Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Tổng Quan Về Thông Diễn Học

(Hermeneutics)

 

1. Thuyên Thích Học hay Thông Diễn Học

Trước khi bàn về những vấn đề trên, chúng tôi xin được giải thích lý do tại sao chúng tôi chọn thuật ngữ thông diễn học (viết tắt là TDH) thay vì thuyên thích học, hay giải thích học, hay tầm nguyên học, hay giải nghĩa học, hay chú giải học, vân vân.

Trong ngôn ngữ Viễn Ðông (các tiếng Việt, Hán, Nhật, Ðại Hàn, vân vân), mỗi một cụm thuật ngữ đều mang một ý nghĩa cá biệt, khác nhau, đôi khi lại đối nghịch với nhau, và nhất là không hội đủ tất cả mọi đặc tính của thuật ngữ hermeneutics. Như chúng ta biết, cùng một chữ tôn (tông) giáo (viết giống nhau), người Việt hiểu hơi khác với người Tầu, rồi người Tầu lại không hoàn toàn hiểu như người Nhật, mà người Viễn đông nói chung lại hoàn toàn hiểu khác với người Tây phương. [5] Cái hố cách biệt này càng sâu hơn giữa hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, và nhất là khi chúng ta không có một sinh hoạt tương tự. Từ đây, chúng ta mới hiểu được cái lúng ta lúng túng của chúng ta khi phải dịch những thuật ngữ của thế giới Tây phương sang Việt ngữ. Nói một cách minh bạch hơn, sựï khó khăn trong việc dịch thuật ngữ hermeneutics phản ánh cái khó khăn đi tìm những điểm chung (cộng thức, cộng cảm, cộng thể, cộng đồng, cộng thông) trong sự khác biệt của cuộc sống, lối tư duy, cách thế thẩm định giá trị và nhất là trong sự xa biệt giữa các truyền thống, giữa truyền thống và hiện đại. [6] Chúng ta không thể diễn tả được tất cả sự phong phú, không riêng của từ ngữ Hermes (tên riêng của một vị thần, người con của hai vị thần Zeus và Maia), mà của cả một truyền thống trên ba ngàn năm từ thời Homer cho đến thời nay, bởi lẽ chúng ta không có một truyền thống như vậy. Hoặc nếu có những huyền thoại tương tự như thế, chúng cũng không nhất thiết giống nhau. Thí dụ, huyền thoại Việt trên bản chất là nhân thoại, trong khi khi huyền thoại Hy lạp là thần thoại. [7] Thế nên, bất cứ một thuật ngữ nào trong ngôn ngữ Viễn đông cũng không thể hoàn toàn tương xứng với những thuật ngữ của nền văn hóa Tây phương. Ðây là một khó khăn chung cho các nhà thần học, triết học và tôn giáo học khi phải chuyển dịch các cụm thuật ngữ của các nền văn hóa khác sang văn hóa của họ. Tương tự, người Âu Mỹ cũng gặp khó khăn tương tự khi họ phải chuyển dịch những thuật ngữ đông phương sang ngôn ngữ của mình. Ðại đa số các học giả, rốt cục, phải hoặc giữ lại nguyên ngữ, hay dịch theo lối phát âm địa phương. [8] Nhưng một lối dịch theo cách phát âm như vậy không giúp gì nhiều hơn là làm cho ngôn ngữ tối tăm thêm. Ý thức được điều này, chúng tôi rất cẩn trọng trong việc chọn thuật ngữ tương đối cân xứng có thể bao gồm những ý nghĩa căn bản cũng như tinh thần của hermeneutics.

Khi dạy và viết sách nghiên cứu về TDH tại Trung Quốc, chúng tôi áp dụng thuật ngữ Thuyên Thích Học, hiện rất thông dụng trong giới hàn lâm của thế giới người Hoa. Thuật ngữ thuyên thích học được dịch sang Hoa ngữ vào cuối thập niên 1970s, nếu tôi không lầm, do bằng hữu, Giáo sư Thầm Thanh Tòng của Ðại học Quốc gia Chính Trị, Ðài Bắc. [9] Thuật ngữ này nói lên tính chất chuyển biến ý nghĩa (transformation) và triển thị (exhibition) ý nghĩa của bản văn. Và mãi cho tới năm 1990s, giới học giả Trung Hoa mới chấp nhận từ thuyên thích học. [10] Chữ thuyên bao gồm hai chữ ngôn và toàn, muốn nói lên sự diễn tả toàn thể nội dung của ngôn ngữ. Trong khi chữ thích vốn mang nghĩa giãi bày, nhưng cũng có thêm nghĩa thích hợp. Thuật ngữ này tương đối đầy đủ hơn là các thuật ngữ khác mà chúng ta thường thấy như giải thích học, giải nghĩa học. Tuy vậy, thuyên thích học vẫn chưa hoàn toàn diễn tả được tính chất hội thông và nhất là tính chất sáng tạo của văn bản mà Heidegger đòi hỏi và áp dụng trong tác phẩm bất hủ Sein und Zeit (1927), [11] và được đồ đệ của ông, Giáo sư Gadamer phát triển trong tác phẩm kinh điển Wahrheit und Method (1960), cũng như được Juergen Habermas tổng hợp với lý thuyết Phê phán vào thập niên 1970s. [12] Tương tự thuật ngữ Giải Thích học mà người Nhật dịch từ đầu thập niên 1960s cũng chưa lột được hết ý nghĩa của hermeneutics. Nó chỉ diễn tả được hai ý nghĩa đầu tiên của hermeneutics, đó là giải thích và giải nghĩa.

Chính vì những lý do trên, chúng tôi tạm sử dụng thuật ngữ thông diễn học, một thuật ngữ đã được một vài học giả Việt sử dụng vào đầu thập niên 1970. [13] Tuy không bị ảnh hưởng bởi những học giả này, Giáo sư Tiến sỹ Vũ Kim Chính của Ðại Học Phụ Nhân (Trung Hoa) cũng đã đi tới một lối dịch tương tự. Ông chọn lựa "thông diễn" và đem vào trong bộ từ vựng mà ông xuất bản năm 1997. [14] Giáo sư họ Vũ giải thích lý do tại sao ông chọn chữ khoa thông diễn học:

"Một số những danh từ thần học như Hermeneutic, Inculturation, Liberation Theology... mới thông dụng trong những năm gần đây, ngay đối với giới thần học Trung Hoa, làm sao tìm chữ dịch cho chuẩn, cũng trở thành một vấn đề không dễ khắc phục. Tỉ dụ hạn từ Hermeneutic sau thời gian tranh cãi dùng chữ giải thích hay chú giải..., bây giờ đa số đều đồng ý dùng một chữ ghép mới (gồm chữ ngôn và chữ toàn, đọc là thuyên) để nói lên hành động dùng ngôn lý để giải nghĩa toàn phần. Theo thiển ý chúng tôi, Việt ngữ có thể dùng hai chữ đã có sẵn là "thông ngôn" và "diễn dịch" ghép thành chữ "thông diễn." [15]

Như chúng tôi sẽ trình bày trong những đoạn sau, TDH bao gồm (1) một cách thế để thấu hiểu văn bản, hay ngôn ngữ, hay truyền thống, (2) một nghệ thuật thông suốt, bao gồm nghệ thuật diễn giải (ars explanandi), nghệ thuật diễn nghĩa (ars explicandi), và nghệ thuật chuyển nghĩa (ars interpretandi), (3) một phương pháp để hiểu một cách trung thực, tức giải thích học (exegesis), và (4) một phương cách triết học (philosophical hermeneutics). Chính vì thế mà từ thông diễn xem ra có vẻ tương đối đầy đủ hơn trong công việc chỉ ra những ý nghĩa trên.

 

Chú Thích:

[5] Chữ tôn giáo theo đúng nghĩa của truyền thống văn hóa Trung Hoa, Nhật và của Việt Nam phải là tông giáo. Hiếu Kinh (từ thời Tăng Tử) là những lời giáo huấn của Khổng Tử và các bậc tiên hiền về việc tôn kính tông, tổ. Hiếu đạo là một nguyên lý của đạo sống. Tuy phát xuất cùng một gốc với nền văn hóa Trung Hoa, người Việt hiểu tôn giáo hơi khác. Giáo nơi đây không chỉ là giáo hóa, nhưng còn là một lối sống, một quy tắc sống. Chính vì vậy mà, nếu trong Khổng học, người ta chú trọng nho gia, thì nơi người Việt, chữ nho giáo chiếm một địa vị quan trọng hơn. Chúng tôi đã bàn về sự khác biệt này trong nhiều luận văn, in trong tuyển tập: Trần Văn Ðoàn, Những Suy Tư Thần Học Việt Nam (Washington, D.C.: Vietnam University Press, đxb).

[6] Ðể hiểu thêm về sự khác biệt bất khả kháng này, xin tham khảo các bài viết khác của chúng tôi: Trần Văn Ðoàn, Chủ Thuyết Hậu Hiện Ðại (Hà Nội, 2002), cũng như: Trần Văn Ðoàn, "The Search for the Pentecostal Spirit" trong The Proceedings of The IVth Conference of AACP (Seoul, Korea, 2000); cũng in trong Soochow Philosophy, No 5 (Taipei, 10. 2001); Trần Văn Ðoàn, "Le problème de l'incommensurabilité dans culture" trong William Sweet, ed., Philosophie Canadienne (09.2001); cũng như Trần Văn Ðoàn, "Pluralistic Culture versus Cultural Pluralism" trong Tomonobu Imamichi, George F. McLean ed., Metaphysics in the Age of Globalization (Washington: CRVP, 2003), và trong W. Sweet & Hu Yeping ed., To The Mountain (Taipei: Fujen University Press, 2004).

[7] Về vấn đề này chúng tôi đã bàn sâu hơn trong: Trần Văn Ðoàn, "Towards a Viet-Theology" trong Hội Thảo Thần Học Việt Nam (Orsonnens, Thụy Sỹ, 1997), và trong: Trần Văn Ðoàn, Những Suy Tư Thần Học Việt Nam đã nhắc đến trong chú thích số 5 trên. Nói một cách chung, thần thoại là những huyền thoại về đời sống của giới thần linh, được biểu tả qua ngôn ngữ cũng như cách thế sống của con người. Ngược lại, nhân thoại là những câu chuyện về việc con người, qua công nghiệp, hay tài cán, hay đức hạnh có thể tự trở thành thần, hay thánh. Sự kiện những anh hùng dân tộc, những vĩ nhân, những người đạo cao chức trọng được dân chúng tôn vinh và được nhà vua phong chức thần (thần hoàng), thánh là một nền văn hóa hy hữu đặc thù của văn hóa Việt. Lý Thường Kiệt (1936-1105), sau khi chết được dân tôn thờ làm thánh, và xây đền thờ ông (đền Thái Ủy tại xã Ngọ Xá, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), bởi vì vị đại anh hùng họ Lý này đánh tan quân Chiêm Thành (1069), quân Tống (1076). Tương tự, chúng ta có Thánh Gióng, Thánh Trần Hưng Ðạo, Thánh Mẫu (bà Liễu Hạnh)... và thế giới thần linh như Tứ Bất Tử (bao gồm Thánh Gióng, Tản Viên, Chử Ðồng Tử, Liễu Hạnh), vân vân, mà người bình dân thường gọi là các Ông, các Bà. Xin tkh. Vũ Ngọc Khánh và Ngô Ðức Thịnh, Tứ Bất Tử (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Dân Tộc, 1990).

[8] Thí dụ chưa có ai có thể dịch được tiếng Ðạo sang ngôn ngữ Tây phương, nên đại đa số các ngôn ngữ này giữ lại nguyên tiếng Ðạo (Dao, Tao). Dịch theo lối phát âm, thí dụ như Bụt (Buddha), Thích Ca (Shiddarta), Quan Âm (Kwan-in (Hán), hay Kannon (Nhật)... Trong ngôn ngữ Tây phương, họ dịch theo lối phát âm, nên dễ dàng hơn: Từ tiếng Hy lạp: ermeneuein, ermeneia: hermeneutics (Anh), herméneutique (Pháp), hermeneutica (La-tinh), Ermeneutica (Ý), Hermeneutik (Ðức), vân vân.

[9] Xin tkh. Thẩm Thanh Tòng, Hiện Ðại Triết Học Luận Thuật (Ðài Bắc: Lý Minh cbx., 1985), ctr. 291 vtth. (Trung ngữ). Giáo sư Thẩm Thanh Tòng (1949) hiện là Giáo sư Giảng Tòa về Văn hóa Trung Hoa tại ÐH Toronto, Gia Nã Ðại. Tốt nghiệp tại ÐH Phụ Nhân, Tiến sỹ Triết Học tại ÐH Louvain (Bỉ), và từng là Giáo sư Triết học tại ÐH Quốc Gia Chính Trị, ÐH Phụ Nhân (Trung Hoa), và Giáo sư Thỉnh giảng tại ÐH Louvain, Leiden (Hòa Lan), và ÐH Vienna (Áo). Tác giả của gần 20 tác phẩm trước tác bằng Trung, Anh và Pháp ngữ.

[10] Như thấy trong việc dùng thuật ngữ này vào bộ Thần Học Ðại Từ Ðiển (Ðài Bắc: Quang Khải xbx., 1997), và nhất là bộ Trung Quốc Triết Học Ðại Từ Thư (Ðài Bắc: Nxb ÐH Phụ Nhân, 1994).

[11] Sein und Zeit (1927) (Tuebingen: Mohr, 1961, bản thứ 11). Tại Việt Nam, tác phẩm này được dịch Hữu Thể và Thời Gian (Trần Thái Ðỉnh, Triết Học Hiện Sinh, 1967). Bản dịch Việt ngữ của Trần Công Tiến (Sài Gòn, 1973?). Người Trung Hoa và Nhật dịch là Tồn Hữu và Thời Gian. Cả hai lối dịch đều không lột được ý nghĩa của Sein. Sein chưa phải là một thể, và không phải là hữu, hay tồn (tức chiếm một không gian, ở vào một thời gian nào đó) theo nghĩa res extensa của Descartes (mà Heidegger cực lực phản đối).

[12] Với những tác phẩm như "Der Universaliaetsanspruch der Hermeneutik" (1971), Was heisst Universalpragmatik? (1976) và nhất là hai tập Theorie des kommunikativen Handels (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1981).

[13] Giáo sư Lê Tôn Nghiêm đã từng sử dụng thuật ngữ này trong luận văn ông viết về Heidegger. Ông dịch herméneutique (Pháp ngữ) sang Việt ngữ là "lập luận thông diễn." Xin tkh. Lê Tôn Nghiêm, Heidegger Trước Sự Phá Sản của Tây Phương (Sài Gòn: Lá Bối, 1970), tr. 161.

[14] Vũ Kim Chính, chb., Từ Ðiển Thần Học Tín Lý Anh-Việt (Ðài Bắc: Quang Khải xbx., 1996), tr. 106: Từ hermeneutic: thích kinh học, giải thích học, khoa chú giải, khoa thông diễn. Giáo sư Vũ Kim Chính (sinh năm 1948 tại Ninh Bình) một học giả người Việt, nổi tiếng tại Ðài Loan với nhiều tác phẩm viết bằng Trung ngữ, Ðức ngữ và Anh ngữ như Giải Phóng Thần Học (Ðài Bắc: Quang Khải, 1991); Dữ Thần Hội Thông (Ðài Bắc: Quang Khải, 2000), Tây Phương Triết Học Sử (Ðài Bắc: Ðại Học Không Trung, 1998), vân vân. Giáo sư Vũ Kim Chính từng du học tại Âu Châu và Trung Hoa Dân Quốc. Tiến sỹ Triết Học (ÐH Innsbruck, Áo, 1979), Tiến sỹ Thần Học (ÐH Phụ Nhân, Trung Hoa, 1989). Từ năm 1986 ông giảng dạy Triết học, rồi Tôn giáo học tại ÐH Phụ Nhân. Năm 2000 ông được phong chức Giáo sư Tôn Giáo Học, Ðại Học Phụ Nhân. Ông cũng từng dạy học và nghiên cứu tại Seattle, Mỹ; và là Giáo sư tại The Vietnamese Institute of Philosophy and Religious Studies, Washington, D.C., Mỹ quốc.

[15] Vũ Kim Chính, Lời Nói Ðầu, tr. ii.

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page