Tin Tức và Thời Sự
ngày 09 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục cho các giáo phận Việt Nam

Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục cho các giáo phận Việt Nam.

Tin Vatican (RG 9/3/98): Thứ Hai 9/03/98, ÐTC Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm những vị sau đây cho các giáo phận tại Việt Nam:

Còn những bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận Hưng Hóa, Bùi Chu, Phú Cường, Ðà Nẵng, chưa được giải quyết. Nhưng phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận thái độ cởi mở của Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam đối với những đề nghị mới của Tòa Thánh liên quan đến những giáo phận trên. Việc bổ nhiệm vị Tổng Giám Mục Phó Hà Nội cũng đã được đặt ra. Tòa Thánh hy vọng trong tương lai gần đây sẽ nhận được sự đồng ý của Nhà Nước Việt Nam.

Cách riêng, ba bổ nhiệm vừa nói trên, cho các giáo phận: Lạng Sơn, Huế và Sài Gòn, là kết quả của cuộc đối thoại cuối tháng 2/98 vừa qua, giữa phái đoàn Tòa Thánh và Chính Phủ Việt Nam. Một cách đặc biệt trong những ngày vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã chú ý theo dỏi và loan tin trước về việc bổ nhiệm Vị Tổng Giám Mục cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn; biến cố nầy kết thúc giai đoạn căng thẳng lâu dài giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà Nước Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, bắt đầu với việc Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, lúc đó giám mục Nha Trang, làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Chính Quyền cộng sản Việt Nam đã từ chối mạnh mẽ việc bổ nhiệm trên và đã bắt tù, rồi chỉ định quản thúc Ðức Tổng Thuận trong vòng 13 năm. Sự căng thẳng nầy mặc thêm khía cạnh mới vào năm 1993, khi Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, giám mục Phan Thiết, về làm giám quản tông tòa Tổng Giáo Phận Sài Gòn, vì Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình lúc đó bị lâm bệnh nặng. Chính Quyền cộng sản Việt Nam cũng không nhận việc bổ nhiệm nầy, và đã nhiều lần từ chối lời giải thích và đề nghị mới của Tòa Thánh. Chỉ trong lần đối thoại vào cuối tháng Hai 1998 vừa qua, Nhà Nước Việt Nam mới đồng thuận với quyết định của Tòa Thánh, bổ nhiệm Ðức Cha Phó Mỹ Tho, Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, về làm Tổng Giám Mục Sài Gòn. Hảng tin Công Giáo Quốc Tế, APIC, đã nhìn việc bổ nhiệm nầy như là khởi đầu của một giai đoạn mới trong mối liên lạc giữa Tòa Thánh và Chính Quyền Việt Nam. Nhật báo Pháp có tên là "Thập Tự" (La Croix) số phát hành ngày 4 tháng 3/98, đã gọi đây là một kết thúc cuộc khủng hoảng dài hơn 20 năm giữa Hà Nội và Vatican.

Ðược hảng tin quốc tế của Bộ Truyền Giáo Fides phỏng vấn, liền sau khi nhận được điện văn của Ðức Hồng Y Tomko, hôm thứ Bảy vừa qua, mùng 7 tháng 3/1998, Ðức Tân Tổng Giám Mục Sài Gòn đã cho biết cảm tưởng như sau:

Ngoài việc bàn về vấn đề bổ nhiệm các giám mục, phái đoàn Tòa Thánh do Ðức Ông Celestino Migliore hướng dẫn đến Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua, còn trao đổi với Ban Tôn Giáo của Chính Phủ Việt Nam, về những vấn đề đã được Hội Ðồng Giám Mục Việt nam nêu lên nhiều lần trong các thơ Kiến Nghị gởi lên chính phủ Việt Nam.

Trả lời cho câu hỏi của đặc phái viên đài Vatican, anh Roberto Piermarini, về những khó khăn mà Giáo Hội Công Giáo Việt nam còn đang gặp phải, Ðức Ông Migliore đã cho biết như sau:

Về những khó khăn nào cần giải quyết, để Tòa Thánh và Việt Nam thiết lập liên lạc ngoại giao với nhau, thì Ðức Ông Migliore cho biết quan điểm của mình như sau:


Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu thảo luận về các giáo phái

Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu thảo luận về các giáo phái.

Vienne - Áo Quốc [Apic 9/03/98] - Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu cho rằng các giáo phái không mấy thịnh hành tại Âu Châu.

Trong một phiên họp diễn ra hồi cuối tuần qua, hội đồng này đã qui tụ các chuyên gia đến từ 23 nước tại Âu Châu để thảo luận về hiện tượng các giáo phái. Theo linh mục Ales Opuruay, giáo sư thần học luân lý tại Praha, Tiệp Khắc, con số tín đồ các giáo phái cổ điển tại các nước Ðông Âu không gia tăng. Sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ, sự thành công của các giáo phái đã không được như các nhà lãnh đạo các giáo phái mong đợi.

Theo các chuyên gia về các giáo phái, một hiện tượng mới ngày càng lan rộng tại Âu Châu, đó là thứ tôn giáo không cần giáo lý đang lôi kéo nhiều người, khi thì đến với một linh sư Ấn Giáo, khi thì tìm đến một trung tâm thiền.

Linh mục Aldo Giordano, tổng thư ký của Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu nhấn mạnh rằng, Giáo Hội Công Giáo không cần phải cạnh tranh với các giáo phái hay bất cứ nhóm tôn giáo nào. Nhiều người thời đại đang khao khát một câu giải đáp cho những vấn đề lớn của cuộc sống như đau khổ, sự chết và những giới hạn của con người. Sứ điệp của Tin Mừng trước tiên mang lại câu giải đáp cho những vấn đề ấy. Tuy nhiên, để mang lại tính khả tín cho sứ điệp ấy, Giáo Hội phải trở thành một nơi của hy vọng và một nơi trong đó cộng đồng có thể triển nở.


Caritas Nhật dự trù quyên góp 100 triệu Yen trong Mùa Chay 1998

Caritas Nhật dự trù quyên góp 100 triệu Yen trong Mùa Chay 1998.

(UCAN JA9456.0966 9/03/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Caritas Nhật Bản dự trù sẽ quyên góp được khoảng 100 triệu Yen, tương đương với 789 ngàn Mỹ Kim, trong chiến dịch cổ động của Mùa Chay 1998.

Ðức Cha Augustinô Junichi Nomura, Giám Mục Nagoya, và là chủ tịch Caritas Nhật Bản, đã cho biết như trên. Caritas Nhật Bản cũng được biết với tên là Ủy Ban An Ninh Xã Hội của Hội Ðồng Giám Mục Nhật. Ðức Cha Nomura cho biết 70% tổng số tiền quyên góp sẽ được phân phối cho các chương trình từ thiện và bác ái ở nước ngoài, 30% còn lại sẽ được dùng trong các chương trình trợ giúp người ngoại quốc cư trú tại Nhật, những người trong giới bị bệnh tâm thần, ly dị, tật nguyền, nghiện ma túy, đồng tính luyến ái và luôn cả những người tuyên bố mình là phá sản.

Chiến dịch quyên góp Mùa Chay năm nay mang tên là "Hãy Lắng Nghe Tiếng Kêu Cứu Của Họ". Ðức Cha Nomura kêu gọi các tín hữu Công Giáo hãy quảng đại ra tay cứu giúp các anh chị em mình, những người không còn khả năng và hy vọng, để thay đổi hoàn cảnh hiện tại của họ. Trong năm 1997, Caritas Nhật đã chi khoảng 122 triệu Yen, tức là cao hơn mục tiêu của năm nay, cho các chương trình bác ái của tổ chức. 84% số tiền này được gửi tới các nước Á Châu, Trung Ðông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Albania và bắc Hàn là quốc gia nhận được tiền cứu trợ cao nhất.


Bia kỷ niệm nơi sinh của Mẹ Têrêsa

Bia kỷ niệm nơi sinh của Mẹ Têrêsa.

(AFP 9/03/98) - Macedonia (Spopje) - Chúa Nhật 9/03/98, thủ tướng Macedonia, ông Branko Crvenkovski đã khánh thành bia kỷ niệm nơi sinh quán của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Bia kỷ niệm này được đặt tại Skopje, hiện là thủ đô của Macedonia, và là nơi Mẹ Têrêsa ra đời vào năm 1910.

Khoảng một ngàn người đã tham dự lễ khánh thành này. Trong bài diễn văn ngắn, thủ tướng của Macedonia ca ngợi vị sáng lập dòng Các Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái, trong tư cách là một người con của Skopje. Suốt cuộc đời của Mẹ là một cuộc hành trình và cuối cùng Mẹ đã tìm ra được căn nhà của mình là Ấn Ðộ. Và qua tấm lòng tốt lành và gương tận tụy hy sinh phục vụ người nghèo. Mẹ cũng đã tìm được chỗ của mình trong trái tim của tất cả mọi người trên thế giới.


Ðức Thượng Phụ Alexis II bày tỏ mong muốn được gặp gỡ với Ðức Thánh Cha

Ðức Thượng Phụ Alexis II bày tỏ mong muốn được gặp gỡ với Ðức Thánh Cha.

Mascơva [Apic 9/03/98] - Ðức Thượng Phụ Alexis II, thủ lãnh của Giáo Hội Chính Thống Nga, bày tỏ mong ước được gặp gỡ với Ðức Thánh Cha.

Trong một tuyên ngôn được công bố trước báo chí hồi cuối tuần qua, Ðức Thượng Phụ Alexis II cho biết công việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Công Giáo và Chính Thống đang được tiến hành. Tuy nhiên vị Thượng Phụ Mascơva đưa ra điều kiện theo đó, trong cuộc gặp gỡ, cả hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đều phải đồng thanh kết án việc chiêu dụ tín đồ. Vị thủ lãnh của Giáo Hội Chính Thống Nga than phiền rằng hiện tượng chiêu dụ tín đồ vẫn đang diễn ra tại Ukraine, Bạch Nga và Nga.

Vấn đề các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Hy Lạp tại Ðông Âu hiện vẫn còn là điểm bất đồng giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo.

Cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha và Ðức Thượng Phụ Alexis II đã được dự trù từ nhiều năm qua, nhưng luôn gặp trở ngại vào giờ cuối.


ÐTC tiếp Tổng Thống Cộng Hòa Burundi

ÐTC tiếp Tổng Thống Cộng Hòa Burundi.

Vatican - 9.03.98 - Sáng thứ Hai 9.03.98, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Tổng Thống Cộng Hòa Burundi, ông Pierre Buyoya, phu nhân và đoàn tùy tùng. Sau cuộc tiếp kiến, Tiến Sĩ Navarro Valls, Giám Ðốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho phổ biến thông cáo sau đây:

"Hôm nay, thứ Hai 9 tháng 3 năm 1998, ÐTC tiếp riêng Trung Tá Pierre Buyoya, Tổng Thống Cộng Hòa Burundi. Sau đó, Tổng Thống đã đến viếng thăm Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh". Thông cáo viết tiếp: "Trong cuộc gặp gỡ, tình hình hiện nay tại Burundi và trong miền các Hồ Lớn đã được cứu xét. Trong dịp này Vị Thượng khách được bảo đảm về sự lo lắng liên lỉ của Giáo Hội đối với công cuộc phục hưng dân sự và tinh thần của xứ sở Burundi, bằng việc ước mong một sự hòa giải sâu xa các tâm hồn, trong sự tái dấn thân tiến đến hòa hợp quốc gia". Thông cáo kết thúc: "Về vấn đề trừng phạt hiện đang gây nên tai hại cho những người không được bênh vực hơn cả trong dân chúng, Tòa Thánh sẽ tiếp tục lưu ý để vuợt qua những biện pháp này".

Burundi trước đây dưới quyền bảo hộ của Bỉ Quốc. Trở thành quốc gia độc lập năm 1966, nhưng ngay từ những năm đầu đời sống quốc gia bị ghi dấu bằng nhiều vụ đảo chính. Năm 1976, Ðại tá Jean Baptiste Bagaza lên nắm chính quyền. Năm 1984 ông bị truất phế bởi một Hội đồng quân sự. Hội dồng này cũng bị lật đổ năm 1990. Năm 1992 Hiến Pháp mới được công bố; hy vọng tiến đến một thể chế dân chủ: Quốc hội làm luật và Tổng Thống do dân bầu nắm giữ quyền hành pháp. Năm 1993, cuộc bầu cử tự do với sự tham dự của các đảng phái chính trị khác nhau: Ông Melchiore Ndadaye, người Hutu, thuộc Mặt Trận Dân Chủ Burundi thắng cử và Pierre Buyoya, người Tutsi, thuộc Liên Hiệp Tiến Bộ Quốc Gia, thất bại. Ðến tháng 10 năm 1993, Tổng Thống Ndadaye bị sát hại: một vụ sát hại đã được tính toán và do giới lãnh đạo Tutsi thực hiện. Từ đó, vụ diệt chủng giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi khởi sự với từng ngàn, từng ngàn nạn nhân và với hơn một triệu dân cư tị nạn.

Năm 1994, Ông Cyprien Ntaryamira, người Hutu, lên thế vị ông Ndadaye, tìm con đường hòa giải với phe đối lập Tutsi (có tên gọi là Liên Hiệp Tiến Bộ Quốc Gia). Ông này cũng bị sát hại cùng với bạn đồng nghiệp Habyarimana, tổng thống cộng hòa Rwanda. Các vụ diệt chủng lan tràn tại Rwanda. Tháng 10 năm 1994, ông Sylvestre Nibantunganya, người Hutu, giữ chức tổng thống lâm thời, lập chính phủ liên hiệp Tutsi và Hutu, một cố gắng đáng ca ngợi, nhưng ông không được sự ủng hộ nội bộ, tạo nên một tình hính hầu như không có quyền bính quốc gia nữa. Trung Tá Pierre Buyoya, dùng vũ lực lên thay thế ông Nibantunganya tháng 7 năm 1996. Hành động của Ông bị nhiều quốc gia Châu Phi phản đối và sau đó ít ngày tại Arusha, các quốc gia này tuyên bố trừng phạt kinh tế. Việc trừng phạt này gây nên cảnh đói khổ cho 6 triệu dân cư Burundi, hầu hết làm nghề nông. Tại hai thành phồ thuộc miền nam Burundi: Murago và Minago, có từng ngàn người bị nạn đói. Theo ước tính của Chương trình thực phẩm thế giới, thì mỗi ngày có khoảng 20 người chết đói. Tiếng kêu thất vọng của họ không thấu tai các nước giầu thịnh Tây Phương.


ÐTC tiếp các giám mục Hoa Kỳ đến Roma viếng Tòa Thánh ("Ad Limina")

ÐTC tiếp các giám mục Hoa Kỳ đến Roma viếng Tòa Thánh ("Ad Limina").

Vatican - 9.03.98 - Sáng thứ Hai 9.03.98, ÐTC tiếp các giám mục Hoa Kỳ đến Roma "Ad Limina". Ðây là nhóm thứ hai của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ do Ðức Hồng Y Anthony Bevilacqua, Tổng Giám Mục giáo phận Philadelphia, hướng dẫn. Ngoài Ðức Hồng Y, ÐTC còn tiếp hai vị giám mục khác cùng với các giám mục phụ tá của các ngài. Nhóm trước đây thuộc Bang New York, do Ðức Hồng Y John O'Connor, Tổng Giám Mục New York, hướng dẫn.


ÐTC tiếp các vị tham dự Khóa Họp khoáng đại của Hội Ðồng Tòa Thánh về Y Tế

ÐTC tiếp các vị tham dự Khóa Họp khoáng đại của Hội Ðồng Tòa Thánh về Y Tế.

Vatican - 9.03.98 - Sáng thứ Hai 9/03/98, ÐTC tiếp các vị tham dự Khóa Họp khoáng đại lần thứ bốn của Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ các nhân viên Y Tế, được khai mạc thứ Hai mồng 9/03/98 và bế mạc vào thứ Tư tới đây 11 tháng 3/98.

Trong diễn văn, ÐTC bày tỏ lo lắng về nhiều hình thức vi phạm khác nhau đến sự sống con người. Ngài nói: "Việc cậy dựa vào thế lực, việc bạo hành, chiến tranh, nạn a phiến, những vụ bắt cóc người, việc khai trừ các người di cư, tị nạn, nạn phá thai, việc làm cho chết êm dịu... là những vi phạm đến sự sống, do sáng kiến của loài người. Những ý thức hệ độc tài hạ giá con người đến mức độ như một đồ vật, một dụng cụ, bằng việc chà đạp và vi phạm các quyền căn bản, bằng việc lợi dụng sự sống nhân danh của một tham vọng không mức độ về thống trị, bóp méo những ước mong và hy vọng, bằng việc gia tăng những lo lắng và đau khổ".

ÐTC giải thích quan niệm về sức khỏe không chỉ giới hạn vào việc không có bệnh tật hay những gì bất điều hòa của các cơ quan. Sức khỏe bao hàm tất cả con người: thể xác, tâm lý và thiêng liêng. Trong một thể thức nào đó, sức khỏe gồm cả sự thích hợp với môi trường trong đó con người sinh sống và hoạt động. Vì thế, việc cổ võ thực hiện tất các mục tiêu của Cơ quan còn trẻ trung này (tức Hội Ðồng Y Tế), do chính ÐTC lập ra cách đây 13 năm, việc bảo vệ phẩm giá con người trong đời sống thể xác và tinh thần, việc thăng tiến học hỏi và nghiên cứu, việc thúc đẩy tiến đến những đường lối chính trị tương xứng về Y Tế và việc linh hoạt mục vụ tại các bệnh viện... tất cả các mục tiêu này đều nhằm "phục vụ sự sống con người".

Ngoài ra, ÐTC nhấn mạnh rằng "mọi hành động giúp đỡ người đau yếu, cả trong các cơ cấu y tế tối tân hiện nay, cũng như trong các cơ cấu đơn sơ của các quôùc gia trên đường phát triển, nếu được làm với tinh thần đức tin và với sự tế nhị huynh đệ, thì chúng trở nên một hành động tôn giáo".

Việc chữa lành các bệnh nhân, cách riêng, nếu được thực hiện trong bối cảnh của việc tôn trọng con người, không chỉ giới hạn vào trị pháp y khoa hay giải phẫu, nhưng còn nhằm vào việc chữa lành toàn diện con người, bằng việc đem họ trở lại sự điều hòa của việc quân bình bên trong, trở lại sự vui thích sống, trở lại niềm an vui của tình yêu và của hiệp thông.

Trong phần cuối bài nói chuyện, ÐTC nhắc lại: "Mục đích chung là việc tôn trọng sự sống của mỗi một con người: con người này, dù có những khuyết điểm về cơ thể hay về sự toàn vẹn của thể xác, vẫn giữ nguyên vẹn phẩm giá con người, một phẩm giá riêng của họ".


Back to Radio Veritas Asia Home Page