Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý

Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Dân Thiên Chúa 9*

 

2. Giao Ước mới và Dân Tộc mới. Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x. CvTđ 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Chúa Kitô, và là chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn hơn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. Thiên Chúa phán: "Này đây sẽ tới ngày Ta ký giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa... Ta sẽ ban luật Ta trong lòng chúng, và khắc ghi luật ấy vào trái tim chúng, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ trở thành dân Ta... Tất cả mọi người từ nhỏ chí lớn đều sẽ nhận biết Ta. Ðó là Lời Chúa phán" (Gier 31,31-34). Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới ấy, đó là giao ước mới trong máu Người (x. 1Cor 11,25), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa. Thực vậy, những ai tin kính Chúa Kitô đều được tái sinh không phải bởi mầm mống hay hư nát, nhưng do mầm mống bất diệt nhờ lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1P 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Gio 3,5-6), và cuối cùng trở thành một "dòng giống được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc đã được Thiên Chúa thu phục, trước kia không phải là một dân, mà nay là dân của Thiên Chúa" (1P 2,9-10).

Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Chúa Kitô, "Ðấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và phục sinh cho ta nên công chính" (Rm 4,25), và bây giờ Người được một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Ðịa vị dân này là được vinh dự và tự do làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: phải thương yêu nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Gio 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày tận thế, ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, hiện đến (x. Col 3,4), ngày mà "chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21). Vì thế, dân tộc thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người xử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).

Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,1; Ds 20,4; Dnl 23,1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dth 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. CvTđ 20,28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người 1. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt. 10*

10. Chức tư tế cộng đồng. 11* Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (x. Dth 5,1-5), để biến dân tộc mới thành một "vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người" (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (x. 1P 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. CvTđ 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát. (x. 1P 3,15).

Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình 2. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ 3, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực. 12*

11. Hành sử chức tư tế cộng đồng trong các bí tích. 13* Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức. Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội 4. Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô 5. Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ 6. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.

Những ai đến nhận lãnh bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ. Bằng phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh để Người an ủi và cứu rỗi họ (x. Giac 5,14-16); hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết (x. Rm 8,17; Col 1,24; 2Tm 2,11-12; 1P 4,13) để mưu ích cho Dân Thiên Chúa. Còn những người trong các tín hữu có hân hạnh lãnh nhận chức Thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa 7. Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.

Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. 14*

12. Cảm thức của đức tin và đoàn sủng trong Dân Thiên Chúa. Dân Thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh Danh Người (x. Dth 13,15). Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Gio 2,20 và 27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi "từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết" 8 đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa. Thực vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn và giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải lời nói của loài người nữa, mà thực sự là lời của Thiên Chúa (x. 1Th 2,13; họ gắn bó hoàn toàn "với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh" (Gđa 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.

Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu "phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài" (1Cor 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: "Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích" (1Cor 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự xử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21). 15*

13. Tính cách phổ quát nơi Dân duy nhất của Thiên Chúa. 16* Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Tộc mới của Thiên Chúa. Vì thế, Dân mới này, một dân duy nhất và hằng hiệp nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của Thánh Ý Thiên Chúa, Ðấng từ nguyên thủy đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và quyết định sau này tập họp tất cả con cái Ngài tản mát đó đây thành một dân tộc độc nhất (x. Gio 11,52). Chính vì mục đích ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Ðấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế vũ trụ (x. Dth 1,2), hầu trở nên Thầy, Vua và Tư Tế cho mọi người, và nên Thủ Lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa. Sau cùng, cũng vì mục đích đó mà Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Ngài, là Chúa và là Ðấng ban sự sống. Ðối với toàn Giáo Hội, với tất cả cũng như với mỗi tín hữu, Thánh Thần là nguyên lý qui tụ và hiệp nhất, trong giáo lý của các Tông Ðồ, trong sự hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện (x. CvTđ 2,42, bản Hy lạp).

Như thế, Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Trời. Quả thực, mọi tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông trong Thánh Thần với tất cả các tín hữu khác, và vì thế "kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Ðộ là chi thể mình" 9. Nhưng vì Nước Chúa Kitô không thuộc về thế gian này (x. Gio 18,36), nên Giáo Hội, tức Dân Thiên Chúa, hợp thành Nước ấy, không loại bỏ bất cứ một phần di sản trần thế nào của các dân tộc; trái lại, Giáo Hội chăm sóc và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi gia sản, nơi nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và làm chúng nên cao thượng. Thực vậy, Giáo Hội nhớ rằng mình phải kết hợp với Vua ấy là Ðấng đã lãnh nhận các dân nước làm gia nghiệp mình (x. Tv 2,8), và các dân nước mang đến Thành Ðô Người của lễ và tặng vật (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Ðặc tính phổ quát này, tư trang của Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội Công Giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu qui tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ Lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần 10.

Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn Giáo Hội, do đó toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất. Vì thế, Dân Thiên Chúa tạo thành không những do các dân nước qui tụ lại nhưng còn do các chức vụ khác nhau trong nội bộ nữa. Thực vậy, giữa các phần tử trong dân, có nhiều sự khác biệt: hoặc do chức vụ, như những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu lợi ích cho anh em mình, hoặc do hoàn cảnh và nếp sống, như những người sống trong bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khắc khổ hơn và nêu gương khích lệ anh em. Cũng vì thế, ngay trong sự hiệp thông của Giáo Hội cũng có sự hiện diện hợp pháp của những Giáo Hội địa phương, thừa hưởng những truyền thống riêng, mà vẫn không phương hại đến quyền tối thượng của Tòa Thánh Phêrô, Tòa Thánh này, thủ lãnh toàn thể cộng đoàn đức ái 11, bảo vệ các dị biệt hợp pháp không phương hại, trái lại còn sinh ích cho sự hiệp nhất đó. Cũng vì thế các thành phần khác nhau của Giáo Hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về thợ truyền giáo và về sự trợ giúp vật chất. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ của cải mình và lời nói sau đây của vị Tông Ðồ cũng có giá trị cho mọi Giáo Hội: "Mỗi người hãy tùy theo ơn đã nhận được mà giúp đỡ lẫn nhau, như những quản lý tài ba phân phối mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10).

Vì thế mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo này của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy tiên báo và cổ võ nền hòa bình phổ quát. Họ thuộc về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó dưới nhiều thể cách khác nhau, được sắp xếp hoặc họ là tín hữu công giáo hay là những người tin Chúa Kitô, hoặc sau cùng tất cả mọi người không trừ ai đều được ơn Thiên Chúa kêu mời lãnh nhận phần rỗi. 17*

14. Tín hữu công giáo. 18* Vậy trước tiên, Thánh Công Ðồng hướng lòng về các tín hữu công giáo. Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Thánh Công Ðồng dạy rằng: Giáo Hội lữ hành này cần thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là đường cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (x. Mc 16,16; Gio 3,5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.

Ðược kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những ai lãnh nhận Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Giáo Hội; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Giáo Hội và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Giáo Hoàng và các Giám Mục. Dù được tháp nhập vào Giáo Hội, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức ái thì vẫn không được cứu rỗi, vì tuy "thể xác" họ thuộc về Giáo Hội, nhưng "tâm hồn" họ không ở trong Giáo Hội 12. Nhưng các con cái của Giáo Hội phải nhớ rằng, địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn 13.

Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, nếu minh nhiên xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hợp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình. 19*

15. Giáo hội và Kitô hữu không công giáo. Với những kẻ đã lãnh phép Thánh Tẩy, mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hội vẫn biết mình có liên hệ với họ vì nhiều lý do 14. Thực vậy, có nhiều người cung kính lấy Thánh Kinh làm mẫu mực cho lòng tin và đời sống, giữ đạo cách nhiệt thành, thành thực, hết lòng tin kính Chúa Cha toàn năng, và Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa 15. Ðược bí tích Thánh Tẩy ghi ấn, họ kết hợp với Chúa Kitô, họ còn công nhận và lãnh một số bí tích khác trong Giáo Hội, hoặc trong các cộng đồng Giáo Hội của họ. Nhiều người trong họ còn có chức giám mục, họ vẫn cử hành bí tích Thánh Thể và tôn kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa 16. Họ cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện và các việc lành thiêng liêng khác; hơn nữa, họ thực sự kết hợp trong Chúa Thánh Thần, Ðấng cũng dùng ân huệ và thánh sủng tác động trong họ nhờ thần lực thánh hóa của Ngài, và đã củng cố một số người trong họ đi đến chỗ đổ máu tử đạo. Vì thế, Thánh Thần thúc giục hết thảy các môn đệ Chúa Kitô ước muốn và hành động để tất cả được an bình hiệp nhất trong một đàn chiên dưới quyền một Chủ Chăn duy nhất 17, theo cách thức Chúa Kitô đã vạch ra. Ðể được vậy, Giáo Hội, Mẹ hiền không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, cũng như khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội. 20*

16. Giáo hội và những người không thuộc Kitô giáo. Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa 18. Trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quí, bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. CvTđ 17,25-28), và vì là Ðấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4). Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi 19. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm 20, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: "Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật" (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo. 21*

17. Tính cách truyền giáo của Giáo Hội. Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Ðồ như vậy (x. Gio 20,21) khi Người phán: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà Chúa Kitô long trọng truyền rao giảng chân lý cứu rỗi, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Ðồ để chu toàn khắp cõi đất (x. CvTđ 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông Ðồ như lời của mình: "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16), và vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Phúc Âm cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc Âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thánh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn. Thực ra, những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin 21. Tuy bất cứ ai cũng có thể ban phép Thánh Tẩy cho những kẻ tin, nhưng chỉ có linh mục mới hoàn tất, xây dựng Nhiệm Thể bằng hy lễ tạ ơn, làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: "Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ được lừng lẫy khắp muôn dân; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính Danh Ta" (Mal 1,11) 22. Như thế Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ biến thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Chúa Cha Ðấng Tạo Thành vũ trụ. 22*

 


Chú Thích:

9* Chương nhất của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội bàn về mầu nhiệm Giáo Hội đặc biệt trong chiều hướng ngoài thời gian. Chương hai trình bày hình ảnh mầu nhiệm Giáo Hội cụ thể của Chúa Giêsu Kitô trong chiều hướng lịch sử: sự xuất hiện, bản tính là Dân Thiên Chúa đang trong cuộc hành trình, sự bành trướng của Giáo Hội trong không gian và thời gian. Lịch sử tính phổ quát của mầu nhiệm Giáo Hội - như số 8 đã khai mào - có thể diễn tả một cách tổng hợp như sau: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành qua lịch sử thánh, bắt đầu từ lúc Israel được Chúa gọi đi tới Giáo Hội với những chiều hướng phổ quát của cuộc hoàn tất trong sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Công Ðồng đã lưu tâm xây dựng khoa Giáo Hội học dựa trên lịch sử cứu rỗi, như thế là trở về với dự kiến nền tảng của khoa Giáo Hội học thời Giáo Hội sơ khai mà khoa thần học thời Trung Cổ (ít quan tâm đến lịch sử), thời chống phái Cải Cách (nhấn mạnh đặc biệt tới khía cạnh phẩm trật), thuộc thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX (khám phá ra đặc tính huyền thiêng của Giáo Hội và khai triển ý niệm tĩnh về Nhiệm Thể) đã bỏ qua. Dự kiện nền tảng ấy như sau: chỉ mình Giáo Hội Chúa Kitô là sự hoàn tất hợp pháp của dân tộc mang lời hứa Cựu Ước; công đoàn con người là Giáo Hội (với những nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm khác nhau) mặc hình thức một dân tộc được triệu tập và liên kết bởi một Tân Ước tiếp nối cho Cựu Ước. Triệu tập là tiếp tục lời mời đối với Israel trước đây, nhưng không còn dành riêng cho một chủng tộc nào nữa: từ nay trong Tân Ước, lời mời gọi của Thiên Chúa qua Máu Chúa Kitô sẽ đến với mọi người. Như thế Giáo Hội được coi như Dân Thiên Chúa đang tiến tới viên mãn dưới Thần Khí Chúa Kitô. Dự kiện ấy là nền tảng cho tất cả những khai triển của Hiến Chế. Ðể có thể cân nhắc chính xác vai trò của các hạng người trong Giáo Hội (phổ quát tính của Dân Chúa), cần phải định vị các nhóm này (giáo phẩm, giáo dân, tu sĩ) trong toàn thể Dân Chúa: "Dân Chúa nơi đây phải hiểu là cả mục tử lẫn con chiên... Phải nhìn Dân Chúa trong toàn diện; có vậy mới thấy rõ trách vụ của mục tử là cung ứng cho con chiên những phương thế cứu rỗi, và ơn gọi của con chiên là phải cộng tác với mục tử để truyền bá Phúc Âm và mở mang Giáo Hội" (Rel. Gen.). Trước khi đề cập chi tiết đến những hạng người khác nhau, cần phải mô tả cộng đoàn và cho biết yếu tố chung của mỗi người, tức là: phải thuộc về Dân Thiên Chúa như là nơi tập hợp các tín hữu.

Ý niệm về Dân Thiên Chúa giữ một vị trí then chốt trong toàn thể Hiến Chế và nói lên hai điểm:

a) Sự liên tục lịch sử của kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa thực hiện trong mầu nhiệm Giáo Hội, như là dân mới của Tân Ước với đặc tính đón nhận mọi người;

b) Cộng đoàn sống trong đức tin của tất cả những nhóm và những hạng người tạo thành Dân Thiên Chúa.

Chương này có kết cấu đơn giản. Sau phần nhập đề về Dân Thiên Chúa cách tổng quát (số 9), phần nhất mô tả địa vị chung và đồng nhất cho mọi Kitô hữu được Chúa chọn để tham dự vào Dân Ngài: Dân Thiên Chúa là dân tư tế (các số 10-12). Phần hai bàn về ơn gọi phổ quát - công giáo tính - của Dân Chúa, ý định được cụ thể hóa trong lịch sử Dân Ngài. Công Ðồng cố gắng bày tỏ sao cho những hạng người khác nhau nói lên mối tương quan với Dân Thiên Chúa, là sự phô diễn lịch sử của mầu nhiệm cứu độ phổ quát (các số 13-16). Phần kết luận của chương này nói về Chúa Thánh Thần là Ðấng xướng xuất ra phổ quát tính ấy mà những sứ mệnh của Ngài là biểu tượng sống động. (Trở lại đầu trang)

1 Xem T. Cyprianô, Epist. 69, 6 : PL 3, 1142 B ; Hartel 3 B, trg 754: "bí tích hiệp nhất bất khả phân ly". (Trở lại đầu trang)

10* Số 9: Giao ước mới và dân tộc mới.

Thần học về Dân Thiên Chúa được trình bày qua ba giai đoạn:

a) Ý định hữu hiệu của Thiên Chúa muốn cứu vớt nhân loại qua việc Chúa làm cho nhân loại trở thành một dân tộc mà Israel cũ là hình bóng chuẩn bị trước. Dân tộc mới của Chúa kế nghiệp dân tộc cũ và cũng dành cho mình những tước hiệu của dân tộc cũ (số 9a).

b) Những chiều hướng của dân tộc mới: có thủ lãnh là Chúa Kitô, có qui chế là chức vị và sự tự do của các con cái Chúa, có luật pháp là giới răn mới, có không gian là phổ quát tính, có cùng đích là Nước Trời. Nó vượt quá biên cương một quốc gia để tiến tới mọi quốc gia (số 9b).

c) Dân tộc mới này là Giáo Hội Chúa Kitô. Vì chính trong dân ấy mà ý định cứu rỗi đạt được mục đích là qui tụ các con cái tản mát của Thiên Chúa về hiệp nhất. Nhờ các con cái ấy mà Dân Thiên Chúa tạo thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của một ơn cứu rỗi. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa luôn tiến tới viên mãn là Nước Trời. Bén rễ trong lịch sử, thiết lập trên trái đất và giữa trần gian, Giáo Hội đang trên đường đi về Giêrusalem thiên quốc (số 9c; x. số 5 và chương VIII). (Trở lại đầu trang)

11* Các số 11-12: Dân tư tế.

Dân tộc này là một dân "tư tế". Công Ðồng giải thích vắn tắt bản tính của chức tư tế (số 10) và việc thi hành chức vụ ấy (các số 11-12). (Trở lại đầu trang)

2 Xem Piô XII, Huấn từ Magnificate Dominum, 2-11-1954 : AAS 46 (1954), trg 669. Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947 : AAS 39 (1947), trg 555. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Piô XI, Tđ. Miserentissimus Redemptor, 8-5-1928 : AAS 20 (1928), trg 171t. Piô XII, Huấn từ "Vous nous avez", 22-9-1956 : AAS 48 (1956), trg 714. (Trở lại đầu trang)

12* Số 10: Bản tính của chức tư tế cộng đồng.

Công Ðồng đi theo đường lối truyền thống khi quả quyết là người đã chịu phép Thánh Tẩy đều được thánh hiến để lãnh nhận chức tư tế thánh. Quả thực, Dân Thiên Chúa tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô vì là dân tộc được thừa hưởng những đặc ân của dân tư tế mà Thiên Chúa đã tuyển chọn và dành riêng cho Ngài trên núi Sinai. Chúa Kitô đã được thánh hiến để trở thành vị Tư Tế (tức là vị Trung Gian của Tân Ước), nhờ Ngôi Hiệp. Chức vụ tư tế ấy được Dân Thiên Chúa tham dự, trở thành chung cho mọi tín hữu nhờ phép Thánh Tẩy. Công Ðồng gọi là "chức tư tế cộng đồng". Chúa Kitô biến dân này thành một cộng đoàn được thánh hiến. Người theo đuổi sứ mệnh của Người trong mỗi tín hữu, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa. Ai chịu phép Thánh Tẩy để vào Giáo Hội, thì cũng đều nhận được sự thánh hiến tư tế này, nghĩa là, Chúa Kitô cho người đó tham dự vào chức tư tế, và sứ mệnh tiên tri và vào chức vụ vương giả của Người (sô 10a).

Nhưng phải phân biệt chức tư tế cộng đồng này với chức tư tế thừa tác được trao phó cho một số người đã chịu phép Thánh Tẩy. Chức tư tế thừa tác bao gồm quyền hành trên Dân Thiên Chúa. Cả hai chức tư tế đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, và có liên quan với nhau: chức tư tế cộng đồng hoàn tất nhờ chức tư tế thừa tác và chức tư tế thừa tác dựa trên chức tư tế cộng đồng (số 10b). (Trở lại đầu trang)

13* Các số 11-12: Việc thi hành chức tư tế cộng đồng.

Việc thi hành bao gồm hai nhiệm vụ riêng cho Dân Chúa: tham dự vào các bí tích và chứng tá cho đức tin. (Trở lại đầu trang)

4 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q.63, a.2. (Trở lại đầu trang)

5 Xem T. Cyrillô Hieros., Catech. 17, về Chúa Thánh Thần, II, 35-37 : PG 33, 1009-1012. Nic. Cabasilas, De vita in Christo, C. III, về lợi ích của dầu thánh: PG 150, 569-580. T. Tôma, Summa Theol. III, q. 95, a.3 và q. 72, a.1 và 5. (Trở lại đầu trang)

6 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947 : AAS 39 (1947), nhất là trg 552 t. (Trở lại đầu trang)

7 1Cor 7,7: "Mỗi người Chúa ban cho ơn riêng (idion charisma), người được ơn này, người được ơn kia". Xem T. Augustinô, De Dono Persev. 14, 37 : PL 45, 1015t: "Không những tiết dục, nhưng cả khiết tịnh của đôi bạn cũng là ơn Chúa ban". (Trở lại đầu trang)

14* Số 11: Tham dự vào các bí tích.

Chức tư tế cộng đồng biểu thị tính chât một cộng đoàn có tổ chức hệ thống nên phải được thi hành bằng những phương tiện có hệ thống và hữu hình. Bí tích chiếm hàng đầu, nhưng cũng đừng bỏ qua những nhân đức Kitô giáo do các bí tích truyền thông và thăng tiến nhờ chính những hoạt động của chúng. Ðoạn này nhắc cho chúng ta ý niệm thần học cổ điển đã nói trong Thông điệp "Mediator Dei": việc tham dự vào các bí tích (không phải chỉ tiếp nhận thụ động, nhưng phải tiếp nhận trong sự thấu suốt bằng đức tin) là sự thi hành chức tư tế ấy. Thực ra, Công Ðồng nhấn mạnh tới hiệu quả mà bí tích mang lại cho đời sống Kitô hữu hơn là tới chính việc tham dự vào quyền tư tế của Chúa Kitô. Thần học sẽ còn phải đào sâu về quyền tư tế, một thứ quyền chủ động, trên bình diện toàn thể Dân Chúa. (Trở lại đầu trang)

8 Xem T. Augustinô, De Praed. Sanct. 14,27 : PL 44, 980. (Trở lại đầu trang)

15* Số 12: chứng tá cho đức tin.

Hiến chế coi việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo liên quan tới chức vụ tư tế cộng đồng và đặc tính vô ngộ của đức tin nơi toàn thể Dân Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần linh ứng. Ðức tin này không chỉ là việc tuân theo các lời giáo huấn của Giáo Hội, các công thức Giáo Hội đề ra, nhưng còn diễn tả một "ý thức" sâu thẳm do Chúa Thánh Thần ghi tạc trong Dân Chúa, ý thức ấy giúp phân biệt chân lý, vững tâm chấp nhận chân lý mà không sợ sai lầm. Những chân lý ấy được Công Ðồng quảng diễn theo ba cách:

a) Trước hết mối dây liên lạc giữa chức tư tế cộng đồng với sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô, sứ mệnh mà Dân Chúa tham dự và cũng nhờ đó mới có thể minh chứng đức tin.

b) Ý thức đức tin có ảnh hưởng trong cộng đoàn nhờ việc Chúa Thánh Thần xức dầu, và như vậy chính tín hữu, được soi sáng trong tâm hồn, sẽ phân biệt giáo lý chân chính với tà thuyết.

c) Trong ý thức đức tin, người ta có thể nhận ra một đoàn sủng được trao ban cho toàn thể cộng đoàn, và biểu lộ bằng những ân sủng đặc biệt do Chúa Thánh Thần tự do ban phát vì lợi ích cộng đoàn. Các đoàn sủng bày tỏ quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Dân Chúa. Tuy nhiên, các thủ lãnh của Giáo Hội phải cho biết giá trị chính thực của những ân sủng đặc biệt này. (Trở lại đầu trang)

16* Các số 13-16: Công giáo tính của một Dân Thiên Chúa.

Từ số 13, Công Ðồng bắt đầu một khai triển mới, nhấn mạnh tới điều cốt yếu của hiệp nhất công giáo, nghĩa là tới sự hiệp nhất của Giáo Hội đang lan rộng khắp cả thế giới. Ðể quả quyết cho đặc điểm công giáo tính này, Công Ðồng chú trọng đến ý định cứu rỗi của Thiên Chúa (1Tm 2,3). Có hai hiệu quả là, một đàng Giáo Hội tự mình phải lan rộng đến mọi dân tộc; đàng khác, mọi người có thiện chí, dù sống trong tình trạng nào đi nữa, thì cũng hoặc thuộc về Giáo Hội, hoặc có tương quan với Giáo Hội, hoặc hướng về Giáo Hội. Chủ đề được khai triển trong hai phần: phần nhất bàn về các nguyên tắc (số 13), và phần hai trình bày những áp dụng cụ thể. (Trở lại đầu trang)

9 Xem T. Gioan Kim Khẩu, In Jo., bài giảng 65, 1 : PG 59, 361. (Trở lại đầu trang)

10 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 16, 6; 22, 1-3 : PG 7, 925C - 926A và 955C - 958A; Harvey 2, 87t. và 120-123; Sagnard, x.b. Sources Chrét. Trg 290-292 và 372tt. (Trở lại đầu trang)

11 Xem T. Inhaxiô Tử Ðạo, Ad Rom., Lời mở đầu : x.b. Funk, I, trg 252. (Trở lại đầu trang)

17* Số 13: Công giáo tính cứ luật của Giáo Hội.

Số 13 đã được sửa đổi hầu hết trong lần tu chính sau cùng. Theo thuyết trình viên thì "chủ đích của bản văn này là trình bày những nguyên tắc của hiệp nhất tính và phổ quát tính của Dân Chúa, trước khi mô tả những phương thức khác nhau làm cho con người liên kết với Dân Chúa (các số 14-16). Bởi vậy, đoạn này chính là gạch nối giữa hai phần của chương hai: phần đầu nói lên những đặc tính tổng quát của Dân Chúa, phần sau bàn về các thành phần, hoặc hiện là thành phần, hoặc là thành phần trong tiềm năng" (Rel. Gen.).

Những chủ đề được quảng diễn như sau:

a) Ðoạn đầu (13a) chỉ nhấn mạnh tới sự hiệp nhất nối kết Giáo Hội mọi lúc và mọi nơi. Thiên Chúa đã muốn qui tụ toàn thể nhân loại trong Con của Ngài nhờ hoạt động hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, và còn muốn nối kết nhân loại trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất thấy được trong việc bẻ bánh và trong kinh nguyện.

b) Ðoạn hai (13b) khai triển ý tưởng Dân Chúa hiện diện trong mọi quốc gia trên mặt đất mà không đồng hóa với một quốc gia nào. Dân Chúa phổ quát theo sự lan rộng về địa lý nhưng lại vượt quá biên cương mọi quốc gia do đặc tính siêu việt và do sự kiện bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính thế mà mọi dân mọi nước khác biệt lại trở thành anh em và sự hiệp nhất của Dân Chúa có tính cách "công giáo" thực sự. Chủ đề thu-về-một-mối được áp dụng triệt để.

c) Nhờ đặc tính công giáo ấy, tất cả các phần tử Dân Chúa đặt mọi của cải và ân huệ riêng biệt của mình làm của chung. Cơ cấu nội tại của sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội thật phức tạp. Bởi vậy mới có sự dị biệt hiệp nhất trong mọi tầng lớp của Dân Chúa và mọi phần tử phải hợp tác vào sự hiệp nhất dị biệt. Ngay trên bình diện Giáo Hội, cũng cần phải có các giáo hội địa phương khác biệt nhau nhưng bổ túc cho nhau, mà không phương hại tới sự hiệp nhất. Hủy bỏ mọi khác biệt sẽ tạo nên tình trạng nhàm chán nghèo nàn, và là lý do gây nguy hại cho chính việc hiệp nhất. Nhưng muốn cho sự dị biệt sinh hiệu quả phong phú, cần phải có yếu tố thông hảo trong đức ái. Trong chiều hướng ấy, Giáo Hội Rôma là năng lực cai trị và là sự thống nhất các nguyên tắc nhờ trung thành với đức ái (13c).

Trong câu kết luận (13d) sửa soạn cho phần khai triển kế tiếp, Công Ðồng tái xác nhận việc mọi người được mời gọi tới ơn cứu rỗi trong Dân Chúa, nhưng mức độ tham dự và qui hướng tới Dân Chúa lại rất khác nhau, tùy như người đó đã chịu phép Thánh Tẩy hay mới chỉ là những người được định hướng tới Giáo Hội mà chính họ không hay biết. Ðể nói lên sự khác nhau đó, Công Ðồng xử dụng hai động từ: pertineri và ordinari. Chỉ những ai chịu phép Thánh Tẩy đúng ra mới thuộc về Dân Chúa, còn những người khác hướng về Dân Chúa tùy như mức độ và thiện chí của họ. Cũng như sự lôi cuốn giữa Cha và Con mà Giáo Hội được tham dự, Giáo Hội cũng lôi kéo đến mình tất cả mọi người không trừ ai, bởi vì mọi người đều qui hướng về Giáo Hội do ý định cứu rỗi phổ quát. (Trở lại đầu trang)

18* Các số 14-16: Tình trạng con người tương quan với Giáo Hội.

Ðối với Giáo Hội, không ai ở ngoài cuộc cả. Trong cố gắng cụ thể hóa dựa vào những nguyên tắc đã đề ra, Công Ðồng cứu xét, giữa các hạng người khác nhau trong tình trạng cụ thể của họ, đâu là mối tương quan của họ với Giáo Hội, là Dân Chúa, là bí tích hữu hình và phổ quát của ơn cứu rỗi. Vậy nên Công Ðồng cứu xét sự liên lạc của những người công giáo với Giáo Hội (số 14), của các Kitô hữu ly khai (số 15), của các người ngoài Kitô giáo có thiện chí (số 16). (Trở lại đầu trang)

12 Xem T. Augustinô, Bapt. c. Donat. V, 28, 39 : PL 43, 197: "Hiển nhiên, khi nói trong và ngoài Giáo Hội, phải hiểu là trong tâm hồn chứ không phải trong thân xác". Xem n.v.t., III, 19, 26: cột 152; V, 18, 24; cột 189; In Jo., Tr. 61, 2 : PL 35, 1800, và nơi khác. (Trở lại đầu trang)

13 Lc 12,48: "Lại đã trao phó cho ai nhiều, kẻ ấy cũng bị đòi hỏi nhiều hơn". Xem Mt 5,19-20; 7,21-22; 25,41-46; Giac 2,14. (Trở lại đầu trang)

19* Số 14: Các tín hữu công giáo.

Công Ðồng bắt đầu từ các tín hữu. Bản văn gồm 3 phần:

a) Phần nhất xác quyết Giáo Hội cần cho phần rỗi, bằng những hạng từ tổng quát dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền. Có thuộc về Giáo Hội thì mới được cứu rỗi vì chỉ có một vị Trung Gian cho ơn cứu độ là Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội là Thân của Người. Hơn nữa, Chúa cũng đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép Thánh Tẩy để dẫn đưa chúng ta vào Giáo Hội. Nhưng, như Công Ðồng đã minh định, hai yếu tố đó cần thiết với điều kiện là phải biết Thiên Chúa đã nhờ Chúa Giêsu Kitô mà thiết lập Giáo Hội như phương tiện cần thiết. Nói bằng những hạn từ tổng quát thì sự cần thiết phải được giải thích như sau: người tự lỗi riêng mình mà ở ngoài Giáo Hội, phải chịu trách nhiệm về án phạt mình. Công Ðồng vẫn tôn trọng trường hợp vô tri bất khả thắng cứ thực hay cứ luật của biết bao nhiêu người trên thế giới (số 14a).

b) Phần hai giải thích sự gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội. Sự gia nhập này thực hiện qua những điều kiện bên ngoài như chịu phép Thánh Tẩy, tuyên xưng đức tin, thông hảo với giáo phẩm trong tinh thần tuân phục. Nhưng hơn thế nữa, còn đòi phải có Thánh Thần Chúa Kitô. Chỉ tham dự thuần bên ngoài mà thôi không đủ. Ngoài những yếu tố hữu hình, phải có dây liên lạc với Thánh Thần, tâm hồn phải thuộc về Chúa Kitô, nghĩa là sống trong đức ái và xa lánh tội lỗi. Một sự gia nhập trọn vẹn giả thiết có thể có những mối dây liên lạc bất toàn. Chúng ta sẽ xét đến những mối dây đó trong những đoạn sau (số 14b).

c) Phần ba bàn về các người dự tòng. Chắc hẳn không thể liệt kê họ vào số những người không công giáo, dù họ mới chỉ đang trên đường đi tới việc tháp nhập vào Giáo Hội. Họ đã minh nhiên thỉnh nguyện để được gia nhập, và do ý muốn minh nhiên ấy mà họ được liên kết với Giáo Hội. Chỉ ý muốn này thôi cũng đủ để thuộc về Giáo Hội và đạt tới ơn cứu rỗi khi hoàn cảnh không cho phép họ lãnh nhận phép Thánh Tẩy. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Leô XIII, Tông thư Praeclara gratulationis, 20-6-1894 : AAS 26 (1893-94), trg 707. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Leô XIII, Tđ. Satis Cognitum, 29-6-1896 : AAS 28 (1895-96), trg 738. Tđ. Caritatis studium, 25-7-1898 : AAS 31 (1898-99), trg 11. Piô XII, Diễn văn truyền thanh Nell Alba, 24-12-1941 : AAS 34 (1942), trg 21. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Orientalium, 8-9-1928 : AAS 20 (1928), trg 287. Piô XII, Tđ. Orientalis Ecclesiae, 9-4-1944 : AAS 36 (1944), trg 137. (Trở lại đầu trang)

17 Xem Giáo huấn của Bộ thánh vụ, 20-12-1949 : AAS 42 (1950), trg 142. (Trở lại đầu trang)

20* Số 15: Những mối dây liên lạc của Giáo Hội đối với các Kitô hữu không công giáo.

Ðoạn này coi là căn bản và tóm lược điều mà Sắc lệnh về Hiệp Nhất sẽ trình bày: nền tảng thần học của việc Hiệp Nhất. Công Ðồng vẫn công nhận các anh em ly khai là Kitô hữu, dầu họ không tuyên xưng một đức tin trọn vẹn hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Sau đó, Công Ðồng liệt kê những mối dây liên lạc khác nhau nối kết Giáo Hội với anh em ly khai: dây hữu hình như Thánh Kinh, đức tin vào Thiên Chúa Cha và Chúa Kitô, phép Thánh Tẩy và một số bí tích khác; dây vô hình như sự kết hợp thiêng liêng qua kinh nguyện, qua sự trao đổi những việc lành siêu nhiên; sự kết hiệp chính thực nhưng bất toàn: đó là hai khía cạnh của một sự kết hiệp mà ngày nay trở thành rộng rãi hơn. (Trở lại đầu trang)

18 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q. 8, a. 3 ad 1. (Trở lại đầu trang)

19 Xem Thư của Bộ thánh vụ gửi cho Tổng giám mục Boston: Dz 3869 - 72. (Trở lại đầu trang)

20 Xem T. Eusebiô Caes., Praeparatio Evangelica, 1, 1: PG 21, 28 AB. (Trở lại đầu trang)

21* Số 16: Tình trạng của các người ngoài Kitô giáo đối với Giáo Hội.

Số này muốn phác họa một khoa thần học về những tôn giáo ngoài Kitô giáo mà Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo này sẽ lặp lại và đào sâu hơn. Công Ðồng xác quyết ba đề xướng thần học:

a) Tất cả những người ngoài Kitô giáo đều được qui hướng về Dân Chúa, do hiệu quả của ý muốn cứu rỗi phổ quát. Công Ðồng xếp họ thành những lớp khác nhau tùy theo đặc tính qui hướng về Giáo Hội hữu hình. Một vài tôn giáo như Do Thái Giáo và Hồi Giáo, còn bảo trì Cựu Ước và đức tin của Abraham, thì qui hướng nhiều hơn. Ðối với các tôn giáo khác, nỗ lực tìm về "một Thượng Ðế chưa được biết đến" mà ai cũng có thể có được, phần nào chứng tỏ Thiên Chúa muốn lôi kéo họ đến với Ngài là Thiên Chúa Chân Thật.

b) Sự qui hướng ấy được thực hiện nhờ ân sủng. Ân sủng hỗ trợ hữu hiệu khiến mọi người thiện chí sống một đời ngay thẳng, và trong các việc làm biết nỗ lực chu toàn ý muốn của Thiên Chúa mà họ nhận ra qua tiếng lương tâm.

c) Tuy nhiên, nhiều trở ngại (về suy lý, tâm lý, thực tiễn) khiến cho việc tìm về Thiên Chúa trở thành hết sức khó khăn, có thể làm cho họ phải thất vọng.

Tựu trung, đối với những người ngoài Kitô giáo có thiện chí, Thiên Chúa sẽ đưa họ tới Giáo Hội bằng ân sủng của Ngài. Ngoài ra, "tôn giáo" họ theo cũng nâng đỡ họ và ngoại cảnh xã hội (chuẩn bị cho Phúc Âm) còn giúp họ sống ngay chính theo lương tâm. Và như vậy họ được qui hướng tới Giáo Hội.

Những trở ngại mà các người ngoài Kitô giáo gặp phải trên đường tìm về Thiên Chúa giúp ta nhận rõ tầm quan trọng của việc truyền giáo trong đời sống Giáo Hội. Ở số cuối cùng trong chương hai này, Công Ðồng lặp lại tính cách phổ quát của Dân Chúa dưới khía cạnh đặc biệt là nỗ lực truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

21 Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440, nhất là trg 451tt. Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae: AAS 18 (1926), trg 68-69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 236-237. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Didachè, 14: x.b. Funk I, trg 32. T. Giustinô, Dial. 41: PG: 6, 564, T. Ireneô, Adv. Haer. IV, 17,5: PG 7, 1023; Harvey, 2, trg 199t. CÐ Trentô, khóa 22, ch. 1: Dz 939 (1742). (Trở lại đầu trang)

22* Số 17: Ðặc tính truyền giáo của Giáo Hội.

Một số người công kích vì dựa vào những sự mập mờ của những công cuộc truyền giáo và vì chủ trương giản dị rằng người lương chỉ cần có thiện chí và với ơn Chúa giúp cũng có thể được cứu rỗi; để chống lại, Công Ðồng đã quả quyết việc truyền giáo cần thiết trong viễn tượng phổ quát riêng biệt của chương hai này. Quả quyết bằng cách định nghĩa rõ ràng mục đích việc truyền giáo và những nguyên tắc của việc tông đồ. Sau đây là những chủ đề:

a) Việc truyền giáo đặt nền tảng trong sứ mệnh của Ba Ngôi. Như Cha đã sai Con mình, Ðấng Cứu Thế cũng sai các Tông Ðồ đi rao giảng, thánh hóa và chăn dắt; Giáo Hội có nhiệm vụ phải lưu truyền sứ mệnh ấy. Ðó là lý do khiến Giáo Hội tồn tại. Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo do huấn lệnh truyền giáo (Mt 28,19-20).

b) Ðối tượng riêng của việc truyền giáo khi thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận, không những là rao giảng Chúa Kitô, nhưng còn phải thiết lập các Giáo Hội bản xứ, và chính những Giáo Hội này cũng mang tính cách truyền giáo nơi người đồng hương của mình. Hoạt động truyền giáo là chuẩn bị cho con người đón nhận đức tin và phép Thánh Tẩy, giũ bỏ lầm lạc để gia nhập Giáo Hội. Làm thế là thừa nhận và thanh tẩy cho thành tựu tất cả những mầm mống thiện hảo trong tâm hồn mọi người và mọi dân tộc (chuẩn bị cho Phúc Âm).

c) Môn đệ nào của Chúa Kitô cũng có nhiệm vụ này. Nhưng chính những Linh Mục có một nhiệm vụ không thể thay thế được. Tất cả Giáo Hội sẽ nhờ kinh nguyện và việc làm để cố gắng thực hiện lần lần sự sung mãn của Dân Chúa, vì vinh quang Chúa Cha trong Chúa Kitô.

Một khoa thần học truyền giáo chính đáng phải lưu ý tới ba khía cạnh mà Công Ðồng đã nêu ra đây: vấn đề là phải biết tổng hợp cả ba khía cạnh: khía cạnh nhân loại bản vị (ơn cứu độ của con người), khía cạnh Giáo Hội (việc thiết lập Giáo Hội) và tương quan của cả hai với một ý niệm tập trung về Chúa Kitô và Ba Ngôi.

Trong hai chương trên, Công Ðồng đã đặt nền móng vững chắc cho một khoa Giáo Hội học chính thực. Việc mô tả các cơ cấu của Giáo Hội trong các chương sau cũng sẽ dựa trên những nền tảng tín lý đó. Các chương sau này phải được quan niệm dưới ánh sáng mạc khải về mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Chúa thì mới có giá trị đích thực. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page