Thư của Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Saigon

gởi Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Toà Tổng Giám mục Thành phố Saigon

(Hội đồng Giám mục Việt Nam)

180 Nguyễn ÐìnhChiểu, Quận 3

Tel: 8292828

 

Kính gửi :

- Cụ Chủ Tịch Quốc Hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ðồng kính gửi :

- Cụ Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam

- Cụ Chủ tịch Nước

- Cụ Thủ tướng Chính phủ

 

Ngày 27 tháng 6 năm 2003

 

Kính thưa Cụ Chủ tịch,

- Chúng tôi đã nhận được Bản dự thảo số 16 Pháp lệnh về Tôn giáo của uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi tới xin góp ý kiến. Tuy nhiên sau này, qua các đại biểu Công giáo trong Quốc hội và qua mấy thành viên trong Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, chúng tôi còn có được các bản dự thảo số 19 và số 20.

- Sau khi nghiên cứu kỹ Bản dự thảo cuối cùng (số 20), và tham khảo ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân thuộc giới Công giáo gửi cho các cơ quan liên hệ, chúng tôi còn nghiên cứu Sắc lệnh 234 S/L đầu tiên của nước ta về Tôn giáo do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955. Ngoài ra chúng tôi cũng được đọc một bài viết rất có giá trị của Gs. Ts. Ðỗ quang Hưng, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, về đề tài HCM và nền tảng luật pháp tôn giáo ở nước ta, đăng trong tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3-2002 (Trg 3-13). Chính vì vậy, chúng tôi xin góp ý như sau:

1. Cũng như hầu hết các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân thuộc giới Công giáo nói trên, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với giáo sư Ðỗ quang Hưng, khẳng định rằng Sắc lệnh 234 của Hồ Chủ tịch "là văn bản có tính luật pháp tiêu biểu và hoàn chỉnh nhất cho những cống hiến quan trọng của HCM trên chặng đường đầu tiên xây dựng luật pháp tôn giáo ở Việt Nam" (bđd. trg 7), và rằng Sắc lệnh nói trên "của Chủ tịch HCM với nhiều điều khoản phong phú, hệ thống, liên quan đến các hoạt động tôn giáo, lần đầu tiên phản ánh rõ quan điểm, thái độ của Nhà Nước ta trong việc thể chế hoá chính sách tự do tôn giáo của mình, đồng thời cũng đã bộc lộ những tư tưởng nhân văn, có tình có lí, giải quyết vấn đề tôn giáo theo cung cách Việt Nam." (nt. Trg.11). Vì thế, chúng tôi cũng nhất trí với tác giả bài nghiên cứu nói trên mà đề nghị : "Hôm nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải "tìm đến ngọn nguồn" cho bước đi kế tiếp." (trg.12).

- Thật vậy, nếu Sắc lệnh 234 lịch sử của Hồ Chủ tịch "có tính luật pháp tiêu biểu và hoàn chỉnh nhất", thiết tưởng chúng ta nên trân trọng duy trì và bổ sung cho hợp với hoàn cảnh hiện nay. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Ðảng và Nhà Nước không ngừng nhắc nhở phải đề cao tư tưởng HCM, chúng tôi ước mong tư tưởng ấy cũng được thể hiện một cách trọn vẹn trong Pháp lệnh về Tôn giáo.Sắc lệnh 234 tuy ngắn gọn, nhưng lại súc tích, đủ điều. Chỉ với một lời mở đầu, 5 Chương và 16 Ðiều, nhưng lại đặt ra được nền tảng vững chắc cho một pháp lệnh liên quan đến tôn giáo, phù hợp với luật pháp quốc tế (1). Và, chỉ với mấy câu ngắn gọn sau đây, đủ cho chúng ta thấy tinh thần cởi mở của Chủ tịch HCM:

- Ðiều 13 : "Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo",

- Ðiều 3 : "Các nhà tu hành ngoại quốc mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt Nam...",

- Ðiều 9 : "Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học".

2. Theo Ðiều 2 Chương I của Sắc lệnh 234: "Các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân", chúng tôi mong muốn điều này được áp dụng trong Pháp lệnh về Tôn giáo. Ngoài ra, theo Ðiều 5 của Sắc lệnh này: "Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình", vì thế, Nhà Nước không nên hạn chế con số tuyển sinh, đặt ra hệ thống "quota" cho từng đơn vị, qui định thời gian nhất định cho việc tuyển sinh như hiện nay.

3. Chúng tôi đồng ý với nhiều người cho rằng Ðiều 24 của dự thảo Pháp lệnh (lần thứ 20) biểu hiện ý muốn can thiệp quá sâu vào nội bộ tôn giáo, khi buộc các chức sắc tôn giáo, tuỳ theo cấp bậc, phải được Chính quyền trung ương hay địa phương chấp thuận và công nhận bằng văn bản mới được hoạt động. Ðiều này vừa không thực tế, vừa làm cho các chức sắc tôn giáo quá lệ thuộc vào chính quyền, dễ sinh ra phiền toái và tiêu cực.

4. Về quan hệ đối ngoại, khi đọc Sắc lệnh 234, chúng tôi thấy rằng Hồ Chủ tịch quả là một cái nhìn đi trước thời đại khi viết: "... Riêng về công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Toà thánh La-mã là vấn đề nội bộ của công giáo." (Chương IV, Ðiều 13). Trong khi việc giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng trở nên bình thường, và những xa lộ thông tin toàn cầu đang mở rộng, chúng tôi đề nghị sửa lại Chương IV của dự thảo Pháp lệnh Tôn giáo theo tinh thần Hồ Chủ tịch.

5. Vậy, để "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" vì "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", và thực hiện chính sách "tốt đạo đẹp đời", chúng tôi đề nghị Nhà Nước nên lấy Sắc lệnh 234 của Hồ Chủ tịch làm căn bản cho Pháp lệnh về những hoạt động tôn giáo, chỉ cần thay đổi nội dung Chương III của Sắc lệnh này. Trong hoàn cảnh hiện nay, thiết tưởng Nhà Nước nên đặt ra các nguyên tắc hợp tình hợp lý để giải quyết các vấn đề về cơ sở, đất đai, nhà cửa của các tôn giáo.

- Trong tinh thần đại đoàn kết dân tộc và góp phần phát triển đất nước, chúng tôi chân thành góp những ý kiến trên đây cho Bản dự thảo Pháp lệnh về tôn giáo. Kính chúc Cụ khang an và hạnh phúc.

 

(Ấn Ký)

Phạm Minh Mẫn

Tổng Giám Mục Tp Saigon

 

Ghi chú:

(1) Luật Tách rời các Giáo Hội và Nhà nước của Pháp, 9-12-1905; Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, 10-12-1948 (Ðiều 18); Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và chính trị (Ðiều 18); Công ước Châu Âu 1950.

 

Phụ Lục:

Sắc Lệnh về Quyền Tự Do Tôn Giáo năm 1955 của Nhà Nước Việt Nam

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page