Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

Của Giáo Hội

Ad Gentes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương V

Tổ Chức Hoạt Ðộng Truyền Giáo 39*

 

28. Nhập đề. Các Kitô hữu vì có những ân huệ khác nhau 1, nên mỗi người phải cộng tác vào Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng đặc sủng và chức vụ 2 của mình. Do đó tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt 3, kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất với nhau 4, để "khi cùng nhau hướng về một mục đích cách tự do và trật tự" 5, họ đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội.

Vì thế công việc của những người rao giảng Phúc Âm và sự trợ giúp của các Kitô hữu khác phải được hướng dẫn và tập trung thế nào, để trong mọi lãnh vực hoạt động và hợp tác truyền giáo "mọi sự đều được thực hiện theo trật tự" (1Cor 14,40).

29. Tổ chức tổng quát. Vì nhiệm vụ loan báo Phúc Âm cho toàn thế giới trước hết là việc của Giám Mục Ðoàn 6, nên Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tức "Hội Ðồng Giám Mục thường trực để lo cho toàn thể Giáo Hội" 7, giữa những công tác có tầm quan trọng tổng quát khác 8, phải đặc biệt lưu tâm đến hoạt động truyền giáo, một phận vụ rất quan trọng và rất thánh thiện của Giáo Hội 9.

Ðể lo cho các xứ truyền giáo và cho mọi hoạt động truyền giáo, phải có một Thánh Bộ duy nhất có thẩm quyền, tức là "Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin"; Thánh Bộ này điều khiển và phối hợp chính công cuộc truyền giáo cũng như sự hợp tác truyền giáo trên toàn thế giới; tuy nhiên quyền của các Giáo Hội Ðông Phương vẫn còn nguyên vẹn 10.

Vẫn biết Chúa Thánh Thần có nhiều cách thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong Giáo Hội Chúa, và đôi khi đã đi trước hành động của những vị hướng dẫn đời sống Giáo Hội; tuy nhiên, riêng về phần mình, Thánh Bộ này cũng phải phát động ơn kêu gọi và tinh thần truyền giáo, nhiệt tâm và kinh nguyện cho các xứ truyền giáo, và phải thông báo những tin tức chính xác và đầy đủ về những xứ đó. Thánh Bộ cũng phải cổ võ và phân phối các nhà truyền giáo tùy nhu cầu khẩn cấp hơn của các miền. Thánh Bộ lại phải sắp đặt kế hoạch hoạt động cho có quy củ, ban bố những tiêu chuẩn hướng dẫn và những nguyên tắc thích nghi với việc rao giảng Phúc Âm, và thúc đẩy công việc đó nữa. Thánh Bộ phải phát động và phối hợp việc đóng góp hữu hiệu tiền trợ cấp và phân phát tùy theo nhu cầu hay lợi ích, theo diện tích, theo số tín hữu và lương dân, theo số công tác và tổ chức cũng như theo số thừa tác viên và nhà truyền giáo.

Hợp với Văn Phòng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, Thánh Bộ phải tìm đường lối và phương tiện để tạo ra cũng như tổ chức sự cộng tác huynh đệ và cả việc hòa hợp với những kế hoạch truyền giáo của các cộng đoàn Kitô giáo khác, hầu tẩy trừ các gương xấu chia rẽ càng nhiều càng hay.

Bởi vậy Thánh Bộ này cần phải vừa là phương tiện điều hành, vừa là cơ quan chỉ đạo sống động, biết xử dụng những phương pháp khoa học và những phương tiện thích nghi với các hoàn cảnh hiện đại, nghĩa là chú trọng đến các khảo cứu hiện thời về thần học, phương pháp học và mục vụ truyền giáo.

Trong việc điều hành Thánh Bộ này, phải có phần tích cực với phiếu quyết định của những đại biểu được chọn trong số tất cả những người cộng tác vào công cuộc truyền giáo: đó là các Giám Mục từ khắp hoàn cầu, sau khi đã lãnh ý các Hội Ðồng Giám Mục và những vị Giám Ðốc các tổ chức và các Hội Giáo Hoàng, theo cách thức và quy tắc do Ðức Giáo Hoàng ấn định. Tất cả những vị này được triệu tập theo định kỳ để thực thi công việc điều hành tối cao của toàn thể công cuộc truyền giáo dưới quyền Ðức Giáo Hoàng.

Thánh Bộ này cũng phải có một Ủy Ban Cố Vấn thường trực, gồm những người chuyên môn, đầy kiến thức và kinh nghiệm; trong các công việc của họ, những người này còn có nhiệm vụ thu thập những tài liệu cần biết về hoàn cảnh địa phương của các miền và về tâm tính của những nhóm người khác nhau, cũng như về những phương pháp cần phải áp dụng cho việc rao giảng Phúc Âm và đưa ra những kết luận có nền tảng khoa học cho công cuộc truyền giáo và việc cộng tác truyền giáo.

Những Hội Dòng Nữ, cũng như các công cuộc địa phương giúp các xứ truyền giáo và cả những tổ chức giáo dân, nhất là những tổ chức quốc tế, đều phải được đại diện một cách thích đáng.

30. Tổ chức địa phương ở các xứ truyền giáo. Ðể thi hành công cuộc truyền giáo này đạt tới mục đích và kết quả, mọi người làm việc truyền giáo phải có một "con tim duy nhất và một tâm hồn duy nhất" (CvTđ 4,32).

Ðức Giám Mục 40* là vị chỉ huy và là trung tâm hiệp nhất việc tông đồ giáo phận, có nhiệm vụ phát động, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo thế nào để duy trì và cổ võ lòng nhiệt thành của những người tham gia vào công việc này. Hết mọi nhà truyền giáo, kể cả những tu sĩ miễn trừ, phải phục quyền Ngài trong những công tác nhằm thi hành việc tông đồ thánh 11. Ðể phối hợp công việc tốt đẹp hơn, Ðức Giám Mục nếu có thể nên thiết lập Hội Ðồng Mục Vụ, trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều được góp phần qua những đại biểu được tuyển chọn. Ngoài ra, Giám Mục phải lo liệu để hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải dành một phần nhân lực và vật lực tương đương vào việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo.

31. Phối hợp hoạt động trong miền. Các Hội Ðồng Giám Mục phải đồng lòng cứu xét những chuyện quan trọng hơn và những vấn đề khẩn cấp hơn, nhưng không được xem nhẹ những dị biệt địa phương 12. Ðể khỏi phân tán nhân lực và vật lực còn thiếu thốn, và để khỏi gia tăng những công cuộc không cần thiết, nên hợp lực thiết lập những công tác phục vụ lợi ích chung, thí dụ chủng viện, các trường cao đẳng hay kỹ thuật, những trung tâm mục vụ, giáo lý, phụng vụ và cả những trung tâm cho các phương tiện truyền thông xã hội.

Cũng phải tùy tiện mà thiết lập sự cộng tác như vậy giữa các Hội Ðồng Giám Mục khác nhau.

32. Phối hợp hoạt động của các tổ chức. Cũng nên phối hợp hoạt động của các Tổ Chức hay Hội Ðoàn trong Giáo Hội. Mọi tổ chức đó, bất cứ thuộc loại nào, trong bất cứ điều gì liên quan đến chính hoạt động truyền giáo, đều phải tùy phục Ðấng Bản Quyền địa phương. Vì thế, sẽ rất hữu ích nếu đi đến những hợp đồng riêng để qui định những liên lạc giữa Ðấng Bản Quyền và vị Giám Mục của Tổ Chức.

Khi một địa hạt được ủy thác cho một Tổ Chức nào, thì Bề Trên của Giáo Hội địa phương và của Tổ Chức đó phải để tâm qui hướng mọi sự đến mục đích này là để cộng đoàn Kitô giáo mới mẻ được phát triển thành một Giáo Hội địa phương; việc quản trị Giáo Hội này sẽ được trao cho Chủ Chăn cùng với hàng giáo sĩ riêng của mình vào lúc thuận tiện. Sau khi việc ủy thác một địa hạt chấm dứt, một hoàn cảnh mới sẽ phát sinh, khi đó các Hội Ðồng Giám Mục và các Tổ Chức phải đồng lòng ấn định những tiêu chuẩn hướng dẫn mối tương quan giữa các Ðấng Bản Quyền và các Tổ Chức 13. Còn Tòa Thánh có nhiệm vụ phác họa những nguyên tắc tổng quát để theo đó mà ký kết những hợp đồng miền, hoặc cả những hợp đồng riêng tư nữa.

Tuy các Tổ Chức sẵn sàng tiếp tục công việc đã khởi xướng, bằng cách cộng tác vào các thừa tác vụ thông thường là coi sóc các linh hồn, nhưng khi hàng giáo sĩ địa phương tăng triển, phải trù liệu để các Tổ Chức theo mức độ thích hợp với mục đích mình, vẫn còn trung thành với chính giáo phận bằng cách quảng đại lãnh nhận những công tác đặc biệt hay một vùng nào đó trong giáo phận.

33. Phối hợp giữa các tổ chức. Những Tổ Chức 41* đang chăm lo công việc truyền giáo trong cùng một địa hạt phải tìm đường lối và phương pháp phối hợp công tác. Vì thế rất cần phải có những Hội Ðồng Nam Tu và Hiệp Hội Nữ Tu với sự tham gia của mọi tổ chức trong cùng một nước hay một miền. Các Hội Ðồng này phải tìm xem có thể cùng nhau cố gắng làm được những gì, và phải liên kết chặt chẽ với các Hội Ðồng Giám Mục.

Vì lý do tương tự, tất cả những điều trên cũng nên được mang ra áp dụng vào việc cộng tác giữa những Tổ Chức truyền giáo ngay tại quê hương, để có thể giải quyết các vấn đề và các công cuộc chung một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn, chẳng hạn như việc huấn luyện về giáo thuyết cho các nhà truyền giáo tương lai, những khóa học cho những nhà truyền giáo, những liên lạc với chính quyền hay với những cơ quan quốc tế và siêu quốc gia.

34. Phối hợp giữa các viện khoa học. Một hoạt động truyền giáo được thực thi đúng đắn và có tổ chức chặt chẽ đòi hỏi các thợ rao giảng Phúc Âm phải được chuẩn bị cho nhiệm vụ mình một cách khoa học, nhất là để đối thoại với các tôn giáo và văn hóa ngoài Kitô giáo. Họ phải được giúp đỡ một cách hữu hiệu ngay trong khi thi hành chức vụ; do đó ước mong rằng: để giúp đỡ các xứ truyền giáo, cần có sự cộng tác huynh đệ và quảng đại giữa những Tổ Chức khoa học đang nghiên cứu khoa truyền giáo và những môn học hay nghệ thuật khác giúp ích cho các xứ truyền giáo như nhân chủng học, ngôn ngữ học, lịch sử học, tôn giáo học, xã hội học, những nghệ thuật mục vụ và những môn tương tự.

 


Chú Thích:

39* Công việc truyền giáo thật vĩ đại, về phương diện địa lý cũng như về mục đích nhằm thực hiện. Một công trình như thế muốn thành công, cần phải có tổ chức. Chương V đề cập đến tổ chức này. Vì hoạt động truyền giáo là một bổn phận chính yếu của Giáo Hội, nên có thể khảo sát việc tổ chức này trên ba phương diện: phổ quát, theo miền và địa phương. Trên phương diện phổ quát, có vấn đề kế hoạch hóa và điều khiển hoạt động truyền giáo tổng quát. Theo nguyên tắc cộng đoàn, trách nhiệm rao giảng cho muôn dân là trách nhiệm của Giám Mục Ðoàn với Ðức Giáo Hoàng (số 28; GH số 23). Nhưng trong thực tế các ngài hoạt động dưới hình thức cụ thể nào? Theo Sắc Lệnh thì có hai cách: việc chỉ huy và điều khiển công việc truyền giáo tổng quát là bổn phận của Ðức Thánh Cha với "Hội Ðồng Giám Mục thường trực để lo cho toàn thể Giáo Hội". Trên phương diện quản trị và thi hành, thì Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin chịu trách nhiệm với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng. Sắc Lệnh không quảng diễn điểm thứ hai này (số 29). Nhưng với Thánh Bộ Ðức Tin thì có hai điểm được xác định: các Giám Mục hội viên phải được tuyển chọn sau khi tham khảo ý kiến của các Hội Ðồng Giám Mục. Hơn nữa, các đại diện của những người cộng tác vào việc truyền giáo phải góp phần tích cực với quyền biểu quyết ngay cả trong Thánh Bộ. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ dựa trên nguyên tắc cộng đoàn. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Rm 12,6. (Trở lại đầu trang)

2 Xem 1Cor 3,10. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Gio 4,37. (Trở lại đầu trang)

4 Xem 1Cor 3,8. (Trở lại đầu trang)

5 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 18: AAS 57 (1965), trg 22. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23: AAS 57 (1965), trg 28. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Tự sắc Apostolica Sollicitudo, 15-9-1965: AAS 57 (1965), trg 776. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Phaolô VI, Diễn từ ngày 21-11-1964 tại Công Ðồng: AAS 56 (1964), trg 1011. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 39-40. (Trở lại đầu trang)

10 Nếu vì lý do nào đó mà đến nay một số xứ truyền giáo vẫn còn tạm thời tùy thuộc vào nhiều Thánh Bộ khác, thì phải làm thế nào để các Thánh Bộ đó có liên lạc với Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, hầu có thể có một phương pháp cũng như một nguyên tắc hoàn toàn cố định và đồng nhất trong việc tổ chức và điều khiển mọi xứ truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

40* Trên bình diện địa phương, chính Giám Mục là người phải điều khiển hoạt động truyền giáo (số 30). Trên phương diện miền, chính Hội Ðồng Giám Mục miền có trách nhiệm (số 31). (Trở lại đầu trang)

11 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 35, 4. (Trở lại đầu trang)

12 Xem n.t., số 36-38. (Trở lại đầu trang)

13 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 35, 5-6. (Trở lại đầu trang)

41* Vì trong các xứ truyền giáo các tổ chức tôn giáo hay các tổ chức khác hoặc truyền giáo hoặc có tính cách khoa học, thường đóng vai trò quan trọng, nên Sắc Lệnh cũng đề cập đến việc sắp đặt cũng như phối hợp hoạt động truyền giáo của những tổ chức đó (số 32-34). Những thỏa hiệp giữa những tổ chức truyền giáo và các Giám Mục địa phương sẽ xúc tiến việc phối hợp hoạt động truyền giáo. Giữa các tổ chức truyền giáo, phải có Ủy Ban để thỏa thuận đưa ra một vài phương thế chung, hầu phục vụ việc truyền giáo. Sắc lệnh cũng nhấn mạnh cần phải biểu dương công giáo tính thật sự của việc truyền giáo bằng cách vượt qua mọi tính cách riêng tư cũng như mọi hình thức lấn áp quyền hành. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page