Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

Của Giáo Hội

Ad Gentes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương III

Các Giáo Hội Ðịa Phương 28*

 

19. Sự tiến triển của các Giáo Hội trẻ. Việc gieo trồng Giáo Hội trong một nhóm người nhất định kể như là đã đạt tới mục đích, khi cộng đoàn tín hữu - đã bén rễ trong đời sống xã hội và đã phù hợp một phần nào với văn hóa địa phương - hưởng được một sự mạnh mẽ và vững chắc nào rồi: nghĩa là cộng đoàn tín hữu đó đã có dồi dào, tuy chưa đủ, các linh mục, tu sĩ và giáo dân địa phương, đã có những thừa tác vụ và những tổ chức cần thiết cho việc dẫn dắt và phát triển đời sống Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Giám Mục 29* riêng mình.

Trong những Giáo Hội 30* trẻ trung đó, đời sống Dân Chúa phải trưởng thành về mọi phương diện của đời sống Kitô giáo được canh tân theo những tiêu chuẩn của Công Ðồng này: các cộng đoàn tín hữu mỗi ngày một ý thức hơn rằng mình trở nên những cộng đoàn sống đức tin, phụng vụ và bác ái; nhờ chuyên lo hoạt động dân sự và tông đồ, giáo dân phải cố gắng thiết lập trật tự bác ái và công bằng trong xã hội; phải xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách thích hợp và khôn ngoan; nhờ sống đời sống thực sự Kitô giáo, các gia đình phải trở nên những vườn ương việc tông đồ giáo dân, ơn gọi linh mục và tu sĩ. Sau hết, đức tin phải được giảng dạy nhờ khoa dạy giáo lý thích hợp, được cử hành trong Phụng Vụ hợp với đặc tính dân tộc, và được đưa vào các tổ chức lành mạnh cũng như các phong tục địa phương nhờ bản giáo luật thích ứng.

Còn các Giám Mục - mỗi vị hợp nhất với linh mục đoàn của mình và ngày càng thấm nhuần cảm thức của Chúa Kitô và Giáo Hội - phải cảm thông và sống với toàn thể Giáo Hội. Các Giáo Hội trẻ trung phải duy trì mối thông hiệp mật thiết với toàn thể Giáo Hội và phải liên kết những yếu tố của truyền thống Giáo Hội với nền văn hóa riêng, để nhờ được trao đổi sinh lực cho nhau mà phát triển đời sống Nhiệm Thể 1. Do đó, phải trau dồi những yếu tố thần học, tâm lý và nhân bản có thể góp phần vào việc cổ võ cảm thức thông hiệp cùng toàn thể Giáo Hội.

Nhưng các Giáo Hội này vì thường ở những miền khá nghèo túng trên địa cầu nên vẫn còn thiếu linh mục, đôi khi thiếu một cách hết sức trầm trọng, và nhiều khi thiếu cả viện trợ vật chất nữa. Vì thế, hoạt động truyền giáo liên tục của toàn thể Giáo Hội cần phải trợ cấp cho những Giáo Hội đó, để trước hết giúp cho Giáo Hội địa phương phát triển và giúp cho đời sống Kitô giáo được trưởng thành. Hoạt động truyền giáo này cũng phải giúp đỡ các Giáo Hội tuy đã thành lập từ lâu, nhưng đang bị rơi vào tình trạng thoái hóa và suy yếu.

Tuy nhiên, các Giáo Hội đó phải khôi phục lòng nhiệt thành mục vụ chung và những công cuộc thích ứng, để nhờ đó số ơn kêu gọi vào hàng giáo sĩ giáo phận và vào các Hội Dòng được gia tăng, được phân biệt một cách chắc chắn hơn và được huấn luyện hữu hiệu hơn 2; như vậy dần dần các Giáo Hội đó có thể tự túc và giúp đỡ các Giáo Hội khác.

20. Hoạt động truyền giáo của các Giáo Hội địa phương. Vì Giáo Hội địa phương 31* có nhiệm vụ phản ảnh Giáo Hội hoàn cầu một cách hết sức hoàn hảo, nên phải thành thực nhận định rằng mình cũng được sai tới những kẻ chưa tin Chúa Kitô đang sống trong cùng một địa hạt với mình, để nhờ chứng tá đời sống của mỗi tín hữu và của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội này trở thành dấu chỉ cho họ thấy Chúa Kitô.

Ngoài ra cần phải có thừa tác vụ Lời Chúa để Phúc Âm đến với mọi người. Do đó, trước hết Giám Mục phải là người rao giảng đức tin để dẫn đưa các môn đệ mới đến với Chúa Kitô 3. Ðể chu toàn đứng đắn chức vụ cao trọng đó, ngài phải thấu triệt sâu xa về những hoàn cảnh của đoàn chiên mình, cũng như về những ý niệm thâm sâu của đồng bào về Thiên Chúa; ngài cũng phải cẩn thận để ý đến những biến đổi gây nên bởi những cuộc thành thị hóa, như người ta thường nói, những cuộc di dân và chủ nghĩa lãnh đạm đối với tôn giáo.

Các linh mục bản xứ ở những Giáo Hội trẻ trung phải hăng say bắt tay vào việc rao giảng Phúc Âm bằng cách tổ chức hoạt động chung với những nhà truyền giáo ngoại quốc, những người hợp cùng các ngài làm thành một linh mục đoàn duy nhất, liên kết dưới quyền Giám Mục, không những để chăn dắt các tín hữu và để cử hành việc phụng thờ Thiên Chúa, nhưng còn để rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Giáo Hội. Các ngài phải tỏ ra sẵn sàng, và khi có dịp, các ngài phải hăng say tình nguyện để Ðức Giám Mục sai đi khởi công truyền giáo tại những miền xa xôi và bị bỏ rơi trong giáo phận mình hoặc trong các giáo phận khác.

Các tu sĩ nam nữ và cả giáo dân cũng phải nung đúc lòng nhiệt tâm truyền giáo đó đối với đồng bào mình, nhất là với những người nghèo khổ hơn.

Các Hội Ðồng Giám Mục phải lo lắng tổ chức những khóa tu nghiệp định kỳ về Thánh Kinh, thần học, tu đức và mục vụ, với mục đích là giữa những đổi thay và xáo trộn của thế sự, giáo sĩ được hiểu biết đầy đủ hơn về thần học và phương pháp mục vụ.

Ðàng khác, cũng phải kính cẩn tuân giữ những điều Công Ðồng này đã quyết định, nhất là trong Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.

Ðể có thể hoàn thành công việc truyền giáo của Giáo Hội địa phương, cần có những thừa tác viên đủ khả năng, được chuẩn bị đúng lúc và thích hợp với hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội địa phương. Thực vậy, con người càng ngày càng tập trung thành từng nhóm, vì thế các Hội Ðồng Giám Mục rất nên thiết lập những kế hoạch chung để tổ chức đối thoại với những nhóm người đó. Nếu trong một vài miền có những nhóm người không muốn đón nhận đức tin công giáo vì không thể thích ứng với hình thức đặc biệt mà Giáo Hội tại đó đã mặc lấy thì ước mong phải lo liệu một phương thức đặc biệt với hoàn cảnh đó 4, cho đến khi tất cả các Kitô hữu có thể đoàn tụ thành một cộng đoàn duy nhất. Còn nếu Tòa Thánh có sẵn những nhà truyền giáo để thực thi mục đích này, thì mỗi Giám Mục phải mời gọi hoặc sẵn sàng đón nhận họ vào giáo phận mình, và ủng hộ công cuộc của họ một cách hữu hiệu.

Ðể nhiệt tâm truyền giáo đó được nẩy nở nơi đồng bào mình, Giáo Hội trẻ trung rất nên tham gia vào công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội càng sớm càng hay, bằng cách sai chính những nhà truyền giáo của mình đi rao giảng Phúc Âm khắp nơi trên hoàn cầu, dù mình còn thiếu giáo sĩ. Thực vậy mối thông hiệp cùng toàn thể Giáo Hội kể như là hoàn tất khi chính các Giáo Hội trẻ trung cũng tích cực tham gia và hoạt động truyền giáo nơi các dân tộc khác.

21. Cổ võ việc tông đồ giáo dân. Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm 32*. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành.

Thật vậy, các tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và về xã hội trần gian: họ thuộc về một dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu thông dự những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo huấn, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối dây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết. Lại nữa, họ còn thuộc về Chúa Kitô, vì họ được tái sinh trong Giáo Hội bằng đức tin và phép Rửa, để nhờ đời sống mới và việc làm mới, họ là của riêng Chúa Kitô 5, để mọi sự qui phục Thiên Chúa trong Chúa Kitô và sau cùng để Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người 6.

Nhiệm vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô, làm chứng bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý 7. Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình. Chính họ phải hiểu biết nền văn hóa đó, sửa chữa, bảo tồn, và cải tiến theo những hoàn cảnh mới, và sau cùng phải hoàn tất nó trong Chúa Kitô, để niềm tin vào Chúa Kitô và đời sống Giáo Hội không còn xa lạ với xã hội họ sống, nhưng bắt đầu thấm nhiễm và cải hóa xã hội đó. Họ phải liên kết với đồng bào mình bằng tình bác ái chân thành, để trong cách sống của họ xuất hiện một mối dây mới về hiệp nhất và về liên kết đại đồng đã được bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Kitô. Họ cũng phải gieo rắc đức tin vào Chúa Kitô giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống nghề nghiệp; điều bó buộc này càng khẩn thiết hơn vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo Phẩm trong việc hoàn tất sứ mệnh đặc biệt là loan báo Phúc Âm và truyền thông giáo lý Kitô giáo ngõ hầu Giáo Hội mới khai sinh thêm vững mạnh.

Vậy các thừa tác viên của Giáo Hội phải quí trọng việc tông đồ khó khăn này của giáo dân. Các ngài phải huấn luyện sao cho giáo dân, với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, ý thức về trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người. Các ngài phải dạy dỗ họ thật sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ dẫn họ những phương pháp thực hành, và sát cánh với họ trong những lúc khó khăn, theo tinh thần của Hiến Chế về Giáo Hội và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân.

Vì thế, trong khi vẫn giữ đúng chức vụ và trách nhiệm riêng của Chủ Chăn và của giáo dân, toàn thể Giáo Hội trẻ trung phải trở thành chứng tá duy nhất, sống động và vững chắc về Chúa Kitô, để trở nên dấu chỉ rõ ràng của ơn cứu rỗi đã đến với chúng ta trong Chúa Kitô.

22. Khác biệt trong hiệp nhất. Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất màu mỡ thấm nhuần sương thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hóa mầu mỡ đó, để sau cùng mang lại nhiều hoa trái 33*. Thật vậy, tương tự như chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ trung, khi đang được bén rễ trong Chúa Kitô và xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, qua một cuộc trao đổi kỳ diệu, thu nhận tất cả những sự phong phú của các Dân Tộc đã được trao cho Chúa Kitô làm gia nghiệp 8. Các Giáo Hội đó phải rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Ðấng Cứu Chuộc và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu 9.

Ðể đạt tới ý định đó, thì trong mỗi vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa, như người ta thường nói, cần phải thúc đẩy việc suy tư về thần học, để nhờ ánh sáng Thánh Truyền của toàn thể Giáo Hội mà khám phá thêm những gì Thiên Chúa đã mạc khải qua hành động và ngôn từ của Ngài, đã được ghi chép trong Sách Thánh và đã được các Giáo Phụ và Quyền Giáo Huấn giải thích. Như thế sẽ nhận thấy rõ ràng hơn những đường lối nào là đức tin có thể tìm gặp lý trí, một khi đã dựa vào triết học hay lẽ khôn ngoan của các dân tộc, và những phương thức nào có thể hòa hợp các phong tục, quan niệm đời sống và trật tự xã hội với lối sống đã được Chúa mạc khải. Nhờ đó sẽ mở ra những con đường để thích nghi sâu xa hơn trong mọi lãnh vực của đời sống Kitô giáo. Nhờ đường lối hành động đó, mọi hình thức chủ nghĩa hòa đồng và chủ nghĩa cá thể sai lạc sẽ bị loại trừ, đời sống Kitô giáo sẽ được thích nghi với tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa 10, những truyền thống đặc thù và những đặc tính riêng của mỗi gia đình dân tộc nhờ được ánh sáng Phúc Âm chiếu soi, sẽ được đón nhận vào sự hiệp nhất công giáo. Sau cùng, các Giáo Hội địa phương mới mẻ với những truyền thống tốt đẹp của mình sẽ có một địa vị riêng trong khi hiệp thông cùng Giáo Hội mà vẫn duy trì nguyên vẹn Quyền Tối Cao của Tòa Phêrô, tòa lãnh đạo toàn thể tập đoàn bác ái 11.

Vậy ước mong, và hơn nữa điều này hoàn toàn thích hợp là các Hội Ðồng Giám Mục ở những vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa xã hội hiệp nhất với nhau thế nào để có thể đồng tâm hợp ý theo đuổi ý định thích nghi đó.

 


Chú Thích:

28* Hai số 19 và 20 trước kia thuộc chương 2, trong đó Giáo Hội địa phương (riêng biệt) được xem như một kết thúc của hoạt động truyền giáo không hơn không kém. Nhưng vì các Giám Mục xứ truyền giáo can thiệp, nên hai số đó được để riêng thành một chương đầy đủ ý nghĩa. Hành động này quy định rõ ràng quy chế của một Giáo Hội trẻ trung trên đà trưởng thành, dù còn cần các Giáo Hội khác trợ giúp. Các Giáo Hội trẻ không phải là những nhóm người công giáo chung quanh Giáo Hội phổ quát, nhưng tăng trưởng trong Giáo Hội phổ quát và như thế cũng góp phần vào đặc tính vừa duy nhất vừa khác biệt của Giáo Hội Công Giáo. Phương diện mới này dĩ nhiên có những hậu quả. Giáo Hội phổ quát không những lo lắng cách riêng nhưng còn phải biết nghe và quan tâm đến các yêu sách của các Giáo Hội trẻ. (Trở lại đầu trang)

29* Các Giáo Hội trẻ phải tiến đến sự trưởng thành và phải trưởng thành, vì sự viên mãn hay kết quả của việc vun trồng Giáo Hội là Giáo Hội trưởng thành. Vun trồng Giáo Hội địa phương là công trình của một đời sống tuần tự như sự tăng trưởng của cây cối hay của con người; khó mà quy định một cách chính xác lúc nào một Giáo Hội mới bắt đầu trưởng thành. Ðoạn thứ nhất phác họa những nét chính yếu của một Giáo Hội trưởng thành. (Trở lại đầu trang)

30* Ðoạn thứ hai và những đoạn tiếp nói rõ một Giáo Hội trẻ trung có thể trưởng thành bằng những phương thế nào. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 838. (Trở lại đầu trang)

2 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 11. - N.t., Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục, số 2. (Trở lại đầu trang)

31* Giáo Hội địa phương hay Giáo Hội riêng biệt, theo bản văn là toàn thể các Giáo Hội "địa phương" trong một miền hay trong một nước nhất định; danh gọi đó chỉ tất cả các giáo phận hay những giáo khu trong một nước. Cả số 20 nhấn mạnh một Giáo Hội mới trưởng thành có bổn phận phải biến thành một Giáo Hội truyền giáo chủ động và phải hoạt động, truyền giáo trong các vùng chung quanh hay ngay cả ở nước ngoài. (Trở lại đầu trang)

3 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 25: AAS 57 (1965), trg 29. (Trở lại đầu trang)

4 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 10: để công việc mục vụ đặc biệt cho những đoàn thể xã hội khác nhau được dễ dàng, phải tiên liệu thiết lập các Giám chức biệt hạt trong mức độ sự tổ chức đứng đắn của việc tông đồ đòi hỏi. (Trở lại đầu trang)

32* Cả số 21 diễn tả vai trò giáo dân trong Giáo Hội trẻ: biểu dương đức tin, truyền giáo cách ý thức, quy mô, hữu hiệu. Việc tông đồ giáo dân này cũng là một bằng chứng Giáo Hội trẻ đã trưởng thành. (Trở lại đầu trang)

5 Xem 1Cor 15,23. (Trở lại đầu trang)

6 Xem 1Cor 15,28. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Eph 4,24. (Trở lại đầu trang)

33* Bằng chứng cuối cùng của một Giáo Hội trẻ trung trưởng thành là đem các giá trị văn hóa riêng biệt của một dân tộc vào Giáo Hội. Phương pháp đồng hóa và sáp nhập được diễn tả trong số 22. Ở đây các vấn đề phần lớn được khảo cứu theo ánh sáng mạc khải. Nhờ các Giáo Hội địa phương thích nghi sâu xa với các quốc gia, nên Giáo Hội phổ quát mới được sáng ngời bằng sự khác nhau trong duy nhất. Tính cách duy nhất này còn được bảo đảm nhờ một đức tin, một tình bác ái, một đời sống bí tích, một quyền cai trị tối cao. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Tv 2,8. (Trở lại đầu trang)

9 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 13: AAS 57 (1965), trg 17-18. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Phaolô VI, Diễn từ đọc trong lễ phong thánh cho các Vị Tử Ðạo Uganda: AAS 56 (1964), trg 908. (Trở lại đầu trang)

11 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 13: AAS 57 (1965), trg 18. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page