Tin Tức và Thời Sự
ngày 09 & 10 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng Năm mới 1998

ÐTC tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng Năm mói 1998.

Lúc 11 giờ sáng thứ Bẩy, 10.01.1998, tại Phòng Khánh Tiết (Sala Regia) trong Ðền Vatican, với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, Phó Quốc Vụ Khanh và Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, ÐTC Gioan Phaolô II đã tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng Năm mới 1998.

Sau những lời chúc mừng của Ðại sứ Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Tiến sĩ Atembina Te Bombo, Niên Trưởng Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, ÐTC đọc diễn văn dài bằng tiếng Pháp (tiếng Ngoại giao của Tòa Thánh) nói về tình hình và về một số vấn đề quan trọng thế giới trong năm vừa qua.

ÐTC lưu ý các nhà ngoại giao về những tình hình hiện nay trong bối cảnh quốc tế, từ Châu này qua Châu khác. Về Châu Âu , ÐTC nhắc riêng đến miền Trung và Ðông Âu: những quốc gia vừa thoát chế độ độc tài cộng sản, hiện đang tiến đến nền dân chủ và ngài cầu chúc những tiến bộ và thành công khắp nơi. Riêng về Bosnia-Erzegovina, ÐTC nhấn mạnh đến tính cách bấp bênh của tiến trình hòa bình giữa các sắc tộc khác nhau. Ngài mời gọi Cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực để giúp đỡ người tị nạn trở về nhà cửa, làng mạc của họ và cổ võ việc tôn trọng các quyền căn bản của ba cộng đồng sắc tộc làm thành cộng đồng quốc gia này. Vẫn tại Châu Âu, ÐTC Gioan Phaolô II khuyến khích việc đối thoại giữa các phe tranh chấp tại Bắc Ái Liên (Ái Nhỉ Lan), từ nhiều năm chống đối nhau.

Nhìn về Châu Mỹ Latinh, việc dân chủ hóa vẫn tiến hành, dù còn có những cản trở trong miền Chiapas bên Mehico. ÐTC nhắc đến cách riêng chuyến viếng thăm Cuba: "đây không những chỉ là cơ hội củng cố đức tin các người Công Giáo Cuba, nhưng còn khuyến khích tất cả người dân trong nỗ lực kiến thiết quốc gia trong công bình và đầy tình liên đới hơn", trong đó mỗi một người dân tìm được địa vị của mình và được công nhận trong các nguyện vọng chính đáng của họ.

Quay sang Châu Á, ÐTC bày tỏ vui mừng vì cuộc đàm phán giữa hai miền Bắc và Nam Hàn tại Genève. Những thành công của cuộc đàm phán này sẽ làm giảm bớt các căng thẳng trong cả vùng. Rồi ngài nhắc đến "cơn khủng hoảng tài chánh" đang gây lo lắng cho một sôá quốc gia miền này. Cơn khủng hoảng này nhắc lại cho mọi người suy tư cách nghiêm chỉnh về tính cách luân lý của việc trao đổi kinh tế và tài chánh. Sau đó, ÐTC đã nhắc đến Trung Quốc với những lời như sau: "Tôi không cần nhấn mạnh đến sự kiện này là tôi và các vị cộng tác của tôi theo dõi những diễn biến của tình hình tại Trung Quốc, vừa ước mong Trung Quốc tái lập quan hệ bình thường với Tòa Thánh. Như vậy các người Công Giáo Trung Quốc được hòa hợp đầy đủ với Giáo hội hoàn cầu trên con đường tiến về Ðại Toàn Xá của Năm 2000". Về Việt Nam, ÐTC đã nói như sau: "Nhưng tôi cũng nghĩ đến Giáo Hội tại Việt Nam và Giáo Hội này luôn luôn ước muốn có những điều kiện của cuộc sống tốt đẹp hơn". Sau đó ÐTC nhắc đến miền Ðông Ðảo Timor: các người Công Giáo tại đây đang chờ đợi một cuộc sống hòa bình hơn. ÐTC chào thăm cách riêng Cộng Hòa Mông Cổ hiện đã ước mong thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Tòa Thánh.

Trở lại miền Trung Ðông, ÐTC nhắc lại rằng: hòa bình xem ra còn xa xôi và tiến trình hòa bình đã được khởi sự từ Madrid năm 1991, thì nay như bị đình lại. Những nguyên tắc của Hội nghị Madrid và những đường hướng tại Hội nghị Oslo năm 1993, đã mở con đường tiến đến hòa bình. Ngày nay các nguyên tắc và đường hướng này vẫn còn giá trị để tiến thêm nữa. Vì thế không cần phải mạo hiểm trên những con đường khác. Toà Thánh sẽ tiếp tục đối thoại với mọi phe liên hệ với mục đích cổ võ cả hai bên bảo vệ hòa bình và hàn gắn những vết thương của bất công. Trong những năm chuẩn bị Năm Ðại Toàn Xá 2000 này, ÐTC xin mọi người nhìn về Giêrusalem. Ngài ước mong Thành thánh này trở nên tức khắc và mãi mãi, như Belem và Nagiaret, nơi của công lý và hòa bình, nơi đây người Do thái, Tín hữu Kitô và Hồi Giáo có thể đồng hành với nhau, dưới nhan Thiên Chúa. Cũng tại miền Trung Ðông, ÐTC nhắc lại lệnh cấm vận hiện đang gây khổ cực cho người dân Irak, và đã nói như sau: "Tôi phải kêu gọi lương tâm của những ai ở Irak hay ở nơi khác, đừng đặt những suy tính chính trị, kinh tế hay chiến lược, lên trên sự sống của người dân và tôi xin họ hãy biểu lộ dấu hiệu thương xót. Những người yếu hèn, những người vô tội không phải trả giá thay những người có trách nhiệm". ÐTC không quên nhắc đến thảm cảnh của người dân Curdes, bị sống trong tình trạng "vô Tổ quốc", đang tìm nơi sinh sống cho mình và gia đình.

Nói đến Châu Phi, nơi có nhiều vấn đề sôi bỏng, trước hết ÐTC nhắc đến Algérie, nơi đây hằng ngày xẩy ra những vụ sát hại dân lành; Algérie là "một xứ sở con tin" của những bạo hành vô nhân đạo, không một lý do nào: chính trị hay tôn giáo... biện minh cho những hành động như vậy. ÐTC nhấn mạnh rằng: mọi người thiện chí trong cũng như ngoài nước hiệp nhất với nhau để làm cho tiếng nói của biết bao người còn tin tưởng vào đối thoại và tình huynh đệ được lắng nghe. Về Sudan, tình hình tại đây không cho phép nói đến hòa giải và hòa bình. Các tín hữu Kitô tiếp tục bị kỳ thị. Tòa Thánh đã lưu ý nhiều lần Nhà Cầm quyền địa phương, nhưng tiếc thay không có một thay đổi nào đáng kể (Ðại sứ Sudan hiện diện trong buổi tiếp kiến này, vì Sudan có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh). Tại miền Trung Châu Phi số phận người dân gây nên nhiều lo lắng. ÐTC nói: "Ðứng trước những tình hình như vậy, không một người nào có thể an tâm. Cả lúc này nữa trong im lặng mỗi ngày mỗi thêm, người ta tiếp tục đe đọa, khủng bố, sát hại. Vì thế, tôi muốn kêu gọi các vị trách nhiệm chính trị của các nước (Rwanda, Burundi, Cộng Hòa dân chủ Congo và Congo Brazaville) để nói với các vị này rằng: nếu việc chiếm quyền bằng vũ lực trở nên như luật lệ, nếu chính thể chủng tộc tiếp tục thống trị, nếu nền dân chủ bị loại ra ngoài vòng, nếu nạn tham những và việc buôn bán vũ khí hoành hành, thì Châu Phi sẽ không bao giờ biết đến hòa bình, phát triển, và các thế hệ tương lai sẽ lên án một cách không tiếc xót các trang này của lịch sử Châu Phi".

ÐTC nhắc lại với các nhà ngoại giao rằng: Tòa Thánh luôn luôn cộng tác và liên đới với các nước, các tổ chức quốc tế, với mục đích ủng hộ việc phát triển toàn diện con người và các dân tộc. Ngài lên án những ý thức hệ chủ trương áp đặt trên các dân tộc những kiểu mẫu nhất định về xã hội và những thái dộ nhằm quyết định tất cả, không đếm xỉa gì đến ý kiến, nguyện vọng của người dân, quyết định cả về sự sống, sự chết, về những tâm tình sâu xa nhất, về những ý nghĩ và tư tưởng. Ngài nói: có những lúc người ta có cảm giác này là sự sống chỉ có giá trị và được đề cao, khi nào nó còn có ích lợi hay tạo nên thịnh vượng vật chất mà thôi; và đau khổ không có ý nghĩa nào cả. Vì thế, những người tàn tật, những người già cả, những bệnh nhân... cần loại ra ngoài, vì gây nên phiền nhiễu. Phá thai và làm cho chết êm dịu, đối với họ, là những giải pháp có thể chấp nhận được. Giáo Hội ý thức rõ ràng rằng: con người - buồn thay - có thể phản bội chính nhân tính của mình. Vì thế Giáo Hội phải hướng dẫn, phải theo dõi con người, để, trong những sai lầm, con người có thể tìm lại được nguồn mạch của sự sống và của trật tự mà Ðấng Tạo Hóa đã ghi vào trong thâm tâm con người. Nơi nào con người sinh ra, đau khổ và chết đi, thì Giáo Hội sẽ luôn luôn hiện diện, để nhắc nhở cho con người biết rằng: có Một Ðấng nào đó gọi họ ra đi, đón nhận họ và trao ban một ý nghĩa cho cuộc đời tạm bợ của họ trên trần gian.

ÐTC đã nhiều lần lên tiếng và sẽ còn lên tiếng bênh vực phẩm giá tuyệt đối của con người từ lúc thụ thai cho đến hơi thở sau cùng. ÐTC nói: "Khi con người liều đi đến chỗ bị coi là một đồ vật có thể biến đổi hoặc lệ thuộc vào sở thích riêng, khi người ta không cảm thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi con người nữa, khi khả năng yêu mến và hy sinh bị giập tắt hoàn toàn, khi tính ích kỷ và việc trục lợi trở nên lý do ưu tiên của hoạt dộng kinh tế, thì lúc đó tất cả đều được phép làm, và sự dã man, tàn bạo không còn xa xôi nữa".

ÐTC kết thúc bài diễn văn như sau: "Những ai bảo đảm luật pháp và sự đoàn kết xã hội trong một Nước, hoặc những ai hướng dẫn các tổ chức được lập ra để mưu tìm công ích của cộng đồng các quốc gia, thì không thể tránh né vấn đề phải sống trung thành với luật không thành văn của lương tâm con người: đó là nền tảng và là sự bảo đảm cho phẩm giá và cho sự sống con người trong xã hội."


ÐTC tiếp Ban Giám Ðốc và sinh viên Giáo Hoàng Học Viện Piô của Roumani tại Roma

ÐTC tiếp Ban Giám Ðốc và sinh viên Giáo Hoàng Học Viện Piô của Roumani tại Roma.

Vatican - 9.01.98 - Sáng thứ Sáu, 9/01/98, ÐTC đã tiếp Ban Giám Ðốc và sinh viên Giáo Hoàng Học Viện Piô của Roumani ở Roma, do Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, Tổng trưởng Bộï Các Giáo Hội Ðông Phương hướng dẫn, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập Học Viện do sáng kiến của Ðức Pio XI. Học Viện này dành cho các sinh viên và linh mục thuộc Lễ Nghi Hy Lạp Công Giáo người Roumani và trực thuộc Bộ các Giáo Hội Ðông Phương. Sốù sinh viên hiện nay là 46, trong đó có 5 linh mục, một thầy sáu; phần còn lại là chủng sinh, đang theo học tại Ðại Học Gregoriana hoặc các Ðại Học khác Giáo Hội tại Roma. Giám Ðốc Học Viện hiện nay là Cha Olivier Raquez, Dòng Bénédictin, người Bỉ.

Trong diễn văn đọc buổi tiếp kiến, ÐTC nói: "Cha phú thác cho Chúa con đường của Giáo Hội các con, một Giáo Hội đang thực hiện những viễn tượng cho tương lai". Ai cũng biết rằng Giáo Hội Roumani vừa thoát khỏi chế độ cộng sản bách hại dữ dội. Trong các chứng nhân còn sống của cuộc bách hại, ÐTC nhắc cách riêng Ðức Hồng Y Alexandru Todea và Ðức Tổng Giám Mục Ioan Ploscaru; cả hai đã phải trả giá rất cao chỉ vì bênh vực các quyền của Giáo Hội và quyền tự do lương tâm, tự do tôn giáo. Sau cùng chế độ cộng sản đã sụp đổ và các cuộc bách hại đã chấm dứt. ÐTC căn dặn các sinh viên Roumani như sau: "Các con hãy luôn luôn nhớ đến các sự kiện lịch sử này, để sự dấn thân của chúng con trong việc phục hưng tình huynh đệ được sống động và mạnh mẽ mỗi ngày mỗi thêm. Ðiều này sẽ giúp các con làm chứng cho Chân Lý và thúc đẩy các con phục vụ Tin Mừng một cách quảng đại hơn, để mưu ích cho mỗi một người và cho toàn thể xã hội". ÐTC cũng nhắc lại mục đích của việc lập Học viện Rumeno ở Roma, trung tâm Giáo hội, là để bảo đảm cho sinh viên một sự huấn luyện chắc chắn về Phụng Vụ và Thiêng Liêng theo lễ nghi Bizantin-Rumeno, đồng thời cũng để các sinh viên biết thêm những kho tàng phong phú của Giáo hội hoàn cầu. Về việc huấn luyện sinh viên, ÐTC căn dặn phải tôn trọng tính cách đích thực và truyền thống Ðông phương, và cũng phải mở rộng nhãn giới để thấy những đòi hỏi của thời đại mới. ÐTC nói đến những hy vọng của Giáo hội Rumeni, sau những vụ bách hại dưới chế độ vô thần: biết bao giám mục, linh mục, giáo dân bị giam tù, bị sát hại, nhưng các Giáo hội miền này vẫn trung thành phục vụ Chúa Kitô, vẫn giữ vững sự hiệp nhất với Tòa Phêrô. Hiện nay Giáo Hội còn thiếu thốn các cơ sở, nhưng dần dần các cộng đồng Công Giáo cũng sẽ có những nơi phụng tự xứng đáng để cầu nguyện và hoạt động mục vụ.


Back to Radio Veritas Asia Home Page