Tin Tức và Thời Sự
ngày 06 tháng 05/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Linh Mục Chính Thống Giáo Nga đến Bắc Cực cầu nguyện

Linh Mục Chính Thống Giáo Nga đến Bắc Cực cầu nguyện.

(AFP 6/05/98) - Nga (Mascơva) - Thứ Tư 6/05/98, hãng thông tấn Itar-Tass của Nga tường thuật: một linh mục Chính Thống Giáo Nga đã nhảy dù xuống vùng Bắc Cực để cắm một cây thánh giá và cầu nguyện.

Ðây là lần đầu tiên một linh mục đến cầu nguyện tại địa điểm băng giá nhất này của thế giới. Itar Tass trích thuật lời của cha Viktor Smetanikov rằng: "Ðến cầu nguyện tại vùng Bắc Cực xem ra không phải là điều có lợi. Tuy nhiên Bắc Cực là một nơi có sức mạnh làm cho tâm hồn trở nên thanh khiết. Ðây là một địa điểm ngoại hạng của quả địa cầu và không phải bất cứ ai cũng được Thiên Chúa cho đặt chân đến". Ðược biết cha Smetanikov đã nhảy dù xuống vùng Bắc Cực cùng với các lực sĩ trong nhóm nhảy dù của Nga tranh tài thế vận hội, nhân kỷ niệm 400 năm biến cố Nga chinh phục Siberia.


Sinn Fein kêu gọi bỏ phiếu tán thành thỏa ước hòa bình

Sinn Fein kêu gọi bỏ phiếu tán thành thỏa ước hòa bình.

(AFP 6/05/98) - Bắc Ai Len (Belfast) - Sinn Fein, cánh chính trị của Quân Ðội Cộng Hòa Ai Len đã đề nghị thành viên của mình và các cử tri hãy bỏ phiếu tán thành thỏa ước hòa bình trong cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng Hòa Ai Len và Bắc Ai Len vào ngày 22/05/98 tới đây.

Một nhật báo xuất bản tại Anh Quốc đã xác nhận tin trên đây. Ðề nghị này tuy không gây nhiều ngạc nhiên bởi vì Sinn Fein và lãnh tụ của tổ chức công giáo này là ông Gerry Adams đã tích cực tham gia vào các cuộc thương thuyết dẫn tới việc ký kết thỏa ước hòa bình vào ngày 10/04/98 vừa qua, nhưng nó đã giải tỏa được nghi vấn là liệu Sinn Fein có công khai kêu gọi dân chúng tại Cộng Hòa Ai Len cũng như tại miền Bắc bỏ phiếu ủng hộ thỏa hiệp này hay không.

Theo dự trù, Sinn Fein sẽ chính thức đưa ra lời kêu gọi ủng hộ thỏa hiệp sau hội nghị tại Dublin vào ngày 10/05/98 tới đây. Thỏa ước hòa bình này được coi là cơ hội để các phe Tin Lành cũng như Công Giáo ở Bắc Ai Len chấm dứt các vụ bạo động đẫm máu kéo dài từ nhiều thập niên qua.


Các giáo hội tại Indonesia nên ủng hộ học sinh đấu tranh đòi cải tổ

Các giáo hội tại Indonesia nên ủng hộ học sinh đấu tranh đòi cải tổ.

(UCAN IJ9998.0974 6/05/98) - Indonesia (Jakarta) - Các giáo hội tại Indonesia nên đoàn kết với nhau để hỗ trợ cho các học sinh đang đấu tranh đòi cải tổ về mặt chính trị và kinh tế xã hội.

Khóa hội thảo do Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục và Văn Phòng Nghiên Cứu và Phát Triển của Các Giáo Hội Tin Lành cùng đứng ra tổ chức ngày 2/05/98 vừa qua nhằm mục đích tìm hiểu xem người Kitô giáo nên đáp ứng như thế nào đứng trước cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trong nước. Các tham dự viên đã yêu cầu các nhà lãnh đạo giáo hội nên lập tức công bố một tuyên ngôn chung ủng hộ các học sinh đang biểu tình mỗi ngày trên toàn nước. Linh Mục Joannes Baptista Banawiratma, dòng Tên và là thành viên của ủy ban công lý và hòa bình của Hội Ðồng Giám Mục Indonesia đã phát biểu như sau: "Các giáo hội Kitô nên cảm ơn các học sinh vì đã dám nói lên những điều mà đúng ra giáo hội phải lên tiếng. Chọn Thiên Chúa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay có nghĩa là các giáo hội phải đứng về phía các học sinh. Tuy nhiên giáo hội cần giúp cho các học sinh ý thức được rằng Indonesia không chỉ cần cải tổ mà thôi như là thay đổi toàn bộ hệ thống chính phủ, để có được một chính phủ dân chủ, nếu không thì chỉ là thay thế nhà độc tài với một nhà độc tài khác mà thôi".

Về phần mình, mục sư Eddy Paimoen, thuộc giáo hội tin lành Baptist, khẳng định rằng các giáo hội nên bày tỏ tiếng nói tiên tri của mình bằng cách nhấn mạnh rằng việc xử dụng võ lực đối với các học sinh là điều giáo hội không thể chấp nhận được. Các cuộc biểu tình do sinh viên và học sinh Indonesia cầm đầu đang diễn ra hầu như mỗi ngày tại Indonesia, đặc biệt sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu. Cảnh sát chống biểu tình đã dùng võ lực để đối phó với các học sinh. Ngoài những người bị thương tin tức cho thấy đã có người bị bắn chết sau khi cảnh sát nổ súng vào đoàn người biểu tình tại thành phố Medan của Indonesia.


Giáo Hội Công Giáo Pakistan bối rối và quan ngại về chính sách giáo dục mới của chính phủ

Giáo Hội Công Giáo Pakistan bối rối và quan ngại về chính sách giáo dục mới của chính phủ.

(UCAN PA9899.0974 6/05/98) - Pakistan (Karachi) - Chính phủ Pakistan đã cho công bố một chính sách giáo dục mới liên quan đến môn tôn giáo. Chính sách mới này chỉ nói đến các môn tôn giáo mới cho các em học sinh Hồi Giáo mà thôi nhưng không có điều khoản nào đề cập tới môn tôn giáo cho các em học sinh Kitô giáo, thuộc thành phần thiểu số. Sự kiện này đang làm cho giáo hội công giáo thất vọng và quan ngại về quyền lợi của các em học sinh Kitô giáo. Cho nên mới đây, Ðức Cha Simeon Pereira, Tổng Giám Mục Karachi và mục sư Sadiq Daniel của giáo hội Tin Lành, đã thành lập một ủy ban gồm 5 thành viên để soạn thảo một chương trình học môn tôn giáo chung cho các em học sinh Kitô giáo, tương được với chính sách giáo dục mới của chính phủ.

Ngày 27/03/98 vừa qua, thủ tướng Nawaz Sharif công bố chính sách giáo dục của chính phủ từ đây cho đến năm 2010, bao gồm hai môn tôn giáo bắt buộc cho các em học sinh Hồi Giáo từ tiểu học cho đến bậc trung học. Hai môn tôn giáo mới liên quan tới việc học thuộc lòng kinh Koran của Hồi Giáo bằng tiếng Ả Rập. Cho đến nay các em học sinh Kitô giáo có thể chọn học môn đạo đức thay thế cho môn học về Hồi Giáo. Tuy nhiên các em chọn môn đạo đức thường bị kỳ thị. Hoặc là vì không học về Hồi Giáo nên các em học sinh Kitô giáo có nguy cơ giải thích sai lầm giáo huấn của đạo Hồi và như có trường hợp đã xảy ra, một em học sinh Kitô giáo đã bị cáo buộc tội phạm thượng.

Một nhà lãnh đạo giáo hội Tin Lành Pakistan ghi nhận rằng chính sách giáo dục mới của Pakistan không thừa nhận những đóng góp tích cực của Kitô giáo, một giáo hội mặc dù đứng trong hoàn cảnh khó khăn luôn rao giảng tinh thần khoan nhượng và hòa bình trong các cơ chế giáo dục của mình. Trong khi đó cha Archie D'Souza thuộc Tổng Giáo Phận Karachi thì cho rằng kể từ khi Pakistan tách rời khỏi Ấn Ðộ vào năm 1947, ngành giáo dục là một trong các lãnh vực mục vụ mà giáo hội có thể và tích cực dấn thân hoạt động tại Pakistan. Theo cha D'Souza trách nhiệm của các nhà giáo dục không chỉ giúp các em học sinh trau giồi kiến thức nhưng còn phải đảm bảo việc huấn luyện cho một thế hệ tương lai, để qua đó, các em học sinh sẽ trưởng thành trong tinh thần trách nhiệm cho riêng chính bản thân xứng với nhân phẩm của mình.


Thánh lễ an táng Ðại Tá Alois Estermann và bà vợ

Thánh lễ an táng Ðại Tá Alois Estermann và bà vợ.

Vatican - 6.05.98 - Nhân danh ÐTC, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc vụ Khanh, đã chủ sự thánh lễ an táng Ðại Tá Alois Estermann và bà vợ Gladys Meza, với sự hiện diện của cha mẹ, các người trong gia đình, Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ và rất đông giáo dân, vào lúc 5 giờ chiều thứ Tư 6.05.98. Cùng đồng tế với Ðức Hồng Y có sáu vị Hồng Y, nhiều Giám Mục và linh mục thuộc các cơ quan của Giáo Triều Roma và một số đến từ Thụy Sĩ.

Giảng trong Thánh lễ, nhân danh ÐTC, Ðức Hồng Y chia buồn với gia đình và với Ðoàn Vệï Binh Thụy Sĩ . ÐHY ca ngợi đức tin và lòng trung thành và sự can đảm của Ðại Tá Alois Estermann trong gần 20 năm phục vụ Tòa Thánh. Cái chết đột ngột và bạo động của Ðại Tá gây nên đau đớn, nhưng cũng là một thúc đẩy mạnh mẽ cho Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ can đảm và trung thành hơn trong phục vụ.

Một ngày đau buồn xẩy đến không thể xóa bỏ lịch sử oai hùng trong 5 thế kỷ của Ðoàn Vệ Binh được. ÐTC hoàn toàn tín nhiệm, đánh giá cao việc phục vụ và tỏ lòng biết ơn Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ . Ðức Hồng Y nhắc lại rằng: hai giờ trước khị bị giết chết, hai ông bà Ðại Tá đã dự thánh lễ và rước lễ. Hai ông, bà đã hiệp nhất trong đời sống, nay hiệp nhất với nhau trong cái chết và trong cuộc sống vĩnh cửu. Xin Chúa đón hai linh hồn này vào nhà cực lạc của Người. Cái chết đột ngột này báo cho chúng ta hay: phải canh phòng và sẵn sàng luôn. Ðức Hồng Y không quên nhắc đến hạ sĩ Cedric Tornay, người đã xả súng vào hai ông bà Ðại Tá và rồi sau đó tự sát. Xin phú thác cho lòng nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa, vì những sự yếu đuối loài người.

Ðức Hồng Y nói thêm rằng: Lúc này là lúc yên lặng và suy tư, không phải là lúc bàn luận. Lúc này là lúc khóc thương, nhưng không thất vọng. Mọi người chết trong Ađam, mọi người sống lại trong Chúa Kitô phục sinh. Như Thánh Phaolô viết trong bài đọc một: "Không gì có thể chia lìa tôi khỏi tình yêu Chúa Kitô... cả sự chết nữa".

Ðược biết thứ Năm 7.05.98, trong nhà thờ Thánh Anna, nhà thờ giáo xứ của nhân viên làm việc tại Vatican, thánh lễ an táng cũng được cử hành cho hạ sĩ Cedric Tornay.


Back to Radio Veritas Asia Home Page