Tin Tức và Thời Sự
ngày 10 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Các giáo hội kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Guyana

Các giáo hội kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Guyana.

Georgetown - Guyana [Apic 10/03/98] - Hội Ðồng các Giáo Hội Guyana, mà Giáo Hội Công Giáo và những hệ phái Tin Lành chính là những thành viên, đã kêu gọi mở một cuộc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng đang gây xáo trộn cho xứ sở kể từ cuộc bầu cử ngày 15 tháng 12 năm 1997 vừa qua.

Phe đối lập do đảng nhân dân quốc gia lãnh đạo, tố cáo có gian lận rong cuộc bầu cử, và cho biết sẽ làm tê liệt xứ sở cho đến khi có cuộc bầu cử mới.

Trong một thông cáo chung, Ðức Cha Randolph George của Giáo Hội Anh Giáo và Ðại Diện của Giáo Hội Công Giáo là Ðức Cha Benediet Singh, đã lên án bạo động và kêu gọi đối thoại để sửa đổi hiến pháp bảo đảm cho sự tham gia của phe đối lập trong chính phủ cho đến lần bầu cử tới, dự trù diễn ra vào năm 2001.


Ðối thoại giữa Do Thái Giáo và Công Giáo

Ðối thoại giữa Do Thái Giáo và Công Giáo.

Roma [Apic 10/03/98] - Một cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Do Thái và Công Giáo lần đầu tiên sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 23 đến 26 tháng 3 năm 1998 tới đây.

Theo Ðức Hồng Y Edward Cassidy, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách về việc đối thoại hiệp nhất Kitô Giáo, và chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh về các mối quan hệ với Do Thái Giáo, cuộc gặp gỡ sẽ quy tụ đại diện của Tòa Thánh và Ủy Ban Cố Vấn Liên Tôn của Do Thái Giáo thế giới. Ủy Ban này gồm bốn tổ chức Do Thái thế giới và một tổ chức tại Israel. Cuộc gặp gỡ này là thành quả của 26 năm đối thoại giữa hai tôn giáo. Những đề tài được 30 chuyên gia của hai Giáo Hội thảo luận gồm có việc giáo dục và huấn luyện về một sự hiểu biết hỗ tương tốt đẹp hơn giữa hai bên.


Các Ðức Giám Mục Mehico đã phản ứng một cách mạnh mẽ trước quyết định của Bộ Quốc Phòng về việc điều tra các nhân viên mục vụ

Các Ðức Giám Mục Mehico đã phản ứng một cách mạnh mẽ trước quyết định của Bộ Quốc Phòng về việc điều tra các nhân viên mục vụ.

Mehico - [Apic 10/03/98] - Bộ Quốc Phòng Mehico vừa lên tiếng cho phép các nhân viên an ninh được điều tra về mọi hoạt động của các nhân viên mục vụ.

Các Ðức Giám Mục Mehico đã phản ứng một cách mạnh mẽ trước quyết định trên đây của Bộ Quốc Phòng. Các ngài cho biết rằng, Giáo Hội không sợ bất cứ một câu hỏi hay sức ép nào của chính quyền miễn là quyền tự do thực thi chức vụ linh mục phải được tôn trọng.

Ðức Cha Carlos Talavera Ramirez, Giám Mục Giáo Phận Coatzacoalcos, tuyên bố rằng Giáo Hội không có gì phải dấu diếm. Ngài nói như sau: "Chúng tôi đã không làm gì để phải hổ thẹn. Chúng tôi biết rằng người ta không ngừng canh chừng chúng tôi, nhưng họ đã không tìm được bất cứ điều gì để tố cáo". Vị giám mục này cảnh cáo: "Ðể thi hành chức vụ, chúng tôi sẽ không đứng đó mà khoanh tay".

Ngày 26 tháng 2 năm 1998 vừa qua, linh mục Michel Chateau, một thừa sai người Pháp, sau trên 30 năm tranh đấu bên cạnh những người thổ dân Chiapas, đã bị chính quyền Mehico trục xuất, vì tội gọi là vi phạm luật cấm người ngoại quốc hoạt động chính trị. Trong hai tuần vừa qua, cũng có 4 người ngoại quốc khác, trong đó có một thừa sai đã bị trục xuất khỏi Mehico.


Hội Ðồng Giám Mục Colombia loan báo chiến dịch cổ võ hòa bình

Hội Ðồng Giám Mục Colombia loan báo chiến dịch cổ võ hòa bình.

Colombia - Bolgota [10/03/98] - Với một trong những kỳ bầu cử quốc hội đẫm máu nhất vừa chấm dứt, Hội Ðồng Giám Mục Colombia đã loan báo chiến dịch cổ võ cho hòa bình và hòa giải quốc gia.

Kỳ bầu cử quốc hội tại Colombia kết thúc vào hôm Chúa Nhật 8/03/98. Các nguồn tin không chính thức cho thấy, có ít nhất là 45 binh sĩ chính phủ đã bị thiệt mạng trong những vụ đụng độ với các phiến quân cộng sản. Ngoài ra còn có những vụ quấy phá khác do phiến quân chủ mưu, khiến cho nhiều nơi bỏ phiếu tại 11 tỉnh trên toàn quốc phải đóng cửa. Một phần vì bạo động, và vì nhiều ứng cử viên thiếu uy tín, nên chỉ có 30% số cử tri đi bầu.

Loan báo về chiến dịch cổ võ hòa giải và hòa bình nói trên, Ðức Tổng Giám Mục Alberto Girakio Juramillo, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Colombia đã nói như sau: "Trong giai đoạn căng thẳng và quyết liệt này, chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Colombia hãy suy nghĩ và tích cực tham gia các nỗ lực nhắm mang lại hòa bình, hòa giải và lòng tôn trọng sự sống. Các Giám Mục Colombia tin rằng, một nỗ lực nhắm mang lại hòa bình, hòa giải và công lý, cần phải được thực hiện trên bình diện quốc gia. Chúng tôi trong tư cách là đại diện cho Giáo Hội, sẵn sàng đi tiên phong, hỗ trợ và dấn thân trong nỗ lực này nếu chúng tôi có được sự đáp ứng tích cực từ tất cả mọi thành phần xã hội". Vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Colombia cũng cho biết về sự hiện diện của một phái đoàn gồm các Giám Mục từ Tòa Thánh, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ cũng như từ các nước Châu Mỹ Latinh đến Colombia để hỗ trợ cho chiến dịch cổ võ hòa bình nầy.


Thánh Lễ Thụ Phong Linh Mục đầu tiên tại Laos kể từ 11 năm nay

Thánh Lễ Thụ Phong Linh Mục đầu tiên tại Laos kể từ 11 năm nay.

Vientiane - Laos [Apic 10/03/98] - Lần đầu tiên, kể từ 11 năm nay, một linh mục đã được truyền chức tại hạt Tông Tòa Savannakhet. Việc phong chức cho cha Khom Phon A Sa cách đây hai tháng, đã được người Công Giáo lẫn Phật Giáo đón nhận như một sự chúc lành của Chúa.

Ðức Cha Jean Sommeng Vorachak, Giám Mục Savannakhét, đã chủ sự lễ phong chức cùng với sự hiện diện của Ðức Cha Thomas Khamhan, Giám Mục Giáo Phận Paksé. Trước lễ nghi, một cuộc rước kiệu dưới nước đã qui tụ 34 chiếc ghe của dân làng Ban Dorn Don, cộng đồng Công Giáo tiên khởi tại Laos. Các làng khác cũng mang biếu lễ vật như trâu bò, gạo. Ngoài ra, chiều hôm trước, giới trẻ Công Giáo cũng tổ chức buổi lần hạt và những vũ điệu cổ truyền. Theo ban tổ chức, lễ nghi đã vượt quá mọi mong đợi của Giáo Hội địa phương. Người ta hy vọng rằng đây có thể là một dịp tốt để cổ võ ơn gọi tại Laos.


Giám Mục Chính Thống tại Kosovo đòi hỏi quyền bình đẳng cho người Albani

Giám Mục Chính Thống tại Kosovo đòi hỏi quyền bình đẳng cho người Albani.

Belgrade - Yougoslavi [Apic 10/03/98] - Giám Mục Chính Thống Serbia tại Raska Pziren, Kosovo, đã kêu gọi nhìn nhận hoàn toàn quyền bình đẳng của người Albani tại Kosovo.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Chính Thống "Sveti gora", Ðức Cha Arlemije Ralosavijevie e ngại rằng bạo động có thể leo thang, bởi vì một dân tộc không thể và không muốn để cho một tình trạng như thế kéo dài. Ngài cũng nói rằng cuộc xung đột chỉ có thể được giải quyết khi chính phủ Serbia chấp nhận những nguyên tắc dân chủ và bảo đảm việc tôn trọng nhân quyền cho tất cả mọi công dân trong nước, kể cả người Albani.

Cũng liên quan đến tình hình tại Kosovo, trong một lá thư đề ngày 10/03/98 vừa qua, các vị tổng thư ký của ba tổ chức tôn giáo là Hội Ðồng các Giáo Hội Âu Châu, Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô và Liên Hiệp Tin Lành Luther Thế Giới, đã kêu gọi các Giáo Hội của Cọng Hòa Liên Bang Yougoslavi hãy đóng góp vào việc tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt những cuộc bạo động tại Kosovo.


Sau 70 năm bị tịch thu, một nhà thờ Công Giáo tại Ouzbekistan đã được trao trả lại cho Giáo Hội Công Giáo

Sau 70 năm bị tịch thu, một nhà thờ Công Giáo tại Ouzbekistan đã được trao trả lại cho Giáo Hội Công Giáo.

Sumarkand - Ouzbekistan [Apic 10/03/98] - Sau 70 năm bị chính phủ cọng sản tịch thu, một nhà thờ Công Giáo tại thành phố Samarkand bên Ouzbekistan, đã được trao trả lại cho Giáo Hội Công Giáo.

Từ ngày cựu Liên Xô tan rã, cọng hòa Ouzbekistan đã thực thi chính sách trao trả các nơi thờ phượng lại cho các tôn giáo. Năm 1994, đức cha Mariano Oles, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ouzbekistan đã yêu cầu chính phủ trả lại cho người Công Giáo nhà thờ thánh Gioan Tẩy Giả tại thành phố Samarkand, từ lâu đã bị biến thành một trung tâm thể dục.

Tuy chỉ có vài chục tín hữu, đa số là những người Âu Châu bị lưu đày và con cháu họ, giáo xứ Samarkand hiện nay đã có linh mục coi sóc.

Dân số Ouzbekistan phần đông theo Hồi Giáo, nhưng vẫn sống chung hòa bình với các cộng đồng tôn giáo thiểu số như Chính Thống, Tin Lành và Công Giáo.


Trút bỏ quyền thế và phục vụ, hai điều kiện cho công cuộc truyền giáo ở Á Châu

Trút bỏ quyền thế và phục vụ, hai điều kiện cho công cuộc truyền giáo ở Á Châu.

(UCAN PA 9535.0966 10/03/98) - Pakistan (Karachi) - Ðể sứ mạng truyền giáo thực sự phản ánh thực tại của Á Châu, sự trút bỏ quyền thế (powerlessness) và dấn thân phục vụ, là hai điều kiện cần có, để thế chỗ cho các cơ cấu chuyên chế và từ đó nuôi dưỡng nhiệt huyết phục vụ trong tâm hồn.

Trên đây là quan điểm của thần học gia người Pakistan, Linh Mục Emmanuel Asi, được trình bày trong khóa hội thảo liên quan tới Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Khóa hội thảo này do Viện Thần Học Quốc Gia Pakistan đứng ra tổ chức tại thành phố Karachi vào ngay 10/02/98 vừa qua. Mẫu gương phục vụ mà giáo hội cần phải noi theo là Ðức Giêsu Kitô, bởi vì Ngài đã không nắm trong tay bất cứ một quyền lực nào trong suốt cuộc đời của Ngài. Cha Asi cho rằng, mô hình "cứu rỗi linh hồn", như đã được Thánh Phanxicô Xaviê mang tới Á Châu cách đây gần năm thế kỷ, không còn thích hợp trong hoàn cảnh hiện tại.

Vô quyền thế, có thể trở thành "Tin Mừng" của thời đại ngày nay, và mọi người cần phải trở nên nhân chứng của sự vô quyền thế này, ngay chính trong cuộc sống của mình, bởi vì lắm khi người ta nói đến điều này nhưng lại chẳng bao giờ muốn trút bỏ quyền lực mình có trong tay. Theo cha Emmanuel Asi, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu sắp tới, đánh dấu lần đầu tiên, các giáo hội Á Châu được yêu cầu đóng góp trong tư cách là một cơ chế chung, cho giáo hội hoàn vũ. Tuy nhiên, có vấn đề là thực tại đa văn hóa và đa tôn giáo của Á Châu đã không được đề cập tới nhiều trong tài liệu Ðại Cương "Lineamenta" của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Ðây là những thực tại căn bản của Á Châu và vấn đề các giáo hội địa phương cần có một bối cảnh thần học (contextual theology) cũng như mô hình truyền giáo mới, là những điều cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu sắp tới.


ÐTC tiếp Sứ Thần Tòa Thánh tại Nigeria

ÐTC tiếp Sứ Thần Tòa Thánh tại Nigeria.

Vatican - 10.03.98 - Sáng thứ Ba 10/03/98, ÐTC tiếp Ðức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nigeria, nơi ngài sẽ đến viếng thăm từ ngày 21 đến 23 tháng 3/1998 này.

Ðây là chuyến viếng thăm quốc tế thứ 82 của Triều Giáo Hoàng và là chuyến viếng thăm quốc tế thứ hai trong năm 1998 sau chuyến viếng thăm 5 ngày cuối tháng Giêng 1998 vừa qua tại Cuba.

Trong ba ngày viếng thăm tại Nigeria, ÐTC sẽ cử hành hai thánh lễ; Chúa nhật 22/03/98 tại Onitsha ngài sẽ tôn phong lên Bậc Chân Phước Ðầy Tớ Chúa Cyprian Michael Iwene Tansi, vị giảng thuyết lỗi lạc và tông đồ đức ái, qua đời năm 1964. Thánh lễ thứ hai tại một địa điểm gần Abuja, thủ đô mới của Nigeria.

Nigeria có khoảng 111 triệu dân cư, trong đó 45% theo Hồi Giáo, 38% Kitô giáo, trong số này có trên 12 triệu Công Giáo, và 15% theo các tôn giáo địa phương. Giáo Hội Công Giáo tại Nigeria là một trong các giáo hội sống động; các Giám Mục hiệp nhất; hàng giáo sĩ được huấn luyện chu đáo, giầu sáng kiến và khả năng; các chủng viện đông đảo; ơn kêu gọi đời sống tận hiến dồi dào; trong những năm vừa qua Giáo Hội đã bắt đầu gửi các nhà truyền giáo ra ngoài nước, không những tại Châu Phi mà tại các Châu khác nữa.

Nhân chuyến viếng thăm tới đây của ÐTC, ngày 9.03.98 vừa qua, Hội Ðồng Giám Mục Nigeria lên tiếng yêu cầu Chính phủ trả tự do cho các tù chính trị. Các ngài nói: Ðây là một dấu hiệu cần thiết để vượt qua những chia rẽ tại Nigeria. Một tiến trình hòa giải trong các lãnh vực chính trị, xã hội và tôn giáo rất khẩn cấp trong lúc này.


Back to Radio Veritas Asia Home Page