Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng

 

I. Một Vài Khái Niệm Về Các Công Ðồng

 

A. Ðịnh Nghĩa Công Ðồng:

Công Ðồng là gì? Ðó là câu hỏi mà thiết tưởng cần được trả lời trước hết.


Công Ðồng Vaticanô II, do Ðức Gioan XXIII triệu tập và kết thúc ở thời Ðức Phaolô VI.


Một cách tổng quát Công Ðồng là một hội nghị gồm các Giám Mục cùng một số chức vị trong Giáo Hội chính thức nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý hoặc qui luật của Giáo Hội.

Có những cấp bậc Công Ðồng khác nhau, được kể trong hai loại tổng quát: Công Ðồng phổ quát và Công Ðồng riêng. Công Ðồng phổ quát còn được gọi là Công Ðồng Chung. Theo pháp chế hiện hành của Giáo Hội, Công Ðồng Chung là một hội nghị toàn thể các Giám Mục của Giáo Hội, được triệu tập do và dưới thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Từ ngữ "chung" được dịch từ một tỉnh từ Hy Lạp mang ý nghĩa "thuộc về mọi phần đất có người ở": nghĩa là chỉ toàn thể thế giới.

Trước Công Ðồng Vaticanô II, chỉ có những Giám Mục tông tòa mới có quyền tham dự Công Ðồng Chung. Nhưng ngày nay, Sắc lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục xác định lại: "Thánh Công Ðồng chế định: mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung, vì là thành phần của cộng đoàn Giám Mục" (GM 4). Thứ đến, được gọi là Công Ðồng riêng, một hội nghị gồm các Giám Mục của khu vực nào đó trong Giáo Hội. Công Ðồng riêng được gọi là Ðại Công Ðồng, nếu hội nghị gồm các Giám Mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau, dưới quyền chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh. Nếu chỉ có các Giám Mục của một giáo tỉnh, dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám Mục hay một Giám Mục thâm niên công vụ, thì Công Ðồng được gọi là Công Ðồng tỉnh. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể thêm vài loại khác như Công Ðồng toàn quốc, Công Ðồng toàn miền, v.v...

Chúng ta còn thấy có những hội nghị Giám Mục khác, chẳng hạn như các thượng hội đồng. Thượng hội đồng giáo phận được dùng để chỉ những phiên họp của vị Giám Mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn thượng hội đồng Giám Mục là một hội nghị, được thành lập ngay sau Công Ðồng Vaticanô II, gồm những Giám Mục được chọn trong số các Giám Mục toàn thế giới, do chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập, với mục đích cùng tìm hiểu và cố vấn cho Ngài trong những vấn đề có tính cách thời sự của Giáo Hội.

B. Thẩm quyền của Công Ðồng:

Công Ðồng giữ thẩm quyền tối thượng trong Giáo Hội. Nền tảng này dựa vào chính ý muốn của Chúa Kitô là Ðấng đã ban quyền cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài, để dạy dỗ và điều khiển Giáo Hội.

Công Ðồng Chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Thực ra, đó chính là Giám Mục Ðoàn qui tụ về một nơi. Những sắc lệnh giáo lý của Công Ðồng này giữ một giá trị giáo thuyết rất cao: với một vài điều kiện, chúng thành bất khả ngộ.

Những sắc lệnh Công Ðồng có thể chia làm hai loại: giáo lý hoặc qui luật. Sắc lệnh về qui luật đề cập đến luật lệ, tập quán, nghi lễ v.v... Sắc lệnh về giáo lý nhằm ngay đến giáo lý mạc khải, làm sáng tỏ những điểm còn nghi ngờ, xác quyết những chân lý bị lạc giáo chối từ v.v... Vì thế, trong những sắc lệnh về loại này, chúng ta thấy có những "định thức". Gọi là định thức, những công thức ngắn về một điểm của giáo lý, hoặc xác quyết một chân lý, hoặc lên án một lạc giáo, và kết thúc bằng phán quyết "tuyệt thông". Giáo lý ở các định thức thuộc về tín điều: chối bỏ sẽ bị liệt vào hàng lạc giáo.

C. Các Công Ðồng trong lịch sử:

Trước hết chúng ta nói đến Công Ðồng "Giêrusalem". Ðó là cuộc hội nghị của các Tông Ðồ và những môn đồ khác, vào khoảng năm 48-50 (x. CvSđ 15). Giáo Hội sơ khai đã bắt đầu tổ chức hội nghị công đồng rất sớm, vì thực sự đó chính là sự thể hiện tính cách cộng đoàn của Giám Mục. Ngay trước thời kỳ thanh bình dưới đời vua Constantinô, đầu thế kỷ thứ IV, cũng đã có Công Ðồng Elvira (Tây Ban Nha), nổi tiếng trong quyết nghị công bố luật độc thân giáo sĩ. Sau đó, do lệnh vua Constantinô, Công Ðồng Arles (Pháp) được nhóm họp để chống lại lạc giáo Ðonatô. Cũng chính vị Hoàng Ðế này triệu tập Công Ðồng Chung thứ nhất ở Nicea (Nikaia) vào năm 325.

Bảy Công Ðồng Chung đầu tiên đã có một thẩm quyền đặc biệt: ngày nay Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương cũng như nhiều người Tin Lành đều nhìn nhận. Tất cả bảy Công Ðồng đó đều được triệu tập do hoàng đế (hay nữ hoàng) chứ không do Ðức Giáo Hoàng: và đôi khi chống lại Ðức Giáo Hoàng, như Công Ðồng Chung thứ II thành Constantinopla. Thẩm quyền của những Công Ðồng Chung đó dựa vào sự chấp nhận của Giáo Hội phổ quát, bởi Giáo Hội nhìn thấy ở đó sự phản chiếu trung thành của Mạc Khải. Sau đây là danh sách:

1. Công Ðồng Nicea (Nikaia) năm 325: thành phần tham dự gồm khoảng 300 Giám Mục Ðông Phương, 4 Giám Mục Tây Phương, với 2 linh mục Roma giữ chức vụ sứ thần cho Ðức Giáo Hoàng Silvester I. Công Ðồng lên án lạc giáo Ariô, và định tín rằng Ngôi Lời đồng bản tính với Ðức Chúa Cha.

2. Công Ðồng Constantinopla I, năm 381: do Hoàng Ðế Theođosiô triệu tập. Khoảng 186 Giám Mục Ðông Phương tham dự. Không có một Giám Mục Tây Phương nào. Ðức Giáo Hoàng Ðamasô không được phép chủ tọa. Công Ðồng lên án lạc giáo Maceđôniô, và tuyên bố thiên tính của Chúa Thánh Thần.

3. Công Ðồng Êphesô, năm 431: do Hoàng Ðế Theođosiô II triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 250 Giám Mục Ðông Phương, 1 Giám Mục Tây Phương và 1 phó tế thành Carthagô, cùng với 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Celestinô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án 2 thủ lãnh lạc giáo: Nestoriô và Pelagiô. Công Ðồng tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và xác định sự Ngôi hiệp nơi Chúa Kitô.

4. Công Ðồng Calceđonia (Khalkedon), năm 451. Hoàng Ðế Marcianô đứng ra triệu tập. Thành phần tham dự: có lẽ khoảng 600 Giám Mục Ðông Phương, 2 Giám Mục Phi Châu và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Lêô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án thủ lãnh lạc giáo Eutiches, và tuyên bố Chúa Kitô có một ngôi vị và hai bản tính.

5. Công Ðồng Constantinopla II, năm 553, do Hoàng Ðế Giustinianô I triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 150 Giám Mục Ðông Phương, 8 Giám Mục Phi Châu. Ðức Giáo Hoàng Vigiliô không muốn tham dự (mặc dầu Ngài có mặt ở Constantinopla cùng với 16 Giám Mục La tinh). Công Ðồng lên án "Ba Giảng Thuyết" tức các tác giả: Origenes, Theođoretô và Ibas.

6. Công Ðồng Constantinopla III, năm 680. Thành phần tham dự: 165 Giám Mục Ðông Phương, 6 Giám Mục Tây Phương, và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Agathon (2 linh mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án lạc giáo nhị-tính-nhất-ý và dạy rằng Chúa Kitô có 2 ý chí.

7. Công Ðồng Nicea II (Nikaia), năm 787. Hơn 300 Giám Mục Ðông Phương và 2 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Hadrianô I (1 linh mục hạt trưởng và 1 linh mục) tham dự. Công Ðồng lên án phái chủ trương bác bỏ việc tôn kính ảnh tượng.

Ðối với 7 Công Ðồng vừa kể trên, người ta không đặt vấn đề nghi ngờ về giá trị. Nhưng với Công Ðồng thứ 8 mà chúng ta sắp nói đến, có nhiều bất đồng ý kiến.

8. Công Ðồng Constantinopla IV: Theo Công Giáo, Công Ðồng được nhóm họp năm 870, do Hoàng Ðế Basiliô triệu tập, có 102 Giám Mục Ðông Phương, 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Hađrianô II (2 Giám Mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án Ðức Thượng Phụ Photios. Nhưng theo Giáo Hội Ðông Phương, Công Ðồng này đã bị Công Ðồng năm 880 hủy bỏ, và đây mới thực là Công Ðồng Chung giá trị.

Sau đây chúng ta sẽ kể đến những Công Ðồng nhóm họp ở Tây Phương; không có Giáo Hội Ðông Phương tham dự, trừ ở hai Công Ðồng Lyon và Firenze (Florentinô).

9. Công Ðồng Lateranô I, năm 1123. Ðức Giáo Hoàng Callitô II triệu tập, và gồm 300 Giám Mục Tây Phương tham dự. Công Ðồng bàn luận về vấn đề "ban chức".

10. Công Ðồng Lateranô II, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô II triệu tập vào năm 1139. Khoảng 1,000 nhân vật tham dự. Công Ðồng lên án các giáo phái ly khai, và đề cập tới vấn đề qui luật.

11. Công Ðồng Lateranô III, năm 1179, do Ðức Giáo Hoàng Alexanđrô III triệu tập. 300 Giám Mục và 400 giáo sĩ tham dự. Công Ðồng bàn về việc bầu Giáo Hoàng, và lên án lạc giáo Albigenses (hoặc Cathari).

12. Công Ðồng Lateranô IV, năm 1215, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô III triệu tập. Thành phần tham dự: 412 Giám Mục và 388 giáo sĩ. Công Ðồng lên án lạc giáo Albigeois, và các lạc giáo do P. de Vaux và do Joachim khởi xướng.

13. Công Ðồng Lyon I, năm 1245, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô IV triệu tập, với sự tham dự của 140 Giám Mục và nhiều giáo sĩ. Công Ðồng cách chức Hoàng đế Frederic II.

14. Công Ðồng Lyon II, năm 1274, do Ðức Giáo Hoàng Gregoriô X triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 500 Giám Mục và 570 giáo sĩ (có Thánh Tôma và Thánh Bonaventura) với Hoàng Ðế Ðông Phương Michael Paleologô. Công Ðồng bàn luận về vấn đề hiệp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương.

15. Công Ðồng Vienne, năm 1321, do Ðức Giáo Hoàng Clementê V triệu tập. Người ta không rõ thành phần tham dự: có người cho là 114, người khác bảo 300. Công Ðồng hủy bỏ dòng tu Ðền Thờ và lên án lạc giáo do Lambert de Bègue chủ xướng.

16. Công Ðồng Constance, từ năm 1414 đến 1418, do Hoàng Ðế Segismunđô triệu tập, với sự tham dự của 32 Hồng Y, 183 Giám Mục, 100 linh mục và 350 giáo sĩ. Công Ðồng bãi nhiệm 3 Ðức Giáo Hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương, lên án Wiclef và Huss. Sau hết, Công Ðồng chọn Giáo Hoàng Martinô V.

17. Công Ðồng Firenze, từ năm 1438 đến 1445, do Ðức Giáo Hoàng Eugentiô IV triệu tập. Ðều tiên Công Ðồng nhóm ở Basel, sau rời về Ferrara và cuối cùng ở Firenze. Thành phần tham dự: 150 Giám Mục Tây Phương, với 30 Giám Mục Ðông Phương. Các Giám Mục tham dự ký một bản công thức hiệp nhất.

18. Công Ðồng Lateranô V, năm 1512-1517, do Ðức Giáo Hoàng Giuliô II triệu tập, gồm 115 Giám Mục Tây Phương. Công Ðồng bàn về vấn đề canh tân Giáo Hội và lên án những nhà tân thuyết Aristoteles (Neo-aristotelismô).

19. Công Ðồng Triđen, từ năm 1545 đến 1563, do Ðức Giáo Hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc đầu 70 Giám Mục tham dự và lúc cuối có 252 Giám Mục, với nhiều giáo sĩ khác. Công Ðồng lên án giáo phái Tin Lành và tuyên bố nhiều định tín khác. Công Ðồng ra lệnh canh tân Giáo Hội.

20. Công Ðồng Vaticanô I, năm 1870, do Ðức Giáo Hoàng Piô IX triệu tập, với sự tham dự của 747 Giám Mục. Công Ðồng lên án thuyết duy lý và thuyết chủ trương Giáo Hội Pháp độc lập. Công Ðồng tuyên bố tính cách bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng.

21. Công Ðồng Vaticanô II, do Ðức Gioan XXIII triệu tập và kết thúc ở thời Ðức Phaolô VI.

Ngoài những Công Ðồng Chung kể trên, chúng ta biết còn có nhiều Công Ðồng riêng ảnh hưởng lớn lao trong Giáo Hội, như Công Ðồng Cathagô (do Thánh Cyprianô khởi xướng năm 256) và Công Ðồng Toleđô. Trong thời Trung Cổ, các Công Ðồng và Thượng Hội Ðồng được triệu tập rất thường.

 

II. Công Ðồng Vaticanô II

 

A. Vaticanô II, một ý nghĩ cá nhân của Ðức Gioan XXIII:

Nguồn tin Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập Công Ðồng đã làm cho toàn thế giới ngạc nhiên; hầu như không một ai chờ đón và nghĩ tới sự kiện đó. Lúc đó là ngày 25 tháng Giêng năm 1959. Ðức Giáo Hoàng và một vài Hồng Y đến tham dự một nghi lễ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô ngoại thành. Sau buổi lễ, trong một phòng khách của tu viện cạnh thánh đường, khi ngỏ lời với các Hồng Y, Ðức Thánh Cha nói Ngài đã có ý định triệu tập một Công Ðồng Chung, một Thượng Hội Ðồng giáo phận Roma và muốn cải tổ giáo luật.

Lúc đó, người ta bắt đầu nói đến một "Công Ðồng Hiệp Nhất" mọi Kitô hữu; thực vậy chính Ðức Thánh Cha muốn Công Ðồng trở thành một lời mời gọi đến hiệp nhất. Cũng ngày 25 tháng Giêng năm 1959, Ðức Gioan XXIII bế mạc tuần lễ hiệp nhất, và bốn ngày sau Ngài đã tuyên bố về Công Ðồng như sau: "Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa". Tinh thần hiệp nhất đã trở nên niềm hy vọng và là động lực hướng dẫn cho Công Ðồng, cũng như sau này sẽ là một trong những thành quả hiển nhiên nhất của Công Ðồng.

Ý nghĩ triệu tập Công Ðồng là một linh ứng đặc biệt của Ðức Gioan XXIII. Ngài không thổ lộ với ai, cũng như chưa có ai đề nghị cho ngài ý tưởng đó. Hơn thế, lúc ấy người ta nghĩ rằng các Công Ðồng sẽ không còn cần thiết nữa. Sau Công Ðồng Vaticanô I với định tín ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng, nhiều người đã ngầm chấp nhận "luận đề" của Bismark cho rằng từ nay Công Ðồng trở nên vô ích. Và trong suốt thế kỷ sau Công Ðồng Vaticanô I, uy quyền Giáo Hoàng vươn dần tới chỗ độc tôn đến nỗi ai cũng công nhận rằng ngay cả quyền giáo huấn thông thường của Giáo Hoàng vẫn là "mực thước của đức tin" cho tín hữu thực hành. Bởi thế, do ơn quan phòng, Ðức Gioan XXIII, "vị Giáo Hoàng chuyển tiếp", như người ta vẫn gọi thế, đã đưa Giáo Hội thoát xa "duy giáo hoàng thuyết", để đến gần với "nguồn Phúc Âm" hơn.

B. Tổng luận về Công Ðồng Vaticanô II:

Vaticanô I phải chấm dứt vào ngày 20 tháng 10 năm 1870, khi giáo phận Roma bị sát nhập vào vương quốc Ý. Công Ðồng đành đình hoãn vô thời hạn. Chương trình các vấn đề bàn cãi còn dang dỡ. Tối thượng quyền và ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng là những vấn đề không nằm trong chương trình ban đầu, lại được Công Ðồng định tín trước; còn nhiều tiết mục quan trọng khác về Giáo Hội, nhất là về vấn đề truyền giáo, về nhiệm vụ các Giám Mục v.v... chưa được bàn cãi tới. Vì thế, Công Ðồng Vaticanô I là một Công Ðồng đã ngưng trệ nhưng chưa hoàn tất.

Ðức Piô IX, Ðức Leô XIII và cả Ðức Piô X hình như đã không nghĩ tới việc tiếp tục và hoàn tất Công Ðồng. Sau trận đại chiến, Ðức Piô XI đã quan tâm đến vấn đề: trong Thông Ðiệp đầu tiên Ubi arcano (23-12-1922), ngài có đề cập tới vấn đề tiếp tục tiến hành công việc còn dang dỡ của Công Ðồng (AAS 14 (1922) 692). Ngài đã đề cử một ủy ban để tìm hiểu các văn kiện của Công Ðồng Vaticanô I và tìm cách thức tiến hành.

Rồi đến Ðức Piô XII, ngay khi vừa nhận chức Giáo Hoàng, ngài đã được Hồng Y Ruffini đề nghị tiếp tục Công Ðồng. Ðã có một nhóm chuyên viên làm việc trong nhiều năm với mục đích chuẩn bị Công Ðồng, cho tới khi Ðức Piô XII băng hà.

Ðức Gioan XXIII đã tiếp tục. Tuy nhiên, điều mới mẻ nơi ngài là ý định triệu tập Công Ðồng không phải phát sinh từ việc học hỏi các tài liệu, nhưng từ những nhu cầu cấp bách thực tế của Giáo Hội. Và đó cũng là hướng đi đặc biệt của Vaticanô II.

Thông thường, Công Ðồng là một giải đáp của Giáo Hội trước một khủng hoảng rõ ràng, chẳng hạn một lạc giáo hay một cuộc ly khai v.v... Thế nhưng vào năm 1959, người ta có cảm tưởng rằng Giáo Hội không phải bận tâm về một khó khăn nào: không có lạc giáo, không có bách hại. Hơn thế, uy quyền Giáo Hội lớn mạnh hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào bề mặt của Giáo Hội, người ta mới nhận thấy rằng hơn bao giờ hết. Giáo Hội đang đương đầu với những vấn nạn cực kỳ khó khăn. Từ Vaticanô I, thế giới đã đổi thay còn nhanh hơn 19 thế kỷ qua. Cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đã có hấp lực hướng về viễn ảnh tương lai, mà đối với họ, hình như đang ở trong tầm tay. Con người đặt trọn niềm hy vọng của mình nơi thế giới vật chất này, vì đối với họ, những hứahẹn của các tôn giáo đều tan vỡ. Nhưng đồng thời và hơn bao giờ hết, con người lại cảm thấy luôn bị đe dọa do chính những khám phá của họ: hiểm nguy tiêu diệt của bom nguyên tử, bầu khí thiếu lành mạnh và nhiễm độc của môi trường văn minh, chiến tranh liên lỉ...

Ðang khi đó, các Kitô hữu, thành phần thiểu số của thế giới, lại chia rẽ hơn bao giờ hết. Giáo Hội Công Giáo đã mất đi những cơ hội truyền giáo hứa hẹn nhất, và đau đớn vì những rạn nứt nội bộ không ngừng xảy ra nơi các xứ Kitô giáo lâu đời.

Vì sự hiệp nhất Kitô hữu đã trở nên hết sức cần thiết. Nhưng sự hiệp nhất không thể đương nhiên thành tựu, mà trái lại chính người Kitô hữu phải bắt đầu và khởi sự đi dần tới hiệp nhất. Bởi vậy, cần phải thay đổi nhiều và "tự cải hóa"...

Những vấn đề ấy là những lý do đủ để khai mở một Công Ðồng.

1. Giai đoạn tiền chuẩn bị (từ 17-5-1959 đến 5-6-1960)

Công Ðồng bao giờ cũng là công việc rất quan trọng, cho nên ngay cả công cuộc chuẩn bị, người ta cũng phải sửa soạn trước. Do đó có giai đoạn được gọi là "tiền chuẩn bị".

Trong giai đoạn này, người ta có thể theo hai phương pháp làm việc: hoặc tiếp tục công trình của Vaticanô I, hay khởi sự từ những vấn đề mới. Trong phương pháp thứ hai, người ta còn có thể bàn luận những đề mục do Tòa Thánh Roma đề nghị hay hỏi ý kiến các Giám Mục về những đề mục. Phương pháp thứ hai được áp dụng cho giai đoạn này của Công Ðồng Vaticanô II.

Ðể thực hiện việc này Ðức Gioan XXIII đã đề cử một Ủy Ban do Hồng Y Tarđini làm chủ tịch. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các Nghị Phụ Công Ðồng tương lai được tham khảo ý kiến (ở Công Ðồng Vaticanô I, chỉ có 35 Giám Mục được hỏi ý kiến). Các Ðại Học cũng được thăm dò. Hơn thế, một sự kiện chưa từng có là không có vấn đề giới hạn các đề mục. Con số trả lời lên tới 2,109, làm thành 8 quyển. Tổng kết gồm 8,972 đề nghị.

Ðể khai triển những đề nghị trên, Ðức Giáo Hoàng ra tự sắc Superno Dei nutu ngày 5-6-1960, ngày Lễ Hiện Xuống, trong đó, ngài thành lập 12 Ủy Ban và 3 Văn Phòng. Các Ủy Ban này tương đương với những Thánh Bộ của Giáo Triều Roma, cũng có một bộ trưởng tướng ứng. Ủy Ban Trung Ương do chính Ðức Giáo Hoàng làm Chủ Tịch, và Tổng Thư Ký lúc đó là Ðức Cha Felici, sau này trở thành Tổng Thư Ký của Công Ðồng. Thành phần các Ủy Ban được tuyển chọn trong toàn thế giới, mặc dầu phần đông thuộc Âu Châu, vì lý do tài chánh và kỹ thuật.

Còn về tên gọi của Công Ðồng, người ta bàn cãi không biết đó có phải là một Công Ðồng khác, hay là kế tiếp Vaticanô I. Cuối cùng, vào ngày 7 tháng 12 năm 1959, Ðức Giáo Hoàng chính thức đặt tên là Vaticanô II.

2. Quá trình giai đoạn chuẩn bị (từ 14-11-1960 đến 11-10-1962)

Ngày 14-11-1960, Ðức Giáo Hoàng đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước 33 Hồng Y và hàng trăm Giám Mục: mục đích của Công Ðồng là "đem lại chân giá trị cho tư tưởng con người, cũng như cho đời sống nhân loại và Kitô giáo", trong một tinh thần biết tìm về nguồn và biết vâng theo Chúa Thánh Thần (AAS 59 (1960) 1004-1014).

Ngay trước khi khai mạc, các Ủy Ban đã phải làm việc ngày đêm. Họ lo soạn thảo các lược đồ hội nghị. Ðể hoàn thành một lược đồ, các thành phần của Ủy Ban phải họp lại với nhau, dưới quyền chủ tọa của một Hồng Y; bên họ luôn có những nhà chuyên môn tài giỏi. Trong 8 quyển chứa đựng các đề nghị, họ phải chọn lựa ra những chất liệu căn bản, dựa theo tầm quan trọng và theo con số những người đề nghị v.v...

Sau đó, họ bàn cãi để đi đến chấp nhận cách tổng quát những đề tài và những tiêu chuẩn làm việc. Thế rồi, để tiến hành công việc, các chất liệu lại được phân chia thành những tiểu đề do các tiểu ban hoặc các nhóm chuyên viên đảm trách.

Các nhóm và tiểu ban này một lần nữa sẽ đúc kết các tiểu dề và phân thành chương, rồi cuối cùng soạn thành một bản sơ thảo. Bản sơ thảo này sẽ được chính tiểu ban soạn thảo bàn cãi một lần nữa, tu bổ lại, hoặc có khi loại bỏ. Sau đó, tiểu ban sẽ soạn lại một sơ thảo mới. Khi tiểu ban đã đồng ý, bản sơ thảo sẽ được cho in và gởi đến mọi thành phần của Ủy Ban và các cố vấn; những vị này sẽ gởi nhận xét đến tiểu ban. Một số các cố vấn; những vị này sẽ gởi nhận xét đến tiểu ban. Một số các nhà chuyên môn sẽ tìm hiểu các nhận xét đó, sắp xếp và chuyển về cho các thành phần tiểu ban. Tiểu ban sẽ xem xét các nhận xét, chấp thuận hay loại bỏ. Cuối cùng lược đồ sẽ được Ủy Ban nhóm họp lại bàn cãi tự do và bỏ phiếu quyết định.

Một lược đồ đã được Ủy Ban chấp thuận còn phải đệ trình lên Ủy Ban Trung Ương. Ủy Ban này do chính Ðức Giáo Hoàng chủ tọa, được coi như một tiểu Công Ðồng: gồm nhiều Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục... của 57 quốc gia. Lại có một tiểu ban đặc biệt chuyên xem xét các lược đồ thuộc các Ủy Ban khác nhau để tránh sự lập lại chất liệu.

Khi một lược đồ được đệ trình, Ủy Ban Trung Ương sẽ cẩn thận duyệt xét, để xem có đáp ứng đủ với những tiêu chuẩn đã ấn định hay không. Sau đó Ủy Ban sẽ bỏ phiếu: đồng ý, không đồng ý, hay đồng ý với vài sửa đổi. Nếu hơn một phần ba không đồng ý, lược đồ bị loại bỏ; và Ủy Ban có trách nhiệm phải soạn thảo một lược đồ khác. Nếu được chấp thuận, lược đồ sẽ được đệ trình lên Ðức Giáo Hoàng, và chính Ngài sẽ quyết định cho đem trình bày với các Nghị Phụ ở Công Ðồng.

Thành quả của những công việc lâu dài này là 70 dự án được chấp thuận, làm thành 2,060 trang giấy in. Tuy nhiên, các chất liệu vẫn còn quá bao la, nên đòi hỏi phải lược tóm hơn nữa.

3. Kỳ họp đầu tiên của Công Ðồng (từ 11-10 đến 8-12-1962)

Trong Tông Hiến Humanae Salutis (ngày 25-12-1961), Ðức Giáo Hoàng quyết định triệu tập Công Ðồng vào năm 1962; và ngày giờ chính xác để khai mạc được ấn định trong Tự Sắc Concilium (ngày 2-2-1962).

Có tất cả 2,904 Nghị Phụ được mời gọi tham dự, và con số các Nghị Phụ có mặt lên rất cao (trong các lần họp, nhiều nhất là 2,449 vị và ít nhất là 2,086 vị tham dự). Vài ngày trước khi khai mạc, Ðức Thánh Cha đã hành lương đến Loretto và Assisi (vào ngày 4-10-1962) để cầu xin Ơn Trên.

Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Gioan XXIII đã đưa ra những tôn chỉ hướng dẫn Công Ðồng: cởi mở với thế giới; thông cảm chứ không lên án tuyệt thông; xót thương hơn là khắt khe; nhận chân rằng thế giới cũng rất nhậy cảm, không chấp nhận sai lầm: loan truyền Phúc Âm với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của "những tiên tri loan báo sự dữ".

Khoảng thời gian từ ngày 13 đến 20-10, các Nghị Phụ tuyển chọn những thành phần các ủy Ban Công Ðồng. Mỗi Ủy Ban gồm 16 thành phần tuyển chọn và 9 thành phần do Ðức Giáo Hoàng chỉ định. Vị chủ tịch chính là Hồng Y chủ tịch của Ủy Ban trong giai đoạn chuẩn bị, do Ðức Giáo Hoàng đề cử. Có tất cả 10 Ủy Ban, cộng với Hội Ðồng chủ tịch điều hành, Ủy Ban đặc vụ và Văn Phòng thống nhất. Tất cả các thành phần là 273 Nghị Phụ: 54 vị thuộc Âu Châu, 66 vị thuộc Mỹ Châu, 38 vị thuộc Á Châu, 12 vị thuộc Phi Châu và 3 vị thuộc Ðại Dương Châu.

Ngày 20 tháng 10, trong phiên họp khoáng đại lần thứ ba, Công Ðồng đã gởi "một sứ điệp cho thế giới". Sau đó, các Nghị Phụ bắt đầu công việc theo các lược đồ đề nghị. Bảy lược đồ đã được phân phát cho các Nghị Phụ, và các Ngài bắt đầu lược đồ về Phụng Vụ. Những cuộc bàn luận không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì có nhiều giờ phút thật căng thẳng, giằng co. Cuối cùng vào ngày 14 tháng 11 lược đồ đầu tiên này được bỏ phiếu và được chấp thuận với 2,162 phiếu thuận, và 46 phiếu chống. Công Ðồng đã đạt được một bước thắng lợi.

Ngay sau đó, cuộc bàn cãi được tiếp tục với lược đồ về các nguồn mạc khải. Ðây là vấn đề gai góc hơn vì tầm quan trọng của nó trong lãnh vực thần học. Có một nguồn hay hai nguồn? Ðó là vấn đề, và thực tế hai trường phái thần học đều phải đương đầu trước khó khăn của quan niệm về "mạc khải", về "chân lý", về "linh ứng", về "thánh truyền" và về những tương quan của chúng. Các ý kiến bênh vực hay chống đối đã được phát biểu trong bầu không khí thật sôi động và căng thẳng. Nhưng rồi lược đồ bị đa số bác bỏ và Ðức Giáo Hoàng đã phải gởi trả về cho Ủy Ban liên hệ.

Ngày 23 tháng 11, các Nghị Phụ đề cập tới lược đồ về phương tiện truyền thông xã hội, nhưng cũng bị gởi trả về cho ủy Ban soạn thảo để sửa lại. Lược đồ về hiệp nhất các Kitô hữu cũng bị bác bỏ, lý do là vì lược đồ này chỉ được Ủy Ban phụ trách các Giáo Hội Ðông Phương soạn thảo, đang khi đáng lý nó thuộc thẩm quyền của Ủy Ban về hiệp nhất. Và chính Ủy Ban này cũng đang soạn thảo một lược đồ. Lại nữa, một Ủy Ban thần học khác lại cũng đề cập đến vấn đề hiệp nhất này trong một lược đồ về Giáo Hội. Cuối cùng, các Nghị Phụ bỏ phiếu tổng hợp cả ba lại thành một lược đồ duy nhất về vấn đề này.

Vào cuối tháng 11, các Nghị Phụ lại nhận được một lược đồ về Giáo Hội (123 trang), gồm cả một chương về Ðức Trinh Nữ Maria. Một số Nghị Phụ muốn bàn luận ngay về chương này; nhưng vì các lý do hiệp nhất và giáo hội học, lược đồ về Giáo Hội được khởi sự bàn cãi ngay từ chương đầu vào ngày 1 tháng 12 năm 1962. Cuộc bàn cãi mang lại nhiều lợi ích và chuẩn bị cho công việc giữa hai kỳ họp.

Ở cuối kỳ họp, các Nghị Phụ nhận thấy rằng chất liệu còn quá bao la, số lược đồ lại tăng lên tới 73, và nếu so sánh với tất cả những Công Ðồng trước, số trang tài liệu của các lược đồ đã nhiều hơn gấp ba lần. Vì thế, Ðức Giáo Hoàng quyết định rút lại còn 20 lược đồ. Các Nghị Phụ có chín tháng để lo đúc kết các lược đồ này và soạn thảo công việc cho kỳ họp tới.

Nhưng trong thời gian đó, Ðức Gioan XXIII, Người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, đã được cất về Trời. Ðức Hồng Y Montini lên ngôi Giáo Hoàng kế vị, lấy danh hiệu Phaolô VI.

4. Kỳ họp thứ hai (từ 29-9 đến 4-12-1963)

Có những dư luận đối nghịch nhau về vị Tân Giáo Hoàng. Nhiều người cho rằng Ngài "bảo thủ", một số khác tiên đoán Ngài thuộc phái "cấp tiến". Người ta có cảm tưởng những hướng đi đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài nằm trong con đường "bảo thủ". Nhưng về sau, mọi người mới nhận ra tinh thần của ngài vượt trên mọi thành kiến và còn tiến xa hơn cả Ðức Gioan XXIII: Ngài cải tổ lại các qui tắc của Công Ðồng để đem đến nhiều hiệu năng hơn; Ngài mạnh dạn tuyên bố chỉnh đốn lại giáo triều Roma vào ngày 21-9-1963, đó là điều Ðức Gioan XXIII không dám nghĩ tới.

Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cụ thể hóa chương trình làm việc của Công Ðồng; ngài tuyên bố: "Thánh Công Ðồng phải đào sâu giáo lý về chức Giám Mục, về những nhiệm vụ và những liên lạc của chức vụ đó với Phêrô". Giáo lý cần trở nên thiết thực và thích ứng hơn. Ngài nói đến "những anh em bất hòa (chứ không phải "ly khai") là những người được kêu mời để trở nên đồng tâm nhất trí với Giáo Hội"; và một điều được xem là táo bạo, mới lạ chưa từng có từ bao nhiêu thế kỷ qua đó là chính Ðức Giáo Hoàng lên tiếng cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em bất hòa này vì những lỗi lầm của Giáo Hội Roma trong việc chia rẽ Kitô giáo.

Phiên họp bắt đầu với những bàn cãi về lược đồ Giáo Hội. Lược đồ được chấp thuận như là nền tảng cho các cuộc tranh luận sau này, với 2,301 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Trong suốt thời gian tranh luận, phiên họp đã có những lúc thật căng thẳng, những cuộc bênh vực cũng như những cuộc chống đối đều rất dữ dội, đến nỗi lúc đó người ta gọi là "cơn sốt tháng 10". Sau cùng, vào cuối tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu quyết định về "vấn đề Ðức Maria": lược đồ về Ðức Trinh Nữ được sát nhập vào lược đồ về Giáo Hội với 1,114 phiếu thuận và 1,074 phiếu chống.

Ngày 5 tháng 11, lược đồ về "các Giám Mục và sự điều khiển giáo phận" được đưa ra bàn luận. Khái niệm và sự thực thi "cộng đoàn tính của các Giám Mục" đã gây ra nhiều cuộc tranh  luận sôi nổi. Rồi từ ngày 18 đến 21 tháng 11, các Nghị Phụ đi đến một vấn đề tế nhị, quan trọng và sôi nổi nhất: vấn đề hiệp nhất. Chương về những người Do Thái do Ðức Hồng Y Bea viết đã bị các Nghị Phụ Ả Rập chống đối mãnh liệt. Chương về tự do tôn giáo, được Ðức Cha De Smedt trình bày khéo léo, cũng là đối tượng của cuộc bàn cãi sôi nỗi nhất.

Trong thời gian đó, Sắc Lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội và những đề nghị tu chỉnh của Hiến Chế về Phụng Vụ được bỏ phiếu. Ngày 4 tháng 12, sau Thánh Lễ, các Nghị Phụ đã bỏ phiếu và cả hai đều được chấp thuận. Sau đó Ðức Thánh Cha chính thức công bố các văn kiện được chấp thuận. Trước đó theo luật qui định thì công thức ban hành sẽ là: "Ta ra sắc lệnh, thiết lập và phê chuẩn... với sự chấp thuận của Thánh Công Ðồng" (kh 46). Như thế có nghĩa là chính Ðức Giáo Hoàng công bố và Công Ðồng chỉ có việc chấp nhận, và như vậy "cộng đoàn tính" của các Giám Mục vẫn còn là một vấn nạn. Bởi đó, Ðức Phaolô VI đã sử dụng một công thức khác: "Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế... này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính... Chúng Tôi phê chuẩn...". Ðó là một bước tiến biểu lộ tính cách cộng đoàn của các Giám Mục.

Cho tới cuối kỳ họp lần thứ hai này, chương trình dự định vẫn chưa được hoàn thành. Bốn lược đồ về Giáo Hội, về Giám Mục, về Giáo Dân và về Hiệp Nhất kéo dài từ kỳ họp đầu tiên và cho đến kỳ họp này vẫn còn nhiều phần chưa được giải quyết.

5. Giai đoạn giữa kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba

Vào cuối kỳ họp thứ hai người ta có cảm tưởng Công Ðồng như thất bại. Và cuộc hành hương của Ðức Giáo Hoàng đến Palestina ngày 4 và 5 tháng 1 năm 1964, đối với nhiều người, đó là một chuyến đi nhằm thoái thác công trình dang dở.

Tuy nhiên, thực sự thì lúc đó tình trạng phải được coi là đáng lạc quan hơn.

Dĩ nhiên, còn rất nhiều công việc phải làm, và các Nghị Phụ bắt đầu thực hiện chương trình mà người ta gọi là "Dopfner", và đó cũng chính là ý kiến trước kia của Ðức Hồng Y Montini. Theo chương trình đó, tất cả các lược đồ của Công Ðồng sẽ được bố cục lại dựa theo một trục chính là Giáo Hội.

Trong thực tế, các Nghị Phụ vẫn giữ nguyên các lược đồ quan trọng như lược đồ về Giáo Hội, Giám Mục, Giáo Dân, Mạc Khải, Hiệp Nhất và "Lược đồ XIII" rất nổi tiếng. Những lược đồ khác đều được rút gọn thành những đề mục ngắn. Các ủy Ban, nhất là Ủy Ban Thần Học, đã làm việc cách tuyệt hảo, đã cộng tác với nỗ lực của Ðức Giáo Hoàng để đem lại can đảm và hy vọng cho Công Ðồng (diễn văn của Ðức Giáo Hoàng cho hàng Giám Mục Ý ngày 14-3-1964, và Thông điệp Ecclesiam suam).

6. Kỳ họp thứ ba (từ 14-9 đến 21-11-1964)

Kỳ họp được khai mạc bằng một Thánh Lễ đồng tế, là kết quả đầu tiên của việc canh tân phụng vụ. Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Thánh Cha một lần nữa xác quyết giáo lý về tính cách cộng đoàn của Giám Mục. Qui luật của Công Ðồng lại được sửa đổi cho thích hợp trong việc thẩm định quyền của các Nghị Phụ điều hành. Các Nghị Phụ phải báo trước 5 ngày những ý kiến muốn phát biểu trong các phiên họp, với mục đích tránh những ý kiến lập lại; các Hồng Y cũng mất đặc ân phát biểu không cần báo trước v.v... Nhờ đó các công việc tiến hành nhanh hơn. Trong kỳ họp đầu tiên, có 33 điểm được bỏ phiếu, ở kỳ họp thứ hai có 94 và trong kỳ họp thứ ba này có 150 điểm được chung quyết.

Phiên họp bắt đầu với những tranh luận về chương VII của lược đồ Giáo Hội nói đến sự cánh chung. Ðề mục này đã được chính Ðức Gioan XXIII đề nghị, với mục đích minh chứng bộ mặt siêu việt hơn của Giáo Hội. Nhưng rồi cuộc tranh luận đã đưa tới thất vọng: chỉ có 17 diễn giả phát biểu và một số Nghị Phụ lại không thấu triệt được vấn đề.

Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 9, Công Ðồng đề cập trở lại đề mục về Ðức Trinh Nữ, chương sau cùng của lược đồ về Giáo Hội. Bản văn lại phải tu chỉnh vì phần đầu của đề mục bị chống đối quá mạnh; cũng chỉ có 33 Nghị Phụ phát biểu về vấn đề này, vì sự khe khắt của luật phát biểu.

Nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục được bàn cãi từ ngày 13 đến 23 tháng 9. Nhờ đã sửa đổi ở các lần tranh luận trước, bản văn này được các Nghị Phụ bàn cãi và chấp thuận dễ dàng hơn.

Từ ngày 23 đến 28 tháng 9, các Nghị Phụ bàn cãi lần thứ hai về Tự Do Tôn Giáo. Trước kia, đề mục này là chương thứ ba của lược đồ Hiệp Nhất, bây giờ đã trở thành một Tuyên Ngôn riêng biệt. Có thể nói đây là một vấn đề gây nhiều ngộ nhận, nghi ngờ và dè dặt nhất. Thông thường trên nguyên tắc các nhà thần học vẫn chủ trương rằng sự lầm lẫn tôn giáo của những người ngoài công giáo đều bị kết án; nhưng theo hoàn cảnh thực tế người ta cảm thấy cần có sự khoan hồng, nhượng bộ và chấp nhận. Các ý kiến bênh vực và bác bỏ của các Nghị Phụ rất sôi nổi và xung khắc nhau. Dư luận bên ngoài cũng chia làm hai phe và hồi hộp theo dõi. Ðồng thời, các Nghị Phụ cũng tranh luận nẩy lửa "về những người Do Thái". Cuối cùng các Nghị Phụ quyết định bỏ phần tố cáo "tội giết Thiên Chúa" của toàn dân Do Thái, cũng như bãi bỏ tất cả những đoạn nào mang ý nghĩa kết án tương tự đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Ngày 30 tháng 9, Công Ðồng bàn lại lược đồ về Mạc Khải; cuộc tranh luận kéo dài tới ngày 6 tháng 10. Khi lược đồ này bị bác bỏ ở kỳ họp đầu tiên và không được nhắc tới ở kỳ họp thứ hai, người ta cứ nghĩ rằng vấn đề có lẽ thông qua. Nhưng Ðức Phaolô VI cương quyết cho soạn thảo lại lược đồ vì nó có tầm mức quan trọng về thần học cũng như về hiệp nhất. Ðức Hồng Y Ottaviani và Bea hợp tác với nhau trong việc soạn thảo. Và trong kỳ họp thứ ba này, cuộc tranh luận đã đem lại nhiều đề nghị mới, giúp cho lược đồ hoàn mỹ hơn. Tuy thế, lược đồ này vẫn chưa được bỏ phiếu.

Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng đề cập tới lược đồ về Tông Ðồ Giáo Dân. Phải nói rằng Giáo Hội Tây Phương đã quên lãng giáo dân, những thành phần của dân Thiên Chúa. Ngay cả những văn kiện chính thức cũng chấp thuận phân chia Giáo Hội thành hai cấp, như trong "Tự điển biện giáo Ðức Tin Công Giáo": Truyền lệnh là quyền của hàng giáo sĩ và vâng lời là bổn phận của giáo dân (DAFC, bộ II, cột 1769). Vaticanô II là Công Ðồng đầu tiên đề cập tới vấn đề này, và các Nghị Phụ đã hăng say bàn luận: có đến 65 lần phát biểu ý kiến, và còn nhiều đề nghị viết khác. Tuy nhiên, vì bản văn chưa mỹ mãn, các Nghị Phụ quyết định sẽ hoàn tất trong kỳ họp sau.

Lược đồ về Linh Mục đã được rút ngắn thành một vài tiểu đề, và được bàn cãi từ ngày 13 đến 15 tháng 10; nhưng lại phải gởi trả về cho Ủy Ban liên hệ vì có tới 930 phiếu chống với 1,199 phiếu thuận. Sau đó các Nghị Phụ khảo cứu lược đồ về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, từ ngày 15 đến 20 tháng 10. Lược đồ được chấp thuận.

Ngày 20 tháng 10, Công Ðồng bắt đầu cuộc bàn cãi về lược đồ XIII sẽ trở thành Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ðây là vấn đề quan trọng nhất trong kỳ họp thứ ba này và được thế giới hồi hộp theo dõi. Các nghị Phụ đã thành thật nhìn nhận sự chia cách của Giáo Hội với thế giới, và cảm thấy cần phải góp phần giải quyết những vấn nạn của xã hội; nhưng các Ngài không biết phải làm thế nào. Lược đồ được khen ngợi nhiều nhưng cũng bị chỉ trích mạnh mẽ. Tính cách pháp chế tuyệt đối trong nhiều giới luật của Giáo Hội bị đã kích và chê bai. Các Nghị Phụ yêu cầu đời sống các giáo sĩ nên mang sắc thái đơn giản hơn theo tinh thần Phúc Âm. Các Ngài đề cập tới những vấn đề sôi nổi như quyền lợi của nhân vị con người, sự điều hòa sinh sản, sự chênh lệch trầm trọng về văn hóa và kinh tế trong thế giới v.v... Bản văn của lược đồ bị bác bỏ; và Công Ðồng thành lập một hội đồng với mục đích soạn thảo lại lược đồ, để đem ra bàn cãi trong kỳ họp tới và cũng là kỳ họp sau cùng của Công Ðồng.

Trong lúc lược đồ XIII còn dang dỡ, vào ngày 6-11-1964 chính Ðức Giáo Hoàng đã đến Ðại Hội Ðường và bằng những lời khen ngợi, Ngài giới thiệu lược đồ về Truyền Giáo. Nhưng sau nhiều cuộc tranh luận, các Nghị Phụ đã thẳng tay bác bỏ lược đồ khái quát gồm 14 mệnh đề đó, bởi quá cô đọng và giản lược đối với tầm mức lớn lao của công việc truyền giáo. Sự kiện này đã cho chúng ta hai bài học đáng nhớ: sự tự do của Thánh Công Ðồng đối với Ðức Giáo Hoàng, và mối quan tâm đối với công việc truyền giáo.

Trong những ngày sau hết của kỳ họp, các Nghị Phụ đã bắt tay làm việc gấp rút về những lược đồ ngắn. Từ ngày 10 đến 11 tháng 11, lược đồ về Dòng Tu được bàn luận và được chấp thuận với 1,155 phiếu thuận và 882 phiếu chống; nhưng lại có tới 1,000 đề nghị tu chỉnh, và như vậy đòi hỏi phải duyệt xét lại lược đồ. Ngày 12, 14, 16 và 17 tháng 11, các Nghị Phụ bàn về lược đồ Chủng Viện, và dầu có những phê bình khắt khe, lược đồ vẫn được chấp thuận với 2,117 phiếu thuận và 41 phiếu chống. Ngày 17, 18 và 19 tháng 11, lược đồ về Giáo Dục Kitô Giáo được đưa ra và được chấp thuận dễ dàng. Trong phiên họp cuối cùng, các Nghị Phụ bàn tới bản văn ngắn nhất nói về các Bí Tích, hay đúng hơn về qui luật hôn phối. Nhưng vì không đủ thời giờ, các Nghị Phụ gởi trả bản văn lại cho Ðức Giáo Hoàng. Bởi vậy, không có sắc lệnh của Công Ðồng về vấn đề này.

Trong buổi lễ kết thúc kỳ họp, ngày 21 tháng 11, Thánh Công Ðồng đã công bố ba văn kiện: Hiến Chế về Giáo Hội, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất và Sắc Lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Dịp này, Ðức Giáo Hoàng chính thức tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Giáo Hội, và loan báo kỳ họp tới sẽ là kỳ họp kết thúc.

Nhìn lại thành tích của kỳ họp thứ ba này, người ta phải nhìn nhận có một bầu khí bi quan vây phủ, vì những nguyên do đáng chú ý. Trước hết, bản chú thích sơ khởi được thêm vào Hiến Chế Giáo Hội dường như làm giảm giá trị của bản văn Công Ðồng. Thứ đến, 19 đề nghị tu chỉnh của Ðức Giáo Hoàng xen kẽ vào Sắc Lệnh về Hiệp Nhất tạo cho niềm hy vọng hiệp nhất bớt hứng khởi. Ðàng khác, người ta cũng cảm thấy hơi bất bình vì sự trì hoãn việc chung quyết lược đồ về Tự Do Tôn Giáo. Sau cùng, việc Ðức Giáo Hoàng tuyên bố nhận Ðức Maria làm Mẹ Giáo Hội không được tham khảo ý kiến của Thánh Công Ðồng và có nguy hiểm gây đụng chạm anh em Tin Lành.

Tuy nhiên, về phương diện tích cực, kỳ họp này cũng đã đem lại những thành quả mỹ mãn: các văn kiện giá trị được công bố, những lược đồ còn lại được cải tiến khả quan sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ họp tới; vì thế, bầu không khí bi quan cảm thấy lúc đầu tan biến dần dần với thời gian.

7. Kỳ họp thứ tư (từ 14-9 đến 8-12-1965)

Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp, Ðức Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Quyết định này đã gây ngạc nhiên cho mọi người. Ngày hôm sau, trong phiên họp khoáng đại lần thứ 128, Tự Sắc "Apostolica Sollicitudo" được long trọng đọc trước Thánh Công Ðồng, dưới sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng. Ðây là một bước tiến đáng kể trên con đường canh tân Giáo Hội.

Sau đó, cuộc tranh luận bắt đầu với lược đồ về Tự Do Tôn Giáo. Lần này tình thế có vẻ lạc quan hơn. Tuy nhiên, lược đồ cũng phải qua nhiều khó khăn vì các Nghị Phụ chống đối vẫn đưa ra những lý luận cũ. Kết cuộc, vào ngày 21 tháng 9 các Nghị Phụ thử bỏ phiếu lược đồ, và kết quả cho thấy 1,997 phiếu thuận, 224 phiếu chống, 1 phiếu bất hợp lệ.

Sau đó, các Nghị Phụ đề cập tiếp lược đồ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Trước kia, các Nghị Phụ đã chấp thuận cách tổng quát vấn đề này, nhưng các Ngài đòi hỏi phải thay đổi nhiều, và kết quả lần này cho thấy lược đồ đã đổi mới, nhất là về kết cấu và mạch văn (nguyên văn của lược đồ bằng Pháp ngữ và do Ðức Cha Haubtmann viết). Lược đồ bây giờ được gọi tên là "Hiến Chế Mục Vụ", và đây là một tựa đề mới trong lịch sử các Công Ðồng, mặc dầu có nhiều Nghị Phụ chỉ muốn gọi là "Sắc Lệnh". Và thực sự Hiến Chế đã bị một số Nghị Phụ tố cáo có tính cách lạc quan ngây thơ với thái độ im lặng trước những hậu quả của tội lỗi. Một số khác cho rằng Hiến Chế có tính cách quá Tây Phương, quá lý thuyết trong vấn đề vô thần, và quan niệm về "thế giới" không minh bạch. Một bản kiến nghị gồm 334 Nghị Phụ ký tên thỉnh nguyện thêm vào Hiến Chế một khoản lên án rõ ràng chủ thuyết cộng sản. Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng chấm dứt các tranh luận về vấn đề này, nhưng cho mãi cuối kỳ họp, lược đồ mới được hoàn tất và chung quyết.

Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng bàn đến Sắc Lệnh về Truyền Giáo. Lược đồ được soạn thảo lại và chỉ còn 5 chương. Quan điểm thần học về sứ mệnh truyền giáo là công trình của cha Y. Congar và J. Ratzinger, đặt nền tảng trên Giáo Hội học của Hiến Chế về Giáo Hội. Bản văn về cải tổ Thánh Bộ Truyền Bá Ð ức Tin (số 27; bản văn chung quyết là số 29) đã được ủy ban phụ trách thay đổi, và trở thành đối tượng cho những cuộc bàn cãi sôi nổi ở nghị trường. Ngày 12 tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu thuận trên nguyên tắc bản văn ấy với 2,070 phiếu thuận và 15 phiếu chống.

Ngày 13 tháng 10, vấn đề Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục được đưa ra bàn luận, với bản tường trình của Ðức Cha Marty.

Trong suốt thời gian này, các Nghị Phụ lần lượt bỏ phiếu chung quyết các bản văn đã bàn cãi và chấp thuận.

Ngày 6 tháng 10, Sắc Lệnh về Giám Mục được bỏ phiếu chấp thuận với 2,167 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Ngày 11 tháng 10, Sắc Lệnh về đời sống Dòng Tu được chấp thuận do 2,161 phiếu, có 13 phiếu chống. Ngày 13 tháng 10 các Nghị Phụ chấp thuận Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục với 2,196 phiếu thuận, 15 phiếu chống và 1 phiếu bất hợp lệ. Ngày hôm sau tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo được bỏ phiếu thuận với 1,912 phiếu và 183 phiếu chống (Tuyên Ngôn này đã gặp sự chống đối gắt gao của nhiều Nghị Phụ Châu Mỹ La Tinh và Indonesia). Cùng ngày, Ðức Hồng Y Bea đọc bản tường trình lược đồ về Các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo, và cuộc bỏ phiếu ngay sau đó với kết quả 1,763 phiếu thuận, 250 phiếu chống, 10 phiếu bất hợp lệ.

Ngày 28 tháng 10, khóa VII được khai mạc. Dịp này, Ðức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ đồng tế cùng với 24 Nghị Phụ (trong số này có Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình) và nhân danh "Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và cả vị là Cha, Con và Thánh Thần", Ngài chính thức công bố 5 văn kiện đã được chấp thuận.

Ðức Cha De Smedt một lần nữa giới thiệu Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo; cuộc bỏ phiếu diễn ra trong vòng 2 ngày và cuối cùng bản văn được chấp thuận nhưng với 1,640 đề nghị tu chỉnh. Ngày 29 tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu, và 27 phiếu chống. Từ ngày 9 đến 10 tháng 11, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu cho Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Công Ðồng có bàn cãi một "quan điểm" về các ân xá, và có nhiều ý kiến gay gắt chống lại quan điểm chính thức của Giáo Hội. Nhưng xem ra giới thẩm quyền đã ngăn cản cuộc tranh luận. Cuối cùng Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân được chấp thuận với đa số phiếu tuyệt đối: 2,201 phiếu thuận với 2 phiếu chống.

Từ ngày 10 đến 12 tháng 11, Sắc Lệnh về Truyền Giáo được bỏ phiếu chấp thuận với đa số tuyệt đối, ngoại trừ vấn đề cải tổ Thánh bộ truyền bá Ðức Tin (số 29) có tới 712 đề nghị tu chỉnh. Kế đó, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu chấp thuận Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục (bỏ phiếu 15 lần). Như vậy, đến lúc này, Công Ðồng đã thu lượm được kết quả của công việc lâu dài. Ngày 15 tháng 11, các Nghị Phụ lại được nghe đọc 2 bản tường trình về Hiến Chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, do Ðức Cha Garrone và Ðức Cha Mc. Grath viết; sau đó các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp nhận. Trong khóa VIII ngày 18 tháng 11, Ðức Giáo Hoàng công bố 2 văn kiện mới: Hiến chế về Mạc Khải và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân.

Vào thời gian cuối Công Ðồng, công việc được giới hạn trong vấn đề xem xét lại các đề nghị tu chỉnh của 4 văn kiện còn lại. Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhóm Coetus internationalis patrum (các Nghị Phụ bảo thủ) đã cho đó là một trong những "thành phần gây bế tắc cho công trình chung", và ngày 18 tháng 11 đã cho in một truyền đơn nhằm chống lại tuyên ngôn đó, đồng thời họ cũng đệ đơn lên Ðức Giáo Hoàng để phản đối. Kế đến, hai bản văn về Truyền Giáo và về Linh Mục được đưa ra xem xét; cả hai được chấp thuận dễ dàng hơn (trừ số 29 của Sắc Lệnh Truyền Giáo vẫn còn khúc mắc).

Bản văn sau cùng được bỏ phiếu quyết định Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ủy Ban liên hệ đã phải làm việc tối đa để sửa đổi Hiến Chế vì có đến 2,247 đề nghị tu chỉnh.

Tuy thế, sau những cố gắng tu chỉnh, tất cả những văn kiện kể trên đều đã sẵn sàng để được bỏ phiếu quyết định, và để được công bố, trong khóa IX, vào ngày 7 tháng 12.

Những ngày sau hết của Công Ðồng được đánh dấu bằng những sự kiện mang ý nghĩa hiệp nhất đáng nhớ. Ngày 4 tháng 12, Ðức Cha Felici, Tổng thư ký Công Ðồng, đọc một sứ điệp ca ngợi và tin tưởng của tất cả các quan sát viên gởi đến các Nghị Phụ, trong đó họ đặc biệt thán phục tinh thần hiệp nhất của các Ngài. Trong khi ấy, tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô, cùng với các quan sát viên ngoài Công Giáo, Ðức Giáo Hoàng đã dự một lễ nghi cầu cho hiệp nhất. Tinh thần hiệp nhất đạt tới mức độ tuyệt vời khi Ðức Phaolô VI ở Roma và Ðức Thượng Phụ Athenagoras ở Istambul, vào ngày 7 tháng 12, đã cùng một lúc xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, một nguyên do phát sinh sự ly khai vào năm 1054. Chính sự kiện này cũng đã là thành quả tốt đẹp và giá trị nhất của Công Ðồng!

C. Một vài đặc điểm tiêu biểu của Công Ðồng Vaticanô II

Với mục đích giúp thấu triệt hơn Công Ðồng quan trọng này, chúng ta nêu ra đây một vài đặc điểm tiêu biểu:

1. Công Giáo tính

Chưa có một Công Ðồng nào đã tạo được tính cách "Công Giáo" đầy đủ như Vaticanô II. Hãy tạm miễn bàn vấn đề "giáo lý về công giáo tính" mà chỉ đề cập đến các sự kiện. Chưa có một Công Ðồng nào đã đề cập tới nhiều vấn đề phức tạp và phong phú cùng với những tầm mức rộng rãi như vậy. Chỉ cần nhìn vào những con số biểu trưng, chúng ta cũng có đủ lý do để xác nhận sự kiện này.

Trước hết chúng ta nói đến thành phần các Nghị Phụ. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử mà chúng ta có quyền quả quyết rằng toàn thế giới có mặt ở Công Ðồng. Con số các Nghị Phụ được triệu tập là 3,058, trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các dòng. Trong kỳ họp đầu tiên, có 2,449 Nghị Phụ tham dự trong số 2,904 vị được triệu tập, như vậy tỉ số tham dự là 84.34%. Ở kỳ họp thứ hai, có 2,488 Nghị Phụ đến tham dự, trong số 3,022 vị được triệu tập, tức 82.34% tham dự. Và trong số 3,074 vị được mời cho kỳ họp thứ ba, có mặt 2,466 Nghị Phụ, nghĩa là 80.23% tham dự. Cuối cùng ở kỳ họp thứ bốn, trong số 3,093 vị được triệu tập, có 2,625 Nghị Phụ đến Công Ðồng, và như thế tỉ số tham dự lên tới 84.88%. Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng đại đa số thành phần Giám Mục Ðoàn đã tham dự Công Ðồng.

Nếu xét qua nguồn gốc địa dư, chúng ta thấy rằng các Nghị Phụ từ khắp năm châu trên toàn thế giới đều tựu về: 1,060 vị ở Âu Châu, 408 Nghị Phụ ở Á Châu, 351 ở Phi Châu, 416 ở Bắc Mỹ, 89 ở Trung Mỹ, 531 ở Nam Mỹ, và 74 vị ở Ðại Dương Châu.

Trong các phiên họp, có tất cả 695 Nghị Phụ lên tiếng tại nghị trường. Tổng cộng tất cả, các ngài đã nói tới 2,234 lần; trong đó các Nghị Phụ Pháp 231 lần, các Nghị Phụ Ðức 141 lần, các Nghị Phụ Ba Lan 75 lần v.v..., các Nghị Phụ Việt Nam lên tiếng 16 lần. Nghị Phụ được xem là hùng biện nhất là Hồng Y Ruffini, ngài lên tiếng 36 lần.

Trong thời gian họp Công Ðồng có 253 Nghị Phụ qua đời, và cùng lúc có 296 người được tấn phong Giám Mục.

Ngoài sự tham dự của các Nghị Phụ, chúng ta còn phải kể đến sự có mặt của những phần tử khác của Dân Chúa. Trước hết phải nói đến các nhà chuyên môn, vì họ đã tích cực góp phần cho công việc có kết quả. Ðược đề cử từ giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng, các nhà chuyên môn này đã tham gia vào công việc của các Ủy Ban, trong việc soạn thảo các lược đồ, thăm dò ý kiến của các Giám Mục v.v... Con số các nhà chuyên môn lên tới 460 vị, gồm 235 linh mục giáo phận, 45 tu sĩ Dòng Tên, 42 tu sĩ Ða Minh, 15 tu sĩ Phanxicô, 12 đan sĩ Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, 6 tu sĩ Biển Ðức, 5 tu sĩ Dòng Don Boscô, với nhiều thành phần Tu Hội và giáo dân.

Công Ðồng cũng kêu mời nhiều Cha Sở, với tư cách là cộng tác viên thân cận của các Giám Mục. Thực sự họ chỉ được mời gọi sau các dự thính viên giáo dân. Trong kỳ họp thứ ba, có tất cả 39 vị, chia ra: Hoa Kỳ và Ý mỗi nước 5 vị; Tây Ban Nha, Pháp, Canađa, Ðức, mỗi nước 4 vị; Argentina, Úc, Brazil, Liban, mỗi nước 2 vị; Bỉ, Nhật, Mexicô, Hòa Lan, Palestina, mỗi nước 1 vị. Ở kỳ họp thứ bốn con số các cộng tác viên này lên tới 45 vị. Và ngày 27 tháng 10 năm 1965, cha sở Thomas Fall, thuộc giáo phận Philadelphia Hoa Kỳ, lên tiếng trước nghị trường.

Các giáo dân được mời tham dự với tư cách là những dự thính viên. trong thời gian chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Ðức Giáo Hoàng đã đề cử một nhóm gồm 13 giáo dân cả nam lẫn nữ giới, được chọn lựa trong các tổ chức tông đồ quốc tế Công Giáo. Ở kỳ họp cuối cùng, số dự thính viên này lên tới 42. Ngoài ra, còn có sự tham dự của 10 nữ tu dự thính. sau cùng, để đại diện cho gia đình Kitô giáo hai vợ chồng Mexicô, J. Alvarez Icaza, được mời tham dự. Tất cả các dự thính viên giáo dân này đã lên tiếng 6 lần ở Công Ðồng, và đã góp ý kiến về nhiều vấn đề cho các Ủy Ban.

2. Tinh thần hiệp nhất

Một trong những ý tưởng chính yếu của Ðức Gioan XXIII khi ngài triệu tập Công Ðồng Vaticanô II là nỗ lực nối lại vòng dây thân ái giữa các Kitô hữu. Chúng ta nhận thấy Công Ðồng đã đạt được mục đích này, qua những văn kiện giáo lý và các cuộc gặp gỡ thân thiện từ bầu khí Công Ðồng.

Thật vậy, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo và Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo đều nhấn mạnh đến tinh thần hiệp nhất. Quan niệm mới mẻ này cũng xuất hiện ở Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, nhất là ở Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, khi Công Ðồng đề cập tới thái độ phải có của Giáo Hội đối với thế giới.

Tìm hiểu qua những ý kiến của các Nghị Phụ phát biểu ở nghị trường, chúng ta cũng thấy các ngài ý thức rõ rệt tinh thần này.

Sau hết, một sáng kiến đã tạo được thành quả tốt đẹp cho mối dây hiệp nhất, đó là việc mời các quan sát viên ngoài Công Giáo. Sáng kiến này do Ðức Hồng Y Ben khởi xướng và chính Ngài đã cố gắng can thiệp với Ủy Ban Trung Ương Chuẩn Bị Công Ðồng. Sau đó ít lâu, Hội Ðồng Thế Giới các Giáo Hội (CME) đã mời 5 quan sát viên Công Giáo đến tham dự Ðại Hội Quốc Tế ở Tân Ðề Ly, với sự chấp thuận của Giáo Triều Roma, mặc dầu gặp nhiều khó khăn. Dựa vào đó, Văn Phòng Hiệp Nhất gởi lời mời các quan sát viên ngoài Công Giáo đến tham dự Công Ðồng. Ban đầu, một số giáo hội từ chối; nhưng cuối cùng sau thời gian đắn đo, họ đã gởi các đại diện đến Công Ðồng. Như vậy, trong kỳ họp đầu tiên, con số quan sát viên ngoài Công Giáo được gởi tới là 46 người, cộng với 8 quan sát viên do Văn Phòng mời: họ đại diện cho 17 Giáo Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo. Ở kỳ họp thứ hai, có 59 quan sát viên đại diện và 9 vị do Văn Phòng mời. Trong kỳ họp thứ ba, có 70 quan sát viên đại diện và 13 do Văn Phòng mời. Ở kỳ họp cuối cùng, con số quan sát viên ngoài Công Giáo lên tới 90, cộng với 16 người do Văn Phòng mời; và họ đại diện cho 29 Giáo Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo.

D. Một vài con số tiêu biểu trong công việc của Công Ðồng

Ðể ý thức được công trình vĩ đại của Công Ðồng, chúng ta lược nhìn qua vài con số tiêu biểu nhất.

Trước hết, chúng ta nói đến các cuộc bỏ phiếu. Có tất cả 538 cuộc bỏ phiếu toàn phần hay từng phần: 33 lần được tổ chức ở kỳ họp đầu tiên, 94 lần ở kỳ họp thứ hai, 150 lần ở kỳ họp thứ ba và 261 lần ở kỳ họp cuối cùng.

Ủy Ban ấn loát của Tòa Thánh phải làm việc ngày đêm. Ở giai đoạn tiền chuẩn bị, họ đã phát hành 19 quyển sách và mỗi quyển gồm 2,000 bản. Tổng cộng các lần phát hành các lược đồ, câu hỏi thăm dò, các bản tường trình, các đề nghị tu chỉnh v.v... mỗi thứ 3,000 bản, lên tới 40 triệu trang. Ngoài ra có khoảng 16 triệu trang khác được in cho các Nghị Phụ sử dụng. Tổng cộng: 150 tấn giấy in. Ðài phát thanh Vaticanô cũng đã làm việc ngày đêm liên miên để thâu băng các phiên họp của Công Ðồng; và để hoàn tất, các chuyên viên đài đã tiêu thụ tới 712 cuốn băng, dài 284,000 mét.

Như vậy, các con số ghi được khả dĩ cho chúng ta thấy tầm mức khổng lồ của các công việc ở Công Ðồng.

E. Những ý hướng chính yếu của Vaticanô II

Bất cứ Công Ðồng nào cũng đều xoay quanh một trục ý thức hệ: hoặc lên án một lạc giáo, hoặc định tín một tín điều. Chẳng hạn ở Công Ðồng Calcedonia, trục ý thức hệ là Kitô học, và ở Vaticanô I là vấn đề tối thượng quyền của Ðức Giáo Hoàng. Vậy với Vaticanô II, đâu là trục ý thức hệ? Ðể có thể có câu trả lời chính xác, dĩ nhiên chúng ta phải chờ đợi lịch sử trong tương lai phê phán. Thế nhưng, hiện tại với những viễn ảnh trông thấy của giai đoạn hậu Công Ðồng, chúng ta cố gắng đưa lên vài điểm chính yếu và chắc chắn làm nền tảng cho Công Ðồng.

1. Vaticanô II: một Công Ðồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội

Giáo Hội là trung tâm điểm cho mọi giáo lý của Vaticanô II. Thật vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Công Ðồng bận tâm về đề mục này: Giáo Hội đi tìm định nghĩa cho chính mình.

Dĩ nhiên, như chúng ta đã biết, Ðức Gioan XXIII tha thiết lưu tâm tới vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Nhưng đồng thời ngài cũng biết rằng Công Ðồng này chưa có thể là một Công Ðồng tái tạo sự hiệp nhất theo đúng nghĩa; vì trên bước đường hiệp nhất, Giáo Hội sẽ gặp không biết bao nhiêu chướng ngại vật và vượt qua được những chướng ngại vật ấy là một điều không thể thực hiện được một sớm một chiều.

Bởi thế, ngài đã quan niệm rằng trước hết phải đổi mới bộ mặt của Giáo Hội, làm tươi trẻ lại các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội, sao cho hợp với nhựa sống luôn mới mẻ của Phúc Âm. Lúc đó, theo Ðức Thánh Cha, chúng ta mới có quyền nói với các anh em ly khai rằng: "Ðây, Giáo Hội thật của Chúa Kitô, xin anh em hãy nhìn vào, hãy chiêm ngưỡng, vì đó cũng chính là Giáo Hội của anh em. Vậy chúng ta hãy hiệp nhất với nhau".

Bởi vậy, Thánh Công Ðồng đã lưu tâm đặc biệt tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, không những vì tầm quan trọng của nó, nhưng Hiến Chế này còn là ánh sáng chiếu soi cho các văn kiện khác. Các văn kiện được công bố không theo lược đồ có sẵn của Ủy Ban soạn thảo, nhưng được kết tạo bằng những đề nghị của các Nghị Phụ mà đời sống nội tâm của Thánh Công Ðồng đã thôi thúc các Ngài chọn lựa và xếp đặt cho thích hợp theo suy tư của các ngài về Giáo Hội.

Giáo Hội do đó được định nghĩa dựa theo các hình ảnh khác nhau của Thánh Kinh. Giáo Hội trước tiên là Dân Thiên Chúa, định nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, vì Giáo Hội muốn làm nổi bật khía cạnh Kitô học, và huyền nhiệm của mình. Giáo Hội là Nước Thiên Chúa để diễn tả tính cách cánh chung và nhiều hình ảnh khác được ám chỉ Giáo Hội như đoàn chiên của Chúa Kitô, cánh đồng, công trình kiến trúc, gia đình của Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau hết, Giáo Hội được quan niệm như Hiền Thê của Chúa Kitô, để cho thấy sự khác nhau cũng như sự thân mật của Giáo Hội với vị Hôn Phu là Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể nói tất cả những văn kiện của Vaticanô II xoay quanh vấn đề Giáo Hội. Hiến Chế về Giáo Hội là một văn kiện Công Ðồng còn lại, cách trực tiếp hay gián tiếp, đề cập tới đời sống của Giáo Hội. Thật vậy, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh nhằm diễn tả nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội; các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục và các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương có mục đích minh định chức vụ điều khiển của Giáo Hội và Hiến Chế về Mạc Khải cũng như Tuyên Ngôn về Giáo Dục đều muốn giải thích quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Lại nữa, để phác họa các chức bậc cũng như cách sống khác nhau trong Giáo Hội, Công Ðồng đã ban hành nhiều văn kiện khác: hai Sắc Lệnh về đời sống và đào tạo Linh Mục đề cập đến các Linh Mục; các dòng tu có Sắc Lệnh về Dòng Tu và giáo dân có Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Cuối cùng, một số văn kiện khác đề cập tới sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh về Hiệp Nhất nhằm diễn tả mối liên lạc với các người ngoài Kitô giáo. Sau hết, với toàn thể thế giới nói chung, Công Ðồng ban hành Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và Tuyên Ngôn về các phương tiện truyền thông xã hội.

Như thế, chúng ta không do dự khi nói rằng Giáo Hội là trung tâm điểm của Vaticanô II.

2. Vaticanô II: Công Ðồng của tự do và đối thoại

Nói lên điều này, chúng ta không muốn ám chỉ rằng những Công Ðồng khác thiếu tự do hoặc thiếu tinh thần đối thoại; vì thực ra Công Ðồng nào tự nó cũng đã là một cuộc đối thoại rồi. Ðiều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là Vaticanô II được coi là Công Ðồng đầu tiên đã biết sử dụng sự tự do như một đề mục để dạy dỗ và lấy tinh thần đối thoại với người ngoài làm chương trình. Ở đây chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng sự tự do sung mãn này không phải là không có nền tảng Thánh Truyền; không một Nghị Phụ nào nghi ngờ các tín lý cổ truyền của Giáo Hội.

Nhiều nhà thần học chủ trương rằng sự bàn cãi lại một vài "chân lý", một số quan niệm và một số thái độ được coi là cổ truyền của Giáo Hội là một vấn đề không thể chấp nhận được nên khi soạn thảo các lược đồ, họ đã mặc nhiên đem tất cả vào bản văn vì coi như những điều chắc chắn. Thế nhưng các Nghị Phụ đã tự do bác bỏ chủ trương đó, vì đối với các ngài, một số các điều ấy vẫn phải được đem ra mổ xẻ lại. Hơn thế nữa, các Nghị Phụ cũng đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị sửa đổi của chính Ðức Giáo Hoàng và ngay cả một lược đồ mà Ðức Giáo Hoàng khuyến khích chấp thuận.

Trong cuộc tranh luận về tự do tôn giáo, lần đầu tiên Thánh Công Ðồng đã minh chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội không úp mở cũng như không e ngại khi phải đề cập tới tự do, bởi chính nhân phẩm của con người đòi hỏi điều đó. Giáo Hội cố gắng thoát ra khỏi "pháo đài" của mình, khỏi "chủ trương khép kín huy hoàng" của mình, để đối thoại và thông cảm với anh em Kitô hữu, với các tôn giáo khác và ngay với anh em vô thần. Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng những giá trị, những nền văn hóa khác nhau cũng như các hệ thống chính trị khác nhau của thế giới.

Vaticanô II là Công Ðồng đầu tiên không có đề mục nào lên án tuyệt thông. Ðây là nét độc đáo của Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.

3. Vaticanô II: Công Ðồng Mục Vụ

Ðức Gioan XXIII mong mỏi Công Ðồng này sẽ là Công Ðồng "mục vụ". Ngài không muốn Công Ðồng dề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông cũng như không bận tâm đến các tín điều. Thực tế, dầu Công Ðồng có hai Hiến Chế Tín Lý (Hiến Chế về Giáo Hội và về Mạc Khải), đó cũng chỉ là những điều được xác định lại, chứ không có một tín điều nào mới.

Dĩ nhiên, nếu cần, Thánh Công Ðồng phải nhắc lại những chân lý tín lý và phải bác bỏ các sai lầm trong các văn kiện. Nhưng hướng đi của Công Ðồng nhằm ở Mục Vụ. Thay vì đưa ra các qui tắc từ những suy luận tiên thiên nơi các "nguyên lý vĩnh cửu", Thánh Công Ðồng đã đi tìm những tiêu chuẩn hướng dẫn thuộc loại đoàn sủng mới nơi những trạng huống thực tại.

Trong tinh thần đó và để dung hòa các khía cạnh trái ngược nhau của các vấn đề, thay vì dùng công thức "hoặc là... hoặc là...", Thánh Công Ðồng chọn công thức "cả... cả...". Như vậy Công Ðồng có thể giảm bớt tình trạng chú trọng đến khía cạnh này mà lãng quên những khía cạnh kia, như Giáo Hội đã gặp phải trong quá khứ. Trong mức độ đứng đắn, Công Ðồng đã tìm dung hòa cả tối thượng quyền Giáo Hoàng cả cộng đoàn tính của các Giám Mục. Công Ðồng đã đặt đúng chỗ cả hàng giáo phẩm cả hàng giáo dân, đã giữ quân bình giữa cả Giáo Hội phổ quát cả Giáo Hội địa phương, giữa cả các giá trị tu trì cả các giá trị phàm trần...

Sau hết tinh thần mục vụ thể hiện rõ rệt nhất trong chiều hướng chung của Thánh Công Ðồng khi chủ trương không chống lại một phần tử nào nhưng nhằm lợi ích cho mọi người, khi Giáo Hội trình bày tất cả sứ mệnh của mình dưới ánh sáng tinh thần phục vụ, Giáo Hội nhận mình như nữ tì, như kẻ được sai đến đem ơn cứu độ cho nhân loại.

4. Vaticanô II: nguồn sáng mới

Công Ðồng không mang lại một tín điều nào mới. Thế nhưng, trong những văn kiện đã công bố, Công Ðồng tạo được một đặc điểm độc đáo khi nỗ lực xác định rõ một số khía cạnh của kho tàng chân lý. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một vài nét điển hình cho đặc điểm này.

Trước hết Công Ðồng đã trình bày một nền thần học về Chúa Thánh Thần, mà từ lâu hầu như bị lãng quên trong Giáo Hội Tây Phương. Việc này được xem là công lao của các Nghị Phụ Ðông Phương. Chẳng hạn ở các văn kiện về Giáo Hội (ví dụ các số 4, 19, 48) và về Truyền Giáo (ví dụ số 4), Công Ðồng đã trình bày rõ ràng quan điểm này. Thứ đến, trong thần học về Mạc Khải, Công Ðồng lại đưa ra một quan niệm mới về chân lý của Thánh Kinh và về linh ứng (x. MK 11).

Nhưng phải nhìn vào quan điểm thần học về Giáo Hội, chúng ta mới thấy rõ những ánh sáng huy hoàng của Công Ðồng. Sự trở về với cộng đoàn tính giám mục, quan niệm về Giáo Hội như bí tích cứu rỗi, như dân Thiên Chúa, hay thái độ mới đối với thế giới v.v... đều là những ánh sáng độc đáo. lại nữa, Công Ðồng cũng đã giải chiếu ánh sáng mới cho tính cách bí tích của hàng GiámMục, cho chức phó tế. Sau cùng, với các bí tích khác. Công Ðồng đã thực sự đem đến bộ mặt mới, sáng sủa. Công Ðồng đã quan niệm bí tích Giải Tội là sự hòa giải không những với Thiên Chúa mà còn với Giáo Hội. Bí Tích Hôn Phối được nhấn mạnh hơn ở khía cạnh tình yêu nhân loại và các mục đích chính yếu; Công Ðồng cũng đưa ra qui chế mới cho các cuộc hôn nhân tạp giáo v.v... Trong bí tích Thánh Thể, Công Ðồng đã khéo léo đổi mới các nghi thức Thánh Lễ. Còn về quan điểm thần học chủ trương giáo lý mới về "chức linh mục phổ quát nơi mọi giáo dân", thì chúng ta cần phải đợi thời gian mới thấy kết quả. Sau hết, tính cách cánh chung là một ánh sáng mới được đưa vào trong tất cả các lãnh vực thần học, ví dụ khía cạnh cánh chung của Giáo Hội lữ hành (x. GH ch 7), của hoạt động truyền giáo (x. TG 9) của đời sống dòng tu (x. GH 44) v.v...

 

III. Có Thể Có Vaticanô III Không?

 

Ðặt câu hỏi trên, chúng ta không nghĩ rằng Công Ðồng Vaticanô II đã lỗi thời. Nhưng ý kiến của chúng ta được nêu lên có mục đích tìm hiểu chỗ đứng hiện tại của Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.

Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, một Công Ðồng phải được quan niệm như là một bổ túc cho Công Ðồng trước và trở thành nhịp cầu để nối kết Công Ðồng mới trong tương lai. Thế giới tiến bộ nhanh chóng và Giáo Hội cần thích ứng không ngừng theo dòng lịch sử, nếu Giáo Hội không muốn lùi bước. Ðàng khác, ngay từ Công Ðồng Nicea, trong định thức số 5, Giáo Hội cũng đã đòi hỏi rằng các Giám Mục trong một giáo tỉnh phải họp nhau mỗi năm hai lần. Dĩ nhiên, nguyên tắc điều khiển giáo tỉnh theo thể chế Công Ðồng nói ở đây phải hòa hợp với tối thượng quyền của Giáo Hoàng trong những phạm vi thuộc toàn thể Giáo Hội: tuy nhiên tính cách cộng đoàn của Giám Mục được Vaticanô II cổ võ nói lên phương thức làm việc theo thể chế Công Ðồng từng thịnh hành trong nhiều thời đại trước.

Vào thế kỷ thứ XIX, vì quan tâm tìm kiếm một bảo đảm vững chắc cho giáo lý của Giáo Hội, Công Ðồng Vaticanô I lúc đó đã đi tới định tín quyền bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Do định tín ấy, người ta đã lầm tưởng rằng thời đại Công Ðồng đã chấm dứt. Thế rồi, trong thời đại hiện tại của chúng ta, vì nhu cầu của tính cách cộng đoàn Giám Mục đòi hỏi, Giáo Hội đã thiết lập các Thượng Hội Ðồng Giám Mục rồi cũng vì đó, nhiều người hiện nay nghĩ rằng không cần thiết phải triệu tập các Công Ðồng Chung nữa. Họ đã lầm tưởng, một lầm tưởng sâu xa. Thực ra Công Ðồng Vaticanô II đã khai mào những viễn ảnh mới, báo hiệu cho một Công Ðồng trong tương lai để bổ túc, cũng như Vaticanô II đã làm nhiệm vụ bổ túc cho Công Ðồng trước.

Nhìn vào thực tại, chúng ta thấy rằng nếu Vaticanô II đã cố gắng dung hòa sự chia cách giữa Giáo Hoàng và Giám Mục thì cũng cần phải có một Công Ðồng trong những ngày sắp tới để tìm lại mức quân bình cho hàng Giám Mục với hàng linh mục mà thực tế đang cách biệt trầm trọng. Nói tổng quát hơn, cần đến một Công Ðồng trong tương lai để tìm ra những dây liên lạc chân thực giữa giáo sĩ và giáo dân, nghĩa là có mục đích tìm hiểu và đề cập đến các vấn đề liên quan tới linh mục và giáo dân, cũng như Vaticanô II đã đặt vấn đề ấy với các Giám Mục.

Hơn nữa, ý hướng hiệp nhất của Vaticanô II chỉ mới ở những bước đầu. Công Ðồng này đã rộng mở những cánh cửa mới để có lẽ với cố gắng của một Công Ðồng trong tương lai, những ai còn ở ngoài Giáo Hội sẽ vào trong Giáo Hội. Sự hiện diện của "các quan sát viên" ở Công Ðồng Vaticanô II tiên báo sự tham dự của toàn thế giới trong một Công Ðồng mới hoàn toàn hiệp nhất, ở đó tính cách Công Giáo sẽ đạt tới sung mãn. Rồi nếu các cộng đoàn anh em ly khai là những Giáo Hội chân thật, họ sẽ cần hiện diện thực sự với Giáo Hội chúng ta. Hơn thế nữa, bởi vì các Giám Mục các Giám Mục Chính Thống cũng là những người kế vị thật của các Tông Ðồ, không có lý do gì họ lại không có quyền đến họp vớ anh em thật của họ, với người kế vị Thánh Phêrô, trong một Công Ðồng thật sự hiệp nhất mà chúng ta mong ước.

Chúng ta đặt trọn niềm hy vọng vào sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tất cả chúng ta đều tiến theo con đường tươi đẹp nhất, cho dầu nẻo đường đó có thể không phù hợp với những tính toán nhân loại và giới hạn của chúng ta.

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page