Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Khóa VIII Ngày 18 tháng 11 Năm 1965

 

Phaolô Giám Mục

Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa

Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng

Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ

 

Hiến Chế Tín Lý

Về Mạc Khải Của Thiên Chúa 1*

Dei Verbum

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Mở Ðầu

 

1. Trong niềm thầm kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, 2* Thánh Công Ðồng lặp lại lời Thánh Gioan: "Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi: điều chúng tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp nhất với chúng tôi, và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô Con Ngài" (1Gio 1,2-3). Bởi thế noi gương Công Ðồng Trentô và Vaticanô I, Công Ðồng này muốn trình bày giáo lý chân thực về mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền mạc khải ấy, để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến 1. 3*

 

Chương I

Về Chính Việc Mạc Khải 4*

 

2. Bản tính và đối tượng của mạc khải. Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Eph 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Eph 2,18; 2P 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (x. Col 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xac 33,11; Gio 15,14-15). Ngài đối thoại với họ (x. Bar 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó 5*. Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải 2. 6*

3. Chuẩn bị mạc khải Phúc Âm. 7* Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Gio 1,3), không ngừng làm chứng về Mình trước mặt loài người qua các tạo vật (x. Rm 1,19-20). 8* Và vì muốn mở đường cứu rỗi cao trọng, nên từ đầu Ngài còn tỏ Mình ra cho tổ tông chúng ta. Sau khi tổ tông sa ngã, qua lời hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng đỡ họ dậy trong niềm hy vọng cứu rỗi (x. Stk 3,15). Ngài không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm sự cứu rỗi nhờ kiên tâm làm việc thiện (x. Rm 2,6-7). 9* Khi đến giờ đã định, Ngài gọi Abraham để qua ông, Ngài tạo lập một dân tộc lớn mạnh (x. Stk 12,2-3), một dân tộc mà sau thời các Tổ Phụ, Ngài đã dùng Môisen và các Tiên Tri dạy dỗ, để họ nhận biết Ngài là Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là thẩm phán chí công, để họ trông đợi Ðấng Cứu Thế được hứa ban và nhờ vậy, qua bao thế kỷ, Ngài đã dọn đường 10* cho Phúc Âm.

4. Ðức Kitô hoàn tất mạc khải. 11* Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các Tiên Tri, "nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con" (Dth 1,1-2). 12* Thực vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ðấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Gio 1,1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể "là người đã được sai đến với loài người" 3, "nói tiếng nói của Thiên Chúa" (Gio 3,34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Ngài thực hiện (x. Gio 5,36; 17,4). Vì thế, chính Ngài, Ðấng mà ai thấy, tức là thấy Chúa Cha (x. Gio 14,9), đã đến bổ túc và hoàn tất mạc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến, bằng chứng tích của một Thiên Chúa, Ngài xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời.

Vậy nhiệm cuộc Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (x. 1Tm 6,14; Tit 2,13). 13*

5. Mạc khải phải được đón nhận bằng đức tin. Phải bày tỏ "sự vâng phục của đức tin" (x. Rm 16,26; Rm 1,5; 2Cor 10,5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do "dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí" 4, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Ðể được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý" 5. Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài. 14*

6. Tương quan giữa tri thức tự nhiên và siêu nhiên về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải 15* để bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân loại, "nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người" 6. 16*

Thánh Công Ðồng tuyên xưng rằng: "Con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ các tạo vật nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh mọi sự" (x. Rm 1,20). Công Ðồng còn dạy: chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà "tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm" 7. 17*

 


Chú Thích:

1* Lược đồ thứ nhất mang tựa đề "Lược đồ Hiến chế tín lý về các nguồn Mạc Khải". Trong lần soạn thảo thứ hai, lược đồ lại mang tên "Lược đồ Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa". Nhưng vì bản văn nói về Mạc Khải rất ít nên có người đề nghị tựa đề "Về Thiên Chúa Ðấng tự mạc khải", hoặc "Về Thánh Kinh". Trong lần soạn thảo thứ ba tĩnh từ "tín lý" bị loại bỏ, nhưng nó lại xuất hiện trong bản văn cuối cùng. (Trở lại đầu trang)

2* Nguyên văn viết tất cả hai chữ bằng chữ hoa, nên ta không biết nó chỉ Ngôi Lời của Thiên Chúa hay là Lời của Chúa, tức Phúc Âm. (Trở lại đầu trang)

1 Xem T. Augustinô, De catechezandis rudibus, ch. IV, 8: PL 40, 316. (Trở lại đầu trang)

3* Ở đây Công Ðồng trình bày: mục đích của Mạc Khải là cứu độ con người chứ không phải để thỏa mãn óc tìm tòi của trí khôn chúng ta. Quyền Giáo Huấn không phải là chủ của Lời Chúa nhưng là tôi tớ "lắng nghe" và vâng theo (số 10); do đó quyền giáo huấn phải làm chứng những gì đã được giao phó. Việc trích dẫn 1Gio 1, 2-3 trình bày nội dung Mạc Khải (đời sống vĩnh cửu) như sự hiệp thông giữa con người và Ba Ngôi Thiên Chúa; nội dung đó được gởi đến cho mọi người nhờ các chứng tá. Những điều trên đương nhiên đòi hỏi một hoạt động truyền giáo: việc "công bố ơn cứu độ" (x. CvTđ 13,26; Eph 1, 13). (Trở lại đầu trang)

4* Chương này xuất hiện ở trong bản thảo thứ ba. Trong các lược đồ trước, lời mở đầu chỉ bàn sơ qua về vài khía cạnh như "sự cần thiết và đối tượng của Mạc Khải" (số 1), "Mạc Khải tiệm tiến" (số 2) v.v... Nhưng nhiều Nghị Phụ đòi bàn về chính việc Mạc Khải, vì Mạc Khải chứa đựng không những các chân lý về Thiên Chúa mà cả sự kiện Thiên Chúa tự mạc khải. Trong chương này Công Ðồng đã muốn trình bày Mạc Khải dưới cái nhìn của con người để thích ứng hơn với những đòi hỏi của con người thời nay. Phải xem xét trọn giáo thuyết này dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ. Chúa phó mình cho con người ngay từ khi tạo dựng vũ trụ. Bố cục của chương này như sau: số 2: Sự kiện Chúa phó mình và từ đó tự Mạc Khải; số 3 và 4: các giai đoạn Mạc Khải và sự hoàn thành trong Chúa Kitô; số 5: thái độ con người để tiếp nhận Mạc Khải; số 6: các chân lý Mạc Khải. (Trở lại đầu trang)

5* Nền thần học Công Giáo đã thường coi Mạc Khải như một lời nói; còn các hoạt động của Chúa thì bị liệt vào hàng rất phụ thuộc. Công Ðồng lại muốn trình bày là Thiên Chúa tự Mạc Khải trước tiên bằng "hành động" (gesta) (không bằng việc làm (facta) vì việc làm có vẻ là một tác động vật chất hơn). Ở đây, chữ "hành động" còn có nghĩa là những biến cố do một người gây nên; trong trường hợp này, con người đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa tự mạc khải bằng cách hoạt động phù trợ dân Ngài, thăm viếng bạn hữu (Abraham, Môisen) và bằng các phép lạ (ví dụ Chúa Kitô) v.v...

Trước đó số 2 này mang tựa đề: "sự cần thiết của Mạc Khải" sau đổi thành "Bản tính và đối tượng". Chúng ta thấy Mạc Khải phát xuất không do "sự khôn ngoan và nhân lành của Thiên Chúa" như Vaticanô I đã nói (Dz 1785/3004) nhưng do "Thiên Chúa nhân lành và Khôn Ngoan". Ðối tượng là chính Thiên Chúa và Nhiệm cuộc cứu rỗi của Ngài. Ở đây Công Ðồng dùng tiếng "bí tích" để nói lên dấu chỉ và phương tiện, lời nói và hành động (x. GH I). Mạc Khải là hoàn toàn nhưng không, ơn của tình yêu Thiên Chúa, tỏ bày cho các "bạn hữu" như trong một cuộc đối thoại, nghĩa là không những nói mà sống chung nữa. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Mt 11,27; Gio 1,14 và 17; 14,6; 17,1-3; 2Cor 3,16 và 4,6; Eph 1,3-14. (Trở lại đầu trang)

6* Câu này không thấy trong những lần soạn thảo trước, sau được thêm vào do lời đề nghị của nhiều Nghị Phụ. Vấn đề quan trọng là phải xem Chúa Kitô là trung gian duy nhất của Mạc Khải vì Người là Lời mà Chúa Cha nói với chúng ta, và là sự viên mãn vì trong Người, Chúa Cha nói với chúng ta tất cả mọi sự. Vì vậy Mạc Khải có Kitô tính. (Trở lại đầu trang)

7* Ðề mục tổng quát của đoạn này là sự trông chờ Mạc Khải của Chúa Kitô. Mạc Khải này thể hiện từng giai đoạn, ta có thể gọi là Mạc Khải qua vũ trụ, Mạc Khải sơ khai và Mạc Khải trong lịch sử. (Trở lại đầu trang)

8* Bản văn xác nhận sự kiện "Mạc Khải qua vũ trụ" hay qua "tạo vật" theo thơ gởi tín hữu Rôma 1,19-20. Nhưng bản phúc trình không muốn giải quyết vấn nạn là trong thực tế Thiên Chúa có ban ơn để người ta có thể nhận biết Chúa qua tạo vật không (Relatio đính kèm lược đồ III, 1964, trg 11,3,A). Thiên Chúa mạc khải khi tạo dựng; nhưng nên chú ý là bản văn nói "Chúa tạo dựng" chứ không nói Chúa đã tạo dựng để chỉ rõ là tất cả tạo vật luôn luôn tùy thuộc vào Ðấng Tạo Hóa, dầu cả trong giả thuyết tiến hóa. Mọi người đều có thể thấy trong tạo vật bằng chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chính đây là nền móng cho thần học của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. (Trở lại đầu trang)

9* "Mạc khải sơ khai" được trình bày trong tầm mức siêu nhiên. Bản văn loại bỏ vấn đề nhất tổ thuyết hay đa tổ thuyết, mà chỉ muốn nói là Thiên Chúa đã tỏ mình cho con người, (không nói bằng cách nào), cũng như chỉ muốn nói là Thiên Chúa đã luôn luôn cứu thoát con người, và tình trạng này vẫn còn giá trị ngay cả bây giờ (xem GH 16). (Trở lại đầu trang)

10* "Mạc khải trong lịch sử" bắt đầu với Abraham. Công Ðồng đã muốn nêu lên mối liên lạc giữa việc tuyển chọn và Mạc Khải. Thiên Chúa được gọi là "Cha", nhưng các chữ "của mọi người" lại bị loại bỏ vì trong Cựu Ước phổ quát tính chưa rõ ràng lắm. Cựu Ước được coi như là sự "chuẩn bị" cho Phúc Âm để nói lên ý tưởng mạc khải trong Cựu Ước còn bất toàn và có liên quan đến Mạc Khải của Chúa Kitô. (Trở lại đầu trang)

11* Số này đáp ứng số 2: Mạc Khải được thể hiện bằng hành động và ngôn từ. Chúa Kitô vừa là biến cố vừa là Lời của Thiên Chúa. Có hai đoạn: đoạn thứ nhất cắt nghĩa tại sao Chúa Kitô đem lại cho chúng ta mạc khải viên mãn; đoạn hai nói mạc khải này là tối hậu và sẽ không còn mạc khải nào khác nữa. (Trở lại đầu trang)

12* Công Ðồng đánh dấu sự liên tục và tương phản giữa mạc khải của Chúa Kitô và những gì xảy ra trước. Một đối với nhiều, như toàn thể đối với phân tán. Nhập Thể là cuộc Mạc Khải vĩ đại của Thiên Chúa. Vì vậy trước tiên phải xác định chân lý Nhập Thể, bản tính nhân loại thật sự của Chúa Kitô, trong đó ta "thấy" Chúa (x. Gio 14,9) và lịch sử thật của Ngài, "lời nói và việc làm". Các phép lạ không phải chỉ là sự "xác nhận" Mạc Khải, nhưng là chính Mạc Khải: vì Chúa Kitô tỏ mình qua các phép lạ. (Trở lại đầu trang)

3 Epist. ad Diognetum, 7,4: Funk, Patres Apostolici, 1,403. (Trở lại đầu trang)

13* Theo ý tưởng của thư gởi tín hữu Do Thái, Mạc Khải cũng như chức Linh Mục của Chúa Kitô phải là độc nhất và vĩnh cửu. Một vài Nghị Phụ muốn nói là "vì Mạc Khải chấm dứt với các Tông Ðồ", nhưng Ủy ban bác bỏ ý kiến trên "vì đó là một lời giải thích đang được bàn cãi". Lý do sâu xa: vì Chúa Kitô là sự viên mãn và như vậy hoàn tất Mạc Khải, nên không còn gì vượt trên sự viên mãn nữa. Nhưng cuộc Mạc Khải còn chờ sự vinh quang vào ngày Quang Lâm. Còn vấn đề tiến triển: không phải tiến triển trong Mạc Khải nhưng tiến triển chính trong việc chúng ta hiểu biết và thực hành Phúc Âm; đó là công việc của Chúa Thánh Thần, Ðấng không nói sự gì mới lạ nhưng làm chứng về Chúa Kitô (x. Gio 16,14). (Trở lại đầu trang)

4 CÐ Vat I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1789 (3008). (Trở lại đầu trang)

5 CÐ Orange II, đ. th. 7: Dz 180 (377). - CÐ Vat I, n.v.t.: Dz 1791 (3010). (Trở lại đầu trang)

14* Trong số này Công Ðồng trình bày lời đáp ứng của con người đối với Thiên Chúa Mạc Khải: đó là Ðức Tin, nhưng đức tin được hiểu dưới phương diện nhân bản, như một cuộc "đối thoại cứu rỗi" (Ecclesiam Suam, 6-8-1964 số 72-79). Công Ðồng cũng nhận định những khía cạnh của hành vi đức tin: tự do, thuộc lý trí, thuộc ý chí, không thể có nếu không có ơn Chúa... Kiểu nói "Sự vâng phục đức tin" không được trình bày như một đòi buộc luân lý suông nhưng như là một đòi hỏi chính yếu của mối liên hệ mà Thiên Chúa Mạc Khải nối kết với con người. Trong hành vi đức tin con người dấn thân toàn diện chứ không phải chỉ bằng lý trí. Ở đây bàn đến "đức tin đã thành hình" bao gồm cả Ðức Cậy và Ðức Mến, như ta có thể phỏng đoán theo những câu trích Thánh Kinh; nhưng Ủy Ban cắt nghĩa thêm: "đức tin chưa thành hình" cũng là Ðức Tin và cũng cần ơn của Chúa Thánh Thần. Ðức tin luôn luôn lớn mạnh dưới tác động của cũng chính Chúa Thánh Thần. (Trở lại đầu trang)

15* Trong số này Công Ðồng bàn về những chân lý được mạc khải, trước hết là những chân lý siêu nhiên, rồi đến những chân lý tự nhiên. Công Ðồng nói theo Vaticanô I. Nhưng thứ tự ở Vaticanô I là: a) tri thức tự nhiên về những chân lý tự nhiên, b) tri thức những chân lý tự nhiên nhờ mạc khải, c) tri thức chân lý siêu nhiên nhờ mạc khải. Ðang khi đó thứ tự ở đây lại là c-a-b: nghĩa là theo một viễn tượng Kinh Thánh và qui về Thiên Chúa hơn. (Trở lại đầu trang)

6 CÐ Vat I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 2: Dz 1786 (3005). (Trở lại đầu trang)

16* Ðoạn này nói lên đối tượng riêng biệt của Mạc Khải, nghĩa là đối tượng mà chúng ta cần được mạc khải: Chính Thiên Chúa và những ý định cứu rỗi của Ngài (x. Relatio, trg 9,5). Mạc Khải này không phải chỉ là một sự thông đạt kiến thức nhưng cũng có mục đích cứu rỗi con người nghĩa là thông phần vào đời sống Thiên Chúa. (Trở lại đầu trang)

7 n.v.t.: Dz 1785-1786 (3004-3005). (Trở lại đầu trang)

17* Phần thứ hai của số 6 lặp lại giáo thuyết của Công Ðồng Vaticanô I về sự nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí, nhưng Công Ðồng dùng những từ ngữ rất mạnh để chống lại thuyết vô thần. Nhưng chữ "tuyên xưng" và "dạy" ở phần này nói lên một tín điều. Con người thật sự có thể nhận biết Thiên Chúa nhưng họ không thể không sai lầm nếu Thiên Chúa không giúp. Lịch sử minh chứng là con người luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa nhưng không bao giờ thoát khỏi lầm lẫn; và trong thực tế, ảnh hưởng của tội lỗi hình như đã làm cho thế giới thường trở thành một chướng ngại vật. Tuy nhiên, trong "nhiệm cuộc" cứu rỗi chúng ta đang sống, một tri thức hoàn toàn tự nhiên chỉ là một tư tưởng trừu tượng, vì ơn Chúa hiện diện khắp mọi nơi. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page