Tin Tức và Thời Sự
ngày 06 tháng 12/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC tiếp Tân Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ trình thư ủy nhiệm

ÐTC tiếp Tân Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ trình thư ủy nhiệm.

Vatican - 6.12.97 - Sáng thứ bẩy 6.12, trong Ðền Vatican, ÐTC đã tiếp Tân Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ , Tiến sĩ Altan Guven, trình thư ủy nhiệm.

Trong diễn văn đọc trước Tân Ðại Sứ, ÐTC đề cập đến một số vấn đề sau đây:

"Tình hình các nhóm tôn giáo, sắc tộc trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề các anh em thợ thuyền di dân kiếm công việc làm ngoài nước. ÐTC nhấn mạnh đến việc tôn trọng các nhu cầu văn hóa, luân lý và thiêng liêng của mỗi một cá nhân và cộng đồng. Sự tôn trọng này dựa trên phẩm giá con người và trên căn cước riêng biệt của mỗi một cộng đồng. Việc tôn trọng này là yếu tố thiết yếu cho nền thịnh vượng của mỗi một xã hội". Nói đến tự do tôn giáo, ÐTC Gioan Phaolô II quả quyết: "Ðây là một điều kiện để các nhóm thiểu số có thể cảm thấy mình là những công dân của một quốc gia với tước hiệu hoàn toàn đầy đủ của họ và cảm thấy mình được khuyến khích tham dự cách hăng say vào công việc phát triển Ðất Nước, trong bầu khí tôn trọng nhau và trong bầu khí khoan dung".

ÐTC nói thêm: "Sự hiện diện trong một quốc gia của nhiều nhóm khác nhau về tôn giáo và sắc tộc là một thách đố và cũng là một cơ hội thuận tiện cách riêng cho các vị lãnh đạo chính trị và cho các nhà lập pháp. Nhà cầm quyền dân sự cần phải ý thức về những đòi hỏi chính đáng của các nhóm khác nhau trong xã hội và đáp lại những đòi hỏi này một cách tương xứng. Việc tôn trọng các truyền thống văn hóa và thiêng liêng của các dân tộc hiện sống trong biên giới Quốc gia cho phép Quốc gia này giới thiệu mình với Cộng đồng quốc tế như gương mẫu của hòa bình và hòa hợp: hai điểm này phải dược nổi bật trên cả thế giới".

Ðáp lại vấn đề được Tân Ðại Sứ nêu lên trong diễn văn trình thư ủy nhiệm: vấn đề người dân Thổ bị cưỡng ép ra ngoài nước tìm công việc làm, bị kỳ thị, ÐTC nói: Vấn đề này phải được đối phó trong tinh thần đối thoại và cởi mở mà các người di dân, với các kinh nghiệm riêng và những tập quán khác nhau, có thể đóng góp vào xã hội hiện đang tiếp đón họ.

Một vấn đề khác cũng được Tân Ðại Sứ đề cập đến: vấn đề hòa đồng hoàn toàn vào Khối Liên Hiệp Châu Âu, ÐTC Gioan Phaolô II cho rằng đây là một mệnh lệnh: việc liên hệ mỗi ngày mỗi nhiều giữa các quốc gia cần được cổ võ và biến đổi thành tình liên đới quốc tế hữu hiệu. Thực ra, sẽ không có một hòa bình thực sự, nếu một quốc gia giầu thịnh ở bên cạnh một quốc gia sống trong thiếu thốn. Như chiếc cầu giữa Châu Âu và Châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ nhớ rằng: Các nước giầu có hơn của Châu này phải luôn luôn sẵn sàng đáp lại những nhu cầu của các dân tộc, cả ngoài biên giới của mình nữa. Sau cùng, ÐTC tỏ lòng biết ơn Chính Phủ Thổ Nhĩ Kỳ về sự sẵn sàng cộng tác vào việc cử hành Ðại Toàn Xá của Năm 2000, cách riêng trong việc dành nơi trú trọ cho các đoàn hành hương sẽ đến viếng các nơi của Thổ Nhĩ Kỳ được các tín hữu Kitô sùng kính.

Tân đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Tòa Thánh năm nay 60 tuổi, có gia đình và một người con. Ông đậu Tiến Sĩ khoa Chính Trị tại Ðại Học Ankara năm 1961. Năm 1964, Ông vào ngành Ngoại Giao và đã giữ nhiều chức vụ trong và ngoài nước. Từ năm 1990 đến 1995, Ông làm Ðại sứ Thổ tại Tunisie. Sau dó, trở về Nước giữ chức vụ Phó Tổng thư ký Bộ Ngoại giao cho tới lúc được bổ nhiệm làm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh.


ÐTC tiếp phái đoàn phụ nữ tham dự Ðại hội của Trung Tâm phụ nữ Ý

ÐTC tiếp phái đoàn phụ nữ tham dự Ðại hội của Trung Tâm phụ nữ Ý.

Vatican - 6.12.97 - Cũng sáng thứ bẩy 6/12, ÐTC tiếp phái đoàn phụ nữ tham dự Ðại hội lần thứ 24 do Trung tâm phụ nữ Ý (Centro Italiano Femminile: CIF) tổ chức tại Roma về đề tài: Người phụ nữ và văn hóa Châu Âu tiến về Ngàn Năm thứ ba.

Trong diễn văn đọc trước các vị tham dự Ðại hội, ÐTC cầu chúc cho "cuộc gặp gỡ của các người nữ có thể trở nên một đóng góp không thể thay thế được vào việc suy tư về tính cách nhậy cảm của người phụ nữ đối với các tiến bộ nhanh chóng trong cuối ngàn năm thứ hai này".

ÐTC nói thêm: "Ðược hướng dẫn bởi đức tin, được ăn rễ sâu vào mguồn mạch vô tận của Mạc Khải và gắn bó với đời sống Giáo hội, sự dấn thân của người phụ nữ vào việc phục vụ xã hội và cộng đồng Kitô, có thể làm nổi bật lên những "tài năng" mà Thiên Chúa đã muốn phong phú hóa người phụ nữ". Theo Phúc Âm kể lại, Chúa Giêsu chống lại tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá người phụ nữ và Người thưởng công Mẹ Người và các Nữ môn đệ đã không bỏ Người trong giờ phút thử thách và Người đã chọn các Vị này như những chứng nhân đầu tiên cho việc Người sống lại. ÐTC nói: "Sự nhậy cảm, đặc điểm của Phụ nữ tính, đã làm cho các Nữ môn đệ trở nên những người loan tin, được tuyển chọn cách riêng cho các công việc lớn lao do Thiên Chúa hoàn tất nơi Chúa Kitô. Như vậy điều này chứng tỏ rằng "ơn gọi rao giảng" cũng là sở trường của người phụ nữ trong Giáo hội và trên thế giới".

ÐTC nói tiếp: "Trong ơn gọi được hiểu như vậy, người phụ nữ, với sự nhậy cảm, trở nên "chủ thể sống động" và "chứng nhân vô tận" của các công việc lớn lao của Thiên Chúa, trở nên " sự phong phú cho cộng đồng các tín hữu" và "dụng cụ không thể thay thế được trong việc xây dựng một nền nhân bản Kitô". Với ơn gọi riêng biệt này, người phụ nữ trở nên chủ thể tác động trong các tiến trình liên hệ đến chính họ, như việc tôn trọng phẩm giá của riêng họ, sự bình đẳng thực sự về công việc làm, việc đánh giá cao của việc đóng góp vào nền văn hóa và chính trị trong đời sống dân sự và việc đánh giá cao vai trò rao giảng Tin Mừng của họ; nhưng cách riêng vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong cái nhìn về các thách đố lớn lao của thế giới ngày nay: phẩm giá của sự sống, chăm sóc về môi sinh, các dịch vụ xã hội một luật lệ "được nhân đạo hóa" đối với các người di dân, việc tổ chức thì giờ nhàn rỗi, việc bảo trợ thiên chức làm mẹ và gia đình, việc xác nhận sự cao cả của phẩm giá con người trên các luật lệ trục lợi kinh tế và việc giáo dục giới trẻ.

ÐTC kết thúc: "Chị em rất thân mến, hãy để quyền phép Chúa Kitô, Ðấng Cứu chuộc nhân loại, hướng dẫn và nâng đỡ, như thế chị em sẽ sống cách sâu xa hơn nữa sứ mệnh đã được Thiên Chúa phú thác cho chị em: Phục vụ sự sống trong tình yêu, theo hình ảnh của Mẹ Maria, "Tôi tá của Thiên Chúa".


ÐHY Roger Etchegaray kêu gọi loại trừ mìn giết người và các vũ khí cỡ nhẹ

ÐHY Roger Etchegaray kêu gọi loại trừ mìn giết người và các vũ khí cỡ nhẹ.

Vatican - 6.12.97 - Sau ngày ký kết Thỏa Ước về cấm các loại mìn giết ngưới diễn ra tại Ottawa từ mồng 2 đến 4/12, ÐHY Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa Bình, đã lên tiếng kêu gọi không những loại trừ mọi loại mìn giết người mà cả những thứ vũ khí cỡ nhẹ (không kém nguy hiểm) hiện đang lan tràn khắp nơi và đe dọa mạng sống con người.

Về Thỏa ước cấm các loại mìn giết người, ÐHY nói: Ðây là một bước ý nghĩa. Với Thỏa ước này một số đông đảo các quốc gia có hy vọng sống trong an ninh. Nhưng con đường đã khởi sự phải được theo đuổi đến cùng, bằng việc bảo đảm tuân giữ và áp dụng cách hiệu nghiệm Thỏa ước đã được ký kết. Còn một tiến trình khác phải làm: là gỡ đi tất cả các mìn đã được đặt rải rắc khăp nơi tại nhiều quốc gia, đồng thời bảo đảm việc hỗ trợ tương xứng cho các nạn nhân của thứ vũ khí độc ác này.

Theo ÐHY, việc ký kết Thỏa ước cấm các loại mìn giết người có thể đưa đến việc giải quyết một vấn đề nhân đạo khác nữa: vấn đề sản xuất vô hạn các loại vũ khí cỡ nhẹ. Một đe dọa không miền nào trên thế giới này tránh khỏi, bởi vì loại vũ khí này rất đơn sơ, trẻ em cũng có thể xử dụng. ÐHY Etchegary kết thúc: "Về mỗi một vấn đề này, Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình sẽ tiếp tục trong dấn thân của mình để thức tỉnh lương tâm mọi người.


Back to Radio Veritas Asia Home Page