Tin Tức và Thời Sự
ngày 21 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bài diễn văn của chủ tịch Fidel Castro và Bài diễn văn đáp từ của ÐTC

Bài diễn văn của chủ tịch Fidel Castro và Bài diễn văn đáp từ của ÐTC.

Không mặc bộ quân phục như thường ngày, chủ tịch Fidel Castro đã ra đón ÐTC với bộ âu phục chỉnh tề. Sau khi bắt tay ÐTC, Ông đã hướng dẫn giới thiệu với ÐTC vài nhân vật cao cấp trong phái đoàn chính phủ ra đón tiếp Ngài. Trong bài diễn văn sau đó, Chủ Tịch Fidel Castro đã có những lời chỉ trích Hoa Kỳ về lệnh cấm vận kinh tế trong vòng 36 năm qua, vừa đồng thời ông cũng ghi nhận lại rằng ÐTC Gioan Phaolô II không ủng hộ cuộc cách mạng do Ông lãnh đạo tại Cuba từ 40 năm qua. Dù sao, Chủ Tịch Castro ghi nhận là dân chúng Cuba hết lòng khâm phục ÐTC về lời kết án mạnh mẽ của ngài đối với lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ.

Ðể đáp từ, trước hết ÐTC cám ơn chủ tịch Fidel Castro và mọi nguời đã đón tiếp ngài nồng nhiệt. Sau đó, ÐTC nhắc đến mục đích của chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba và mời gọi Cuba hãy có thái độ cởi mở đón nhận thế giới và mong thế giới cũng làm như vậy, có thái độ cởi mở với Cuba. ÐTC đã nói như sau: (xin xem bài diễn văn thứ nhất).

Bài diễn Văn thứ nhất của ÐTC tại Phi Trường La Havana, Cuba

Sau nghi lễ đón tiếp tại Phi Trường, ÐTC lên đến thẳng Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô, cách Phi Trường 20 cây số, để nghỉ ngơi, và qua đêm tại đây. Dân chúng đứng đông nghẹt hai bên đường chào mừng ÐTC. Hàng cây thông hai bên đường có đầy những khẩu hiệu đón mừng ÐTC, vị sứ giả của Hòa Bình và Hy Vọng. Kết thúc biến cố đầu tiên tại Cuba, chiều thứ Tư 21/01/98.


Dư luận trong và ngoài nước Cuba liên quan tới chuyến viếng thăm của ÐTC

Dư luận trong và ngoài nước Cuba liên quan tới chuyến viếng thăm của ÐTC (viết theo bài tường thuật của NBC và Reuters).

Thứ Tư 21/01/98 (theo giờ Roma), ÐTC Gioan Phaolô II lên đường đi Cuba trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại quốc gia duy nhất còn nằm dưới quyền cai trị của cộng sản trong vùng Tây Bán Cầu. Các ký giả đài truyền hình quốc tế đang đặc biệt theo dõi biến cố này trong dư luận ở trong cũng như ngoài Cuba, đang được bàn tán sôi nổi xoay quanh hai vấn đề: Một, là cảm giác mong đợi của người dân, của các tín hữu Công Giáo Cuba, trước ngày vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ đặt chân lên quê hương của họ. Hai, là sự băn khoăn trong tâm thức của giới đương cầm quyền tại Cuba, bởi vì xét theo khía cạnh chính trị, đây có thể được coi là một chiêu bài quyết liệt của ông Fidel Castro, chủ tịch cộng sản Cuba.

Tại thủ đô Havana, các tín hữu Công Giáo cảm tạ Thiên Chúa về biến cố một vị Giáo Hoàng đến Cuba, người mà họ cho là sứ giả của Thiên Chúa trên trần gian. Họ mong đợi ÐTC sẽ mang đến sự hy vọng cho người dân Cuba, quốc gia mà mãi cho đến năm 1992 vẫn chính thức được coi là vô thần. Cô Maria Poitella Rodriguez, một tín hữu Công Giáo, nói là người dân Cuba rất vui mừng về biến cố ÐTC đến Cuba. Trong khi một bà cụ 81 tuổi, dự thánh lễ tại thủ đô Havana, ghi nhận là đang có một sức sinh động mới trong Giáo Hội. Bà nói như sau: "Trước đây, nhà thờ thường vắng tanh, nay thì lại tràn ngập sự hiện diện của giới trẻ đi dự thánh lễ". Tuy nhiên trong tâm trí của nhiều người, họ vẫn đặt câu hỏi liệu chuyến viếng thăm của Vị Giáo Hoàng tại Cuba có phải là khởi đầu của sự cáo chung của ông Fidel Castro trong tư cách là nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Cuba rồi chăng? Một số chính trị gia của Hoa Kỳ đã không ngần ngại bày tỏ niềm xác tín này. Nói theo như lời của thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông Trent Lott, thuộc đảng Cộng Hòa, thì cứ nhìn lại lịch sử, người ta sẽ thấy, nơi nào ÐTC Gioan Phaolô II đặt chân đến, chủ nghĩa cộng sản và các nhà độc tài sẽ không còn tồn tại được bao lâu. Ðây có thể là khởi đầu giai đoạn cáo chung của Fidel Castro.

Nhiều người trong số khoảng một triệu người Cuba đang sống lưu vong bên Hoa Kỳ cũng có cảm nghĩ tương tự và họ hy vọng, ông Fidel Castro rồi cũng sẽ chịu cùng một số phận như tướng Iaruzelski của BaLan. Gợi lại biến cố cách đây gần hai thập niên, ÐTC trở về thăm quê hương BaLan của ngài và những diễn tiến sau đó đã đưa tới sự sụp đổ của chế độ Cộng sản trên toàn Ðông Âu. Một người Cuba đang sống tại Cuba bày tỏ cảm nghĩ của mình như sau: "Cuba sẽ thay đổi giống như trường hợp của BaLan, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ đến và chế độ cộng sản đang tồn tại trên quê hương Cuba từ gần 40 năm qua sẽ bị buộc cáo chung.

Ðứng trước những dư luận như thế, ông Fidel Castro đã nói với phóng viên của đài truyền hình NBC của Hoa Kỳ rằng, tuy ông hy vọng sẽ về hưu một ngày nào đó và trao quyền lãnh đạo Cuba lại cho thế hệ trẻ hơn, nhưng trong năm nay, ông không có ý định từ chức. Ông nói như sau: "Tôi chưa nghĩ đến chuyện về hưu. Tôi nghĩ rằng, một người đang trong giai đoạn tranh đấu khó khăn như tôi hiện giờ, về hưu thì chẳng khác nào như một người lính bỏ trận chiến giữa chừng. Miễn là tôi cảm thấy tôi còn có thể và người ta vẫn còn muốn, tôi sẽ tiếp tục thi hành trách nhiệm của mình".

Trong khi đó, giới lãnh đạo các phong trào chống ông Fidel Castro tại Hoa Kỳ, các nhóm nhân quyền và các nhà phân tích chính trị thì có vẻ bi quan hơn về viễn tượng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Cuba. Ông Pablo Alfonso, ký giả và là một nhà phân tích người Cuba đã nói như sau: "Nhìn theo khía cạnh chính trị, chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ không mang lại sự thay đổi nào. Những ai đang mong đợi sẽ có một cơn lốc thay đổi của thời cuộc, là họ đang lầm. Cuba không phải là BaLan. Và hơn nữa, ÐTC là người BaLan, chứ không phải là người Cuba. Tại BaLan, Giáo Hội Công Giáo có một thế lực rất mạnh. Trong khi tại Cuba, Giáo Hội đang trên đường phục hồi từ đống tro tàn sau cuộc cách mạng của phe cộng sản năm 1959. Hơn nữa, Cuba cũng thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa Giáo Hội và các nhóm đối lập, như trong trường hợp của Công Ðoàn Liên Ðới BaLan với Giáo Hội tại nước này".

Ðứng trước hai tâm thức khác biệt như trên, tựu chung, niềm hy vọng lớn lao nhất có lẽ là chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ mang lại một sự thay đổi nào đó nơi tâm hồn mỗi một người dân Cuba, hay ít ra là hy vọng chính quyền Cuba sẽ tỏ ra nhân nhượng hơn về mặt dân sự, chính trị, và nhất là trong lãnh vực tôn giáo, hay nói một cách khác, thay đổi, nhưng không phải là phép lạ.


ÐTC dự tính viếng thăm Do Thái

ÐTC dự tính viếng thăm Do Thái.

(EWTN 21/01/98) - Vatican - Thứ Sáu tuần trước (16/01/98), phó thủ tướng Do Thái, ông Moshe Katzav cho biết ÐTC Gioan Phaolô II cho biết chuyến viếng thăm Do Thái của ngài đang gần kề.

Lên tiếng sau buổi hội kiến riêng với ÐTC tại Vatican, ông Moshe Katzav cho biết, thay mặt chính phủ Do Thái, ông đã lập lại lời mời ÐTC đến Do Thái, bởi vì chuyến viếng thăm của ngài sẽ tạo một bầu khí tốt hơn. Ông nói như sau: "Tôi đã lập lại lời mời ÐTC viếng thăm Do Thái và ngài ngỏ ý rằng chuyến đi sắp gần kề. Trong vòng một hay hai năm điều đó chúng tôi không biết chắc." ÐTC Gioan Phaolô II đã thường xuyên ngỏ ý rằng ngài muốn viếng thăm Thánh Ðịa trước năm 2000, tuy nhiên sự trì trệ trong tiến trình hòa bình tại vùng Trung Ðông, khiến cho chuyến đi này cho đến nay vẫn chưa thành sự thực.


Back to Radio Veritas Asia Home Page