Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Khát Vọng Tự Do

 

Sau bốn mươi năm được ghi nhận là mất tích, một cựu chiến binh Ðại Hàn kể lại một cuộc đào thoát được xem là vĩ đại nhất của thế kỷ 20 như sau:

Trung úy Trosanho của quân đội Nam Hàn, đã bị xem là tử trận sau khi các lực lượng Trung Quốc đánh bại đơn vị của anh vào tháng 5/1951.

Khi chiến tranh kết thúc, tên của anh đã được ghi trên đài chiến sĩ trận vong tại Sun và dĩ nhiên cũng từ từ đi vào quên lãng.

Một ngày nọ, người chị cả của anh đã nhận được một lá thư của anh viết từ một tỉnh xa xôi. Lá thư không ghi rõ cuộc sống của anh, nhưng vì nóng lòng gặp lại người em tưởng đã chết nay sống lại, người chị đã tìm đến địa chỉ của em, bà biết rằng em bà đã bị giam tù tại Bắc Hàn bốn mươi ba năm, sau đó em bà đã tìm cách vượt trốn thoát khỏi lao tù.

Cuối cùng vượt qua không biết bao nhiêu nguy hiểm và thử thách, anh đã tìm lại được tự do hồi năm 1994.

Cách đó bốn mươi ba năm về trước, sau khi thất trận, anh đã bị cộng sản Trung Quốc trao cho quân đội Bắc Hàn, biết anh nói được Anh ngữ, họ đã điều anh vào một đơn vị thám thính, nhưng trong đầu anh lúc nào cũng có một ý nghĩ là đào thoát.

Bị một người bạn phản bội, anh đã bị kết án mười ba năm tù, anh đã trải qua mười ba năm này trong các trại khổ sai.

Anh cho biết trong thời gian này, 90% đã chết vì bệnh tật, ngược đãi và nhất là thiếu ăn. Cái chết mỗi ngày trở nên quen thuộc đến độ không ai thương khóc tự hỏi người đó đã chết như thế nào nữa.

Sau mười ba năm tù, anh được trả tự do, anh bị cưỡng bách lao động tại một mỏ than nọ gần biên giới Trung Quốc. Ðiều kiện làm việc khắc nghiệt khiến nhiều cựu tù nhân cũng không qua khỏi, riêng anh bị gãy chân và lao phổi.

Anh lập gia đình với một nữ quân y, họ có với nhau hai người con. Nhưng ngay từ đầu, công an mật vụ không ngừng làm khó dễ đến độ cuối cùng người vợ đành bỏ anh lại và lặng lẽ ra đi không một lời từ giã. Anh cũng bị sa thải vì không đủ sức khỏe.

Ý nghĩ trốn thoát cũng không rời bỏ anh, dịp may đã đến, năm 1990, Bắc Hàn mở rộng biên giới với Trung Quốc. Ðêm ngày 3/10/1991, lợi dụng một cơn mưa tầm tã khiến quân đội Bắc Hàn không thể đi dọc theo biên giới, Trosanho đã trốn thoát qua được bên Trung Quốc và từ đây nhờ những người Trung Hoa buôn lậu giúp đỡ, anh đã vượt biên thành công qua Nam Hàn.

Phát biểu cho một cuộc phỏng vấn dành cho một tạp chí Time, Trosanho đã nói như sau:

Tôi đã lớn lên trong một gia đình Kitô, tôi luôn nghĩ rằng Chúa cứu tôi và đưa tôi trở về với gia đình. Tôi đã trở về nơi tôi được quyền sinh sống, tôi không hối tiếc gì cho dẫu ngày mai tôi sẽ chết.

 

Cuộc đào thoát trên đây của ông Trosanho, có thể gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về nỗi khát khao tự do của con người, nhưng không có một sức mạnh nào có thể đánh mất được nỗi khao khát được tự do, hay đúng hơn tự do trong nội tâm của con người. Tay chân có thể bị xiềng xích, miệng lưỡi có thể bị khóa chặt, nhưng con người còn vẫn cảm thấy sự tự do trong tâm hồn, đó là tự do đích thực của con người.

Có mọi thứ tự do nhưng không có tự do nội tâm, con người cũng chỉ là một thứ nô lệ mà thôi. Chúng ta thấy bao nhiêu người nô lệ cho xã hội, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho đam mê, nô lệ cho quyền hành và nô lệ cho các ý thức hệ.

Chúa Giêsu là Ðấng giải phóng duy nhất đích thực của nhân loại, bởi vì Ngài đến giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và những hệ lụy của nó. Ngài đến để mang lại cho chúng ta một tự do đích thực. Trên thập giá, tay chân Ngài bị khóa chặt nhưng Ngài đã thể hiện được tuyệt đỉnh của tự do, tự do khỏi tội lỗi, khỏi hận thù, khỏi chính sự chết.

Xét cho cùng, tự do đích thực cũng chính là tình yêu. Chúa Giêsu thể hiện tự do trọn vẹn bằng tình yêu vô vị lợi của Ngài. Quả thực, càng yêu thương vô vị lợi con người càng trở nên tự do.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng Chúa đến là để mang lại tự do đích thực cho chúng con và tự do ấy đã được Chúa thể hiện qua cuộc sống hiến thân cho đến cùng của Chúa, xin cho chúng con cũng bước theo con đường hiến thân ấy, để càng ngày càng đạt được cùng đích của chúng con là được tự do trong Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page