Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Mối Tình Tri Âm Tri Kỷ

 

Ðể diễn tả mối đồng cảm sâu sắc hoàn hảo giữa hai tâm hồn, người ta nói đó là mối tương giao tri âm tri kỷ. Thành ngữ tri âm tri kỷ dựa trên điển tích tình bạn của hai nhân vật có quí danh là Bá Nha và Tử Kỳ.

Bá Nha có ngón đàn tuyệt kỷ, bộc lộ được những tâm tình uẩn khúc, những suy tư tinh tế về thế thái nhân tình. Song hình như chưa từng có ai cảm nhận được điều đó khi thưởng thức âm nhạc của nhà nghệ sĩ tài hoa.

Tới một đêm trăng sáng kia, lúc Bá Nha đang thả thuyền dọc theo dòng nước bạc và trao gởi tâm hồn mình theo tiếng nhạc du dương réo rắt, thì bỗng chiếc đàn ông đang gẩy bị đứt dây. Bá Nha vui mừng vì biết đã có ai đó cảm được tiếng tơ lòng của mình. Và thế là Bá Nha hội ngộ với Tử Kỳ, người bạn tri âm tri kỷ nghe âm thanh tiếng đàn mà hiểu thấu được lòng mình.

Ðiển tích còn thêm rằng, về sau khi hay tin bạn Tử Kỳ qua đời vì một cơn bệnh, Bá Nha đau đớn gẩy một bản nhạc tế vong linh bạn trong nước mắt rồi đập vỡ chiếc đàn than rằng:

Từ đây đâu còn ai trên đời này còn có thể cảm nhận được tiếng đàn của mình nữa!

 

Chúng ta biết biến cố nước hóa thành rượu ngon tại buổi tiệc cưới Cana, một chi tiết thật thú vị và đầy ngụ ý trong câu chuyện này, đó là mối đồng cảm sâu xa thâm trầm giữa Ðức Giêsu và Thánh Mẫu Người.

Khi Ðức Maria cho con trai yêu dấu của Người hay sự thể đang gây bối rối cho đôi tân hôn vì "họ hết rượu rồi", thì phản ứng của Ðức Giêsu sao mà thờ ơ, sao mà vô tình quá: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?" lại còn như vẻ muốn phủi tay: "Giờ của con chưa đến".

Thế nhưng đó là những gì kẻ ngoại cuộc có thể nhận xét và suy đoán được, mà hiển nhiên là không đúng với thực tế của điều đang diễn tiến sâu xa trong hai Trái Tim, hai Tâm Hồn của người trong cuộc, của Mẹ và Con. Bởi lẽ chỉ có một tâm hồn lúc nào cũng sắp sẵn trong suy niệm, trong khiêm nhu, kiên nhẫn và nồng nàn như Ðức Maria mới có thể cảm nhận với niềm tin và tình yêu thâm sâu Lời của Ðấng Thiên Chúa Hằng Sống và Trường Cửu.

Quả vậy, Ðức Maria đã cảm nhận được, đã thưởng thức được, đã tri âm được cung giọng du dương ngọt ngào qua Lời Con Mình nói. Ðức Mẹ đã vui mừng đón nhận và truyền đạt cho loài người sứ điệp của Ðấng Cứu Thế: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

Vâng, đây chính là cốt lõi của đức tin Kitô Giáo, là chỉ nam của đời sống đạo cho mỗi Kitô hữu, là chuẩn mực của việc Phụng Tự Hội Thánh đang cử hành: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

Trực diện với thực tại Linh Thánh, người phàm có nhiều thái độ khác nhau. Tổ phụ Abraham phải rào trước đón sau, mặc cả vòng vo để xin Chúa dung tha cho một nhóm bà con thân thích khỏi bị hủy diệt trong vụ Thành Sođom và Gomôra. Tổ Phụ Giacóp cố vật lộn với Thiên Chúa thâu đêm suốt sáng để nài cho được điều khẩn nguyện. Vua Acáp thì sợ hãi, vội vã khước từ lời gợi ý của Thiên Chúa: "Không dám đâu, con không dám xin như vậy, con không muốn thử sức Giavê Ðức Chúa".

Chìa khóa đời sống tôn giáo theo sứ điệp Tin Mừng chính là ở đây, không phải con người nỗ lực uốn nắn, lèo lái Thiên ý, hoạch định cho Thiên ý một đường hướng, một chương trình dựa theo sự khôn ngoan, tính toán của phàm nhân, nhưng phải là cố gắng thuận theo Thiên ý: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời".

"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Ðơn giản quá, dễ dàng quá, hồn nhiên quá, gần gũi quá, mà cũng kỳ diệu quá, quyền năng quá và hiệu nghiệm quá. Sự yếu đuối, giới hạn, mọn hèn vô thường của con người đã trở thành sức mạnh vạn năng, vô biên, thánh thiêng và trường cửu khi biết tựa nương vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Chúng ta hãy vũng tin và khiêm tốn đặt tất cả đời mình, số phận mình trong tay Thiên Chúa, Ðấng là chủ của lịch sử, của mọi sự vận hành vũ trụ.

Giữa mắt chúng ta như đang bị chìm ngập gần như không còn lối thoát trong bao lo âu toan tính, sợ hãi và tuyệt vọng khi cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội và kể cả đời sống tâm linh gần như ra nhạt nhẽo, vô vị, hết máu, hết cảm hứng. Ðôi khi lời cầu nguyện chậm được đáp ứng, không nên coi đó là sự thờ ơ hay khước từ của Thiên Chúa, song đúng hơn phải coi đó là dấu chỉ, là lời mời gọi để tâm và ý phàm nhân được tôi luyện và thanh tẩy: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Rồi điều kỳ diệu và phép lạ sẽ xảy ra như đã từng làm nước lã hoá thành rượu ngon.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page