Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Chương V

Cổ Võ Hòa Bình Và Xây Dựng

Cộng Ðoàn Các Dân Tộc 90*

 

77. Nhập đề. Hiện nay, trong khi những nỗi đau khổ và lo âu hết sức trầm trọng còn tồn tại giữa loài người do cuộc chiến tranh không ngừng hiện đang đe dọa gây nên, toàn thể nhân loại trong tiến trình trưởng thành đã bước vào một giai đoạn hết sức quyết định. Gia đình nhân loại dần dần hiệp nhất với nhau và đã ý thức hơn về sự hiệp nhất của mình ở mọi nơi, do đó công việc mà gia đình nhân loại phải bắt tay vào là xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Công việc này chỉ được hoàn thành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều cải tạo tâm hồn để hướng về hòa bình đích thực. Như thế, sứ điệp Phúc Âm phụ họa với những khát vọng và cố gắng cao cả của nhân loại mới rực sáng lên ở thời đại chúng ta bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc cho những người kiến tạo hòa bình "vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9).

Do đó, khi làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực và rất cao cả của hòa bình, và sau khi đã lên án sự dã man của chiến tranh, Công Ðồng muốn tha thiết kêu mời các Kitô hữu, với sự trợ giúp của Chúa Kitô, Ðấng sáng tạo hòa bình, hãy cộng tác với tất cả mọi người để chuẩn bị các phương tiện xây dựng hòa bình và để củng cố nền hòa bình đích thực giữa họ trong công bằng và yêu thương.

78. Bản chất của hòa bình. Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động. Thật thế, mặc dù tự bản chất công ích của nhân loại dĩ nhiên phải được định luật đời đời qui định, tuy nhiên trong những đòi hỏi cụ thể của nó, công ích vẫn phải chịu những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian. Do đó, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. Hơn nữa, vì ý chí của con người yếu đuối và bị tội lỗi làm tổn thương, do đó muốn có hòa bình mỗi người phải luôn luôn kiềm chế dục vọng của mình và chính quyền phải canh phòng cẩn thận.

Nhưng như thế chưa đủ. Hòa bình ấy chỉ có được trên trần gian, nếu giá trị của từng cá nhân được đảm bảo và mọi người tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của cải tinh thần và tài năng của họ. Ý chí cương quyết muốn tôn trọng người khác, những dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ và sự ân cần thực thi tình huynh đệ là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. Như thế, hòa bình cũng là kết quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bằng có thể đem đến.

Phát sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả của hòa bình Chúa Kitô, hòa bình do Ðức Chúa Cha mà đến. Vì chính Chúa Con Nhập Thể là thái tử hòa bình đã dùng thập giá Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa; Người đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể. Người đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người 1, và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người.

Do đó, trong khi "thực thi chân lý trong bác ái" (Eph 4,15), mọi Kitô hữu được khẩn thiết kêu mời hãy kết hiệp với những người thực sự yêu chuộng hoà bình để cầu khẩn và thiết lập hòa bình 91*.

Cũng trong tinh thần đó, chúng tôi không thể không ca ngợi những ai tranh đấu cho quyền lợi mà không dùng bạo động, nhưng dùng những phương tiện tự vệ sẵn có cho những người yếu kém, miễn sao không hại đến quyền lợi và bổn phận của người khác và của cộng đoàn.

Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô đến. Tuy nhiên, nhờ kết hiệp trong bác ái, con người thắng vượt tội lỗi và cũng thắng vượt bạo động cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: "Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu" (Is 2,4).

Ðoạn 1: Tránh Chiến Tranh

78. Giảm thiểu sự vô nhân đạo của chiến tranh. Mặc dù những trận chiến tranh gần đây đã gây cho thế giới chúng ta những thiệt hại quá nặng nề về vật chất cũng như tinh thần, thế mà cho tới nay trên một vài miền chiến tranh vẫn còn hàng ngày liên tục tàn phá. Lại nữa, khi người ta sử dụng những khí giới khoa học đủ loại trong chiến tranh thì tính cách dã man của chiến tranh lăm le đưa những kẻ tham chiến tới một sự man rợ còn khốc hại hơn những ngày trước. Vả lại, hoàn cảnh phức tạp ngày nay và những mối bang giao rối ren giữa các quốc gia càng giúp cho chiến tranh ngấm ngầm kéo dài với những phương pháp mới quỷ quyệt và tàn bạo. Trong nhiều trường hợp, sự xử dụng những phương pháp khủng bố được coi như một hình thức mới của chiến tranh.

Ðứng trước thảm trạng này của nhân loại, tiên vàn Công Ðồng muốn nhắc nhở đến giá trị ngàn đời của quyền lợi tự nhiên của các dân tộc và những nguyên tắc phổ quát của nó. Chính lương tâm nhân loại công bố những nguyên tắc đó một cách càng ngày càng cương quyết hơn. Những ai mưu toan hành động ngược lại những nguyên tắc đó cũng như những ai ra lệnh những hành động như thế, đều phạm tội ác cả; sự thừa lệnh mù quáng cũng không đủ để chạy tội cho những người tuân theo những mệnh lệnh trên. Trong số những hành động tội ác trên, trước hết phải kể đến hành động tiêu diệt một chủng tộc, một dân tộc hay một dân tộc thiểu số bằng bất cứ lý do hay phương pháp nào. Những hành động như thế phải được gắt gao lên án như những tội ác đáng ghê tởm. Và phải hết sức ca ngợi tinh thần can đảm của những người dám công khai chống đối laị những kẻ ra lệnh thi hành những tội ác trên.

Về vấn đề chiến tranh, hiện có nhiều hiệp ước quốc tế mà khá nhiều quốc gia đã ký kết nhằm làm cho những hoạt động quân sự và những hậu quả của chúng bớt vô nhân đạo hơn. Chẳng hạn có những hiệp ước liên quan đến số phận của thương binh hoặc tù bình, và nhiều thỏa ước tương tự khác. Những hiệp ước như thế cần phải được tôn trọng. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền và những nhà chuyên môn về vấn đề này, tùy theo khả năng của mình, cần phải cố gắng làm sao cho những hiệp ước đó được hoàn hảo, và như thế tức là họ giúp ngăn chặn một cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn tính cách vô nhân đạo của chiến tranh. Vả lại, cũng là một điều hợp lý nếu vì lòng nhân đạo mà có những khoản luật dành cho những người vì lý do lương tâm từ chối không xử dụng khí giới, miễn là họ chấp nhận phục vụ cộng đoàn nhân loại dưới một hình thức khác 92*.

Dĩ nhiên, nhân loại chưa trừ được tận gốc chiến tranh. Và bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì mỗi khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hòa, các chính phủ được phép xử dụng quyền tự vệ chính đáng. Do đó, các thủ lãnh quốc gia và những ai có trách nhiệm trong nước có bổn phận phải bảo vệ dân chúng đã được ủy thác cho mình, họ phải thận trọng trong những vấn đề nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, chiến tranh để bảo vệ dân tộc một cách chính đáng là một việc, còn mưu toan đặt ách đô hộ trên các quốc gia khác lại là việc khác. Không phải mọi việc xử dụng sức mạnh của khí giới vào mục tiêu chính trị hay quân sự đều là hợp pháp. Không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn mà các đối phương đều được phép làm gì thì làm.

Ðối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình.

80. Chiến tranh toàn diện. Sự phát triển khí giới khoa học làm cho chiến tranh tăng thêm phần ghê tởm và khốc hại khôn lường. Thực vậy, những hành động hiếu chiến đi đôi với việc xử dụng những khí giới này có thể đưa lại những tàn phá lớn lao và không phân định, do đó vượt xa giới hạn của việc tự vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu tận dụng tất cả những phương tiện hiện có trong các kho vũ khí của các cường quốc, thì sẽ có một cuộc tương tàn hầu như hoàn toàn và mỗi bên sẽ bị đối phương tận diệt, đó là chưa kể đến nhiều cuộc tàn phá xảy ra trong thế giới và những hậu quả khốc hại do việc xử dụng những khí giới nói trên.

Tất cả những điều nói trên buộc chúng ta phải xét lại chiến tranh trong một tinh thần hoàn toàn mới mẻ 2. 93* Con người thời đại này phải biết rằng họ sẽ chịu trách nhiệm nặng nề về những hành động hiếu chiến của họ, vì các biến chuyển tương lai sẽ tùy thuộc nhiều ở những quyết định của họ hôm nay.

Trước tình trạng đó, thừa nhận những lời kết án về chiến tranh toàn diện của những vị Giáo Hoàng gần đây 3, Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng:

Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Vậy phải cực lực và không ngần ngại lên án tội ác đó.

Mối nguy cơ đặc biệt của chiến tranh hiện nay hệ tại ở chỗ hầu như tạo cơ hội cho những người có khí giới tối tân phạm những tội ác như thế và hậu quả tất nhiên là có thể thúc đẩy ý muốn con người đi tới những quyết định hiểm độc nhất. Vậy để cho thảm trạng đó không bao giờ xảy đến, các Giám Mục trên toàn thể thế giới hợp nhau nên một tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là những nhà cầm quyền quốc gia cũng như những vị chỉ huy quân sự hãy luôn luôn cân nhắc trách nhiệm lớn lao của mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

81. Thi đua võ trang. Thực ra, khí giới khoa học không phải được thu trữ chỉ để dùng vào thời chiến tranh, vì người ta cho rằng sự phòng thủ kiên cố của mỗi phe tùy thuộc ở khả năng trả đũa đối phương một cách vũ bão, cho nên sự tích trữ khí giới mỗi năm một gia tăng chính là nhằm đe dọa đối phương có thể bất thần tấn công. Nhiều người cho rằng đó là phương cách hữu hiệu nhất để bảo toàn hòa bình giữa các quốc gia ngày nay.

Dù cho phương thức ngăn chặn đối phương có thế nào đi nữa, con người vẫn phải xác tín rằng cuộc thi đua võ trang, công việc mà khá nhiều quốc gia đang theo đuổi, không phải là một con đường an toàn để duy trì hòa bình một cách vững chắc, cũng như cái gọi là quân bình xuất phát từ việc thi đua đó cũng không phải là hòa bình chắc chắn và đích thực. Do đó, những nguyên nhân của chiến tranh chẳng những không bị loại bỏ mà còn đe dọa mỗi lúc một thêm trầm trọng. Ðang khi tiêu thụ quá nhiều tài nguyên vào việc chuẩn bị những khí giới luôn luôn mới mẻ thì không thể nào đem lại một phương dược đủ để chữa trị biết bao khốn khổ hiện tại của thế giới. Thay vì thật sự và triệt để hàn gắn những chia rẽ giữa các quốc gia, người ta lại làm cho những chia rẽ ấy lan rộng đến các vùng khác trên thế giới. Phải chọn lựa những con đường mới bắt nguồn từ việc cải tạo tâm hồn để chấm dứt tệ trạng đó và để hòa bình đích thực có thể được vãn hồi, một khi thế giới được giải thoát khỏi mối âu lo đang đè nặng.

Bởi thế, cần phải tuyên bố một lần nữa: cuộc thi đua võ trang là một tai họa hết sức trầm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được. Và phải hết sức sợ rằng cuộc thi đua võ trang, nếu vẫn còn tiếp diễn, một ngày nào đó, sẽ gây ra mọi tai họa chết chóc do những phương thế đã được nó chuẩn bị sẵn.

Thấy được những tai họa mà nhân loại có thể gây nên, chúng ta hãy lợi dụng thời hạn mà ơn trên ban cho chúng ta, để khi ý thức hơn về trách nhiệm của riêng mình, chúng ta sẽ tìm được những con đường giúp chúng ta giải quyết được những tranh chấp của mình một cách xứng đáng với con người hơn. Thiên Chúa quan phòng không ngừng đòi hỏi chúng ta phải tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chiến tranh đã có từ xưa. Do đó, nếu khước từ mọi cố gắng như trên, chúng ta không biết chúng ta sẽ đi về đâu trên con đường tội ác mà mình đã bước vào.

82. Triệt để ngăn cấm chiến tranh và hoạt động quốc tế nhằm tránh chiến tranh. Bởi thế, dĩ nhiên chúng ta cần phải đem hết nỗ lực để chuẩn bị cho giai đoạn mà bất cứ chiến tranh nào cũng đều bị triệt để ngăn cấm do sự ưng thuận của các quốc gia. Ðiều đó chắc chắn đòi hỏi phải thiết lập một công quyền quốc tế được mọi người thừa nhận. Quyền bính này phải có một thực lực hữu hiệu để bảo đảm an ninh cho mọi người cũng như buộc phải thực thi công bằng và tôn trọng quyền lợi. Nhưng trước khi thiết lập được quyền bính đáng mong mỏi ấy, các cơ quan tối cao quốc tế hiện hành cần phải đem hết nỗ lực để nghiên cứu các phương thế khả hiệu nhất hầu đem lại an ninh chung. Vì hòa bình phải phát sinh từ niềm tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, chứ không là thứ hòa bình cưỡng ép giữa các dân tộc do sự sợ hãi khí giới của nhau. Nên tất cả cần phải cố gắng chặn đứng cuộc chạy đua võ trang. Muốn cho sự tài giảm binh bị thực sự bắt đầu, thì việc tài giảm này không phải là việc làm của một bên, nhưng phải được cả đôi bên thỏa thuận với những bảo đảm thực sự và hữu hiệu 4.

Trong lúc chờ đợi, không nên coi thường những nỗ lực đã có và đang có cho tới nay đã ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Tốt hơn là nên nâng đỡ thiện chí của một số đông những người, tuy phải bận tâm quá nhiều về những nhiệm vụ tối cao của họ, những vẫn ý thức được trách nhiệm rất nặng nề bó buộc họ, cho nên họ cố gắng loại bỏ chiến tranh mà họ đang ghê tởm mặc dù họ không thể bỏ qua được hoàn cảnh phức tạp hiện tại. Hơn nữa, phải luôn luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho họ nghị lực để kiên quyết tiến tới và can đảm hoàn thành công cuộc của tình thương cao cả đối với con người là xây dựng hòa bình một cách mạnh mẽ. Ngày nay, chắc chắn công cuộc đó đòi hỏi họ phải mở rộng tâm hồn và tinh thần vượt khỏi ranh giới của quốc gia mình, phải từ bỏ lòng ích kỷ quốc gia và tham vọng thống trị các quốc gia khác, phải nuôi dưỡng lòng tôn trọng sâu xa đối với toàn thể nhân loại đang vất vả tiến tới một sự thống nhất lớn lao hơn.

Về vấn đề hòa bình và giải giới, cần phải xem những nghiên cứu tìm tòi đã được theo đuổi một cách can đảm và không ngừng, cũng như những hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này như là những bước đầu để giải quyết những vấn đề khá trọng đại. Và trong tương lai, để đạt được những kết quả thực tiễn, cần phải cổ võ những nỗ lực trên một cách cấp bách hơn. Tuy nhiên, không nên chỉ ỷ lại vào cố gắng của một vài người mà quên tinh thần riêng của mỗi người 94*. Vì là những người chịu trách nhiệm trước công ích của dân tộc mình và đồng thời đem lại ích chung cho toàn thể thế giới, cho nên các nhà lãnh đạo quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào quan điểm và tâm tình của quần chúng. Bao lâu những tâm tình thù hận, khinh thị và nghi kỵ, những hiềm thù vì "kỳ thị chủng tộc" cũng như những ý thức hệ ngoan cố, tất cả những thứ đó vẫn còn chia rẽ và đối nghịch con người với nhau, thì các nhà lãnh đạo quốc gia có cố công xây dựng hòa bình cũng vẫn vô ích. Do đó, cần phải cấp tốc canh tân giáo dục tâm trạng và gây lại một chiều hướng mới cho dư luận quần chúng. Những ai tận tâm với công cuộc giáo dục, nhất là giáo dục giới trẻ, hoặc hướng dẫn dư luận quần chúng, phải nhớ rằng việc gieo rắc trong đầu óc mọi người những tư tưởng mới về hòa bình là một bổn phận nặng nề nhất. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều có bổn phận thay đổi tâm hồn mình, phải mở rộng nhãn quan trên toàn thế giới và trên những nhiệm vụ mà chúng ta có thể cùng nhau đảm nhận để làm cho nhân loại chúng ta tiến triển tốt đẹp hơn.

Nhưng đừng để hy vọng hão huyền lừa dối chúng ta. Thật thế, cho dù đã loại bỏ được hiềm khích và hận thù, nhưng nếu trong tương lai chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến dần đến cách thảm khốc tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc. Tuy nhiên, Giáo Hội Chúa Kitô được thiết lập giữa những lo âu của thời đại này, khi tuyên bố những điều trên, vẫn luôn hết sức vững tâm hy vọng. Thuận tiện hay không thuận tiện, Giáo Hội vẫn muốn trình bày và vẫn muốn trình bày mãi mãi cho thời đại chúng ta sứ điệp của các Tông Ðồ: "đây là thời thuận tiện" để cải tạo tâm hồn, "đây là ngày cứu độ" 5.

Ðoạn 2: Xây Dựng Cộng Ðoàn Quốc Tế

83. Nguyên nhân bất hòa và phương dược chữa trị. Ðể xây dựng hòa bình, trước hết cần phải tận diệt những nguyên nhân bất hòa giữa con người với nhau, vì chính những nguyên nhân đó nuôi dưỡng chiến tranh, nhất là những bất công. Một số không ít những nguyên nhân này bắt nguồn từ những chênh lệch thái quá trong địa hạt kinh tế, cũng như từ sự trì hoãn những sửa đổi cần thiết. Một số nguyên nhân khác phát sinh từ đầu óc thống trị và miệt thị con người, và nếu tìm hiểu những lý do sâu xa hơn, thì đó là lòng tham lam, nghi kỵ, kiêu căng và những đam mê ích kỷ khác. Vì con người không thể chịu đựng được bao nhiêu hỗn loạn ấy, cho nên dù không có chiến tranh tàn khốc, thế giới vẫn không ngừng bị những tranh chấp giữa con người với nhau và những bạo động làm xáo trộn. Hơn nữa, những tệ hại này còn có mặt trong những tương quan giữa chính các quốc gia, cho nên để chiến thắng hay ngăn ngừa những tệ hại đó và chặn đứng những bạo động cuồng loạn, triệt để cần phải phối hiệp và tổ chức các cơ quan quốc tế một cách tốt đẹp và vững chắc hơn. Cũng cần phải luôn luôn khuyến khích việc thành lập những cơ quan cổ võ cho hòa bình.

84. Cộng đoàn các dân tộc và các cơ quan quốc tế. Ngày nay mối dây tương quan giữa các công dân và các dân tộc trên thế giới mỗi ngày một thêm chặt chẽ. Do đó, muốn tìm công ích đại đồng một cách thích ứng và thể hiện một cách hữu hiệu hơn, cộng đồng các dân tộc cần phải được tổ chức theo một thể thức hợp với công cuộc hiện thời, nhất là liên quan đến rất nhiều miền cho tới nay vẫn còn đang chịu cảnh túng thiếu cơ cực.

Ðể đạt được những mục tiêu nói trên, các cơ quan của cộng đoàn quốc tế tùy theo phận vụ mình, phải đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lãnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, việc làm, cũng như trong một vài hoàn cảnh đặc biệt có thể gặp tại vài nơi, chẳng hạn cần phải cổ võ sự thăng tiến tổng quát của các quốc gia trên đường phát triển, phải trợ giúp nỗi đau khổ của những người tị nạn rải rác trên khắp thế giới, hoặc còn phải cứu trợ những người di cư và gia đình họ.

Các cơ quan quốc tế đang có trên toàn thế giới hay tại địa phương chắc chắn đáng được nhân loại ghi ơn nhiều. Những tổ chức này tựa như những cố gắng đầu tiên nhằm đặt nền móng quốc tế cho cả cộng đoàn nhân loại, để giải quyết những vấn đề trầm trọng nhất của thời đại chúng ta, như là cổ võ sự phát triển khắp nơi và ngăn ngừa chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong tất cả những lãnh vực này, Giáo Hội hoan hỷ trước tinh thần huynh đệ đích thực đang nảy nở giữa các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo; tinh thần đó nhằm giúp họ gia tăng thêm mãi mãi nỗ lực để xoa dịu nỗi thống khổ bao la.

85. Cộng tác quốc tế trong lãnh vực kinh tế 95*. Sự liên đới ngày nay của nhân loại cũng đòi hỏi phải thiết lập một sự cộng tác quốc tế rộng rãi hơn trong lãnh vực kinh tế. Thật vậy, mặc dù hầu hết mọi dân tộc đều được tự trị, tuy nhiên còn lâu họ mới thoát khỏi những chênh lệch thái quá và mọi hình thức lệ thuộc quá đáng, cũng như tránh được mọi nguy cơ trầm trọng từ những khó khăn bên trong.

Sự phát triển của mỗi quốc gia tùy thuộc ở những trợ giúp về nhân sự và tài chánh. Người công dân trong mỗi nước cần phải được chuẩn bị bằng việc giáo dục và huấn nghệ để chấp nhận những nhiệm vụ khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội. Nhằm mục đích trên, cần phải có sự giúp đỡ của những chuyên viên ngoại quốc; khi giúp đỡ, những chuyên viên này đừng xử sự như chủ, nhưng như là những người trợ tá và cộng tác viên. Sự viện trợ vật chất cho các quốc gia đang phát triển chỉ thực hiện được nếu người ta thay đổi sâu rộng những đường lối thương mại hiện có trên thế giới. Hơn nữa, các quốc gia tiến bộ phải giúp cho các quốc gia đó những viện trợ khác nhau dưới hình thức tặng phẩm, cho vay hoặc đầu tư tài chánh. Một bên phải viện trợ cách quảng đại, chứ không vì tham lam, cũng như bên kia phải nhận với tất cả công minh.

Muốn xây dựng một nền kinh tế đích thực cho thế giới cần phải dập tắt lòng ham lợi quá đáng, những tham vọng quốc gia, những khao khát bá chủ về chính trị, mọi mưu tính về mặt quân sự cũng như mọi mưu mô nhằm tuyên truyền và bắt phải theo một ý thức hệ. Người ta đề ra nhiều hệ thống kinh tế và xã hội. Ước gì các nhà chuyên môn có thể dựa trên đó mà tìm ra những căn bản chung cho một nền mậu dịch quốc tế lành mạnh. Ðiều đó dễ đạt được nếu mỗi người từ bỏ thành kiến riêng và mau mắn đi tới đối thoại một cách chân thành.

86. Vài tiêu chuẩn thích hợp. Những tiêu chuẩn sau đây xem ra thích hợp cho việc cộng tác trên:

a) Các dân tộc đang phát triển cần phải chú tâm nhiều đến việc theo đuổi sự phát triển toàn vẹn cho người công dân; một cách rõ ràng và cương quyết, họ phải theo đuổi việc phát triển này như mục tiêu của sự tiến bộ. Họ phải nhớ rằng sự tiến bộ phát sinh và gia tăng trước hết là tùy thuộc ở sự làm việc và tài nghệ của chính dân tộc mình, nghĩa là sự tiến bộ không chỉ căn cứ vào viện trợ của ngoại bang, nhưng tiên vàn căn cứ vào việc khai thác đầy đủ những tài nguyên của xứ sở cũng như vào việc phát triển văn hóa và truyền thống riêng của mình. Trong vấn đề này, những ai có ảnh hưởng trên người khác hơn cả cần phải nêu gương hơn hết.

b) Bổn phận nặng nề nhất của các quốc gia tiến bộ là giúp đỡ các dân tộc đang phát triển chu toàn những phận vụ nói trên. Do đó, ngay trong quốc gia mình, họ phải thích nghi về mặt tinh thần cũng như vật chất cần thiết để thiết lập sự cộng tác đại đồng này.

Như thế, khi giao dịch với các quốc gia nghèo yếu hơn, họ phải quan tâm đặc biệt đến lợi ích của các quốc gia này: vì các quốc gia này sống còn là tùy ở nguồn lợi từ những sản phẩm bán ra.

c) Bổn phận của cộng đoàn quốc tế là phối hợp và cổ võ sự phát triển, tuy nhiên tài nguyên dành cho việc phát triển phải được phân phối hết sức hữu hiệu và hoàn toàn công bằng. Dù vẫn giữ nguyên tắc trách nhiệm bổ trợ, cộng đoàn quốc tế cũng phải điều hòa các mối bang giao kinh tế trên toàn thế giới, làm sao để các mối bang giao đó được thể hiện trong các quy tắc của công bình.

Phải thiết lập những tổ chức có thể cổ võ và điều hành những mậu dịch quốc tế nhất là với các quốc gia kém mở mang, để bù đắp những khuyết điểm do sự chênh lệch thái quá về thế lực giữa các quốc gia. Ðường lối tổ chức trên cùng với sự trợ giúp kỹ thuật, văn hóa và tài chánh, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có những phương tiện cần thiết để có thể mở mang kinh tế một cách thích hợp.

d) Trong nhiều trường hợp, nhu cầu cấp bách đòi hỏi phải xét lại các cơ cấu kinh tế và xã hội. Tuy nhiên phải coi chừng những giải pháp kỹ thuật chưa được chín mùi, nhất là những giải pháp đi ngược lại đặc tính thiêng liêng và sự phát triển con người, mặc dù đem lại cho con người những tiện ích vật chất: vì "con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4). Bất cứ thành phần nào của gia đình nhân loại cũng đều mang trong mình và trong những truyền thống tốt đẹp nhất của mình một phần kho tàng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho nhân loại, dù cho nhiều người không biết nó phát xuất từ nguồn gốc nào.

87. Hợp tác quốc tế trong vấn đề gia tăng dân số. Sự hợp tác quốc tế là một vấn đề hết sức cần thiết, khi một số dân tộc ngày nay, không kể bao nhiêu khó khăn khác, còn rất thường gặp phải một số khó khăn đặc biệt nữa phát sinh từ sự gia tăng dân số quá nhanh. Nhờ sự hợp tác hoàn toàn và đắc lực của mọi quốc gia, nhất là những nước giàu, điều khẩn trương là phải nghiên cứu làm sao để có thể chuẩn bị và chia sẻ cho toàn thể nhân loại những gì cần thiết cho sự sống và cho việc giáo dục thích hợp của con người. Thực thế, một số quốc gia sẽ có thể cải thiện hoàn cảnh sinh sống của họ rất nhiều, nếu một khi được huấn luyện đầy đủ, họ chuyển từ những phương pháp canh tác nông nghiệp cổ hủ đến những kỹ thuật tối tân và biết áp dụng chúng vào những hoàn cảnh của họ với sự khôn khéo cần thiết; vả lại, nếu họ biết thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn và phân chia đất đai một cách công bình hơn.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, dĩ nhiên chính phủ có quyền và có bổn phận đối với vấn đề dân số trong quốc gia mình: chẳng hạn vấn đề liên quan đến luật xã hội và gia đình, vấn đề di dân từ thôn quê về thành thị, vấn đề thông tin về tình hình và nhu cầu quốc gia. Ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến vấn đề này, do đó, ước gì những người công giáo chuyên môn trong lãnh vực này, nhất là trong các Ðại Học, hãy kiên nhẫn theo đuổi và phát huy sâu rộng những nghiên cứu cũng như những công cuộc của họ.

Nhiều người quả quyết rằng sự gia tăng dân số trên thế giới hay ít ra tại một vài quốc gia cần phải được giảm thiểu hoàn toàn bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Do đó, Công Ðồng khuyến cáo mọi người nên đề phòng những giải pháp đi ngược lại luật luân lý 96* đang được đề cao một cách công khai hay riêng tư và đôi khi có tính cách bắt buộc. Vì quyền kết hôn và sinh sản là quyền bất khả di nhượng của con người, cho nên việc định đoạt số con cái sẽ sinh ra tùy thuộc ở phán đoán thẳng thắn của cha mẹ chứ không thể nào ủy thác cho sự quyết định của chính quyền. Nhưng sự phán đoán của cha mẹ giả thiết là họ phải có một lương tâm được huấn luyện ngay thẳng, do đó điều quan trọng là làm sao cho mọi người đạt được một trình độ trách nhiệm đứng đắn và thật sự của một con người, một trách nhiệm biết tôn trọng luật Thiên Chúa mà vẫn không bỏ quên hoàn cảnh và thời đại. Ðiều này còn đòi hỏi phải cải thiện khắp nơi tình trạng giáo dục và xã hội, nhất là cần phải có một nền giáo dục tôn giáo hay ít ra phải có một nền giáo dục đầy đủ về luân lý. Hơn nữa, dân chúng cần phải được hiểu biết cẩn thận về những tiến bộ khoa học trong việc tìm kiếm các phương pháp có thể giúp đôi vợ chồng điều hòa sinh sản, miễn là các phương pháp này được chứng minh rõ ràng là chắc chắn và được nhìn nhận là phù hợp với trật tự luân lý.

88. Bổn phận của Kitô hữu trong việc cứu trợ. Người Kitô hữu phải sẵn sàng và hết lòng cộng tác xây dựng trật tự quốc tế, một thứ trật tự tôn trọng những quyền tự do hợp pháp và tình bằng hữu huynh đệ với hết mọi người. Họ càng phải sẵn sàng thực hiện công cuộc ấy hơn nữa, vì hiện thời đại đa số nhân loại còn đang đau khổ bần cùng đến nỗi chính Chúa Kitô hiện thân trong kẻ nghèo khổ như đang lớn tiếng đòi hỏi các môn đệ của Người phải bác ái. Vậy phải tránh gương mù của một số quốc gia mà đa số dân chúng thường mang danh Kitô hữu, đang thản nhiên hưởng thụ quá nhiều của cải trong lúc nhiều quốc gia khác sống thiếu thốn cùng cực, bị đói khát, bệnh tật và đủ mọi thứ bất hạnh dày vò. Tinh thần khó nghèo và bác ái mới là vinh dự và dấu chứng của Giáo Hội Chúa Kitô.

Thế nên, phải khen ngợi và cổ võ những người Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, tự nguyện hiến thân phục vụ tha nhân và các quốc gia khác. Lại nữa, bổn phận của toàn thể Dân Chúa là theo gương lành và lời giảng dạy của các Giám Mục để tùy sức xoa dịu những khốn cùng của thời đại này, chẳng những với phần thặng dư mà còn cả phần thiết dụng của mình nữa như Giáo Hội thời xưa quen làm.

Cách lạc quyên và phân phối viện trợ, dù không được tổ chức chặt chẽ và đồng nhất thì ít nữa cũng phải được thực hiện cách đứng đắn trong các giáo phận, các quốc gia và trên toàn thế giới; ở bất cứ nơi nào xem ra thuận tiện, hoạt động của Công Giáo phải hợp tác chặt chẽ với các anh em Kitô hữu khác. Tinh thần bác ái chẳng những không ngăn trở mà còn đòi hỏi việc tiên liệu và tổ chức hoạt động xã hội cũng như từ thiện cho quy củ. Vì thế, những người tình nguyện dấn thân phục vụ các quốc gia đang phát triển cần phải được huấn luyện trong các trường chuyên môn để họ trở thành những cán bộ thành thạo.

89. Sự hiện diện hữu hiệu của Giáo Hội trong cộng đoàn quốc tế. Dựa vào sứ mệnh Chúa ủy thác, Giáo Hội rao giảng Phúc Âm cho mọi người và phân phát các kho tàng ân sủng; và ở bất cứ nơi nào trên hoàn cầu, Giáo Hội cũng góp phần củng cố hòa bình và thiết lập nền tảng vững chắc cho sự liên đới huynh đệ của con người và của các dân tộc: nền tảng này làm cho mọi người hiểu biết về luật Thiên Chúa và luật tự nhiên. Vì thế, Giáo Hội nhất thiết phải có mặt ngay giữa lòng các dân tộc để khơi động và thôi thúc sự hợp tác giữa mọi người và Giáo Hội hoạt động được vậy là nhờ các cơ quan chính thức của mình, cũng như nhờ sự cộng tác tận lực và chân thành của mọi Kitô hữu, chỉ theo đuổi một ước nguyện là phục vụ tất cả mọi người.

Kết quả sẽ bảo đảm hơn, nếu chính các tín hữu ý thức trách nhiệm làm người và làm Kitô hữu, cố gắng thúc đẩy ước muốn sẵn sàng cộng tác với cộng đoàn quốc tế ngay trong môi trường sinh hoạt của mình. Về vấn đề này nên đặc biệt chú tâm đào tạo các thế hệ trẻ trong khi giáo dục tôn giáo cũng như huấn luyện công dân.

90. Vai trò của các Kitô hữu trong những tổ chức quốc tế. Công cuộc hợp tác cá nhân hay tập thể với chính những tổ chức hiện có hay sắp thành hình nhằm cổ võ việc hợp tác giữa các quốc gia là một hình thức hoạt động quốc tế tuyệt hảo của các Kitô hữu. Lại nữa, những hiệp hội công giáo quốc tế khác nhau còn có thể góp sức bằng nhiều cách để xây dựng một cộng đoàn các dân tộc trong hòa bình và huynh đệ. Phải củng cố các hiệp hội này bằng cách gia tăng số hội viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, bằng cách giúp đỡ các phương tiện cần thiết cũng như phối hợp chặt chẽ các năng lực. Thật vậy, thời đại chúng ta đòi hỏi sáng kiến tập thể để hoạt động hữu hiệu và thỏa mãn nhu cầu đối thoại. Lại nữa, những hình thức tổ chức ấy góp phần không ít vào việc gia tăng ý thức đại đồng là điều rất hợp với người công giáo, cũng như vào việc khai sinh ý thức liên đới và trách nhiệm quốc tế thực sự.

Sau cùng, ước mong rằng người công giáo tìm cách hợp tác tích cực và thiết thực hoặc với các anh em ly khai cùng tuyên xưng một tình bác ái Phúc Âm, hoặc với tất cả mọi người đang khao khát hòa bình chân chính, để chu toàn đứng đắn nghĩa vụ của mình trong cộng đoàn quốc tế.

Ngày nay, nhìn nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại và để cổ võ sự công chính, đồng thời cổ võ tình yêu Chúa Kitô đối với người nghèo khổ ở khắp nơi, Công Ðồng cho là rất đáng mong ước việc thiết lập một cơ quan chung cho toàn thể Giáo Hội, có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn công giáo hầu cổ võ sự phát triển trong các vùng nghèo khổ cũng như cổ võ công bình xã hội giữa các quốc gia. 97*

Kết Luận 98*

91. Bổn phận của mỗi tín hữu và của các Giáo Hội địa phương. Những điều mà Thánh Công Ðồng này đề nghị được rút ra từ kho tàng giáo lý của Giáo Hội. Mục đích là giúp đỡ mọi người thời nay, hoặc tin Thiên Chúa hoặc không minh nhiên nhìn nhận Ngài, nhận thức rõ ràng hơn thiên chức toàn diện của mình, kiến tạo thế giới cho hợp với phẩm giá siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết trong thời đại chúng ta theo như tình yêu thúc đẩy trong một nỗ lực hợp tác quảng đại.

Thực vậy, trước sự dị biệt lớn lao giữa những hoàn cảnh và những hình thức văn hóa nhân loại trên thế giới, những lời đề nghị trên đây trong nhiều điểm chỉ cố ý trình bày một cách tổng quát. Hơn nữa, vì phần nhiều liên hệ đến những vấn đề còn đang biến chuyển không ngừng, nên giáo huấn ở đây, tuy đã được công nhận trong Giáo Hội, nhưng cũng cần được khai triển và tiếp nối thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng nhiều điều mà chúng tôi loan báo dựa trên lời Chúa và tinh thần Phúc Âm, sẽ có thể giúp đỡ mọi người một cách hữu hiệu, nhất là khi các tín hữu theo sự hướng dẫn của Chủ Chăn cố gắng thực hiện công việc thích nghi cần thiết cho từng quốc gia và từng tâm thức khác nhau.

92. Ðối thoại giữa mọi người. Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành.

Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các tín hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự 6.

Ðồng thời, tâm hồn chúng tôi cũng ôm ấp những người anh em và các cộng đoàn của họ, tuy chưa sống hiệp thông trọn vẹn với chúng tôi nhưng vốn liên kết với chúng tôi trong sự tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng như trong mối dây bác ái; chúng tôi nhớ rằng ngay cả nhiều người không tin vào Chúa Kitô vẫn ước mong và khao khát sự hiệp nhất giữa các tín hữu: quả thực, sự hiệp nhất này càng tiến triển trong chân lý và tình yêu nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, thì càng sẽ là một điềm tiên báo sự hiệp nhất và hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, cùng hiệp lực và hiện đang theo đuổi mục đích cao cả này cách hữu hiệu dưới những hình thức ngày càng thích hợp hơn, chúng tôi cố gắng mỗi ngày sống phù hợp với Phúc Âm hơn nữa, để hợp tác trong tình huynh đệ hầu phục vụ gia đình nhân loại đang được mời gọi vào gia đình các con cái Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.

Do đó, chúng tôi cùng hướng tâm hồn đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng. Chúng tôi ước mong đối thoại cởi mở để dẫn đưa tất cả chúng ta đến chỗ trung thành đón nhận và hăng hái thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc. Niềm ước mong đối thoại đó chỉ do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp; về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai hết: từ những người đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Ðấng Tạo Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực.

93. Xây dựng và dẫn đưa thế giới tới cùng đích. Nhớ lại lời Chúa: "Nếu các con thương yêu nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy" (Gio 13,35), người Kitô hữu không thể tha thiết mong ước gì hơn là luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và hữu hiệu hơn. Thật vậy, trong khi trung thành gắn bó với Phúc Âm và thừa hưởng những năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thực hiện công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Ðấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói "lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào nước trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha 7 và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô là anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên khắp địa cầu sẽ thấy nẩy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa 99*.

"Kính chúc Ðấng quyền năng làm được mọi sự cách hết sức phong phú hơn điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng tùy theo quyền phép của Ngài hằng hoạt động giữa chúng ta, kính chúc Ngài vinh quang trong Giáo Hội và trong Chúa Giêsu Kitô trong mọi thế hệ muôn đời. Amen" (Eph 3,20-21).

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế Mục Vụ này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 

 


Chú Thích:

90* Phần nhập đề:

1) Hoà bình cần thiết để xây dựng một thế giới nhân đạo hơn cũng như xứng hợp với tinh thần Phúc Âm hơn số (số 77a). Vì thế, Công Ðồng có ý trình bày hòa bình đích thực cũng như lên án tính cách ác độc của chiến tranh (b).

2) Hòa bình đích thực (số 78a) phát sinh bởi tình thương (b) và do ơn Chúa Kitô (c). Các tín hữu phải xây dựng hòa bình (d). Công Ðồng khen ngợi những người không dùng phương tiện bạo động (e). Nhưng muốn hòa bình thì phải thắng tội lỗi (f).

Ðoạn 1. Loại trừ chiến tranh: Chiến tranh vẫn còn là sự kiện, và khí giới lại càng ngày càng dữ dội (số 79a).

A) Nguyên tắc cần phải tôn trọng luôn luôn: Không được tiêu diệt cả một dân tộc (b). Phải gìn giữ các khế ước quốc tế. (Có lẽ nên chấp nhận những kẻ lấy lý do lương tâm mà từ chối không muốn cầm súng) (c). Chiến đấu tự vệ như phương tiện tối hậu là hợp lý, nhưng có giới hạn (d). Quân nhân cũng góp phần cho hòa bình (e).

B) Vài trường hợp thực tế: 1) Hành quân không phân biệt mục tiêu và bất chấp giới hạn (số 80a), chiến tranh toàn diện (c), hay tấn công các đô thị và khu vực rộng rãi, đều bị lên án (d). Tích trữ khí giới khoa học có thể đưa tới các tội trạng đó (e). Hiện nay ta cần phải duyệt xét lại các nguyên tắc cổ truyền về chiến tranh (b). 2) Cuộc thi đua võ trang như phương tiện khuyến cáo đối phương (số 81a) không bảo đảm và cũng không đưa lại hòa bình đích thực (b), trái lại nó làm tổn thương kẻ nghèo (c). Ðàng khác ta phải lợi dụng khoảng thời gian chưa có chiến tranh (d).

C) Tìm cách loại trừ chiến tranh: bằng khế ước và quyền bính quốc tế (số 82a). Ai cũng phải giúp đỡ người có trách nhiệm. Ta phải đổi mới tinh thần (b). Phải kiện toàn những khế ước đã có. Phải đào tạo cá nhân vì dư luận rất có ảnh hưởng (c). Công Ðồng cảnh cáo mọi người về mối nguy cơ trầm trọng, đàng khác Công Ðồng hy vọng còn kịp thời hóa giải (d).

Ðoạn 2. Xây dựng cộng đoàn quốc tế: Trước hết bằng cách trừ khử tận gốc các mầm mống thù nghịch, ngay cả trong môi trường quốc tế (số 83). Rồi phải hiệp nhất để mưu ích chung cho quốc tế (số 84a). Vai trò của những tổ chức quốc tế (b): các tổ chức ấy được coi như là bước đầu trên con đường hòa bình (c).

A) Cần phải cộng tác kinh tế: để loại trừ sự bất bình đẳng và trạng thái lệ thuộc bất xứng (số 85a). Cộng tác tuỳ theo nhu cầu khác nhau của các quốc gia đang mở mang và đã tiến triển (b). Những thái độ cần phải vượt qua (c). Qui tắc về sự cộng tác ấy: Chính quốc gia đang mở mang phải cố gắng (số 86a). Quốc gia tiền tiến có bổn phận trợ lực các quốc gia kém mở mang (b). Cộng đoàn quốc tế phải chi phối chính sách viện trợ theo nguyên tắc bổ trợ (c). Nhiều lúc sẽ phải canh tân cơ cấu xã hội, nhưng cẩn thận kẻo làm thiệt hại cho tinh thần (d). Cần phải viện trợ nhiều hơn cho những quốc gia mà trong đó dân số đang gia tăng mau chóng (số 87a). Vai trò của chính quyền và các viện đại học về vấn đề này (b) và những giới hạn luân lý (c).

B) Vai trò: của tín hữu (số 88a). Việc cộng tác cá nhân hay nhờ phương tiện kinh tế (b). Cộng tác với các tín hữu khác (c). Vai trò của Giáo Hội (số 89a). Giáo dân càng góp phần trong cộng đoàn thì việc làm của Giáo Hội càng hữu ích (b). Giáo dân nên cộng tác với tổ chức quốc tế, nhất là tổ chức công giáo (số 90a), và với anh em ly khai cũng như với những người hiếu hòa khác (b). Công Ðồng tỏ ý ước mong rằng Tòa Thánh sẽ sáng lập một tổ chức quốc tế để cổ võ công bằng và tình thương yêu đối với các miền nghèo nhất (c). (Trở lại đầu trang)

1 Xem Eph 2,16; Col 1,20-22. (Trở lại đầu trang)

91* "Phúc cho người hiếu hòa vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9). Chủ nghĩa hòa bình đích thực không hệ tại sự lên án chiến tranh và đòi hỏi ngưng chiến bất chấp hoàn cảnh, nhưng phải xây dựng hòa bình chính nghĩa (78a-c). Thiếu công bằng và tình thương, "hòa bình" chỉ trở nên một thứ bạo động càng đáng gớm ghét hơn vì nó gây nên thiệt hại tinh thần hơn cả vật chất. Do đó, ta không thể dựa vào tinh thần Phúc Âm mà đòi hỏi các quốc gia phải bỏ rơi số phận của nhân loại trong tay những kẻ xâm lăng đầy tội lỗi, vì đó chắc không phải là tinh thần Phúc Âm đích thực. Nếu một thứ thần học tin lành nào đó nhấn mạnh rằng luân lý Phúc Âm chống lại và vượt quá luân lý tự nhiên, bởi vì họ tưởng rằng thế giới và bản tính con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng hoàn toàn, cho nên tín hữu phải can đảm từ chối chiến đấu bất chấp hậu quả thì đối với người công giáo sẽ khác hẳn: bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa không những đã dựng nên thế giới và ủy thác cho con người phát triển và xây dựng thế giới, nhưng còn cho Chúa Kitô đến chuộc lại thế giới đó. Các nhiệm vụ do công ích phát sinh không chỉ có tính cách luân lý tự nhiên mà thôi. Nhưng chúng ta phải hết sức vất vả để xây dựng hòa bình bằng cách loại trừ tội lỗi (f), luyện tập đức công bằng và thương yêu (ab), tìm kiếm ơn thánh Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần (c), v.v... Trong phần hai, Công Ðồng nhắc lại một số phương tiện tự nhiên ta có thể áp dụng. (Trở lại đầu trang)

92* "Lấy lý do lương tâm mà từ chối cầm súng" có phải là một nhân quyền dân sự không? Hiện nay có nhiều người quả quyết như vậy. Tuy nhiên Công Ðồng vừa bênh vực quyền bính và nhiệm vụ của chính quyền để bảo vệ công ích (số 78ae); (79d), vừa ban khen quân nhân phục vụ quốc gia (79e). Ðàng khác, trong toàn bài nói về những nỗ lực để giảm bớt mức độ độc ác của chiến tranh, Công Ðồng lại phát biểu ý kiến rằng nếu chính quyền và luật pháp chấp nhận lý do lương tâm mà không buộc người vịn lẽ ấy phải cầm súng, điều đó có vẻ hợp lẽ phải. Thực ra, trước Công Ðồng đã có một số quốc gia lập luật chấp nhận lý do lương tâm, miễn là người vịn lẽ đó phục vụ quốc gia một cách khác. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 291: "Do đó, trong thời đại này, thời đại của chúng ta, thời đại tự phụ về sức mạnh nguyên tử, thực là vô lý khi nghĩ rằng chiến tranh vẫn còn là một phương tiện thích hợp để đối phó với việc xâm phạm quyền lợi" (Trở lại đầu trang)

93* Ngoài hai nguyên tắc cổ điển là "chiến đấu tự vệ" và "sự cân xứng giữa thiệt hại đã phải chịu và thiệt hại có thể gây nên", Công Ðồng nhấn mạnh nguyên tắc mới là nguyên tắc "không phân biệt mục tiêu". Nghĩa là đánh nhau bất chấp mục tiêu quân sự hay dân sự, xử dụng những võ khí quá mạnh mà không làm sao có thể điều khiển được, áp dụng phương pháp khủng bố, lúc ấy chiến tranh không còn có tính cách tự vệ nữa. Nguyên tắc này khiến ta phải xét lại lập trường cũ.

Không một chỗ nào chứng tỏ Công Ðồng theo chủ nghĩa hòa bình quá đáng, nhưng đàng khác Công Ðồng cũng không chấp nhận lập trường cứ yên tâm mà chiến đấu. Công Ðồng lưu ý chúng ta tới sự vô lý của cuộc thi đua võ trang đòi hỏi món tiền bao la đang khi biết bao người nghèo khó thiếu thốn (81c). Thật là vô lý khi các quốc gia tiến triển cũng như kém mở mang, dành cho ngân sách quốc phòng nhiều tiền hơn ngân sách giáo dục, phát triển, v.v... Công Ðồng khích lệ người có trách nhiệm áp dụng mọi phương pháp để loại trừ chiến tranh (82), rồi trong toàn phần hai lại đề nghị nhiều phương cách cụ thể để xây dựng hòa bình (83-90). (Trở lại đầu trang)

3 Xem Piô XII, Huấn từ 30-9-1954: AAS 46 (1954), trg 589; - Sứ điệp truyền thanh 24-12-1954: AAS 47 (1955), trg 15tt. - Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 286-291. - Phaolô VI, Huấn từ ở Liên Hiệp Quốc, 4-10-1965: AAS 57 (1965), trg 877-885). (Trở lại đầu trang)

4 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris, chỗ nói về tài giảm binh bị: AAS 55 (1963), trg 287. (Trở lại đầu trang)

94* Xây dựng hòa bình là công việc của mọi người chúng ta, nhất là của tín hữu, bởi vì dư luận càng ngày càng có ảnh hưởng trên các nhà cầm quyền. Theo lời chỉ dẫn của Công Ðồng, Ðức Phaolô VI nhiều lần đã nhấn mạnh rằng ta phải đổi mới tâm trạng bằng cách tiêu hủy tính ích kỷ, sự bạo động, sự xâm phạm quyền lợi của người khác (8-12-1967), và bằng cách từ bỏ sự xung đột tư tưởng cũng như xu hướng bản năng kiêu căng và vô nhân đạo (1-1-1968). Trái lại, phải tìm kiếm tinh thần mới: đề cao nhiệm vụ và lòng tôn trọng tha nhân, tình huynh đệ, công bằng, thương yêu, tự do về khía cạnh dân sự, văn hóa, luân lý và tôn giáo (8-12-1967). Ðức Phaolô trông mong ở giới trẻ không biết bi quan (1-1-1968). Tất cả những ai đã phải khổ sở cũng như đã bị tử thương vì chiến tranh, đều kêu gào và đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần mới đó. Và nhất là Chúa Kitô đã nhập thể và đã tuyên bố rằng mọi người đều là anh em với nhau, đã giảng dạy giá trị thánh thiện của mạng sống và của việc tha thứ cho nhau; Người đòi hỏi phải có tâm trạng đổi mới ấy (1-1-1968)... Trong Thông Ðiệp Pacem in terris, Ðức Gioan XXIII đã nhấn mạnh nền tảng hòa bình cốt tại trật tự tự nhiên do chân thật, công bằng, thương yêu và tự do tạo nên. Bốn nhân đức ấy sẽ giúp đỡ không những cá nhân với cá nhân mà còn cá nhân với cộng đoàn chính trị, cũng như các quốc gia với nhau và với cộng đoàn quốc tế. (Trở lại đầu trang)

5 Xem 2Cor 6,2. (Trở lại đầu trang)

95* Trong phần hai này, Công Ðồng nhấn mạnh nhiều nhất đến sự cộng tác với nhau trong lãnh vực kinh tế. "Sự phát triển là danh hiệu mới của hòa bình" (Phaolô VI, Populorum Progressio, số 87). Không phải vì khi có đầy đủ mọi sự vật chất đã là hết tất cả các nguyên nhân (sự bất công, ích kỷ, tham lam, kiêu căng...) có thể gây nên chiến tranh, nhưng vì trường hợp thiếu bình đẳng giữa các dân tộc là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất gây nên sự bất công cũng như tinh thần đố kỵ (PP., số 55). (Trở lại đầu trang)

96* Nếu dân số gia tăng quá mau, những nỗ lực để phát triển mức độ kinh tế có thể bị ngăn chặn rất nhiều (PP., số 37). Công Ðồng nhắc lại một số phương pháp có thể giúp giải quyết vấn đề đó: a) Nhờ sự cộng tác của các dân tộc, nhất là dân tộc tiền tiến, để tìm cách sinh nhai và nâng cao mức độ học thức, b) canh tân phương pháp trong lãnh vực nông nghiệp, c) đổi mới trật tự xã hội, d) phân chia lại ruộng đất cách công bình hơn, e) nhờ pháp luật gia đình và xã hội, f) nhờ chính sách di dân, g) nhờ sự truyền tin về tình hình quốc gia, h) nhờ công việc nghiên cứu kinh tế xã hội tại các viện đại học...

Dĩ nhiên các phương pháp đó lúc đầu đòi hỏi món tiền rất lớn. Bởi vậy các chính phủ có thể có khuynh hướng bắt buộc công dân áp dụng phương pháp tận gốc: làm chậm sự gia tăng dân số bằng những phương pháp vi phạm đến nhân phẩm: "Mỗi mỹ kim chúng ta cung cấp để hạn chế sinh sản giúp chúng ta tiết kiệm được hơn, một trăm mỹ kim mà chúng ta sẽ phải chi phí để phát triển nền kinh tế lạc hậu". Câu nói này của Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson, cũng như chương trình hạn chế sinh sản tại một số quốc gia như Ấn Ðộ, Ðài Loan, v.v... khiến ta ý thức về sự hợp thời của lời cảnh cáo do Công Ðồng tuyên bố. Riêng về nạn đói, là vấn đề đã làm cho giới trách nhiệm phải lo lắng rất nhiều mấy năm trước đây, báo Time (3-10-1969, 22) viết: "...kỹ thuật nông thôn đã chứng tỏ rằng sự sản xuất thực phẩm có thể lớn hơn sự gia tăng dân số". Thực sự, nhiều lúc vấn đề không phải là vấn đề sản xuất nhưng là vấn đề chuyên chở, phân phối, giá thị trường, và vấn đề tổ chức cũng như cộng tác giữa các quốc gia. (Trở lại đầu trang)

97* Ngày 7-7-1966, Ðức Phaolô VI đã chỉ định một ủy ban lâm thời với nhiệm vụ dự thảo đường lối thực hiện ý muốn của Công Ðồng. Rồi ngày 6-1-1967, Ðức Giáo Hoàng đã thiết lập ủy ban nghiên cứu "Công Lý và Hòa Bình" tại Vaticanô. Ủy ban chuyên tâm khảo cứu những vấn đề thiết thực mới thành hình liên can đến thế giới.

Ðược ủy ban khuyến khích, Hội Ðồng các Giám Mục Việt Nam họp tại Sàigòn vào đầu năm 1969 đã chỉ thị thành lập phong trào Công Lý Hòa Bình tại Việt Nam nhằm đem Giáo Hội vào thế giới ngày nay và góp phần vào cuộc đại cách mạng thế giới. Ðây không phải là cuộc cách mạng chính trị, nhưng là một cuộc cách mạng nhân bản và tôn giáo: làm sao để không còn phân biệt lối sống đạo trong nhà thờ và sinh hoạt trần thế ngoài nhà thờ nữa. Trong cuộc cách mạng này phải có ý thức tôn giáo, ý thức công dân, ý thức cải tiến. (Trở lại đầu trang)

98* Tất cả những điều Công Ðồng đề nghị ở trên nhằm giúp mọi người góp phần để kiện toàn thế giới trong tinh thần huynh đệ (số 91a). Dĩ nhiên cần phải áp dụng những nguyên tắc đó cho thích hợp với trường hợp của từng địa phương (b).

Giáo Hội là dấu chứng cho sự hiệp nhất (số 92a), trước hết mình phải tự hiệp nhất (b), rồi tìm cách cộng tác với các anh em ly khai, cá nhân cũng như cộng đoàn (c), và đối thoại cởi mở với tất cả những ai có lòng tin nơi Ðấng Tối Cao (d). Hơn nữa, về phần Giáo Hội, Giáo Hội không loại trừ người vô thần và ngay cả những ai chống đối Giáo Hội (e).

Tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta hoạt động để xây dựng thế giới (số 93a) và làm vinh danh Thiên Chúa (b). (Trở lại đầu trang)

6 Xem Gioan XXIII, Tđ. Ad Petri Cathedram, 29-6-1959: AAS 55 (1959), trg 513. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Mt 7,21. (Trở lại đầu trang)

99* Sau khi chúng ta đọc Hiến Chế Mục Vụ rồi, Công Ðồng khuyên mỗi người chúng ta như Chúa Giêsu xưa bảo luật sĩ: "Hãy về bắt chước làm như vậy" (Lc 10,37). Hiến Chế đã nhắc lại rất nhiều bổn phận, đã cho biết rất nhiều nhiệm vụ khẩn cấp, đã khuyên bảo về rất nhiều điều thiếu sót của cá nhân hay cộng đoàn trong Giáo Hội. Nhưng điều căn bản để sống đạo cũng như để mưu ích cho thế giới là điều răn mới của Chúa Giêsu, bao gồm tất cả những điều răn khác (Rm 13,8; Gal 5,14). Sau khi luật sĩ trả lời rằng: "Luật Chúa dạy ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, lại thương yêu người thân cận như chính mình vậy". Chính Chúa Giêsu đã phán: "cứ làm như thế sẽ được sống" (Lc 10,26-28). Nhờ Chúa Thánh Thần ban cho ta sự yêu thương đó (Rm 5,5), nghĩa là tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô (Rm 8,35.39), mỗi Kitô hữu sẽ hoạt động để xây dựng thế giới mới và phục vụ mọi người khác. Dưới sự hướng dẫn của Hàng Giáo Phẩm, chúng ta sẽ tìm cách áp dụng nguyên tắc chung trong Hiến Chế vào hoàn cảnh thực tế của từng địa phương mình sống. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page