Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thái Ðô Vô Tín

 

Nhiều người nại đến vấn đề đau khổ để chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, có thể đã nhìn đau khổ và sự dữ dưới nhiều gốc rễ khác nhau. Chúng ta đã có dịp chia sẻ đau khổ là một mầu nhiệm hơn là một vấn đề, một mầu nhiệm gắn liền với chính mầu nhiệm mà chúng ta gọi là tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Ðấng trọn hảo, nhưng tình yêu và sự trọn hảo ấy vượt quá khả năng suy tưởng của con người, khi lý trí đã đầu hàng trước mầu nhiệm, lúc đó con người cần chạy đến ánh sáng của niềm tin, đó là điều mà chúng ta đã chia sẻ trong những bài trước.

Hôm nay chúng ta trở lại với thái độ vô tín của con người. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người không tin và không có tôn giáo, một số công khai tuyên xưng mình là người vô thần, một số khác do ảnh hưởng của môi trường hay do ảnh hưởng sự chọn lựa cá nhân cũng trở thành không tin hay công khai tuyên bố sự vô thần của mình.

Trước hết, cần phải xác định thế nào là không tin? Không tin trước hết có nghĩa là không tin có Thiên Chúa, không có một cái nhìn tôn giáo về cuộc sống, không hề quy chiếu về tôn giáo, tín ngưỡng và các giá trị tôn giáo, không tin có bất cứ một cuộc sống nào bên kia cõi chết.

Tựu trung không tin có nghĩa là không tin có một tôn giáo nào. Như vậy, không tin cũng có nghĩa là không có một hữu thể siêu việt nào bên kia thế giới hữu hình này, rằng thế giới này là tất cả, và chết là một tận cùng vĩnh viễn. Dĩ nhiên, không tin không có nghĩa là không tin bất cứ điều gì, người không tin vẫn có một niềm tin riêng cho mình. Thật thế, người không tin vẫn tin ở một giá trị trần thế nào đó như tổ quốc, sự tiến bộ khoa học, tự do lý trí, v.v... Người không tin cũng có thể tin ở nhân loại, tin ở con người và những giá trị nhân bản cao cả khác như công lý và hòa bình, những giá trị này vừa là Thiên Chúa, vừa là Tôn Giáo của họ. người không tin có thể tuyên bố công khai rằng mình là người vô thần và có một lập trường rõ rệt là chối bỏ Thiên Chúa, lên án Tôn Giáo. Bên cạnh những người vô thần công khai ấy, còn có những người không do xác tín và chọn lựa xác tín, mà do môi trường sống nhiều hơn, họ tỏ ra dửng dưng dối với vấn đề Tôn Giáo.

 

Nền văn minh tiêu thụ bóp nghẹt Tôn Giáo và mọi câu hỏi về Tôn Giáo, con người sống mà không màng đến Tôn Giáo, những giá trị vĩnh cửu, cuộc sống mai hậu và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ðây vốn là những người vô thần của thời đại, hay đúng hơn phải gọi họ là những người hoàn toàn dửng dưng về tôn giáo.

Từ thái độ của những người không thấy và không cảm nhận được Tôn Giáo và Thiên Chúa như giá trị đáng khao khát và tìm kiếm. Một giá trị đáng sống chết cho dù chỉ là trong một mức độ nhỏ, đối với họ Thiên Chúa và Tôn Giáo không phải là những vấn đề sống hay cần được quan tâm, đối với họ Thiên Chúa và Tôn Giáo hoàn toàn không hệ trọng trong cuộc sống. Nói cách khác Thiên Chúa và Tôn Giáo không phải là những vấn đề sống còn.

Ðối với những người có thái độ dửng dưng về Tôn Giáo thì Thiên Chúa đã chết, Ngài đã hoàn toàn biến khỏi chân trời của con người. Thật ra, đây không phải là sự hiện hữu của con người. Thật ra, đây không phải là sự hiện hữu trong bản chất của Thiên Chúa mà là những giá trị của Ngài. Ðối với những người có thái độ dửng dưng về Tôn Giáo rất có thể Thiên Chúa hiện hữu, nhưng sự hiện hữu ấy hoàn toàn xa lạ hay vô nghĩa đối với con người, con người vẫn có thể sống mà không cần có Thiên Chúa, do đó dửng dưng về Tôn Giáo có nghĩa là không màng đến Thiên Chúa và Tôn Giáo về mặt lý trí cũng như tình cảm. Người có thái độ dửng dưng về Tôn Giáo không chống Thiên Chúa, nhưng cũng chẳng theo Thiên Chúa, đối với họ Thiên Chúa hoàn toàn vắng mặt.

Dửng dưng về Tôn Giáo là một hiện tượng khá phúc tạp, bởi vì nó vừa có thể đi đôi với quan tâm về Tôn Giáo, vừa có nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Thật thế, không thiếu những người dửng dưng về Tôn Giáo, nhưng lại quan tâm đến sự kiện mà đời sống của Tôn Giáo và các Giáo Hội do đòi hỏi của nghề nghiệp như truyền thông chẳng hạn. Nhiều người quan tâm đến các sự kiện Tôn Giáo, nhưng về mặt chủ quan vẫn tỏ ra dửng dưng đối với các vấn đề Tôn Giáo vì đòi hỏi nghiên cứu hơn là xác tín cá nhân, cũng không thiếu những người quan tâm đến Tôn Giáo chỉ vì lý do chính trị mà thôi. Cuối cùng cũng có một số quan tâm đến sự kiện Tôn Giáo vì tò mò hay vì cảm tình đối với một số nhân vật Tôn Giáo nào đó. Dĩ nhiên, tất cả đều quan tâm đến các sự kiện Tôn Giáo, nhưng không hề có hay không cảm nghiệm đến Tôn Giáo nào, họ không xem Tôn Giáo với vấn đề sống còn đối với cá nhân họ.

Thái độ dửng dưng về Tôn Giáo cũng có thể tồn tại dưới sự thực hành Tôn Giáo. Nói chung khi đã có một thực hành tôn giáo thường xuyên rồi, dĩ nhiên không còn dửng dưng về thái độ Tôn Giáo nữa. Trái lại, khi người ta chỉ xem Tôn Giáo như một yếu tố xã hội, chỉ được thực hiện một lúc nào đó trong cuộc sống như cưới hỏi, ma chay chẳng hạn, thì đây vẫn là một thái độ dửng dưng về Tôn Giáo.

Trong thực tế có nhiều cấp độ với thái độ dửng dưng về Tôn Giáo, có những người mà mối quan tâm về Tôn Giáo không hoàn toàn vắng bóng, nhưng chỉ chiếm một chỗ rất khiêm tốn mà thôi. Trong bậc thang giá trị của họ, Thiên Chúa và Tôn Giáo vẫn có mặt nhưng không quan trọng hoặc bị chiếm chỗ rốt nhất. Cũng có những người tin một cách mơ hồ về một hữu thể siêu việt nào đó, niềm tin này có một ảnh hưởng nào đó trên cuộc sống của họ, họ sống như thể Ðấng ấy không hề hiện hữu. Cuối cùng cũng có những người không bao giờ đặt vấn đề Tôn Giáo mà cũng chẳng có bất cứ bận tâm nào về vấn đề Tôn Giáo hay có bất cứ liên quan nào đến vấn đề Tôn Giáo.

Dửng dưng về vấn đề Tôn Giáo là một hiện tượng quần chúng gắn liền với xã hội tiêu thụ, các tiện nghi vật chất càng gia tăng, nhu cầu Tôn Giáo xem ra càng giảm, bậc thang giátrị bị đảo lộn, lẽ ra là nhu cầu chủ yếu thì nhu cầu Tôn Giáo lại rơi vào hàng thứ yếu, dần dần bị bóp nghẹt bởi các nhu cầu khác.

Ngoài ra bầu khí duy vật do xây dựng trên chủ nghĩa vô thần tạo ra cũng làm nên những thái độ dửng dưng về Tôn Giáo. Nhiều người sinh ra và lớn lên trong chế độ chủ trương tiêu diệt mọi giá trị siêu việt, nên làm cho nhiều người có thái độ dửng dưng về Tôn Giáo. trong lá thư mới đây của một thính giả tại Hà Nội viết như sau: "Tôi là một sinh viên đang học ở Hà Nội, tôi sống trong một ký túc xá, cả phòng chỉ có một mình tôi là người Công Giáo nên tôi cảm thấy rất thiếu vắng và đơn độc, các bạn luôn chê trách chế nhạo mỗi khi tôi đi lễ".

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page