Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Chương IV

Ðời Sống Cộng Ðoàn Chính Trị 85*

 

73. Ðời sống cộng đoàn ngày nay. Thời đại chúng ta đã được đánh dấu bằng những biến đổi sâu rộng ngay trong cơ cấu và các tổ chức của các dân tộc. Những biến đổi này chính là kết quả của tiến bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cộng đoàn chính trị, nhất là trong những vấn đề liên quan tới quyền lợi và bổn phận của mọi người trong việc hành xử quyền tự do công dân và theo đuổi công ích, cũng như trong vấn đề điều hòa những mối tương quan giữa các công dân với nhau cũng như với chính quyền.

Nhờ ý thức mãnh liệt hơn về phẩm giá con người, ngày nay tại nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng thiết lập một thể chế chính trị pháp lý để bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi của cá nhân trong đời sống công cộng, chẳng hạn quyền được tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng cách riêng tư hoặc công khai: vì việc đảm bảo những quyền lợi của con người là điều kiện thiết yếu để người công dân, với tư cách cá nhân hay đoàn thể, có thể tham gia cách tích cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia.

Song song với tiến bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội, nhiều người còn khao khát mãnh liệt muốn đảm nhận một phần lớn trách nhiệm trong việc tổ chức cộng đoàn chính trị. Nhiều người đã ý thức được mối quan tâm mỗi ngày một lớn là phải bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong một quốc gia, nhưng không vì thế mà làm cho các thành phần thiểu số ấy xao lãng bổn phận của họ đối với cộng đoàn chính trị. Hơn nữa, càng ngày người ta càng tôn trọng những người có tư tưởng hay tôn giáo khác với mình. Ðồng thời một sự cộng tác rộng rãi hơn cũng được thiết lập để mọi công dân có thể thực sự được hưởng những quyền lợi của con người chứ không riêng gì một số người được ưu đãi.

Trái lại, người ta lên án bất cứ thể chế chính trị nào, như hiện có ở một vài nước, nếu nó ngăn chặn tự do công dân hoặc tôn giáo, nếu nó làm gia tăng con số nạn nhân của tham lam và của tội ác chính trị, nếu nó làm cho việc cai trị đi lệch đường, thay vì mưu cầu công ích lại phục vụ cho một tập đoàn hay chính những người cầm quyền.

Ðể xây dựng một đời sống chính trị thực sự nhân đạo, 86* không gì tốt hơn là gây nơi thâm tâm mỗi người ý thức về công bằng, lòng nhân ái, và tinh thần phục vụ công ích. Cũng không gì tốt đẹp hơn là củng cố nơi mọi người những xác tín căn bản về bản chất thích thực của cộng đoàn chính trị cũng như về mục đích, về việc thi hành đúng và về những giới hạn của công quyền.

74. Bản chất và mục đích của cộng đoàn chính trị. Cá nhân, gia đình và tập thể, tức là mọi thành phần của cộng đoàn công dân, đều ý thức rằng tự sức mình không một thành phần nào có thể xây dựng được một đời sống thực sự nhân bản, và đều nhận thấy cần phải có một cộng đoàn rộng lớn hơn, trong đó tất cả mọi người hằng ngày hợp lực để mưu cầu công ích mỗi lúc một tốt đẹp hơn 1. Do đó họ thành lập nên cộng đoàn chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì thế cộng đoàn chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích. Chính công ích là lý do tồn tại, ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội; nhờ những điều kiện này, cá nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn 2.

Tuy nhiên, trong một cộng đoàn chính trị gồm nhiều người thuộc đủ mọi thành phần, do đó họ có thể có nhiều quan điểm khác nhau một cách chính đáng. Vì mỗi cá nhân đều bênh vực quan điểm riêng của mình, nên để tránh cho cộng đoàn chính trị khỏi tan rã, thì cần phải có một quyền bính để hướng dẫn nỗ lực của mọi công dân nhằm tới công ích. Không phải hướng dẫn cách máy móc hay độc đoán, nhưng tiên vàn như một sức mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm.

Ðã hẳn cộng đoàn chính trị và công quyền xây nền tảng trên bản tính con người, cho nên cũng nằm trong trật tự do Chúa an bài, nhưng việc định đoạt một thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân 3.

Cũng thế, việc hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đoàn hoặc trong các cơ quan đại diện cho quốc gia luôn luôn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem lại kết quả và mưu cầu công ích - công ích ở đây phải hiểu cách năng động - tùy theo trật tự pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Trong trường hợp đó mọi công dân buộc phải theo lương tâm mà tuân phục 4. 87* Và do đó, những người lãnh đạo đương nhiên có trách nhiệm, có thế giá và có uy quyền.

Tuy nhiên, khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích. Nhưng họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, tuy nhiên phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc Âm.

Những phương thức cụ thể mà mỗi cộng đoàn chính trị áp dụng để tổ chức cơ cấu và phân phối quyền hành có thể khác nhau tùy đặc tính và bước tiến lịch sử của mỗi dân tộc. Dầu sao những phương thức này phải luôn luôn nhằm đào tạo cho con người có văn hóa, yêu chuộng hòa bình và có lòng yêu thương đối với mọi người để giúp ích cho toàn thể gia đình nhân loại.

75. Sự cộng tác của mọi người trong đời sống cộng đoàn. Thiết lập những cơ cấu chính trị pháp lý là điều phù hợp với bản tính con người, vì nhờ đó tất cả mọi công dân, không phân biệt ai, có thể mỗi ngày một có cơ hội tham gia cách tự do và tích cực vào việc thiết lập nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị, tham gia vào việc điều hành quốc gia và xác định mục tiêu và phạm vi của những cơ quan khác nhau cũng như tham gia vào việc lựa chọn người cầm quyền 5. Vậy mọi công dân cần phải nhớ tới quyền lợi và đồng thời là bổn phận của họ trong việc tự do xử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu công ích. Giáo Hội ca ngợi và quí trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này.

Ðể việc cộng tác của các công dân có ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ đem lại kết quả tốt đẹp trong đời sống chính trị thường ngày, cần phải có một nền pháp lý thiết định. Nền pháp lý này giúp phân phối hợp lý các nhiệm vụ và các cơ quan công quyền và đồng thời giúp bảo vệ một cách hữu hiệu quyền lợi công dân mà không lệ thuộc vào ai. Quyền lợi của cá nhân, gia đình và đoàn thể cũng như việc xử dụng những quyền đó phải được công nhận, tôn trọng và cổ võ 6. Nhưng đồng thời cũng phải chú trọng tới bổn phận công dân của họ. Nói đến bổn phận công dân, cần phải nhắc tới nghĩa vụ phải đóng góp cho quốc gia những dịch vụ về tài lực cũng như nhân lực mà công ích đòi hỏi. Chính quyền không nên ngăn cản những hiệp hội có tính cách gia đình, xã hội hay văn hóa, những đoàn thể hay tổ chức trung gian. Cũng không nên cấm chế những hoạt động hữu hiệu và chính đáng của các tổ chức ấy, nhưng tốt hơn nên sẵn sàng cổ võ và phải có đường lối trong việc cổ võ 88*. Về phía người công dân, cá nhân hay đoàn thể không nên trao cho chính quyền một quyền hành quá lớn, cũng đừng đòi hỏi ở chính quyền những giúp đỡ cũng như những đặc ân quá đáng không phải lúc, vì như thế là làm giảm trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cả các đoàn thể xã hội.

Ngày nay hoàn cảnh mỗi ngày một phức tạp, buộc chính quyền nhiều lúc phải can thiệp vào các vấn đề xã hội, kinh tế và cả lãnh vục văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân cũng như các đoàn thể được tự do phát triển toàn diện con người cách hữu hiệu hơn. Dĩ nhiên tùy địa phương và tùy theo sự tiến hóa của mỗi dân tộc, mối tương quan giữa việc xã hội hóa 7 và sự tự trị cùng sự phát triển của con người có thể hiểu theo nhiều cách. Nhưng nếu vì công ích mà phải tạm thời hạn chế việc xử dụng các quyền công dân, thì khi hoàn cảnh đã thay đổi, cần phải tái lập tự do càng sớm càng hay. Song nếu chính quyền đi vào những hình thức chuyên chế hoặc độc tài phạm đến quyền lợi cá nhân hay các đoàn thể thì thật là vô nhân đạo.

Công dân phải nung nấu tinh thần ái quốc với lòng đại lượng và trung kiên chứ không hẹp hòi, nghĩa là làm sao để đồng thời vẫn quan tâm đến ích lợi của toàn thể gia đình nhân loại, một gia đình được liên kết lại bằng nhiều ràng buộc giữa các nòi giống, chủng tộc và quốc gia.

Tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về sứ mệnh đặc biệt của mình trong cộng đoàn chính trị. Họ phải nêu gương sáng bằng cách phát biểu ý thức trách nhiệm nơi chính mình và tận tâm phục vụ công ích. Nhờ thế, qua hành động, họ cũng chứng minh cho thấy rằng làm sao dung hòa được quyền bính với tự do, sáng kiến cá nhân với sự liên đới và những đòi hỏi của toàn thể xã hội, dung hòa được sự hiệp nhất sinh ích với những dị biệt phong phú. Trong việc tổ chức trần thế, họ phải nhìn nhận những quan điểm chính đáng dầu đối chọi nhau. Họ phải tôn trọng các công dân khác hay các đoàn thể khi những người này bênh vực quan điểm của mình cách thẳng thắn. Những đảng phái chính trị có bổn phận cổ võ những gì họ xét thấy cần cho công ích, chứ không bao giờ được đặt quyền lợi riêng trên công ích.

Muốn cho mọi công dân xứng đáng nắm giữ vai trò của họ trong đời sống của cộng đoàn chính trị, cần phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục cả về công dân và về chính trị. Việc giáo dục này ngày nay rất cần thiết cho mọi người nhất là cho giới trẻ. Những ai có khả năng hoặc có thể có khả năng làm chính trị, một nghệ thuật khó khăn nhưng đồng thời rất cao cả 8, cần phải được chuẩn bị trước và họ phải hăng hái hoạt động và không màng tới tư lợi hay lợi lộc vật chất. Họ phải đem đời sống thanh liêm và sự khôn ngoan chống lại bất công và áp bức, chống độc tài và ngoan cố của một cá nhân hay một đảng phái chính trị. Họ phải đem lòng chân thành và chính trực, hơn nữa tình thương và lòng dũng cảm phải có trong hoạt động chính trị để tận tâm phục vụ ích lợi của mọi người.

76. Cộng đoàn chính trị và Giáo Hội. Ðiều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa cộng đoàn chính trị và Giáo Hội, nhất là trong một xã hội gồm nhiều thành phần. Cũng cần phải phân biệt minh bạch giữa những hành động của các tín hữu hoặc cá nhân hoặc đoàn thể với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo Hội và hợp nhất với các vị chủ chăn của họ.

Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo Hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đoàn chính trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn. Bởi vì con người không phải chỉ thu hẹp trong nhãn giới trần gian. Nhưng tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu. Ðược thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo Hội có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo Hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân.

Và được sai đi để loan báo Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế cho mọi người, các Tông Ðồ và các Ðấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các ngài đều dựa vào quyền lực của Thiên Chúa để làm việc tông đồ; còn Thiên Chúa thường tỏ rõ sức mạnh của Phúc Âm trong chính sự yếu hèn của các chứng nhân. Vậy bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải dùng đến đường lối cũng như phương thế riêng của Phúc Âm. Những đường lối và phương thế này khác biệt ở nhiều điểm với đường lối và phương thế của trần gian.

Thực thế, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau. Và chính Giáo Hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo Hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền 89*. Hơn thế nữa, Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình, hoặc trước những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người. Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo Hội xử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo Hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại 9. Làm như thế tức là Giáo Hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa 10.

 


Chú Thích:

85* 1) Ðời sống chính trị hiện nay: đang thay đổi (số 73a). Sự ý thức về nhân phẩm khiến con người đi tìm một chế độ chính trị biết bảo đảm nhân quyền (b), bảo đảm việc tham gia của nhiều người vào chính trị và sự tôn trọng dân tộc thiểu số cũng như những kẻ phát biểu ý kiến khác với mình (c). Do đó con người lên án chế độ xâm phạm quyền tự do và chỉ tìm kiếm ích lợi riêng (d). Muốn thành công phải đổi mới tâm trạng (e).

2) Cộng đoàn chính trị: Nguyên khởi và mục đích là công ích (số 74a). Cần thiết phải có chính quyền (b). Cộng đoàn chính trị và chính quyền đều bởi Thiên Chúa Tạo Hóa mà có. Còn chế độ chính trị thì trái lại phải chọn lựa cách tự do (c). Khi chính quyền tìm kiếm công ích hợp với luân lý, thì lương tâm buộc phải vâng theo luật pháp (d). Chế độ chính trị, dưới bất cứ hình thức nào, tùy theo đặc tính của từng dân tộc, bao giờ cũng phải phục vụ con người và nhân loại (e).

3) Sự cộng tác vào đời sống chính trị: thích hợp với bản tính con người: hai phương tiện cụ thể là quyền bỏ phiếu và hoạt động chính trị (số 75a). Xã hội phải có trật tự pháp lý: công ích. Công dân không nên nhượng quyền quá đáng cho chính quyền, đàng khác cũng không nên đợi chờ chính quyền làm quá nhiều (b). Qui tắc về việc chính quyền can thiệp và chế tài quyền lợi (c). Lòng yêu quê hương (d). Vai trò của tín hữu trong cộng đoàn chính trị (e). Giáo dục chính trị (f).

4) Cộng đoàn chính trị và Giáo Hội: Phân biệt hoạt động riêng của tín hữu và của Giáo Hội (số 76a). Giáo Hội không chủ trương một chế độ chính trị nào (b), nhưng cả hai có lãnh vực và thẩm quyền riêng và nên cộng tác với nhau (c). Giáo Hội không nhờ quyền thế phàm trần (d), và dù phải xử dụng của cải trong khi thi hành sứ mệnh riêng nhưng không tìm kiếm đặc ân; chỉ đòi hỏi tự do để rao giảng đức tin và bảo vệ nhân quyền cũng như sứ mệnh của mình (e), do đó góp phần cho hòa bình và vinh danh Thiên Chúa (f). (Trở lại đầu trang)

86* Muốn canh tân xã hội qua phạm vi chính trị, con người phải bắt đầu từ nội tâm: ở đây và trong số 75d-f, Công Ðồng phác họa một chương trình căn bản về giáo dục công dân:

1) Những đức tính chính yếu: công bằng, lòng tử tế đối với đồng bào, ý muốn phục vụ công ích, lòng yêu quê hương, sự ý thức về ơn gọi của tín hữu trong cộng đoàn. Tín hữu phải làm gương hoạt động vì lương tâm, vâng lời với tinh thần tự do, có sáng kiến trong khi phải tôn trọng đồng bào, biết cộng tác với người khác cả với những ai không đồng ý với mình.

2) Phải hiểu rõ đặc tính cộng đoàn chính trị; mục đích của chính quyền cũng như cách thức hành động trong những giới hạn phải có.

3) Về hoạt động trong cộng đoàn, phải biết chấp nhận sự kiện có người không đồng ý với mình nghĩa là tôn trọng công dân và đảng phái có đường lối khác. Giáo dân có thể hoạt động trong những đảng phái chính trị nào mưu ích chung. Và khi có đủ khả năng để dấn thân vào cuộc đấu tranh chính trị, phải chuẩn bị trước (cần phải học biết lịch sử, kinh tế, xã hội học, pháp lý, v.v...), phải từ bỏ tư lợi (kẻo dễ bị mua chuộc). Phải trong sạch và khôn ngoan chống lại moị bất công và áp bức cũng như sự thống trị chuyên chế và ngoan cố, bất cứ là của một cá nhân hay của một đảng phái. Chính trị gia phải phát triển nhân đức thành thật, thanh liêm, thương yêu và can đảm để phục vụ mọi người. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: A AS 53 (1961), trg 417. (Trở lại đầu trang)

2 Xem n.t., n.v.t. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Rm 13, 1-5. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Rm 13, 5. (Trở lại đầu trang)

87* Phải chăng người công giáo còn chưa ý thức đầy đủ về điều này? Vâng, tuân theo lề luật quốc gia không phải vì sợ chính quyền, cũng không phải vì nhìn nhận rằng muốn hưởng thụ tự do thì phải tôn trọng tự do kẻ khác. Nhưng vâng theo luật vì lương tâm: vì biết rằng chính quyền là do Thiên Chúa muốn có và vì nhiệm vụ phải phục vụ công ích. Dĩ nhiên các luật đó phải là luật công bằng và phục vụ cho công ích; dĩ nhiên có trường hợp các luật lệ không bó buộc một người nào đó vì những nguyên nhân "thác miễn" hay vì "thể ý pháp"; dĩ nhiên có nhà thần học chủ trương rằng một số luật chỉ có tính cách hình luật thuần túy (một lập trường mà các nhà thần học càng ngày càng từ bỏ...), nhưng nếu chúng ta chỉ biết đề cao trường hợp luật trừ thay vì nhấn mạnh tính cách bó buộc của luật pháp, e rằng chúng ta sẽ góp phần quá nhỏ vào việc canh tân xã hội. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Piô XII, Sứ điệp truyền thanh 24-12-1942: AAS 35 (1943), trg 9-24; - 24-12-1944: AAS 37 (1945), trg 11-17. - Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 263, 271, 277-278. (Trở lại đầu trang)

6 Xem Piô XII, Sứ điệp truyền thanh, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 200. - Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: n.v.t., trg 273-274. (Trở lại đầu trang)

88* Ðức Piô XI (Quadragesimo anno, x. Dz 3738/2265-2266) tuyên bố nguyên tắc bổ trợ dạy rằng, những cộng đoàn cấp trên không được giữ riêng cho mình tất cả những việc mà các cộng đoàn cấp dưới có thể thực hiện được. Nguyên tắc có giá trị cho quốc gia và các cộng đoàn trong quốc gia (trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo Công Ðồng nhắc lại rằng phải áp dụng nguyên tắc trong phạm vi giáo dục, số 3b), cho các quốc gia và xã hội quốc tế Pacem in terris, AAS 55 (1963), trg 294; và số 86c sau này), cũng như cho các hội đoàn giáo dân và Giáo Hội (Piô XII, diễn văn cho hội đồng các Ðức Hồng Y ngày 20-2-1946: AAS 38 (1946), trg 145). Sở dĩ ta phải công nhận nguyên tắc trên là vì phẩm giá con người, cũng như vì bản thể của xã hội là nhằm phục vụ công ích, chứ không phải chỉ vì lý do thực tế để tránh xa những lạm dụng của các cộng đoàn trên.

Phải lưu ý: nguyên tắc không chỉ cấm các cộng đoàn cấp trên, nhất là quốc gia, làm thay công việc của các cộng đoàn cấp dưới một cách vô lý, mà còn nêu ra phương diện tích cực: trước hết là quốc gia phải cung cấp cho công ích mọi điều các cộng đoàn cấp dưới không đủ khả năng để làm (Populorum progressio, 33; 37; - Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 414), hơn nữa, quốc gia phải làm sao để giúp sức và phương tiện cho các cộng đoàn cấp dưới (Mater et Magistra, n.v.t., trg 438-439).

Câu tiếp theo của Công Ðồng nhắc lại cho chúng ta rằng sở dĩ quốc gia nhiều khi không tôn trọng nguyên tắc bổ trợ là vì thái độ thiếu trách nhiệm của công dân. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 415-418. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Piô XI, Huấn từ cho các vị lãnh đạo Hiệp Hội Ðại Học Công Giáo: Discorsi di Pio XI: x.b. Bertetto, Torino, q.I (1960), trg 743. (Trở lại đầu trang)

89* Lịch sử gần đây của nước nhà có thể nhắc lại cho chúng ta rằng thái độ ngược lại, nghĩa là trông nhờ vào đặc ân của chính quyền, rất nguy hại cho chính sứ mệnh của Giáo Hội. Hơn thế nữa, tìm kiếm đặc ân cho mình có thể vi phạm công bằng phân phối. Vả lại, dù có thể không phạm lỗi gì nhưng việc tìm kiếm đặc ân đó không thích hợp với sứ mệnh của Giáo Hội là phải phục vụ mọi người theo gương của Chúa Giêsu, Ðấng đã không đến để được hầu hạ (Mc 10,45). Thái độ siêu thoát và quảng đại như thế càng khó tìm thấy ở những xã hội thấm nhuần tinh thần kính trọng các tôn giáo và các vị đại diện tôn giáo. (Trở lại đầu trang)

9 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, số 13: AAS 57 (1965), trg 17. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Lc 2, 14. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page