Tin Tức và Thời Sự
ngày 29 tháng 10/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC tiếp chung các đoàn hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô

ÐTC tiếp chung các đoàn hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Vatican - 29.10.97 - Sáng thứ tư 29.10, dù trời xấu và giá lạnh như Mùa Ðông, ÐTC vẫn tiếp các đoàn hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, vì Thính đường Phaolô VI không đủ chỗ cho 20 ngàn người, đến từ các nước: Ý, Nga, Ba lan, Cộng hòa Slovenie, Croat, Slovak, Pháp, Thụy sĩ, Anh, Ái Nhĩ Lan, Ðan mạch, Na uy, Thụy điển, Philippines, Canada, Hoa kỳ, Ðức, Bỉ, Hòa Lan, Tây ban nha, Mehicô, Peru, Chilê và Brazil. Trong các đoàn hành hương, Ý, Ba lan và Ðức vẫn chiếm đa số.

Trong số các Ðức giám mục hiện diện tại buổi tiếp kiến chung hôm nay, có Ðức Cha Phaolô Lê Ðắc Trọng, giám mục phụ tá Giáo phận Hà nội. Ngoài ra còn có vị giám mục Tin Lành Luterano của giáo phận Trondheim, bên Na uy, cùng với một nhóm đông đảo thuộc phong trào đại kết, trong đó có cả Ðức Giám mục công giáo và Ông thị trưởng thành phố Trondheim. Các vị nầy đến Roma để đáp lễ Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Thành phố Trondheim cách đây 8 năm. ÐTC cảm ơn và bày tỏ sự chung vui của ngài nhân dịp kỷ niệm 1000 năm thành lập Thành phố Trondheim.

Trong bài giáo huấn cho buổi tiếp kiến hôm nay, ÐTC nói về lòng sùng kính Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, qua các ảnh tượng thánh. Ðể cổ võ cho lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh, Công đồng Vatican 2 khuyên tất cả các tín hữu: "Thánh Công đồng dạy cách rõ ràng giáo lý này của giáo hội Công Giáo và đồng thời khuyến khích tất cả con cái Giáo hội, để họ nhiệt thành cổ võ lòng sùng kính, nhất là lòng sùng kính phụng vụ, đối với Ðức Trinh Nữ rất thánh. Hãy coi trọng những việc thực hành đạo đức nhằm suy tôn Người và đã được quyền Giáo huấn của Giáo hội khuyến khích qua các thế kỷ..." (LG 67). ÐTC nói tiếp: "Cùng với lời quyết đáp này, các Nghị phụ, không đi vào chi tiết, chỉ chủ ý nhắc lại giá trị của một số kinh, như Kinh Mân côi, Kinh Truyền Tin, rất được quí mến nơi truyền thống của Dân Công Giáo và luôn luôn được khuyến khích bởi các Vị Giáo Hoàng, như phương thế hiệu nghiệm nuôi dưỡng đời sống đức tin và lòng sùng kính đối với Ðức Trinh Nữ".

Sau đó ÐTC nhắc lại bản văn của Công đồng căn dặn các tín hữu tuân giữ cẩn thận tất cả những gì trong quá khứ đã được công nhận về lòng sùng kính các ảnh thánh của Chúa Kitô, của Ðức Trinh Nữ Maria và của Các Thánh. Công đồng nhắc lại các quyết định của Công đồng chung Nicea II, diễn ra năm 787. Công đồng này xác nhận tính cách hợp lý của việc sùng kính các ảnh tượng thánh, chống lại những ai muốn hủy bỏ các ảnh tượng thánh này, cho rằng không tương xứng với tính cách thánh thiêng của các Ngài. ÐTC nhấn mạnh đến tính cách ích lợi do việc dùng đứng đắn các ảnh thánh này, vì giúp chúng ta thiết lập mối liên hệ sống động với các Ngài . Ðức Gioan Phaolô II nói: "Vì thế, vịệc trưng bày các ảnh thánh Ðức Maria tại các nơi phụng tự và tại các lâu đài khác cần được khuyến khích, để cảm thấy sự giúp đỡ của Người trong những khó khăn, và lời mời gọi tiến đến một đời sống luôn luôn thánh thiện và trung thành với Chúa".

Giải thích việc dùng cách nghiêm chỉnh các ảnh thánh, cùng với Công đồng Nicea, ÐTC nhắc lại rằng, việc sùng kính các ảnh thánh, thực sự, thuộc về Ðấng mà các ảnh này diễn tả; và ai tôn kính ảnh thánh, tức là tôn kính thực tại của Ðấng được diễn lại trong đó. Về lòng sùng kính đối với Ðức Maria, ÐTC căn dặn các nhà thần học và các vị giảng thuyết tránh mọi phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng trong việc xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa. Thực sự, tất cả đưa về Chúa Kitô và tất cả hướng về Người mà thôi. ÐTC nhắc lại: "Các nghị phụ đề phòng việc tin sùng phù phiếm và tình cảm chóng qua. Các ngài chú ý nhất việc tái xác nhận rằng: lòng sùng kính đích thực đối với Ðức Maria, phát xuất bởi đức tin và bởi sự công nhận đầy lòng yêu mến phẩm chức của Ðức Maria, thúc đẩy đi đến tình yêu mến con cái đối với Người và gợi lên một dốc quyết bắt chước các nhân đức của Người".

Sau đó, ÐTC lược tóm bài giáo lý bằng các tiếng Pháp, Anh, Ðức Tây ban nha, Bồ đào nha, rồi chào thăm mấy nhóm hành hương đặc biệt.

Khi chào thăm các đoàn hành hương tiếng Ý, ÐTC nhắc đến Ngày Lễ Các Thánh và Lễ các Ðẳng Linh hồn vào Thứ bảy và Chúa nhật tới đây. "Hai việc cử hành phụng vụ này mời gọi chúng ta nhìn lên trời, quê thật của chúng ta".

Với nhóm hành hương Bỉ và Hòa Lan, ÐTC nói: "Kinh Mân côi đối với chúng ta là bản lược tóm Phúc Âm và là trường dạy cầu nguyện. Tôi cầu chúc cuộc hành hương của anh chị em trong tháng 10 này giúp anh chị em khám phá ra giá trị của kinh đơn sơ, nhưng rất hiệu nghiệm này".

Với các đoàn hành hương Croat, ÐTC nhắc lại: "Chúa Giêsu, trong các Bí tích của Giáo hội do chính Người lập ra, làm cho con người tham dự vào Mầu nhiệm Phục sinh của Người, của công việc cứu rỗi và ơn thánh của Người. Các Bí tích bao hàm tất cả cuộc sống và hoạt động của con người, để đổ xuống dồi dào trong tâm hồn họ sự sống Thiên Chúa mà con người được mời gọi lãnh nhận".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha tiếng Latinh và phép lành của ÐTC và của các giám mục hiện diện.


Một cử chỉ hào hiệp của quân đội Ý đồn trú tại Sarajevo

Một cử chỉ hào hiệp của quân đội Ý đồn trú tại Sarajevo.

Sarajevo - 29.10.97 - Một cử chỉ hào hiệp của quân đội Ý đồn trú tại Sarajevo (thủ dô Cộng hòa Bosnia-Erzegovina), để bảo đảm hòa bình sau nhiều năm chiến tranh: Sáng thứ tư 29.10, Quân đội Ý đã trao tặng 12 ngàn cây ăn trái: mận và táo, để tỏ tình liên đới với nhà cầm quyền tại Bosnia. Cử chỉ này, biểu hiệu tinh thần tận tụy hy sinh của anh em binh sĩ Ý đối với công việc tái thiết xứ sở này bị tàn phá trong nhiều năm qua vì chiến tranh, nhằm đóng góp vào công cuộc tái canh tác nghề nông tại một số miền bị tàn phá nặng nhất. Hiện nay, tuy không còn chiến tranh, nhưng người dân sống trong thiếu thốn về điện, nước, khí đốt. Tất cả đều bị giới hạn. Việc trao tặng 12 ngàn cây ăn trái của lực lượng hòa bình Ý để giúp vào việc tăng gia sản xuất nông phẩm là một lời mời gọi hy vọng, tiến đến đời sống bình thường, tuy đầy khó khăn trong việc tái thiết Ðất nước.


ÐTC Gioan Phaolô II được mời đến viếng thăm Mêhicô vào năm 1998

ÐTC Gioan Phaolô II được mời đến viếng thăm Mêhicô vào năm 1998.

Tin Vatican (CWN 29/10/97): Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được mời viếng thăm Mêhicô vào năm 1998. Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô, vừa họp khóa thường niên, đã cho biết như trên, và xác nhận là chính quyền Mêhicô cũng đã đồng thuận với lời mời nầy. Nguời phát ngôn của Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô giải thích thêm rằng, Nếu ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Mêhicô vào năm tới, thì ÐTC có thể dùng dịp nầy, để công bố một tông thư hậu Thương Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu. Ðược biết, từ ngày 16 tháng 11 cho đến 12 tháng 12 năm nay, 1997, Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, sẽ diễn ra tại Roma.

Ngoài lý do trên, còn có lý do khác biện hộ cho sự hiện diện của ÐTC tại Mêhicô vào năm tới, đó là Cuộc Cấm Phòng Quốc Tế của Các Linh Mục trên khắp thế giới, đã được dự trù là sẽ tổ chức tại Mêhicô vào năm tới.

ÐTC đã viếng thăm Mêhicô ba lần, lần đầu tiên vào năm 1979, liền sau khi vừa được bầu lên kế vị thánh Phêrô tại Roma, lần thứ hai vào năm 1990, và lần thứ ba vào năm 1992.


Luật tôn giáo tại Nga có thể được áp dụng một cách dễ dãi hơn

Luật tôn giáo tại Nga có thể được áp dụng một cách dễ dãi hơn

(EWTN 29/10/'97) Nga (Mascơva) - Thứ hai tuần này, một cố vấn cho thủ tướng Nga nói rằng chính phủ nước này đang cố gắng hoàn tất vào cuối tháng 12 này bản dự thảo bao gồm các điều lệ áp dụng luật tôn giáo trong quan hệ giữa giáo hội và nhà nước; và các điều lệ này có thể sẽ dễ dãi hơn trong các khoản luật tôn giáo liên quan tới các tôn giáo không phải là tôn giáo truyền thống của Nga.

Ông Andrei Sobentsov đã đưa ra nhận định trên đây trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Công Giáo Hoa Kỳ (CWN/KNS), và lời giải thích của ông có thể được coi là một sự ủng hộ đối với Công Giáo cũng như các tôn giáo khác không được liệt kê vào hàng các tôn giáo truyền thống của Nga, như Tin Lành Baptist và giáo hội chính thống ly khai. Trả lời cho câu hỏi, điều khoản buộc các tôn giáo phải có mặt tại Nga ít nhất là 15 năm mới được quyền đăng ký hoạt động, sẽ được áp dụng như thế nào, ông Bentsov trả lời rằng các tổ chức tôn giáo địa phương đã đăng ký trước khi đạo luật tôn giáo được thông qua, nhưng chưa hội đủ thời hạn 15 năm hoạt động như luật qui định, thì sẽ có một số giới hạn trong các hoạt động của tổ chức này, cụ thể là họ sẽ bị cấm không được phân phối các tài liệu tôn giáo.

Ông Sosbentsov định nghĩa tôn giáo địa phương là các tôn giáo chưa có một tổ chức qui củ trung ương. Ông nhấn mạnh là các giáo phận công gíao hiện giờ của Nga đều được coi là những tổ chức trung ương (centralized organization), và sẽ được hưởng các quyền lợi tương đương như giáo hội Chính Thống vậy. (EWTN 29/10/'97)


ÐHY Cung Phần Mai kêu gọi chủ tịch Trung Quốc tôn trọng tự do tôn giáo

ÐHY Cung Phần Mai kêu gọi chủ tịch Trung Quốc tôn trọng tự do tôn giáo

(UCAN CH8674.0947 29/10/'97) Hồng Kông - ÐHY Cung Phần Mai, GM Thượng Hải và hiện đang sống tại Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, bằng cách trả tự do cho các nhà lãnh đạo, cũng như giáo dân công giáo, đang bị nhà cầm quyền giam giữ.

Lời kêu gọi của ÐHY Cung Phần Mai được đưa ra giữa lúc ông Giang Trạch Dân đang viếng thăm Hoa Kỳ. Trong lá thư gửi cho chủ tịch Giang Trạch Dân, đề ngày 27/10, ÐHY Cung yêu cầu ông Giang Trạch Dân bảo vệ quyền tự do tôn giáo thực sự của các công dân Trung Quốc, và cho phép các tín hữu công giáo công khai bày tỏ lòng trung thành của họ với Ðức Giáo Hoàng. (UCAN CH8674.0947 29/10/'97)


Giáo hội công giáo với người dân thổ cư tại Brazil

THỜI SỰ: Giáo hội công giáo với người dân thổ cư tại Brazil.

Brazil là một quốc gia mênh mông: hơn 8 triệu rưỡi cây số vuông, nhưng dân số hơn 155 triệu, gồm rất nhiều chủng tộc khác nhau. Hiện nay tại Brazil có khoảng 315 ngàn người bản xứ được chia thành 190 chủng tộc . Với con số này Brazil được coi là quốc gia có nhiều sắc tộc khác nhau hơn cả tại Châu Mỹ Latinh. Họ sống rải rắc tại 550 khu vực, trong đó có 250 khu vực được phân ranh giới và được chính thức công nhận . Mỗi một sắc tộc có tiếng nói và nền văn hóa riêng, nhưng các nhóm tiếng nói chính hơn cả là Tupiguarani, Macro-Jé, Karib và Aruak. Ðời sống của người dân thổ cư không tới 50 tuổi, nghĩa là dưới mức tuổi trung bình: 66 tuổi trong cả nước.

Các chủng tộc này ngay từ thế kỷ 16 bị các người thực dân Châu Âu đàn áp, coi như hạng người nô lệ. Họ bị đẩy lui mỗi ngày mỗi sâu hơn vào trong các miền rừng thiêng nước độc. Tại Brazil, một quốc gia được coi là "rừng vàng biển bạc". Người Châu Âu khám phá được mỏ vàng trong Bang Minas Gerais vào thế kỷ 17. Từ đó tình trạng của người dân thổ cư trở nên mỗi ngày mỗi nghèo khổ hơn. Họ bị khai thác tới mức tối đa và bị coi như là những người nô lệ, những dụng cụ của các người thực dân đến khai thác mỏ vàng. Họ bị đẩy lui vào những miền rừng rậm và đất đai của họ đang cánh tác bị tịch thu, chiếm hữu. Người dân thổ cư Brazil bị coi như người phản bội, người luời biếng và người mọi rợ. Nhưng trái lại, có người (số rấùt ít) có quan niệm cao thượng hơn. Họ coi người thổ cư như những người bảo vệ, những người canh giữ gia tài lâm sản.

Trong bối cảnh này, Giáo hội công giáo là người tiên phong đứng ra bênh vực người dân thổ cư bị áp bức, khai thác. Mới đây Hội đồng Giám mục Brazil cho thành lập Hội đồng mục vụ người dân thổ cư và trao trách nhiệm điều khiển cơ quan mới này cho Cha Claudio Bombieri, 42 tuôûi, người Ý, thuộc Hội Truyền giáo Comboniani, hiện đang hoạt động tại Brazil.

Cha Bombieri giải thích ý nghĩa của Mục vụ cho người thổ cư như sau: Trước hết, chúng tôi không muốn thay thế các người thổ cư. Chúng tôi ủng hộ họ trong những tranh đấu hợp pháp, nhưng chúng tôi không phải là phát ngôn viên của họ. Họ phải có chổ đứng trong xã hội và tự họ đưa ra những yêu sách, không cần xen lấn nào bên ngoài. Cha nói tiếp: Là Giáo hội, chúng tôi muốn trở nên sự hiện diện giữa họ mà thôi. Giáo hội tôn trọng nền văn hóa của họ. Trong chiều hướng này, chúng tôi có một cái nhìn về việc rao giảng Tin Mừng không như "việc nhồi sọ một lý thuyết, một ý thức hệ" mà như việc trình bày về Kitô học, nghĩa là cố gắng làm cho các hạt giống của Lời Chúa mọc lên và phát triển, các giá trị sâu xa về con người trong nền văn hóa của họ được bảo tồn và được thanh tịnh hóa.

Ðể thực hiện mục tiêu, Vị phụ trách mục vụ dân thổ cư đưa ra những ưu tiên sau đây:

Trước hết bênh vực cách cương quyết đất đai canh tác của người thổ cư. Ðất đai của người thổ cư không phải chỉ là cái sản xuất thực phẩm để nuôi sống con người, mà còn là một tư hữu nền tảng cho việc thực hiện đầy đủ con người về văn hóa cũng như về sắc tộc của họ. Trong lãnh vực này, Giáo hội giúp đỡ họ với tư cách cố vấn về luật pháp và về tổ chức. Cha nói: "Công việc của chúng tôi là một áp lực hòa bình, nhưng liên lỉ, để yêu cầu nhà cầm quyền thực hiện, ít ra những gì đã được ghi trong Hiến Pháp". Ưu tiên thứ hai là tiến đến nền tự trị của các người thổ cư, nghĩa là việc công nhận rằng họ không cần đến trung gian của người khác để nói lên tiếng nói của mình. Họ không thành lập các đảng chính trị, nhưng có những hội đoàn, những tổ chức riêng phải được chính phủ công nhận. Hiện nay theo Cuốn Luật Nhà nước Brazil, người thổ cư vẫn bị coi là "vị thành niên", cần sự bảo hộ của một cơ quan nhà nước. Cơ quan này lo về đường lối chính trị các dân thổ cư. Qui chế về dân thổ cư vẫn bị "ngâm tôm" tại Quốc hội. Vì thế không thể thực hiện được các nguyên tắc đã nêu lên trong Hiến Pháp. Thực sự Hiến Pháp công nhận các quyền căn bản của người dân thổ cư. Cha Bombieri nói: Ðể phá thế bí này, chúng tôi tìm cách đoàn kết các sắc tộc khác nhau thành một khối, để họ có thể thúc đẩy cách mạnh mẽ hơn và tập thể hơn những yêu sách của họ. Ưu tiên thứ ba cũng là ưu tiên sau cùng liên hệ đến văn hóa. Hội dồng Mục vụ người thổ cư hoạt động để nâng cao trình độ các giáo viên, giáo sư dân bản thổ trong việc giáo dục hai thứ tiếng (Tiếng Bồ đào nha và tiếng riêng của mỗi sắc tộc), và liên văn hóa (Bồ đào nha và địa phương), trong việc huấn luyện các nhân viên y tế, để có khả năng lo về sức khoẻ người dân thổ cư và đồng thời bảo tồn y khoa truyền thống của các sắc tộc.

Về phương diện tôn giáo: Hội đồng Mục vụ dân thổ cư không quá lo lắng đến việc làm cho người dân thổ cư trở lại Ðạo công giáo. Họ sẽ trở lại khi họ cảm tháy sự cần thiết, không bị một áp lực nào. Ðiều quan trọng - theo Cha Bombieri - là các người truyền giáo và các tín hữu công giáo sống đầy đủ chứng tá về các giá trị Phúc Âm, bằng đời sống và việc làm hơn là bằng lời nói. Và đây cũng là phương pháp truyền giáo hiệu nghiệm hơn cả không những cho dân thổ cư tại Brazil mà cho toàn thể Giáo hội.


Back to Radio Veritas Asia Home Page