Tin Tức và Thời Sự
ngày 17 tháng 12/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Ông Thị trưởng Belem không chấp nhận chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II lúc Israel còn chiếm Gierusalem

Ông Thị trưởng Belem không chấp nhận chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II lúc Israel còn chiếm Gierusalem.

Bethléem - 17.12.97 - Mới đây trong một cuộc họp báo tại Bethléem, ông Hanna Nasser, thị trưởng Bethléem, nơi Chúa sinh ra cách đây hai ngàn năm, tuyên bố: Ông không chấp nhận việc viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Thánh Ðịa, trong lúc Israel còn chiếm đóng Giêrusalem. Ông cho biết : Ông đã trình bày ý kiến của ông cho ÐTC lúc viếng thăm Vatican tháng 9 vừa qua.

Ông Thị Trưởng hy vọng rằng từ nay đến năm 2000 sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết, vì một Quốc Gia Palestine phải có tên tuổi trên thế giới và chủ quyền hoàn toàn.

Hiện nay tại Bethléem có 6 dự án: Quảng trường "Hang Ðá Máng Cỏ" sẽ được sửa sang lai với sự giúp đỡ tài chánh của Thụy Ðiển, Nhật Bản và Hy Lạp. Phí tổn có thể lên tới 10 triệu Mỹ kim. Ngân Hàng thế giới cho vay 55 triệu Mỹ Kim để xử dụng vào các cuộc lễ của Năm 2000 tại Bethléem. Cộng Hòa Liên Bang Ðức sẽ trả phí tổn sửa lại một phố và một quảng trường của Thành phố lịch sử này.

Ông Thị Trưởng cũng cho biết thêm là năm nay tại Bethléem không có cây thông Sinh Nhật. Theo truyền thống cây thông này hằng năm được nhập cảng từ Na Uy và Phần Lan. Nhưng từ những năm vừa qua, Israel không cho nhập cảng nữa, với lý do là các cây thông này có thể gây nên các chứng bệnh. Không có cây Sinh Nhật, nhưng có "Ông Già Noel" sẽ đích thân đến từ Phần Lan và ở lại Bethléem 4 ngày. Phần Lan còn cung cấp các đồ trang trí khác về Noel cho thành phố Bethléem, sinh quán của Chúa Kitô.


Tin về Lễ Giáng Sinh tại Cuba

Tin về Lễ Giáng Sinh tại Cuba.

Roma - 17.12.97 - Tin về Lễ Giáng Sinh năm nay được cử hành long trọng và công khai tại Cuba đã được chính Chủ tịch Fidel Castro quyết định và loan báo trong Quốc Hội hôm Chúa Nhật 14.12.97 vừa qua. Tin này đã được đăng trên Báo "Juventud Rebelde", tờ báo của Thanh niên cộng sản Cuba, số ra ngày Chúa nhật 14.12.97, và được toàn thể Giáo Hội Công Giáo tại Cuba và Vatican đón nhận với tất cả vui mừng. Trong khi loan báo quyết định trên, Chủ Tịch Fidel Castro đã nói thêm như sau: Việc xóa bỏ ngày Nghỉ vào Lễ Giáng Sinh ngày 25 tháng 12, từ năm 1969 đến nay, không do tâm tình chống tôn giáo, nhưng là vì những lý do thực hành: đó là vì tháng 12 trong năm là thời kỳ tốt đẹp hơn cả cho nghề nông (mùa thu hoạch mía làm đường) và mùa xây cất.

Theo nguồn tin của nhật báo Công Giáo Ý Avvenire (Tương Lai) (16.12.97 ) và Hãng thông tấn quốc tế Công Giáo Apic (15.12.97), thì ÐHY Jaime Ortega, TGM giáo phận La Havana, cho biết: Chính ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nhân danh ÐTC, xin Chủ tịch tái lập Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, trong lúc Ông viếng thăm Vatican hồi tháng 11 năm ngoái (1996). Hơn nữa, để tỏ thiện chí tối đa, vị Lãnh Tụ Nhà Nước Cuba đã loan báo rằng: trong dịp Lễ Giáng Sinh, nhà cầm quyền Giáo hội tại Cuba có thể nói trên đài truyền hình Nhà Nước và toàn thể Sứ Ðiệp Giáng Sinh của ÐTC sẽ được truyền đi trên Ðài Truyền Hình Quốc Gia Cuba.

Trong những ngày viếng thăm của ÐTC, Chủ tịch Castro cũng quyết định: một nửa các phương tiện chuyên chở công cộng sẽ được dành cho các tín hữu muốn tham dự các buổi cử hành thánh lễ do ÐTC chủ sự. Và để phe đối lập trong và nhất là ngoài nước tại Hoa kỳ đừng phao tin thất thiệt, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố: Nhà Nước Cuba không lợi dụng chuyến viếng thăm này cho mục tiêu chính trị và cũng không xin làm áp lực, để chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận từ 35 năm nay, vì chính phủ Cuba biết rõ rằng: Ðức Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng về lệnh cấm vận này rồi. Chủ tịch cũng cải chính tin đồn là Chính phủ Cuba không muốn các đoàn hành hương từ Hoa Kỳ đến Cuba trong dịp ÐTC viếng thăm. Ông nói rõ: Sẽ có một chiếc tầu chở các người hành hương từ Miami đến Cuba và có nhiều chuyến bay riêng dành cho các người hành hương từ New York và Boston. Ông nhấn mạnh: "Tất cả những ai muốn đến Cuba, đều có thể đến". Nhưng Chính phủ Cuba không cấp hộ chiếu cho ÐHY Obando Y Bravo, TGM giáo phận Managua, vì ngài bị coi là một nhân vật bảo thủ, chống đối phe Sandino trước đây (thiên cộng) tại Nicaragua và ba linh mục khác thuộc Châu Mỹ Latinh.


ÐHY Roger Etchegaray hài lòng về quyết định của Chủ tịch Fidel Castro về Ngày lễ Giáng Sinh

ÐHY Roger Etchegaray hài lòng về quyết định của Chủ tịch Fidel Castro về Ngày lễ Giáng Sinh.

Vatican - 17.12.87 - Trong cuộc họp báo thứ ba 16.12.97 để trình bày sứ điệp của ÐTC về Ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa Bình sẽ được cử hành vào Ngày Ðầu Năm Dương lịch 1998, ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lýù và Hòa bình, đã bày tỏ sự hài lòng về quyết định của Chủ tịch Fidel Castro cho tái lập Lễ Giáng Sinh tại Cuba. ÐHY nói: "Tôi thấy trong cử chỉ này một dấu hiệu của việc tiếp đón ÐTC tại Cuba, nhưng còn là một sự công nhận những ước vọng sâu xa nhất của dân tộc Cuba". Cách đây hai năm, ÐHY đã viếng thăm Cuba vào dịp Lễ Giáng Sinh. Ngài kể lại rằng ngài không thấy một dân tộc nào buồn như vậy, không có một dấu hiệu bên ngoài nào về sinh hoạt đạo đức.

ÐHY cũng nhắc lại rằng lập trường của Vatican về lệnh cấm vận đối với Cuba từ trước đến nay, vẫn luôn luôn là một, không có gì thay đổi. Ðã nhiều lần ÐTC lên tiếng về những hậu quả tai hại gây nên cho người dân vô tội do lệnh cấm vận này tại Cuba cũng như tại Irak và Lybie.


Linh mục Fernando Cardenal tham dự chính phủ thiên cộng tại Nicaragua không thành thực trở lại

Linh mục Fernando Cardenal tham dự chính phủ thiên cộng tại Nicaragua không thành thực trở lại.

Managua - 17.12.97 - Sau hơn 6 tháng được nhận lại trong Dòng Tên, Linh mục Fernando Cardenal, vừa tuyên bố với Hãng thông tấn quốc tế Công Giáo có trụ sở tại Thụy Sĩ (APIC) rằng: Cha không hối tiếc chút nào về quá khứ, nhưng đồng thời cha cũng sẽ không bao giờ muốn từ bỏ chức linh mục để làm chính trị. Linh mục Cardenal đã giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Giáo Dục trong chính phủ thiên cộng của chế độ Sandino tại Nicaragua và đã bị loại ra khỏi Dòng Tên năm 1994 , vì không từ bỏ chức vụ chính trị.

Ba linh mục Công Giáo đã từng tham gia chính phủ của Tướng Daniel Ortega, người lãnh đạo chế độ Sandino, là linh mục Fernando Cardenal, Dòng Tên, Tổng trưởng Bộ Giáo Dục; Linh mục Ernesto Cardenal, thi sĩ, em của Linh mục Fernando Cardenal, thuộc Dòng Biển Ðức, Tổng trưỏng Bộ Văn Hóa và linh mục Miguel D'Escoto, thuộc Dòng Maryknoll, Tổng Trưởng Ngoại Giao. Trước đây, cả ba linh mục nầy đều đã gặp khó khăn với Tu Hội của mình, vì không chấp nhận từ chức bộ trưởng trong chính phủ, một chúc vụ hoàn toàn chính trị, khi được Tòa Thánh yêu cầu.


Về Bức Thơ của Các Giám Mục Châu Phi gửi cho các Quốc Trưởng toàn Lục Ðịa

THỜI SỰ: Về Bức Thơ của Các Giám Mục Châu Phi gửi cho các Quốc Trưởng toàn Lục Ðịa.

(CWN 17/12/97) "Xin đừng gây nên chiến tranh nữa. Xin đừng buôn bán vũ khí nữa. Xin hãy đem đến cho Châu Phi một tương lai mà chúng ta đang vất vả tìm kiếm".

Ðây là lời kêu gọi mà các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục của cả Châu Phi gửi tới các Vị Quốc Trưởng các nước của toàn Lục địa, sau Khóa Họp Khoáng Ðại lần thứ 11 của Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Phi và Ðảo Madagascar, hôm tháng 9 vừa qua tại Midrand, bên Cộng Hòa Nam Phi. Nhưng những lời kêu gọi trên chỉ được công bố trong ngày vừa qua mà thôi. Bức thư mang chữ ký của Ðức Cha Laurent Mosengwo Pasinya, chủ tịch của Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Ngàiän là Tổng Giám Mục giáo phận Kisangani, một trong các giáo phận bị tàn phá mới đây, trong cuộc nội chiến tại cựu Zaire. Sáng kiến của các vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo phát xuất bởi những kinh nghiệm đau đớn của chính các ngài và của người dân trong những cuộc tranh chấp vũ trang từ nhiều năm tại các miền khác nhau của Châu Phi: miền Hồ Lớn, Sierra Leone, Sudan, Mozambic, Angola...

Bức thư đã được soạn thảo trong Khóa họp khoáng đại và được trao cho tất cả các Vị quốc trưởng của Châu Phi. Trong thư các Giám Mục yêu cầu chấm dứt tất cả các vụ bạo hành, các vụ buôn bán vũ khí, để cùng nhau tái thiết lục địa này trong hòa giải, hòa bình và trong phát triển. Các Giám Mục Phi Châu đã viết như sau: "Trong lúc này, với ơn Chúa quyền năng, Châu Phi đang huy động các lực lượng trí thức và thiêng liêng để giập tắt những chia rẽ, những chống đối nhau, những bạo hành, để trở nên một đại gia đình mà chính Thiên Chúa sẽ công nhận là Gia Ðình của Người". "Thưa các Ngài Quốc Trưởng, chắc chắn các Ngài biết rõ: nhiều quốc gia Châu phi bị tàn phá, trở nên nghèo khổ bởi những chiến tranh huynh đệ tương tàn, bởi những bạo hành, bởi việc sát hại các sinh mạng và việc phá hủy tài sản. Các nạn nhân thường không phải là các người lớn, nhưng là các thanh thiếu niên, các trẻ em: họ là tương lai của xứ sở chúng ta; trường học của các em trở thành chiến trường và họ bị cưỡng ép chiến đấu trong cảnh nồi da xáo thịt. Tất cả các khổ cực về tinh thần và thể xác này có thể tránh được, chỉ khi nào người ta ngừng việc tuyển mộ và thành lập các đội quân tự vệ vũ trang riêng của phe này, của nhóm khác. Chúng tôi cực lực phản đối việc dùng các tài sản của người dân để mua sắm vũ khí, với mục đích chiếm và giữ quyền cách bất hợp pháp. Quyền bính chỉ hợp pháp trong các chế độ thực sự dân chủ bằng lá phiếu hoàn tự do mà thôi; những cuộc bầu cử giả tạo, gian lận, chỉ gây nên những bất mãn, những tranh chấp, những hỗn loạn, những đàn áp mới mà thôi".

Các Giám mục Châu Phi trình bày một cách cương quyết như sau: "Vì những lý do này, chúng tôi xin nói lên rằng: Không chiến tranh, không buôn bán vũ khí, không tàn phá các cơ sở công cộng". "Và Ðây không phải là công việc dễ dàng. Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa giúp các Ngài chu toàn một cách can đảm và nghiêm chỉnh sứ mệnh của Vị Lãnh đạo quốc gia: là tìm kiếm và thực hiện công ích cho toàn dân".

"Thưa các Ngài, tất cả công việc này có thể dễ dàng, nếu có sự tín nhiệm, sự cộng tác thành thực và sự tôn trọng giữa Vị Lãnh Ðạo và người dân".

Trong phần kết thúc bức thư, các Giám Mục xin các Vị Lãnh đạo quốc gia hãy cai trị một cách rất trong sạch và trở nên gương mẫu cho mọi người.


ÐTC tiếp Tân Ðại sứ Hoa Kỳ trình thư ủy nhiệm

ÐTC tiếp Tân Ðại sứ Hoa Kỳ trình thư ủy nhiệm.

Vatican - 16.12.97 - Sáng thứ ba 16.12, ÐTC đã tiếp Bà Tân Ðại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, Bà Corinne Claiborne Boggs, đến trình thư ủy nhiệm.

Bà Boggs năm nay 81 tuổi, quả phụ. Bà đậu tiến sĩ tại Ðại Học Tulane University. Bà là người phụ nữ đầu tiên Hoa kỳ được bầu làm Dân biểu đại diện cho Bang Louisiana. Sau 9 nhiệm kỳ tại Quốc hội, Bà không ra ứng cử nữa. Trong những năm làm chính trị Bà hoạt động tích cực trong Ủy Ban Thanh Niên và Gia Ðình và là người đứng đầu "Crisis Intervention Task Force". Vào năm 1987, Bà đứng đầu Ủy Ban chuẩn bị mừng kỷ niệm 200 năm Hiến Pháp Hoa kỳ. Ngoài ra Bà được nhiều Ðại học tặng Văn Bằng "Tiến sĩ danh dự". Bà cũng là phụ nữ thứ nhất Hoa kỳ giữ chức vụ Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh.

Trong diễn văn đọc trước Tân Ðại Sứ, ÐTC nhắc lại bài học của những Vị Sáng Lập Quốc Gia Hoa Kỳ về nền độc lập và nhất là về một quan niệm về sự tự do: sự tự do này nhắc đến phương tiện xứng hợp để đi tìm hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng nhắc đến bổn phận và trách nhiệm đối với công ích. Thuật lại lời của một trong các Vị Sáng lập quốc gia Hoa Kỳ, ÐTC nói: "Tất cả quyền tự do không tùy thuộc vào bản văn hay dấu ấn, mà tùy thuộc vào Vua của các Vua, Chúa của toàn thể Trái đất này". Do đó, sự quan trọng của tự do tôn giáo là một trong các quyền căn bản của con người: việc tôn trọng các tín ngưỡng khác nhau thực sự đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển của Hoa kỳ. Trong tương lai việc tôn trọng các tín ngưỡng vẫn quan trọng như vậy.

ÐTC nhấn mạnh rằng: "Thật là một điều đáng buồn, nếu các xác tín luân lý và tôn giáo mà trên đó đất nước Hoa Kỳ được xây dựng, và nay bị coi như là một nguy hiểm cho một xã hội tự do, không muốn bị ràng buộc. Và cũng là một điều nguy hiểm nếu nguới ta muốn loại ra khỏi đời sống chính trị, tất cả những ai tuyên xưng cách thành tín luân lý và tôn giáo. Và làm như vậy thật không đúng với ý nghĩa của việc tách rời giữa Giáo hội và Nhà Nước, được thực hiện tại Hoa Kỳ. Thượng Hội Ðồng Giám Mục mới đây về Châu Mỹ đã minh chứng điều này: là các người Công Giáo có thể góp phần rất ý nghĩa vào công việc phát triển văn hóa và xã hội của xứ sở.

ÐTC giải thích thêm về sự tự do như sau: tự do có nghĩa là tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của sự sống và bênh vực những ai, trong xã hội, là những người hèn yếu hơn cả: trẻ em sắp sinh ra, bệnh nhân, nguời già cả. Nếu ta để họ không được ai bênh vực, thì đó là ta đã đảo lộn ý nghĩa nguyên thủy của công bình.

Trong phần kết của bài diễn văn, ÐTC cầu chúc mọi người được hưởng sự tự do, một sự tự do được xây dựng trên chân lý và hướng về công ích. ÐTC cũng mong ước có được một cuộc tái sinh trong dân chúng Hoa kỳ, để biết xử dụng các nghị lực lớn lao thiêng liêng nhằm mưu ích cho chính mình và cho cả nhân loại.


ÐTC tiếp Ban Lãnh Ðạo mới của Dòng Phanxicô Hèn Mọn

ÐTC tiếp Ban Lãnh Ðạo mới của Dòng Phanxicô Hèn Mọn.

Vatican - 16.12.97 - Cũng sáng thứ Ba 16/12, ÐTC đã tiếp Ban Lãnh Ðạo mới của Dòng Phanxicô Hèn Mọn, gồm Cha Bề Trên Tổng Quyền và các Vị Cố Vấn được bầu trong Tổng Công Hội vừa qua. Tổng Công Hội diễn ra trong tháng năm vừa qua, tại Ðền Thánh Porziuncola ở Assisi, nơi lịch sử từ đó phát xuất công việc tu đức và truyền giáo của các con cái Thánh Phanxicô. Nơi lịch sử này trong những tháng vừa qua trở thành điểm gây chú ý cho giới truyền thông vì các vụ động đất kéo dài hầu như suốt cả tháng 9.

Nhắc đến biến cố này, ÐTC nói như sau: "Nếu các vụ động đất này gây hại cho các cơ cấu vật chất, thì ta cũng không nên quên các hiện tượng khác, có lẽ còn đáng lo lắng hơn nữa: các hiện tượng này đảo lộn cuộc sống của con người và đề cao rõ ràng sự vắng bóng và sự trống rỗng về tình nhân đạo và về ý nghĩa Thiên Chúa". Vắng bóng và trống rỗng về Thiên Chúa được quan sát thấy nơi những điều sau đây: không còn tôn trọng phẩm giá con người và tính cách bất khả xâm phạm của sự sống, việc lãnh đạm tôn giáo và thuyết vô thần thực hành, tất cả đưa con người đến việc loại bỏ ý tưởng về Thiên Chúa khỏi chân trời sự sống, bằng việc mở đường đi đến nguy hiểm trống rỗng về các giá trị và lý tướng cao quí. ÐTC nói: "Ðây là những thách đố của thời đại ta: những thách đố này, một đàng, đưa chúng ta nhìn về tương lai với nhiều lo lắng, đàng khác, đòi hỏi cách mạnh mẽ cộng đồng các tín hữu để thu nhận lấy các thách đố này và đối phó cách khẩn cấp".

Ngoài ra ÐTC căn dặn các Vị Lãnh Ðạo Dòng Thánh Phanxicô Hèn Mọn Hướng về Ngàn Năm thứ Ba Kitô, cần phải trở lại nguồn gốc để gia tăng sự chú ý đến các anh chị em, nhất là các người nghèo khổ và các người ít may mắn hơn, bằng việc đem đến cho mọi người Tin Mừng của an vui và của Tình yêu.


ÐTC cử hành thánh lễ cho sinh viên đại học

ÐTC cử hành thánh lễ cho sinh viên đại học.

Vatican - 16.12.97 - Lúc 17g30 thứ ba 16/12, trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ÐTC chủ sự thánh lễ cho các sinh viên Ðại Học Công Lập ở Roma và Nước Ý. Tại Roma mà thôi, có 16 Ðại Học: 8 Ðại học công lập và 8 Ðại Học Tòa Thánh. Tổng số sinh viên là khoảng 250 ngàn: Số giảng sư hơn 10 ngàn. Trong 8 Ðại Học công lập, có ba Ðại Học chính phủ, trong đó Ðại Học La Sapienza (Sự Khôn Ngoan) thì cổ thời hơn cả và cũng lớn hơn cả, gồm khoảng 180 ngàn sinh viên và 5000 giáo sư - Ba Ðại Học tư lập và hai Ðại Học Công Giáo (và một trong hai đại học đó là Ðại Học Thánh Tâm có phân Khoa Y Khoa tại Roma và Bệnh Viện Gemelli nổi tiếng quốc tế ). Về hoạt động mục vụ cho giới Ðại học ở Roma mà thôi có 32 văn phòng tuyên úy, trong đó có 22 Văn Phòng Tuyên Úy cho các Ðại Học Nhà Nước và 10 cho các Ðại Học Công Giáo.

Tham dự thánh lễ chuẩn bị Lễ Giáng sinh, có khoảng 10 ngàn sinh viên, các Viện trưởng Ðại Học Roma và Viện Trưởng các Ðại Học lớn nước Ý. Cùng đồng tế với ÐTC có Ðức Hồng Y Camillo, Tổng Ðại Diện Roma , Ðức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia, phó Tổng Ðại Diện và 40 linh mục tuyên úy. Từ năm 1979, sau ít tháng lên làm Giáo Hoàng, ÐTC tiếp xúc với giới Ðại Học theo thói quen mỗi năm hai lần: Một trong Mùa Vọng để chuẩn bị Lễ Giáng Sinh và một trong Mùa Chay để chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh. Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: Thế giới Ðại học là nơi phát triển các tài năng con người để mưu ích cho chính mình và cho tha nhân, nhưng kinh nghiệm cho thấy: những tiến bộï Khoa Học, dù là vĩ đại, nhưng nhiều lúc gây nên cám dỗ trục tư lợi, hơn là tìm công ích cho nhân loại, thậm chí còn gây hại không thể lường được cho con người. Giải thích dụ ngôn về hai người con trong bài Phúc âm hôm nay, ÐTC đã nói như sau: người con thứ nhất nhận đi làm vườn nho như cha yêu cầu, rồi không đi; người con thứ hai, ban đầu từ chối, nhưng sau nghĩ lại, đã vâng lời đi làm như cha dạy. Mỗi người hãy ý thức về trách nhiệm của mình và hãy theo gương Ðức Trinh Nữ Maria lắng nghe và thi hành Lời Chúa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page