Tin Tức và Thời Sự
ngày 09 tháng 07/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Cộng sản Việt Nam xiết chặt quyền kiểm soát trên tôn giáo

Cộng sản Việt Nam xiết chặt quyền kiểm soát trên tôn giáo.

(AFP 8-9/07/98) - Việt Nam (Hà Nội) - Hãng thông tấn AFP, trong bản tin gửi đi từ Hà Nội hôm thứ Tư vừa qua (8/07/98) cho biết, bộ chính trị Việt Nam vừa công bố một chỉ thị đầu tiên về tôn giáo mà mục đích là nhắm xiết chặt quyền kiểm soát của đảng cộng sản đối với hàng tu sĩ các tôn giáo cũng như các nơi thờ phượng trong nước. Chỉ thị này đã chính thích được đăng trên tờ Nhân Dân, số ra hôm thứ Tư (8/07/98).

Bản tin ghi nhận rằng, tuy trong chỉ thị không nêu rõ đích danh một tôn giáo nào, nhưng rõ ràng chỉ thị muốn nhắm tới hai tôn giáo, Công Giáo và Phật Giáo, không chính thức nằm dưới quyền điều khiển của nhà nước. Chỉ thị này được ký ngày 2/07/98 và có hiệu lực về mặt pháp lý (carries legal status), trong đó, chính quyền cộng sản Việt Nam muốn mở một chiến dịch tuyên truyền (a ref propaganda), để giúp các tín hữu đánh bại mưu đồ của các thế lực thù nghịch, muốn lạm dụng tôn giáo để chống lại việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Chỉ thị xác định chính sách trước sau như một của nhà cầm quyền Việt Nam, là tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân, nhưng nói thêm rằng có những người đang toan tính lạm dụng tôn giáo để thực hiện những hoạt động gây nguy hại cho quyền lợi quốc gia, một số khác thì đang tuyên truyền tôn giáo một cách trái phép. Cụ thể, bộ chính trị Việt Nam lên án những hoạt động tôn giáo trái phép, đồng thời đưa ra lời cảnh cáo rằng, tất cả những ai lạm dụng tôn giáo gây nên tình trạng bất ổn trong xã hội, gây phương hại cho nền độc lập của quốc gia, v.v..., đều sẽ bị xử phạt theo luật của nhà nước.

Ðiều ngẫu nhiên là chỉ thị này được công bố một tháng rưỡi, trước ngày giáo hội Công Giáo Việt Nam mừng biến cố 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang, thuộc tỉnh Quảng Trị của miền Trung Việt Nam. Ðảng cộng sản Việt Nam đã cảnh cáo rằng các sinh hoạt liên quan tới biến cố này sẽ được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, một lần nữa chính quyền cộng sản Việt Nam lại lên tiếng bào chữa cho thành tích tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân, đồng thời xác định là tại Việt Nam không có giam giữ tù nhân vì lý do chính trị hay tôn giáo.

Cũng theo tin của hãng thông tấn AFP, tờ Nhân Dân, số ra thứ Năm 9/07/98, đã cáo buộc hai đài phát thanh quốc tế là đã loan tin bịa đặt khi nói rằng, Việt Nam đang giam giữ tù nhân chính trị. Phản ứng này được đưa ra sau khi có tin từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam rằng Việt Nam đã đồng ý để cho một báo cáo viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam vào tháng 10/1998 tới đây, để tìm hiểu về bầu khí khoan nhượng tôn giáo trong nước.


Ba Nữ Tu Công Giáo bị bắt cóc tại Rwanda

Ba Nữ Tu Công Giáo bị bắt cóc tại Rwanda.

(AFP 9/07/98) - Rwanda (Kigali) - Thứ Năm 9/07/98, một nguồn tin từ giáo hội Công Giáo Rwanda cho biết có 3 Nữ Tu Công Giáo, trong số này có chị người Canada, đã bị bắt cóc tại Byumba, thuộc miền Bắc Rwanda.

Tin nói rằng một nhóm 40 người Huta có võ trang đã tấn công vào tu viện dòng Các Nữ Tu Thánh Kitô (Sisters of Saint Christian) tại Byumba, giáp giới Uganda. Họ đã đánh cắp 700 mỹ Kim và bắt ba nữ tu theo họ. Một nguồn tin khác từ Bungwe, thủ phủ Byumba, một viên chức chính phủ đã bị bắt theo các nữ tu và người ta tìm thấy xác của viên chức này cách tu viện vài kilômét.

Các phiến quân người Hutu tại Rwanda đang phát động một cuộc chiến nhắm lật đổ chính quyền của người Tutsi, kể từ khi nhóm sắc tộc này nắm quyền kiểm soát Rwanda sau cuộc diệt chủng dạo năm 1994.


Một nhóm mục sư Hoa Kỳ thách thức lệnh cấm vận của Hoa Kỳ áp đặt lên Cuba

Một nhóm mục sư Hoa Kỳ thách thức lệnh cấm vận của Hoa Kỳ áp đặt lên Cuba.

(Reuters 9/07/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Thứ Năm 9/07/98, một tổ chức mệnh danh là Các Mục Sư Cho Hòa Bình (Pastors for Peace), có trụ sở tại New York, đã thách thức lệnh cấm vận của Hoa Kỳ áp đặt lên Cuba. Tổ chức này đã cho đậu trước Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ một chiếc xe cứu thương và hai xe "Thư Viện Lưu Ðộng", mà họ dự tính sẽ tặng cho dân chúng Cuba, mặc dù việc dâng tặng này là đi ngược lại với lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ. Trên các chiếc xe có sơn những hàng chữ như: "Hãy để cho Cuba được sống", "Bãi bỏ lệnh cấm vận Cuba".

Các Mục Sư cho Hòa Bình là một tổ chức tranh đấu cho công lý xã hội, và hằng năm vẫn mở chiến dịch quyên góp thuốc men, thực phẩm, máy vi tính và các đồ cứu trợ khác. Xe cứu thương và thư viện lưu động trên đây nằm trong số đồ cứu trợ mà tổ chức này sẽ đưa sang Mêhicô và từ đó chở sang dâng tặng cho người dân Cuba. Tuy lệnh cấm vận buộc phải có giấy phép trước khi đồ cứu trợ được gửi sang Cuba, hằng năm tổ chức Các Mục Sư cho Hòa Bình thực hiện khoảng 7 chuyến gửi đồ cứu trợ sang Cuba mà không xin giấy phép. Hành động này là để bày tỏ sự chống đối lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ áp đặt lên Cuba từ 36 năm qua. Ban tổ chức cho biết họ không nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn không cho các chuyến xe chở hàng cứu trợ vượt biên giới Hoa Kỳ để sang Mêhicô vào cuối tháng, bởi vì công luận tại Hoa Kỳ đang ngày một tỏ ra chống đối lệnh cấm vận bất công mà Hoa Kỳ đang nhắm vào Cuba.

Năm 1996, chính quyền Hoa Kỳ đã tịch thu 400 máy vi tính và bắt giữ nhiều thiện nguyện viên của tổ chức Mục Sư Cho Hòa Bình vì đã gửi đồ cứu trợ sang Cuba mà không có giấy phép. Bà Ellen Bernstein, người điều khiển chuyến xe chở hàng cứu trợ của tổ chức sang Cuba đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Về mặt chính trị, sự ủng hộ đối với lệnh cấm vận tại Hoa Kỳ đang suy giảm rất nhiều, nhất là kể từ sau chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II dạo tháng Giêng 1998 vừa qua". Dạo tháng 3/1998, chính phủ Clinton đã nới lỏng lệnh cấm vận và cho phép các chuyến bay mướn được bay trực tiếp sang Cuba, và người dân Cuba đang sống tại Hoa Kỳ có thể chuyển tiền trực tiếp về cho thân nhân trong nước, ngoài ra Hoa Kỳ cũng hứa là sẽ mau chóng xúc tiến việc cấp giấy phép cho chở thuốc men và dụng cụ y khoa sang Cuba. Trong khi đó, các dân biểu tại quốc hội cũng đề nghị bãi bỏ lệnh cấm bán thực phẩm và thuốc men cho Cuba.

Các viên chức chính phủ Hoa Kỳ đã nói rằng toàn bộ lệnh cấm vận kinh tế trên Cuba sẽ không được bãi bỏ cho đến khi nào chính quyền cộng sản Cuba thực thi những biện pháp cải tổ chính trị cũng như trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ðối với Hoa Kỳ, vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi rõ rệt tại Cuba kể từ sau chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II, nhất là trong lãnh vực tôn trọng nhân quyền. Hoa Kỳ thừa nhận là chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba vừa qua đã gây nên nhiều cuộc tranh luận về lệnh cấm vận Cuba, tuy nhiên chính phủ Clinton khẳng định rằng các dự luật được đưa ra tại quốc hội nhắm nới lỏng thêm nữa các biện pháp trừng phạt kinh tế Cuba, sẽ không được phê chuẩn.


Các tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ cam kết tranh đấu cho chính nghĩa của người Tây Tạng

Các tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ cam kết tranh đấu cho chính nghĩa của người Tây Tạng.

(CWN 9/07/98) - Hoa Kỳ (New York) - Người Công Giáo Hoa Kỳ cam kết dấn thân tranh đấu cho chính nghĩa của người Tây Tạng, đặc biệt là giáo hội Phật Giáo Tây Tạng, đang gánh chịu sự đàn áp từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc.

Lên tiếng tại cuộc họp mặt đầu tiên tại thành phố New York hôm Chúa Nhật (5/07/98), được coi là ngày Thế Giới cho Tây Tạng cử hành mỗi năm, ông Wayne Teasdale, một tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ và là người rất tích cực trong lãnh vực quan hệ liên tôn, đã lên tiếng phê bình về sự thinh lặng hoàn toàn của Tòa Thánh liên quan tới sự bách hại Phật Giáo ở Tây Tạng. Tuy nhiên ông Wayne Teasdale cũng thừa nhận rằng sở dĩ Tòa Thánh không lên tiếng phê bình chính quyền Trung Quốc trong vấn đề này vì Tòa Thánh quan tâm cho tình cảnh của giáo hội Công Giáo tại Hoa Lục, cũng đang bị chính quyền Trung Quốc đàn áp không kém gì phía Phật Giáo ở Tây Tạng.

Trên thực tế tuy Tòa Thánh không trực tiếp phê bình về tình hình tôn giáo ở Tây Tạng, nhưng trong nhiều dịp, Tòa Thánh đã đề cập tới lời phủ nhận của Bắc Kinh về tình trạng bách hại tôn giáo ở Trung Quốc. ÐTC Gioan Phaolô II cũng đã hội kiến ít nhất là 3 lần với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong bên Ấn Ðộ. Gần đây nhất là cuộc hội kiến giữa ÐTC và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tại Vatican cách đây hai năm.


Israel hợp tác với phía Palestine và Tòa Thánh chuẩn bị đón khách hành hương

Israel hợp tác với phía Palestine và Tòa Thánh chuẩn bị đón khách hành hương.

(CWN 9/07/98) - Hoa Kỳ (New York) - Với hàng triệu khách hành hương dự trù sẽ viếng thăm Thánh Ðịa từ đây cho đến năm 2000, chính phủ Israel đang nỗ lực hợp tác với phía chính quyền Palestine để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các du khách hành hương.

Ông Moshe Katsav, bộ trưởng Du Lịch của Israel, đã cho các ký giả tại New York bên Hoa Kỳ biết là quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai chính phủ Israel và Palestine là điều rất quan trọng, để các du khách có thể đi lại một cách dễ dàng giữa thành Bethlehem, hiện thuộc về chủ quyền của Palestine, và Jerusalem đang nằm dưới quyền kiểm soát của Israel. Liên quan tới chuyến viếng thăm được dự trù của ÐTC Gioan Phaolô II tại Thánh Ðịa, ông bộ trưởng du lịch Israel cho biết là chính phủ của ông hoan nghênh việc ÐTC đến thăm vùng lãnh thổ này nhân dịp kỷ niệm Ðại Năm Thánh 2000. Ông nói như sau: "Chúng tôi rất yêu mến vị Giáo Hoàng này. Cuộc viếng thăm của ÐTC tại Thánh Ðịa sẽ là dịp để người Israel bày tỏ lòng quí mến đối với ÐTC. Chúng tôi đảm bảo sẽ cung cấp tất cả những tiện nghi cần thiết, tất cả, để chuyến viếng thăm này của ÐTC được diễn ra cách tốt đẹp và thoải mái đối với ngài.

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này, bộ trưởng du lịch Israel cho biết là ông đã hội kiến với Ðức Hồng Y John O'Connor, Tổng Giám Mục New York, và ngỏ ý định của chính phủ Israel sẵn sàng tiếp đón một con số rất đông tín hữu hành hương, theo dự đoán sẽ tới Thánh Ðịa nhân dịp kỷ niệm Ðại Năm Thánh 2000. Và không bao lâu nữa, chính phủ Israel dự tính mời khoảng 300 vị Giám Mục để trao đổi ý kiến về những gì cần được chuẩn bị cho biến cố vĩ đại này. Ðược biết, chính phủ Israel đã dành 300 triệu Mỹ Kim cho các chương trình xây cất và tu bổ các cơ sở để đón tiếp khách hành hương, và sẽ dành riêng một ngân quỹ 300 triệu Mỹ Kim khác cho mục đích này khi cần đến. Các yếu tố chính ngăn ngừa khách hành hương tới Thánh Ðịa là nỗi lo sợ vì chiến tranh, nạn khủng bố và cuộc tranh chấp đang tiếp diễn giữa người Israel và người Ả Rập. Tuy nhiên theo ông bộ trưởng du lịch Israel thì chính phủ của ông lạc quan về viễn tượng hòa bình cho vùng Trung Ðông vào năm 2000. Israel đã bắt tay giải hòa với Ai Cập và Jordan, đồng thời vẫn tiếp tục thương thuyết với phía người Palestine. Theo ông, tuy việc thương thuyết đang có bế tắc, nhưng tiến trình hòa bình thì không thể nào đảo ngược được nữa vì chính phủ Israel cũng như Palestine không còn chọn lựa nào khác hơn là hòa bình.


ÐTC đến Lorenzago di Cadore để nghỉ hè trong hai tuần lễ

ÐTC đến Lorenzago di Cadore để nghỉ hè trong hai tuần lễ.

Lorenzago di Cadore - 9.07.98 - Lúc 18:26 thứ Tư, mồng 8 tháng 7/1998, chiếc máy bay "DC9" của Không Quân Cộng Hòa Ý đã đưa ÐTC tới phi trường Istrana của Treviso, một tỉnh miền bắc nước Ý. Tại đây chờ đón ÐTC có Ông Giancarlo Galan, Chủ Tịch miền Veneto, Ðức Cha Paolo Magnani, Giám Mục Treviso, Ðức Cha Antonio Mistrorigo, cựu Giám Mục Treviso, Ông Tỉnh trưởng và Trưởng Nha Cảnh Sát. Sau khi chào thăm và cảm ơn các vị đã đón tiếp ngài, ÐTC Gioan Phaolô II lên trực thăng bay về Lorenzago di Cadore và tới nơi vào lúc 19:20 tối. Tại đây có khoảng 500 người chờ đón ÐTC. Xã Lorenzago di Cadore chỉ có hơn 645 người mà thôi. Họ mang biểu ngữ với hàng chữ viết: "Viva il Papa cadorino" (Hoan hô ÐTC đã trở thành người dân Cadore). Trong số những người chào đón ÐTC, có một đoàn thanh niên, thuộc giáo phận Chioggia (tỉnh Venezia) đến cắm trại trong miền này. Họ hoan hô và ca hát chào mừng ÐTC. Tại Lorenzago di Cadore có Ðức Cha Pietro Brollo, giám mục Belluno-Feltre, Cha Sở già hơn 90 tuổi, Don Sesto Da Prà, ông xã trưởng, đến chào đón Vị Thượng Khách. Cha Sở đã được gặp ÐTC nhiều lần. Ngài ôm hôn ÐTC và không nói gì cả, vì cảm động. Trái lại ÐTC khôi hài với cha sở già như sau: "Cha càng ngày càng trẻ hơn".

Theo bản tin của đặc phái viên của Ðài Vatican từ Lorenzago di Cadore gửi về, thì sáng thứ Năm 9.07.98, lúc 10:45, ÐTC bắt đầu du ngoạn miền núi cùng với toàn tùy tùng nhỏ. Nhìn ngắm cảnh rừng núi, Ðức Karol Wojtyla hài lòng, vì đây là "sở thích" của ngài và là liều thuốc bổ tinh thần và thể xác sau một năm làm việc mệt nhọc.

Ðặc phái viên cho biết: Xã Lorenzago di Cadore có 645 dân đinh, cư ngụ trên miền cao khoảng 900 thước. Tất cả đều làm những gì có thể làm để Vị Thượng Khách được nghỉ hè cách tốt đẹp và an tĩnh. Ngoài việc treo biểu ngữ, cờ Vatican, người dân còn chuẩn bị một số quà tặng ÐTC vào Chúa Nhật tới đây trong giờ đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng trong miền. Theo đặc phái viên, trong các món quà tặng ÐTC có một chiếc gậy do một người miền Núi tại đây làm ra và một giá sách dùng trong thánh lễ.

Nhà nghỉ mát thuộc quyền sở hữu của Tòa Giám Mục Treviso, và chủ nhà là Ðức Cha Paolo Magnani; nhưng nơi xây nhà nghỉ mát thì nằm trong giáo phận Belluno-Feltre, giáo phận của Ðức Cha Pietro Brollo. Vì thế Ðức Cha Brollo đến đón tiếp ÐTC đến trong giáo hạt của ngài.


Tuần tĩnh tâm thế giới của các linh mục tại Ðền Thánh Guadalupe

Tuần tĩnh tâm thế giới của các linh mục tại Ðền Thánh Guadalupe.

Guadalupe - 9.07.98 - Tuần tĩnh tâm thế giới của gần 3 ngàn linh mục (trong đó có cả một số Hồng Y và Giám Mục tham dự) diễn tiến tốt đẹp tại Ðền Thánh Ðức Bà Guadalupe, gần Thành Phố Mexico. Các linh mục được đón tiếp bằng việc nhận lãnh một hoa hồng, bông hoa được coi là thánh thiêng tại đây. Ðức Mẹ hiện ra với Juan Diego vào giữa Mùa Ðông giá lạnh. Ðể minh chứng việc hiện ra có tính cách siêu nhiên, Ðức Maria đã làm nẩy sinh bông hồng giữa mùa giá lạnh của miền núi, rồi in hình ảnh của Người trên chiếc áo choàng của Juan Diego.

Ðề tài suy niệm đầu tiên là: "Sống trong hiệp thông để cổ võ hiệp thông", do Ðức Hồng Y Bernard Law, Tổng Giám Mục giáo phận Boston (Hoa Kỳ) hướng dẫn. Sau bài suy tư, nhiều linh mục đã đặt các câu hỏi và được Ðức Hồng Y trả lời . Ðiểm ngài nhấn mạnh hơn cả là việc rao giảng Lời Chúa. Ngài nói: Ðây là một công việc nền tảng để chiến đấu với việc xa dần và mất đức tin của xã hội thời nay. Về các giáo phái, cách riêng tại Châu Mỹ Latinh, Ðức Hồng Y nói: Sự hiện diện của các giáo phái ngày nay là sự hiện diện khắp nơi, không thể chống lại bằng lời nói suông, mà bằng việc rao giảng và nhất là bằng việc sống Lời Chúa, sống đức tin và đức cậy mỗi ngày mỗi mạnh mẽ hơn trong dời sống, để chứng tá của các cộng đồng Kitô trở nên sống động và hoạt động, nhờ sức mạnh của Bí Tích Thánh Thể.

Niềm vui của hiệp thông được cụ thể hóa hơn nữa trong bữa cơm trưa. Nhiều linh mục đã hát lên những bài hát bằng tiếng nói riêng mình. Các linh mục Mexico hát bài: "Cielito lindo" - Các linh mục Ý: "O sole mio". Thỏa mãn vì đoàn cầu thủ của mình được vào chung kết, các linh mục Brazil hát bài: "El canto de Bahia". Ban chiều, có giờ chầu Thánh Thể và Thánh Lễ do Ðức Hồng Y Salvatore Di Giorgi, Tổng Giám Mục Palermo (Ðảo Sicilia, Ý) chủ sự. Ngày tỉnh tâm được kết thúc bằng Kinh Mân côi và cuộc rước đèn trên các đường phố chung quanh Ðền Thánh.


Các chính trị gia Ðức phê bình Tòa Thánh

Các chính trị gia Ðức phê bình Tòa Thánh.

(AFP 9/07/98) - Ðức (Bonn) - Các chính trị gia Ðức vừa lên tiếng phê bình Tòa Thánh liên quan tới việc ÐTC Gioan Phaolô II yêu cầu các Giám Mục Ðức phải mau chóng đưa ra lập trường rõ ràng trong vấn đề cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đang mang thai, là họ đã đến xin cố vấn trước khi quyết định phá hay không phá thai.

Chủ tịch quốc hội Ðức, bà Rita Suessmuth, một tín hữu Công Giáo và là thành viên trong liên minh các đảng phái bảo thủ của thủ tướng Helmut Kohl, đã nói với ký giả một tờ báo xuất bản tại Ðức như sau: "Bất cứ ai đó muốn ngưng không cho các trung tâm cố vấn phá thai do giáo hội Công Giáo Ðức điều khiển, xin hãy để yên cho các phụ nữ". Nhân vật mà bà chủ tịch quốc hội Ðức muốn ám chỉ ở đây là ÐTC Gioan Phaolô II. Theo bà Rita Suessmuth, ÐTC Gioan Phaolô II đang gây áp lực buộc các Giám Mục Ðức phải ngưng cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ, bởi vì đối với ÐTC, giấy chứng nhận này, một cách nào đó sẽ mở đường cho họ đi đến quyết định phá thai. Phụ nữ Ðức được luật pháp nhà nước cho phép phá thai trong vòng 12 tuần lễ đầu tiên mang thai, nếu có giấy chứng nhận là họ đã đến xin cố vấn về hoàn cảnh mang thai của họ. Giấy chứng nhận tự nó không phải là giấy cho phép phá thai nhưng đơn giản là nó chứng nhận người phụ nữ đã đến tham khảo với các nhà tư vấn. Giáo Hội Công Giáo Ðức điều khiển khoảng 260 trong tổng số 1,600 trung tâm cố vấn loại này trên khắp nước Ðức.

Dạo tháng Giêng 1998 năm nay, sau khi nhận được thư yêu cầu từ ÐTC, các Giám Mục Ðức đã đồng ý ngưng cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đến xin cố vấn nhưng phải đợi cho đến cuối năm nay. Cuối tháng Sáu 1998 vừa qua, Tòa Thánh, một lần nữa kêu gọi các Giám Mục Ðức phải có quyết định rõ ràng nội trong hai tháng, nhưng các Giám Mục Ðức cho là vẫn còn phải đợi cho đến cuối năm. Thứ Năm 9/07/98, một vị Giám Mục Ðức đã cho phái viên của hãng thông tấn AFP biết là cho đến nay các trung tâm cố vấn do giáo hội Công Giáo Ðức điều khiển vẫn tiếp tục cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đến xin cố vấn.


Giáo hội Tin Lành Chứng Nhân Jehovah tại Pháp gửi thư ngỏ cho tổng thống Chirac

Giáo hội Tin Lành Chứng Nhân Jehovah tại Pháp gửi thư ngỏ cho tổng thống Chirac.

(AFP 9/07/98) - Pháp (Paris) - Ðứng trước các khoản thuế phải trả lên tới gần 50 triệu Mỹ Kim, hội Tin Lành Chứng Nhân Jehovah tại Pháp vừa cho công bố một bức thư ngỏ gửi tổng thống Jacques Chirac, trong đó nhóm này than phiền rằng Pháp đang mở chiến dịch đánh thuế tôn giáo, đồng thời kêu gọi tổng thống Chirac can thiệp để bãi bỏ việc đánh thuế mà hội Chứng Nhân Jehovah cho là kỳ thị và bất công.

Bức thư nói là, việc chính phủ áp đặt 60% thuế trên các khoản tiền đóng góp từ các thành viên của hội tại Pháp, là một hành động vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Từ bốn năm qua, hội Chứng Nhân Jehovah và cơ quan thuế vụ của Pháp đã giằng co với nhau trong vấn đề trả thuế. Với khoảng 130 đến 200 ngàn thành viên trên toàn nước, hội Chứng Nhân Jehovah tự xưng mình là một giáo hội Kitô đứng hàng thứ ba tại Pháp. Danh nghĩa là giáo hội sẽ có lợi vì sẽ được miễn thuế trên các khoản tiền đóng góp từ các tín hữu, tuy nhiên bộ nội vụ cũng như bộ tài chánh của Pháp không nhìn nhận qui chế giáo hội của nhóm Chứng Nhân Jehovah. Khoản tiền gần 50 triệu Mỹ Kim trên đây, bao gồm tiền thuế và tiền phạt trong bốn năm vừa qua, mà sở thuế vụ Pháp qui định là hội Chứng Nhân Jehovah nay phải trả cho chính phủ.


Các lãnh tụ Tin Lành ở Bắc Ai Len thảo luận với thủ tướng Tony Blair

Các lãnh tụ Tin Lành ở Bắc Ai Len thảo luận với thủ tướng Tony Blair.

(AFP 9/07/98) - Anh Quốc (Luân Ðôn) - Thứ Năm 9/07/98, các lãnh tụ của người Tin Lành ở Bắc Ai Len đã thảo luận với thủ tướng Tony Blair của Anh Quốc, nhắm giải quyết tình trạng căng thẳng kéo dài từ hôm Chúa Nhật vừa qua. Hai bên đã đồng ý mở ngỏ các đường giây liên lạc để tránh đưa tới sự bế tắc liên quan tới việc các người Tin Lành ở Bắc Ai Len nhất mực đòi tổ chức cuộc diễn hành hằng năm trên các ngã đường của thị trấn Portadown, nơi có đa số người Công Giáo.

Cuộc diễn hành hằng năm này của người Tin Lành là để kỷ niệm biến cố vua William Orange, theo Tin Lành, đánh bại vua người Công Giáo dạo năm 1690. Phía người Công Giáo Bắc Ai Len cho rằng các cuộc diễn hành của người Tin Lành, đặc biệt trên các đường phố nơi cư ngụ của người Công Giáo, là một hành động khiêu chiến. Theo sau thỏa ước hòa bình ký kết ngày 10/04/98 vừa qua, và đã được dân chúng tại miền Bắc cũng như Cộng Hòa Ai Len, chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý, cuộc diễn hành năm nay của người Tin Lành đã bị cấm. Hàng ngàn binh sĩ và nhân viên an ninh của Anh Quốc đã được điều động tới để ngăn chặn không cho phía người Tin Lành diễn hành qua các đường phố của người Công Giáo.

Cuộc đối đầu giữa các binh sĩ Anh và người Tin Lành đã dẫn tới các vụ bạo động bắt đầu từ tối hôm Chúa Nhật và vẫn còn đang tiếp diễn. Phía người Tin Lành đã nổi lửa đốt xe cộ, trường học, nhà thờ và nhà của người Công Giáo, và họ nhất mực đòi xúc tiến các cuộc diễn hành. Tổng cộng, phía người Tin Lành đang dự trù tổ chức hơn 500 cuộc diễn hành và người ta e ngại rằng họ sẽ lợi dụng cơ hội này để chống lại thỏa ước hòa bình mà họ cho là sẽ dẫn tới việc tách rời miền Bắc Ai Len ra khỏi lãnh thổ của Anh Quốc. Giới hữu trách đang lo ngại là từ đây cho đến cuối tuần, là cao điểm trong chương trình mừng kỷ niệm chiến thắng hằng năm của người Tin Lành, bạo động sẽ gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thỏa ước hòa bình mà người ta hy vọng sẽ chấm dứt các vụ bạo động đẫm máu giữa người Tin Lành và Công Giáo ở miền Bắc Ai Len từ mấy chục năm qua.


Back to Radio Veritas Asia Home Page