Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Giêsu Cầu Nguyện

 

Qua kinh nghiệm và chứng tá của những người biết cầu nguyện và chuyên cần cầu nguyện, chúng ta có thể nhận thấy ngay rằng hoa trái đầu tiên của việc cầu nguyện không phải là làm mủi lòng Chúa để được Ngài ban cho ta ơn này ơn kia mà chúng ta ước nguyện, nhưng chính là sự thay đổi cái nhìn thiển cận của chúng ta để bước vào viễn tượng của Chúa, thay đổi ước muốn của chúng ta để cùng muốn những điều Chúa muốn cho chúng ta.

Hôm nay chúng ta lần mở Phúc Âm để tìm gặp Ðức Kitô trong những lúc cầu nguyện, để học lấy tâm tình của Ngài khi cầu nguyện và lắng nghe những gì Ngài dạy chúng ta về việc cầu nguyện.

 

Trong Tân Ước, cầu nguyện được bén rễ sâu trong truyền thống của kinh Thánh và được cô đọng trong bài ca vịnh ngợi khen của Ðức Maria và của ông Giacaria, đặc biệt nhất là trong Kinh Lạy Cha, là kinh Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ khi họ xin Ngài chỉ dạy cho họ cách cầu nguyện.

Các thánh sử cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Thầy dạy cầu nguyện bằng gương sáng và lời nói, nhìn Chúa Giêsu cầu nguyện, các môn đệ của Ngài cảm thấy nhu cầu của cầu nguyện, vì thế họ đã xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện. Như các môn đệ, trước hết chúng ta quan sát Chúa Giêsu trong tư thế cầu nguyện của Ngài, kế đó chúng ta cũng xin Ngài dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào?

Nhiều lần các thánh sử nói đến việc Chúa Giêsu cầu nguyện một mình, chẳng hạn như: "Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình" (Mt 14,23). "Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (Mc 1,35). "Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Bessaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện" (Mc 6,45-46).

Thánh Ambrosiô giải thích việc Chúa Giêsu thích cầu nguyện một mình nơi hoang vắng, vì trong trí khôn loài người nào có thể hiểu thấu được đường lối nhiệm mầu của Chúa. Vì thế không tạo vật nào có thể chia sẻ các tư tưởng và tình hiệp thông mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha được. Tất cả đời sống của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện liên lỉ liên tục. Tất cả các hoạt động Tông Ðồ của Ngài đều được thấm nhuần bởi bầu khí cầu nguyện thân mật với Thiên Chúa Cha, vì thế khó mà nói được khi nào Ngài cầu nguyện hoặc khi nào Ngài không cầu nguyện.

Một điều đáng chú ý nữa là các thánh sử ít khi nói đến việc Chúa Giêsu lên đền thờ để cầu nguyện. Ðiều đó không có nghĩa là Ngài không cầu nguyện trong đền thờ, vì nơi Ngài thực sự có sự hiện diện của Thiên Chúa Cha thì còn đền thờ nào sống động và cao cả hơn nữa.

Mặc dù tất cả đời sống của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện liên lỉ, nhưng Phúc Âm còn nêu bật những trường hợp khác trong đó lời cầu nguyện của Chúa Giêsu càng trở nên tha thiết nồng nhiệt hơn. Ðó là trong cuộc khổ nạn của Ngài, bắt đầu từ cơn hấp hối toát mồ hôi máu cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên Thập Giá, với lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa Cha, Ngài thốt lên lời cuối cùng: "Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha, rồi gục đầu tắt thở".

Riêng về tư thế bên ngoài của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, các ngài cũng không nhấn mạnh nhiều, chỉ phác họa một vài nét chính, chẳng hạn như: "Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời" (Mc 7,34). Trong cơn hấp hối ở vườn cây dầu, Ngài quì gối cầu nguyện và còn sấp mặt xuống đất cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha (Lc 22,41; Mt 26,39).

Thư gởi cho các tín hữu Do Thái còn nói rằng: "Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời cầu nguyện, nài xin lên Ðấng Toàn Năng có thể cứu Người khỏi chết, Người đã được nhận lời vì có lòng tôn kính".

 

Dưới ánh sáng và gương mẫu cầu nguyện tuyệt hảo của Chúa Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra hai đặc điểm cầu nguyện trong đời sống người tín hữu, đó là ngợi khen và khẩn xin.

Chúa Giêsu yêu mến Thiên Chúa Cha với tấm lòng của người con thảo và Ngài cảm thấy vui mừng sung sướng, vì Ngài thấy chương trình cứu độ nhân loại được hoàn tất để Thiên Chúa Cha được tôn vinh, không phải bằng phương tiện của quyền lực nhưng qua con đường của đau khổ và Thập Giá, đó là điều bí nhiệm không được tỏ lộ cho những người khôn ngoan nhưng cho những người khiêm tốn bé mọn được Chúa ưa thích và kén chọn (Mt 11,25-26).

Thánh sử Luca ghi lại tâm tình ngợi khen được bộc phát từ Chúa Giêsu: "Ðược Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Lc 10,21).

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng còn là lời nguyện xin nữa, Ngài cầu xin cùng Thiên Chúa Cha cho chính Ngài. Thánh Gioan khi ghi lại lời cầu nguyện tha thiết của Ngài sau bữa Tiệc Ly trước khi bước vào con đường khổ nạn dẫn tới cái chết khổ nhục trên Thập Giá để đạt tới vinh hiển của ngày phục sinh khải hoàn: "Ðức Giêsu ngước mắt lên trời và nói rằng: Lạy Cha giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Jn 17,1). "Vậy lạy Cha, giờ đây Cha tôn vinh Con bên Cha, xin Cha ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian" (Jn 17,5).

Trong cơn hấp hối tại vườn cây dầu trước gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại, Ngài cảm thấy xao xuyến bồi hồi nên càng tha thiết cầu xin: "Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho Con khỏi uống chén này, tuy vậy, xin đừng theo ý Con mà làm theo ý Cha" (Lc 22,42).

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các lý hình, những người làm khổ và sẽ giết Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,44).

Phúc Âm thánh Gioan chương XVII là lời cầu nguyện dài cho các môn đệ Ngài hiệp nhất với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện cách riêng cho Phêrô vì Ngài thấy trước việc ông chối Ngài ba lần. Thánh Phaolô còn quả quyết rằng: "Ðức Kitô là Ðấng đã sống, đã chết và đã sống lại, Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa và hằng luôn cầu nguyện cho chúng ta".

 

Trên đây là tấm gương sáng của Chúa Giêsu dạy mỗi người về cầu nguyện. Nhìn lại thực tại của mỗi người, nhiều khi chúng ta có đầy thiện chí nhưng cảm thấy cầu nguyện là việc khó khăn nhàm chán. Nhiều khi chúng ta có những kinh nghiệm cầu nguyện thật sốt sắng, đầy cảm hứng trong các nhóm cầu nguyện, các cuộc cấm phòng, tĩnh tâm, nhưng khi trở về nhà ngọn lửa ấy cứ lụi dần, chúng ta cảm thấy những kinh nghiệm có sẵn thật khô khan nhàm chán, chúng ta muốn cầu nguyện một cách tâm tình hơn, diễn tả những tâm tình có liên quan tới đời sống cụ thể hơn.

Các bạn rất có lý và những ước nguyện của các bạn cũng rất chân thành, các bạn cũng đừng quên rằng Chúa Giêsu là nhà cách mạng tôn giáo và tinh thần sâu xa nhất, cả trong lãnh vực cầu nguyện nữa. Ðối với Chúa Giêsu, cầu nguyện không căn cứ trên việc dài lời nhưng là thiện chí lắng nghe và đem thực hành Lời Chúa trong đời sống, là cầu nguyện trong tinh thần và sự thật.

Cầu nguyện là sự đối thoại mật thiết với Thiên Chúa như con cái với Cha mình. Hiểu như thế các bạn sẽ không còn hỏi cầu nguyện có lợi ích chăng? Tại sao phải cầu nguyện?

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page