ÐTC Gioan Phaolô II
tiếp kiến ông Yasser Arafat, chủ tịch Palestine
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC tiếp
kiến ông Yasser
Arafat, chủ tịch Palestine.
Trưa thứ năm mùng 02.tháng 8/2001, tại Castelgandolfo, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến ông Yasser Arafat, Chủ tịch Palestine. Cuộc gặp gỡ kéo dài 25 phút. Theo tin báo chí, thì trong cuộc gặp gỡ này, ÐTC đã cương quyết nhắc lại cho Chủ tịch Arafat về sự cần thiết tuyệt đối phải chấm dứt ngay mọi hình thức bạo động. Vị lãnh tụ Palestine cam kết với ÐTC là ông sẵn sàng yêu cầu và trao tặng một cuộc đình chiến. Sau lời tuyên bố của Chủ tịch Arafat, Do thái trả lời ngay rằng: Chính ông là người đã vi phạm luật đình chiến.
Ðây là lần thứ
mười, ông Yasser Arafat gặp ÐTC Gioan Phaolô II.
Lần trước đây ông gặp ÐTC trong lúc ngài hành hương tại
Thánh địa, vào tháng ba năm 2000, cách đây 16 tháng. Cuộc gặp
gỡ tại Betlem lúc đó xem ra đầy hy vọng: hòa bình giữa Do
thái và Palestine hầu như nắm chắc trong tay.
Nhưng đột ngột,
tháng 10 năm 2000 những hy vọng này đã bị cắt dứt
và những vụ bạo động lôi kéo thêm bạo động càng ngày
càng gia tăng với mức độ đáng lo ngại không những cho miền
Trung Ðông, nhưng còn đe dọa hòa bình thế giới nữa. Từ
tháng 10/2000 tới nay, đã có hơn 600 người chết, đa số là
người
dân vô tội Palestine, phụ nữ và trẻ em, không kể những tàn
phá nhà cửa, tài sản vật chất, do những vụ oanh tạc và đốt phá về phía cả
hai phe. Mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ; nhiều lãnh thổ
của Palestine bị bao vây và chiếm đóng. Tình hình mỗi ngày mỗi
trở nên trầm trọng, khó tránh khỏi một chiến tranh trong miền
này. Mọi cuộc can thiệp, điều đình hầu như đi vào một thế
bí.
Ngày 21 tháng
5 năm 2001 vừa qua, Bản báo cáo của Ông Mitchell, đại diện chính phủ
Hoa kỳ, do Tổng Thống Bush cử đến Do thái để dàn xếp và
thuyết phục hai bên tranh chấp, trở
lại bàn hội nghị. Bản báo cáo này kêu gọi đình chiến tức
khắc, như là điều kiện tiên quyết để trở lại bàn hội
nghị. Bản báo cáo yêu cầu Palestine ngừng ngay mọi cuộc khủng
bố, kể cả việc bắt giam những tên khủng bố nữa, vì nhóm
này chủ trương tẩy chay bất
cứ cuộc điều đình nào giữa Do thái và Palestine. Ðối với
Do thái, bản báo cáo yêu cầu chặn đúng tức khắc những
cuộc oanh tạc các lãnh thổ Palestine và những vụ pháo kích
trả thù vào dân chúng không vũ trang.
Bản Báo cáo của
ông Mitchell còn dự trù những biện pháp nhằm lập lại sự tín nhiệm giữa Do thái và Palestine, để có thể trở
lại bàn hội nghị như những
năm trước đây. Những biện pháp của Mitchell là:
Do thái phải ngừng lại
ngay việc bao vây và chiếm lãnh thổ Palestine. Palestine phải tịch thu các vũ khí bất hợp pháp
và phải thông báo cho dịch vụ an ninh Do thái về những vụ
khủng bố có thể xẩy đến.
Nhưng Bản báo cáo
của Mitchell gặp nhiều cản trở: Thủ tướng Israel bị dân chúng Do thái chỉ trích. Họ không muốn đình chiến.
Thủ tướng tuyên bố: Do thái không chủ ý chiếm thuộc địa
mới, nhưng phải bảo đảm việc phát triển những lãnh thỗ
đã chiếm trước đây. Hơn nữa, trong chương trình Mitchell,
không có sự thỏa thuận về biện pháp rút các lực lượng
Do thái khỏi các lãnh thổ chiếm đóng. Một khó khăn khác,
và là khó khăn gay go hơn cả về phương diện chính trị, đó
là vấn đề Giêrusalem "phải là thủ đô của cả hai bên:
Do thái và Palestine". Về vấn đề bắt giam các tên khủng bố,
Ông Arafat chỉ chủ ý bắt giữ những người không tôn trọng
luật đình chiến trên lãnh thổ. Ðối với nhóm khủng bố sống
ngoài lãnh thổ, thực sự
ông cũng không thể kiểm soát và bắt giam được. Nói tóm
lại: vấn đề trong các vấn đề vẫn là Giêrusalem. Tòa Thánh
thấy rõ vấn đề này và vẫn chủ trương phải có một qui
chế quốc tế.
Trước buổi gặp gỡ
với ÐTC, ông Arafat đã yêu cầu gửi quân đội quan sát quốc
tế đến Do thái và Palestine, như hiện có trong lúc này tại
nhiều nơi trên thế giới: như tại miền Balcan, để bảo đảm
việc đình chiến. Ông Arafat vẫn tín nhiệm nhiều nơi ÐTC. Trong
những năm này, ông luôn luôn gặp được nơi ÐTC một người
chú ý lắng nghe và một người luôn luôn sẵn sàng bênh vực các dân
tộc bị đau khổ, cách riêng các dân tộc Miền Trung Ðông.
Sau cuộc gặp gỡ,
Cha Benedettini, phó giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho phổ
biến thông cáo sau đây: "Nội dung của cuộc đàm thoại là
tình hình hiện nay của những bạo động chưa từng thấy vẫn
tiếp tục gây nên nhiều nạn nhân, nhất là người dân vô
tội và không được bênh vực; cả các nơi thánh cũng không
được tôn trọng". Thông cáo viết tiếp như sau: "Trong khi
bày tỏ sự đau buồn của ngài đối với các nạn nhân của
những vụ đụng độ liên tiếp, ÐTC lên án không những các
vụ bạo động, nhưng ngài
còn ước mong việc trở lại bàn hội nghị được thực hiện
sớm hết sức có thể: đây là
phương tiện duy nhất, với sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc
tế, có thể đạt tới hòa bình".
Ðược Ðài Phát
thanh Vatican phỏng vấn, Cha Benedettini trả lời là "bầu khí của
cuộc gặp gỡ rất thân mật, vì đây là lần thứ mười ÐTC
gặp lãnh tụ Palestine. Và như chính ông Arafat tuyên bố trong những
ngày này tại Roma: Ông vẫn mang trong mình một sự tôn trọng
rất lớn lao đối với ÐTC và chờ đợi nơi ngài một sự
giúp đỡ hiệu nghiệm đối với tiến trình hòa bình tại
Trung Ðông".
Thông cáo không
tiết lộ gì thêm nữa. Nhưng căn cứ vào bản văn được
phổ biến, có câu: "với sự giúp đỡ của Cộng đồng
quốc tế", nên nhiều quan sát viên nghĩ rằng: trong những
cuộc tiếp xúc với Nhà Cầm quyền Ý, ông Arafat đã yêu cầu
gửi quân đội quốc tế đến miền Trung Ðông; vì thế trong
cuộc gặp gỡ ÐTC, chắc chắn ông cũng xin Tòa Thánh ủng hộ
yêu cầu này trong thời gian vắn hết sức có thể, để kiểm
soát việc leo thang của những bạo động. Nhưng lời tuyên bố
trong thông cáo "với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc
tế", theo một số người
khác, không thể giải thích về việc yêu cầu Tòa Thánh ủng
hộ việc gửi quân đội quốc tế đến kiểm soát, vì Tòa Thánh
biết rằng: vấn đề này đang có những tranh luận giữa Do
thái và Palestine trong chương trình do Ông Mitchell đề nghị. Do
thái không chấp nhận sự hiện diện của quân đội ngoại quóc
trên lãnh thổ mình, vì vi phạm chủ quyền quốc gia; và nếu có quân đội quốc tế, Do thái chỉ nhận quân
đội Hoa kỳ mà thôi. Vì thế lời "với sự giúp đỡ của
cộng đồng quốc tế", theo truyền thống, phải hiểu về lập
trường vẫn có của Tòa Thánh đối Giêrusalem,
nghĩa là Tòa Thánh luôn luôn chủ trương phải có một qui chế quốc tế cho
Thành thánh này.
Chính Ông Arafat cũng không tiết lộ gì thêm. Truớc khi lên máy bay trở về Palestine, ông đọc một bản tuyên bố vắn tắt lặp lại lời kêu gọi của ÐTC chấm dứt ngay mọi hình thức bạo động; rồi ông quả quyết thêm như sau: "Cần phải gửi các quan sát viên quốc tế. Về phần tôi, tôi xin xác nhận lại một lần nữa: dấn thân cương quyết của chúng tôi trong việc ủng hộ tiến trình hòa bình và trong việc thực hiện các thỏa ước đã ký kết và những cam đoan đã lãnh nhận, trong đó có việc đình chiến tức khắc".