Tin Tức và Thời Sự
ngày 18 tháng 05/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Các Giáo hội lên án các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Ðộ

Các Giáo hội lên án các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Ðộ.

Genève [Apic 18/05/98] - Các Giáo hội trên khắp thế giới và các tổ chức liên hệ với các Giáo hội đã mạnh mẽ lên án các cuộc thử nghiệm hạt nhân do chính phủ Ấn Ðộ thực hiện trong tuần lễ vừa qua. Nhiều Giáo hội cũng đã cảnh cáo các quốc gia hiện đang có võ khí hạt nhân.

Phản ứng của các Giáo hội đã được bày tỏ hàng loạt và nhanh chóng. Vào giữa lúc có những suy luận cho rằng Pakistan cũng sẽ tiến hành việc thử nghiệm hạt nhân, nhiều Giáo hội đã lên tiếng cảnh cáo về về nguy cơ leo thang võ trang trong vùng. Tại New Dheli, theo hảng tin CWN, các đức giám mục Ấn Ðộ đã kết án các cuộc thử nghiệm mà các ngài cho là không thể biện minh được tại một quốc gia nghèo đói như Ấn Ðộ. Các ngài yêu cầu dồn mọi cuộc nghiên cứu và kỷ thuật hạt nhân vào "cuộc chiến chống lại bệnh tật và cải thiện phẩm chất của đời sống".

Tại Geneve, hội đồng đại kết các Giáo hội kitô cũng đã cực lực lên án các cuộc thử nghiệm.

Ngày 13/05/98 vừa qua, mục sư Ishmael Noko, tổng thư ký liên hiệp tin lành Luther thế giới, cũng đã viết thư cho tổng thống của hai nước Ấn Ðộ và Pakistan để than phiền về hành động này. Theo mục sư tổng thư ký liên hiệp Tin lành Luther thế giới, các cuộc thử nghiệm đã không hề cải thiện an ninh trong vùng, trái lại cổ võ cho một cuộc chạy đua võ trang nguy hại không những cho vùng mà còn cho cả thế giới.


Hãng thông tấn Fides bác bỏ những lời cáo buộc của tổ chức "Quyền Phi Châu"

Hãng thông tấn Fides bác bỏ những lời cáo buộc của tổ chức "Quyền Phi Châu".

Roma/London [Apic 18/05/98] - Hãng thông tấn Fides của bộ Truyền Giáo đã lên tiếng bác bỏ những lời cáo buộc của tổ chức có tên là "Quyền Phi Châu" liên quan đến cuộc diệt chủng tại Rwanda.

Linh mục Bernado Cervellera, giám đốc của hãng thông tấn Fides bác bỏ những lời cáo buộc cho rằng đại diện của Giáo Hội đã tham gia trực tiếp vào cuộc diệt chủng. Linh mục Cervellera nói rằng theo các nguồn tin nhận được, không có bất cứ linh mục nào đã tham gia vào các cuộc sát hại.

"Quyền Phi Châu", một tổ chức bảo vệ quyền con nguời có trụ sở tại London, đã yêu cầu Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II duyệt xét lại vai trò của Giáo hội và của các đại diện Giáo Hội trong cuộc diệt chủng tại Rwanda hồi năm 1994.

Linh mục Cervellera nhìn nhận rằng có thể có một vài giáo sĩ, với tư cách cá nhân, đã đứng về phía một bộ tộc. Cũng có những nguồn tin cho rằng một số linh mục vì bị sức ép và đe dọa, đã khai tung tích của những nguời đang trú ẩn trong nhà.

Theo linh mục giám đốc hãng thông tấn Fides, có một số dấu hiệu cho thấy chính phủ Rwanda muốn làm áp lực trên Giáo Hội bằng cách gán ghép hành động diệt chủng cho một số linh mục. Tòa án Kibuye đã kết án hai linh mục có dính líu vào cuộc diệt chủng, nhưng bằng chứng lại không rõ rệt. Những lời cáo buộc không có nền tảng và các điều kiện trong đó diễn ra phiên tòa lại không cho phép các bị cáo được tự vệ.


Các Giám Mục miền Trung Tây Hoa Kỳ hội kiến ÐTC vào tuần tới

Các Giám Mục miền Trung Tây Hoa Kỳ hội kiến ÐTC vào tuần tới.

(AFP 18/05/98) - Hoa Kỳ (Chicago) - 3 Giám Mục miền Trung Tây Hoa Kỳ sẽ lên đường đi Roma vào Chúa Nhật tới đây. Tại Roma các ngài sẽ hội kiến với ÐTC Gioan Phaolô II để tường trình lên ÐTC tình hình giáo hội địa phương cũng như các mối quan tâm của giáo hội công giáo Hoa Kỳ.

Ba Giám Mục đến từ các bang Illinois, Wisconsin và Indiana, đứng đầu là Ðức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago và Ðức Tổng Giám Mục Rembert Weakland, Tổng Giám Mục Milwaukee. Khi hội kiến riêng với ÐTC, các ngài sẽ đề cập tới tình trạng thiếu linh mục, vai trò của giáo dân trong giáo hội, và làm thế nào để gia tăng ơn gọi trong giới trẻ. Ông Jerry Topczewski, phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Milwaukee cho biết, một trong những mối quan tâm lớn nhất của các Giám Mục Hoa Kỳ là các nhà lãnh đạo giáo hội công giáo nên đóng một vai trò nào trong việc linh hướng (spiritual guidance) cho các tín hữu đang mưu tìm điều này trong các giáo hội không mang tính cách giáo phái (non-denominational churches).

Người phát ngôn của Tổng Giám Mục Milwaukee cũng cho biết thêm, Ðức Tổng Giám Mục Rembert Weakland, 71 tuổi, sẽ được lưu ý đến nhiều trong chuyến đi Roma lần này. Vị Tổng Giám Mục Milwaukee là một nhân vật có khuynh hướng tự do và thẳng thắn trong việc trình bày những quan điểm của ngài. Ngài được ÐTC Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milwaukee vào năm 1977. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Ðức Tổng Giám Mục Weakland đã bày tỏ cảm nghĩ của ngài như sau: "Nhiều tín hữu công giáo không hẳn có lập trường chống giáo sĩ, nhưng họ muốn có một giáo hội biết lắng nghe nhiều hơn và đối xử với họ như những người trưởng thành". Ðức Tổng Giám Mục Weakland cũng ngỏ ý rằng có thể đây là lần cuối cùng ngài hội kiến riêng với ÐTC.


Cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Ðộ đã phá hủy di sản của Mahatma Gandhi

Cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Ðộ đã phá hủy di sản của Mahatma Gandhi.

(UCAN JA0085.0976 18/05/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Trong một lá thư gửi cho đại sứ Ấn Ðộ tại Nhật đề ngày 12/05/98, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản đã bày tỏ nỗi đau buồn khôn tả về các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Ðộ mới đây.

Giải thích hành động thử nghiệm này như là tương đương với quyết định sẽ xử dụng loại võ khí này khi cần, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản muốn nhắc nhở chính phủ Ấn Ðộ rằng họ đang phá hủy di sản hòa bình của đại lãnh tụ Mahatma Gandhi, người luôn tranh đấu cho tinh thần bất bạo động. Lá thư có đoạn ghi như sau: "Thử nghiệm hạt nhân là bước cuối cùng dẫn đến việc chế tạo bom hạt nhân và xử dụng chúng. Với một quốc gia được thừa hưởng tinh thần bất bạo động do Mahatma Gandhi để lại, thật là điều đau buồn khi chứng kiến Ấn Ðộ phá hủy căn cước bất bạo động này.

Lá thư cũng ghi nhận thêm rằng, những võ khí hạt nhân mà Ấn Ðộ trang bị cho mình sẽ lấp đầy thêm kho võ khí hạt nhân của các thế lực nguyên tử trên thế giới, từ bao lâu nay đã và đang tiếp tục đe dọa nền an ninh và phung phí các tài nguyên của quả địa cầu. Sau cùng, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản đặt câu hỏi như sau: "Chúng tôi rất ngưỡng mộ các tôn giáo và nền văn hóa của quốc gia Ấn Ðộ cũng như truyền thống bất bạo động của Mahatma Gandhi. Cùng với các quốc gia khác, chúng tôi luôn hy vọng và trông đợi nơi sự lãnh đạo của Ấn Ðộ trong việc mưu tìm một thời đại hòa bình thực sự, giờ đây, thế giới sẽ tìm đâu được tiếng nói của hòa bình thay mặt cho người dân và các quốc gia đang bị đe dọa bởi thế lực nguyên tử của Ấn Ðộ".


Kosovo có thể trở thành một Bosnia thứ hai

Kosovo có thể trở thành một Bosnia thứ hai.

(CWN 18/05/98) - Roma - Tổ chức Pax Christi "Hòa Bình Chúa Kitô", trụ sở tại Roma, vừa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế nên nỗ lực hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng tại tỉnh Kosovo của Yugoslavia trước khi Kosovo biến thành một Bosnia thứ hai.

Dựa trên tin tức ghi nhận được, tổ chức Pax Christi cho rằng, tình hình tại Kosovo đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn bởi vì cộng đồng quốc tế phản ứng chậm chạp và có nguy cơ chiến cuộc tại đây sẽ bùng nổ như tại Bosnia trước đây. Pax Christi cũng bày tỏ quan ngại rằng chính phủ Ý sẽ không còn muốn ủng hộ cho một giải pháp công bằng liên quan tới các cuộc giao chiến giữa người gốc Serbi và Albanie tại Kosovo. Theo Pax Christi, chính phủ Ý nên nói rõ lập trường của mình trong vấn đề bảo vệ nhân quyền, và lập trường này phải vượt lên trên các quyền lợi của Ý về mặt kinh tế.


Back to Radio Veritas Asia Home Page