Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Vấn Ðề Ðau Khổ
Những người vô thần thường nại đến đau khổ để chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Quả thật không thể suy tư về sự hiện hữu của Thiên Chúa mà không đặt vấn đề đau khổ. Ðứng trước những vấn đề đau khổ, người ta thường đặt những câu hỏi như:
Nếu có một Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng và trọn hảo, tại sao Ngài lại dựng nên một thế giới bất toàn đầy đau khổ như thế?
Nếu có một Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng trọn hảo và toàn tri, nghĩa là biết trước mọi sự sẽ xảy ra, tại sao Ngài dựng một thế giới trong đó các tạo vật, nhất là con người sẽ phải đau khổ, thà đừng tạo dựng một thế giới như thế hay một con người như thế có tốt hơn không?
Cho dẫu có tạo dựng một thế giới bất toàn đi nữa, tại sao Ngài không tìm cách ngăn ngừa để con người không phải chịu quá nhiều đau khổ như chúng ta đã và đang chứng kiến trong lịch sử nhân loại?
Ðau khổ quả là một vấp phạm cho lý trí con người, lý trí con người có thể nêu lên vô số những vấn nạn về đau khổ, và dù có cố gắng đến đâu lý trí con người vẫn không bao giờ có thể tìm được một câu giải đáp thỏa đáng cho vấn đề đau khổ. Thật ra, đau khổ không phải là một vấn đề, đã là vấn đề thì đương nhiên có giải đáp, đàng này càng cố gắng bao nhiêu lý trí con người càng tỏ ra bất lực bấy nhiêu. Ðau khổ như vậy không đơn thuần là một vấn đề, nhưng thiết yếu là một mầu nhiệm, mầu nhiệm ấy gắn liền với chính mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống mỗi khi lý trí phải đầu hàng, con người phải chạy đến với niềm tin. Hơn bất cứ mầu nhiệm nào của cuộc sống, đau khổ mời gọi con người tìm đến ánh sáng của niềm tin.
Khởi đầu không phải để giải quyết vấn đề đau khổ, nhưng là để đi vào mầu nhiệm của nó là một hành động đức tin. Ðứng trước đau khổ người có niềm tin luôn tuyên xưng rằng, Thiên Chúa là Ðấng trọn hảo, Thiên Chúa là tình yêu. Do đó vấn đề được đặt ra không phải là: nếu Thiên Chúa là Ðấng tốt lành tai sao Ngài lại cho phép xảy ra khiến cho con người phải đau khổ? Sẽ không có câu giải đáp nào cho một câu hỏi như thế, bởi vì với lý trí chúng ta không thể biết được Thiên Chúa tốt lành như thế nào, lý trí không thể giải đáp được câu hỏi ấy, nhưng niềm tin trả lời cho chúng ta rằng, Thiên Chúa là tình yêu, nên tất cả những gì Ngài làm hay cho phép thì Ngài đều làm hay cho phép vì tình yêu, nghĩa là vì thiện ích cho những người Ngài yêu thương.
Như vậy, dẫu không muốn sự dữ, nhưng nếu Ngài cho phép sự dữ xảy ra là vì từ sự dữ ấy Ngài muốn rút ra một điều thiện ích lớn hơn cho các tạo vật, cách riêng cho con người. Dĩ nhiên chúng ta thường không thấy và cũng chẳng biết Thiên Chúa làm như thế nào để từ một sự dữ mang lại một sự thiện lớn lao hơn cho chúng ta, nhưng bởi vì Ngài là tình yêu, là người Cha tốt lành của chúng ta, cho nên chúng ta có quyền tin tuyệt đối rằng Ngài qui mọi sự về thiện ích cho con cái Ngài.
Ðồng trinh là cốt lõi của niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa để cho mọi sự xảy ra ngay cả đau khổ và sự chết là vì thiện ích cho con người. Một niềm tin như thế có thể giúp cho con người có thể tiếp tục tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, ngay cả khi chứng kiến hay trải qua những đau khổ tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi.
Cách chúng ta 2,400 năm, một tác giả trong Kinh Thánh Cựu Ước đã sáng tác một câu truyện có tựa đề: "Ông Gióp" để vừa kêu lên tiếng thống khổ của con người khi đứng trước đau khổ, vừa giúp cho những ai đau khổ đứng vững được trong cơn thử thách. Gióp là một người công chính, nhưng phải chịu không biết bao nhiêu đau khổ. Sau những giây phút nổi loạn, hồi tâm lại ông Gióp thưa với Thiên Chúa: "Con hiểu rằng Chúa có thể làm được mọi sự, không gì mà Chúa không làm được, ai có thể dò thấu ý định của Thiên Chúa". Chắc chắn cuốn sách Gióp này đã giúp cho nhiều người Do Thái đứng vững trong niềm tin của những người sau khi đã trải qua cuộc sát tế Ðức Quốc Xã chủ trương.
Ðứng trước đau khổ, người tín hữu Kitô được mời gọi để tín thác, họ xác tín rằng "Thiên Chúa là tình yêu", tất cả những gì Ngài làm đều có mục tiêu chung là ơn cứu rỗi và là niềm vui của con người. Do đó Thiên Chúa có thể tạo dựng thế giới bất toàn, trong đó con người có thể đau khổ, nhằm để thực hiện chương trình yêu thương và cứu độ cho con người. Cho dẫu chúng ta không hiểu Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người qua các sự dữ như thế nào, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong Kinh Thánh những chỉ dẫn giúp chúng ta hiểu được về sự dữ.
Rất nhiều lần Kinh Thánh kể về sự dữ như những sửa trị vì tội lỗi của con người, một mặt sự dữ thể lý như trong thân xác chẳng hạn, tự nó đã là một trừng phạt vì tội lỗi của nhân loại. Mặt khác những sự trừng phạt ấy cũng là một lời mời gọi hoán cải, Thiên Chúa sửa phạt để cứu rỗi.
Kinh Thánh nhiều lần nói về giá trị sư phạm của đau khổ, qua những thử thách của cuộc sống, Thiên Chúa sửa trị con người như người cha sửa trị con cái. Cũng có lúc Kinh Thánh xem đau khổ như một thử thách mà Thiên Chúa dành để thanh luyện bạn hữu của Ngài. Cuối cùng Kinh Thánh nói với chúng ta về giá trị và chuyển cầu của đau khổ, Thiên Chúa sử dụng đau khổ của người lành để cứu rỗi những kẻ gian ác.
Những ý tưởng trên đây bàn bạc trong toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước, đau khổ như một tiếng kêu thảm thương, vừa như một lời cầu nguyện đầy tín thác của con người. Trong con người của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa mới thực sự chiếu rọi ánh sáng hoàn toàn mầu nhiệm của đau khổ và cái chết của con người. Ðau khổ và sự chết vốn là định mệnh lịch sử của con người, chính đau khổ và tội lỗi mà sự chết đã đi vào trong trần thế, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người với định mệnh ấy. Trong con người của Chúa Giêsu, Ngài đã gánh lấy đau khổ và sự chết để giải phóng con người khỏi quyền lực của tội lỗi.
Cư xử như thế, Thiên Chúa đã trở thành người bạn đồng hành với con người đang đau khổ và phải chết. Nhưng nếu con người phải đau khổ và phải chết vì tội lỗi của mình, thì Chúa Kitô đau khổ và chết một cách vô tội, Ngài đau khổ và chết vì tội lỗi của người khác, với đau khổ và cái chết vô tội của Ngài, Ngài cứu độ sự đau khổ và cái chết của con người. Ðiều này không có nghĩa là với cái chết và đau khổ của Ngài, Ngài hủy diệt cái chết và đau khổ của con người, điều đó chỉ có nghĩa là đau khổ và sự chết không còn là hình phạt của tội lỗi nữa mà đã trở thành khí cụ ơn cứu rỗi. Nói cách khác, tội lỗi đã bị đánh bại và con người đã được cứu rỗi.
Như vậy, sau khi Chúa Kitô đau khổ và chết trên Thập Giá, thì đau khổ và sự chết của con người không biến mất, nhưng mất đi tính cách phi lý và mặc lấy một ý nghĩa mới, từ nay không có một giọt nước mắt nào là vô nghĩa, không có một tiếng kêu đau thương nào là vô ích. Thiên Chúa sử dụng tất cả mọi sự vì ơn cứu rỗi và niềm vui của con người, nghĩa là với đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu, đau khổ không biến mất khỏi mặt đất, nhưng mang lấy một ý nghĩa mới, thì biểu hiện của hình phạt và hư mất nó trở thành dấu hiệu ơn cứu rỗi. Ðó là ánh sáng của niềm tin mà Kitô giáo muốn chiếu rọi vào đau khổ.