Tin Tức và Thời Sự
thượng tuần tháng 10/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Vị Ðại Diện Palestine cạnh Tòa Thánh Vatican trình bày nguyện vọng của Dân Tộc Palestine lên ÐTC Gioan Phaolô II

Vị Ðại Diện Palestine cạnh Tòa Thánh Vatican trình bày nguyện vọng của Dân Tộc Palestine lên ÐTC Gioan Phaolô II.

( CNS, 8/10/97). Theo nguồn tin của Hảng Tin Công Giáo Hoa Kỳ, thì Ông AFIF SAFIEH, một tín hữu công giáo và đứng đầu phái đoàn Palestine cạnh Tòa Thánh Vatican, hôm thứ ba vừa qua, mùng 7 tháng 10, đã gởi một thơ riêng lên ÐTC, trình bày lập trường cho rằng Dân Tộc Palestine cũng cần được xin lỗi vì những thiệt thòi đã gánh chịu trong thời gian qua. Ông đã lập luận trong thơ đó như sau: Nếu những người do thái đã được Giáo Hội Công giáo xin lỗi, thì những người Palestine cũng đáng được xin lỗi, vì những đối xử tàn tệ của người do thái đối với họ. Những người Palestine là những nạn nhân gián tiếp của tinh thần bài do thái; họ phải sống trong vòng 50 năm trong tình trạng không có tổ quốc không quốc gia, bị bắt buộc sống cảnh lưu đày; đất đai của họ bị quân đội xăm chiếm. Trong bức thơ riêng gởi cho ÐTC như được nhắc đến trên đây, Ông AFIF SAFIEH có đoạn đã viết như sau:

Thưa đức thánh cha, chúng con, những người Palestine, nạn nhân của những nạn nhân của lịch sử châu âu, người do thái của những người do thái, chúng con thường nghĩ phải chăng có ai đó, vào một ngày trong tương lai, -- và hy vọng ngày đó sẽ đến mau -- sẽ lên tiếng xin lỗi chúng con. Lời xin lỗi đó chắc chắn sẽ là một đóng góp quý giá cho sự hòa giải hết sức cần thiết tại Thánh Ðịa.

Ông AFIF SAFIEH rất hy vọng là những nhận định và mong ước của ông trong bức thơ trên, sẽ thu hút được sự chú ý của các tham dự viên của cuộc họp do Tòa Thánh triệu tập vào cuối tháng 10 nầy, để "xét mình" về tinh thần bài do thái. Ông nói rằng: Nếu những người do thái là những nạn nhân rõ ràng của tinh thầnbài do thái, thì những người Palestine chắc chắn cũng là những nạn nhân gián tiếp của tinh thần bài do thái nầy. Ông giải thích thêm như sau: Những sự độc ác của Ðức Quốc Xã đối với người do thái đã làm phát sinh phong trào ZIONIST, quy tụ người do thái trở về tái lập quốc gia Israel. Và việc lập quốc nầy kéo theo hậu quả là những người dân Palestine bị chiếm đất và bị phân tán như hiện nay. Ông AFIF SAFIEH cũng đã lên tiếng tố cáo mọi hình thức cực đoan tôn giáo, nơi Hồi giáo cũng như nơi Do thái giáo. Cách chung, khi nói đến những kẻ cực đoan tôn giáo, fundamentalist, thì nguời ta thường nghỉ ngay đến những tín hữu hồi giáo cực đoạn, mà quên đi phong trào cực đoan tôn giáo nơi do thái giáo. Ông AFIF SAFIEH cho rằng hành động lịch sử xin lỗi cần phải là một hành động hai chiều. Nguời Kitô xin lỗi người do thái vì tinh thần bài do thái. Nhưng có thể người do thái cũng nên xin lỗi người kitô, vì tinh thần bài kitô đã xảy ra trong thời kỳ khởi đầu của kitô giáo. Vì thế, Ông đã đề nghị người ta nên nghiên cứu về thái độ của người do thái chống người kitô, trong thời kỳ những người kitô đầu tiên bị bách hại và có thể nói là cũng bị nạn diệt chủng, bởi đế quốc Roma. Lúc đó, người kitô bị đưa vào hí trường làm mồi cho sư tử ăn thịt, mà đâu có ai lên tiếng bênh vực cho họ.


Ðức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám mục Nha trang, nói về kỳ họp trù bị vừa qua của Thượng hội đồng Giám mục về Á châu

THỜI SỰ: Ðức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám mục Nha trang, nói về kỳ họp trù bị vừa qua của Thượng hội đồng Giám mục về Á châu.

(Roma 7/10/97) Ðức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám mục Nha trang, thành viên của Ủy ban trù bị Thượng hội đồng Giám Mục về Á châu, đã đến Roma để tham dự kỳ họp trù bị, diễn ra trong ba ngày tại Nội Thành Vatican, từ 30 tháng 7 đến 2 tháng 10 vừa qua. Sau đó ngài đã lên đường về Việt nam ngay, để tham dự Khóa họp khoáng đại hằng năm của HÐGM Việt nam tại Hà-nội.

Sau đây là một số nhận xét của Ðức Cha sau những ngày hội tại Vatican.

Chưa có lần nào các thành viên của Ủy ban tham dự đông đủ như lần này: tất cả 16 vị đều có mặt, đến từ các nước: Liban, Giêrusalem (Do thái), Philippines, Malaysia, Nhật, Việt nam, Thái lan, Ðài loan, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Korea và Ấn độ (2 vị). Ngoài ra còn có hai Ðức Hồng Y: Joseph Tomko, Tổng trưởng Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, và dĩ nhiên, Jan Schotte, Tổng thư ký Thượng hội dồng giám mục thế giới.

Cuộc họp lần này nhằm mục đích đúc kết các bản trả lời từ các nơi gửi về, để soạn ra một tài liệu làm việc cho Khóa họp khoáng đại của Thượng hội đồng giám mục về Á châu.

Cách đây một năm Văn phòng Trung ương của THÐ đã gửi tới các HÐGM Á châu một tập tài liệu gọi là "Bản đề cương", dài hơn 60 trang, trong đó có 14 câu hỏi giúp suy tư về đề tài: Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế - Sứ mạng Tình thương và phục vụ của Nguời tại Á châu: "Ðể họ được sống và sống dồi dào" (Gio 10,10).

Cho tới ngày 30.9.97, Văn phòng trung ương đã nhận được 52 bản trả lời của các đơn vị và cá nhân, trong đó có sự đóng góp của 13 trên 17 HÐGM, của các Giáo hội Ðông phương, các Bộ Tòa Thánh, các giáo phận, các Hiệp hội Dòng Tu và cả một số cá nhân nữa.

Nói chung, nội dung các bản trả lời rất phong phú, lại có nhiều ý kiến trùng hợp, khiến dể nhận ra những nét đặc trưng của Á châu. Nhưng cũng có một số ý kiến bị coi là phiếm diện, nghĩa là quá nhấn mạnh khía cạnh này, trong khi không nói họăc nói quá ít về khía cạnh khác. Nhưng khi đúc kết những bản trả lời này lại với nhau, thì chúng bổ túc cho nhau và thành một bản toàn diện, đầy đủ. Ðây chính là cái lợi của cách làm việc chung.

Cuộc họp đã bàn đến nhiều khía cạnh và sau đây là mấy điểm chính:

1 - Hội nhập văn hóa: Hội nhập văn hóa là một vấn đề khá phức tạp, vì có thể nói: ngày nay tại Á châu không còn một nền văn hóa nào thuần túy nữa. Á châu luôn biến chuyển và tiếp thu nhiều yếu tố mới. Hơn nữa văn hóa thành phố lại có nhiều khác biệt văn hóa thôn quê. Ngoài ra các phương tiện truyền thông hiện đại đang có khuynh hướng tạo ra một nền văn hóa chung, đe dọa tới sự sống còn của các nền văn hóa truyền thống.

Cho dù có nhiều yếu tố phức tạp, như nói trên đây, dầu sao người ta nhận thấy ở mỗi dân tộc, mỗi miền...vẫn còn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng mà ai cũng phải trân trọng. Mục đích của hội nhập văn hóa là làm sao cho Kitô Giáo có được tâm hồn và bộ mặt dân tộc. Nếu không diễn tả đức tin trong truyền thống dân tộc, thì khó mà đặt Chúa Kitô như trung tâm đời sống được. Tuy nhiên không phải mọi điều của truyền thống đều tốt đẹp, vì thế cần phải biết lựa chọn và thanh luyện. Cho tới nay việc hô hào hội nhập văn hóa đã khá nhiều. Mong các vị chuyên môn nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cụ thể.

2 - Tôn giáo tại Á châu: Á châu là Châu lục có nhiều tôn giáo nhất trên thế giới. Ðây là những tôn giáo lớn, có từ lâu đời và thường trải rộng trên nhiều nước như: Phật giáo, Ấn giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Lão giáo, Khổng giáo v.v...Các tôn giáo này đều tìm tiếp cận với Ðấng tối cao, với vũ trụ, với thiên nhiên, với con người, muốn đối diện với sự dữ, với đau khổ và đưa ra những phương cách giải thoát khác nhau.

Tôn giáo, theo tinh thần Á châu, nhắm vào cuộc sống hơn lý thuyết. Tại đây thường không có những cuộc tranh luận về lý thuyết. Người có tôn giáo tiếp cận với Ðấng Tuyệt đối, không phải bằng lời nói, nhưng bằng sự im lặng. Vì thế họ rất đề cao đời sống chiêm niệm. Tại đây, Giáo hội công giáo đang sống và làm chứng Chúa Kitô trong một bối cảnh tôn giáo như vậy.

3 - Loan báo Tin Mừng - Ngày nay việc loan báo Tin Mừng, mà người ta quen gọi là "truyền giáo", có một nội dung rộng hơn trước nhiều, nó rất đa dạng như: sống chứng tá cho Tin Mừng - Phục vụ giúp thăng tiến con người - Ðối thoại - Chía sẻ kinh nghiệm tôn giáo - Hội nhập văn hóa v.v...và nhất là loan báo Tin Mừng.

Không nên giản lược việc loan báo Tin Mừng vào một trong những diểm trên đây, tỉ dụ như chỉ nói tới làm chứng, mà không nói tới loan báo. Khi đề cập tới sống chứng tá và phục vụ, ai cũng nhắc tới Mẹ Têrêsa thành Calcutta: một cuộc sống đã thu hút được sự cảm phục của các tôn giáo tại Á châu.

4 - Ðối thoại - Người Á châu ưa chuộng cách đối thoại bằng cuộc sống. Họ không tranh luận về giáo lý giữa các tôn giáo, nhưng họ muốn chia sẻ với nhau chính cuộc sống tôn giáo của họ. Hiện nay giữa các Giáo hội đang có nhiều cuộc đối thoại đại kết; nhưng theo cái nhìn của người Á Ðông, thì đó là những cách đối thoại "về" tôn giáo - tôi nhấn mạnh chữ "về", chứ chưa phải là chia sẻ kinh nghiệm sống tôn giáo.

Kết luận - Kỳ họp đã chấm đứt vào chiều ngày 2.10.97, khi mà nhiều vấn đề còn đang phải thảo luận. ÐHY Tổng Thư ký đã xin các thành viên của Ủy ban trù bị vui lòng đi dự kỳ họp thứ năm, sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 7 đến hết mồng 9 tháng 2 năm 1998.

Công việc sẽ rất khẫn trương, vì phải liệu sao cho Tập tài liệu làm việc được ra mắt kịp thời, vì thời gian của Thượng hội đồng Giám mục Á châu đã được ấn định sẽ khai mạc ngày 19 tháng 4 và bế mạc ngày 16 tháng 5 nam 1998.

Nhờ dịp này, Ðức Cha xin mọi người cầu nguyện nhiều cho Thượng Hội đồng Giám mục về Á châu, vì đây là một biến cố rất quan trọng mở đường cho một giai doạn mới của việc rao giảng Tin Mừng tại Á châu, một châu có dân số đông hơn cả, nhưng đồng thời cũng là nơi số người công giáo còn quá ít, chỉ có 3%. Nhiệm vụ rao giảng Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất, là nhiệm vụ của mỗi một tín hữu Kitô, tùy theo ơn gọi của mình. Nếu mỗi tín hữu Kitô ý thức rõ ràng về nhiệm vụ quan trọng này, chắc chắn công việc rao giảng Tin Mừng sẽ tiến mạnh hơn nhiều tại Á châu và trên cả thế giới.


Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng bác bỏ tin đồn ÐTC sẽ được giải phẩu thay xương hán lần nữa

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng bác bỏ tin đồn ÐTC sẽ được giải phẩu thay xương hán lần nữa.

Tin Vatican (VIS 6/10/97): Hôm thứ bảy vừa qua, mùng 4 tháng 10, trước bản tin được giới báo chí đăng tải về việc ÐTC sắp phải chịu giải phẩu lần nữa, để sửa lại phần xương hán đã bị gảy trước đây, Tiến Sĩ Navarro Valls, người phát ngôn của Tòa Thánh đang tháp tùng ÐTC ại Rio de Janeiro, đã tuyên bố như sau: Vị Bác Sĩ mà giới báo chí đã nhắc đến tên, trong bản tin vừa nói, Ông WOLFRAM THOMAS, đã không bao giờ khám bệnh cho Ðức Gioan Phaolô II. Và do đó, đề nghị về việc giải phẩu lần nữa, để sửa chửa phần xương hán bên phải đã bị té gảy trước đây, là điều không bao giờ có. Mọi nguồn tin liên quan đến vấn đề nầy là vô căn cứ".

Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ cho các Nhân Viên Y Tế sẽ mở cuộc Họp về Nạn Nghiện thuốc phiện, tại Vatican

Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ cho các Nhân Viên Y Tế sẽ mở cuộc Họp về Nạn Nghiện thuốc phiện, tại Vatican.

Tin Vatican (VIS 6/10/97): Vào lúc 11:30 trưa ngày mai, thứ tư 8/10, Ðức Tổng Giám Mục Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ cho các nhân viên y tế, sẽ mở cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, để giới thiệu cho cuộc họp về Nạn Nghiện Thuốc Phiện, sẽ được diển ra tại Vatican, từ ngày 9 đến 11 tháng 10 nầy. Chủ đề của cuộc họp nói trên là: Tình Liên Ðới Phục Vụ cho sự Sống.


Back to Radio Veritas Asia Home Page