hơn 20 năm của Triều Giáo Hoàng, Ðức Phaolô VI vẫn tiếp tục gia tăng sự quan trọng của ngài trong đời sống Giáo hội. Với một ý chí bất khuất, trong một thân thể yếu ớt, ngài đã thực hiện một công việc phi thường trong phục vụ Tin Mừng".


Back to Radio Veritas Asia Home Page