Tin Tức và Thời Sự
ngày 23 tháng 02/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


THỜI SỰ: Sứ Ðiệp của Hội Ðồng Giám Mục Cuba gửi Cộng Ðồng Công Giáo và toàn dân

THỜI SỰ: Sứ Ðiệp của Hội Ðồng Giám Mục Cuba gửi Cộng Ðồng Công Giáo và toàn dân.

Cuba - (23/02/98) - "Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II đã là một một bước rõ ràng của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử của chúng ta". Ðây là những lời mở đầu của sứ điệp các Giám Mục Cuba gửi Cộng Ðồng Công Giáo và toàn dân, được phổ biến qua các Hãng Thông Tấn quốc tế ngày 23 tháng 2 vừa qua, sau chuyến viếng thăm lịch sử của ÐTC Gioan Phaolô II (21-25.01.98) tại nước này. Các Giám Mục nhấn mạnh rằng: "Ðây là một chuyến viếng thăm đầy hứa hẹn tốt đẹp không những cho Cuba mà còn cho tất cả Châu Mỹ nữa".

Các Giám Mục Cuba tin chắc rằng chuyến viếng thăm, đã được chờ đợi từ lâu và được chuẩn bị bởi "những khó khăn, cầu nguyện và hy sinh của tất cả một năm", sẽ đem lại những thành quả thiêng liêng dồi dào không những trong đời sống Giáo Hội, nhưng còn trong cả đời sống quốc gia nữa".

Các Giám Mục viết: "Ðược đón tiếp với sự nồng hậu, chân thành, với hân hoan hồn nhiên, trong tất cả các miền từ Bắc tới Nam, từ Ðông sang Tây, như "Một Người Thân của chúng ta", "Vị Giáo Hoàng truyền giáo" đã gây xúc động nơi tâm hồn của người dân Cuba, giới trẻ cũng như các người đứng tuổi, các người già lão, người tín hữu Kitô, cũng như người không có tín ngưỡng".

Ðứng trước cảnh tượng chưa từng thấy này tại Cuba, các Giám Mục cảm ơn tất cả những ai đã góp phần vào sự thành công của những ngày huy hoàng và đáng ghi nhớ muôn đời kia: cảm ơn Nhà Cầm Quyền đã dành cho ÐTC một cuộc tiếp đón rất lịch sự; cảm ơn tất cả anh chị em thợ thuyền và toàn dân không phân biệt tôn giáo, khuynh hướng chính trị. Các Giám mục nhấn mạnh rằng: với các bài diễn văn, ÐTC không những nói với các tín hữu Công Giáo nhưng với mọi người dân Cuba.

Ngay từ lúc đặt chân lên Ðất Cuba, ÐTC đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ sau đây: "Anh chị em đừng sợ mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô". Với lời kêu gọi này, ÐTC là một sứ giả đem đến niềm hy vọng, cho cả những ai không tin Chúa Giêsu Kitô. Sứ điệp quả quyết: "Các giá trị Phúc Âm không phải là độc quyền của các tín hữu Kitô. Các giá trị này không đi ngược bản tính con người, trái lại đem đến cho con người phẩm giá đích thực. Chính vì thế, Giáo Hội không chiêu mộ tín đồ, khi Giáo Hội rao giảng và bênh vực các giá trị này. Sứ điệp của Chúa Kitô không đồng hóa với một chế độ chính trị hay kinh tế nào cả, nhưng trình bày các giá trị đó về phương diện luân lý khởi sự từ Phúc Âm".

Sau đó các Giám Mục nói đến cuộc cách mạng đích thực của mọi người dân Cuba: đó là cuộc cách mạng bản thân, cuộc canh tân tâm hồn, cuộc trở về với Ðấng Tạo Hóa; không có cuộc cách mạng này, sẽ không có một sự thay đổi nào về xã hội mà con người mong ước sẽ có thể thực hiện được; cuộc cách mạng đích thực đây là cuộc cách mạng của Tình Yêu, như ÐTC đã nhắc đến trong bài giảng tại Quảng Trường Cách Mạng ỏ La Havana ngày 25 tháng Giêng năm 1998 vừa qua và hai ngày sau khi ngài trở về Roma, trong buổi tiếp kiến chung các đoàn hành hương tại Thính đường Phaolô VI. Cuộc Cách Mạng Tình Yêu giải phóng con người khỏi sự dữ và bất công, đem đến cho con người sự hòa bình và sự sung mãn của đời sống; một cuộc cách mạnh hướng về chiều sâu, liên lỉ và thánh thiện, cuộc cách mạng này có giá trị cho mọi thời đại.

Sứ điệp của Hội Ðồng Giám Mục Cuba còn nhấn mạnh đến tính cách xã hội, được ÐTC nêu lên trong các bài diễn văn của ÐTC tại Cuba: cách riêng ÐTC bênh vực công bình, trong mỗi một quốc gia và trong các mối quan hệ quốc tế, trước chế độ tự do tư bản khai thác con người, và lên án lệnh cấm vận áp đặt trên Cuba từ nhiều năm nay.

Trong phần sau cùng của sứ điệp, các Giám Mục kêu gọi đối thoại và hòa giải, bằng việc nêu lên những đường hướng chính của chương trình mục vụ, nhằm chuẩn bị tiến vào Ngàn Năm mới của Kỷ Nguyên Cứu Chuộc. Giáo Hội có bổn phận thăng tiến con người toàn diện, con người cụ thể, để họ trở thành người chủ chốt của lịch sử của họ, bằng việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô như Ðấng Cứu Thế duy nhất có thể giải thoát con người. Giáo Hội thi hành sứ vụ thăng tiến này, không trong vai trò "độc quyền" hay "loại trừ", nhưng đòi những khoảng cách, những phương tiện cần thiết để phục vụ đầy đủ "các anh chị em chúng ta". Việc rao giảng Tin Mừng bao gồm việc thăng tiến con người và sẽ được thực hiện trong cộng tác với các tôn giáo, các Giáo Hội khác và với nỗ lực mỗi ngày mỗi gia tăng trong việc đối thoại thành thực với các tổ chức của Nhà Nước và các tổ chức tự trị của xã hội dân sự. Giáo Hội sẽ tiếp tục giáo dục về việc tôn trọng sự sống con người, bằng việc tố giác nạn phá thai và các phương pháp ngừa thai; đồng thời Giáo Hội cổ võ cơ cấu gia đình, tế bào và nền tảng của xã hội. Giáo Hội mời gọi người giáo dân sống ơn gọi của họ, để góp công vào việc giải quyết các vấn đề xã hội trong cộng tác với các người thiện chí, trong tinh thần hòa giải và liên đới. Giáo Hội sẽ không ngừng kêu gọi những ai, vì lý do này lý do khác, đã bỏ quê hương, để họ luôn luôn cảm thấy mình là con cái của đất nước Cuba và cộng tác thành thực, trong tinh thần xây dựng và tôn trọng nhau, vào công việc phát triển và nền thịnh vượng của Ðất Nước.

Các Vị chủ chăn Giáo Hội Cuba vui mừng về việc thành lập giáo phận mới Guantamano Baracoa, về việc làm phép viên đá mới để xây cất chủng viện, về việc trả tự do cho nhiều tù nhân, về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước ngay sau chuyến viếng thăm của ÐTC, nhất là về việc thoát khỏi thế cô lập của Cuba trên trường quốc tế, cách riêng đối với các nước Châu Mỹ Latinh. Các ngài nói: "Tất cả các dấu hiệu này mời gọi chúng ta tín nhiệm"; và các Giám Mục Cuba nhắc lại lời cầu chúc của ÐTC: chúc "Một Mùa Vọng mới đến trong lịch sử của Cuba".


Thỉnh nguyện thư kêu gọi bênh vực nhân quyền

Thỉnh nguyện thư kêu gọi bênh vực nhân quyền.

Geneve - Thụy Sĩ [Apic 23/02/98] - Hôm thứ Hai 23/02/98, một thỉnh nguyện thư mang chữ ký của 23 ngàn người đã được gởi đến Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tại Geneve. Ðây là kết quả của một chiến dịch chung của nhiều phong trào khác nhau như Pax Christi, Công Lý và Hòa Bình, Hội các Tín Hữu Kitô tranh đấu để hủy bỏ việc tra tấn, Tổ chức Liên Ðới Kitô Giáo Quốc Tế, Liên Hiệp các Giáo Hội Tin Lành Thụy Sĩ và Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế.

Thỉnh nguyện thư đã được trao cho ông Jan Helgesen, Chủ Tịch của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Những người ký tên vào thỉnh nguyện thư và đám đông biểu tình trước trụ sở của Ủy Ban Nhân Quyền đòi hỏi quyền được tham dự vào các cuộc biểu quyết trong các tòa án, quyền được tự do tài trợ cho các tổ chức không chính phủ. Thỉnh nguyện thư cũng yêu cầu bãi bỏ việc nại đến luật pháp quốc gia để chối bỏ quyền con người.

Cùng với thỉnh nguyện thư trên đây, ban tổ chức đã cho dựng lên trước Trụ Sở của Ủy Ban Nhân Quyền một quả địa cầu cao hai thước được bao bọc bởi một tấm lưới tượng trưng cho "mạng lưới liên đới của những người tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới". Những người có mặt trong cuộc biểu tình đã đến gắn vào tấm lưới những sứ điệp tỏ tình liên đới của họ.


Cuộc bút chiến sôi nổi giữa nhà lãnh đạo quốc gia và các Ðức Giám Mục Kenya

Cuộc bút chiến sôi nổi giữa nhà lãnh đạo quốc gia và các Ðức Giám Mục Kenya.

Nairohi - Kenya [Apic 23/02/98] - Một cuộc bút chiến sôi nổi đã diễn ra giữa tổng thống Daniel Arap Moi và các Ðức Giám Mục Kenya.

Trong một tuyên ngôn chung đưa ra hồi cuối tuần qua, các Ðức Giám Mục Kenya đã lên tiếng tố cáo sự bất lực của chính phủ trong việc chống lại nạn bạo động giữa các cộng đồng diễn ra hồi đầu năm 1998. Cuộc bạo động này đã khiến cho 200 người bị thiệt mạng tại thung lũng Rift, thuộc mạn Tây Kenya.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng qui lỗi cho chính Hiến Pháp của Kenya và kêu gọi soạn thảo một Hiến Pháp mới. Hiến Pháp hiện hành đã bị lèo lái và chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của một thiểu số.

Tổng thống Arap Moi đã phản ứng mạnh mẽ chống lại lời tuyên bố trên đây của các Giám Mục. Ông cảnh cáo các ngài rằng đừng mơ tưởng một cuộc nội loạn như đã diễn ra tại Phi Luật Tân hồi tháng Hai năm 1986 nhằm lật đỗ nhà độc tài Marcos.


Chia rẽ sâu đậm giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo

Chia rẽ sâu đậm giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo.

(AFP 23/02/98) - Nga (Mascơva) - Thứ Hai 23/02/98, tổng thống Boris Yeltsin thừa nhận có sự chia rẽ sâu đậm giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo tại Nga và phải cần đến nhiều thế kỷ nữa mới có thể hàn gắn được sự chia rẽ này.

Tổng thống Yeltsin đưa ra nhận định trên đây sau cuộc gặp gỡ với Ðức Thượng Phụ Alexis II, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó hai bên đã thảo luận về cuộc hội kiến giữa ông Yeltsin và ÐTC Gioan Phaolô II nhân chuyến công du vừa kết thúc của ông Yeltsin sang Ý. Hãng Thông Tấn Interfax đã trích thuật lời của Ðức Thượng Phụ Alexis II nói rằng quan hệ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở vào một giai đoạn đầy khó khăn trong đó có nhiều vấn đề khiến cho mối quan hệ càng trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên ngài kêu gọi nên có sự thông cảm nhau giữa hai Giáo Hội khi nói rằng: "Ðây không phải là lúc để mở chiến dịch "chống lại nhau", nhưng là để tìm đường cho sự cảm thông.

Căng thẳng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo tại Nga xoay quanh những lời cáo buộc từ phía Chính Thống Giáo rằng Công Giáo đang chiêu dụ các tín hữu Nga theo Công Giáo, cũng như vấn đề tranh chấp giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Ukraine theo nghi lễ Ðông Phương.


Ðức Tổng Giám Mục Alger tố cáo những "đồng lõa" của các nhóm Hồi Giáo vũ trang tại Âu Châu

Ðức Tổng Giám Mục Alger tố cáo những "đồng lõa" của các nhóm Hồi Giáo vũ trang tại Âu Châu.

Alger - Algeri [23/02/98] - Ðức Cha Henri Teissier Tổng Giám Mục Alger, Algerie, lên tiếng tố cáo những người đồng lõa của nhóm Hồi Giáo vũ trang tại Âu Châu.

Trong một lá thư gởi cho Ðức Hồng Y Godfried Danneels, chủ tịch Phong Trào Pax Christi Thế Giới, Ðức Cha Teissier bày tỏ sự biết ơn đối với phong trào này vì từ năm 1992 đến nay đã không ngừng nâng đỡ ngài và cộng đồng Công Giáo cũng như toàn thể nhân dân Algerie chống lại điều mà ngài gọi là "dự án vô nhân đạo" của các nhóm Hồi Giáo vũ trang.

Cũng trong lá thư, Ðức Tổng Giám Mục Alger than phiền về những kẻ "đồng lõa" mà các nhóm Hồi Giáo vũ trang này có thể tìm thấy tại Âu Châu. Tuy nhiên, ngài cũng bày tỏ lạc quan vì trong những thử thách mà xứ sở đang trải qua. Thánh Thần Chúa đã làm cho các tín hữu Kitô và Hồi Giáo xích lại gần nhau hơn.


Thủ Tướng Lý Bằng kêu gọi áp đặt chủ nghĩa xã hội vào công tác tôn giáo

Thủ Tướng Lý Bằng kêu gọi áp đặt chủ nghĩa xã hội vào công tác tôn giáo.

(AFP 23/02/98) - Trung Quốc (Bắc Kinh) - Thủ Tướng Lý Bằng của Trung Quốc vừa kêu gọi áp đặt nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội vào công tác tôn giáo, giữa khi phái đoàn các nhà lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ đặt chân tới Tây Tạng vào hôm thứ Hai 23/02/98 để tìm hiểu về hiện trạng tôn giáo tại vùng lãnh thổ đang thuộc quyền cai trị của cộng sản Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đã trích thuật lời kêu gọi nói trên của ông Lý Bằng trong cuộc hội kiến giữa ông với các vị chủ tịch Ban Tôn Giáo nhà nước Trung Quốc. Ông Lý Bằng cho rằng Ban Tôn Giáo cần cổ võ cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội pha lẫn bản chất riêng biệt của Trung Quốc trong các công tác tôn giáo. Tân Hoa Xã cũng cho biết thêm về chương trình sinh hoạt của phái đoàn các nhà lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ. Tây Tạng là trạm dừng chân cuối cùng của phái đoàn trước khi trở về Hoa Kỳ. Trước đó, phái đoàn đã đến thăm các thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Nam Kinh và Thành Ðô.

Trong cuộc họp báo tại thành phố Thượng Hải vào hôm thứ Bảy 21/02/98, Ðức Cha Theodore Mc Carrick, Tổng Giám Mục Neward bang New Jersey và đại diện cho Công Giáo trong phái đoàn, đã cho các ký giả biết là phái đoàn đang chờ tin tức từ chính quyền Bắc Kinh liên quan tới danh sách các Giám Mục, Linh Mục và Giáo Dân Trung Quốc đang bị giam giữ. Ngài nói như sau: "Chúng tôi tin rằng trước khi phái đoàn rời Trung Quốc, chúng tôi sẽ nhận được thêm tin tức về những người nằm trong danh sách đã được trao cho chính quyền Bắc Kinh. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ làm được điều gì đó cho họ, một khi chúng tôi hiểu rõ thực trạng của vấn đề.


THỜI SỰ : Tòa Thánh Vatican và sự thành công của Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc trong cuộc khủng hoảng IRAK

THỜI SỰ : Tòa Thánh Vatican và sự thành công của Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc trong cuộc khủng hoảng IRAK.

Sáng thư Hai vừa qua 23.02.98, Phòng báo chí Tòa Thánh cho phổ biến một thông cáo trong đó bày tỏ sự hài lòng của Tòa Thánh về Thỏa ước đã đạt được do cuộc thảo luận giữa ông Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, Kofi Annan, và Chính Phủ Irak, cách riêng Tổng Thống Saddam Hussein. Thông cáo bày tỏ hy vọng là Hội Ðồng Bảo An sẽ phê chuẩn Thỏa Ước đã đạt được (chắc chắn sẽ phê chuẩn, tuy Hoa Kỳ còn tỏ vẻ dè dặt). Thông cáo nhấn mạnh một lần nữa rằng: "Ðối thoại là con đường để giải quyết các vấn đề, mà các hành động quân sự không những không giải quyết được, mà còn gây nên những tình hình trầm trọng hơn nhiều". Thông cáo kết thúc: "Hy vọng Thỏa Ước đã đạt được là một bước đầu cho việc giải quyết vấn đề cấm vận, một vấn đề đang gây đau khổ cho dân tộc Irak".

Không phải chỉ có Tòa Thánh hài lòng. Tất cả các người thiện chí, các Chính phủ yêu chuộng hòa bình... đều thỏa mãn về công việc của Ông Tổng Thư Ký đã làm trong những ngày vừa qua, để tránh một chiến tranh khủng khiếp tại miền Trung Ðông, như đã xảy ra cách đây 7 năm, với những hậu quả khốc hại cho người dân Irak.

Dừng chân tại Paris, trên đường từ Bagdad trở về New York, Ông Tổng Thư Ký đã được Tổng Thống Chirac đón tiếp với tất cả lễ nghi long trọng.

Tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc, tất cả các viên chức vỗ tay chào mừng, hoan hô Ông Tổng Thư Ký như một vị "anh hùng chiến thắng". Trước niềm vui của mọi người, ông Tổng Thư Ký tuyên bố: "Chúng tôi đã có một Thỏa Ước và tôi sẵn sàng bênh vực Thỏa Ước này bất cứ ở đâu. Và tôi muốn cảm ơn tất cả những ai đã hành động và đã cầu nguyện cho hòa bình". Ông Kofi Annan nói tiếp: "Cách đây ít ngày tôi đã nói: để giải quyết cơn khủng hoảng này cần phải có can đảm, khôn ngoan và mềm dẻo; tất cả các yếu tố này đã xuất hiện vào những giờ phút cuối cùng".

Lời của Ông Tổng Thư Ký vừa nói ở trên đây: "Tôi xin cảm ơn tất cả những ai đã hoạt động và đã cầu nguyện cho hòa bình". Trong số những người đã hoạt động và đã cầu nguyện, trước hết phải kể đến ÐTC Gioan Phaolô II. Và sau đây là những tiết lộ của Ðức Tổng Giám Mục Renato Martino, Quan Sát Viên thường trực Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, về việc Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc lên đường đi Irak thảo luận với Tổng Thống Saddam Hussein. Ðức Tổng Giám Mục nói: "ÐTC đã cổ võ Ông Tổng Thư Ký đi Bagdad. Khi Ông quyết định đi, Ông gọi điện thoại cho tôi và nói với tôi: "Ðược rồi, tôi ra đi, nhưng xin các ngài cầu nguyện cho tôi".

Hài lòng về Thỏa Ước đã đạt được, Ðức Tổng Giám Mục Martino đã tuyên bố: "Chiến thắng của Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, một phần cũng là chiến thắng của Tòa Thánh; hơn nữa chiến thắng này còn "được quí giá hóa" do mối quan hệ riêng biệt và cá nhân sẵn có giữa chúng tôi" Ðức Tổng Giám Mục Martino kể tiếp: "Ngày 15 tháng 2 năm 1998 tôi đã chuyển sứ điệp của ÐTC gửi cho Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, để bày tỏ sự lo lắng của ngài về miền vịnh Ba Tư và khuyến khích Ông lên đường đi Bagdad. Ông rất xúc động và xin tôi viết lại sứ điệp mà tôi chuyển bằng lời, để Ông có tài liệu thông báo cho các môi trường Liên Hiệp Quốc. Sau đó, Ông đã quyết định đi".

Ðược đặc phái viên Riccardo Cascioli hỏi: Ðức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng: Chiến thắng này sẽ tăng uy tín Liên Hiệp Quốc không? - Ðức Tổng Giám Mục Martino trả lời: Dĩ nhiên. Cần phải nói ngay rằng: Ông Kofi Annan đã là một nhà ngoại giao tài khéo, từ trước tới giờ các vị tiền nhiệm của Ông chưa làm một công việc gì hiệu nghiệm cho Liên Hiệp Quốc như Ông đã làm. Cả Ông Saddam Hussein cũng đã cúi mình vâng theo Liên Hiệp Quốc. Ðiều này chứng tỏ rằng mọi người cần đến một Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ, hiệu nghiệm và có uy quyền hơn.

Ðặc phái viên Cascioli nghĩ rằng: Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc thành công nhờ vào sự bất đồng ý kiến của Cộng Ðồng Quốc Tế, Ðức Tổng Giám Mục Martino trả lời: Sánh với năm 1991 (lúc chiến tranh thứ nhất tại vụng Vịnh), lúc các lực lượng đồng minh tấn công để giải phóng Kuwait, thì tình hình lúc này hoàn toàn khác. Nhưng cũng không nên quên rằng: lần này việc tấn công cũng đã được quyết định về phía chính phủ Hoa Kỳ và một cách cương quyết với những chuẩn bị hết sức chu đáo.

Về lệnh cấm vận, Vị Ðại Diện Tòa Thánh nhận xét: tránh khỏi chiến tranh không đủ. Các nạn nhân của lệnh cấm vận không còn được nhắc đến, nhưng con số này rất cao và mỗi ngày mỗi gia tăng. Và đây là một bất công. Sứ mệnh của Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc chính nhằm vào điểm quan trọng này. Với thành công của Ông Kofi Annan, rất có thể hy vọng là Liên Hiệp Quốc quyết định và tìm ra những điều kiện làm giảm bớt hậu quả của lệnh cấm vận. Những khó khăn có thể do phía Hoa Kỳ, nhưng thực ra Hoa Kỳ không thể yêu cầu kéo dài mãi việc trừng phạt đối với dân tộc Irak, nếu những điều kiện không còn nữa.

Trong hơn một năm nắm vận mệnh thế giới, Ông Kofi Annan đã tỏ ra là một vị Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc, ông không để mình lệ thuộc vào một cường quốc nào. Hoa Kỳ đã ủng hộ hết mình việc ứng cử chức vụ tối cao này của Ông, nhưng không vì thế lệ thuộc Hoa Kỳ. Pháp là quốc gia phản đối mạnh mẽ việc ứng cử của Ông, vì không thuộc khối nói tiếng Pháp nhưng Pháp đã nhiệt liệt khuyến khích ông đứng ra giàn xếp vụ Irak và khi trở về qua Paris, Tổng Thống Chirac đã đón tiếp rất nồng hậu. Tuyên bố tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc lúc từ Irak trở về, Ông cảm ơn Anh Quốc và Hoa Kỳ đã không cản trở hoạt động của Ông trong những ngày qua. Lời tặng khen của Ðức Tổng Giám Mục Martino, Quan Sát Viên của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng: "Ông Kofi Annan là một nhà ngoại giao tài khéo", lời khen tặng trên không phải là quá đáng.


Tòa Thánh hài lòng về Thỏa Ước đã đạt được giữa Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và Tổng Thống Irak, Ông Saddam Hussein

Tòa Thánh hài lòng về Thỏa Ước đã đạt được giữa Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và Tổng Thống Irak, Ông Saddam Hussein.

Vatican - 23.02.98 - Sáng thứ Hai 23.02.98, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho phổ biến một thông cáo về Thỏa Ước đã đạt được trong những ngày này giữa Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan và Tổng Thống Irak, ông Saddam Hussein. Thông cáo viết: "Tòa Thánh bày tỏ sự hài lòng về Thỏa ước đã đạt được: thỏa ước này sẽ tránh khỏi sự đe dọa của những hành động quân sự". Thông cáo viết tiếp: "Thỏa Ước đạt được, hy vọng sẽ được Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phê chuẩn ngày thứ Ba 24.02.98, một lần nữa xác nhận rằng việc đốùi thoại là con đường để giải quyết các vấn đề mà các hành động quân sự không những không giải quyết được mà còn gây nên tình thế trầm trọng hơn nhiều".

Thông cáo kết thúc: "Người ta cũng hy vọng rằng Thỏa Ước này sẽ là một khởi đầu cho việc giải quyết vấn đề cấm vận, một vấn đề gây đau khổ cho dân tộc Irak".


Kitô Giáo tại Châu Phi theo nhận xét của Ðức Hồng Y Paul Poupard

Kitô Giáo tại Châu Phi theo nhận xét của Ðức Hồng Y Paul Poupard.

Vatican - 23.02.98 - Sau khi chủ tọa Hội Nghị Văn Hóa tại Nairobi, do Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Văn Hóa tổ chức, với sự cộng tác của Ðại Học Công Giáo miền Ðông Châu Phi, (trụ sở tại Nairobi, thủ đô Kenya), Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, đã tuyên bố trên Ðài Phát Thánh Vatican, trong buổi phát thứ Hai 23.02.98 đại ý như sau:

Châu Phi có một nền văn hóa và một ý thức sâu xa về sự sống con người được ghi sâu vào thực tại của Vũ Trụ, Gia Ðình và Cộng Ðồng Xã Hội, luôn luôn hướng về Thiên Chúa. Trong nền văn hóa Châu Phi có một mối quan hệ nối kết đời sống trần gian với đời sống vĩnh cửu, nơi đây Thiên Chúa biểu hiệu chính nguồn mạch cuộc sống. Nhiều sinh viên và giới trẻ tham dự Hội Nghị này là dấu hiệu cụ thể minh chứng nền văn hóa của sự sống.

Ðức Hồng Y nhận xét thêm: Vào cuối Ngàn Năm Thứ Hai của năm 2000 này, các tín hữu Kitô Châu Phi khám phá ra cái mà họ có thể góp vào Giáo Hội hoàn vũ. Trước hết Kitô Giáo tại Châu Phi nói lên sự trẻ trung của các Giáo Hội mới thành lập. Thực sự nhiều Giáo Hội Châu Phi chỉ được thành lập cách đây khoảng một trăm năm thôi. Ðây là những Giáo Hội rất trẻ trung, đầy niềm vui, vẻ xinh đẹp và sự hãnh diện về "căn cước Kitô của mình". Sự hãnh diện này cũng được các người ngoài Giáo Hội đánh giá cao. Trong lúc đó, tại Tây Phương, người ta có cảm giác như muốn che giấu "căn cước Kitô của mình"; trái lại, tại Châu Phi thì hoàn toàn ngược lại.

Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Văn Hóa cho biết thêm: ngoài các vị giám mục Kenya, còn có nhiều giám mục đến từ 15 quốc gia khác nhau để tham dự Hội Nghị, như: Tanzania, Nigeria, Uganda, Rwanda, Malawi... Ðây là những Giáo Hội trong quá khứ và trong hiện tại chịu đau khổ rất nhiều. Các giám mục hy vọng nhiều vào sứ điệp của Kitô Giáo: Tình Người Cha của Thiên Chúa, Tình Huynh Ðệ giữa mọi người sẽ luớt thắng được những tranh chấp chủng tộc trong quá khứ và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Cách riêng trong năm dành riêng Kính Chúa Thánh Thần, các vị chủ chăn cầu nguyện và khuyến khích các cộng đồng Kitô cầu nguyện để Chúa Thánh Thần, nguồn mạch Tình Yêu, đổ đầy tâm hồn mỗi một tín hữu ơn can đảm sẵn sàng giúp đỡ mọi người khám phá ra mình là anh chị em với nhau.


Back to Radio Veritas Asia Home Page