Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý

Về Mạc Khải Của Thiên Chúa

Dei Verbum

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Sự Lưu Truyền Mạc Khải

Của Thiên Chúa 18*

 

7. Tông đồ và các người kế vị loan truyền Phúc Âm. Những gì Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi muôn dân, Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo toàn và lưu truyền 19* nguyên vẹn cho mọi thế hệ. Bởi thế Chúa Kitô, nơi Người Thiên Chúa tối cao hoàn tất trọn vẹn nguồn mạc khải (x. 2Cor 1,20 và 3,16-4,6), đã truyền dạy các Tông Ðồ rao giảng cho mọi người Phúc Âm được hứa trước qua miệng các Tiên Tri, được chính Người thực hiện và công bố; các Ngài rao giảng Phúc Âm như nguồn mọi chân lý cứu độ và lề luật luân lý 1, đồng thời thông ban cho họ các ân thiêng. Việc này đã được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông Ðồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại 20* tin mừng cứu rỗi dưới sự linh ứng của cùng một Chúa Thánh Thần 2.

Nhưng để Phúc Âm được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Giáo Hội 21*, các Tông Ðồ đã để lại những người kế vị là các Giám Mục, và "trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài" 3. Bởi vậy, Thánh Truyền đó cùng với Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, là như tấm gương mà Giáo Hội lữ thứ trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, nơi Ngài Giáo Hội nhận lãnh tất cả, cho đến khi được dẫn tới để nhìn thấy Ngài, diện đối diện, như Ngài hiện thực (x. 1Gio 3,2).

8. Thánh Truyền. 22* Vì vậy, những lời giảng dạy của các Tông Ðồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh ứng, phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế. Do đó khi truyền lại những gì chính mình đã lãnh nhận, các Tông Ðồ khuyến cáo tín hữu phải giữ gìn các truyền thống họ đã học biết qua lời chỉ giáo hay bằng thư từ (x. 2Th 2,15), và phải chiến đấu để bảo vệ đức tin chỉ được truyền dạy cho họ một lần thôi (Gđa 3) 4. Và những điều các Tông Ðồ truyền lại bao gồm tất cả những gì góp phần vào việc giúp Dân Thiên Chúa sống một đời thánh thiện và làm tăng triển đức tin. Như vậy, Giáo Hội qua giáo lý, đời sống và việc thờ phượng của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin. 23*

Thánh Truyền do các Tông Ðồ truyền lại được tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần 5. Thật vậy, các sự việc và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận các điều đó trong lòng (x. Lc 2,19 và 51); nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức Giám Mục. Nói cách khác, qua bao thế kỷ Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội. 24*

Lời các Thánh Giáo Phụ chứng thực sự có mặt sống động của Thánh Truyền. Và sự phong phú của Thánh Truyền đã thâm nhập vào thực hành và đời sống của Giáo Hội hằng tin tưởng và cầu nguyện. Nhờ Thánh Truyền ấy, Giáo Hội biết được toàn bộ chính lục Thánh Kinh và cũng nhờ Thánh Truyền, Thánh Kinh được hiểu biết thấu đáo hơn, cũng như Thánh Truyền đã làm cho Thánh Kinh không ngừng hoạt động. Như vậy Thiên Chúa, Ðấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Ðấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ (x. Col 3,16). 25*

9. Tương quan giữa Thánh Truyền và Thánh Kinh. Bởi vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết, phối hiệp mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch là Thiên Chúa, có thể nói kết hợp làm một duy nhất và cùng hướng về một mục đích. Thực vậy, Thánh Kinh là lời Chúa nói, vì được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; còn lời Chúa, mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ, thì Thánh Truyền lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng. Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải. Chính vì thế cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau 6. 26*

10. Tương quan giữa Thánh Truyền, Thánh Kinh, Dân Chúa và Huấn Quyền. Thánh Truyền và Thánh Kinh họp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa và được ủy thác cho Giáo Hội. Trong khi gắn bó với kho tàng ấy, toàn thể dân thánh hiệp nhất với các chủ chăn, 27* luôn được vững bền trong giáo lý các Tông Ðồ, trong niềm hiệp thông, trong việc bẻ bánh và lời cầu nguyện (x. CvTđ 2,42, bản Hy lạp), đến nỗi trong việc tuân giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin lưu truyền, các Giám Mục và tín hữu hiệp nhất với nhau cách lạ lùng 7.

Nhiệm vụ chú giải chính thức lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền 8 chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội 9, và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô 28*. Tuy nhiên Quyền Giáo Huấn này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa. Và từ kho tàng duy nhất ấy, Giáo Hội rút ra mọi chân lý, mà dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải.

Bởi thế, hiển nhiên là Thánh Truyền, Thánh Kinh và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được. Và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba, theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn.

 


Chú Thích:

18* Trong bản thảo thứ hai, chương I mang tựa đề: "Về Lời Chúa được Mạc Khải" và gồm có bốn số. Trong bản thảo thứ ba, người ta thêm số 8 và rồi chương II này. Nhiều người đã phê bình tựa đề, vì Mạc Khải - theo họ nói - là lời mạc khải hơn là lời được mạc khải. Tựa đề hiện tại thích hợp với nội dung hơn: "chỗ này chúng tôi miêu tả việc lưu truyền mạc khải cách tổng quát, nhưng chúng tôi quan tâm đặc biệt đến truyền thống sống vì nó có liên quan trực tiếp với mạc khải được lưu truyền và nó vẫn tiếp tục sau khi Thánh Kinh đã được viết. Như thế, chương này là một bài nhập đề khá hay cho những chương nói về Thánh Kinh sau này" (Relatio, trg 19).

Một số các Nghị Phụ muốn nhấn mạnh Thánh Truyền nên đòi phải có một đề mục về điểm này. "Phần đông các Nghị Phụ này muốn đặt Thánh Truyền lên trước Thánh Kinh, vì theo bản tính và thời gian Thánh Truyền có trước Thánh Kinh... Các Nghị Phụ khác muốn xác nhận Thánh Truyền là một nguồn Mạc Khải hoàn toàn tách biệt khỏi Thánh Kinh (Relatio, n.v.t.). Còn Ủy Ban lại muốn tránh tất cả những vấn đề đang trong vòng tranh luận. Thế là đề mục Mạc Khải đã trở thành nóng bỏng hơn cả đề mục về Cộng Ðoàn tính của Giám Mục. Vấn đề ở đây là di sản của bao thế kỷ tranh luận chống Tin Lành. Chúng ta phải vượt qua vấn đề đó, nhưng không phải là việc dễ dàng, nhất là vì chúng lại xa lạ với Ðông Phương và các Giáo Hội tân lập. Ðây là lời Ðức Giám Mục Edelly trong một cuộc phát biểu ý kiến: "Phải thoát ra khỏi vấn đề sau Công Ðồng Trentô... Ðặt mình vào trung tâm mầu nhiệm Giáo Hội là một liều thuốc công hiệu. Phải loại trừ tâm thức qua pháp lý và duy danh mà những người cải cách và Latinh tự đóng khung vào. Từ thời Trung Cổ, chính tâm thức này đã đối nghịch "việc truyền phép" với "lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần". Và chính tâm thức này mới đây đã trình bày "quyền tối thượng" và "cộng đoàn tính" như hai thực thể tách biệt. Cũng chính tâm thức này đã đặt Thánh Kinh và Thánh Truyền song song với nhau… Thánh Kinh là một thực tại phụng vụ và tiên tri. Các Giáo Hội Ðông Phương coi Thánh Kinh là một "việc truyền phép" lịch sử cứu độ dưới "hình thức" tiếng nói con người, nhưng không tách biệt khỏi việc truyền phép Mình Thánh Chúa trong đó tất cả lịch sử được qui hợp trong Thánh Thể Chúa Kitô. "Việc truyền phép" này cần một "lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần" đó chính là Thánh Truyền. Thánh Truyền là "lời cầu khần Chúa Thánh Thần" của lịch sử cứu rỗi, là sự tỏ mình của Thánh Thần; bởi thế nếu thiếu lịch sử, Thánh Truyền sẽ không thể hiểu được và Thánh Kinh là những chữ chết. Tiếng Thánh Truyền không luôn có cùng một nghĩa, vì vậy Ủy Ban đã cho biết cách chung là từ khoảng giữa số 8 (và những điều các Tông Ðồ truyền lại) tiếng "Thánh Truyền" phải hiểu theo nghĩa thụ động: thực thể hay chân lý được lưu truyền. (Trở lại đầu trang)

19* Câu này nói lên ý hướng của toàn chương: Thiên Chúa muốn lưu truyền toàn thể Mạc Khải, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, cho mọi thời đại. Các Tông Ðồ đã được lệnh truyền dạy tất cả những điều các Ngài đã thu nhận nơi Chúa Kitô (Mt 28,20). (Trở lại đầu trang)

1 Xem Mt 28,19-20 và Mc 16,15. CÐ Trentô, khóa 4, Sắc lệnh De cononicis scripturis: Dz 783 (1501). (Trở lại đầu trang)

20* Công Ðồng dạy về hai nguồn lưu truyền "Phúc Âm" trước hết theo chiều dọc: từ Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đến các Tông Ðồ; sau đó theo chiều ngang: từ các Tông Ðồ đến Giáo Hội. Ðoạn này nhấn mạnh đến giai đoạn đặc biệt là "thời các Thánh Tông Ðồ", gồm cả những "môn đệ của các Tông Ðồ" vì họ đã viết một phần Tân Ước, ngay cả sau khi vị Tông Ðồ cuối cùng băng hà. Các phương tiện lưu truyền là lời giảng dạy và Thánh Kinh: cả hai phương tiện đều lưu truyền cùng một mạc khải. Công Ðồng không muốn nói là trong lời giảng dạy chứa nhiều mạc khải hơn trong các bản văn. Việc giảng dạy không phải chỉ bằng lời nói mà cũng bằng gương sáng và các tổ chức. Thánh Truyền không phải chỉ là lời nói suông mà còn là những hiện thực. (Trở lại đầu trang)

2 Xem CÐ Trentô, n.v.t. - CÐ Vat I, khóa 3, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo De Filius, ch.2: Dz 1787 (3006). (Trở lại đầu trang)

21* Ở đây bàn về tính cách liên tục của Mạc Khải sau thời các Tông Ðồ. Ðề mục này được bàn kỹ lưỡng trong Hiến Chế Giáo Hội số 20 và 21. Ở đây Công Ðồng chỉ nhắc lại. Ở chỗ khác Công Ðồng cũng dạy rằng nhiệm vụ thiết yếu của các Giám Mục là lưu truyền Mạc Khải (x. GH 25a, GM 12a). Sự viên mãn của Mạc Khải hiện hữu trong Giáo Hội, và chính nơi Giáo Hội, nhờ đức tin ta gặp được Thiên Chúa, tức là khởi đầu việc hưởng nhan Chúa: có sự liên tục giữa Giáo Hội hiện tại và Giáo Hội cánh chung. (Trở lại đầu trang)

3 T. Ireneô, Adv. Haer. III, 3, 1: PG 7, 848; Harvey, 2, trg 9. (Trở lại đầu trang)

22* Số này xuất hiện trong bản thảo thứ ba. Nhiều Nghị Phụ đòi Công Ðồng phải trực tiếp bàn đến Thánh Truyền, vì các lược đồ trước hầu như không nói gì đến. (Trở lại đầu trang)

4 Xem CÐ Nicea II: Dz 303 (602). - CÐ Constantinopla IV, khóa 10, đ. th. 1: Dz 336 (650-652). (Trở lại đầu trang)

23* Ðoạn này bàn về sự hiện hữu và bản tính của Thánh Truyền. Một Nghị Phụ muốn bản văn nói: "các chân lý mà các Tông Ðồ đã mạc khải bằng miệng và không có trong Thánh Kinh, được lưu truyền cho chúng ta bằng Thánh Truyền". Nhưng Ủy Ban bác bỏ đề nghị trên, vì Ủy Ban không muốn đặt vấn đề tính cách đầy đủ chất liệu của Thánh Kinh và nội dung của Thánh Truyền. Chỉ có một điều không còn nghi ngờ là Thánh Truyền có nội dung rộng hơn Thánh Kinh; bằng chứng là trường hợp bản chính lục và sự linh ứng của chính Thánh Kinh. Như thế câu "lời giảng dạy của các Tông Ðồ" bao gồm tất cả mọi điều mà các Tông Ðồ đã lưu truyền bằng bất cứ cách nào. Và những điều đó nhờ linh ứng được chứa đựng "cách đặc biệt" trong Thánh Kinh (nghĩa là không phải chỉ trong Thánh Kinh). (Trở lại đầu trang)

5 Xem CÐ Vat I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo De Filius, ch.4: Dz 1800 (3020). (Trở lại đầu trang)

24* Thánh Truyền luôn linh động, tăng tiến và tiến triển liên tục (không phải trong bản chất mà trong việc hiểu biết) và luôn giữ đồng nhất tính nguyên thủy của mình trong khi vẫn hướng về sự viên mãn của chân lý. Ðể chỉ "bản chất" ta nói "Tông Truyền" thay vì "Thánh Truyền sống". Nguồn gốc sự phát triển là: việc chiêm ngắm, sự nghiên cứu của các nhà thần học, ơn hiểu biết Chúa Thánh Thần ban và lời giảng dạy của hàng Giáo Phẩm. Ở đây người ta theo kiểu nói của Thánh Ireneô mà không nêu danh tánh, vì các ngôn từ " Ðoàn sủng về chân lý" có thể có ba nghĩa: ơn ban chân lý mạc khải, ân sủng giúp trung thành với chân lý, và ơn giúp cắt nghĩa mạc khải cách chân thực; ở đây theo nghĩa thứ ba. (Trở lại đầu trang)

25* Các Giáo Phụ là những nhân chứng quan trọng nhất của Thánh Truyền, không phải chỉ vì các Ngài sống gần thời của Tông Ðồ mà vì các Ngài đã hệ thống hóa giáo thuyết, đến nỗi đã có thể truyền lại cho chúng ta theo những công thức mà chính Ngài đã hình thành. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Trentô, Sắc lệnh De Canonicis Scripturis: Dz 783 (1501). (Trở lại đầu trang)

26* Thánh Truyền không phải chỉ là của Giáo Hội nhưng còn mang đặc tính thần linh như Thánh Kinh cả về nguồn gốc, nội dung và mục đích. Nội dung là xét theo phẩm, chứ Công Ðồng không bàn đến lượng. Ở đây ta thấy có sự phân biệt vai trò của các Tông Ðồ, những người cấu tạo Thánh Truyền, và vai trò của các Giám Mục, những người bảo vệ Thánh Truyền. Câu "Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ..." được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI ghi thêm vào phút chót. Nhiều người Tin Lành phản đối và cho rằng đó là một bước quay về thuyết "Hai nguồn". Nhưng Ủy Ban cắt nghĩa là câu trên không hề thay đổi ý nghĩa bản văn. Thực ra 270 Nghị Phụ đã yêu cầu sửa đổi theo nghĩa đó (trong số đó có 111 Nghị Phụ thuộc nhóm đưa ra đề nghị tu chỉnh danh tiếng 40D). Ðược Ðức Hồng Y Bea khuyến khích, Ủy Ban đã chấp nhận câu thứ 3 trong số 7 câu do Ðức Giáo Hoàng đề nghị, và nói rằng câu đó không ngăn trở những vấn đề đương tranh luận. (Trở lại đầu trang)

27* Ðoạn này dạy rằng Mạc Khải là gia sản của toàn thể Dân Chúa. Do đó, tín hữu không thể thụ động đối với Lời Mạc Khải. Giáo thuyết này là một bước tiến sánh với Vaticanô I và Thông điệp Humani Generis. Dân Chúa sống đạo sẽ làm giàu Thánh Truyền và giải thích Lời Chúa. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Piô XII, Tông hiến Munificentissimus Deus, 1-11-1950: AAS 42 (1950), trg 756, lấy lại lời thánh Cyprianô, Epist. 66,8: CSEL 3,2, 733: "Giáo Hội là một dân hiệp nhất với Linh mục và là một đàn chiên liên kết với Chủ Chăn". (Trở lại đầu trang)

8 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1792 (3011). (Trở lại đầu trang)

9 Xem Piô XII, Tđ. Humani generis, 12-8-1950: AAS 42 (1050), trg 568-569: Dz 2314 (3886). (Trở lại đầu trang)

28* Quyền Giáo Huấn là lời giải thích chính thức và độc nhất của Mạc Khải, quyền này do Chúa thiết lập và giữ vai trò phụng sự Lời Chúa và Dân Chúa. Quyền Giáo Huấn có thể là thường và bất thường, khả ngộ và bất khả ngộ. Về phương diện hiệp nhất lời xác quyết sau đây thực là lời tối quan trọng: Quyền Giáo Huấn phải tuân theo Lời Chúa, dầu quyền này gây khó khăn cho nhiều Kitô hữu khác. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page