Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Người Môn Ðệ Yêu Mến
Có người kia lúc sinh thời rất tự hào về đời sống luân lý, liêm sỉ, chính trực của mình. Rồi một hôm ông bị bệnh nặng và qua đời, linh hồn ông bay thẳng đến trước cửa Thiên Ðàng và xin được trình diện trước tòa Chúa.
Tới nơi ông phủ phục và thưa: Lạy Chúa, Chúa biết rõ đời con, suốt đời con luôn trung thành tuân giữ luật Chúa, không hề bỏ sót hoặc lỗi phạm điều gì bất lương bất chính cả. Này đây con xin Chúa thương nhìn hai bàn tay trong trắng của con.
Thiên Chúa nhân từ nhìn ông và nói: con ơi, con nói đúng, hai bàn tay con trong sạch, không vướng mắc tội gì cả. Nhưng đang tiếc là con chỉ có hai bàn tay trắng, không chút việc lành phúc đức nào cả.
Câu chuyện diễn tả ý nghĩa thật sâu xa, không chỉ được nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực, tức là xa tránh tội lỗi mà thôi nhưng quan trọng hơn nữa là khía cạnh tích cực, tức là làm việc thiện phục vụ tha nhân và thi hành các nhân đức, tiến tới thêm hơn trên con đường yêu mến Chúa để có thể trở nên chứng tá tình yêu Chúa cho những người khác nữa. Sau đây là mẫu gương chứng tá của người đồng hành với chúng ta trên con đường yêu mến, đó là mẫu gương của thánh Gioan Tông Ðồ.
Thánh Gioan , ngài là ai?
Ở phần kết của Phúc Âm thánh Gioan, tác giả gián tiếp nói về mình như sau: "Sự việc xảy ra trên bờ hồ Tibêria sau khi Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Hôm ấy Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Ðồ và Ngài hỏi riêng Simon Phêrô tới ba lần: Con có yêu mến Thầy không? (Jn 21,15-17). và cũng ba lần Simon Phêrô đã tuyên bố lòng yêu mến của ông đối với Chúa Giêsu, kèm theo lòng ăn năn thống hối vì đã hèn nhát chối Thầy ba lần" (x. Jn 18,17.25.27).
Kế đó, Chúa Giêsu đã trao phó cho Phêrô trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội, chăm sóc các con chiên mẹ của Ngài. Rồi Ngài bảo ông: Hãy theo Thầy (jn 21,19). Ông quay lại thì thấy người môn đệ Chúa Giêsu thương mến theo sau, ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly và hỏi: thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? Và khi thấy người môn đệ đó, Phêrô nói với Chúa Giêsu: thưa Thầy, còn anh này thì sao? (Jn 21,20-21). Ðức Giêsu đáp: giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh, phần anh hãy theo Thầy" (Jn 21,22).
Người môn đệ không tên với tước hiệu là môn đệ Ðức Giêsu thương mến ấy chính là bạn, chỗ trống ấy là để cho mỗi người trong chúng ta tự đặt mình vào và tiếp tục là môn đệ được Chúa Giêsu thương mến mọi người qua mọi thời đại, bởi vì Chúa Giêsu muốn người môn đệ ấy tiếp tục ở lại, tiếp tục sống và làm chứng về tình yêu Chúa cho tới khi Ngài trở lại ngày sau cùng.
Bạn là người đang trên con đường hành trình đức tin và trong lúc này bạn đang cầu xin để con đường đức tin của bạn được thành quả tốt đẹp. Như các môn đệ trước kia, Chúa Giêsu cũng đang mời bạn hãy đến mà xem, để nhận biết, để đặt niềm tin vào Ngài, để làm chứng về Ngài.
Vậy chúng ta hãy cùng tiến bước cho dù chỉ là từng bước ngắn nhỏ bé mà thôi:
"Ðường
tuy ngắn không đi không đến,
việc tuy nhỏ không làm không nên".
Trên con đường mà thánh Gioan Tông Ðồ đã vạch chỉ cho chúng ta với một ước vọng duy nhất là hiểu biết Chúa Giêsu nhiều hơn, yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn, để trở nên người bạn nghĩa thiết của Chúa Giêsu.
Trong các bạn, có lẽ đã có người có kinh nghiệm leo núi. Con đường mòn leo lên núi được mở ra đã có người đi trước rồi, có thể đã có sơn màu trên những tảng đá, những thân cây bên đường để những người đi sau biết lối mà lần mò cho dễ dàng hơn. Con đường đó đã được đặt cho một cái tên hay một con số.
Tuy nhiên, con đường mà thánh Gioan vạch ra lại là con đường không tên, không số để rồi mỗi người tiến bước sẽ tự đặt tên cho nó. Nhưng đích điểm của con đường đó vẫn chỉ là một, tức là tình yêu Chúa. Chỉ có tình yêu Chúa mới giúp chúng ta đạt tới ơn cứu rỗi.
Vậy phải làm gì để trở thành người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến?
Trước hết phải dựa đầu vào ngực của Chúa Giêsu để lắng nghe nhịp đập của Trái Tim Ngài, để cảm nghiệm được tình yêu Ngài, để kín múc niềm tin tưởng vào tình thân mật với Ngài mà mỗi người chúng ta cần có để đương đầu với những khó khăn và mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. Nói cách thực tế hơn, tức là ở lại với Ngài, không phải chỉ thỉnh thoảng sực nhớ đến Ngài, khi nhàn rỗi không biết làm gì, khi mình ưa thích hoặc khi gặp khó khăn không biết cầu cứu với ai được nữa, nhưng là ở lại với Ngài luôn, nhất là mỗi khi bạn dừng lại mở ra trong Phúc Âm lúc đó Ngài mời bạn bước vào và ở lại với Ngài để được chỉ giáo cho, để được thêm lòng hiểu biết, kiện cường lòng mến và thêm can đảm làm chứng về Ngài.
Các bạn đã biết rằng, biểu hiệu Phúc Âm của thánh Gioan là con Phượng Hoàng. Thật vậy, thánh Gioan chính là con Phượng Hoàng đã bay rất cao và tiến rất xa trong mầu nhiệm tình yêu Chúa. Bạn có biết con phượng hoàng thường làm gì khi nó trở nên già yếu và mắt bị lu mờ không? Nó thường đốt cháy lông mi dưới ánh sáng mặt trời, rồi đi nhúng mắt vào nguồn nước trong mát, lại bay bổng lên cao để nhìn thấy rõ hơn.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, bạn cũng được mời gọi bước theo con đường của thánh Gioan, tức là đến dìm mình trong mạch suối mát là Bí Tích Thanh Tẩy để được đổi mới, để được lấy lại sinh lực của tuổi xuân và để cất cánh bay cao, bay xa hơn trong bầu trời mênh mông của tình yêu Chúa.
Trên bước đường hành trình, dĩ nhiên sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt và mỏi cánh như ngôn sứ Isaia đã nói:
"Thiếu
niên mệt, đau ốm cũng thường.
Thanh niên nhược lại càng sa sút".
Và người còn mách bảo cho chúng ta thêm bí quyết thành công nữa, đó là:
"Nếu
ai muốn khỏe mạnh sung sức,
hãy trông cậy vào Ðức Hóa Công.
Hãy
tung cánh như chim phượng hoàng,
chạy không mệt và bước cũng không hề mỏi".
(Is 40,30-31).