Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Tuyên Ngôn

về Giáo Dục Kitô Giáo

Gravissimum Educationis

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Chú ý đọc bản Tuyên Ngôn về giáo dục, chúng ta sẽ cảm thấy những ấn tượng khá phức tạp buồn vui lẫn lộn, vừa sung sướng vừa thất vọng. Phân tích sơ qua ta cũng đủ thấy được những nguyên do rõ rệt gây ra những hậu quả trên.

Trước hết, bản Tuyên Ngôn có một chất liệu rất là phong phú, một luồng thanh khí sôi bỏng làm cho bản Tuyên Ngôn trở nên sống động, chứng tỏ rằng Cộng Ðồng đã ý thức đầy đủ tính chất quan trọng cũng như tầm mức diễn tiến của vấn đề. Nhất là người ta ngỡ ngàng trước mối thiện cảm chân thành và đáng phục của Giáo Hội đối với nỗ lực của những ai đang theo đuổi một lý tưởng trùng hợp với niềm ưu tư liên lỉ của mình là chu toàn sứ mệnh trần gian và vĩnh cửu của nhân loại.

Trong khi đó, cách bố cục lại thiếu cân xứng và vững chắc. Người ta mong thấy một kiểu trình bày khúc chiết hơn để độc giả có cảm tưởng đầy đủ và thoải mái như khi chiêm ngưỡng một lâu dài kiên cố với những chi tiết tỉ mỉ, mỹ thuật.

Lịch sử

Ấn tượng lưỡng diện trên thật dễ hiểu.

Ngày 17-11-1964 khi các Nghị Phụ thảo luận về lược đồ của bản Tuyên Ngôn này, đó chỉ là một bản văn ngắn gọn, không có giá trị tổng quát bao nhiêu. Một số Nghị Phụ muốn thu tóm thành một đoạn để đưa vào một sắc lệnh quan trọng khác; một số khác lại muốn khai triển tư tưởng của Giáo Hội về vấn đề này một cách rộng rãi hơn. Trước tình trạng tế nhị đó, đa số cố gắng đem sơ đồ ra biểu quyết để định hướng vấn đề, sợ rằng nếu bác bỏ lại gặp phải một lược đồ còn nghèo nàn hơn. Vì thế thà chấp nhận những cố gắng đáng kể về phương diện giáo dục do người đời đóng góp còn hơn là tông huấn Divini Illius Magistri quá tách biệt với các định chế nhân loại. Như vậy các ngài hy vọng có thể bổ túc thêm những gì cần thiết.

Ngày 20-11-1964, bản văn được thông qua với 1,457 phiếu thuận, 419 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong số 1,879 Nghị Phụ hiện diện.

Tài liệu được hoàn lại cho Ủy ban đặc trách. Ủy ban lại chỉ định một tiểu ban gồm có cha Hoffer, thư ký ủy ban và nhiều vị thông thái khác như Robert Massi, Paul Dezza v.v...

Từ 23 đến 30 tháng 3 năm 1965, trong khi soạn thảo dự án, tiểu ban đã lưu ý tất cả những lời bình phẩm cũng như "gợi ý" của một số đông các Nghị Phụ gửi tới. Nhưng bản văn mới lại quá phong phú, xa hẳn bản cũ cả về lượng lẫn nội dung. Nhiều Nghị Phụ cho rằng làm như thế là không hợp pháp và cần duyệt xét lại cẩn thận.

Rất may là không xảy ra điều chi đáng tiếc cả và ngày 14-10-1965, văn kiện đã được chấp nhận với 1,912 phiếu thuận đối lại với 183 phiếu chống.

Sau cùng bản Tuyên Ngôn đã được công bố với 2,290 phiếu thuận, chỉ có 35 phiếu chống.

Phân tích

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau phân tích văn kiện trên:

1. Văn kiện này dựa trên nguyên tắc của luật tự nhiên: mọi người đều có quyền hưởng một nền giáo dục đầy đủ và xứng hợp với thiên chức làm người của mình, "mỗi ngày một tham gia vào đời sống xã hội nhất là về kinh tế và chính trị một cách tích cực hơn hầu có thể hưởng dụng di sản văn hóa thiêng liêng của nhân loại một cách dễ dàng hơn" hợp với chức vị của người con Thiên Chúa.

Quyền này đã được nhiều văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận, xác định và khai triển. Ðây là lần đầu tiên người ta dựa vào đó để bàn luận về các quyền hành của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục. Căn cứ trên nguyên tắc, người ta có thể tố cáo lập luận của Tông Huấn Divini Ilius Magistri là đã đặt nền tảng các hoạt động giáo dục của Giáo Hội trên thực tại thần linh thuộc sứ mệnh mình. Tuy nhiên một khi người ta chấp nhận ưu quyền tổ chức thiêng liêng của thế giới là lo lắng đến lợi ích toàn diện cho mọi phần tử, đồng thời cũng là những con người của xã hội dân sự, họ không thể chối bỏ quyền tối thượng của con người.

Một khi được hiểu biết và chấp nhận, quyền này sẽ đem lại những hậu quả thiết thực như: việc đào luyện những đức tính tự nhiên của một người công dân, phát triển những khả năng trí thức và óc phán đoán, khai tâm cho biết những giá trị luân lý, biết nhận thức và yêu mến Thiên Chúa, tiến tới ơn lãnh nhận đức tin, xây dựng xã hội trần thế và mở rộng nước trời. Tóm lại, không có gì thuộc sứ mệnh con người trong mọi thời đại mà lại ở ngoài phạm vi thực hành của quyền này.

Sau cùng, kể từ Thông Ðiệp Mater et Magistra và Pacem in Terris của Ðức Gioan XXIII cũng như Ecclesiam Suam của Ðức Phaolô VI, một âm điệu mới đã nhân tính hóa tiếng nói của Giáo Hội cho thích hợp với xã hội dân sự mà không còn ai phủ nhận nguồn gốc thần linh của nó.

2. Người ta hài lòng khi thấy Giáo Hội được bành trướng trên những hậu quả thuộc lãnh vực giáo dục nhờ vào "tiến bộ kỳ diệu về kỹ thuật, về các nghiên cứu khoa học", trên "những kinh nghiệm mới và sự phát triển về các phương pháp giáo dục và giáo huấn" và khi thấy Giáo Hội đòi hỏi mọi người phải được hưởng "một nền giáo dục xứng hợp với nhu cầu của tâm linh và phái tính, với truyền thống quốc gia hầu tiến đến một sự hợp nhất đích thực và một nền hòa bình trên thế giới". Người ta sung sướng khi thấy có một số điều cấm đoán và xác định tính cách bấp bênh của nhị nguyên thuyết từ lâu vẫn chủ trương tách biệt thể xác với linh hồn, cộng đoàn quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Bởi đó, Giáo Hội không cón tự coi mình như là thẩm cấp duy nhất và là con đường độc nhất trong việc tìm cách chu toàn sứ mệnh của con người nữa, vì không những Giáo Hội chấp nhận những chiều hướng tuy khác mình nhưng cùng tiến tới một mục đích, mà còn sung sướng được trông thấy nhiều công cuộc đem lại lợi ích thực sự cho con người.

Trước kia Giáo Hội và thế giới dân sự vẫn cách biệt nhau, nhưng vì là con cái của cả hai xã hội đó, ngày nay chúng ta sung sướng khi thấy họ hòa hợp lại với nhau để cùng gánh vác những công việc nặng nề và cùng nỗ lực xây dựng một lâu đài độc nhất là sự thành công của con người nay ở đời này cũng như sửa soạn cho cuộc sống vinh hiển muôn đời.

3. Sau hết, văn kiện đề cập tới những tổ chức thuộc về các hoạt động giáo dục như là học đường, một "môi trường phát triển các khả năng, óc phán đoán và giúp khám phá những di sản văn hóa của các thế hệ trước, đề cao các giá trị, chuẩn bị cho cuộc sống chức nghiệp và biết thông cảm lẫn nhau".

Như thế học đường vượt trên những chiều hướng vật chất và bao gồm tất cả các hệ thống có ảnh hưởng trên chủ thể thụ huấn: gia đình "học đường đầu tiên dạy các đức tính xã hội" và cách riêng là môi trường học đường với mọi "yếu tố" trực tiếp ảnh hưởng ít nhiều như: thầy dạy, bạn bè, bản tín và phẩm chất của việc giáo dục, các phương pháp cũng như tất cả các điều kiện khác giúp cho việc giáo dục thành công: "trình độ học vấn, sức khỏe học sinh và qui chế học đường".

Trong quá khứ, vì sự va chạm giữa hai quyền bính tôn giáo và thế tục đã gây nên một cuộc tranh chiếm độc quyền học đường. Vì thế văn kiện nêu ra nguyên tắc tương trợ để loại bỏ tệ đoan đó và chấp nhận người công dân có quyền đòi hỏi ít ra trong trường hợp chính quyền thiếu sót, được tự do chọn lựa trường học cho con em hợp với tín ngưỡng của họ.

Những vị có trách nhiệm giáo dục chính thức trước hết phải kể tới các bậc phụ huynh. Nhưng trong thực tế, vì việc giáo dục đòi hỏi những điều kiện vượt quá khả năng của mỗi cá nhân, nên xã hội lại phải đảm nhiệm tổ chức "những gì cần thiết cho lợi ích chung của con người": bảo đảm quyền lợi và bổn phận của các phụ huynh, giúp đỡ họ, thiết lập các trường sở giáo dục.

Trên cương vị quốc gia, nhà nước cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ tự nhiên này bằng cách phân phối cho một cơ quan tối cao để tổ chức và điều hành đời sống của từng cá nhân trong các nhóm người.

Bản Tuyên Ngôn còn hàm chứa cả một ý niệm về giáo dục và huấn luyện những hoạt động nhằm thăng tiến con người, từ việc dạy A B C cho người lớn tuổi, chăm sóc các trẻ bất thường trong những cơ sở chuyên biệt, mở trường dạy văn hóa chuyên nghiệp và kỹ thuật cho tới những cơ sở vĩ đại quảng bá nền văn hóa phổ thông hay khoa học chuyên môn; những phân khoa thần học cũng có nhiệm vụ phải cố gắng giúp con người thành công mỹ mãn trong cả hai chiều hướng tư nhiên và siêu nhiên.

Ba khía cạnh của văn kiện chúng ta vừa phân tích tóm kết đại cương một cách khá trung thực ý hướng của Thánh Công Ðồng đề cập đến một trong những vấn đề trọng yếu của thế giới theo chiều hướng đầy đủ, phong phú và cao đẹp nhất.

Như vậy cũng đã tạm đủ để chúng ta lưu tâm tới khía cạnh hào hứng nhất của vấn đề đã hình thành tư tưởng của Giáo Hội về một điều kiện thiết yếu để cứu rỗi nhân loại.

Kết luận

Trước khi đọc nguyên bản, chúng tôi ước mong mọi người đọc nó với tất cả tinh thần mà Ðức Gioan XXIII, vị khởi xướng Công Ðồng, đã đề ra tức là chú ý đến những hiện trạng của thế giới ngày nay. Trong khi chú thích một vài tư tưởng, chúng tôi đặc biệt khai thác, duy trì và nhấn mạnh tới sự hòa hợp những viễn tượng hiện đang là mối bận tâm của Giáo Hội và thế giới hôm nay với niềm hy vọng sẽ đem lại cho nhân loại những thành quả thật mỹ mãn.

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page