Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Trân Trọng Quá Khứ
Mới đây khi chiếc tàu ngầm của Hoa Kỳ làm chìm một chiếc tàu đánh cá của Nhật Bản, con cháu của nữ thần thái dương đã ầm ĩ lên tiếng đòi người Mỹ phải xin lỗi. Dĩ nhiên Hoa Kỳ đã phải xin lỗi. Họ đòi Hoa Kỳ phải bồi thường, Hoa Kỳ cũng không hề phản đối.
Chuyện một chiếc tàu đánh cá của Nhật Bản bị đánh chìm đã làm dậy lên bao nhiêu chuyện cũ. Người Nhật lại nhắc đến hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống hai Thành Phố Hirosima và Nagasaki hồi năm 1945, rồi từ hai quả bom ấy, người Nhật lại lôi ra chuyện những người lính Mỹ hãm hiếp những nữ sinh viên Nhật tại Okinagoa.
Giữa lúc Hoa Kỳ mỗi ngày một gia tăng áp lực đòi hỏi Nhật Bản phải nới rộng chế độ bảo hộ thị trường để điều chỉnh cán cân thương mại quá chênh lệch giữa hai nước, thì hình ảnh chiếc tàu bị đánh chìm bỗng dưng đã làm sống lại cái mặc cảm nạn nhân của người Nhật. Với người Nhật, nhất là những người có tinh thần quốc gia cực đoan bao giờ cũng có thể lớn tiếng trong tư thế nạn nhân và trơ tráo chối bỏ trách nhiệm của một thủ phạm. Bao nhiêu năm nay họ luôn luôn từ chối, luôn luôn phủ nhận những tội ác tày trời đã gieo rắc lên đầu kẻ khác trong suốt thời đệ nhị thế chiến, cụ thể nhất là chuyện của rất nhiều phụ nữ Á Châu như Ðại Hàn, Trung Hoa, hay Phi Luật Tân đã bị cưỡng bách để giúp giải quyết sinh lý cho quân đội của Thiên Hoàng.
Tại Âu Châu, nếu những nạn nhân của Ðức Quốc Xã còn sống sót đã được trả lại tài sản, nếu những kẻ đã từng bị bắt đi lao động cưỡng bách trong những nhà máy của Ðức đều được đền bù, thì những người phụ nữ nạn nhân của những Thiên Hoàng trên đây vẫn mãi mãi ngóng cổ chờ đợi, tuổi đời chồng chất theo năm tháng, họ đã khóc lóc đến khô cả nước mắt mà vẫn không được đền bù, chưa nói đến một sự đền bù vật chất, chỉ một lời công khai nhận lỗi, công khai thú nhận đã bắt buộc kẻ khác phải làm đồ chơi sinh lý cho mình thôi họ cũng chưa nghe được.
Quí vị và các bạn thân mến,
Là một trong những quốc gia phồn thịnh với một đời sống xã hội ổn định nhất nhì thế giới, Nhật Bản hình như muốn quên đi cái quá khứ đầy tội ác mà nó đã gây ra cho thế giới, nhất là tại Á Châu. Thật ra, quốc gia này có thể bỏ lại đàng sau quá khứ để thanh thản tiến về phía trước không? Nó có thể bịt tai trước tiếng nói của bao nhiêu nạn nhân hiện còn sống sót không?
Kitô giáo luôn luôn trân trọng quá khứ, đây là bài học mà con người có thể thấy được trong từng trang Thánh Kinh. Có nhìn lại quá khứ, con người mới thấy được thân phận tội lỗi của mình và cảm nhận được hồng ân Thiên Chúa. Trọng tâm và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo là Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích này được Chúa Giêsu thiết lập trong bối cảnh của cuộc tưởng niệm việc Thiên Chúa giải phóng dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, đồng thời khai mở việc tưởng niệm chính cái chết của Ngài: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy".
Mệnh lệnh này vừa nhắc nhở cho các tín hữu về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, vừa mời gọi họ lập lại trong cuộc sống của họ chính mầu nhiệm ấy. Hằng ngày trong ánh sáng mầu nhiệm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, các tín hữu Kitô cũng nhìn lại cuộc sống của họ, cuộc sống đầy yếu hèn và vấp ngã của họ, nhưng cái nhìn ấy không nhận chìm họ trong hố sâu của thất vọng, mà trái lại mời gọi họ tiến về phía trước trong tin tưởng và phó thác.
Người tín hữu Kitô khi nhìn lại quá khứ tội lỗi của mình để nhận ra thân phận yếu hèn cần được tha thứ và chữa trị, nhưng đồng thời họ cũng được mời gọi tiến tới trong tin tưởng và phó thác cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, bao phen chúng con đã xúc phạm đến Chúa, xin Chúa tha thứ cho chúng con và ban lại bình an cho chúng con. Amen.