Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

Của Giáo Hội

Ad Gentes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương IV

Các Nhà Truyền Giáo 34*

 

23. Ơn gọi truyền giáo. Dù mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin 1, nhưng Chúa Kitô luôn gọi, trong số các môn đệ Người, những kẻ chính Người muốn, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân 2. Vì thế nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng tùy ý ban phát các đặc sủng để mưu lợi ích chung 3, Chúa Kitô linh ứng ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy trong Giáo Hội có những tổ chức 4 đảm nhận như một bổn phận riêng nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm 35* của toàn thể Giáo Hội.

Do đó, những người có năng khiếu bẩm sinh thích ứng, đủ khả năng tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng lãnh nhận công cuộc truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt 5, 36* dù họ là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.

Ðược quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Kitô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi hành 6 như là những thừa tác viên của Phúc Âm, "để việc phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần" (Rm 15,16).

24. Ðường tu đức của nhà truyền giáo. Tuy nhiên, con người phải đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa mà hoàn toàn dấn thân Phục vụ Phúc Âm 37*, chứ không nghe theo xác thịt và máu mủ 7. Nhưng sự đáp lại này không thể thực hiện nếu không được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và củng cố. Thật vậy, kẻ được sai đi phải thấm nhuần đời sống và sứ mệnh của Ðấng đã "tự hủy mình mà nhận lấy thân phận tôi tớ" (Ph 2,7). Do đó, họ phải sẵn sàng để suốt đời đứng vững trong ơn gọi của mình, phải từ bỏ mình và những gì mình có từ trước đến nay và "trở nên mọi sự cho mọi người" 8.

Trong khi rao giảng Phúc Âm giữa muôn dân, nhà truyền giáo phải mạnh dạn và tin tưởng làm cho người ta nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô mà họ là sứ giả, đến nỗi trong Người, họ dám nói như phải nói 9, và không xấu hổ về ô nhục của thập giá. Theo gương Thầy mình, Ðấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, họ phải tỏ ra ách Người êm ái và gánh Người nhẹ nhàng 10. Họ phải làm chứng về Chúa của họ bằng đời sống Phúc Âm đích thực 11, đầy kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu, yêu mến chân thành 12, và nếu cần, họ sẽ đổ máu ra. Họ sẽ nài xin Thiên Chúa lòng can đảm và sức mạnh để nhận ra nguồn vui sung mãn trong nhiều thử thách khổ tâm và thiếu thốn cực độ 13. Họ phải xác tín rằng đức vâng phục là sức mạnh đặc biệt của những thừa tác viên của Chúa Kitô, Ðấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại.

Những nhà rao giảng Phúc Âm đừng hờ hững với ân sủng đã lãnh nhận mà phải tự canh tân tâm trí mỗi ngày 14. Vì thế, các Ðấng Bản Quyền và Bề Trên phải hội họp các nhà truyền giáo vào những thời gian nhất định, để họ được củng cố bằng niềm cậy trông của ơn gọi, và được canh tân trong thừa tác vụ tông đồ; lại cũng nên lập các cơ sở thích nghi với mục đích này.

25. Huấn luyện đời sống thiêng liêng và luân lý. Ðể đảm nhận công tác cao trọng đó, nhà truyền giáo tương lai phải được huấn luyện đặc biệt về đời sống thiêng liêng và luân lý 15. Thực vậy, họ phải mau mắn khởi xướng, kiên trì hoàn tất công việc, bền chí trong khó khăn, nhẫn nại và can đảm chịu đựng nỗi cô quạnh, sự mệt nhọc và những cố gắng vô hiệu. Họ sẽ đến cùng mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, tình nguyện lãnh nhận nhiệm vụ được giao phó, quảng đại thích nghi cả với những phong tục khác thường của các dân tộc và những điều kiện sinh hoạt đổi thay, đồng tâm, tương ái cộng tác với anh em và mọi người đang hiến thân cho cùng một công việc, để theo gương cộng đoàn thời các Tông Ðồ, họ cùng với các tín hữu họp thành một con tim và một tâm hồn duy nhất 16.

Ngay trong thời kỳ huấn luyện, những tâm hướng đó phải được chuyên tâm thực hành, trau dồi và phát triển, nuôi dưỡng bằng đời sống thiêng liêng. Thấm nhuần đức tin sống động và đức cậy vững vàng, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải được nung đúc bằng tinh thần can đảm, yêu thương và độ lượng 17; phải học quen tự túc trong mọi hoàn cảnh 18; phải lấy tinh thần hy sinh mà mang trên mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để sự sống Chúa Giêsu tác động trong những người họ được sai đến 19; vì lòng nhiệt thành với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tận hiến chính bản thân cho các linh hồn 20, để như vậy họ "gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày" 21. Như thế, vâng theo ý Ðức Chúa Cha, họ sẽ cùng với Chúa Kitô tiếp tục sứ mệnh của Người dưới quyền phẩm trật trong Giáo Hội, và sẽ cộng tác vào mầu nhiệm cứu rỗi.

26. Huấn luyện giáo lý và làm tông đồ. Như những thừa tác viên xứng đáng của Chúa Kitô, những ai được sai đến với các dân tộc phải được nuôi dưỡng "bằng lời lẽ đức tin và giáo lý lành thánh" (1Tm 4,6) mà họ sẽ múc lấy, trước hết từ Thánh Kinh, trong khi đào sâu Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Ðấng họ phải rao giảng và làm chứng.

Bởi vậy, mọi nhà truyền giáo - linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân - đều phải được chuẩn bị và đào tạo theo hoàn cảnh riêng của mỗi người để khỏi thiếu những khả năng đáp ứng với những đòi hỏi của công việc mai sau 22. Ngay từ đầu, việc huấn luyện giáo thuyết cho họ phải được tổ chức thế nào để vừa bao hàm tính cách phổ quát của Giáo Hội vừa gồm sự dị biệt của các dân tộc. Ðiều đó cũng có giá trị đối với các môn học mà họ phải trau dồi để hoàn thành thừa tác vụ, cũng như đối với những khoa học hữu ích khác, giúp họ có kiến thức chung thuộc về quá khứ cũng như trong hiện tại về các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo. Như thế nghĩa là bất cứ ai sẽ đến với dân tộc khác, phải hết sức mến chuộng di sản, tiếng nói và phong tục của dân tộc đó. Nhà truyền giáo tương lai trước hết cần phải miệt mài học hỏi khoa truyền giáo, tức là thấu hiểu giáo thuyết và những quy tắc của Giáo Hội về hoạt động truyền giáo, biết đường lối mà các nhà rao giảng Phúc Âm đã từng trải qua bao thế kỷ, và cả tình trạng truyền giáo hiện thời, cùng những phương pháp hiện nay được coi là hiệu nghiệm hơn cả 23.

Mặc dầu việc giáo dục toàn hảo này chú tâm đặc biệt đến phương diện mục vụ, nhưng cũng phải chú ý tới việc đào tạo tinh thần tông đồ một cách đặc biệt và có hệ thống cả về giáo thuyết lẫn thực hành 24.

Phải có một số rất đông nam nữ tu sĩ được học hỏi và chuẩn bị kỹ lưỡng về nghệ thuật dạy giáo lý để họ có thể cộng tác vào việc tông đồ một cách đắc lực hơn nữa.

Cả những người chỉ đảm nhận một phần công tác truyền giáo trong một thời gian cũng cần phải được huấn luyện tương xứng với hoàn cảnh của họ.

Những loại huấn luyện này phải được bổ túc ở chính những nơi mà họ được sai tới, để các nhà truyền giáo hiểu biết rộng rãi hơn về lịch sử, cơ cấu xã hội và tập quán của các dân tộc, thấu triệt trật tự luân lý, luật lệ tôn giáo và cả những ý tưởng thâm sâu mà theo truyền thống thiêng liêng, các dân tộc có quan niệm về Thiên Chúa, về vũ trụ và về con người 25. Do đó, họ phải học biết tiếng nói đến mức độ có thể xử dụng thông thạo và trôi chảy, như thế họ tìm thấy đường lối đến với tâm trí và con tim con người một cách dễ dàng hơn 26. Ngoài ra, họ phải được khai tâm đúng đắn về những nhu cầu mục vụ riêng biệt.

Cũng phải có một số nhà truyền giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn tại những Học Viện Truyền Giáo, hoặc những Phân Khoa hay Ðại Học khác để họ có thể thi hành những trách vụ đặc biệt một cách hữu hiệu hơn 27, và nhờ sự uyên bác của mình mà có thể giúp đỡ những nhà truyền giáo khác trong việc truyền giáo, nhất là trong thời đại chúng ta với nhiều khó khăn đồng thời cũng nhiều thuận tiện. Lại nữa, cũng rất mong ước các Hội Ðồng Giám Mục Miền có sẵn trong tay nhiều nhà chuyên môn như thế và xử dụng kiến thức, kinh nghiệm của họ một cách hữu hiệu trong những nhu cầu của chức vụ mình. Cũng nên có những người biết xử dụng thông thạo các dụng cụ kỹ thuật và truyền thông xã hội mà mọi người phải quý chuộng tầm quan trọng đặc biệt của chúng.

27. Các hội thừa sai. Tuy tất cả những điều đó đều hoàn toàn cần thiết cho bất cứ ai được sai đến với các dân tộc, nhưng từng cá nhân khó có thể thực sự đạt tới được. Hơn nữa, vì kinh nghiệm đã chứng minh rằng chính công việc truyền giáo không thể do từng người riêng rẽ chu toàn được, nên những người có cùng một ơn kêu gọi sẽ hợp thành những Tổ Chức, 38* để nhờ chung sức với nhau, họ được huấn luyện một cách thích hợp và theo đuổi công việc đó nhân danh Giáo Hội và theo ý muốn của hàng Giáo Phẩm. Từ nhiều thế kỷ nay, những Tổ Chức này đã mang gánh nặng của tháng ngày và của nóng nực, đã tự hiến trọn vẹn hoặc một phần cho công việc truyền giáo vất vả. Thường thường, Tòa Thánh ủy thác cho họ việc rao giảng Phúc Âm cho những vùng đất rộng lớn, ở đó họ tụ họp cho Thiên Chúa một dân tộc mới, một Giáo Hội địa phương liên kết chặt chẽ với các chủ chăn mình. Ðối với các Giáo Ðoàn mà họ đã xây dựng bằng mồ hôi và cả bằng máu mình, họ đem hết lòng nhiệt thành và kinh nghiệm để phục vụ trong tinh thần cộng tác huynh đệ, hoặc bằng việc săn sóc các linh hồn, hoặc bằng cách chu toàn những công tác đặc biệt nhằm lợi ích chung.

Ðôi khi họ sẽ đảm nhận một số công tác khẩn cấp hơn cho cả một miền, chẳng hạn việc rao giảng Phúc Âm cho những nhóm người hay những dân tộc, mà vì những lý do riêng, có lẽ chưa nhận được, hoặc vẫn còn chống lại sứ điệp Phúc Âm 28.

Nếu cần, họ phải sẵn sàng dùng kinh nghiệm mình mà huấn luyện và giúp đỡ những người hiến thân trong một thời gian cho hoạt động truyền giáo.

Vì những lý do trên và vì vẫn còn nhiều dân tộc phải được dẫn về với Chúa Kitô, nên những tổ chức đó còn hết sức cần thiết.

 


Chú Thích:

34* Hoạt động truyền giáo có bản tính và mục đích riêng biệt. Vì thế nó phải có những người thợ được chỉ định và được đặc biệt chuẩn bị. Ðó là các vị truyền giáo. Có những cái nhìn mơ hồ được phổ biến đó đây quan niệm rằng các nhà truyền giáo chỉ có tính cách phụ thuộc, và làm lu mờ hình ảnh cũng như vai trò của họ. Nhưng các Giám Mục xứ truyền giáo và với các ngài cả Công Ðồng mong ước rằng các nhà truyền giáo phải được xác định một cách trọn vẹn, được diễn tả và khuyến khích qua một sắc lệnh. Thật vậy, dù cả Giáo Hội phải truyền giáo, nhưng Thánh Kinh cũng cho thấy có một số người được cắt đặt rao giảng Phúc Âm (CvTđ 13,2; Rm 1,1). Chủ đề chương IV là ơn kêu gọi, ý niệm, vai trò và việc huấn luyện một nhà truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

1 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 21. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Mc 3,13t. (Trở lại đầu trang)

3 Xem 1Cor 12,11. (Trở lại đầu trang)

4 "Tổ chức" ở đây hiểu là các Dòng Tu, Hội Dòng, Tu Hội và các Hiệp Hội làm việc truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

35* Ở đây (ngay chương này cũng như chương VI) danh từ truyền bá Phúc Âm hiểu theo nghĩa rộng và bao hàm: việc truyền giáo, rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội, gọi tắt là công việc truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69-71. - Piô XII, Tđ. Saeculo exeunte, 13-6-1940: AAS 32 (1940), trg 256; Tđ. Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 506. (Trở lại đầu trang)

36* Ðoạn này cho ta một khái niệm đúng về nhà truyền giáo và hình như cải chính một ý tưởng thông thường về nhà truyền giáo. Theo dân chúng, nhà truyền giáo là một người da trắng, một người Âu Châu, một người lìa bỏ quê hương và văn minh của mình. Những phương diện đó có thể đúng, nhưng không thiết yếu. Khi giải thích đoạn này cho các Nghị Phụ, Ủy Ban đặc trách vấn đề truyền giáo đã nêu lên 5 yếu tố trong khái niệm về nhà truyền giáo: nhà truyền giáo phải là: 1) người được tách rời, nghĩa là được đại diện để thi hành một hoạt động chuyên biệt; 2) được Bản Quyền Giáo Hội sai đi; 3) phải ra đi, nghĩa là mang Giáo Hội đến những nơi chưa có Giáo Hội; 4) đến nơi xa, không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng theo nghĩa thiêng liêng: đi từ một nơi Giáo Hội được vun trồng đến một nơi ngoại giáo, nơi mà Giáo Hội còn vắng mặt và phải được vun trồng; 5) để rao giảng Phúc Âm như một sứ giả chân chính và thi hành mọi công việc của một vị truyền giáo. Thật vậy, Sắc Lệnh nêu lên các đặc tính thiết yếu đó. Nếu vậy, những ai hội đủ các yếu tố trên, đều là những nhà truyền giáo chân chính, dù họ là người địa phương, ngoại quốc, linh mục, tu sĩ hay giáo dân. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CvTđ 13,2. (Trở lại đầu trang)

37* Bức chân dung vị truyền giáo được phác họa ra đây là theo mẫu Chúa Kitô. Vị truyền giáo biểu lộ các đặc tính chính yếu của Người. Ðang khi cố gắng diễn tả hết sức hình ảnh Chúa Kitô nơi mình thì vị truyền giáo đồng thời phải trở nên chính Người. Ngay từ đoạn đầu, một chương trình vĩ đại cho vị truyền giáo đã được phác họa: hoàn toàn ràng buộc vào việc rao giảng Phúc Âm sẵn sàng sống trong ơn gọi đó suốt đời, khước từ chính bản thân và tất cả những gì mình có. Các yêu sách đó nặng nề đến nỗi không ai có thể đáp ứng được nếu không có sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Gal 1,16. (Trở lại đầu trang)

8 Xem 1Cor 9,22. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Eph 6,19tt.; CvTđ 4,31. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Mt 10,29tt. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 449-450. (Trở lại đầu trang)

12 Xem 2Cor 6,4tt. (Trở lại đầu trang)

13 Xem 2Cor 8,2. (Trở lại đầu trang)

14 Xem 1Tm 4,14; Eph 4,23; 2Cor 4,16. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 448-449. - Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951) trg 507.

Việc đào tạo các linh mục truyền giáo cũng được CÐ Vat. II đề cập trong Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục. (Trở lại đầu trang)

16 Xem CvTđ 2,42; 4,32. (Trở lại đầu trang)

17 Xem 2Tm 1,7. (Trở lại đầu trang)

18 Xem Ph 4,11. (Trở lại đầu trang)

19 Xem 2Cor 4,10tt. (Trở lại đầu trang)

20 Xem 2Cor 12,15tt. (Trở lại đầu trang)

21 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 41: AAS 57 (1965), trg 46. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 440. - Piô XII, Tđ. Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. (Trở lại đầu trang)

23 Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 448. - Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Sắc lệnh 20-5-1923: AAS 15 (1923), trg 369-370. - Piô XII, Tđ. Saeculo exeunte, 2-6-1940: AAS 32 (1940), trg 256. - n.t., Tđ. Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 843-844. (Trở lại đầu trang)

24 CÐ Vat. II, Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục, số 19-21. - X. thêm Tông hiến Sedes Sapientiae với những qui luật chung, 21-5-1956: AAS 48 (1956), trg 354-365. (Trở lại đầu trang)

25 Piô XII, Tđ. Evangelii praecones: AAS 43 (1951), trg 523-524. (Trở lại đầu trang)

26 Benedictô XV, Tđ. Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 448. - Piô XII, Tđ. Evangelii praecones: AAS 43 (1951), trg 507. (Trở lại đầu trang)

27 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 15-6-1957: AAS 49 (1957), trg 234. (Trở lại đầu trang)

38* Những Tổ Chức truyền giáo dưới những hình thức khác nhau trong số này mang đầy đủ ý nghĩa, vì chỉ có những tổ chức này mới có thể bảo đảm công trình chuẩn bị và thích nghi kỹ thuật cho những nỗ lực truyền giáo. Tuy nhiên, những quả quyết đáng ca tụng đó không giải quyết các vấn đề rất nghiêm trọng được đặt ra, nhất là trong thời đại chúng ta, về cơ cấu của những tổ chức truyền giáo thuần túy, về những tương quan với Giám Mục, với những thể thức hoạt động truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

28 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 10, chỗ nói về các giáo phận, các giám mục biệt hạt, và các miền tương tự. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page