Tin Tức và Thời Sự
ngày 05 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


THỜI SỰ: Những ánh sáng trong sinh hoạt Giáo Hội trong năm 1997

THỜI SỰ: Những ánh sáng trong sinh hoạt Giáo Hội trong năm 1997.

Giáo Hội Công Giáo trong năm 1997 vừa qua đã được đánh dấu bằng nhiều biến cố vui mừng và hứa hẹn nhiều hy vọng.

Trước hết phải kể đến những chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolo II trên thế giới , cách riêng hai chuyến viếng thăm khó khăn và nguy hiểm hơn cả: chuyến viếng thăm Sarajevo và Liban; rồi các chuyến viếng thăm tại Cộng hòa Tchèque, tại Ba lan, biến cố Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 12 tại Paris và chuyến viếng thăm sau cùng tại Brazil vào đầu tháng 10, nhân dịp cử hành Ngày thế giới về Gia đình lần thứ hai tại Rio de Janeiro. Tất cả các chuyến viếng thăm này, nhất là hai chuyến viếng thăm Sarajevo và Liban, tuy khó khăn và nguy hiểm, đã đem lại những thành công quá sự tưởng tượng. Các chuyến viếng thăm này cho thấy rằng Giáo hội có một sự hiện diện mới tại miền cựu Yougoslavie, tại các nước trước đây thuộc Khối Cộng Sản Liên Xô, tại Miền Trung Ðông và hiện diện trong việc bênh vực gia đình, nền tảng của xã hội và trong việc giáo dục giới trẻ, tương lai của quốc gia, của Giáo Hội và của thế giới.

Cùng với các chuyến viếng thăm của ÐTC, cần phải nói đến những hoạt động mục vụ, xã hội của các Giáo hội địa phương:

Tại Châu Mỹ tất cả các Hội Ðồng Giám Mục trong suốt năm 1997 vừa qua, đã huy động mọi lực lượng để Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ được thành công mỹ mãn, cách riêng trong hai lãnh vực sau đây: vấn đề xã hội và vai trò của Giáo Hội. Ngoài ra các Giám Mục thuộc CELAM (Hội đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh) dấn thân soạn thảo một văn kiện với những đề nghị được gửi tới các chính phủ của Lục địa, nhằm diệt trừ nạn tham nhũng, một tai họa đe dọa từ nội bộ nền kinh tế và việc phát triển. Nhiều giám mục đã can đảm lên tiếng chống lại chế độ tư bản mới, gây nên cảnh nghèo khổ mỗi ngày mỗi thêm. Các ngài lợi dụng cơ hội thuận tiện của Năm Ðại Toàn Xá 2000, để yêu cầu tha các món nợ quốc tế cho các nước nghèo hay ít ra giảm bớt. Lời yêu cầu này được sự ủng hộ của các giám mục Canada và Hoa Kỳ. Về vai trò của Giáo Hội tại Châu Mỹ, từ Thượng Hội Ðồng vừa qua, Giáo hội quyết dấn thân trở nên người thợ xây dựng hòa bình. Ðây là vai trò mà các giám mục Mehico đang thi hành trong vụ tranh chấp miền Chiapas, nơi vừa xẩy ra vụ sát hại người dân trong một nhà thờ trước ngày Vọng Lễ Giáng sinh.

Tại Châu Âu, cựu Lục địa, Giáo hội ở trong một tình hình khác với tình hình Mỹ Châu. Những đòi hỏi về công bình đã được nghiên cứu và công bố trong văn kiện của Hội Ðồng Giám Mục Ðức tháng hai năm 1997; Mặc dù điểm được nói nhiều hơn cả là việc giảm sút số ơn kêu gọi khắp nơi, cách riêng tại các nước miền Bắc; nhưng Ðại hội quốc tế của một ngàn Nam Nữ Tu sĩ trẻ tại Roma, hôm đầu tháng 10, là một dấu hiệu rất lạc quan trong tương lai. Tại Pháp, ngày 30 tháng 9, Giáo hội đã long trọng lên tiếng xin tha thứ về những thái dộ không đúng Phúc Âm đối với các người Do thái bị tàn sát thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Nhìn sang Châu Phi, tại Cộng hòa Nam Phi, các giám mục Công Giáo cũng có những hành động tượng tự như các giám mục Pháp, là xin lỗi về thái độ không hoàn toàn rõ ràng trong những năm dưới chế độ Apartheid (kỳ thị chủng tộc). Cũng tại Châu Phi, trong lúc miền các Hồ Lớn vẫn xẩy ra những vụ tranh chấp đẫm máu, số ơn kêu gọi gia tăng rất đáng kể tại khắp nơi. Ngoài ra, nguời ta cũng đã ghi nhận được những biến cố tích cực sau đây, như: việc mở những Ðại Học Công Giáo để đào tạo giới lãnh đạo mới có khả năng và liêm khiết; sự dấn thân minh chứng tình yêu thương của Chúa Kitô của các giám mục miền Bắc Phi hiện sống trong các nước Hồi giáo; việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và chính phủ Hồi Giáo Libye: một miền mỗi ngày mỗi trở nên khó khăn và được Tòa Thánh nhìn vào với nhiều chú ý.

Trở lại Châu Âu, Phong trào đại kết trong năm vừa qua đã thu lượm được thành quả lớn lao qua Ðại hội các giáo hội Châu Âu tại Graz bên Áo quốc. Rồi Ðại hội các giám mục và các vị Giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo miền Ðông Âu tại Hungari để thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo - Tiếp đến việc chuẩn bị Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Âu trong bối cảnh Năm Ðại Toàn Xá 2000. Một biến cố khác đáng lưu ý cách riêng là lễ mừng kỷ niệm một ngàn năm Tử Ðạo của Thánh Adalberto, Giám mục truyền giáo tại miền Baltique vào năm 997 (997-1997), do ÐTC chủ tọa với sự tham dự của các Vị quốùc trưởng các nước trong miền.

Nhìn sang Châu Á, nơi đây Giáo Hội thuộc thiểu số, nhưng rất sống động - cái chết của Mẹ Têrêsa thành Calcutta tháng 9/97 vừa qua đã gây nên xúc động cả nơi những người ngoài Công Giáo. Tất cả không phân biệt tôn giáo, khuynh hướng chính trị, đều công nhận sức mạnh tinh thần của đức tin Công Giáo và dấn thân của Giáo Hội trong việc thăng tiến con người trước các vấn đề xã hội lớn lao. Kampuchia, một quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh, đang tiến trên con dường phục hưng về mọi phương diện. Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo thiểu số, thì Chính phủ Phnom Penh , ngoài việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, đã chấp thuận cho Giáo Hội Công Giáo tại Cămpuchia có được một qui chế pháp lý . Với qui chế này Giáo Hội được tự do về các hoạt động tôn giáo và công khai. Và để chuẩn bị Khóa họp của Thượng Hội Ðồng về Châu Á, sẽ được khai mạc vào tháng tư năm nay (1998) tại Vatican, các Giám mục của nhiều nước, như Indonesia, Ấn Ðộ, Philippines... đã cho công bố thư mục vụ để huy động các cộng đồng tham dự bằng góp ý kiến và nhất là bằng cầu nguyện. Tháng chín vừa qua (1997), các giám mục thuộc Liên hiệp Hội Ðồng Gíam Mục Á châu đưa ra chiến dịch: Làm thế nào để rao giảng Chúa Kitô cách hiệu nghiệm? Câu trả lời là thật hấp dẫn: đó là cần biết rõ sứ điệp Kitô, vừa đồng thời cũng cần phải biết kỹ thuật mang sứ điệp đó đến cho mọi người và cần tiếp xúc với những phương tiện truyền thông xã hội (mass-media) của người giáo dân, của tư nhân và của Nhà nước.

Tại Châu Ðại Dương, các cộng đồng Công Giáo cũng đang chuẩn ráo riết Khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu này, dù chưa được ấn định ngày triệu tập, và chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000.


ÐTC Gioan Phaolô II gởi sứ điệp chúc mừng Năm Mới chủ tịch Fidel Castro

ÐTC Gioan Phaolô II gởi sứ điệp chúc mừng Năm Mới chủ tịch Fidel Castro.

Tin La Havana/Cuba (CWN 5/1/98): Ba tuần lễ trước khi đến viếng thăm Cuba, ÐTC Gioan Phaolô II đã gởi một sứ điệp chúc mừng năm mới 1998, đến cho chủ tịch Fidel Castro. Trong sứ điệp, ÐTC cầu chúc cho dân chúng CUBA được hưởng Hòa Bình và Tiến Bộ trong năm mới 1998. Sứ điệp của ÐTC đã được đăng hôm thứ bảy vừa qua, mùng 3 tháng 1, trong nhật báo chính thức của đảng Cộng Sản Cuba, có tên là GRANMA, và được hảng tin chính thức của Nhà Nước Cuba phổ biến. Ngày đầu năm mới, mùng một tháng Giêng, luôn luôn là một ngày đầy ý nghĩa, đối với chính quyền cộng sản Cuba, bởi vào ngày đó. Mùng 1 tháng Giêng năm 1959, chủ tịch Fidel Castro đã thành công lật đổ chính phủ của tổng thống Fulgencio Bautista, để lên nắm quyền cho đến ngày nay.

Trong khi đó, cũng tại thủ đô La Havana, hôm thứ bảy vừa qua, Ðức Hồng Y Jaime Ortega đã gặp gở với hàng ngàn trẻ em, và đã xin các em hãy làm cho đức tin mình được chói sáng như những vì sao, trong khi các em chuẩn bị đón chào ÐTC đến viếng thăm, từ ngày 21 đến 25 tháng Giêng nầy.


Hội Hướng Ðạo Ngành Nam của Hoa Kỳ đã ra trước Tối Cao Pháp Viện của Bang California, Hoa Kỳ, để bênh vực cho đường lối sinh hoạt của mình

Hội Hướng Ðạo Ngành Nam của Hoa Kỳ đã ra trước Tối Cao Pháp Viện của Bang California, Hoa Kỳ, để bênh vực cho đường lối sinh hoạt của mình.

Tin San Francisco, Hoa Kỳ (CWN 5/1/98): Hôm thứ hai, mùng 5 tháng Giêng, Hội Hướng Ðạo Ngành Nam của Hoa Kỳ, đã ra trước Tối cao pháp viện của tiểu bang California, để bênh vực cho chính mình, trước lời cáo buộc cho rằng Hội Hướng Ðạo Ngành Nam của Hoa Kỳ đã lỗi luật pháp của Tiểu Bang, vì không chấp nhận cho những người đồng tính luyến ái, hay vô thần, được gia nhập hay giữ chức vụ lãnh đạo trong phong trào. Hội Hướng Ðạo luôn đòi buộc tất cả mọi thành viên và những người lãnh đạo phong trào, hãy tuyên xung niềm tin vào Thiên Chúa; tuy nhiên Hội không buộc phải theo niềm tin của một riêng tôn giáo nào cả. Quyết định cuối cùng của Tối Cao Pháp Viện về vấn đề trên, sẽ được công bố trong vòng 90 ngày nữa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page