Tin Tức và Thời Sự
ngày 20 tháng 02/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Vấn nạn của Phụ Nữ Kitô Giáo tại Bangladesh

Vấn nạn của Phụ Nữ Kitô Giáo tại Bangladesh.

(UCAN BA9383.0963 20/02/98) - Bangladesh (Dhaka) - Hội Ðồng Các Dòng Nữ tại Bangladesh vừa thiết lập một phong trào gọi là Mạng Lưới Phụ Nữ Kitô Giáo để giúp thăng tiến và bảo vệ quyền phụ nữ bangladesh trong xã hội cũng như trong giáo hội.

Trong cuộc họp tại thủ đô Dhaka do dòng Ðức Mẹ của các Nữ Tu Carmêlô Thừa Sai (Our Lady of Missions Sister Carmel) đứng ra tổ chức vào hôm thứ Tư 14/02/98 vừa qua, các tham dự viên, đa số là thành viên của các dòng nữ, đã nhấn mạnh tới vai trò của một mạng lưới của phụ nữ để tranh đấu chống lại các hình thức áp bức phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng nông thôn. Họ cũng ghi nhận tập tục văn hóa trong đó gia đình của cô dâu phải nộp quà cưới (dowry) là một hình thức bất công. Tập tục này đã len lõi vào ngay cả trong các cộng đoàn giáo hội, nhưng các nhà lãnh đạo giáo hội vẫn chưa lên tiếng phản đối. Các tham dự viên thành lập một ủy ban làm việc để phối hợp các hoạt động của tổ chức nhân kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/03/98 tới đây.

Nữ Tu Pauline Naedu thuộc dòng Thánh Giá ghi nhận là ÐTC Gioan Phaolô II, qua các bài diễn văn và tông thư của ngài, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác gây ý thức nơi các phụ nữ về quyền lợi của họ, và dùng sự ý thức này để nói lên sự đau khổ của những chị em không có tiếng nói.


Giáo Hội phải làm gương của sự công bằng trong vụ tranh chấp đất đai

Giáo Hội phải làm gương của sự công bằng trong vụ tranh chấp đất đai.

(UCAN IS9407.0963 20/02/98) - Indonesia (Larantuka) - Giáo Hội phải làm gương của sự công bằng, bằng cách trả lại đất đai cho những người đúng là chủ của nó.

Trên đây là quan điểm của Linh Mục Franciscus Amanue, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Phận Larantuka bên Indonesia. Larantuka nằm trong đảo Flores, nơi có đa số là người Công Giáo. Vụ tranh chấp đất đai nói trên có liên quan tới dòng nam Ðức Mẹ của các Cộng Ðoàn Thánh Tâm và hai gia tộc người Công Giáo tại Larantuka. Hai gia tộc này đã nộp đơn kiện hai viên chức chính phủ đã bán phần đất tổ tiên của họ cho dòng Nam vừa nói. Ðược biết phần đất tranh chấp được chính quyền địa phương mượn vào năm 1967, nhưng dạo cuối thập niên 80, khi muốn lấy đất lại thì hai gia đình này mới biết là đất của họ đã bị đem bán trái phép. Tuy nhiên, phía chính quyền địa phương thì xác quyết phần đất được bán đi là của chính phủ.

Lên tiếng với hàng thông tấn UCAN dạo đầu tháng Hai vừa qua, cha Amanue đã nói như sau: "Trong vai trò là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Phận Larantuka, tôi nghĩ rằng giáo hội nên trả lại đất cho chủ của nó. Ðược như vậy, đó sẽ là mẫu gương tốt của sự công bằng, vượt qua cả giáo huấn của Hội Thánh kêu gọi các tín hữu làm điều tốt lành". Ðược biết hai gia đình nói trên đã yêu cầu một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Jakarta, làm đại diện cho họ trước tòa án.


Giám Mục Anh Giáo tỏ cử chỉ thống hối lỗi lầm

Giám Mục Anh Giáo tỏ cử chỉ thống hối lỗi lầm.

Australia (Adelaide) - Thứ Sáu 20/02/98, Ðức Tổng Giám Mục Keith Rayner, giáo chủ Anh Giáo của Australia đã cử hành nghi thức rửa chân cho hai vị Giám Mục Anh Giáo người thổ dân, và chính thức xin lỗi các người thổ dân tại vùng eo biển Torres, về sự tham dự của Giáo Hội Anh Giáo trong sự kiện gọi là "Một Thế Hệ Ðã Mất" (Lost Generation).

Trong quá khứ, nhiều trẻ em thổ dân tại Australia đã đã bị chính quyền dùng áp lực tách ra khỏi gia đình để cho các em này hội nhập vào xã hội của người da trắng. Hành động nói trên của Ðức Tổng Giám Mục Keith Rayner được coi là một cử chỉ hòa giải giữa người da trắng và da đen tại Australia. Thủ tướng Australia, ông John Howard đã từ chối trước những lời kêu gọi ông thay mặt cho chính phủ để chính thức lên tiếng xin lỗi người thổ dân. Tuy nhiên Ðức Tổng Giám Mục Rayner nói, ngài hy vọng là chính phủ Australia sẽ đổi ý và có thể thực hiện theo những lời yêu cầu.

Trước đó, tại khóa họp của Thượng Hội Ðồng Anh Giáo, Ðức Cha Bruce Wilson, Giám Mục Bathierst thuộc tiểu bang New South Wales đã lên tiếng cảnh cáo là sẽ có đổ máu trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, nếu các chính trị gia vận động tranh cử dựa trên vấn đề chủng tộc, qua chính sách giới hạn quyền sở hữu đất đai của người thổ dân. Ðức Cha Wilson nói, nếu điều này xảy ra thì hậu quả của nó trên đời sống của người Australia cũng rất là tai hại.


Tòa Thánh Vatican tái khẳng định quyền được chào đời một cách bình thường của mỗi người

Tòa Thánh Vatican tái khẳng định quyền được chào đời một cách bình thường của mỗi người.

Vatican [Apic 20/02/98] - Báo Người Quan Sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh Vatican, trong số ra hôm thứ Năm 19/02/98 vừa qua, đã tái khẳng định quyền được sinh ra một cách bình thường của mỗi người.

Linh Mục Gino Concetti, Dòng Phanxicô, tác giả của bài báo, đã có phản ứng mạnh trước tin một em bé thuộc bang California Hoa Kỳ, chào đời từ một phôi thai đã được đông lạnh gần 8 năm qua.

Khía cạnh tích cực duy nhất của biến cố được tác giả ghi nhận đó là phôi thai đã không bị phá hủy. Tác giả cũng ca ngợi quyết định của cha mẹ khi yêu cầu để cho phôi thai được tiếp tục sống.

Tuy nhiên, tác giả tái khẳng định giáo huấn của Giáo Hội, theo đó việc thụ thai nhân tạo là điều nghịch với luân lý. Theo giáo huấn của Giáo Hội: "mỗi người đều có quyền sinh ra một cách nhân bản, nghĩa là được thụ thai do quan hệ liên vị của hai người phối ngẫu và được cưu mang trong lòng mẹ để được đón nhận trong tế bào nguyên thủy là gia đình". Mọi vi phạm nguyên tắc này đều là một xúc phạm đến phẩm giá của thai nhi sẽ chào đời và những quyền bất khả xâm phạm của em.


Vài phát biểu ý kiến của Ðức Tân Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục Viena, và Ðức Tân Hồng Y Phaolô Shan của Ðài Loan

Vài phát biểu ý kiến của Ðức Tân Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục Viena, và của Ðức Tân Hồng Y Phaolô Shan của Ðài Loan.

(CWN 20/2/98) Trong cuộc họp báo với các ký giả Áo Quốc, hôm chiều thứ Sáu vừa qua, 20/02/98, Ðức Tân Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục Viêna, đã cho biết ý kiến của ngài về những vấn đề quan trọng trong giáo hội, nhất là về công cuộc đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương.

Trước hết trả lời cho một ký giả hỏi về trường hợp từ chức của Ðức Hồng Y Hans Hermann Groer, vị tiền nhiệm của ngài tại tòa Tổng Giám Mục Viêna, Ðức Tân Hồng Y Schoenborn cho biết là ngài rất hoan nghênh việc vị tiền nhiệm của ngài đến Roma, trong dịp Công Nghị Hồng Y lần nầy và cầu chúc vị tiền nhiệm của ngài tìm được sự tha thứ và ơn an bình. Ðức Tân Hồng Y Schoenborn đã giải thích thêm như sau: Phúc Âm Chúa là một sứ điệp của sự thật, sự tha thứ và sự bắt đầu lại. Và Giáo Hội tại Áo Quốc không thể nào có được sự an bình, không thể nào bắt đầu lại, nếu các thành phần của Giáo Hội tại Áo không cộng tác làm việc chung với nhau, và nhờ Phúc Âm Chúa mà gặp lại sự thành thật và lắng nghe lời mời gọi hãy tha thứ và canh tân.

Ðược hỏi về mối tương quan giữa ngài và phong trào "Chúng tôi là Giáo Hội", một phong trào bất đồng ý kiến trong Giáo Hội Công Giáo Áo, Ðức Tân Hồng Y Tổng Giám Mục Viêna cho biết là ngài đã đi tìm đối thoại với tất cả mọi nhóm giáo dân thuộc đủ mọi khuynh hướng trong Giáo Hội Áo ngày nay. Nhưng từ phía phong trào "Chúng Tôi Là Giáo Hội", thì phong trào có đầy đủ tự do để quyết định tham gia vào tiến trình đối thoại nầy hay không.

Ðược hỏi về vấn đề đại kết, bởi vì theo truyền thống, vị Tổng Giám Mục Viêna luôn luôn có vai trò quan trọng trong những tương quan với các cộng đồng Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương, thì Ðức Tân Hồng Y Schoenborn cho biết là ngài cũng quan tâm đến những liên lạc với những anh chị em Tin Lành và những anh chị em Do Thái Giáo nữa. Ðức Tân Hồng Y cho biết là ông bà của ngài là người Do Thái. Năm vừa qua, 1997, Ðức Tân Hồng Y , Tổng Giám Mục Viêna, đã đích thân gặp riêng với Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Giáo ALEXEI II, tại Mascova. Giờ đây, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề đại kết nầy, Ðức tân Hồng Y cho biết là còn có nhiều khó khăn nội bộ trong cộng đồng Giáo Hội Chính Thống, làm cho mối tương quan đại kết với Giáo Hội Công Giáo trở nên phức tạp hơn. Sau 80 năm sống trong sự áp bức của chế độ cộng sản Liên Xô trước đây, thì quả thật là khó để thiết lập lại một nếp sống trong sự tự do tôn giáo. Vì thế, theo Ðức Tân Hồng Y Tổng Giám Mục Viêna, Giáo Hội Công Giáo cần tỏ ra kiên nhẫn trong những liên lạc với Giáo Hội Chính Thống.

Ðáp lại tin đồn cho rằng Ngài có thể sẽ được gọi về Roma thay thế cho Ðức Hồng Y Ratzinger trong chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, thì Ðức Tân Hồng Y Tổng Giám Mục Viêna chỉ trả lời bằng nụ cười, và nói rằng: Ðức Hồng Y Ratzinger còn mạnh khỏe và ngài cầu chúc cho Ðức Hồng Y luôn mạnh khỏe trong tương lai, để tiếp tục công việc hiện nay tại Roma.

Ðó là vài ý kiến của Ðức Tân Hồng Y, Tổng Giám Mục Viêna, Áo Quốc. Nhìn về Á Châu, dư luận cũng chú ý đến Ðức Tân Hồng Y Phaolô SHAN (Kuo-His), Giám Mục Cao Hùng, Ðài Loan, thuộc Dòng Tên, sinh quán tại Trung Quốc vào năm 1923. Ðức Tân Hồng Y Phaolô Shan cho biết là ngài đã về thăm những người thân trong gia đình của ngài sinh sống tại Bắc Kinh, vào năm 1979. Ngài đã ghi nhận vài dấu hiệu tiến bộ trong mối tương quan giữa Tòa Thánh Vatican và Chính Quyền Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh không còn nhấn mạnh đến điều kiện Tòa Thánh phải cắt đứt liên lạc với Ðài Loan nữa, và những người Công Giáo ngày nay tại Trung Quốc được Nhà Cầm Quyền cho phép cầu nguyện công khai cho Ðức Thánh Cha. Tuy nhiên, Ðức Tân Hồng Y Phaolô Shan (Ðan Quốc Tỉ) cho biết thêm là vẫn còn nhiều giới hạn đối với Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, và ước mong là hoàn cảnh sẽ thay đổi tốt hơn, để ngài có dịp trở lại viếng thăm Trung Quốc lần nữa. Ðức Tân Hồng Y Phaolô Shan là vị Hồng Y thứ năm trong số các Hồng Y người Trung Hoa:


Back to Radio Veritas Asia Home Page