Sắc Lệnh số 234 của Nhà Nước Việt Nam

Quyền Tự Do Tín Ngưỡng

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tin Việt Nam (04/07/2003) - kèm theo Lá thư của Ðức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gửi Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam, là Sắc Lệnh số 234 của Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ban hành vào năm 1955, tài liệu này do Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh cung cấp, sau đây là bản văn Sắc Lệnh số 234 của Nhà Nước Việt Nam về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng:

 

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Sắc Lệnh Số 234 - S-L

 

Hà nội, ngày 14 tháng 6 năm 1955

Chủ Tịch Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Căn cứ vào chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về vấn đề tôn giáo.

Căn cứ vào những nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng do Quốc hội Nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hoà đã thông qua trong khoá họp thứ tư.

Theo nghị quyết của hội đồng Chính phủ và được Ban Thường Trực Quốc hội thoả thuận

Ra Sắc Lệnh :

 

Chương I

Bảo Ðảm Quyền Tự Do Tín Ngưỡng

Ðiều 1. Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các Cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý...)

Khi truyền bá tôn giáo các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà.

Ðiều 2. Các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân.

Ðiều 3. Các nhà tu hành người ngoại quốc mà Chính phủ Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt-nam và phải tuân theo luật pháp của nước Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà, như các ngoại kiều khác.

Ðiều 4. Các tôn giáo được xuất bản và phát hành những kinh bổn, sách báo có tính chất tôn giáo, nhưng phải tuân theo luật pháp của chính phủ nước Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà về việc xuất bản.

Ðiều 5. Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.

Ðiều 6. Các nhà thờ, đền, chùa, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường giáo lý của các tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Ðiều 7. Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc khác trái pháp luật.

 

Chương II

Ðối Với Những Hoạt Ðộng Kinh Tế, Văn Hóa, Xã Hội Của Các Tôn Giáo

Ðiều 8. Các tổ chức của tôn giáo có tính chất kinh tế, văn hoá, xã hội đều được hoạt động sau khi đã xin phép chính quyền và được chính quyển chuẩn y chương trình, điều lệ.

Những tổ chức ấy đều coi như những tổ chức của tư nhân và được pháp luật bảo hộ.

Ðiều 9. Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải dạy theo chương trình giáo dục của chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của chính phủ có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học.

 

Chương III

Ðối Với Vấn Ðề Ruộng Ðất Của Các Tôn Giáo

Ðiều 10. Trong cải cách ruộng đất, khi chính phủ trưng thu hoặc trưng mua ruộng đất của các tôn giáo để chia cho nông dân thì sẽ để lại cho nhà thờ, nhà chùa, thánh thất một số ruộng đất đủ cho việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo.

Số ruộng ấy là bao nhiêu sẽ do nông dân địa phương (nơi có nhà thờ, nhà chùa, thánh thất) bình nghị và do chính quyền cấp tỉnh chuẩn y.

Nông thôn khi chia ruộng đất, những người làm công trong các nhà thờ, nhà chùa cũng được chia một phần như nông dân lao động khác.

Ðiều 11. Khi phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, những Giám mục, Linh mục, Nhà sư, Mục sư, Chúc sắc có ruộng đất riêng phát canh thu tô như địa chủ, sẽ không quy định thành phần là địa chủ, nhưng phải thi hành đúng chính sách ruộng đất của Chính phủ.

Ðiều 12. Ðể bảo đảm việc thờ cúng của nhân dân và giúp đỡ các nhà tu hành, đối với phần ruộng đất mà nhà thờ, nhà chùa, thánh thất được sử dụng từ sau cải cách ruộng đất, Chính phủ sẽ chiếu cố và cho đóng thuế nông nghiệp theo mức nhẹ hơn.

 

Chương IV

Quan Hệ Giữa Chính Quyền Nhân Dân Và Các Tôn Giáo

Ðiều 13. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo.

Riêng về công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo Hội Việt nam với Toà Thánh La-mã là vấn đề nội bộ của công giáo.

Ðiều 14. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo luật pháp của nước Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà, như mọi tổ chức khác của nhân dân.

Ðiều 15. Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện.

 

Chương V

Ðiều Khoản Thi Hành

Ðiều 16. Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương và các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này.

 

Chủ tịch

Nước Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà

Ðã ký : Hồ Chí Minh

 

Tiếp ký

K/T Thủ thướng Chính phủ

Phó Thủ tướng

Ðã ký : Phạm Văn Ðồng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page