Tổng Kết những Sinh Hoạt
Giáo Hội trong năm 1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


THỜI SƯ: Vài bình luận về diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II đọc trước Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh nói về tình hình thế giới trong năm 1997 vừa qua

THỜI SƯ: Vài bình luận về diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II đọc trước Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh nói về tình hình thế giới trong năm 1997 vừa qua.

Bài diễn văn dài ÐTC đọc thứ Bẩy vừa qua trong buổi tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, đến chúc mừng Năm Mới đã được dư luận lưu ý rất nhiều, không những nơi các báo chí, mà cả nhiều học giả nữa.

Nhật báo Công Giáo Ý có tên là Tương Lai (Avvenire), số ra ngày chúa nhật 11.01.98, đã đăng lại nguyên văn bài diễn văn và ba bài bình luận: một bài của Ðại Sứ Ý cạnh Liên Hiệp Quốc, một bài của phóng viên Salvatore Mazza, và một bài bình luận của giáo sư Possenti.

Phóng viên Mazza đã viết như sau: Diễn văn đầu Năm Mới đọc cho các vị Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh Vatican, đã cho ÐTC Gioan Phaolô II cơ hội duyệt lại tình hình các miền khác nhau trên thế giới và nêu lên những dấu hiệu hy vọng, vừa đồng thời yêu cầu đề phòng những "ý thức hệ" và "những áp lực dẫn đưa con người đến chỗ phản bội con người". Phóng viên Mazza nhắc lại lời ÐTC rằng: "Tính ích kỷ mở đường đi đến những dã man và nhân loại của cuối thế kỷ này dễ bị thương tích". Dĩ nhiên trong thế giới ngày nay có nhiều dấu hiệu khích lệ. Nhiều tiến bộ trên con đường dân chủ, cách riêng tại Trung-Ðông Âu. Nền hòa bình tại Bosnia-Erzegovina và Bắc Ái Liên, tuy còn nhiều đe dọa, nhưng cũng có những dấu hiệu thiện chí về đối thoại. Phóng viên Mazza viết thêm như sau: Nếu đem lên cân, thì những lý lẽ lo lắng còn quá nặng. Ðó là những vụ sát hại "vô nhân đạo" và "hết sức dã man" vẫn tiếp tục hằng ngày tại Algérie; những chiến tranh diệt chủng tại Châu Phi; thảm trạng của người dân Curdes và của người dân Irak; cơn khủng hoảng tài chánh bùng nổ trong những ngày này tại Á Châu; tiến trình hòa bình tại Trung Ðông như bị bế tắc. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy rằng con người của cuối thế kỷ này rất dễ bị tấn công, và cho thấy rằng con người có thể phản bội chính mình. Phóng viên của nhật báo Avvenire viết tiếp: Cách chung đây là Một diễn văn nêu lên những dấu hiệu khích lệ. Bài diễn văn đưa ra những lời kêu gọi thế giới, các vị trách nhiệm các quốc gia,và các tổ chức quốc tế, cách riêng nhà cầm quyền tại Rwanda, Burundi, Cộng Hòa Dân Chủ Congo (cựu Zaire). Nhưng cũng là một diễn văn đầy lo lắng cách riêng đối với phẩm giá con người đang đi đến miệng hố sâu, bởi vì "khi con người liều đi đến cho bị coi là một đồ vật, được xử dụng theo ý muốn hay biến hóa theo khoa học, kỹ thuật, không còn được coi là hình ảnh Thiên Chúa nữa, chỉ nhằm đến những trục lợi kinh tế, những ích kỷ mà thôi, thì mọi sự đều có thể xẩy ra và những sự dã man sẽ không còn xa xôi".

Trong khi đó, trong bài nhận định của mình, giáo sư Possenti, giáo sư Triết học tại Ðại học Venezia, miền Ðông bắc nước Ý, bình luận về bài diễn văn của Dức Gioan Phaolô II như sau:

"Tất cả đều có thể xẩy ra, nếu con người không còn được coi là hình ảnh Thiên Chúa nữa". ÐTC đã không nói với các nhà triết học hay văn chương, mà nói với các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh. Ðây là một lời cảnh cáo khiếp sợ, một tiếng kêu báo động vang dội lại tiếng kêu gọi và những lời cảnh cáo của các Tiên tri trong Thánh Kinh Cưu Ước đối với dân Israel mỗi ngày mỗi lìa xa Thiên Chúa". Giáo sư Possenti nói tiếp: "Ðây không phải là cái gì không hợp lý luận, trái lại sứ điệp này còn là một xác nhận về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh như thế nào: nền ngoại giao của Tòa Thánh không chỉ giới hạn vào những vần đề truyền thống của mối bang giao với các nước, mà còn lo lắng đến chính sự sống con người: một vấn đề nay trở nên vấn đề chính trị nền tảng của thời đại chúng ta". Giáo sư nói tiếp: "Trong thế kỷ này tính cách dã man mọi rợ được trình bày trước mắt chúng ta với bộ mặt của các chế độ độc tài. Và không phải tình cờ, khi ÐTC Gioan Phaolô II viết trong Thông Ðiệp (Centesimus Annus) (Năm thứ một Trăm): "Nếu không có một chân lý sau cùng hướng dẫn và định hướng hoạt động chính trị, thì lúc đó các tư tưởng và các niềm tin, rất dễ bị lợi dụng, bị lèo lái theo các mục tiêu của quyền bính". Giáo sư giải thích: "Trong Thông Ðiệp, lời của ÐTC Gioan Phaolô II trên đây, ám chỉ các chế độ chính trị độc tài. Trong diễn văn đọc cho Ngoại Giao Ðoàn, ngài nhắc lại những điều đã nói trong thông điệp cho cuộc chung sống con người. ÐTC nói với chúng ta rằng: sự dã man, mọi rợ không xa chúng ta, nếu đời sống xã hội không dựa trên các giá trị sau cùng đã được ghi trong tâm hồn con người. Trong dịp này, ÐTC giơ tay chỉ vào các "ý thức hệ chủ trương tự cho mình quyền quyết định mọi sự: quyết định về sự sống, sự chết, sự sinh sản, dân số... Ðời sống xã hội bị đo lường theo những tiêu chuẩn của tiện nghi vật chất tối đa và tránh né hay tối thiểu hóa sự đau khổ; tất cả được thẩm định theo ích lợi cá nhân. ÐTC Gioan Phaolô II không chỉ nói đến những ý thức hệ độc tài mà thôi, nhưng còn nói đến những "áp lực" nhằm áp đặt trên người khác, các quan niệm và cách cư xử của mình.

Giáo sư Possenti kết luận như sau: "Ðây là một diễn văn hết sức nghiêm chỉnh và cụ thể, không chỉ liên hệ đến các triết gia hay chính trị gia, nhưng trái lại bao trùm tất cả đời sống hằng ngày của con người và tương lai nhân loại. Người cầm đầu một xã hội dân sự không thể để mình bị chi phối bởi "những kiểu nói mập mờ và lường gạt" trên, vì chúng nhằm xóa bỏ phẩm giá con người và đưa con nguời đến chỗ trở thành như một vật thí nghiệm của khoa học và kỹ thuật.


Diễn văn của ÐTC trong buổi tiếp kiến Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh nói về tình hình và về một số vấn đề quan trọng thế giới trong năm vừa qua 1997

ÐTC tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng Năm mói 1998.

Lúc 11 giờ sáng thứ Bẩy, 10.01.1998, tại Phòng Khánh Tiết (Sala Regia) trong Ðền Vatican, với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, Phó Quốc Vụ Khanh và Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, ÐTC Gioan Phaolô II đã tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng Năm mới 1998.

Sau những lời chúc mừng của Ðại sứ Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Tiến sĩ Atembina Te Bombo, Niên Trưởng Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, ÐTC đọc diễn văn dài bằng tiếng Pháp (tiếng Ngoại giao của Tòa Thánh) nói về tình hình và về một số vấn đề quan trọng thế giới trong năm vừa qua.

ÐTC lưu ý các nhà ngoại giao về những tình hình hiện nay trong bối cảnh quốc tế, từ Châu này qua Châu khác. Về Châu Âu , ÐTC nhắc riêng đến miền Trung và Ðông Âu: những quốc gia vừa thoát chế độ độc tài cộng sản, hiện đang tiến đến nền dân chủ và ngài cầu chúc những tiến bộ và thành công khắp nơi. Riêng về Bosnia-Erzegovina, ÐTC nhấn mạnh đến tính cách bấp bênh của tiến trình hòa bình giữa các sắc tộc khác nhau. Ngài mời gọi Cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực để giúp đỡ người tị nạn trở về nhà cửa, làng mạc của họ và cổ võ việc tôn trọng các quyền căn bản của ba cộng đồng sắc tộc làm thành cộng đồng quốc gia này. Vẫn tại Châu Âu, ÐTC Gioan Phaolô II khuyến khích việc đối thoại giữa các phe tranh chấp tại Bắc Ái Liên (Ái Nhỉ Lan), từ nhiều năm chống đối nhau.

Nhìn về Châu Mỹ Latinh, việc dân chủ hóa vẫn tiến hành, dù còn có những cản trở trong miền Chiapas bên Mehico. ÐTC nhắc đến cách riêng chuyến viếng thăm Cuba: "đây không những chỉ là cơ hội củng cố đức tin các người Công Giáo Cuba, nhưng còn khuyến khích tất cả người dân trong nỗ lực kiến thiết quốc gia trong công bình và đầy tình liên đới hơn", trong đó mỗi một người dân tìm được địa vị của mình và được công nhận trong các nguyện vọng chính đáng của họ.

Quay sang Châu Á, ÐTC bày tỏ vui mừng vì cuộc đàm phán giữa hai miền Bắc và Nam Hàn tại Genève. Những thành công của cuộc đàm phán này sẽ làm giảm bớt các căng thẳng trong cả vùng. Rồi ngài nhắc đến "cơn khủng hoảng tài chánh" đang gây lo lắng cho một sôá quốc gia miền này. Cơn khủng hoảng này nhắc lại cho mọi người suy tư cách nghiêm chỉnh về tính cách luân lý của việc trao đổi kinh tế và tài chánh. Sau đó, ÐTC đã nhắc đến Trung Quốc với những lời như sau: "Tôi không cần nhấn mạnh đến sự kiện này là tôi và các vị cộng tác của tôi theo dõi những diễn biến của tình hình tại Trung Quốc, vừa ước mong Trung Quốc tái lập quan hệ bình thường với Tòa Thánh. Như vậy các người Công Giáo Trung Quốc được hòa hợp đầy đủ với Giáo hội hoàn cầu trên con đường tiến về Ðại Toàn Xá của Năm 2000". Về Việt Nam, ÐTC đã nói như sau: "Nhưng tôi cũng nghĩ đến Giáo Hội tại Việt Nam và Giáo Hội này luôn luôn ước muốn có những điều kiện của cuộc sống tốt đẹp hơn". Sau đó ÐTC nhắc đến miền Ðông Ðảo Timor: các người Công Giáo tại đây đang chờ đợi một cuộc sống hòa bình hơn. ÐTC chào thăm cách riêng Cộng Hòa Mông Cổ hiện đã ước mong thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Tòa Thánh.

Trở lại miền Trung Ðông, ÐTC nhắc lại rằng: hòa bình xem ra còn xa xôi và tiến trình hòa bình đã được khởi sự từ Madrid năm 1991, thì nay như bị đình lại. Những nguyên tắc của Hội nghị Madrid và những đường hướng tại Hội nghị Oslo năm 1993, đã mở con đường tiến đến hòa bình. Ngày nay các nguyên tắc và đường hướng này vẫn còn giá trị để tiến thêm nữa. Vì thế không cần phải mạo hiểm trên những con đường khác. Toà Thánh sẽ tiếp tục đối thoại với mọi phe liên hệ với mục đích cổ võ cả hai bên bảo vệ hòa bình và hàn gắn những vết thương của bất công. Trong những năm chuẩn bị Năm Ðại Toàn Xá 2000 này, ÐTC xin mọi người nhìn về Giêrusalem. Ngài ước mong Thành thánh này trở nên tức khắc và mãi mãi, như Belem và Nagiaret, nơi của công lý và hòa bình, nơi đây người Do thái, Tín hữu Kitô và Hồi Giáo có thể đồng hành với nhau, dưới nhan Thiên Chúa. Cũng tại miền Trung Ðông, ÐTC nhắc lại lệnh cấm vận hiện đang gây khổ cực cho người dân Irak, và đã nói như sau: "Tôi phải kêu gọi lương tâm của những ai ở Irak hay ở nơi khác, đừng đặt những suy tính chính trị, kinh tế hay chiến lược, lên trên sự sống của người dân và tôi xin họ hãy biểu lộ dấu hiệu thương xót. Những người yếu hèn, những người vô tội không phải trả giá thay những người có trách nhiệm". ÐTC không quên nhắc đến thảm cảnh của người dân Curdes, bị sống trong tình trạng "vô Tổ quốc", đang tìm nơi sinh sống cho mình và gia đình.

Nói đến Châu Phi, nơi có nhiều vấn đề sôi bỏng, trước hết ÐTC nhắc đến Algérie, nơi đây hằng ngày xẩy ra những vụ sát hại dân lành; Algérie là "một xứ sở con tin" của những bạo hành vô nhân đạo, không một lý do nào: chính trị hay tôn giáo... biện minh cho những hành động như vậy. ÐTC nhấn mạnh rằng: mọi người thiện chí trong cũng như ngoài nước hiệp nhất với nhau để làm cho tiếng nói của biết bao người còn tin tưởng vào đối thoại và tình huynh đệ được lắng nghe. Về Sudan, tình hình tại đây không cho phép nói đến hòa giải và hòa bình. Các tín hữu Kitô tiếp tục bị kỳ thị. Tòa Thánh đã lưu ý nhiều lần Nhà Cầm quyền địa phương, nhưng tiếc thay không có một thay đổi nào đáng kể (Ðại sứ Sudan hiện diện trong buổi tiếp kiến này, vì Sudan có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh). Tại miền Trung Châu Phi số phận người dân gây nên nhiều lo lắng. ÐTC nói: "Ðứng trước những tình hình như vậy, không một người nào có thể an tâm. Cả lúc này nữa trong im lặng mỗi ngày mỗi thêm, người ta tiếp tục đe đọa, khủng bố, sát hại. Vì thế, tôi muốn kêu gọi các vị trách nhiệm chính trị của các nước (Rwanda, Burundi, Cộng Hòa dân chủ Congo và Congo Brazaville) để nói với các vị này rằng: nếu việc chiếm quyền bằng vũ lực trở nên như luật lệ, nếu chính thể chủng tộc tiếp tục thống trị, nếu nền dân chủ bị loại ra ngoài vòng, nếu nạn tham những và việc buôn bán vũ khí hoành hành, thì Châu Phi sẽ không bao giờ biết đến hòa bình, phát triển, và các thế hệ tương lai sẽ lên án một cách không tiếc xót các trang này của lịch sử Châu Phi".

ÐTC nhắc lại với các nhà ngoại giao rằng: Tòa Thánh luôn luôn cộng tác và liên đới với các nước, các tổ chức quốc tế, với mục đích ủng hộ việc phát triển toàn diện con người và các dân tộc. Ngài lên án những ý thức hệ chủ trương áp đặt trên các dân tộc những kiểu mẫu nhất định về xã hội và những thái dộ nhằm quyết định tất cả, không đếm xỉa gì đến ý kiến, nguyện vọng của người dân, quyết định cả về sự sống, sự chết, về những tâm tình sâu xa nhất, về những ý nghĩ và tư tưởng. Ngài nói: có những lúc người ta có cảm giác này là sự sống chỉ có giá trị và được đề cao, khi nào nó còn có ích lợi hay tạo nên thịnh vượng vật chất mà thôi; và đau khổ không có ý nghĩa nào cả. Vì thế, những người tàn tật, những người già cả, những bệnh nhân... cần loại ra ngoài, vì gây nên phiền nhiễu. Phá thai và làm cho chết êm dịu, đối với họ, là những giải pháp có thể chấp nhận được. Giáo Hội ý thức rõ ràng rằng: con người - buồn thay - có thể phản bội chính nhân tính của mình. Vì thế Giáo Hội phải hướng dẫn, phải theo dõi con người, để, trong những sai lầm, con người có thể tìm lại được nguồn mạch của sự sống và của trật tự mà Ðấng Tạo Hóa đã ghi vào trong thâm tâm con người. Nơi nào con người sinh ra, đau khổ và chết đi, thì Giáo Hội sẽ luôn luôn hiện diện, để nhắc nhở cho con người biết rằng: có Một Ðấng nào đó gọi họ ra đi, đón nhận họ và trao ban một ý nghĩa cho cuộc đời tạm bợ của họ trên trần gian.

ÐTC đã nhiều lần lên tiếng và sẽ còn lên tiếng bênh vực phẩm giá tuyệt đối của con người từ lúc thụ thai cho đến hơi thở sau cùng. ÐTC nói: "Khi con người liều đi đến chỗ bị coi là một đồ vật có thể biến đổi hoặc lệ thuộc vào sở thích riêng, khi người ta không cảm thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi con người nữa, khi khả năng yêu mến và hy sinh bị giập tắt hoàn toàn, khi tính ích kỷ và việc trục lợi trở nên lý do ưu tiên của hoạt dộng kinh tế, thì lúc đó tất cả đều được phép làm, và sự dã man, tàn bạo không còn xa xôi nữa".

ÐTC kết thúc bài diễn văn như sau: "Những ai bảo đảm luật pháp và sự đoàn kết xã hội trong một Nước, hoặc những ai hướng dẫn các tổ chức được lập ra để mưu tìm công ích của cộng đồng các quốc gia, thì không thể tránh né vấn đề phải sống trung thành với luật không thành văn của lương tâm con người: đó là nền tảng và là sự bảo đảm cho phẩm giá và cho sự sống con người trong xã hội."


THỜI SỰ: Các Vị Tử Ðạo của Giáo Hội Công Giáo trong năm 1997

THỜI SỰ: Các Vị Tử Ðạo của Giáo Hội Công Giáo trong năm 1997.

Trong Tông thư "Ngàn Năm Thứ Ba" nói về việc chuẩn bị Năm Ðại Toàn Xá 2000, ÐTC đã viết như sau: "Vào cuối Ngàn Năm thứ hai, Giáo Hội Công Giáo, một lần nữa, trở nên Giáo Hội của các Vị Tử Ðạo. Những vụ bách hại các tín hữu... đã tạo nên những Vị Tử Ðạo mới, tại nhiều miền khác nhau trên thế giới... Trong thế kỷ chúng ta, các Vị Tử Ðạo thường không được biết đến, hầu như là "Những chiến sĩ vô danh", để sống trung thành với Thiên Chúa".

Trong suốt cả năm 1997 vừa qua, hầu như tháng nào cũng có một số nhà truyền giáo nam nữ bị sát hại tại nước này, nước khác.

Trong tháng Giêng có hai vị: Nữ Tu Christine d'Hérouville, người Pháp, thuộc Tu hội truyền giáo Saverina, bị giết ngày 15 tại N'Djamena, thủ đô Cộng Hòa Tchad. Không những truyền giáo, Sr Christine còn hoạt động trong lãnh vực Y tế để giúp đỡ các người mắc chứng bệnh Aids. Sau Nữ Tu Christine, ngày 22 tháng Giêng, Cha Larry Timmons, người Irland, bi sát hại tại Kenya. Theo tin của Giáo phận Nakuru, Cha bị công an thủ tiêu, vì đã tố cáo một số sĩ quan tham nhũng. Giáo phận Nakuru đã lên tiếng phản đối vụ sát hại dã man này trong nhật báo "Daily Nation" của Kenya.

Sang tháng Hai, chính ngày Lễ Ðức Mẹ dâng Chúa vào Ðền Thánh, Cha Guy Pinard, thuộc Hội Truyền Giáo các Cha Dòng Trắng, bị giết trong lúc cha đang cho rước lễ trong thánh lễ cử hành tại giáo xứ Kampanga, bên Rwanda. Chính ÐTC đã loan tin này trong giờ đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật mồng 2 tháng Hai. Cha Pinard người Canada, năm nay 61 tuổi. Ðã nhiều lần cha bị đe đọa vì giúp đỡ người dân trốn đi khỏi những vụ sát hại giữa Hutu và Tutsi. Cha đã phải trở về Canada một năm, để tránh những đe dọa, nhưng khi tình hình vừa khá hơn, cha trở về Rwanda để truyền giáo và Cha đã bị giết trong thánh lễ. Vào ngày mồng 4 tháng 2, Ðức Cha Benjamin de Jesus, giám mục đại diện Tông Tòa Giáo phận Jolo-Sulu, ở miền Nam Philippines, cách Manila khoảng 900 cây số, bị sát hại ngay bên cạnh nhà thờ chính tòa. Ðức Cha là người thợ xây dựng hòa bình không biết mỏi mệt tại Ðảo Mindanao. Cũng tháng 2, ngày 17, tại Nigeria, Linh mục Ngozi Isidi, bị sát hại trong giáo xứ Ogwasi-Uku, tỉnh Delta. Ngày 25/02, tám linh mục và ba nữ tu thuộc chủng tộc Hutu bị giết tại Kalima, bên Zaire. Cha Ngozi Isidi đến truyền giáo tại Peru năm 1991, sau khi đã được thụ phong linh mục. Thi hài được đưa về Faenza , quê hương của Cha ,và được an táng tại đây.

Tại Buta, miền Nam Burundi, ngày 29 tháng Tư, 40 chủng sinh bị quân Hutu sát hại. Trong vụ tấn công chủng viện này, còn có 35 chủng sinh khác bị thương nặng. Sau khi sát hại và đánh bị thương các chủng sinh, quân Hutu phá hủy trung tâm mục vụ, nơi các chủng sinh đang được huấn luyện. Cũng ngày 29 tháng Tư, Nữ Tu Griet Bosmans, 62 tuổi, người Bỉ, bị giết tại Rwanda, nơi Nữ tu đến làm việc truyền giáo từ năm 1960. Cùng với Nữ tu (giáo sư của trường) 17 Nữ học sinh Trung học cũng bị giết, vì từ chối lời yêu cầu của những người tấn công chia thành hai nhóm: Hutu và Tutsi.

Ngày mồng 3 tháng 5, Nữ tu Claudine-Germaine Buchwolder, người Thụy Sĩ bị giết tại Mutambu, cách thủ đô Bujumbura (của Burundi) khoảng 20 cây số. Ngày 11 tháng 5, hai linh mục khác bị sát hại tại miền nam Rwanda trong một cuộc phục kích: Cha Isaie HabakuramaPascal Yiriwahandi, thuộc giáo xứ Cyahinda, trong giáo phận Butare. Bốn người khác cũng bị thiệt mạng với hai cha trong vụ phục kích này.

Khoảng 4 tháng sau, tức 24 tháng 10 tại Hazaribag (Ấn Ðộ) Cha Thomas Anchanikal, 46 tuổi, Dòng Tên, bị bắt cóc do một nhóm lạ mặt vũ trang và sau đó bị chém đầu. Người dân đã tìm thấy xác Cha. Lễ an táng cử hành ngày 28 tháng 10. Cha là người giúp dân nghèo tranh đấu chiếm lại đất đai của mình, bị những gia đình thuộc bậc quí phái tước lột. Cha đã thành công nhiều. Vì những vụ tranh đấu cho người nghèo, cha bị thủ tiêu.

Ngày mồng 3 tháng 11, Linh mục Ciro Martinez bị kẻ lạ mặt xả súng bắn chết tại Asunción, thủ đô Paraguay. Cha là giáo sư tại Ðại học Công Giáo ở Thủ đô. Ngoài ra, cha còn dấn thân trong lãnh vực xã hội và nhân đạo để giúp đỡ các ngưởi nghèo khổ. Ngày 22 cũng tháng 11, Cha José Nedumattathil, Dòng Salésien, bị những kẻ lạ mặt sát hại tại Maram, trong miền Manipur, bên Ấn Ðộ. Cha bị bắn chết ngay tại Văn phòng của "Don Bosco College ", Viện cao học, vừa được trở thành Cư xá Ðại Học, và Cha là Viện Trưởng.

Ngày Lễ Ðức Mẹ vô nhiễm, mồng 8 tháng 12, Cha Samuel Calderon Pena, 33 tuổi, người Colombia, thuộc giáo phận Villavicencio đã bị giết. Người ta tìm thấy xác cha gần xã "Il Calvario", giáo xứ của Cha. Cha Thomas Gafney, người Hoa kỳ, 65 tuổi, Dòng Tên, bị sát hại hôm Chúa nhật 14 tháng 12 tại Katmandu, bên Népal. Cha vào Dòng Tên tại Cleveland, bang Ohio, năm 1962. Cách đây 30 năm Cha lập trung tâm đón tiếp và phục hồi những người nghiện ma túy tại Katmandu. Cha là nhà truyền giáo bị sát hại sau cùng trong năm 1997.

Ðó là những vị "Tử Ðạo" trong năm vừa qua, được Giáo Hội biết rõ tên tuổi và hoạt động. Như ÐTC nói: Còn nhiều vị khác "như các chiến sĩ vô danh" đã bị chết cách này cách khác, trong các nhà giam, các trại tập trung của các chế độ chính trị độc tài đen, đỏ... không ai biết đến, trừ Thiên Chúa. Các ngài đã can đảm hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa, với Ðức tin, với Giáo hội.


THỜI SỰ: Những dấu hiệu hy vọng cho tương lai Giáo Hội trong Năm mới

THỜI SỰ: Những dấu hiệu hy vọng cho tương lai Giáo Hội trong Năm mới.

Trong buổi phát thanh chiều Ngày cuối Năm 1997 của Ðài Vatican, Ðức Hồng Y Paul Poupard, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Văn Hóa, tuyên bố: Mỗi cuối năm, việc làm một bản tổng kết về các biến cố, ít ra các biến cốù chính, hầøu như là một việc bắt buộc. Ðức Hồng Y nói: "Ðối với tôi, viễn tượng soi sáng hướng dẫn vẫn là viễn tượng của hy vọng: Nói thế, không phải là chúng ta phủ nhận chiến tranh hay những nguy hiểm lớn lao đang hăm dọa thế giới. Ðức Hồng Y Paul Poupard nhắc đến những điểm nổi bật trong năm vừa qua (1997), những điểm làm cho con người thêm hy vọng hơn là thất vọng".

1. Ðiểm thứ nhất là chuyến viếng thăm của ÐTC tại Libano: chuyến viếng thăm thật là một niềm hy vọng mới cho Xứ sở này, là một thành công ngoài sự tưởng tượng. Chuyến viếng thăm được thực hiện ngay sau chuyến viếng thăm lịch sử tại thành phố Sarajevo. Cả hai chuyến viếng thăm được dự tính từ lâu, nhưng đã bị đình lại nhiều lần vì tình hình vẫn còn khó khăn và có thể rất nguy hiểm. Ðức Hồng Y Poupard nói: "Chuyến viếng thăm tại Libano của ÐTC đã gợi lên một sự hứng thú khác thường, cách riêng nơi giới trẻ. Tôi chỉ xin nhắc lại là một phần ba dân chúng Libano đã tham dự các cuộc gặp gỡ với ÐTC, trong số này có khoảng 100 ngàn tín hữu Hồi Giáo. Ðây thật là một chuyến viếng thăm hứa hẹn nhiều hy vọng cho tương lai".

2. Tương lai ở trong tay giới trẻ. Từng trăm ngàn, trăm ngàn thanh niên nam, nữ, đã tụ họp chung quanh ÐTC tại Paris để cùng với ngài cử hành Ngày thế giới Thanh niên lần thư 12... Một quang cảnh cảm động, gây ngạc nhiên và hứa hẹn. Vì thế Ngày quốc tế Giới Trẻ năm 1997 vừa qua là biến cố hy vọng thứ hai. Ðức Hồng Y Paul Poupard nhấn mạnh: "Ngày thế giới Thanh niên Paris là ngày chiến thắng vẻ vang của giới trẻ. Vào năm 1968, cách đây 30 năm, đã phát sinh nơi giới trẻ, những dòng tư tưởng khước từ, phản đối, chỉ trích gay gắt. Giờ đây, 1997, 30 năm sau, hơn một triệu thanh niên đến từ khắp thế giới tụ họp trong tình huynh đệ, trong hòa bình, trong xây dựng chung quanh ÐTC Gioan Phaolô II, để tiến về tương lai tốt đẹp hơn ...".

3. Biến cố hy vọng thứ ba, là việc ÐTC tôn phong thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng làm tiến sĩ hội thánh. Thánh nữ Têrêsa là một Phụ nữ, một Nữ tu, một Vị Thánh trẻ trung. Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Văn Hóa nói: "Tôi đã tham dự biến cố này: một biến cố đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn tôi. Thánh Têrêsa nói: "Trong lòng Giáo hội, tôi sẽ là Tình yêu". Biến cố Phong tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêsa là Biến cố tôn dương một tình yêu được chia sẻ. Tất cả được biến đổi nhờ Tình Yêu. Giáo Hội trở nên trẻ trung".

4. Sau biến cố Paris, một biến cố thứ tư, vĩ đại, đã xẩy ra tại Ấn độ: Cái chết và Lễ an táng Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã gây xúc động và mến tiếc không những nơi các tín hữu Kitô, nơi các người nghèo khổ, tàn tật, bị bỏ rơi ngoài lề xã hội, mà trên cả thế giới. Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã muốn nhận tên Thánh là Têrêsa de Lisieux. Mẹ bị xúc động bởi con đường tình yêu của Thánh Nữ, và muốn chia sẻ như Thánh Nữ Tình yêu thương đối với các người khổ hơn cả trong các người nghèo khổ.

5. Biến cố thứ năm mang đến niềm hy vọng là Khóa họp Khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Mỹ kết thúc ngày 12.12.97 vừa qua. Ðức Hồng Y đã nói về Khóa họp này như sau. "Tôi nhớ đến sứ điệp hy vọng gửi cho các gia đình, cho giới phụ nữ và cho các bà mẹ, cho các linh mục dấn thân, nhân danh Chúa Kitô, Hy vọng của chúng ta. Ðây là một sứ điệp của dấu hiệu hiệp thông và tình liên đới".

6.Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Văn Hóa còn muốn ghi vào các biến cố Hy Vọng của Năm 1997, Ðại Hội quốc tế về Xi nê tôn giáo được tổ chức tại Roma: Ðây là dấu hiệu của việc tái sinh thiêng liêng. Ðức Hồng Y nói: "Ðây là một đặc ân cho Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Văn Hóa được tổ chức Ðại hội này cùng với Hội Ðồng Tòa Thánh về Truyền thông xã hội: đề tài tôn giáo mỗi ngày mỗi được lưu ý nhiều hơn, theo các dữ kiện đãõ được trình bày trong Ðại hội ở Roma...".

7. Cuối cùng, biến cố Hy Vọng được Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh nhắc đến là: cuộc họp bạn quốc tế của giới trẻ do Cộng dồng đại kết Taize tổ chức trong những ngày cuối năm 1997 và đầu Năm 1998 tại thủ đô Áo quốc với sự tham dự của gần 100 ngàn thanh niên nam, nữ đến từ các nước Châu Âu. Trong số các bạn trẻ này có rất nhiều người đã tham dự Ngày thế giới Thanh niên tại Paris hồi cuối tháng 8. Họ tụ họp nhau tại Wien để cầu nguyện, để chia sẻ, để tỏ tình liên đới huynh đệ, để cùng nhau đào sâu đức tin nơi Chúa Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất của nhân loại. Ðây là một dấu hiệu đầy hứa hẹn không những cho cựu Lục địa Âu Châu, mà cho cả thế giới, vì thanh niên là tương lai của Xã Hội, của Quốc Gia và của Thế Giới.


THỜI SỰ: Những ánh sáng trong sinh hoạt Giáo Hội trong năm 1997

THỜI SỰ: Những ánh sáng trong sinh hoạt Giáo Hội trong năm 1997.

Giáo Hội Công Giáo trong năm 1997 vừa qua đã được đánh dấu bằng nhiều biến cố vui mừng và hứa hẹn nhiều hy vọng.

Trước hết phải kể đến những chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolo II trên thế giới , cách riêng hai chuyến viếng thăm khó khăn và nguy hiểm hơn cả: chuyến viếng thăm Sarajevo và Liban; rồi các chuyến viếng thăm tại Cộng hòa Tchèque, tại Ba lan, biến cố Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 12 tại Paris và chuyến viếng thăm sau cùng tại Brazil vào đầu tháng 10, nhân dịp cử hành Ngày thế giới về Gia đình lần thứ hai tại Rio de Janeiro. Tất cả các chuyến viếng thăm này, nhất là hai chuyến viếng thăm Sarajevo và Liban, tuy khó khăn và nguy hiểm, đã đem lại những thành công quá sự tưởng tượng. Các chuyến viếng thăm này cho thấy rằng Giáo hội có một sự hiện diện mới tại miền cựu Yougoslavie, tại các nước trước đây thuộc Khối Cộng Sản Liên Xô, tại Miền Trung Ðông và hiện diện trong việc bênh vực gia đình, nền tảng của xã hội và trong việc giáo dục giới trẻ, tương lai của quốc gia, của Giáo Hội và của thế giới.

Cùng với các chuyến viếng thăm của ÐTC, cần phải nói đến những hoạt động mục vụ, xã hội của các Giáo hội địa phương:

Tại Châu Mỹ tất cả các Hội Ðồng Giám Mục trong suốt năm 1997 vừa qua, đã huy động mọi lực lượng để Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ được thành công mỹ mãn, cách riêng trong hai lãnh vực sau đây: vấn đề xã hội và vai trò của Giáo Hội. Ngoài ra các Giám Mục thuộc CELAM (Hội đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh) dấn thân soạn thảo một văn kiện với những đề nghị được gửi tới các chính phủ của Lục địa, nhằm diệt trừ nạn tham nhũng, một tai họa đe dọa từ nội bộ nền kinh tế và việc phát triển. Nhiều giám mục đã can đảm lên tiếng chống lại chế độ tư bản mới, gây nên cảnh nghèo khổ mỗi ngày mỗi thêm. Các ngài lợi dụng cơ hội thuận tiện của Năm Ðại Toàn Xá 2000, để yêu cầu tha các món nợ quốc tế cho các nước nghèo hay ít ra giảm bớt. Lời yêu cầu này được sự ủng hộ của các giám mục Canada và Hoa Kỳ. Về vai trò của Giáo Hội tại Châu Mỹ, từ Thượng Hội Ðồng vừa qua, Giáo hội quyết dấn thân trở nên người thợ xây dựng hòa bình. Ðây là vai trò mà các giám mục Mehico đang thi hành trong vụ tranh chấp miền Chiapas, nơi vừa xẩy ra vụ sát hại người dân trong một nhà thờ trước ngày Vọng Lễ Giáng sinh.

Tại Châu Âu, cựu Lục địa, Giáo hội ở trong một tình hình khác với tình hình Mỹ Châu. Những đòi hỏi về công bình đã được nghiên cứu và công bố trong văn kiện của Hội Ðồng Giám Mục Ðức tháng hai năm 1997; Mặc dù điểm được nói nhiều hơn cả là việc giảm sút số ơn kêu gọi khắp nơi, cách riêng tại các nước miền Bắc; nhưng Ðại hội quốc tế của một ngàn Nam Nữ Tu sĩ trẻ tại Roma, hôm đầu tháng 10, là một dấu hiệu rất lạc quan trong tương lai. Tại Pháp, ngày 30 tháng 9, Giáo hội đã long trọng lên tiếng xin tha thứ về những thái dộ không đúng Phúc Âm đối với các người Do thái bị tàn sát thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Nhìn sang Châu Phi, tại Cộng hòa Nam Phi, các giám mục Công Giáo cũng có những hành động tượng tự như các giám mục Pháp, là xin lỗi về thái độ không hoàn toàn rõ ràng trong những năm dưới chế độ Apartheid (kỳ thị chủng tộc). Cũng tại Châu Phi, trong lúc miền các Hồ Lớn vẫn xẩy ra những vụ tranh chấp đẫm máu, số ơn kêu gọi gia tăng rất đáng kể tại khắp nơi. Ngoài ra, nguời ta cũng đã ghi nhận được những biến cố tích cực sau đây, như: việc mở những Ðại Học Công Giáo để đào tạo giới lãnh đạo mới có khả năng và liêm khiết; sự dấn thân minh chứng tình yêu thương của Chúa Kitô của các giám mục miền Bắc Phi hiện sống trong các nước Hồi giáo; việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và chính phủ Hồi Giáo Libye: một miền mỗi ngày mỗi trở nên khó khăn và được Tòa Thánh nhìn vào với nhiều chú ý.

Trở lại Châu Âu, Phong trào đại kết trong năm vừa qua đã thu lượm được thành quả lớn lao qua Ðại hội các giáo hội Châu Âu tại Graz bên Áo quốc. Rồi Ðại hội các giám mục và các vị Giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo miền Ðông Âu tại Hungari để thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo - Tiếp đến việc chuẩn bị Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Âu trong bối cảnh Năm Ðại Toàn Xá 2000. Một biến cố khác đáng lưu ý cách riêng là lễ mừng kỷ niệm một ngàn năm Tử Ðạo của Thánh Adalberto, Giám mục truyền giáo tại miền Baltique vào năm 997 (997-1997), do ÐTC chủ tọa với sự tham dự của các Vị quốùc trưởng các nước trong miền.

Nhìn sang Châu Á, nơi đây Giáo Hội thuộc thiểu số, nhưng rất sống động - cái chết của Mẹ Têrêsa thành Calcutta tháng 9/97 vừa qua đã gây nên xúc động cả nơi những người ngoài Công Giáo. Tất cả không phân biệt tôn giáo, khuynh hướng chính trị, đều công nhận sức mạnh tinh thần của đức tin Công Giáo và dấn thân của Giáo Hội trong việc thăng tiến con người trước các vấn đề xã hội lớn lao. Kampuchia, một quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh, đang tiến trên con dường phục hưng về mọi phương diện. Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo thiểu số, thì Chính phủ Phnom Penh , ngoài việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, đã chấp thuận cho Giáo Hội Công Giáo tại Cămpuchia có được một qui chế pháp lý . Với qui chế này Giáo Hội được tự do về các hoạt động tôn giáo và công khai. Và để chuẩn bị Khóa họp của Thượng Hội Ðồng về Châu Á, sẽ được khai mạc vào tháng tư năm nay (1998) tại Vatican, các Giám mục của nhiều nước, như Indonesia, Ấn Ðộ, Philippines... đã cho công bố thư mục vụ để huy động các cộng đồng tham dự bằng góp ý kiến và nhất là bằng cầu nguyện. Tháng chín vừa qua (1997), các giám mục thuộc Liên hiệp Hội Ðồng Gíam Mục Á châu đưa ra chiến dịch: Làm thế nào để rao giảng Chúa Kitô cách hiệu nghiệm? Câu trả lời là thật hấp dẫn: đó là cần biết rõ sứ điệp Kitô, vừa đồng thời cũng cần phải biết kỹ thuật mang sứ điệp đó đến cho mọi người và cần tiếp xúc với những phương tiện truyền thông xã hội (mass-media) của người giáo dân, của tư nhân và của Nhà nước.

Tại Châu Ðại Dương, các cộng đồng Công Giáo cũng đang chuẩn ráo riết Khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu này, dù chưa được ấn định ngày triệu tập, và chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000.


THỜI SỰ: Những khó khăn cản trở bước tiến của Giáo Hội trong năm 1997

THỜI SỰ: Những khó khăn cản trở bước tiến của Giáo Hội trong năm 1997.

Chúng tôi đã nói đến những ánh sáng và những hy vọng của Giáo hội trong năm vừa qua. Trong bài nầy chúng tôi xin trình bày một số khó khăn (có thể gọi là những bóng tối) trong đời sống Giáo Hội trong năm 1997.

Do Chúa Giêsu thiết lập từ hai ngàn năm nay, Giáo Hội vẫn bị bách hại bằng cách này hay cách khác. Các lực lượng của tối tăm vẫn nhằm bóp chết Giáo Hội và các hoạt động của Giáo Hội.

Trong năm 1997, trước hết nhìn về Á Châu, chúng ta không khỏi đau buồn về việc ra vạ cho nhà thần học người Sri Lanka, cha Tissa Balasuriya, thuộc Dòng Tận Hiến Ðức Maria vô nhiễm (OMI: Oblats de Marie Immaculée) do những luận đề không hợp với giáo lý của Giáo Hội về Ðức Maria Ðồng trinh, về tội Tổ Tông, về vai trò của Giáo Hội. Các luận đề này được đưa ra với lý do là muốn "hội nhập Kitô giáo vào đời sống và nền văn hóa Á châu". Những luận đề này bị coi là quá trớn, không phù hợp với những yếu tố tôn giáo của Á châu, nhất là với giáo lý thường hằng của Giáo hội, Kho tàng mạc khải đã được Thiên Chúa trao phú cho Giáo hội; không một người nào được tự ý xưng mình là thầy dạy Chân lý. Giáo Hội cổ võ việc học hỏi, nghiên cứu Thần học, nhưng trong sự cộng tác và trong vâng phục Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Trước khi ra vạ, Bộ Giáo lý Ðức tin, Hội Ðồng Giám Mục Sri Lanka và Bề trên Dòng của Cha Tissa Balasuriya, đã nghiên cứu và yêu cầu tác giả rút lại những điều đã viết ra và đình chỉ việc phổ biến những điều sai lạc đó. Vì cha không chấp nhận, nên Giáo Hội đã phải đi đến biện pháp sau cùng, là tuyên bố cha bị vạ tuyệt thông theo nghĩa rộng, nghĩa là chính cha, khi làm thế, đã tự mình tách rời ra khỏi Giáo Hội, tự mình tuyệt thông với Giáo Hội.

Giáo hội Công Giáo tại Á Châu là một cộng đồng thiểu số, nhưng luôn luôn dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng, trong việc bênh vực nhân quyền. Những hoạt động này nhiều lúc gây nên những va chạm với các tôn giáo khác hoặc với nhà cầm quyền địa phương. Chẳng hạn như tại Ấn Ðộ, những nhóm Hindu quá khích trong bang Bihar và Madya Pradesh đã tố cáo Giáo Hội chiêu mộ tín hữu. Tại Bihar một cha Dòng Tên bị giết và một nhà truyền giáo khác bị giam tù vì những tố cáo không nền tảng. Tại Nam Hàn Giáo Hội nhiều lần lên tiếng bênh vực nhân quyền và anh chị em thợ thuyền. Tại Philippines, vào tháng hai (năm 1997), Ðức Cha Benjamin de Jesus, giám mục Ðại diện Tông Tòa giáo phận Jolo, đã bị sát hại ngay bên cạnh nhà thờ chính tòa. Tại miền Ðông Ðảo Timor, Ðức Cha Belo tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và do đó ngài gặp khó khăn không ít nơi Nhà cầm quyền địa phương và Chính phủ trung ương Indonesia. Nhìn về Trung Quốc, Giáo Hội vẫn tiếp tục bị bách hại. Tại Việt Nam, Giáo Hội không bị bách hại công khai như Trung Quốc, nhưng luôn luôn gặp khó khăn và bị theo dõi.

Quay sang Châu Âu, từ Ðông sang Tây, cái nguy hiểm lớn hơn cả là việc lãnh đạm tôn giáo, chạy theo thuyết Duy vật thực hành. Tại Thụy Sĩ, Cộng Hòa Liên Bang Ðức và Áo Quốc, các giám mục đang cố gắng hết sức để tránh việc đóng cửa các Phân Khoa Thần học, vì con số sinh viên mỗi ngày mỗi giảm sút. Tại Pháp, Hội Ðồng Giám Mục đang xúc tiến việc tổ chức lại các giáo phận, cách riêng các giáo xứ vì nạn khan hiếm linh mục. Tại Nga, việc các linh mục ngoại quốc vào trong nước bị giới hạn tối đa, đến nỗi không thể nào thực hiện được một chương trình mục vụ liên tục tại miền Siberia. Tại Bielorussia, Giáo hội phải tranh đấu để được tự do phụng tự. Nhiều nơi phụng tự bị chiếm dưới chế độ cộng sản Liên Xô, nay vẫn chưa được trả lại cho Giáo Hội.

Nhìn về Châu Phi, Các Giám Mục đã phải lên tiếng nhiều lần về chiến tranh, về biết bao bất công xã hội, về cảnh nghèo đói, về những tranh chấp đẫm máu giữa các chủng tộc, về nạn tham nhũng nơi nhà cầm quyền , về những vụ đảo chính, về chế độ tư bản mới, lạm dụng khai thác không kém phần dã man như chế độ thuộc địa trước đây. Các ngài viết: người dân Châu Phi cần được giúp đỡ về kỹ thuật, để phát triển, chứ không cần đến các vũ khí để sát hại nhau. Những vụ khủng bố, giết người vô tội do những nhóm Hồi giáo quá khích tại Algérie và những vụ phá hủy các nơi phụng tự, tịch thu cơ sở của Giáo hội tại Sudan, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tôn giáo . Mới đây Hội Ðồng các Giáo Hội Kitô tại Sudan đã gửi lên Chính phủ Khartoum một văn kiện tố giác về những âm mưu phá hoại "ném đá giấu tay" của nhà cầm quyền. Những trả lời của chính phủ nói một cách hàm hồ, là: "hạ cấp làm liều". Tại Châu Phi, việc truyền giao đang gặp ba thách đố lớn lao này: miền Bắc Hồi Giáo quá khích, sát hại cả các nhà truyền giáo - miền các Hồ Lớn, chiến tranh diệt chủng: cần tìm ra những căn cớ sâu xa của việc tranh chấp chủng tộc này - miền Nam, chính sách Apartheid (kỳ thị chủng tộc) có thể nói đã chấm đứt, nhưng điều quan trọng là biết đón nhận những thách đố mới do hoàn cảnh thay đổi đặt ra. Ðể đối phó với các vấn đề cũ và mới của Lục địa này, Văn Kiện sau Thượng Hội Ðồng (1994) công bố tháng 9 năm 1995 đã đưa ra những đường hướng chỉ dẫn: cũng cố Giáo Hội tại gia đình và dấn thân ưu tiên trong việc thăng tiến xã hội.

Trở sang Châu Mỹ, không phải không có những vấn đề lo ngại: tại Hoa Kỳ, nhiều giáo dân trong một số Giáo phận nói là mình không còn tin sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Tại Argentina, Bí tích Thêm Sức bị coi là lỗi thời - Tại nhiều nước Châu Mỹ Latinh, Giáo Hội lên tiếng tố giác cảnh nghèo khổ của người dân, cách riêng người dân thổ cư, bị khai thác; nhưng không phải chỉ lên tiếng, Giáo hội còn dấn thân cách cụ thể bằng tình liên đới, cách riêng tại các nước Mehico, miền giáp giới Hoa kỳ, tại Brazil và Paraguay.

Ðể đối phó với các lực tối tăm , ÐTC Gioan Phaolô II đã quyết định triệu tập các Khóa họp riêng biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới cho từng Châu và chuẩn bị ráo riết Năm Ðại Toàn Xá 2000 không những để đem lại nguồn sống mới cho Giáo Hội, mà còn cho cả thế giới nữa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page