Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Nhớ Về Tổ Tiên
"Người
ta có tổ có tông,
như cây có cội, như sông có nguồn".
Từ lẽ đương nhiên ấy, người Việt Nam đã xây dựng một đạo làm nền cho tín ngưỡng và phong tục của mình, đó là đạo hiền.
"Công
cha như núi thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một
lòng thờ mẹ kính cha,
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Dĩ nhiên mọi dân tộc đều đề cao lòng thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ, của hậu bối đối với tổ tiên. Nhưng có lẽ chỉ có dân tộc Việt Nam đưa lòng hiếu thảo lên thành lý tưởng mang màu sắc tôn giáo:
"Tu
đâu cho bằng tu nhà,
thờ cha kính mẹ mới là đi tu".
Chỗ tưởng nhớ tiền nhân của một dòng tộc được gọi là nhà thờ họ, có thủ từ chăm lo nhang đèn. Nơi trang trọng nhất của gia đình là bàn thờ tổ tiên, không bao giờ thiếu ly nước chén gạo. Chiều ba mươi tết nhà nhà đều làm lễ rước ông bà về hưởng xuân với con cháu. Lời cầu nguyện phổ thông nhất của người Việt là:
"Xin ông bà phù hộ".
Người Việt có thể chấp nhận hoặc tin theo các tôn giáo nếu đạo hiếu không bị chối bỏ. Một trong những trở ngại của việc truyền bá Phúc Âm nơi dân Việt phải chăng là vì các vị thừa sai ngăn cấm thờ cúng ông bà nên mới có câu chỉ trích: "theo Công giáo là bỏ ông bà".
Ðọc Phúc Âm chúng ta thấy, Chúa Giêsu tố cáo nhóm luật sĩ và biệt phái lợi dụng tôn giáo mà bỏ bê việc phụng dưỡng cha mẹ. Thảo kính cha mẹ là một giới răn mà Chúa Giêsu không hề hủy bỏ, trái lại Người làm nên trọn, nghĩa là Người hướng dẫn và ban ơn để chúng ta sống trọn chữ hiếu cách đúng đắn và đầy đủ.
Trong thời gian sống ẩn dật tại Nazareth, Chúa Giêsu vâng phục thánh Giuse và Ðức Maria. Trên thập giá trước khi lìa đời, Người đã trối Mẹ mình cho thánh Gioan để Mẹ Mình có người chăm sóc. Hơn hết, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá, vì biết cái chết của mình sẽ mang lại ơn cứu độ cho mọi người, sẽ tỏ cho mọi người thấy tình phụ tử tuyệt hảo của Chúa Cha.
Nhờ mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa Cha là nguồn của mọi tình phụ tử trên trời dưới đất, cho nên có thể nói ông bà cha mẹ là tấm gương phản chiếu tình thương bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta. Như vậy, đạo hiếu là trường học giúp chúng ta hiểu biết và sống Tin Mừng, Thiên Chúa là Cha của mọi người và tình mẹ cha nói lên tình Chúa. Mặt khác, công sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ tuy lớn lao, nhưng ông bà cha mẹ chỉ làm ơn ích cho chúng ta theo khả năng nhận được từ Thiên Chúa.
Hiếu thảo ông bà, cha mẹ là cách thích đáng tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa. Lòng hiếu thảo không chỉ là đức tính nhân bản, nhưng là một nhân đức mang lại sự công chính như lời sách Ðức Huấn Ca:
"Của
dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi
và xây dựng đức công chính".
Ngày mồng hai tết, Giáo Hội kêu gọi chúng ta tưởng nhớ đến công đức của ông bà cha mẹ, vì như lời ca nhập lễ:
"Con
xin đến trong đời, an vui nhờ có ơn Trời.
Và ơn cha mẹ, suốt đời coi nhẹ khổ đau".
Chúng ta hãy thể hiện lòng biết ơn bằng cách thiết tha cầu xin Chúa giúp cho mẹ cha vơi đi ưu phiền, trăm năm được bình yên nếu còn sống, và hạnh phúc triền miên trên Thiên Quốc nếu đã qua đời.