Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Khi Mẹ Tôi Qua Ðời
Ai trong chúng ta đã không có lần đi dự đám tang của thân nhân hoặc bạn bè, các bạn thấy gì trong cảnh tang tóc ấy? Các bạn có đặt vấn đề sự chết bao giờ chưa? Nó có ảnh hưởng gì đến cuộc đời bạn không?
Sau đây là cảm nghĩ khó khăn của cô Bình mười lăm tuổi sau cái chết của thân mẫu, vì bệnh ung thư vào năm 1998.
Bình sống với ba và hai em trai, tạm thời mỗi ngày cô làm việc dọn dẹp trong nhà, mỗi tuần ba lần có bà giúp việc đến giặt ủi và dọn dẹp những việc trong nhà, nhưng ba của Bình muốn bà chị cả chưa có gia đình đến ở luôn trong nhà của mình, bởi vì ông thường nói là cần người đàn bà trong nhà. Tuy nhiên Bình nói với ba là Bình và hai đứa em trai có thể gánh vác được công việc nhà, không cần phải có ai thay thế chỗ trống của mẹ.
Mẹ mới qua đời cách đây mấy tháng nhưng công việc vẫn trôi chảy, vấn đề của Bình là không phải vì vấn đề công việc nhưng là sự thiếu vắng của mẹ trong nhà và trong cuộc sống của cô.
Bình nói: tôi còn nhớ rõ mẹ tôi trong suốt thời gian nằm liệt giường, quằn quại trong đau đớn, nhiều người đến thăm vẫn âm thầm cầu mong cho mẹ tôi sớm ra đi để khỏi phải đau khổ.
Có lần tôi nghe trộm mấy người thưa hỏi bác sĩ: mẹ tôi còn sống và phải chịu khổ bao lâu nữa? Tôi cảm thấy buồn lắm khi nghe những câu nói đó, tôi cũng chẳng biết phải hỏi ai về bệnh tình của mẹ tôi hoặc điều gì sẽ xảy đến cho gia đình, cho mẹ tôi sau khi quan tài của mẹ được chôn vùi xuống lòng đất.
Xem ra những câu hỏi của tôi thật ngớ ngẩn nhưng nó lại làm tôi sợ hãi quá chừng, tôi không dám nghĩ đến mẹ tôi nữa trong những ngày cuối cùng của mẹ. Rồi đến ngày mẹ tôi vĩnh biệt ra đi, tôi cảm thấy mọi sự như sụp đổ xung quanh tôi. Ðiều làm tôi ân hận hơn nữa, là mỗi lần tôi đi phố với các bạn cho người khuây khỏa thay vì ở bên cạnh mẹ trong lúc mẹ đang chết dần chết mòn với thân xác quằn quại trong đau đớn.
Sau ngày mẹ tôi qua đời, tôi không biết còn nghĩ gì hơn về mẹ tôi nữa, nhưng hình ảnh mẹ tôi cứ hiện rõ lên trong tôi cả những việc mẹ làm, những lời mẹ nói, cả những lúc hai mẹ con giận dữ vì bất đồng ý kiến. Tôi cảm thấy yêu mẹ hơn, nhưng thâm tâm tôi lại cứ gợi lại những điều tiêu cực làm tôi không thích và chỉ làm tôi ân hận, chỉ thêm buồn mà thôi.
Sao tôi không thể lướt thắng được những điều không đáng sợ thật? Ước chi có ai biết được để tôi thổ lộ những tâm tình của tôi.
Ngày ngày chỉ có bốn cha con trong nhà, cha tôi già đi nhiều vì công việc, vì nhớ thương mẹ tôi nhiều. Hôm ba tôi về nhà rất khuya, hai đứa em tôi thì rất ngoan, nhưng sao tôi càng ngày thấy mình càng hư quá. Ba tôi thường nói là mẹ tôi không muốn đời sống gia đình phải đứng lại sau ngày mẹ tôi ra đi, nhưng phải được xây dựng và tiến tới bất chấp mọi khó khăn.
Tôi thường nghĩ tới mẹ tôi, tôi thường nhớ lần cuối cùng bốn cha con tới nhà thương thăm mẹ, tôi cố gắng nhớ lại điều gì đó, tôi muốn nói với mẹ nhưng không tài nào nhớ được, điều đó làm tôi đau khổ lắm. Ra vào trong nhà tôi cảm thấy như mẹ tôi đứng ở nơi cửa.
Ước chi ai chỉ bảo tôi rằng tôi sẽ phải sống những cảm nghĩ, những kinh nghiệm này đến bao lâu nữa? Biết đến bao giờ tôi mới có thể vơi đi nỗi buồn thương nhớ mẹ tôi?
Bạn đang đứng trước hậu quả là người thân nhất đã qua đời, là người mẹ trong gia đình. Sự chết là điều chắc chắn sẽ đến đối với tất cả mọi người, và ai cũng biết rằng mọi người đều phải chết, kẻ trước người sau, nay anh mai là tôi. Chết là sự thật chắc chắn nhất, tuy vậy không ai biết khi nào, giờ nào, cách nào hay ở đâu mình sẽ chết. Có người sợ chết đến nỗi không bao giờ dám nghĩ hoặc nói đến nó nữa, có người phản ứng trước đau khổ của sự chết bằng sự im lặng, nhưng người khác lại dùng những hình bóng để nói về sự chết như: đi về thế giới bên kia, trở về với Thiên Chúa là Ðấng Tạo Thành.
Sự chết nhiều khi làm cho người sống còn phải đau khổ nhiều hơn nữa, nhưng mỗi người tìm cách tốt nhất, thích hợp nhất để đối phó với bản thân hoặc của thân nhân mình, và mỗi người có cách khác nhau hoặc tùy theo hoàn cảnh. Có thể cách đối phó của người này làm người khác không ưa thích, nhưng điều quan trọng là cách đối phó cách tích cực, hữu hiệu trong những hoàn cảnh khó khăn của mình v.v. Xét cho cùng là điều làm cho ta khổ tâm hơn hết có thể là sự ra đi của mẹ, vì sự mất mát của người thân yêu, vì mất đi một người mẹ, một người cha, người vợ, người chồng, người con hay ông bà v.v.
Phản ứng của Bình trên đây là vì quá thương nên giận mẹ, mẹ ra đi không trở lại, giận đến nỗi khó có thể gợi lại những hình ảnh đẹp của người mẹ nữa. Nhưng thử hỏi, mẹ vĩnh biệt ra đi có phải lỗi của mẹ đâu? Và mẹ cũng đâu có thể làm gì được với những đau khổ của những người con tiếp tục cuộc sống của họ?
Phản ứng tâm lý hờn giận của Bình có thể vì bạn không muốn ân hận hoặc chịu trách nhiệm về cái chết của mẹ, nên chỉ còn muốn gợi lại những tiêu cực để quên đi người mẹ.
Có những cảm tình gợi lại hơi lạ, giận không phải vì ghét, vì ân hận, vì hối tiếc, vì quá thương người đã ra đi, biết thế nên bạn không cần phải chiến đấu đè nén những cảm tình đó, với thời gian dần dần sẽ vơi bớt và sẽ lắng dịu, nó cần phải khơi dậy để bạn chấp nhận và làm quen với thực tại cách thiết thực.
Vấn đề của bạn không phải là vấn đề bạn đương đầu với người thân thương nhất của bạn trong gia đình, và cũng không lạ gì khi bạn thấy những xáo trộn của tình cảm, bạn cảm thấy giận, thấy khổ, bực tức. Sao bạn không thể trở nên tốt lành hơn những điều mình mong muốn? Sao mình lại đã không nói lên những điều mình mong muốn khi người thân vĩnh biệt ra đi?
Ðiều đó không lạ gì, vì mỗi cái chết của người ra đi đều để lại dang dở cho những người còn lại trên thế trần, bao lâu còn sống trên trần thế bấy lâu con người không thể được hoàn toàn hạnh phúc như lòng mong muốn. Cuộc đời con người thăng trầm có khi vui lúc buồn, lúc gặp thời khi trái thời, lúc gặp mặt khi phải chia tay, khi giận hờn lúc yêu thương, cũng có khi được thanh thản vô lo v.v. Nhưng rồi một khi đau khổ, buồn bực qua dần đi bạn sẽ tìm được nguồn bình an, an ủi vì bạn biết rằng cho dù hoàn cảnh nào đi nữa bạn đã được thực sự yêu thương và bạn đã yêu thương mẹ.
Chết đâu phải là hết, tình thương liên kết người sống với kẻ quá cố, vì thế bạn luôn cảm thấy sự hiện diện của người đã qua đời và chúng ta đều tạm biệt nhau. Sau ngày vĩnh biệt, chúng ta sẽ được hội ngộ không còn bị chia ly nữa, cũng sẽ không còn phải tang tóc đau thương nữa. Ðó là điều đáng giá hơn cả và cũng là điều an ủi hơn cả.