Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương III

Hoạt Ðộng Của Nhân Loại Trong Vũ Trụ 36*

 

33. Ðặt vấn đề. Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống của mình bằng việc làm và tài năng. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật con người đã và còn đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên, và đặc biệt nhờ sự gia tăng đủ loại phương tiện trao đổi giữa các quốc gia, gia đình nhân loại dần dần ý thức về mình và hợp thành gần như một cộng đoàn duy nhất trong vũ trụ. Do đó, ngày nay con người đã dùng sức cần lao tự cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần linh.

Trước nỗ lực lớn lao đang lan rộng tới tất cả nhân loại này, nhiều câu hỏi đang được con người nêu lên. Ðâu là ý nghĩa và giá trị của hoạt động cần lao ấy? Phải xử dụng tất cả các sự ấy ra sao? Ðâu là mục đích của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể? Dầu Giáo Hội là quản thủ kho tàng lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào Giáo Hội cũng có ngay câu trả lời cho mỗi một vấn đề. Tuy nhiên bao giờ Giáo Hội cũng ao ước nối kết ánh sáng mạc khải với sự khôn khéo của mọi người để soi dẫn con đường mà nhân loại vừa bước chân vào 37*.

34. Giá trị của hoạt động nhân loại. Ðối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện 1 và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu 2. 38*

Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử 3.

Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng của Thiên Chúa, không coi thụ tạo có lý trí như một địch thủ của Tạo Hóa, mà lại xác tín rằng các thắng lợi của nhân loại là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường của Ngài. Tuy nhiên, quyền lực con người càng gia tăng, trách nhiệm cá nhân hay tập thể lại càng nới rộng. Do đó, chúng ta thấy sứ điệp Kitô giáo không làm cho con người tránh né khỏi công cuộc xây dựng thế giới hoặc khiến họ không còn thiết tha đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại bổn phận thực hiện những điều ấy còn thúc bách họ hơn nữa 4.

35. Trật tự hoạt động con người. Hoạt động của con người phát xuất từ con người nên qui hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc con người không những biến đổi sự vật và xã hội mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình. Nếu được hiểu cho đúng thì sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của cải có thể thu tích được. Giá trị con người hệ tại ở "cái mình là" hơn hệ tại ở "cái mình có" 5. Cũng vậy, tất cả cái gì con người làm để đạt tới một mức độ công bình cao hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội, đều quí trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật, bởi vì, các tiến bộ ấy tuy có thể cung cấp chất liệu cho việc thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không thể thực hiện được công cuộc thăng tiến ấy.

Vậy nên, đây là tiêu chuẩn hoạt động của con người: mọi hoạt động của con người phải phù hợp với lợi ích đích thực của nhân loại theo như ý định và ý muốn của Thiên Chúa, lại phải giúp con người, cá nhân cũng như tập thể, trau dồi và thực hiện ơn gọi toàn diện của mình.

36. Sự độc lập đúng mức của các thực tại trần thế. Tuy nhiên, nhiều người đương thời dường như e ngại rằng sự liên kết khá chặt chẽ giữa hoạt động của con người và tôn giáo sẽ làm ngăn trở sự độc lập của con người, của xã hội hoặc của khoa học 39*.

Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, xử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hóa. Thực vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra 6. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của sự vật, mặc dù không ý thức, nhưng vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, vì Ngài là Ðấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài. Do đó đôi khi chúng ta có thể phàn nàn một số tâm trạng cả nơi các Kitô hữu, không hiểu rõ sự độc lập hợp lý của khoa học. Những tâm trạng này gây nên nhiều cuộc tranh luận và bất đồng khiến nhiều người nghĩ rằng đức tin và khoa học đối nghịch nhau 7. 40*

Nhưng, nếu "sự độc lập của thực tại trần thế" có nghĩa là: các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể xử dụng chúng mà không cần quy hướng về Ðấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan. Ngoài ra mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thiên Chúa và thấy Ngài hiển hiện qua tiếng nói của tạo vật. Lại nữa, quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối.

37. Tội lỗi làm hư hỏng hoạt động của nhân loại. Thánh Kinh cũng như kinh nghiệm nhiều thời đại dạy cho gia đình nhân loại biết rằng: tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người, nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại.

Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán 8. Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình 41* sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa.

Bởi vậy, Giáo Hội Chúa Kitô, tin tưởng vào ý định của Tạo Hóa, vẫn nhìn nhận rằng tiến bộ của nhân loại có thể phục vụ hạnh phúc chân chính của con người. Nhưng Giáo Hội không thể không lặp lại lời sau đây của Thánh Phaolô: "Ðừng theo thói thế trần này" (Rm 12,2) nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo khiến hoạt động con người vốn qui hướng về phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội.

Vậy, nếu có ai hỏi phải làm gì để vượt qua tình trạng khốn khổ ấy 42*, người Kitô hữu sẽ tuyên xưng rằng: mọi hoạt động của con người hàng ngày đang lâm nguy vì kiêu ngạo và lòng vị kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô. Bởi vì đã được Chúa Kitô cứu chuộc và được biến đổi thành tạo vật mới trong Chúa Thánh Thần, nên con người có thể và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được tạo vật do Chúa ban, nên con người coi chúng như xuất phát từ tay Chúa và kính trọng chúng. Ðang khi cảm tạ Thiên Chúa là Ðấng Ban Ơn vì các tạo vật ấy cũng như đang khi xử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do, con người thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết nhưng lại sở hữu tất cả 9. "Vì mọi sự đều thuộc về anh em còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1Cor 3,22-23).

38. Kiện toàn hoạt động nhân loại trong mầu nhiệm phục sinh. Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người và đến sống ở trên trái đất con người 10. Là con người hoàn hảo, Người đã đi vào lịch sử thế giới, đảm nhậm và thâu kết lịch sử ấy nơi Người 11. Chính Người mạc khải cho chúng ta "Thiên Chúa là tình thương" (1Gio 4,8) và dạy cho chúng ta biết rằng: luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó để cải biến thế giới, là điều răn mới về tình yêu. Vậy, đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người, và nỗ lực thiết lập tình huynh đệ đại đồng không bao giờ luống công. Người cũng nhắc nhở cho biết đức bác ái ấy không phải chỉ được thực hiện trong những việc vĩ đại, nhưng trước hết trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống. Chịu chết cho tất cả chúng ta là những người tội lỗi 12, Người lấy gương sáng dạy chúng ta vác thập giá mà xác thịt và thế gian đặt nặng trên vai những kẻ mưu tìm hòa bình và công lý. Ðức Kitô được tôn làm Chúa khi sống lại và được lãnh nhận toàn quyền thống trị trên trời dưới đất 13; từ nay Người hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người không những bằng cách khơi dậy những khát vọng đời sau, nhưng còn từ những khát vọng đó cổ võ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân đạo hơn và qui phục trái đất về cùng mục đích ấy. Quả thật ơn Chúa Thánh Thần tác động mỗi người một khác: có những người được gọi làm chứng nhân tỏ tường cho sự mong đợi quê trời bảo tồn chứng tá sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi thế trần, dùng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu cho nước trời. Người giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa 14.

Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy trông và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con người, được biến thành Mình và Máu vinh hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời.

39. Trời mới và đất mới 43*. Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại 15, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi 16, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị 17. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người 18. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát 19; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại 20 và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân 21.

Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì 22. Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn 23.

Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: "Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an" 24. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến.

 


Chú Thích:

36* Khi chưa để ý đến sinh hoạt của con người, ta chưa hiểu biết con người và phẩm giá của họ. Qua lịch sử, con người đã nỗ lực để chế ngự thiên nhiên và vũ trụ, hiện nay con người đã đạt tới một mức độ lớn lao trong công việc ấy. Trước sự kiện này, Công Ðồng nêu ra ba thắc mắc:

1) Sinh hoạt có giá trị nào? Và Công Ðồng trả lời: a) nó là phương tiện để phát triển và tiến tới việc thích hợp với ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Ðức tin không trái ngược với ý muốn tiến bộ đó (số 34); b) hơn thế nữa, sinh hoạt làm cho con người lớn lên về nhân cách, do đó chính con người trở nên tiêu chuẩn luân lý của sinh hoạt (số 35).

2) Sinh hoạt như thế nào? a) Làm theo những đòi hỏi riêng và chính thức của thực tại trần tục là không bao giờ đi ngược với đức tin (số 36); b) đồng thời, tội lỗi, lòng kiêu ngạo và ích kỷ có thể làm cho sinh hoạt ấy đổi ý nghĩa (số 37); c) nhưng ơn Chúa Cứu Thế thanh luyện nó. Chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, dạy con người sinh hoạt: nhờ đức ái con người có thể xây dựng và đổi mới thế giới (số 38).

3) Sinh hoạt với mục đích gì? Thế giới cuối cùng sẽ đổi mới, chứ không hoàn toàn hư mất. (số 39). (Trở lại đầu trang)

37* Ba câu hỏi trên của Công Ðồng có lẽ chưa đủ để biểu lộ các vấn đề bao gồm trong chương này. Hơn bao giờ hết, thần học hiện đại đang tìm hiểu thực tại trần thế. Trong chương này ta sẽ tìm thấy một số nguyên tắc căn bản để giải quyết nhiều vấn đề có thể đặt ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau:

1) Khía cạnh tín lý thần học: a) Ta phải có quan niệm gì về vũ trụ, về lịch sử, về sinh hoạt? b) Một thuyết thần học về thực tại trần thế phải dựa trên nền tảng nào? c) Có một nhân bản chủ nghĩa Kitô giáo không? d) Cần phải nhở thuyết "trần tục hóa" tân thời để có một học thuyết thần học về thực tại trần thế không?

2) Khía cạnh luân lý thần học: a) Giữa đòi hỏi của Nước Thiên Chúa và của thực tại trần thế, con người phải có thái độ nào? Phải sống thế mạt (chỉ hướng về đời sau) hay nhập thể? Hay là, đúng hơn: ta phải làm thế nào để điều hòa hai cực đoan ấy một cách thực tế? b) Các tín hữu có chỗ đứng ở giữa cộng đoàn nhân loại đang lo việc xây dựng thế giới không? Hay là các tín hữu phải quay lưng lại thế giới và tiến bước trên con đường khác biệt? c) Các tín hữu có chung một thứ ngôn ngữ với người ngoại giáo và người vô thần để mở cuộc đối thoại với họ được không?

3) Khía cạnh tu đức: Căn cứ vào thực tại trần thế ta có thể lập ra một thuyết nào về đời sống thiêng liêng không? Ðặc biệt về đời sống giáo dân?

4) Khía cạnh tranh luận: Ta phải trả lời như thế nào? a) trước những lời tố cáo cho rằng đức tin làm cho các tín hữu tách biệt với thực tại trần thế và với các vấn đề cụ thể của cuộc sống? b) Cũng như khi người ta đồng hóa tôn giáo với những việc dị đoan phải bị khoa học loại trừ? (Trở lại đầu trang)

1 Xem Stk 1,26-27; 9,2-3; Kn 9,2-3. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Tv 8,7 và 10. (Trở lại đầu trang)

38* Việc làm không phải là sự trừng phạt vì tội lỗi, chỉ tính cách khó nhọc của việc làm mới là kết quả của tội phạm. Do việc làm: 1) con người khắc phục thiên nhiên, 2) kiện toàn vạn vật, 3) thể hiện nhân cách: đào tạo quyền tự do, trí tuệ và ý chí cũng như sự khéo léo tinh thần và thể xác, 4) nên chính con người hoàn thiện hóa bản thân, 5) xây dựng xã hội, 6) cỗ võ sự hiệp nhất giữa nhân loại, 7) giúp kiến tạo hòa bình (vì việc làm đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người). Do đó việc làm mưu ích riêng cho con người cũng như ích chung cho xã hội và còn có thể nói là mưu ích cho cả vũ trụ nữa.

Ðức tin còn cho ta biết những khía cạnh mới: 8) là nhờ việc làm ta thực hiện ý muốn của Chúa Tạo Hóa, 9) và ta góp phần để làm sáng Danh Chúa, 10) khi làm việc, con người càng giống như hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, 11) và cộng tác với Ngài, 12) cũng như bắt chước Ðấng Cứu Thế (x. GH 41e). 13) Ðồng thời, nhờ ơn Chúa, chính việc làm của con người được một giá trị siêu nhiên, giống như công việc của Ðấng Cứu Chuộc, để đền tội, để cầu xin, để giúp tha nhân về cùng Chúa và thánh hóa bản thân cũng như người khác: như vậy việc làm trở nên một phương tiện để thực hiện đức thương yêu. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: A AS 55 (1963), trg 297. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Sứ điệp các Nghị Phụ gởi toàn thể nhân loại vào dịp khai mạc Công Ðồng Vaticanô II, tháng 10, 1962: AAS 54 (1962), trg 822-823. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Phaolô VI, Alloc. Ad Corpus diplomaticum, 7-1-1965; AAS 57 (1965), trg 232. (Trở lại đầu trang)

39* Ðây là thành kiến của những hình thức nhân bản chủ nghĩa (xem trên, số 7c). Ðàng khác, nó cũng có thể là kết quả do kinh nghiệm lịch sử không tốt đẹp gây nên (xem cuối đoạn b trong số này). (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. III: Dz 1785-1786 (3004-3005). (Trở lại đầu trang)

7 Xem Piô Paschini, Vita e opere di Galileo Galilei, 2 quyển, Pont. Accademia delle Scienze, Città del Vatic., 1964. (Trở lại đầu trang)

40* Các ngành nghệ thuật, văn chương, khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội học, v.v... đều có đối tượng riêng biệt, phương pháp riêng biệt, kỹ thuật riêng biệt. Xét đoán một tài liệu văn chương chẳng hạn, theo những tiêu chuẩn kinh tế mà thôi, hay là theo kỹ thuật của khoa học chính xác, dĩ nhiên là vô nghĩa! Cũng thế, xét các vấn đề tôn giáo với đầu óc mỹ thuật, văn chương, khoa học..., khi chưa được đào tạo theo nguyên tắc tôn giáo cũng không kém nguy hiểm. Bởi vậy, Công Ðồng nhấn mạnh rằng thật là hết sức khôi hài, nếu chúng ta dựa trên những nguyên tắc tôn giáo để quyết định phải áp dụng kỹ thuật nào cho các thực tại trần thế. Các nhà sinh vật học, toán học, kinh tế học, chính trị..., đều phải khám phá và áp dụng những nguyên tắc và kỹ thuật riêng biệt của từng ngành. Ðức tin sẽ không giúp họ giải quyết các vấn đề chuyên môn của họ.

Ðàng khác, chân lý không thể mâu thuẫn với chân lý. Bởi thế những kết luận đúng sự thật của khoa học không thể mâu thuẫn với đức tin được (về các thực tại trần thế khác cũng phải lý luận một cách tương tự). Thiên Chúa, Ðấng đã mạc khải các tín điều cũng là Ðấng đã tạo nên thực tại trần thế. Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính Ngài. Do đó, khi nào người ta đạt tới kết luận khoa học có vẻ trái ngược với đức tin thì phải xét lại: hoặc những kết luận đó chưa vững chắc (có thể chỉ là những giả thuyết nhất thời), hoặc cách hiểu biết tín điều còn ở trên bình diện thiếu sót, hoặc là cả hai.

Trong ghi chú, Công Ðồng nhắc lại vụ án Galileô để chấp nhận phần trách nhiệm của Giáo Hội khi vội vã quyết đoán rằng giữa kết luận khoa học (quả đất xoay chung quanh mặt trời) và lời Thánh Kinh ("mặt trời dừng lại", chẳng hạn) có mâu thuẫn. Hôm nay ai cũng hiểu câu nói như vậy không khác gì những câu nói thông thường của chúng ta: "mặt trời mọc lên, lặn xuống". Về phần trách nhiệm của chính ông Galileô khi ông vượt quá biên giới khoa học để cắt nghĩa lời Thánh Kinh, thì ở đây Công Ðồng không muốn nhắc đến làm gì. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Mt 24,13; 13,24-30 và 36-43. (Trở lại đầu trang)

41* Công Ðồng nói về cuộc chiến đấu giữa sự lành và sự dữ, trước hết diễn ra tại nội tâm của con người. Con người ước ao sự lành nhưng bị sự dữ lôi cuốn, nên con người bị chia rẽ, như Công Ðồng đã nhắc ở phần trước (số 10a). (Trở lại đầu trang)

42* Trong đoạn này Công Ðồng phác họa chương trình sinh hoạt về thực tại trần thế:

1) Ðể tránh mối nguy cơ do lòng kiêu ngạo và tánh ích kỷ gây nên, ta phải ý thức mà chấp nhận thập giá, "nghĩa là hàng ngàn hình thức thất bại" và ngăn trở có thể xảy đến mặc dù ta đầy thiện chí và hết sức cố gắng. Thập giá đưa chúng ta đến sự phục sinh, sự thắng trận cuối cùng trên phạm vi cao hơn.

2) Ta phải yêu mến tạo vật với một lòng mến mới mẻ là kết quả của công cuộc chuộc tội. Mến tạo vật vì tạo vật là những quà tặng của Thiên Chúa.

3) Ta phải xử dụng và thụ hưởng tạo vật: nó là những phương tiện giúp ta đến cùng Thiên Chúa, đồng thời làm tròn sứ mệnh thống trị cũng như phát triển vũ trụ noí chung và bản thân nói riêng. Ta phải xử dụng và hưởng thụ tạo vật với tinh thần biết ơn, tinh thần khó nghèo (nghĩa là tinh thần siêu thoát) tạo nên sự tự do thiêng liêng, không để tạo vật buộc ta làm nô lệ nó, bất chấp những khía cạnh quyến rũ của tạo vật.

4) Thực tại trần thế có giá trị mới sau khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể; đức bác ái là điều răn mới của Chúa Kitô phải điều khiển các sinh hoạt thuộc về thực tại trần thế dưới ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (số 38a).

5) Trong thực tế, thái độ của tín hữu đối với thực tại trần thế sẽ khác nhau tùy theo ơn Chúa Thánh Thần đó: tuy rằng không hề khinh dể tạo vật nhưng một số người thoát tục và do đó làm chứng cho đời sau, trong khi người khác dấn thân để nhờ tạo vật phục vụ đồng loại (số 38a). (Trở lại đầu trang)

9 Xem 2Cor 6,10. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Gio 1,3 và 14. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Eph 1,10. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Gio 3, 14-16; Rm 5,8-10. (Trở lại đầu trang)

13 Xem CvTđ 2,36; Mt 28,18. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Rm 15,16. (Trở lại đầu trang)

43* Trong số này Công Ðồng giải quyết thắc mắc sau đây: nếu thế giới, sau khi được xây dựng với biết bao nỗ lực, việc làm, vất vả, sẽ phải bị tiêu tan trong ngày tận thế, thì sinh hoạt về thực tại trần thế có phải thành vô nghĩa không? Công Ðồng dạy: a) Theo như Thánh Kinh cho biết, thế giới sẽ đổi mới, chứ không tan nát. b) Tuy chưa biết rõ như thế nào, nhưng việc làm của ta sẽ đem lại kết quả đời đời. Ðặc biệt những công việc bác ái, cũng như chính đức ái, sẽ tồn tại vĩnh viễn. c) Tuy rằng ta không thể đồng hóa sự tiến bộ trần thế của nhân loại với sự mở rộng nước Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta phục vụ nhân loại và làm cho phẩm giá con người hay tình anh em và sự tự do, v.v... phát triển, tức là chúng ta đóng góp vào nước Thiên Chúa những điều sẽ tồn tại mãi mãi sau khi thế giới này được tẩy luyện và biến hình. (Trở lại đầu trang)

15 Xem CvTđ 1,7. (Trở lại đầu trang)

16 Xem 1Cor 7,31; T. Ireneô, Adv. Haereses, V, 36, 1: PG 7,1222. (Trở lại đầu trang)

17 Xem 2Cor 5,2; 2P 3,13. (Trở lại đầu trang)

18 Xem 1Cor 2,9; Kh 21,4-5. (Trở lại đầu trang)

19 Xem 1Cor 15,42 và 53. (Trở lại đầu trang)

20 Xem 1Cor 13,8; 3,14. (Trở lại đầu trang)

21 Xem Rm 8,19-21. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Lc 9,25. (Trở lại đầu trang)

23 Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 207. (Trở lại đầu trang)

24 Missale Romanum, Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page