Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Món Quà Quí Giá

 

Có người kia được tặng một món quà rất quí giá, đi đâu ông cũng mang nó theo trong mình luôn. Món quà quí giá ấy chỉ là một miếng gỗ nhỏ đốt cháy luôn, nhưng không bao giờ tàn lụi. Nhờ miếng gỗ quí đó, với thời gian ông đã làm nên một sự nghiệp lớn, nhà cao cửa rộng, súc vật đầy đủ, ruộng vườn mênh mông, hoa mầu đầy kho lẫm.

Thế rồi một trận lụt xảy đến, chỉ trong nháy mắt tất cả cơ nghiệp của ông sau bao năm trời xây dựng đã bị nước cuốn trôi đi mất, nhưng may mắn là ông còn sống sót và miếng gỗ vẫn còn trong tay và vẫn còn đốt cháy mãi mà không tắt. Sau nạn lụt với cố gắng và chẳng bao lâu ông lại làm nên một cơ nghiệp khác nữa.

Vào một buổi tối nọ, một cuộc hỏa hoạn xảy ra, mọi sự nghiệp của ông trong chốc lát đã trở thành đống tro tàn. Một lần nữa ông được may mắn thoát chết và trong tay vẫn còn giữ được miếng gỗ tiếp tục cháy không tàn lụi. Những năm sau đó sinh lực ông mỗi ngày một thêm suy giảm, ngày gần đất xa trời đã đến bên cạnh giường bệnh. Trước khi tắt thở lìa đời, ông trao lại miếng gỗ đó cho người con trưởng như một của gia bảo đã giúp ông thành công trong cả cuộc đời. Ðến cuối đời, người trưởng tử cũng lại trao tặng miếng gỗ ấy cho cháu đích tôn. Cứ như thế miếng gỗ truyền tay từ đời này sang đời khác mà miếng gỗ vẫn đốt cháy không bao giờ tắt.

 

Bạn có biết miếng gỗ cháy không bao giờ tàn lụi đó là gì không? Miếng gỗ đó tượng trưng cho lý tưởng trong đời sống con người. Thật vậy, ai đã tìm được lý tưởng cao đẹp trong đời sống mình, cũng sẽ tìm được nghị lực đối phó với mọi khó khăn thử thách và khám phá ra bí quyết thành công trong cuộc sống.

Có thể nói được rằng trong đời sống người tín hữu, miếng củi cháy mà không bao giờ tàn ấy, đó là tình yêu Thiên Chúa đã được nhóm lên trong mỗi người ngay từ khi được tạo dựng. Nó lá lý tưởng sống giúp chúng ta luôn tiến bước, bất chấp mọi khó khăn trong cuộc sống và trong cuộc hành trình trần gian. Miếng gỗ đó cần được đốt sáng luôn trong niềm tin và trong việc làm hằng ngày, nó phải cháy sáng luôn từ thế hệ này sang thế hệ khác, miếng gỗ luôn cháy sáng mà không bao giờ tàn lụi.

Tiếp tục giữ cho miếng gỗ đó luôn luôn cháy sáng là ai? Ai có thể giúp chúng ta thực hiện được những khó khăn ấy? Lần mở Phúc Âm chúng ta có thể thấy ngay rằng, những lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa Cha. Thánh Luca ghi lại lời đầu tiên đó sau lần Chúa Giêsu bị thất lạc năm lên mười hai tuổi, trong dịp Ngài lên đền thờ Jerusalem dự lễ vượt qua theo thói quen của người Do Thái: "Sau ba ngày thất lạc, cha mẹ Ngài mới tìm thấy Ngài trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy luật sĩ. Mọi người nghe đều ngạc nhiên về những điều Ngài hỏi và trả lời, về trí thông minh và các lời đối đáp của Ngài. Thấy Ngài, ông bà thất kinh, và mẹ Ngài nói cùng Ngài: Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con. Nhưng Ngài đáp lại: Thì sao lại tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao? Nhưng ông bà đã không hiểu lời Ngài nói với họ. Và Ngài đã theo ông bà trở về Nazareth. Và Ngài hằng tùng phục hai ông bà. Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ những điều ấy và suy niệm trong lòng. Ðức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta" (Lc 2,46-52).

Vậy thì Cha thật của Chúa Giêsu là ai? Và công việc của Cha Ngài là gì? Qua câu trả lời này con trẻ Giêsu muốn tỏ lộ cho thánh Giuse cha nuôi của Ngài và cho bà Maria thân mẫu của Ngài thấy rằng: "Ngài chỉ có một Cha duy nhất là Thiên Chúa Cha ở trên trời và sứ mệnh của Ngài trên trần gian này không gì khác hơn là lo việc của Cha đã trao phó cho Ngài, tức là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Cha và chương trình cứu độ mầu nhiệm của Thiên Chúa Cha".

Thật vậy trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài đã chu toàn sứ mệnh đó bằng lời giảng dạy qua các phép lạ lớn lao, Ngài đã thực hiện trong nhiều hoàn cảnh và cho nhiều người, cuối cùng là bằng chính cái chết khổ nhục và cuộc Phục Sinh khải hoàn của Ngài.

Sau khi chữa lành người đau ốm ba mươi tám năm tại hồ nước Betsaida, Chúa Giêsu tuyên bố rằng: Ngài thực sự được Thiên Chúa Cha sai đến trên trần gian và ước muốn duy nhất của Ngài là thi hành trọn vẹn thánh ý Cha. Ngài nói: "Phần Tôi, Tôi có lời chứng lớn hơn của Gioan, đó là việc Cha trao phó để Tôi hoàn thành, chính những việc Tôi làm đó làm chứng cho Tôi rằng Chúa Cha đã sai Tôi" (Jn 5,36).

Cách thực tế hơn, công việc của Chúa Cha tức là sứ mệnh Tông Ðồ của Chúa Giêsu, nghĩa là làm cho mọi người trở nên con cái Chúa nhờ tình yêu Chúa Thánh Thần. Cũng chính vì lý do đó mà khi đến thời giờ đã định, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một Ngài đến trần gian mặc lấy thân xác loài người như chúng ta, để chúng ta trở nên những người con và có thể kêu lên với Chúa rằng "Abba: Lạy Cha", và để dạy chúng ta cách sống thực sự như những người con của Thiên Chúa Cha, những người thừa kế với Chúa Giêsu trong nhà của Cha trên trời.

Ðây là chân lý cao cả mà Chúa Giêsu muốn tỏ lộ cho chúng ta về Thiên Chúa Cha. Ngài là Cha của Chúa Giêsu, và Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Chúa Cha với Chúa Giêsu, là gói ghém mầu nhiệm về Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô hiện hữu trên trần gian mặc lấy thân xác con người như chúng ta, sống như chúng ta, nói ngôn ngữ của con người để con người có thể hiểu được về Thiên Chúa Cha.

Trước khi Chúa Giêsu mặc lấy thân xác con người đến trần gian, Thiên Chúa Cha đã muốn tỏ lộ về Ngài cho những người xa xưa bằng nhiều cách, chẳng hạn qua miệng ngôn sứ, những hình ảnh, những dấu hiệu... Nhưng các ngôn sứ cũng chỉ là con người hạn hẹp không thể hiểu hết những mầu nhiệm bí ẩn về Thiên Chúa được. Vì thế, sau cùng Thiên Chúa Cha muốn phán dạy loài người qua chính Thánh Tử của Ngài là Con Thiên Chúa. Vì là Con Thiên Chúa, Ngài có thể thấu tỏ mọi bí ẩn của Thiên Chúa Cha, đồng thời là con người nên Ngài dùng ngôn ngữ con người để nói với loài người. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự mạc khải hoàn toàn sáng tỏ về Thiên Chúa Cha. Chỉ qua Chúa Kitô con người mới có thể tìm được sự hiệp thông và nhịp cầu thông cảm với Thiên Chúa Cha mà thôi.

Sở dĩ được như vậy là bởi vì Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời, tức là tiếng nói của Thiên Chúa Cha, Ngài là tấm gương soi, là hình ảnh của Thiên Chúa Cha như Ngài đã quả quyết với Tông Ðồ Tôma: "Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy, ngay bây giờ anh em biết và đã thấy Người" (Jn 14,6-7).

Vì thế, ai thấy Chúa Giêsu tức là nhìn thấy Thiên Chúa Cha là Ðấng đã sai Ngài đến trần gian vậy. Cũng vì biết mình là Con Thiên Chúa và bởi Cha mà đến, nên với tình nghĩa tử, Chúa Giêsu có thể sung sướng nói lên rằng: "Cha Tôi đã trao phó mọi sự cho Tôi và không ai biết Cha trừ  có Tôi và không ai biết Con trừ Chúa Cha và những kẻ mà Con muốn mạc khải cho".

Tông Ðồ Philipphê xem ra chưa hiểu điều Chúa Giêsu nói với họ nên đánh bạo hỏi thêm: "Thưa Thầy, xin tỏ cho con thấy Cha thế là chúng con mãn nguyện. Chúa Giêsu đáp: Thầy ở với các con bấy lâu rồi mà các con không hiểu Thầy sao? Philipphê ơi! Hễ ai thấy Thầy là thấy Cha, vậy sao con còn hỏi xin tỏ cho chúng con biết Cha, há các con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư?" (Jn 14,8-10).

Chỉ có Chúa Giêsu là Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha mới có thể quả quyết như vậy được, bởi vì Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha là một, ai tiếp nhận Chúa Giêsu là tiếp nhận Chúa Cha, là Ðấng đã sai Ngài vậy. Không những Chúa Giêsu chỉ mạc khải về Cha cho nhân loại, nhưng qua nhiều lần bằng nhiều cách chính Chúa Cha cũng muốn tỏ lộ Chúa Giêsu Con Ngài là ai cho nhân loại nữa.

Ngay từ lúc khởi đầu sứ mệnh của Chúa Giêsu ở sông Jordan, Chúa Giêsu đến với Gioan để xin ông làm phép rửa cho, khi chịu phép rửa xong thì Thần khí Thiên Chúa giáng xuống như chim bồ câu: "Này là Con Ta yêu dấu" (Mt 3,17). Lần khác, qua Tông đồ Simon gián tiếp mạc khải về căn tính và sứ mệnh Tông đồ của Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ Ngài: "Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống". Nghe vậy Chúa Giêsu không phủ nhận mà còn xác nhận rõ hơn chân lý đó từ đâu mà đến. Ngài nói: "Này anh Simon con Giona, anh thật có phúc vì chẳng phải phàm nhân mạc khải cho anh, nhưng là Ðấng ở trên trời mạc khải cho anh..." (Mt 16,16-17).

Sứ mệnh của Chúa Giêsu là tỏ lộ cho nhân loại biết và cảm nghiệm được tình thương cứu độ của Thiên Chúa Cha vạch chỉ và dẫn dắt nhân loại trở về nhà Cha là cùng đích đời sống con người. Ðể đạt tới đích điểm đó, Ngài cũng mách bảo ta biết, tức là "hãy lắng nghe lời Con yêu dấu của Người".

Tuy nhiên, Ngài luôn tôn trọng tự do mỗi người, nếu chúng ta biết lắng nghe và tuần giữ lời Ngài, chúng ta mới có thể nắm chắc trong tay miếng gỗ luôn cháy sáng không bao giờ tàn, và mới có thể chiếu tỏ ánh sáng của miếng gỗ đó cho những người xung quanh chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau. Amen.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page