Nghĩa Cử Yêu Thương
(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Sống Bác Ái
Vào tháng 11 năm 1999, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Ấn Ðộ. 17,000,000 tín hữu Công giáo so với 800,000,000 tín hữu Ấn giáo, quả thật Giáo hội Công giáo tại Ấn độ chỉ là một thiểu số nhỏ bé. Vậy mà gần đây Giáo hội này vẫn là mũi dùi tấn công của người Ấn giáo quá khích. Các nhà lãnh đạo của nhiều nhóm Ấn giáo cực đoan yêu cầu Ðức Thánh Cha phải công khai xin lỗi về điều mà họ nói là một chiến dịch có tổ chức của các nhà thừa sai nhằm cưỡng bách người Ấn giáo gia nhập Kitô giáo. Nhiều cuộc biểu tình phản đối Ðức Thánh Cha đã diễn ra nhiều nơi. Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha quả là một thách đố.
Trong những năm gần đây, nhiều hành động bạo hành nhắm vào Kitô giáo đã diễn ra khắp nơi, các nhà Thờ bị đốt phá, các nữ tu bị hãm hiếp, các linh mục bị bắn giết. Cùng với Ðức Thánh Cha, các nhà lãnh đạo Công giáo tại Ấn độ đã cố gắng tạo sự hòa hợp giữa các tôn giáo, tuy nhiên các ngài không thấy có bất cứ lý do gì để yêu cầu Giáo hội Công giáo phải lên tiếng xin lỗi về sự kiện những người Ấn giáo gia nhập Công giáo.
Ðức cha Alodelarich Tổng Giám Mục New Delli đã nêu lên những câu hỏi như sau: "Xin lỗi về điều gì? Bạn không thể cưỡng bách ai thay đổi tôn giáo cả, hoán cải là điều diễn ra trong đầu óc và trái tim con người, đó là một hành động hoàn toàn có tính cách cá nhân".
Kitô giáo vốn là một tôn giáo có sức hấp dẫn đối với những người Ấn độ nào muốn thoát ra khỏi hệ thống phân chia giai cấp của Ấn giáo. Người đánh giá cao các hoạt động từ thiện và giáo dục của Kitô giáo, muốn hay không ngày nay người Ấn độ không thể chối cãi được những đóng góp của Giáo hội Kitô trong các lãnh vực như giáo dục và xã hội. Thật ra con số người Ấn độ gia nhập Kitô giáo vẫn không đáng kể. Mẹ Têrêsa Calcutta mặc dù đã chiếm lấy được rất nhiều trái tim của người Ấn độ cũng không bao giờ có chủ trương cải hóa hay thuyết phục họ gia nhập Kitô giáo.
Ðức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã có lần phát biểu hay đúng hơn chuẩn y cho câu nói: "Một giáo hội phục vụ luôn luôn được thương mến". Thật thế, chỉ có bái ái mới có thể tỏ lộ được bộ mặt đích thực của Giáo hội và làm cho khuôn mặt ấy trở thành khả ái, chỉ có bác ái mới chứng thực rằng Chúa Giêsu đang ở trong Giáo hội.
Trong một bài phỏng vấn dành cho nguyệt san Ba Mươi Ngày trong số ra hồi tháng 2 năm 1999, một trong những khuôn mặt nổi bật nhất trong Hồng Y Ðoàn hiện nay là Ðức Hồng Y Cristot Saint Paul, Tổng Giám Mục Giáo Phận Vienne, đã nói như sau: "Bác ái là một nhân đức không thể có được nếu không có ơn Chúa tác động. Theo cách thế của chúng ngay cả ma quỉ cũng nhận ra Chúa và chúng khước từ. Nhưng một hành động bác ái thực sự chỉ có thể có nếu có ơn Chúa tác động".
Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã nói: "Khi tôi sống bác ái, đó là lúc chỉ có Chúa Giêsu hoạt động trong tôi". Bác ái quả thực tỏ bày được bộ mặt đích thực của Giáo Hội. Tuy nhiên không phải Giáo Hội lúc nào cũng được thương mến cũng như Chúa Giêsu Ðấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa Cha đã bị hiểu lầm, chống đối, khước từ và bách hại. Lịch sử của Giáo hội vẫn luôn luôn là lịch sử của những cuộc bách hại. Nơi đây Giáo hội bị số đông cuồng tín khước từ, nơi kia Giáo hội bị các chế độ vô thần bách hại. Nhưng dù ở đâu và thời đại nào, lội ngược dòng vẫn là ơn gọi chung của những người môn đệ Chúa Kitô "sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian".
Ðây là tư thế đích thực của người mang danh hiệu Kitô, sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, nên người tín hữu Kitô không chạy theo lẽ khôn ngoan của thế gian. Cánh cửa hẹp, con đường nhỏ của từ bỏ, của quên mình, của hy sinh chiến đấu từng ngày, đó là sự chọn lựa của những người môn đệ Chúa Kitô.
Chuyến viếng thăm Ấn độ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II có lẽ nhắc nhở chúng ta về tư thế đoàn chiên nhỏ bé của Giáo hội tại Á Châu, vì thế đây vừa là một thách đố, vừa là một lời mời gọi phấn đấu không ngừng để sống bác ái, để lội ngược dòng đời, để rao giảng và thể hiện những giá trị đích thực của Tin Mừng.
Lạy Chúa, chúng con là đoàn chiên nhỏ bé của Chúa giữa đại lục mênh mông của những người chưa biết Chúa, xin Chúa hâm nóng nhiệt tâm truyền giáo của chúng con để dù thuận tiện hay không thuận tiện chúng con biết đem hết cuộc sống để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Amen.