Nhà văn Dương Thu Hương
ở Hà Nội nói về chuyến đi Việt Nam của Clinton.
WESTMINTER -- (Ðặc biệt của Kicon - Nov.14.2000 ? http://kicon.com ) -- Chiều thứ Năm, 16 tháng 11/2000, tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sẽ đến Hà Nội mở đầu chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài ba ngày tại Việt Nam. Nhân dịp này, Kicon đã điện thoại về Hà Nội phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương.
Nhà văn Dương thu Hương, nổi tiếng không những về những tác phẩm như Thiên Ðường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Khải Hoàn Môn, mà còn do thái độ can đảm và thẳng thắn phê bình giới lãnh đạo Hà Nội. Bà từng bị chế độ Cộng Sản Việt Nam giam giữ gần một năm và công an còn đe dọa nghiền nát bà như tương. Hiện nay, Dương Thu Hương bị công an theo dõi thường xuyên. Bà không được phép xuất ngoại, và mọi giao tiếp cũng như liên lạc thư từ của bà đều bị kiểm soát gắt gao.
Sau
đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn do biên tập viên Ðinh
quang anh Thái thực hiện:
- Kicon: Với tính cách là một người dân đang sống tại
Hà Nội, và hơn thế nữa là một nhà văn, bà nghĩ gì về
chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vào tháng
ngày thứ Sáu 16 tháng 11/2000 này?
- Nhà văn Dương Thu Hương: Tôi là người đang sống ở
Hà Nội, nhưng tôi lại là người đang sống ngoài xã hội này,
vì tôi là một người phản kháng chứ không phải là một
nhà văn bình thường. Từ năm 1991 đến nay, sách của tôi bị
cấm in và tôi bị cấm làm việc ở xứ sở của tôi. Nói
cách khác, tôi là kẻ bị lưu đầy tại chỗ. Thế cho nên, khi
hỏi cảm tưởng của tôi thì có lẽ nó hơi riêng biệt, không
giống như những nhà văn đang hành nghề và sống trong guồng
máy của nhà nước. Còn nếu như muốn hỏi tâm trạng của một
người phản kháng, một người sống ngoài lề xã hội này,
sống ngoài lề guồng máy của chính phủ này, nhưng vẫn quan tâm
đến dân tộc và đất nước thì tôi phải nói rằng, việc ông
Clinton sang đây là một cơ hội hết sức thuận lợi cho đất
nước này. Trước tiên là cho nhân dân, cho sự phát triển
kinh tế và các mối bang giao với thế giới.
Giữa nước Mỹ và nước Việt Nam có một trang sử hết sức đau buồn. Trang sử đó, tôi nghĩ rằng, về cả hai phía đều có những nhầm lẫn, đều có những điều chưa được thấu hiểu. Bên ngoài, khi nhìn vào cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ rằng có nhiều điều thực sự chưa được thấu hiểu một cách rõ ràng và chuẩn xác. Bản thân nhân dân Việt Nam là những người sống trong xã hội cộng sản, bị thống trị dai dẳng bởi chính sách ngu dân và bưng bít thông tin, nên càng không hiểu tính cách đa chiều hoặc những suy nghĩ của nhân loại, nhất là những góc cạnh khác để nhìn về cuộc chiến tranh đã qua.
Tôi
nghĩ rằng, ông Clinton qua đây, ngoài cái dịp như ông tuyên bố
là phát triển kinh tế và nhân quyền, là hai điểm hết sức
căn bản với người dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng đây cũng
là một dịp để người Mỹ và người Việt Nam nhìn lại cuộc
chiến một cách chuẩn xác hơn, và nhìn lại trách nhiệm của
mình, nhìn lại sự đưa đẩy của lịch sử cũng như sự dấn
thân của họ trong trò chơi đẫm máu và buồn thảm đó. Hai
bên đều có phần đáng buồn, đáng tiếc và để tìm ra chân
lý thì đây là một cơ hội tốt để những người Việt Nam
nào còn suy nghĩ một cách chính xác về tương lai của dân tộc
thì sẽ nhìn lại quá khứ để mà soi rọi lại, đánh giá lại
tất cả những giá trị mà vẫn đinh ninh là đúng. Bởi vì tôi
vẫn nghĩ rằng tất cả mọi sự đinh ninh đều mang sẵn những
sự nhầm lẫn.
- Hỏi: Trong trường hợp có sự gặp gỡ giữa bà và
nhân vật lãnh đạo Hoa Kỳ, bà sẽ nói gì với tổng thống
Bill Clinton?
- Nhà văn Dương Thu Hương: Tôi sẽ nói với ông Clinton
đúng như những gì tôi đã từng nói với các nhà báo quốc
tế. Bởi vì tôi là người không có tham vọng chính trị, có
nghĩa là không bao giờ tôi mơ ước làm một chức sắc gì
cả, cho nên các chức sắc đối với tôi thì họ cũng bình
thường thôi. Tôi không thấy gì quan trọng cả.
- Hỏi: Về phương diện nhân quyền tại Việt Nam, nếu gặp
tổng thống Bill Clinon, bà sẽ phát biểu như thế nào?
- Nhà văn Dương Thu Hương: Tôi sẽ phát biểu đúng như
tôi đã nói với các nhà báo quốc tế rằng, vấn đề nhân
quyền là vấn đề số một của Việt Nam hiện giờ. Tình trạng
tăm tối mùa lòa về thông tin, rồi cái quá trình sống mà
chưa bao giờ được trải nghiệm bài học về dân chủ, rồi
một cái lịch sử dài tăm tối bị những cái gọi là "chân
lý", tức là những cái ý kiến, những quan niệm do nhà
nước áp đặt, tất cả những cái đó đã trở thành một
hệ thống tư tưởng, một hệ thống nhận định tăm tối và lệch
lạc. Phải có một cơ hội rõ ràng và chuẩn xác để cho người
ta nhìn lại. Mà muốn như thế thì phải có dân chủ và dân
quyền. Vì vậy, tôi nghĩ chuyến đi của ông Clinton mà ông ấy
đã nói với các nhà báo là có hai mục tiêu (nếu tôi không
lầm) là thứ nhất là phát triển kinh tế và thứ hai là củng
cố cho một dân tộc chưa hiểu nhân quyền, chưa được hưởng
nhân quyền có cơ hội hiểu biết và đòi nhân quyền, chuyến
đi này rất là quan trọng, vì nó sẽ là cơ hội rất tốt để
cho nhiều người Việt Nam so sánh giữa một người lãnh đạo
ở một nước tự do với những nhà lãnh đạo của một hệ
thống cộng sản. Cộng sản là sự pha trộn giữa một chế độ
độc tài và chế độ phong kiến. (Courtesy of Kicon.com)