Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chiến Thắng Huy Hoàng Nhất

 

Quí vị và các bạn thân mến!

"Hẹn gặp nhau tại Giasucumi". Ðó là lời chào mà các phi công trong đội thần phong cảm tử Nhật Bản trao cho nhau mỗi khi bắt đầu phi vụ tự sát trong giai đoạn cuối cùng của thế chiến thứ hai. Ðã có khoảng sáu ngàn phi công cảm tử hướng về đền thờ Giasucumi này như điểm hẹn cuối cùng của họ. Ðối với các phi công cảm tử này, đền thờ Giasucumi nằm giữa thủ đô Tokyo là điểm hẹn cuối cùng.

Ðược thiết lập dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng vào cuối thế kỷ XIX để bày tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh vì hoàng đế, đền thờ Giasucumi tôn các chiến sĩ lên hàng thần thánh. Vào những thập niên ba mươi và bốn mươi, đền thờ Giasucumi đã trở thành biểu tượng truyền thống sâu đậm nhất của đất nước, thúc đẩy người dân Nhật hy sinh tất cả cho tổ quốc.

Giasucumi có nghĩa là xứ sở an bình, đang là nơi yên nghỉ của trên 9,000,000 chiến sĩ Nhật Bản đã hy sinh cho tổ quốc trong suốt lịch sử của nước này. Tuy nhiên, sự hiện diện của đền thờ này không chỉ gợi lên quá khứ oai hùng của dân tộc, mà còn là chứng tích của bao nhiêu cuộc chiến ngông cuồng mà có lẽ Nhật Bản không bao giờ có thể xóa khỏi ký ức tập thể. Ðối với những người có tinh thần yêu nước cực đoan, thì đền thờ Giasucumi cũng chẳng khác nào nghĩa trang dành cho các chiến sĩ của Clinton tại Hoa Kỳ, nhưng cũng không thiếu những người Nhật Bản ngày càng thấy được bộ mặt hiếu chiến tàn ác của Minh Trị Thiên Hoàng mà cuộc chiến tàn ác quân đội Nhật đã gây ra cho khắp Á Châu. Ðối với những người này thì đền thờ Giasucumi chỉ gợi lên vết nhơ không thể tẩy xóa được trong lịch sử dân tộc mà thôi.

 

Quí vị và các bạn thân mến!

Chiến tranh vốn là những thành phần thiết yếu trong lịch sử con người. Lịch sử của thế giới phần lớn được viết bằng các cuộc chiến tranh. Lịch sử của mỗi dân tộc lại càng được lấp đầy bằng không biết bao nhiêu xương máu.

Có chiến tranh chống ngoại xâm, nhưng cũng không thiếu những cuộc chiến xâm lăng.

Có những anh hùng dân tộc đã hy sinh mạng sống bảo vệ đất nước, nhưng cũng có không thiếu những đồ tể sát tế bao nhiêu sinh linh trên bàn thờ tham vọng và quyền lực của mình.

Có anh hùng dân tộc cho nên mới có nghĩa trang hay đài liệt sĩ.

Có nghĩa trang hay đài liệt sĩ để tưởng niệm những người đã hy sinh xương máu vì tổ quốc, nhưng cũng có những bàn thờ dành cho những vị chiến sĩ vô danh. Nói đến vô danh là nói đến vô số những người chiến sĩ bất luận thuộc bên nào, vì lý tưởng hay vì cưỡng bách đã hy sinh mạng sống của mình.

Bên kia cõi chết những lính chiến vĩnh viễn nằm xuống sẽ không bao giờ xem nhau là kẻ thù nữa. Một cách nào đó, dù không nằm chung trong một nghĩa địa, dù không được đặt trên một bàn thờ, họ không những không còn chém giết nhau nữa mà đã trở thành bạn hữu với nhau. Lời nhắn nhủ duy nhất mà họ có thể dành cho những người còn sống chỉ có thể là:

"Ðừng hận thù nhau nữa! đừng chém giết nhau nữa! Hãy chung sống hòa bình với nhau!"

Dù cho chiến thắng có lẫy lừng đến đâu nhưng chiến tranh không bao giờ có thể là niềm tự hào. Chiến tranh chỉ mang lại chết chóc, hận thù và một quá khứ hoen ố mà thôi. Chỉ có một thứ chiến tích đáng được đề cao và ghi nhớ, đó là chiến thắng của tình yêu, và đó chính là ý nghĩa của hàng hàng lớp lớp thập giá mà người ta thấy trong các nghĩa trang Kitô giáo. Thánh giá được cắm lên trên mộ là biểu hiện của chiến thắng huy hoàng nhất mà con người có thể đạt được. Chiến thắng ấy huy hoàng nhất bởi vì mọi sự sẽ qua đi, duy chỉ có tình yêu mới vĩnh viễn tồn tại mà thôi.

 

Lạy Chúa, trong tất cả mọi sự, xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị của Nước Trời.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page