Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Nhiệm Vụ Mục Vụ

Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội

Christus Dominus

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Các Giám Mục Với Các Giáo Hội

Ðịa Phương Hay Giáo Phận

 

I. Các Giám Mục Giáo Phận

 

11. Ý niệm về Giáo huấn và phận sự Giám Mục trong giáo phận. Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám Mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo Hội riêng biệt, trong đó Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự. 9*

Ðược ủy thác chăm sóc một Giáo Hội riêng biệt, mỗi Giám Mục dẫn dắt các con chiên của mình nhân danh Chúa, dưới quyền Ðức Giáo Hoàng, với danh nghĩa là chủ chăn riêng, thường xuyên và trực tiếp khi thi hành nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai quản các con chiên. Tuy nhiên các ngài phải nhìn nhận những quyền lợi chính đáng của các Thượng Phụ hay những Ðấng Thẩm Quyền phẩm trật khác 1.

Các Giám Mục phải chăm lo nhiệm vụ tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt mọi người, chẳng những săn sóc những kẻ đã theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà lại hết lòng hy sinh cho những người bất cứ cách nào đã đi lạc đường chân lý hay không biết Phúc Âm và lòng nhân từ cứu chuộc của Chúa Kitô, cho đến khi tất cả, sau cùng sẽ "đi trong sự chí thiện, chí công và chân thật" (Eph 5,9).

12. Nhiệm vụ giáo huấn. Trong khi thi hành chức vụ giáo huấn của mình, các Giám Mục phải loan báo cho mọi người biết Phúc Âm Chúa Kitô, một nhiệm vụ trổi vượt trên các chức vụ chính yếu của các ngài 2, bằng cách nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mời gọi họ chấp nhận đức tin hoặc làm cho họ vững mạnh trong đức tin sống động. Các ngài hãy trình bày cho họ toàn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, tức những chân lý mà nếu không biết tới là không biết Chúa Kitô, và cũng phải trình bày con đường đã được Thiên Chúa mạc khải để làm vinh danh Người và nhờ đó, họ được hạnh phúc trường cửu 3.

Hơn nữa, các ngài phải minh chứng rằng theo ý định của Thiên Chúa Tạo Hóa, chính các thực tại trần thế và các tổ chức nhân loại đã được an bài để cứu rỗi con người, và do đó chúng có thể góp phần không ít trong việc kiến tạo Thân Thể Chúa Kitô.

Vì thế, dựa theo giáo thuyết của Giáo Hội, các ngài phải dạy cho họ biết phải kính trọng nhân vị, kính trọng tự do và cả đời sống thể xác như thế nào; phải kính trọng gia đình, còn sự hợp nhất và bền vững của nó, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái như thế nào; phải tôn trọng cộng đồng dân sự với các luật lệ và những nghề nghiệp của nó như thế nào; phải quí trọng lao công, giải trí, nghệ thuật và những khám phá kỹ thuật như thế nào; phải mến chuộng sự nghèo khó cũng như sự sung túc ra sao. Sau cùng các ngài phải trình bày những lý lẽ giải quyết các vấn đề rất hệ trọng liên quan đến việc chiếm hữu, phát triển và việc phân phối hợp lý của cải vật chất, những vấn đề liên quan tới hòa bình và chiến tranh, tới mối bang giao huynh đệ giữa mọi dân tộc 4.

13. Cách trình bày giáo thuyết Kitô giáo ngày nay. Các ngài phải trình bày giáo thuyết Kitô giáo một cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa là đáp ứng những khó khăn và những vấn đề đang làm cho moị người xao động và khắc khoải nhất. 10* Các Ngài cũng phải coi sóc giáo thuyết đó bằng cách dạy cho chính các tín hữu biết bênh vực và phổ biến nó. Trong việc giảng truyền giáo thuyết này, các ngài phải tỏ lòng ân cần từ mẫu của Giáo Hội đối với hết mọi người, tín hữu cũng như lương dân, và phải chăm sóc đặc biệt đến những người nghèo khổ, những kẻ hèn kém, mà Chúa đã sai các ngài rao giảng Phúc Âm cho họ.

Vì Giáo Hội có nhiệm vụ tìm đến đối thoại với xã hội loài người, trong đó Giáo Hội đang sống 5, nên trước tiên bổn phận của các Giám Mục là đến với mọi người, kêu gọi và cổ võ các cuộc đối thoại với họ. Trong những cuộc đối thoại thuộc viễn tượng cứu rỗi đó, để chân lý luôn luôn liên kết với bác ái, kiến thức đi liền với tình yêu, cần phải làm nổi bật tính chất minh bạch của ngôn ngữ, cùng sự khiêm tốn và lòng nhân hậu, cũng như sự khôn ngoan đúng mức, nhưng đầy tin tưởng, vì khi sự tin tưởng hỗ trợ tình bạn hữu thì cũng liên kết các tâm hồn 6.

Các ngài phải cố gắng dùng những phương tiện khác nhau sẵn có trong thời đại chúng ta để loan báo giáo thuyết Kitô giáo, trước hết là việc giảng thuyết và việc tổ chức dạy giáo lý: cả hai luôn luôn giữ một địa vị chính yếu; sau đó trình bày giáo thuyết trong các học đường, các học hội, các buổi thuyết trình và những cuộc hội họp dưới mọi hình thức; và đừng quên phổ biến giáo lý đó bằng những bản tuyên ngôn nhân một vài biến cố, cũng như bằng báo chí và những phương tiện truyền thông xã hội khác nhau; cần phải hoàn toàn tận dụng các phương tiện này để rao truyền Phúc Âm Chúa Kitô 7.

14. Tổ chức dạy giáo lý. Các ngài phải lo lắng để việc tổ chức dạy giáo lý được thực hiện chu đáo cho các thiếu nhi, cho thanh thiếu niên và cho cả những người đã trưởng thành với mục đích là làm cho đức tin nơi mọi người, sau khi được giáo thuyết soi dẫn, trở nên sống động, minh bạch và hữu hiệu. Các ngài phải lo lắng để việc truyền đạt giáo lý có thể theo một thứ tự thích ứng và một phương pháp không những xứng hợp với môn đang học hỏi mà còn hợp với tính tình, khả năng, tuổi tác và cả hoàn cảnh sinh sống của các thính giả; việc dạy giáo lý đó cũng phải dựa trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, Giáo Huấn và đời sống Giáo Hội.

Ngoài ra, các ngài hãy lo chuẩn bị đúng mức các người dạy giáo lý thi hành phận sự của mình để họ hiểu rõ giáo thuyết của Giáo Hội và thông thạo những định luật tâm lý và các khoa sư phạm về lý thuyết cũng như thực hành.

Các ngài cũng phải cố gắng thế nào để việc tổ chức dạy giáo lý cho những tân tòng đã lớn tuổi được cải tổ hoặc thích nghi hơn.

15. Nhiệm vụ thánh hóa. Khi thi hành chức vụ thánh hóa, các Giám Mục phải nhớ rằng mình đã được chọn từ muôn người và được đặt lên cho họ trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để dâng của lễ và lễ vật hy sinh đền tội. Thực thế, các Giám Mục hưởng nhận sự sung mãn của Bí Tích Truyền Chức và các linh mục lệ thuộc vào các ngài khi thi hành quyền bính của mình, vì chính các linh mục đã được thánh hiến thành những linh mục đích thực của Tân Ước để trở nên những cộng sự viên sáng suốt của Hàng Giám Mục. Các phó tế cũng lệ thuộc như vậy, vì họ đã được thụ phong để phụng sự, nên họ phục vụ dân Thiên Chúa trong sự thông hiệp với Giám Mục và linh mục đoàn của Ngài. Vì vậy chính các Giám Mục là những người phân phát chủ yếu các mầu nhiệm của Thiên Chúa và là những vị điều hành, cổ võ, bảo vệ toàn thể đời sống phụng vụ trong Giáo Hội đã được trao phó 8.

Vậy các ngài phải luôn luôn lo lắng cho các Kitô hữu thấu hiểu và sống sâu xa hơn mầu nhiệm phục sinh thế nào để nhờ Bí Tích Thánh Thể, họ tạo thành một Thân Thể liên kết rất chặt chẽ trong tình bác ái duy nhất của Chúa Kitô 9. Trong khi "chuyên cần cầu nguyện và giảng huấn lời Chúa" (CvTđ 6,4), các ngài hãy gắng sức để mọi người dưới sự săn sóc của mình được đồng một lòng trong kinh nguyện 10, được lớn lên trong ơn nghĩa thánh nhờ lãnh nhận các Bí Tích và trở nên nhân chứng trung thành của Chúa.

Như những kẻ có nhiệm vụ giúp người khác nên trọn lành, các Giám Mục hãy nhiệt thành thúc đẩy các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của mình sống thánh thiện tùy theo ơn gọi đặc biệt của mỗi người 11. Tuy nhiên, các ngài hãy nhớ rằng mình cũng phải nêu gương thánh thiện bằng bác ái, khiêm nhường và bằng đời sống đơn giản. Các ngài phải thánh hóa các Giáo Hội đã được trao phó, sao cho ý nghĩa Giáo Hội phổ quát của Chúa Kitô được sáng chói hoàn toàn nơi các Giáo Hội đó. Cho nên các ngài hãy hết sức cổ võ ơn gọi làm linh mục hay tu dòng, nhất là hãy đặc biệt lưu tâm đến ơn gọi truyền giáo.

16. Nhiệm vụ cai quản và chăn dắt các linh hồn. Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các Giám Mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ 12, nghĩa là như những chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và con chiên cũng biết chủ chăn; như những người cha đích thực tỏ lòng yêu thương và lo lắng cho hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài hãy quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình đông đủ để mọi người đều ý thức nhiệm vụ riêng mà sống và hoạt động trong tình hiệp thông bác ái.

Ðể có thể thực thi những điều đó một cách hiệu nghiệm, các Giám Mục "là những người sẵn sàng làm mọi việc thiện" (2Tm 2,21) và "chịu đựng mọi sự vì những kẻ được chọn" (2Tm 2,10) phải tổ chức đời sống mình phù hợp với những nhu cầu thời đại.

Vì các linh mục chia xẻ một phần nghĩa vụ cũng như nỗi lo âu của chính các ngài và vì hằng ngày họ hăng say thi hành nghĩa vụ đó, nên các ngài hãy luôn đặc biệt yêu mến họ, coi họ như những người con, người bạn 13; như thế, nhờ sẵn sàng nghe họ và liên lạc thân tín với họ, các ngài nhiệt thành cổ võ toàn thể công tác mục vụ trong cả giáo phận. 11*

Các ngài phải lo lắng tới tình trạng thiêng liêng, trí thức và vật chất của các linh mục mình, để họ có thể sống thánh thiện và đạo đức cũng như có thể trung thành chu toàn nhiệm vụ riêng một cách hữu hiệu. Do đó, các ngài nên khuyến khích mở những trung tâm huấn luyện và tổ chức các cuộc gặp gỡ đặc biệt giúp cho các linh mục thỉnh thoảng quy tụ lại với nhau, vừa để chu toàn các việc linh thao lâu dài hơn nhằm cải tạo cuộc sống, vừa để học hỏi sâu xa hơn những môn học của Giáo Hội, nhất là Thánh Kinh và thần học hay những vấn đề xã hội khá quan trọng, và cả những phương pháp mới của hoạt động mục vụ nữa. Các ngài nên đối xử nhân từ cách tích cực với những linh mục đang lâm nguy bằng cách này hay bằng cách khác, hoặc đã sa ngã một cách nào đó.

Ðể có thể mưu ích cho các tín hữu hợp với tình trạng của từng người, các ngài phải cố gắng tìm hiểu đúng mức những nhu cầu của họ trong hoàn cảnh xã hội họ đang sống, nhờ áp dụng những phương thế thích hợp, nhất là phương pháp điều tra xã hội. Các ngài phải tỏ ra lo lắng cho hết mọi người, bất luận tuổi tác, hoàn cảnh hay quốc tịch, người bản xứ, ngoại kiều cũng như lữ khách. Trong việc thể hiện nỗi lo lắng mục vụ này, các ngài phải dành cho tín hữu của mình những vai trò thích hợp với họ trong các công việc của Giáo Hội, và đồng thời phải nhìn nhận họ cũng có bổn phận và quyền lợi tích cực góp sức vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Các ngài phải tỏ lòng thương mến những anh em ly khai bằng cách nhắn nhủ các tín hữu đối đãi với họ hết sức nhân đạo và bác ái; đồng thời cũng cổ võ phong trào hiệp nhất đúng theo quan điểm của Giáo Hội 14. Các ngài hãy yêu mến những người không được rửa tội để bác ái của Chúa Kitô chiếu sáng cho họ, vì Giám Mục là nhân chứng của Chúa Giêsu trước mặt mọi người.

17. Các hình thức đặc biệt của việc tông đồ. Phải hỗ trợ các phương pháp làm việc tông đồ khác nhau cũng như việc phối trí và liên lạc mọi công việc tông đồ dưới sự chỉ huy của Giám Mục trong toàn cõi hay tại những vùng đặc biệt của giáo phận; nhờ sự liên kết này, mọi sáng kiến và tổ chức như dạy giáo lý, truyền giáo, bác ái, xã hội, gia đình, học đường và bất cứ công việc gì theo đuổi mục đích mục vụ, đều được thống nhất theo một đường lối hoạt động; và như thế sự hợp nhất của giáo phận được sáng chói hơn.

Cần phải chăm lo nhấn mạnh đến bổn phận đòi buộc từng tín hữu phải làm việc tông đồ tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình và cũng phải nhắc nhở họ tham dự hoặc giúp đỡ các công việc tông đồ giáo dân khác nhau, nhất là công giáo tiến hành. Cũng phải cổ võ hay nâng đỡ những hiệp hội nào trực tiếp hoặc gián tiếp theo đuổi mục đích siêu nhiên, nghĩa là để đạt đến đời sống toàn thiện hơn, hoặc để loan báo Phúc Âm Chúa Kitô cho mọi người, hoặc phát động giáo thuyết Kitô giáo hay phát triển những phụng tự công cộng hoặc theo đuổi những mục đích xã hội hoặc thực hiện những công việc đạo đức hay bác ái.

Các hình thức hoạt động tông đồ cần phải thích nghi đúng mức với những nhu cầu hiện đại, quan tâm tới các hoàn cảnh của con người, không những về điều kiện thiêng liêng và luân lý, mà cả hoàn cảnh xã hội, dân số và kinh tế nữa. Nhờ những ban mục vụ xã hội, là những ban được khuyến khích đặc biệt, các cuộc điều tra xã hội và tôn giáo giúp ích rất nhiều để đạt tới mục đích đó cách hữu hiệu và phong phú.

18. Chú tâm đặc biệt đến một ít nhóm tín hữu. Cần lo lắng đặc biệt đến những tín hữu vì hoàn cảnh sinh sống không được hưởng đầy đủ sự chăm sóc mục vụ chung và thường xuyên của cha xứ hoặc thiếu hẳn sự chăm sóc đó, chẳng hạn đa số những người di cư, dân lưu đày, tị nạn, những người đi biển, cũng như các nhân viên phi hành, dân du mục và những hạng người như thế. Cần phải cổ võ những phương pháp mục vụ thích hợp để nâng đỡ đời sống thiêng liêng của những người vì lý do nghỉ ngơi, tìm đến những xứ khác trong một thời gian.

Các Hội Ðồng Giám Mục, nhất là Hội Ðồng Giám Mục Quốc Gia, cần phải nghiên cứu những vấn đề khá cấp bách liên hệ đến những người kể trên. Nhờ các phương tiện cũng như các tổ chức thích hợp, các ngài hãy đồng tâm hiệp lực lo lắng và hỗ trợ việc thiêng liêng của họ, bằng cách vừa lưu tâm đến những tiêu chuẩn đã được Tòa Thánh qui định 15, hay sẽ ban hành, vừa thích nghi thỏa đáng với các hoàn cảnh về thời gian, nơi chốn và nhân sự.

19. Quyền tự do của Giám Mục và mối tương quan với chính quyền. Trong việc chu toàn nhiệm vụ tông đồ nhằm cứu rỗi các linh hồn, các Giám Mục tự mình được hưởng quyền tự do đầy đủ và hoàn toàn, cũng như quyền độc lập đối với bất cứ quyền hành dân sự nào 12*. Vì thế, không được phép trực tiếp hay gián tiếp ngăn trở việc thi hành nhiệm vụ thuộc phạm vi Giáo Hội của các ngài, hoặc không cho các ngài tự do liên lạc với Tòa Thánh, với những Thẩm Quyền khác trong Giáo Hội và với những kẻ thuộc quyền.

Thực ra, các Chủ Chăn Thánh, trong khi chuyên tâm săn sóc việc thiêng liêng cho đoàn chiên, thực sự cũng lo đến công việc thăng tiến và nền thịnh vượng của xã hội trần thế, bằng cách cộng tác hữu hiệu với các chính quyền dân sự để thực hiện mục đích trên trong phạm vi chức vụ và hợp với cương vị Giám Mục; và bằng cách nhắn nhủ đoàn chiên vâng phục các luật lệ chính đáng và tôn trọng các quyền bính hợp pháp.

20. Tự do trong việc chỉ định và bổ nhiệm Giám Mục. Vì nhiệm vụ tông đồ của các Giám Mục đã được Chúa Kitô thiết lập và theo đuổi mục đích thiêng liêng, siêu nhiên, nên Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng quyền chỉ định và bổ nhiệm các Giám Mục là quyền riêng, đặc biệt, và tự nó độc hữu thuộc Thẩm Quyền Giáo Hội.

Vì thế, để bảo vệ đúng mức sự tự do của Giáo Hội, để thăng tiến lợi ích của Kitô hữu cách thích hợp và dễ dàng hơn, Thánh Công Ðồng ước mong sau này các chính quyền dân sự không còn hưởng các quyền lợi hoặc đặc ân nào về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề cử hay chỉ định chức vụ Giám Mục; còn phần các Chính Quyền dân sự, Thánh Công Ðồng tri ân và quý trọng thịnh tình của họ đối với Giáo Hội và hết sức nhã nhặn xin họ hãy đồng lòng với Tòa Thánh tự ý từ bỏ những quyền lợi hay đặc ân kể trên mà hiện tại họ vẫn hưởng do hiệp ước hoặc tập tục.

21. Sự từ nhiệm của Giám Mục. Do đó, vì nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục quá quan trọng và nặng nề, nên các Giám Mục giáo phận và những vị có quyền tương đương, nếu vì cao niên hay vì lý do quan trọng nào khác mà trở nên ít thích hợp trong việc chu toàn chức vụ 13*, đều được tha thiết kêu gọi từ chức hoặc tự ý, hoặc do Thẩm Quyền khuyến cáo. Ðàng khác, nếu đã chấp nhận sự từ chức đó, Thẩm Quyền vừa lo nâng đỡ cách xứng đáng các vị từ chức vừa thừa nhận các ngài được hưởng những quyền lợi đặc biệt.

 

II. Ranh giới các giáo phận

 

22. Duyệt xét lại ranh giới giáo phận. Ðể thực hiện được mục đích trung thực của giáo phận, bản tính của Giáo Hội cần phải được thể hiện rõ ràng ngay trong Dân Chúa thuộc giáo phận đó; các Giám Mục phải có thể chu toàn những nhiệm vụ mục vụ của mình trong giáo phận cách hữu hiệu; sau cùng, sự cứu rỗi của Dân Chúa phải được phục vụ hết sức hoàn hảo như có thể.

Ðiều đó đòi hỏi hoặc phải phân chia thích hợp ranh giới đất đai các giáo phận, hoặc phải phân phối các giáo sĩ, các tài sản cách hợp lý và thích hợp với những đòi hỏi của hoạt động tông đồ. Tất cả những điều đó chẳng những giúp ích cho hàng giáo sĩ và các Kitô hữu trực tiếp liên hệ, mà thực sự còn có ích lợi cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo nữa.

Vì thế, Thánh Công Ðồng quyết định là tùy theo lợi ích các linh hồn đòi hỏi, phải lập tức và khôn ngoan xét lại cách thỏa đáng những điều liên quan đến ranh giới các giáo phận, bằng cách phân chia, cắt xén hay sát nhập các giáo phận, hoặc bằng cách sửa đổi ranh giới hay ấn định địa điểm thích hợp hơn cho tòa Giám Mục, hoặc sau cùng bằng cách canh tân tổ chức nội bộ, nhất là đối với những giáo phận có nhiều thành phố lớn.

23. Quy tắc phải theo trong việc duyệt xét lại ranh giới giáo phận. Khi xét lại các ranh giới giáo phận, trước hết cần phải bảo đảm tính cách duy nhất về nhân sự, chức vụ, tổ chức của mỗi giáo phận giống như một thân thể thật sống động. Còn trong từng trường hợp, sau khi cân nhắc mọi hoàn cảnh liên hệ, cần phải lưu ý đến những tiêu chuẩn khá tổng quát sau đây:

1) Trong việc ấn định ranh giới giáo phận, phải lưu tâm chừng nào có thể đến những thành phần khác biệt của dân Chúa, vì điều đó có thể giúp ích nhiều cho việc thi hành sự chăm sóc mục vụ thích hợp hơn. Ðồng thời phải lo sao để những vùng đông dân chúng thành một đơn vị đồng nhất bao nhiêu có thể, với những công sở dân sự và các tổ chức xã hội là những yếu tố tạo thành cơ cấu sống động của chính dân đó. Vì thế, lãnh thổ của mỗi giáo phận rõ ràng chỉ là một khối đồng nhất.

Nếu cần, cũng phải để ý đến những ranh giới dân sự và những hoàn cảnh đặc biệt về nhân sự hoặc địa phương, như tâm lý, kinh tế, địa lý, lịch sử.

2) Diện tích hay dân số của giáo phận cách chung phải làm sao để một mặt chính Giám Mục, dù có nhiều phụ tá, vẫn có thể cử hành những nghi lễ đại triều và đi kinh lý cách thuận lợi, có thể điều khiển và phối trí đúng mức mọi hoạt động tông đồ trong giáo phận, nhất là có thể hiểu biết các linh mục của mình, cũng như các tu sĩ và giáo dân đang tham dự một cách nào đó vào các công việc của giáo phận; mặt khác khu vực phải rộng đủ và thích hợp để cả Giám Mục lẫn các giáo sĩ có thể hy sinh cách hữu ích mọi sức lực mình cho nhiệm vụ mà vẫn luôn luôn lưu tâm tới những nhu cầu của toàn thể Giáo Hội.

3) Sau cùng để nhiệm vụ cứu rỗi có thể được thi hành trong giáo phận cách thích hợp hơn, phải được kể như luật là trong mỗi giáo phận, số lượng và khả năng của hàng giáo sĩ ít nhất phải đủ để chăn dắt dân Chúa cho đúng mức; đừng để thiếu những chức vụ, tổ chức và các công việc riêng biệt của Giáo Hội địa phương mà thực tế là cần thiết cho việc điều khiển và hoạt động tông đồ thích hợp của Giáo Hội đó. Sau hết các tài nguyên để nâng đỡ nhân sự và các tổ chức, hoặc phải có sẵn hoặc đàng khác, ít ra phải khôn ngoan tiên liệu sẽ không thiếu.

Cũng nhằm mục đích đó, nơi nào có những tín hữu thuộc Nghi Lễ khác, Giám Mục giáo phận phải lo liệu cho những nhu cầu thiêng liêng của họ hoặc bằng các linh mục hay những giáo xứ cùng nghi lễ, hoặc bằng vị Ðại Diện Giám Mục có đủ đặc quyền thích hợp, và nếu cần có cả chức Giám Mục nữa, hoặc chính ngài đảm trách nhiệm vụ của đấng bản quyền cho các nghi lễ khác biệt ấy. Nếu theo sự xét đoán của Tòa Thánh, tất cả những điều trên không thể thực hiện được, vì những lý do đặc biệt, thì cần phải thiết lập một Phẩm Trật riêng cho các nghi lễ khác biệt này 16.

Cũng thế, trong những hoàn cảnh tương tự, cần lo cho các tín hữu thuộc ngôn ngữ khác nhau hoặc bằng các linh mục hay những giáo xứ có cùng ngôn ngữ, hoặc bằng Vị Ðại Diện Giám Mục thông thạo ngôn ngữ ấy, và nếu cần có cả chức Giám Mục nữa, hoặc sau cùng, nhờ một phương thế nào khác thích hợp hơn.

24. Hỏi ý kiến Hội Ðồng Giám Mục. Ðể sửa đổi hoặc cải cách các giáo phận theo tiêu chuẩn liên quan đến các số 22-23, mà vẫn giữ trọn kỷ luật của các Giáo Hội Ðông Phương, các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền phải cứu xét những công việc trên cho mỗi lãnh thổ riêng của mình bằng cách nhờ đến Tiểu Ban Giám Mục đặc biệt, nếu thấy điều đó thích hợp, nhưng nhất là luôn luôn biết nghe các Giám Mục trong giáo tỉnh hay giáo miền liên hệ và sau đó phải đệ trình những ý kiến và nguyện vọng của mình lên Tòa Thánh.

III. Các cộng sự viên của Giám Mục giáo phận

trong phận sự mục vụ

1. Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá 14*

 

25. Luật phải theo khi thiết lập Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá. Trong việc điều khiển giáo phận, cần phải lo liệu cho phận sự mục vụ của các Giám Mục thế nào để ích lợi cho đoàn chiên Chúa luôn luôn là qui tắc tối cao. Ðể ích lợi đó được thể hiện đúng mức, nhiều khi cần phải thiết lập các Giám Mục Phụ Tá, vì Giám Mục giáo phận một mình không thể chu toàn mọi chức vụ giám mục như ích lợi các linh hồn đòi hỏi; hoặc do giáo phận quá rộng lớn, nhân số quá đông, hoặc do những hoàn cảnh đặc biệt của hoạt động tông đồ hay vì nhiều lý do khác. Hơn nữa, đôi khi nhu cầu đặc biệt đòi hỏi phải thiết lập Giám Mục Phó để giúp đỡ Giám Mục giáo phận. Các Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá đó phải được những đặc quyền thích hợp sao cho trong khi vẫn giữ được sự duy nhất của việc điều khiển giáo phận và duy trì quyền Giám Mục giáo phận, các ngài hành động thêm hữu hiệu hơn và chức phẩm riêng của các Giám Mục được bảo toàn hơn.

Ngoài ra, vì được mời gọi chia xẻ mối lo lắng của Giám Mục giáo phận, các Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá phải thi hành nhiệm vụ của mình để hành động được hiệp nhất với Giám Mục giáo phận trong mọi công việc. Hơn nữa, các ngài phải tỏ lòng tuân phục và kính trọng Giám Mục giáo phận. Còn phần Giám Mục giáo phận cũng hãy lấy tình huynh đệ mà yêu mến và kính nể các Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá.

26. Quyền hành của Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá. Khi ích lợi các linh hồn đòi hỏi, Giám Mục giáo phận đừng ngần ngại thỉnh nguyện Thẩm Quyền thiết lập một hay nhiều Giám Mục Phụ Tá, là những người được đặt lên để giúp giáo phận nhưng không có quyền kế vị.

Nếu văn thư bổ nhiệm không tiên liệu gì, Giám Mục giáo phận hãy đặt một hay nhiều Giám Mục Phụ Tá của mình làm Tổng Ðại Diện, hoặc ít ra làm Ðại Diện Giám Mục và chỉ tùy thuộc quyền ngài. Ngài hãy vui lòng tham khảo ý kiến các vị đó khi cần cân nhắc những vấn đề khá quan trọng, nhất là những vấn đề có tính cách mục vụ.

Trừ khi Thẩm Quyền quyết định cách khác, những quyền hành và đặc quyền do luật định cho các Giám Mục Phụ Tá sẽ không chấm dứt với chức vụ của Giám Mục giáo phận. Cũng mong ước rằng lúc trống tòa, nhiệm vụ điều khiển giáo phận được trao cho Giám Mục Phụ Tá, hay nếu có nhiều thì trao cho một vị trong các ngài, trừ khi có những lý do quan trọng khuyên nên làm cách khác.

Giám Mục Phó, là đấng được bổ nhiệm với quyền kế vị, luôn luôn phải được Giám Mục giáo phận đặt làm Tổng Ðại Diện. Trong những trường hợp đặc biệt, ngài còn có thể được Thẩm Quyền ban cho những đặc quyền rộng hơn.

Ðể ích lợi hiện tại và tương lai của giáo phận được bảo đảm cách hết sức hoàn hảo, Giám Mục có Giám Mục Phó và Giám Mục Phó đừng quên tham khảo ý kiến lẫn nhau trong những vấn đề khá quan trọng. 15*

 

2. Giáo Phủ và các Ủy Ban Giáo Phận

 

27. Tổ chức Giáo Phủ và thiết lập Ủy Ban Giáo Phận. Trong Giáo Phủ của giáo phận, chức vụ của vị Tổng Ðại Diện 16* nổi bật nhất. Mỗi khi việc điều hành chu đáo giáo phận đòi hỏi, Giám Mục có thể thiết lập một hay nhiều vị Ðại Diện Giám Mục. Các vị này, theo đúng luật, được hưởng quyền mà luật chung ban cho vị Tổng Ðại Diện trong một miền được xác định của giáo phận hay trong một số công việc đích xác, hoặc đối với các tín hữu thuộc một nghi lễ nhất định.

Trong số các cộng sự viên giúp Giám Mục điều hành giáo phận, phải kể tới các linh mục thuộc thành phần của hội đồng hay ủy ban của ngài như kinh sỹ hội chánh tòa, hội đồng cố vấn hay những ủy ban khác tùy theo hoàn cảnh và đặc tính của các địa phương khác nhau. Những tổ chức này, nhất là kinh sỹ hội chánh tòa, khi cần thiết còn phải tùy thuộc một thể thức mới thích hợp với nhu cầu hiện đại. 17*

Linh Mục và giáo dân thuộc về Giáo Phủ giáo phận hãy biết rằng mình cộng tác với Giám Mục vào thừa tác vụ mục vụ.

Giáo Phủ giáo phận phải được tổ chức thế nào để trở thành dụng cụ thích hợp cho Giám Mục, không những để cai quản giáo phận, nhưng còn để thi hành các việc tông đồ nữa.

Tha thiết mong ước rằng mỗi giáo phận nên thành lập một Ủy Ban mục vụ, do chính Giám Mục giáo phận làm chủ tịch, và thành phần là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn đặc biệt. Nhiệm vụ của Ủy Ban là thăm dò những gì liên hệ tới công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những việc đó.

 

3. Giáo Sĩ Giáo Phận

 

28. Những liên hện giữa Giám Mục và các linh mục giáo phận. Tất cả các linh mục giáo phận cũng như linh mục dòng đều cùng Giám Mục tham dự và thi hành một chức linh mục của Chúa Kitô và do đó các ngài thành những người cộng tác khôn ngoan của Hàng Giám Mục. Tuy nhiên trong việc coi sóc các linh hồn, các linh mục giáo phận giữ vai trò số một, vì khi gia nhập hay là liên kết với Giáo Hội địa phương, các ngài hiến toàn thân phục vụ Giáo Hội ấy để chăn dắt một phần đoàn chiên Chúa; vì thế các ngài làm thành một linh mục đoàn và một gia đình mà Giám Mục là người cha. 18* Ðể sắp đặt các thừa tác vụ thánh nơi các linh mục của mình một cách thích hợp và công bình hơn, Giám Mục phải được hưởng quyền tự do cần thiết trong việc trao phó các nhiệm vụ hoặc ân bổng, nên phải hủy bỏ những quyền lợi hoặc đặc ân hạn chế quyền tự do đó bằng bất cứ cách nào.

Những liên hện giữa Giám Mục và các linh mục giáo phận phải dựa trên những mối dây bác ái hoàn toàn siêu nhiên, để sự đồng tâm nhất trí giữa hàng linh mục và Giám Mục làm cho hành động mục vụ của mình được phong phú hơn. Vì thế, để cổ võ việc phục vụ các linh hồn mỗi ngày một hơn, Giám Mục nên mời gọi các linh mục đối thoại riêng và chung nữa, nhất là về vấn đề mục vụ, không những khi thuận tiện, mà còn nên ấn định thời gian nếu có thể.

Ngoài ra, tất cả các linh mục giáo phận hãy hợp nhất với nhau và nhờ thế được thúc đẩy lo lắng cho lợi ích thiêng liêng của toàn giáo phận. Hơn nữa, các ngài hãy nhớ rằng, những của cải mình có được khi nhận chức vụ trong Giáo Hội đều liên hệ với nhiệm vụ thánh, nên các ngài hãy tùy sức mà quảng đại giúp đỡ những nhu cầu vật chất của địa phận, theo như sự quy định của Giám Mục.

29. Linh mục đặc trách công việc liên xứ. Những cộng sự viên thân cận hơn của Giám Mục là chính những linh mục mà ngài đã ủy thác nhiệm vụ mục vụ hay hoạt động tông đồ có tính cách liên xứ, hoặc đối với một cộng đoàn giáo dân riêng biệt hay một loại hoạt động đặc biệt.

Các linh mục được Giám Mục trao phó những nhiệm vụ tông đồ khác nhau, làm việc ở trường học, trong các tổ chức khác hay các hiệp hội, cũng góp phần cộng tác rất quý báu. Cả những linh mục phụ trách các công việc liên giáo phận, vì thi hành các công cuộc tông đồ quan trọng, nên đáng được săn sóc đặc biệt, nhất là bởi Giám Mục mà họ ở trong giáo phận của ngài.

30. Linh mục chính xứ. Vì lý do đặc biệt các linh mục chính xứ là những cộng sự viên của Giám Mục: các ngài được ủy thác việc săn sóc các linh hồn như những chủ chăn riêng trong một khu vực nhất định thuộc giáo phận dưới quyền Giám Mục.

1) Trong khi săn sóc các linh hồn như thế, các linh mục chính xứ cùng với các phụ tá của mình phải chu toàn nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai quản sao cho các tín hữu và cộng đoàn giáo xứ cảm thấy mình thực sự là những phần tử của giáo phận cũng như của toàn thể Giáo Hội. Vì thế các ngài cũng phải cộng tác với những linh mục chính xứ khác 19*, cả với những linh mục thi hành phận sự mục vụ trong địa hạt (thí dụ như các Linh Mục Quản Hạt, các Linh Mục Niên Trưởng), hoặc phụ trách những công việc có tính cách liên xứ, để việc mục vụ trong địa phận không mất vẻ duy nhất và trở nên hữu hiệu hơn.

Ngoài ra, việc săn sóc các linh hồn luôn luôn phải được thấm nhuần tinh thần truyền giáo làm sao để làn rộng cách thích đáng tới mọi người sống trong giáo xứ. Nếu các linh mục chính xứ không thể đi tới một số nhóm người, các ngài phải kêu gọi những người khác kể cả giáo dân, phụ giúp đặc biệt để họ có thể trợ lực các ngài trong những việc tông đồ.

Ðể việc săn sóc các linh hồn đó được hữu hiệu hơn, đời sống chung của các linh mục, đặc biệt là các linh mục trong cùng một giáo xứ, được thiết tha khuyến khích, vì một đời sống như thế vừa hỗ trợ hoạt động tông đồ, vừa nêu gương bác ái và đoàn kết cho giáo hữu.

2) Trong khi hoàn tất nhiệm vụ giáo huấn 20*, các linh mục chính xứ có bổn phận rao giảng lời Chúa cho mọi Kitô hữu, để khi đã được đâm rễ sâu trong đức tin, đức cậy và đức ái, họ lớn lên trong Chúa Kitô, và cộng đoàn Kitô giáo làm chứng về đức ái mà Chúa đã truyền dạy 17; các ngài cũng phải dạy giáo lý để giúp giáo hữu tùy từng lứa tuổi được thấu triệt mầu nhiệm cứu rỗi. Trong việc dạy giáo lý trên, không những các ngài phải xin các tu sĩ giúp đỡ, mà còn yêu cầu cả giáo dân cộng tác nữa bằng cách thiết lập Hiệp Hội Giáo Thuyết Kitô Giáo.

Trong khi hoàn thành công việc thánh hóa, các linh mục chính xứ hãy lo lắng để việc cử hành Hy Tế Thánh Thể phải là trọng tâm và tuyệt đỉnh của toàn thể đời sống cộng đoàn Kitô giáo; các ngài hãy nỗ lực để tín hữu được lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhờ sốt sắng siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, cũng như tham dự Phụng Vụ cách ý thức và sống động. Các ngài cũng hãy nhớ rằng Bí Tích Giải Tội hỗ trợ rất nhiều cho đời sống Kitô giáo; vì thế các ngài phải tỏ ra sẵn sàng ngồi tòa giải tội cho tín hữu, trong trường hợp cần thiết còn phải mời các linh mục thông thạo những ngôn ngữ khác tới giúp đỡ nữa.

Trong khi chu toàn nhiệm vụ chủ chăn, 21* trước tiên các linh mục chính xứ hãy quan tâm tìm hiểu đoàn chiên riêng của mình. Vì là kẻ phục vụ hết mọi con chiên, các ngài hãy giúp cho đời sống Kitô giáo được thăng tiến nơi từng giáo hữu, trong gia đình, trong các hiệp hội đặc biệt liên hệ tới việc tông đồ và cả trong toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Vì thế các ngài hãy thăm viếng các gia đình và trường học như phận sự mục vụ đòi hỏi; các ngài hãy nhiệt thành lo cho các thanh thiếu niên; các ngài hãy lấy tình phụ tử bao bọc những người nghèo khổ, bệnh tật; sau cùng các ngài hãy đặc biệt lo lắng cho thợ thuyền và nỗ lực làm cho các tín hữu trợ giúp vào công cuộc tông đồ.

3) Các linh mục phó xứ là những cộng sự viên của linh mục chính xứ, hằng ngày các ngài góp phần cộng tác quý giá và sống động vào việc thi hành phận sự mục vụ dưới quyền linh mục chính xứ. Vì thế, linh mục chính xứ và các linh mục phó xứ của ngài, phải có những liên lạc huynh đệ luôn bác ái và kính trọng nhau, tương trợ lẫn nhau, bằng những lời khuyên nhủ, giúp đỡ và gương mẫu, đồng tâm hiệp ý và hăng say lo lắng cho giáo xứ.

31. Bổ nhiệm, thuyên chuyển và từ chức linh mục chính xứ. Ðể phán đoán năng khiếu một linh mục trong việc điều khiển giáo xứ, Giám Mục hãy chú ý tới không những học thức, nhưng còn cả lòng đạo đức, tinh thần tông đồ nhiệt thành, các tài năng cũng như những đức tính khác cần để thi hành đúng mức việc săn sóc các linh hồn.

Ngoài ra, vì ích lợi các linh hồn phải là lý do toàn diện của nhiệm vụ giáo xứ, nên để Giám Mục có thể tiến hành việc xếp đặt các giáo xứ dễ dàng và thích hợp hơn, ngoại trừ quyền lợi của các giáo sĩ Dòng Tu, phải bãi bỏ mọi quyền giới thiệu, bổ nhiệm hay ưu tiên, kể cả luật thi tuyển chung hoặc riêng nếu nơi nào có luật ấy.

Trong giáo xứ của mình, mỗi linh mục chính xứ còn được quyền tại chức lâu bền như ích lợi của các linh hồn đòi hỏi 22*. Vì vậy, sau khi bãi bỏ việc phân biệt các linh mục chính xứ cố định và linh mục chính xứ khả dịch, nên xét lại và đơn giản hóa thể thức thuyên chuyển và thay đổi các linh mục chính xứ, để nhờ đó Giám Mục vừa duy trì sự công bằng theo tự nhiên và theo giáo luật, vừa có thể đáp ứng thích hợp hơn với nhu cầu mà ích lợi các linh hồn đòi hỏi.

Các linh mục chính xứ, vì tuổi già hoặc vì lý do quan trọng khác, không thể chu toàn chức vụ đúng mức và kết quả, nên thiết tha yêu cầu các linh mục đó tự ý hoặc do Giám Mục khuyến cáo, xin từ chức. Giám Mục hãy trợ cấp xứng đáng cho những vị đã từ chức 23*.

32. Thiết lập và hủy bỏ giáo xứ. Cuối cùng, cũng chính sự cứu rỗi các linh hồn phải là lý do để xác định hoặc thừa nhận việc thiết lập hay việc hủy bỏ các giáo xứ hoặc những thay đổi tương tự khác mà chỉ Giám Mục mới có thể tự quyền thực hiện.

 

4. Các Tu Sĩ Dòng Tu

 

33. Tu sĩ dòng và việc tông đồ. Tất cả những Tu Sĩ Dòng Tu mà những điều sau đây bàn đến, là những người đã tuyên hứa theo những lời khuyên Phúc Âm trong các Tu Hội, tùy theo ơn gọi riêng của mỗi Tu Hội, có nhiệm vụ tận lực và chuyên cần gắng sức xây dựng phát triển toàn diện Nhiệm Thể Chúa Kitô và mưu cầu ích lợi cho các Giáo Hội địa phương.

Họ buộc phải theo đuổi những mục đích đó trước hết bằng lời cầu nguyện, các việc thống hối và bằng gương mẫu đời sống cá nhân, Thánh Công Ðồng cũng thiết tha khuyến khích họ luôn luôn quý mến và siêng năng thực hiện các việc ấy. Nhưng, tùy theo đặc tính của mỗi Dòng Tu, các tu sĩ còn phải tận lực tham gia các công việc tông đồ bên ngoài.

34. Tu sĩ dòng cộng tác với Giám Mục trong việc tông đồ. Những linh mục dòng tu được thánh hiến thi hành chức vụ linh mục, để chính họ trở thành những cộng sự viên khôn ngoan của Hàng Giám Mục, ngày nay có thể giúp đỡ các Giám Mục nhiều hơn, trước nhu cầu gia tăng của các linh hồn. Như thế, xét theo phương diện nào đó, phải nói rằng các ngài thực sự liên hệ với hàng giáo sĩ giáo phận, vì cùng chia xẻ công việc săn sóc các linh hồn và các công cuộc tông đồ dưới quyền của các vị Lãnh Ðạo thánh.

Cà những thành phần khác như các nam hay nữ tu, vì lý do đặc biệt, đều thuộc về gia đình giáo phận, cũng giúp đỡ nhiều cho Hàng Giáo Phẩm; và vì nhu cầu tông đồ mỗi ngày một gia tăng, nên họ có thể và phải giúp đỡ mỗi ngày một hơn.

35. Nguyên tắc dành cho việc tông đồ của tu sĩ dòng trong giáo phận. Ðể hoạt động tông đồ trong mỗi giáo phận luôn luôn được thực hiện một cách hòa hợp và để sự duy nhất của kỷ luật giáo phận được bảo toàn, Thánh Công Ðồng quy định nguyên tắc căn bản sau đây: 24*

1) Tất cả các Tu Sĩ Dòng Tu phải sốt sắng tuân phục và kính trọng các Giám Mục là những đấng kế vị các Tông Ðồ. Ngoài ra, mỗi khi được mời cách hợp pháp tham dự các hoạt động tông đồ, họ buộc phải thi hành nhiệm vụ của mình sao cho thành những cộng sự viên thường trực và tùng phục Giám Mục 18. Nhất là các Tu Sĩ Dòng Tu hãy mau mắn và trung thành hưởng ứng lời thỉnh cầu và nguyện vọng của các Giám Mục để lãnh nhận những vai trò rộng lớn hơn trong việc cứu rỗi con người, nhưng vẫn duy trì đặc tính của Tu Hội và theo đúng Hiến Pháp, và nếu cần Hiến Pháp đó sẽ được thích nghi với mục đích ấy, theo các nguyên tắc trong Sắc Lệnh này của Công Ðồng.

Nhất là vì quan tâm đến nhu cầu khẩn cấp của các linh hồn và vì thiếu các giáo sĩ giáo phận, nên các Giám Mục có thể kêu gọi những Tu Hội không hoàn toàn sống đời chiêm niệm giúp đỡ những việc mục vụ khác nhau, nhưng vẫn tùy theo đặc tính riêng của mỗi Tu Hội; để giúp đỡ công việc trên, các Bề Trên phải hết sức hưởng ứng việc lãnh nhận giáo xứ dù là tạm thời.

2) Còn các tu sĩ dòng tu được sai đi phụ trách hoạt động tông đồ ở ngoài vẫn phải thấm nhuần tinh thần của Tu Hội, luôn luôn trung thành giữ luật và vâng phục Bề Trên tu hội. Các Giám Mục đừng quên nhấn mạnh đến nghĩa vụ này.

3) Tính chất miễn trừ - bởi đó các Tu Sĩ Dòng Tu thuộc quyền Ðức Giáo Hoàng hay một Thẩm Quyền khác trong Giáo Hội và không tùy thuộc quyền của các Giám Mục - đặc biệt liên hệ tới tổ chức nội bộ của các Tu Hội để mọi việc trong các Tu Hội trở nên thích hợp và liên lạc chặt chẽ với nhau hơn và sự tiến bộ cũng như sự trọn lành của đời sống dòng tu được lo lắng tới nhiều hơn 19; cũng để Ðức Giáo Hoàng có thể sắp đặt các tu sĩ dòng tu theo ích lợi của toàn thể Giáo Hội 20; và để Thẩm Quyền khác phân phối hợp với ích lợi của Giáo Hội thuộc quyền.

Nhưng đặc tính miễn trừ ấy không ngăn cản việc các Tu Sĩ Dòng Tu trong mỗi giáo phận tùng phục quyền các Giám Mục theo giáo luật, như việc chu toàn phận sự mục vụ của các ngài và việc coi sóc các linh hồn một cách đúng mức đòi hỏi 21.

4) Mọi tu sĩ, miễn trừ và không miễn trừ, đều phải phục tùng các Ðấng Bản Quyền địa phương trong những điều liên quan tới việc công khai thờ Kính Thiên Chúa, nhưng vẫn kính trọng vẻ khác biệt của các Nghi Lễ, trong những điều liên quan tới việc coi sóc các linh hồn, việc giảng huấn thánh cho dân chúng, việc giáo dục tôn giáo và luân lý cho các Kitô hữu, đặc biệt là cho các thiếu nhi, việc tổ chức dạy giáo lý và huấn luyện phụng vụ, tư cách của hàng giáo sĩ và cả những công việc khác liên hệ tới việc thi hành hoạt động tông đồ thánh. Những học đường công giáo của các tu sĩ cũng phải thuộc quyền các Ðấng Bản Quyền địa phương về những gì liên hệ đến tổ chức và sự chăm sóc chung, tuy nhiên các tu sĩ vẫn nắm quyền điều hành các trường đó. Cũng thế, các Tu Sĩ Dòng Tu buộc phải tuân giữ tất cả những gì mà các Công Ðồng hay Hội Ðồng Giám Mục ban bố cách hợp pháp buộc mọi người phải giữ.

5) Giữa các Tu Hội với nhau, cũng như giữa các Tu Hội với hàng giáo sĩ giáo phận, phải khuyến khích việc hợp tác có tổ chức. Nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi công việc và hoạt động tông đồ, nó tùy thuộc ở ý hướng siêu nhiên của tinh thần và tâm hồn, đâm rễ sâu và xây dựng trên đức ái. Tòa Thánh có nhiệm vụ lo lắng việc phối hợp cho toàn thể Giáo Hội; còn mỗi Chủ Chăn thánh lo cho giáo phận mình; sau hết, các Thượng Hội Ðồng Giáo Chủ và các Hội Ðồng Giám Mục lo cho lãnh thổ mình.

Các Giám Mục hay các Hội Ðồng Giám Mục và các Bề Trên Dòng Tu, hoặc Hội Ðồng các Bề Trên Cả hãy vui lòng tiến hành việc thảo luận chung với nhau về những dự án các công việc tông đồ do các tu sĩ thực hiện.

6) Ðể đồng một lòng tán trợ những mối tương quan giữa các Giám Mục và các Tu Sĩ cách hữu hiệu, các Giám Mục và các Bề Trên Dòng Tu hãy vui lòng họp lại với nhau vào những kỳ hạn nhất định, và mỗi khi thấy thích hợp, để thảo luận về những công việc có liên hệ tổng quát tới hoạt động tông đồ tại lãnh thổ mình.

 


Chú Thích:

9* Ðoạn này diễn tả giáo phận như là mẫu của Giáo Hội riêng biệt hay địa phương. Giáo phận gồm hai yếu tố:

a) yếu tố xã hội: một phần của dân Thiên Chúa, của Giáo Hội phổ quát trên một lãnh thổ nhất định, có Giám Mục lãnh đạo. Trên phương diện này, giáo phận là một đơn vị mục vụ và hành chánh.

b) yếu tố siêu nhiên: Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, ơn cứu rỗi, toàn thể mầu nhiệm Giáo Hội đều hiện diện trọn vẹn trong mỗi giáo phận (x. số 15 phần cuối; GH 26). Những thực tại này vì thiêng liêng nên bất khả phân. Trên phương diện này, giáo phận là toàn thể Giáo Hội hiện diện tại một nơi nhất định. (Trở lại đầu trang)

1 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientalium Ecclesiarum, 21-11-1964, số 7-11: AAS 57 (1965), trg 79-80. (Trở lại đầu trang)

2 Xem CÐ Trentô, Khóa 5, Sắc lệnh De reform., ch. 2 : Mansi 33, 30; Khóa 24, Sắc lệnh De reform., ch 4 : Mansi 33, 159. - Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. III. số 25: AAS 57 (1965), trg 29tt. (Trở lại đầu trang)

3 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. III, số 25: AAS 57 (1965), trg 29-31. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris, 11-4-1963, và nhiều nơi khác: AAS 55 (1963), trg 257-304. (Trở lại đầu trang)

10* Về những đề tài và tính cách của giáo huấn Giáo Hội torng thời đại chúng ta, xem MK 25; GM 12, 13, 30; LM 4; MV 4, 10, 12, 22, 37, 38, 43, 62 v.v... (Trở lại đầu trang)

5 Xem Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 639. (Trở lại đầu trang)

6 N.t., trg 644-645. (Trở lại đầu trang)

7 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông xã hội Inter Mirifica: AAS 56 (1964), trg 145-153. (Trở lại đầu trang)

8 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium: AAS 56 (1964), trg 97tt. - Phaolô VI, Tự sắc Sacram Liturgiam, 25-1-1964 : AAS 56 (1964), trg 139tt. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 521tt. - Phaolô VI, Tđ. Mysterium Fidei, 3-9-1965: AAS 57 (1965), trg 753-774. (Trở lại đầu trang)

10 Xem CvTđ 1,14 và 2,46. (Trở lại đầu trang)

11 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. VI, số 44-45: AAS 57 (1965), trg 50-52. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Lc 22,26-27. (Trở lại đầu trang)

13 Gio 15,15. (Trở lại đầu trang)

11* Về mối tương quan giữa các Giám Mục và linh mục: xem số 15, 28; GH 28; LM 2, 7, 15; TG 20. (Trở lại đầu trang)

14 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio: AAS 57 (1965), trg 90-107. (Trở lại đầu trang)

15 Xem T. Piô X, Tự sắc Iampridem, 19-3-1914 : AAS 6 (1914), trg 173 tt. - Piô XII, Tông hiến Exsul Familia, 1-8-1952: AAS 44 (1952), trg 649 tt; Leges Operis Apostolatus Maris, được thu thập lại theo lệnh của Ðức Piô XII, 21-11-1957: AAS 50 (1958), trg 375-383. (Trở lại đầu trang)

12* Công Ðồng đặt các tương quan giữa Giáo Hội với các quốc gia trên nguyên tắc độc lập hỗ tương; nhưng trong khi cộng tác, Giáo Hội và quốc gia có những sứ mệnh khác nhau. Và đây cũng là nền tảng cho sự độc lập. Có một điểm tương đồng là cả Giáo Hội lẫn quốc gia đều phục vụ con người: đây là nền tảng của việc cộng tác giữa hai bên (MV 76). Từ nguyên tắc trên Công Ðồng suy diễn ra một kết luận hợp lý (số 20): chỉ Ðức Giáo Hoàng mới có quyền bổ nhiệm Giám Mục, vì việc bổ nhiệm chỉ liên quan đến sứ mệnh của Giáo Hội. Ðây là một canh tân, vì giáo luật khoản 332, 1 chấp nhận cho quốc gia có quyền quy định, tuyển chọn, giới thiệu hay chỉ định các Giám Mục mới trong lãnh thổ thuộc quyền mình. (Trở lại đầu trang)

13* Ðức Phaolô VI xin các Giám Mục từ chức khi được 75 tuổi trọn. Giám Mục từ chức, nếu muốn, có thể ở lại trong giáo phận của ngài và giáo phận có bổn phận phải nuôi dưỡng ngài (x. Ecclesiae Sanctae, số 11). (Trở lại đầu trang)

16 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientatium Ecclesiarum, 21-11-1964, số 4: AAS 57 (1965), trg 77. (Trở lại đầu trang)

14* Giám Mục Phó là một Giám Mục Hiệu Tòa, được chỉ định để giúp một Giám Mục có giáo phận trong vấn đề mục vụ và cai quản giáo phận, với quyền kế vị. Giám Mục Phụ Tá cũng là một Giám Mục Hiệu Tòa giúp đỡ một Giám Mục cai quản giáo phận, nhưng không có quyền kế vị. Có quyền kế vị hay không là một dị biệt chính yếu. Ngoài ra còn hai dị biệt phụ thuộc là: Giám Mục Phó quan trọng và có quyền hành nhiều hơn; trong một giáo phận chỉ có thể có một Giám Mục Phó, còn Giám Mục Phụ Tá thì có thể có nhiều vị cùng một lúc. (Trở lại đầu trang)

15* Ðoạn này có 4 điểm mới so với bộ giáo luật:

1) Nếu trong giáo phận có Giám Mục Phó, phải đặt ngài làm Giám Mục Tổng Ðại Diện (x. chú thích tiếp sau).

2) Nếu có Giám Mục Phụ Tá, phải đặt ngài làm Giám Mục Tổng Ðại Diện hay phó Ðại Diện Giám Mục (x. chú thích tiếp sau).

3) Khi Giám Mục giáo phận qua đời hay đổi giáo phận, Giám Mục Phụ Tá không mất quyền. Ðó là điều khác với giáo luật khoản 355, 2. Khoản giáo luật này bị hủy bỏ.

4) Khi giáo phận trống tòa, Công Ðồng mong ước việc cai trị giáo phận phải được trao cho Giám Mục Phụ Tá. Nhưng không buộc ngặt. Trường hợp Giám Mục Phụ Tá không được chọn làm Ðại Diện Thừa Ủy, ngài sẽ giữ nhiệm vụ đại diện tổng quát hay phó giám mục như trước (Ecclesiae Sanctae, số 13). (Trở lại đầu trang)

16* Giáo phủ giáo phận là cơ quan cai quản giáo phận của Giám Mục. Sắc Lệnh thường nói đến "các cộng tác viên". Ðể dễ hiểu, xin đan cử một vài thí dụ tiêu biểu:

1) Tổng Ðại Diện: đây là nhân vật quan trọng nhất trong giáo phận sau Ðức Giám Mục, Ngài có hầu hết mọi quyền của Giám Mục trên khắp giáo phận. Nhưng Giám Mục có thể hạn chế quyền hành của ngài.

2) Ðại Diện Giám Mục: đây là một chức vụ mới được Công Ðồng thiết lập. Ðại Diện Giám Mục có mọi quyền của Giám Mục, nhưng chỉ trên một phần giáo phận, hay đối với một loại công việc đặc biệt, hay đối với một hạng giáo dân, ví dụ ở Việt Nam có thể có một Ðại Diện Giám Mục đặc trách đồng bào Thượng.

3) Ðại Diện Thừa Ủy: sau khi Giám Mục qua đời hay đổi giáo phận, trong vòng một tuần lễ, các cố vấn của Giám Mục phải đề cử một linh mục để cai quản giáo phận cho đến khi có Giám Mục mới. Linh mục đắc cử gọi là Ðại Diện Thừa Ủy.

4) Các Phó Xứ (số 30,3) là những linh mục giúp cha xứ trong một giáo xứ. (Trở lại đầu trang)

17* Chiếu theo giáo luật, mỗi giáo phận phải có một hội đồng linh mục với nhiệm vụ: a) làm cố vấn cho Giám Mục, b) đề cử đại diện thừa ủy khi giáo phận trống tòa. Ở Âu châu, hội đồng này mệnh danh là kinh sĩ hội chính tòa. Ở Việt Nam gọi là ủy ban cố vấn (Giáo Luật kh. 423 tt).

Công Ðồng duy trì định chế này, đồng thời cũng ao ước có sự canh tân, nhưng Công Ðồng cũng thêm hai định chế khác:

1) Ủy ban hay hội đồng linh mục (LM 7). Ðây là nhóm linh mục đại diện cho tất cả các linh mục giáo phận, kể cả các linh mục dòng. Hội đồng này chỉ có quyền tư vấn, và khi trống tòa hội đồng ngưng hoạt động. Tân Giám Mục sẽ lập một hội đồng khác (Ecclesiae Sanctae, số 15; x. TG 20).

2) Hội đồng mục vụ (số 27 phần cuối): Gồm các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Hội đồng này cũng có quyền tư vấn và nhiệm vụ đệ trình lên Giám Mục những đề nghị cụ thể trong phạm vi mục vụ (Ecclesiae Sanctae, số 16; x. TG 30). (Trở lại đầu trang)

18* Linh mục đoàn là toàn thể linh mục trong giáo phận (GH 28; GM 11, 15, 28; LM 7, 8 v.v...). Cả đến các tu sĩ (số 34) và các vị thừa sai ngoại quốc (TG 20) cũng là hội viên. (Trở lại đầu trang)

19* Xem LM 8; TG 20. (Trở lại đầu trang)

20* Xem LM 4. (Trở lại đầu trang)

17 Xem Gio 13, 35. (Trở lại đầu trang)

21* Xem LM 6. (Trở lại đầu trang)

22* Ở đây Công Ðồng thay đổi hai định chế giáo luật:

1) Việc bổ nhiệm các cha chính xứ: theo giáo luật cho chính xứ có thể được bổ nhiệm:

a) Bằng một cuộc thi (Giáo Luật kh. 459, 3,30), đây là cuộc khảo hạch về thần học và mục vụ. Ai đậu cao nhất sẽ được bổ nhiệm chính xứ.

b) Bằng cuộc tuyển lựa (Giáo Luật kh. 455, 1), do giáo dân trong xứ hay những người khác tuyển chọn với sự phê chuẩn của Giám Mục.

c) Do sự chỉ định trực tiếp của Giám Mục, Công Ðồng chỉ giữ lại cách thứ ba này và hủy bỏ hai cách kia.

2) Sự cố định của linh mục chính xứ: trước Công Ðồng, có những linh mục chính xứ, Giám Mục có thể tùy ý thuyên chuyển đến một giáo xứ khác; trái lại, có những vị, Giám Mục không thể thuyên chuyển nếu không có một vụ kiện theo giáo luật. Sự phân biệt này được hủy bỏ (Ecclesiae Sanctae, số 18). (Trở lại đầu trang)

23* Cũng như các Giám Mục, các linh mục chính xứ cũng được yêu cầu từ chức khi được 75 tuổi trọn (Ecclesiae Sanctae, số 20). (Trở lại đầu trang)

24* Về những tương quan giữa Giám Mục giáo phận và các dòng tu hoạt động trong giáo phận, Công Ðồng thiết lập hai nguyên tắc căn bản:

1) Các dòng tu được miễn trừ khỏi quyền bính Giám Mục trong những gì có liên quan đến đời sống của dòng, nhưng lệ thuộc vào Giám Mục trong phạm vi hoạt động tông đồ (Ecclesiae Sanctae, số 22-40; TG 30).

2) Trong trường hợp cấp bách vì nhiệm vụ tông đồ, các dòng tu phải chấp nhận đề nghị của Giám Mục khi ngài xin họ giúp đỡ. (Trở lại đầu trang)

18 Xem Piô XII, Huấn từ, 8-12-1950: AAS 43 (1951), trg 28. - Xem thêm Phaolô VI, Huấn từ 23-5-1964: AAS 56 (1964), trg 571. (Trở lại đầu trang)

19 Xem Leô XIII, Tông hiến Romanos Pontifices, 8-5-1881: Acta Leonis XIII, q.II (1882), trg 234 tt. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Phaolô VI, Huấn từ, 23-5-1964: AAS (1964), trg 570-571. (Trở lại đầu trang)

21 Xem Piô XII, Huấn từ 8-12-1950 : n.v.t. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page