Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Con Rồng Cháu Tiên
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã khởi đầu bằng một huyền thoại cao đẹp, huyền thoại "con rồng cháu tiên".
Tổ tiên chúng ta nói rằng, vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi rồng, phối hiệp với nàng Âu Cơ sinh ra một cái bọc có khoảng trăm trứng. Từ đó sinh ra một dòng giống Việt.
Sau đó, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau. Mẹ dắt năm mươi con lên núi. Cha đưa năm mươi con xuống biển.
Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: khi cần thì gọi, ta về ngay. Từ đó dòng giống Việt này được phát triển.
Tiên được quan niệm là người sống trên núi, hiền từ thanh thoát, sống mãi không chết. Còn rồng thì được coi là chủ tể của biển cả, làm mưa làm gió, thiên biến vạn hóa.
Qua biểu tượng rồng tiên trên đây ông bà tổ tiên muốn dạy chúng ta rằng: con người là một kết hợp vừa biến hóa vừa trường cửu, vừa vật chất, vừa siêu phàm, vừa linh ẩn, vừa thường hằng, vừa xinh đẹp dịu hiền, vừa hùng dũng cương quyết, vừa tình vừa lý, vừa chan chứa yêu thương, vừa uy lực vô song.
Lại nữa, từ hình ảnh một cái bọc trong đó thoát ra trăm cái trứng, nói lên tình liên đới thâm sâu của con người. Người Việt Nam gọi nhau bằng đồng bào ruột thịt, nghĩa là cùng chung một bào một bọc. Hơn nữa, tình nghĩa đồng bào ấy không chỉ dừng lại trong biên giới đồng bào ấy, không chỉ dừng lại trong biên giới của một dân tộc mà trải dài đến toàn thể nhân loại. Ðó cũng là ý nghĩa được chứa đựng trong huyền thoại của con rồng cháu tiên, và đó cũng là đạo làm người mà ông bà tổ tiên đã muốn truyền lại cho con cháu mình.
Theo truyền thống dân tộc, Giáo Hội Việt Nam dành ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà, cha mẹ. Ðạo hiếu là nền tảng của đạo làm người, có hiếu với tổ tiên ông bà, cha mẹ, con người mới nhận ra tình nghĩa anh em và tình liên đới với mọi người. Có sống báo hiếu trong gia đình, con người mới có thể trọn đạo với tha nhân.
Nhập Thể làm người, Chúa Giêsu cũng đã sống trọn đạo làm người, Ngài có cha, có mẹ, có gia đình, có bà con họ hàng, có xóm làng, có dân tộc. Ngài đã sống trọn tình nghĩa với một con người và chính xuyên qua tình nghĩa ấy, Ngài đã mạc khải cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa Cha và vương quốc ân sủng của Ngài. Ân sủng của Ngài không loại trừ hay xóa bỏ bản tính của con người, đao trời cao của Ngài không xa lạ hay khước từ đạo làm người. Ðúng hơn, qua cuộc sống tại thế của Ngài, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, chỉ bằng đạo làm người, chỉ xuyên qua cuộc sống trần thế này mà con người mới có thể gặp gỡ và kết hiệp với Thiên Chúa.
Sống cho ra người, sống xứng với phẩm giá con người, sống cho thật tính người, đó là con đường đích thật để sống đạo Chúa. Một cách cụ thể là khi chúng ta sống đúng với vai trò của mình trong gia đình, trong xã hội, đó là lúc chúng ta đang sống đạo làm người.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì truyền thống đạo hiếu cao đẹp mà ông bà tổ tiên đã để lại cho con cháu, để luôn kính nhớ các ngài, xin cho chúng con luôn ý thức được sâu xa đạo làm người của chúng con trong một xã hội băng hoại và đánh mất nền tảng nhân bản. Xin cho mọi người Việt Nam chúng con biết vun xới hơn bao giờ hết những giá trị nhân bản như tình người, lòng vị tha, quảng đại, sự tử tế mà huyền thoại tiên rồng luôn nhắc nhở cho chúng con.