Ðức Gioan Phaolô II
lại chiếm một kỷ lục khác nữa
đó là buổi tiếp kiến chung lần thứ 1,000
của triều Giáo Hoàng
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức
Gioan Phaolô II lại chiếm một kỷ lục khác nữa, đó là buổi
tiếp chung Lần THỨ MỘT NGÀN của Triều Giáo Hoàng.
Buổi
tiếp kiến chung sáng thứ tư 01.8.2001 được gọi là buổi tiếp
kiến chung lịch sử, vì là buổi tiếp kiến chung THỨ MỘT NGÀN,
trong 23 năm Triều Giáo Hoàng của ÐTC Gioan Phaolô II. Báo chí
và đài phát thanh, truyền hình đều nhắc đến buổi tiếp kiến
thứ một ngàn này. Như vậy, ÐTC Gioan Phaolô II lại chiếm thêm
"một kỷ lục khác nữa", trong lịch sử Giáo hội.
Ðức
Gioan Phaolô II là Vị Giáo Hoàng
chiếm kỷ lục về thời gian quản trị Giáo hội trong thế
kỷ XX vừa kết thúc. Thế kỷ XX nầy
đã được bắt đầu bằng Triều Giáo Hoàng của Thánh
Giáo Hoàng Pio X: 11 năm (1903-1914) - rồi tiếp tục bằng Triều
Giáo Hoàng của Ðức Benedicto XV: 8 năm (1914-1922); của Ðức
Pio XI: 17 năm (1922-1939);
của Ðức Pio XII: 19 năm (1939-1958) - của Ðức Gioan XXIII (vị
được phong Chân phước ngày 03.9 Năm Thánh 2000): 5 năm
(1958-1963) - của Ðức Phaolô VI: 15 năm (1963-1978); và của Ðức
Gioan Phaolô I: 33 ngày (26.8.1978 - 28.9.1978). Sau đó Ðức Gioan
Phaolô II lến kế vị, từ 16.10.1978 cho tới lúc này, gần 23 năm.
Ngài là Vị Giáo Hoàng cuối cùng của thế kỷ XX và là Vị
Giáo Hoàng đang hướng dẫn Giáo hội sang
thế kỷ XXI và
bước vào Ngàn Năm thứ ba của Kỷ nguyên Cứu chuộc.
Ðức
Gioan Phaolô II chiếm con số kỷ lục trong việc du hành truyền
giáo khắp thế giới. Chuyến viếng thăm sau cùng tại Ukraine
(23-27.6.2001) là chuyến ra đi quốc tế lần thứ 94. Trong 23 năm
Triều Giáo Hoàng, ngài đã viếng thăm hơn 100 nước khác
nhau, không kể các chuyến viếng thăm trong nước Italia và các
chuyến viếng thăm các Giáo xứ của Giáo phận Roma. Cuối tháng
9/2001 này, ngài sẽ lên đường viếng thăm Cộng hòa
Kazakhstan và Arménie. Các chuyến viếng thăm của ÐTC nhằm mục
đích mục vụ và truyền giáo: tiếp xúc với các Giáo hội
địa phương, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, theo lệnh Chúa Giêsu
Kitô, đồng thời theo tinh thần cởi mở Công đồng Vatican II:
Giáo hội có vì nhân loại; Giáo
hội có nhiệm vụ đưa thế gian về với Chúa Kitô, Ðấng Cứu
chuộc nhân loại, Chủ Vũ trụ và Lịch sử (xem Redemptor Hominis,
1). Thí dụ cụ thể về truyền giáo: Năm 1978, Châu phi chỉ có
57 triệu người công giáo. Trong 23 năm Triều Giáo Hoàng của
ÐTC Gioan Phaolô II số người công giáo lên tới trên 100 triệu
(gần gấp hai lần). Tại Nam Hàn, năm 1984, nhân dịp kỷ niệm
200 năm lãnh nhận Tin
Mừng, số người công giáo là một triệu 700 ngàn. Sau hai
chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại đây (tháng 5 năm
1984, để
mừng kỷ niệm 200 năm truyền giáo và tháng 10 năm 1989, để
chủ tọa Ðại Hội Thánh Thể quốc tế tại Hán Thành), số người
công giáo - theo thống kế mới nhất của Hội Ðồng Giám Mục
Nam Hàn - lên tới 4 triệu.
Giáo
hội sống giữa trần thế. Trong 23 năm Triều Giáo Hoàng, ÐTC
đã tiếp riêng 1,300 nhân vật quan trọng trên thế giới: các
nhà chính trị, các vị thuộc giới Kinh tế, Tài Chánh, Văn hóa,
Nghệ thuật... công giáo cũng như ngoài công giáo. Vị Quốc trưởng
được tiếp mới đây (23 tháng 7/2001 vừa qua) là Ông George
Walker Bush, Tổng thống Hoa kỳ.
Ðức
Gioan Phaolô II là Vị Giáo Hoàng chiếm kỷ lục trong việc tôn
phong lên bậc Hiển Thánh và Chân phước. Trong 23 năm
Triều Giáo Hoàng ngài đã tôn phong
hơn 500 Vị Chân phước lên bặc hiển thánh, đa số là
các Vị Tử đạo
trong các thế kỷ gần đây và hơn một ngàn Ðầy Tớ
Chúa lên bậc Chân phước, hầu hết là các Vị Tử đạo, cách
riêng thời kỳ nội chiến giữa hai phe Quốc-Cộng Tây ban nha
(1936-1939) và các nạn nhân dưới chế độ Ðức Quốc xã và
Cộng sản. Các Vị Hiển Thánh và Chân phước do Ðức Gioan
Phaolô II tôn
phong nhiều hơn con số các Vị Thánh và Chân phước được tôn
phong dưới tất cả các Triều Giáo Hoàng khác trong lịch sử
Phong Thánh của Giáo hội từ trước tới giờ.
THỨ
TƯ 01 THÁNG
8 NĂM 2001, Ðức
Gioan Phaolô II lại chiếm một kỷ lục khác nữa, đó là: buổi
tiếp chung Lần THỨ MỘT NGÀN của Triều Giáo Hoàng. Trong một
ngàn buổi tiếp kiến chung, ÐTC đã gặp gỡ gần 17 triệu tín
hữu từ khắp thế giới đến Roma kính viếng Mộ Thánh Phêrô-Phaolô,
các nơi Thánh và nhất là "vedere Petrum" được thấy Phêrô,
Vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian, Vị chủ chăn toàn Giáo
hội. Trong 23 năm Triều Giáo Hoàng, ÐTC không thiếu vắng
buổi gặp gỡ các ngày thứ tư và Chúa nhật, trừ lúc
ngài không ở Roma hoặc trong thời gian điều trị tại bệnh viện
Gemelli. Các buổi tiếp kiến được diễn ra tại Thính đường
Phaolô VI (khi ít người hoặc những ngày Mùa Ðông giá lạnh)
và tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong những tháng hè hoặc
con số tham dự quá đông (dù mưa, dù hay gió lạnh). (Thính
đường Phaolô VI chỉ chứa được tối đa 10 ngàn người). ÐTC
coi những cuộc gặp gỡ này rất quan trọng vì là cơ hội thuận
tiện cho việc giảng dạy Giáo lý. ÐTC là Vị giáo lý viên thứ
nhất. Việc giảng dạy giáo lý là bổn phận thuộc quyền giáo
huấn của Giáo hội, như quyền thánh hóa, quyền quản trị Giáo
hội.
Cũng
một ngày thứ tư 13.5.1981, trong buổi tiếp kiến chung ban chiều,
trong lúc đứng trên chiếc xe jeep trắng, đi vòng quanh Quảng trường
Thánh Phêrô, để chào các đoàn hành hương, ÐTC bị
anh Ali Agça bắn lúc 17:30.
Một vụ mưu sát kinh khủng, chưa từng có trong lịch sử
các Vị Giáo Hoàng; một vụ mưu sát đầy bí ẩn. Ðức Mẹ
Fatima đã cứu sống ngài; nhưng
các đau khổ vẫn còn lại trong thân thể của ngài. Một
mầu nhiệm đã được Ðức Mẹ Fatima loan báo trước. Và mầu
nhiệm này đã được chính thức tiết lộ ngày 13.5 Năm Thánh
2000, sau thánh lễ Phong Chân phước của hai em mục đồng
Phanxicô và Giaxinta, cùng với Sr. Lucia (hiện còn sống) đã
được thấy Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, từ 13 tháng 5 đến
13 tháng 10 năm 1917.
MỘT
NGÀN THỨ TƯ rao giảng Lời Chúa, một ngàn bài giáo lý, bắt
đầu từ Sách Sáng thế: Cuốn Sách Thánh tả lại việc tạo
dựng Vũ Trụ và con người. Lần thứ nhất, thế giới ngạc
nhiên về tính cách thực tại của giọng văn đơn sơ, dễ hiểu
của Vị Giáo Hoàng đến từ nơi xa. Ngài nhắc lại việc tạo
dựng con người: người nam và người nữ - ngài nhắc đến
sự trần truồng của con người trước và sau khi phạm tội -
ngài giải thích giới tính như Thiên Chúa tạo dựng
để cộng tác với Ðấng Tạo Hóa trong việc sinh sản v.v...
Tất cả các bài giáo lý được tóm lại trong một đầu đề rất thời danh của Thông điệp "Veritatis splendor" (sự sáng ngời của Chân lý) công bố năm 1993. Ðiều Ðức Gioan Phaolô II ước mong là lời của ngài luôn nhằm đến việc trình bày và làm cho Chân lý về Thiên Chúa và về con người, tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, được chiếu dọi nơi tâm hồn con người, bởi vì ngài cảm thấy ngài là Sứ giả của Lời Chúa và nhất là chứng nhân, luôn luôn trung thành với bất cứ giá nào, kể cả việc đổ máu. Vì thế, không những ÐTC rao giảng Lời Chúa bằng mọi cách và mọi nơi, nhưng ngài còn mời gọi mọi người: "Hãy luôn luôn tìm kiếm Chân lý - Hãy tôn trọng Chân Lý đã khám phá được - Hãy vâng theo Chân lý. Không có niềm an vui đích thực nào, ngoài việc tìm kiếm này, ngoài việc tôn trọng này và ngoài việc vâng theo này".