Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Tổng Quan Về Thông Diễn Học

(Hermeneutics)

 

Luận Văn sau đây được viết lại từ loạt bài thuyết trình về Thông Diễn Học (Hermeneutics) cho các sinh viên Ban Thạc Sỹ và Nghiên Cứu Sinh, Khoa Triết Học, Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (Ðại Học Quốc Gia Hà Nội), tại Viện Triết Học (Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam), vào tháng Giêng năm 2003, và tại Viện Con Người (Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam), tháng Tư năm 2004. Bài này là chương 1 trong tập sách Thông Diễn Học và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn sẽ được xuất bản tại Hà Nội năm 2004. Nơi đây tác giả xin trân trọng cám ơn Tiến sỹ Trịnh Trí Thức (Chủ nhiệm Khoa Triết Học), Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện trưởng Viện Triết Học), Giáo sư Tiến sỹ Phạm Văn Ðức (Viện Triết Học), Giáo sư Viện sỹ Phạm Minh Hạc (Viện trưởng Viện Con Người), Giáo sư Tiến sỹ Hồ Sĩ Qúy (Phó Viện trưởng Viện Con Người) và Giáo sư Tiến sỹ Phạm Thành Nghị (Phó Viện trưởng Viện Con Người) đã có ý mời cũng như xếp đặt tổ chức loạt bài thuyết trình trên.

Như chúng tôi đã phác họa những yếu tính cũng như công năng của Thông Diễn Học (viết tắt là TDH) trong phần lời nói đầu, ta thấy TDH đồng thời là một môn học, một phương pháp và một nền triết học, tuy rất cổ xưa nhưng lại rất hiện đại. Môn học này xâm nhập vào trong mọi lãnh địa của nền khoa học xã hội và nhân văn, từ tâm lý học cho tới xã hội học, từ văn hóa học tới tôn giáo học, [1] và có lẽ, vào ngay cả trong một lãnh vực mà ít ai ngờ tới, đó chính là cái lãnh địa "thiêng liêng bất khả xâm phạm" của nền khoa học tự nhiên. [2] Ðể có thể có một cái nhìn quán triệt về TDH, trong chương này, chúng tôi xin được đi sâu hơn vào những điểm trên, bàn về những vấn đề sau: (1) Thuyên Thích Học hay Thông Diễn Học, (2) Nguồn gốc và Diễn biến của TDH, (3) Ðịnh nghĩa của TDH, và (4) Ý nghĩa và Mục đích của TDH. Trong phần này, chúng tôi dựa một phần lớn theo dàn bài tập sách Hermeneutics của Giáo sư Richard E. Palmer thuộc ÐH Northwestern University, [3] một tập sách mà chúng tôi thấy tương đối rõ ràng và đầy đủ cho những người học văn chương, tuy không sâu sắc và chưa đủ tính chất phê bình, và nhất là thiếu cập nhật hóa. [4] Tuy dựa theo dàn bài, nhưng chúng tôi không hẳn theo những quan niệm của Palmer, một phần vì tập sách chưa đủ cập nhật, như chúng tôi đã nói trên, một phần khác, Palmer vẫn chưa nắm vững được tư tưởng của những triết gia như Heidegger, Ricoeur, và ngay cả Gadamer mà ông dựa vào. Chính vì vậy, như độc giả sẽ nhận ra, chúng tôi phát triển những luận đề trên một cách tương đối độc lập, dựa vào chính những bản văn nguyên ngữ của các tác giả trên. Ngoài ra, chúng tôi cũng bàn thêm về những nhân vật từng đóng góp vào qúa trình phát triển TDH, khiến nó được giới triết học Anh-Mỹ chú trọng, như Habermas, Richard Rorty và nhất là Michel Foucault (như thấy trong chương thứ 5 và kết luận), tức những triết gia không xuất thân từ truyền thống hiện tượng học, hay tôn giáo học.

 

1. Thuyên Thích Học hay Thông Diễn Học

2. Nguồn Gốc và Quá Trình Diễn Biến của Thông Diễn Học

3. Ðịnh Nghĩa Thông Diễn Học

4. Ý Nghĩa và Mục Ðích của Thông Diễn Học

 

Chú Thích:

[1] Xin tkh. Hans-Georg Gadamer, chb., Seminar: Die Hermeneutik und die Wissenschaften (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1978); Hans-Georg Gadamer và Gottfried Boehm, Seminar: Philosophische Hermneutik (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1976).

[2] Mary Hesse, "In Defense of Objectivity" trong Revolutions and Reconstructions in the Philosophy of Sciences (Brighton: Harvester Press, 1980), tr. 171.

[3] Richard E. Palmer, Hermeneutics (Evanston: Northwestern University Press, 1969).

[4] Palmer chỉ bàn TDH cho tới Gadamer. Ông không đi sâu vào phong trào TDH trong khoa học xã hội của Juergen Habermas, Antony Giddens, Wolfgang Schluchter, Michel Foucault hay trong khoa học của Thomas Kuhn, Mary Hesse, trong khảo cổ học và nhân học của Clifford Geertz, trong phân tâm học của Jacques Lacan, và nhất là không quen thuộc với trường phái triết học Pháp như Paul Ricoeur, Emmanuel Lévinas.

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page